SỬ HỌC VÀ TINH THẦN SỬ VIỆT

Hồn lịch sử sống trong dây nguyện ước 

Vẫn chu lưu tồn tại há phong sương
Bừng tỉnh ngộ bằng đồ thư đất nước
Kín uyên nguyên sâu thẳm đáy cửu trường
Thái Địch
Phải biết dân tộc bằng đời sống lịch sử.
  Sống về mồ về mả 
Không ai sống về cả bát cơm
Chúng ta thường hiều sai lầm phương ngôn trên nảy sinh từ khoa phong thủy để đất để cát. Nếu đem ghép liền với câu:
Mồ cha không khóc khóc đống mối
Mồ mẹ không khóc khóc bối bòng bong
thì sẽ thấy rằng đó là căn bản ý thức lịch sử của người Việt. Trong cuộc đấu tranh để sống, không chỉ dành bát cơm manh áo cho sinh mệnh cá nhân mà còn điều quan trọng hơn là bảo vệ mồ mả. Mồ mả không có nghĩa là ba thước đất vùi chôn một xác người đã tận số trần gian. Mồ mả đây là anh linh tiên tổ hay anh linh lịch sử. Cho nên suốt dòng lịch sử Việt, cái thất bại chính trị lớn nhất bao giờ cũng là chuyện:
Rước voi về dầy mồ
từng xảy ra cuối đời nhà Hồ, đời Lê mạt và đầu triều Nguyễn Gia Long.
Lịch sử là gì?
Tri thức của loài người tuy nói rằng còn ngàn vạn cửa mênh mông không bến bờ nhưng nếu thu lại cũng chỉ còn hai loại:
- một thuộc tự nhiên, và
- một thuộc nhân văn
Tự nhiên từ buổi khai thủy chỉ thuần là vật chất, rồi do sự đào dã tự nhiên mà thành ra có sinh mệnh rồi lại do sự đào dã của sinh mệnh mà sản sinh tâm linh, từ tâm linh sản sinh thành lịch sử.
Lịch sử tức là nhân sinh, toàn bộ nhân sinh và toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh. Bản thân lịch sử là tất cả những kinh nghiệm dĩ vãng. Dùng văn tự ghi chép hoặc gìn giữ những kinh nghiệm dĩ vãng để cho người đời sau liễu giải tìm về nhận thức những việc đời trước gọi là sử học. Phải suy xét gốc ngọn, tìm tòi căn nguyên những việc đã qua để hiểu rõ những vận hội tri loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung kim cổ cho người cả nước được đời đời coi vào đấy mà biết sự sinh hoạt cùa người trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này. (Trần Trọng Kim- Việt Nam sử lược).
Nghiên cứu và liễu giải sử học như vậy không phải chỉ để bảo lưu kinh nghiệm nhân sinh mà còn để phát huy giá trị cùng ý nghĩa trọng đại của lịch sử truyền tới hậu thế, căn cứ vào đó mà chỉ đạo tương lai bởi vì lịch sử không phải là một thứ dĩ vãng chết mà là dĩ vãng đã đúc kết thành tinh thần kiên cố và những sức mạnh tối linh (Force obscures) vượt khỏi tầm với của lập luận “logique” tầm thường. Nếu không vượt khỏi tầm của lập luận “logique” tầm thường hỏi làm sao vua Quang Trung sau khi nghe bọn Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm dâng lời chịu tội kể chuyện quân Tầu thế mạnh sợ đánh không nổi nên phải lui thì cười mà nói rằng:
“Chúng sang phen này là mua cái chết cả đó thôi. Ta chuyến này thân coi việc quân đánh giữ đã định mẹo rồi, đuổi quân Tầu về chẳng qua mười ngày là xong việc”.
Vấn đề quan trọng chỉ ở chỗ có vận dụng hay không vận dụng được sức mạnh lịch sử. Vậy thôi. Cái “logique” tầm thường ấy đã từng được nhân dân Việt trả lời bẳng thần thoại: Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương. Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” kể:
“Về đời Hùng Vương thứ sáu thiên hạ thái bình, dân gian sống yên vui, vua không đem lễ vật triều cống nhà Ân bên Tầu. Bạo chúa nhà Ân thấy vậy, mượn cớ đi tuần thú nhưng ngầm mang quân sang cướp nước Nam.
Vua Hùng Vương lo sợ, vời quần thần vào hỏi kế đối phó, có người tâu: “Bệ hạ nên kêu khấn với Long quân để ngài giúp mới xong”.
Vua nghe lời lập đàn cúng tế ba ngày đêm. Bỗng trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm mưa như trút nước. Có một ông cụ già mặt mũi to lớn, đầu râu bạc trắng cao đến 9 thước ngồi ở ngã ba đường vừa cười vừa nói, ngâm hát múa may.
Ai trông thấy cũng cho làm lạ mới báo cho vua hay. Vua thân hành ra mời ông cụ ấy và dâng cơm rượu thết đãi. Ăn xong, ông cụ ấy chẳng nói câu gì. Vua mới hỏi:
- Sắp có giặc Bắc xâm phạm nước Nam, được thua thế nào xin cụ dạy bảo cho.
Ông cụ lâu mãi mới nói rằng:
- Sau ba năm nữa, giặc Bắc tất kéo đến đây. Nhà vua nên tìm khắp cả thiên hạ mà cầu lấy người kỳ tài phá được giặc. Nếu được người giỏi mà phá giặc thì không khó gì nữa.
Nói đoạn ông cụ bay vụt lên trời biến mất.
Vua hiểu ông cụ đó tức là Long quân giáng hiện.
Vừa đúng ba năm, quan quân trấn giữ biên ải cáo cấp về triều có giặc Ân kéo tới. Vua liền cho người đi khắp nước tìm người dẹp giặc.
Bầy giờ ở làng Phù Đổng huyện Võ Ninh có một nhà hiếm hoi sinh độc một đứa con trai mà khốn nỗi nó đã bốn tuổi mà chưa biết nói, không ngồi đứng được chỉ nằm ngửa. Khi sứ giả nhà vua đến làng ấy, người mẹ cười nói bỡm con rằng:
- Đẻ được một mụn con trai chỉ biết ăn uống, ngồi đứng còn không được thì đánh thế nào được giặc mà lĩnh thưởng vua ban.
Thằng bé nghe vậy, bỗng nhiên bật nói thành tiếng bảo mẹ gọi sứ giả lại đây.
Mẹ nó lấy làm lạ, nói chuyện với chòm xóm. Ai ai cũng khuyên bà ta hãy làm theo lời thằng bé.
Sứ giả đến trông thấy nó bé bỏng hỏi:
- Tiểu nhi kia, mày còn nhỏ mới bập bẹ, gọi ta đến làm gì?
Thằng bé ngồi dậy bảo với sứ giả rằng:
- Mau về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 trượng, một thanh kiếm dài bảy thước, một chiếc nón sắt đem lại đây cho ta. Giặc đến trông thấy ta tự nhiên phải sợ mà chạy, nhà vua chẳng cần phải nhọc công lo lắng.
Sứ giả mừng rỡ về tâu với vua. Vua vui sướng bảo đám quần thần:
- Đây là Long quân cứu ta đây.
Rồi hối hả sai thợ rèn đúc ngựa sắt, kiếm sắt sai người đem lại đưa cho thằng bé làng Phù Đổng.
Sứ giả sắp tới nơi, người mẹ ở nhà lo lắm, chỉ sợ con nói xằng bậy thì vạ lây đến cả nhà.
Thằng bé cười ầm lên nói rằng:
- Mẹ cứ kiếm rượu thịt cho nhiều để con ăn uống còn việc đánh giặc mẹ khỏi phải lo.
Thằng bé từ đấy ăn mỗi ngày một lớn, cơm mẹ kiếm không đủ cho con, nên xóm giềng phải xúm vào kẻ đỡ tiền người cho thóc, người dâng rượu thịt, thế mà thằng bé ăn vẫn không đủ.
Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn thì sứ giả đem ngựa kiếm đến nhà giao cho thằng bé. Gặp sứ giả, nhận đủ đồ binh giáp, nó bỗng đứng lên vươn vai mạnh một cái, mình liền cao vọt hơn mười trượng, ngẩng mặt lên trời gầm vài mươi tiếng, rồi rút thanh trường kiếm khỏi vỏ, nhảy lên mình ngựa sắt, chân đạp vào mình ngựa, ngựa hét ra lửa mà phóng chạy như bay.
Phù Đổng trỏ gươm đi trước quan quân kéo theo sau, tiến sát đến trại giặc. Giặc bày trận dưới chân núi Châu Sơn, ngài xông vào trận đánh giết một hồi lâu, gãy mất cả kiếm, mới lấy tre mọc bên đường nhổ cả tảng mà quật vào đám giặc. Quân giặc tan nát tựa hồ đất lở ngói tan, tranh nhau lạy phục xuống đất xin hàng”.
Thằng bé làng Phù Đổng chính là lực lượng tối linh nung luyện bởi kinh nghiệm dĩ vãng của lịch sử. Long quân là tri thức để vận dụng sức mạnh tối linh kia.
Bằng ấy thứ đánh bạt hẳn cái “logique” tầm thường cho rằng một nước nhỏ đánh với một nước quá lớn thì khác chi chuyện châu chấu đá voi. Nhờ đó, lịch sử Việt đã lập nên những đại công mà văn chương bình dân ca tụng với vẻ ngạo nghễ đầy tự tin:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngả ai ngờ xe nghiêng
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm
Có người hỏi quá khứ nhân sinh trên lịch sử làm sao diễn lại một lần nữa được? Quang Trung, Lê Lợi, Gia Long đã đi hẳn vào quá khứ không thể có Quang Trung, Lê Lợi, Gia Long nữa. Việc cũ xong, chúng ta nên hướng về phía trước mà tìm kiếm những điều mới. Lịch sử đã thành quá khứ làm sao chúng ta có thể dựa trên quá khứ để chỉ đạo tương lai?
Câu hỏi nêu lên một vấn đề trọng đại.
Thời gian trên lịch sử khác hẳn với thời gian thường nói hôm nay ngày mai. Thời gian của lịch sử qua đi, ta có thể bảo rằng nó chưa thật sự quá khứ, và vị lai lịch sử, ta có thể bảo rằng vị lai ấy đã từng đến rồi vậy. Thời gian của lịch sử mang tính chất miên diên (dắt dây kéo dài) trong chớp mắt của biến hóa lịch sử đã cô đọng thành một đặc thù tính (sự ngưng đọng này xây dựng nên tinh thần sử và dân tộc tính). Nói cho dễ hiểu hơn, tỉ dụ: giáo sư giảng bài, những lời giảng của giờ trước ảnh hưởng đến lời giảng của giờ sau. Nếu coi giờ giảng trước là hoàn toàn quá khứ thì ta sẽ chẳng hiểu những lời giảng sau.
Thành Lục Niên gai liếc kiếm rùa thần
Bóng ngàn u thiên nhận dấn kinh luân
Vua Lê Lợi một bữa ngự thuyền rồng chơi trong hồ Tả Vọng, bỗng thấy một con rùa to lớn bơi trên mặt nước, ngài cầm thanh kiếm thần bắt được khi trước mà chỉ xuống, không ngờ bị con rùa ấy đớp lấy rồi lặn mất, vua Lê mới đổi hồ Tả Vọng bằng tên hồ Hoàn Kiếm nghĩa là trả kiếm trời.
Tích bắt được thanh gươm báu đến việc rùa thần đòi gươm báu lặn xuống hồ chính là một hình ảnh triết lý sử diễn tả sự liên hệ miên diên giữa quá khứ với vị lai trên thời gian của sử. Quá khứ vị lai là thanh thần kiếm, rùa thần là vận động lịch sử. Lê Lợi là anh hùng lịch sử. Do rùa thần mà quá khứ với vị lai cùng anh hùng sử xanh quấn quít nhau thành:
Một vòng không đáy đáy sinh người
Ngoảnh lại trông đi mấy việt khơi
Thường vậy vô danh văng vẳng
Mà nay hữu thực bời bời
Lịch sử giảng dạy cho chúng ta kinh nghiệm và sự nghiệp nhân sinh. Sự nghiệp bao giờ cũng bền bỉ lâu dài cho nên phàm đã thuộc sự kiện lịch sử thì tất phải là sự kiện có tính chất trì cửu nối liền quá khứ với hiện tại và vươn qua tương lai.
Nghiên cứu lịch sử tuyệt đối không chỉ nghiên cứu quá khứ của sự kiện mà thực là căn cứ vào quá khứ để hiểu hiện tại và tương lai đi theo một tinh thần lịch sử nhất quán.
Người nào đó đặt chân tại Cao Ly, quốc gia bị Nhật Bản đô hộ non trăm năm, những điều người ấy nhìn thấy không phải chỉ là Hàn Quốc ngày nay, còn cần nhìn thấy vết tích 100 năm đô hộ Nhật Bản nữa. Nếu không biết lịch sử 100 năm đô hộ kia tất sẽ không thể hiểu tường tận Hàn Quốc ngày nay. Mới non 100 năm đã ảnh hưởng đến thế huống chi cả chuỗi dài lịch sử mấy ngàn năm.
Nói gì xa xôi, một người nào đó ở bệnh viện chừng ba năm không liên lạc tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Lúc ra, cầm tờ báo đọc mười việc thì có đến chín việc không hiểu. Chẳng phải vì đã quên mất văn tự, chính bởi tại đã cắt đứt với dòng lịch sử cho nên khi không rõ quá vãng ra sao đương nhiên cũng khó biết được hiện tại. Chứng tỏ rằng cái hiện tại bây giờ là một mặt của lịch sử, theo diễn biến của toàn bộ lịch sử triển khai tích lũy mà thành.
Lịch sử là sinh mệnh, sinh mệnh không thể nửa đường gián đoạn, nói sinh mệnh hôm nay chẳng dính dấp chi đến sinh mệnh hôm qua thì thật khó nghe. Sinh mệnh hôm nay chẳng qua chỉ là tầng bình diện của một đoạn thời gian được khai triển tích lũy từ một sinh mệnh quá vãng. Tỉ dụ đơn giản: giả thử không có biến động lịch sử 1954 chia đôi đất nước, chắc hẳn miền Nam không có bộ mặt như bây giờ, chắc hẳn còn cả triệu người chưa biết miền Nam là gì? Sinh mệnh dĩ vãng như vậy đã không hề qua đi, vì qua đi kể như là chết, nhưng sinh mệnh lại không thể chết, quá khứ, hiện tại tương lai sống mãi trong nó.
Tìm hiểu lịch sử xin hãy tìm hiểu qua ý nghĩa trên.
Sách “Trung Dung” của Khổng Khâu có câu:
“Sở quá giả hóa, sở tồn giả thần”
Tất cả qua đi đều được biến hoá để bảo lưu lại một cái “Thần”.
Quá khứ lịch sử đều đã hóa, hóa đi để tạo thành hiện tại, đem cái thần đó cho hiện tại rồi lịch sử hôm nay đều cũng sẽ phải hóa đi để tạo thành tương lai, đem cái thần đó cho tương lai.
Đấy dòng nước băng băng chảy mãi
Chớp bể mưa nguồn nào có ngơi
Cái thần ấy là tinh thần lịch sử chảy như dòng nước còn mãi mãi như chớp bể mưa nguồn. Có tinh thần này thì mới hình thành lịch sử. Nếu quá khứ buột đi không tồn lưu thần cho hiện tại tức là quá khứ vô sinh mệnh, không mang ý nghĩa lịch sử và giá trị lịch sử. Tôn Thất Thuyết bỏ vua lập vua, tranh quyền tranh lợi, những hành động ấy làm gì có ý nghĩa và giá trị lịch sử. Nhưng Tôn Thất Thuyết nửa đêm nổ súng đánh Tây thất bại chạy sang Tầu hóa điên, hằng đêm uống rượu mài gươm chém đá lại là hành động có ý nghĩa và giá trị lịch sử vì cái “thần” muốn tuyết quốc sỉ.
Thẹn đất nước dưới chân giầy uế sú
Người Lâm Thao Bến Ngự luống tâm cơ
Mà bướm hồn, xuân nửa não lòng thơ
Để đàn nhạn Cô Tô đài thoi thóp
Giả thử chỉ có ngày hôm nay mà không có ngày mai thì cũng chẳng có luôn giá trị luôn cả ý nghĩa lịch sử. Hôm nay phải có ngày mai thì hôm nay mới là hôm nay của lịch sử. Ý nghĩa nhân sinh ở đấy, giá trị nhân sinh cũng ở đấy.
Lịch sử là cái gì từ quá khứ thẩm thấu vào hiện tại rồi trực đạt đến tương lai. Như A. Pazzi viết: “Trên khuôn mặt người Việt Nam có cả vết hằn lịch sử của họ. Các vết hằn ấy ở khóe môi, ở vừng trán, ở trong ánh mắt nụ cười, ở trên màu da và trong tiếng nói”. Thời gian lịch sử khác hẳn với một giây một khắc qua đi là qua dứt của thời gian vật lý.
Phần sinh mệnh nói đây không phải là sinh mệnh tự nhiên mà là sinh mệnh lịch sử, không phải là sinh mệnh vật chất mà là sinh mệnh tinh thần. A. Pazzi viết: “Khuôn mặt người Việt Nam là do quá trình gian khổ của dân tộc họ làm thành và sức quật cường lớn lao của dân tộc họ tạo nên. Cặp mắt họ biết quắc mắt nhìn giận dữ mà không tàn bạo, đôi môi họ biết mím chặt căm hờn mà không ác tâm”.
Một người cho dù có thọ lắm chẳng qua sống được 90 hay 100 tuổi. Đó chỉ là một sinh mệnh tự nhiên.
Nhưng một quốc gia, một dân tộc có thể có đời sống sử xanh cả nhiều ngàn năm. Đó mới là sinh mệnh văn hóa, sinh mệnh tinh thần hay sinh mệnh lịch sử.
Văn hóa tinh thần, lịch sử, dân tộc, ba danh từ cùng chung một thực chất. Dân tộc không tồn tại tự nhiên vì tự nhiên chỉ có thể sinh dục loài người không thể sinh dục dân tộc. Người Việt Nam phải có một tâm linh Việt, một tinh thần Việt mới thành người Việt Nam được. Tâm linh và tinh thần ở đâu ra? Do văn hóa lịch sử dân tộc nung đúc thành, không thể tự nhiên mà có. Khả dĩ đưa ra một định nghĩa như sau: “Người tự nhiên dung hợp với văn hóa lịch sử mới xây dựng thành dân tộc. Vậy văn hóa, lịch sử, dân tộc tuy ba danh từ nhưng cùng chung một thực chất”.
°
“Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, sông phải cạn.
Đánh một trận sạch không kinh ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.
Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi
Hoàng Phục tự trói để ra hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường
Xương Giang Bình Than máu trôi đỏ nước”.
Mấy câu trong bài “Ngô Ngô đại cáo” nhưng cũng là tinh thần Sử Việt ngàn đời. Lịch sử các dân tộc trên thế giới. từ hồng hoang đến nay, có 4 loại tinh thần nguyên hình (prototype)::
a) Tinh thần hòa đồng (harmonieux
b) Tinh thần tu ẩn (ascétique)
c) Tinh thần anh hùng (héroique)
d) Tinh thần cứu thế (messiaque)
Tinh thần hòa đồng tìm thấy trong đạo Khổng, trong các nhân vật sử của Homère hay trong tâm hồn người theo thiên chúa giáo ở thời kỳ “gothique” quan niệm vũ trụ là một khối thái hòa, con người hãy tan biến vào khối tái hòa đó mà sống đừng cố gắng bắt vũ trụ chung quanh phải theo ý mình, cứu cánh là đi đến một thế giới thái hòa (harmonie du mande).
Tinh thần tu ẩn tìm thấy trong Ấn Độ giáo, trong triết lý Hy Lạp phái tân Plato (néo-platonicien), trong đạo Tiên của Lão Trang, quan niệm cuộc đời là sự lầm lạc, hãy tránh sự lầm lạc đó mà đưa ta tới cõi thanh thản huyền vi, hãy xuất thế diệt dục với không một tham vọng chấn chỉnh sửa đổi, cứu cánh là chối bỏ thế gian (renoncement au monde).
Tinh thần cứu thế tìm thấy trong giáo lý của Thiên Chúa giáo ở thời kỳ phát đoan, trong tư tưởng dân Slave (Nga quốc) và tinh hoa Hồi Giáo với cứu cánh muốn đem cho trái đất một trật tự siêu việt (ordre supérieur) hoặc phi phàm (divine).
Tinh thần anh hùng tìm thấy trong hình ảnh vị thần Prométhée của thần thoại Hy Lạp, kẻ ăn cắp lửa trời cho xuống nhân gian, trong thời La Mã đế quốc, trong đa số triết gia Đức hiện thời và cũng trong hai câu thơ của Lý Thường Kiệt:
Cớ sao giặc dám hoành hành
Rồi đây bay sẽ tan tành cho coi
(Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư)
quan niệm cõi đời là một cuộc trường kỳ đấu tranh, hãy đem sức ra để tồn tại.
Tinh thần sử Việt là tinh thần anh hùng đấu tranh bám chặt lấy đất nhưng không ngước nhìn lên trời như tinh thần cứu thế. Người Việt có thể tôn kính Khổng học nhưng nhất quyết không chấp nhận tinh thần hòa đồng với giống Hán, gọi người đàn bà Việt lấy Tầu là thằng Ngô con đĩ, người Việt có thể sùng bái và cúng tế Phật đạo, tôn trọng nhà tu hành nhưng luôn luôn bài bác cái chuyện đi ở chùa. Lý Công Uẩn ở chùa Ứng Tâm, hàng ngày đem oản lên cúng Phật, Uẩn thường khoét ruột ăn trước. Long thần thấy vậy báo mộng cho nhà sư trụ trì, nhà sư mắng Uẩn. Khi biết việc Long thần mách lẻo, Uẩn liền tới đánh vào cổ Long thần ba cẳng, viết trên lưng Long thần mấy chữ “Lưu đày đi ba ngàn dặm”. Long thần phải khóc xin nhà sư vận động với Uẩn mới yên.
Tích Lý Công Uẩn cho thấy cái giá trị con người lãnh đạo thế tục cao gấp bội thần thánh và tu hành. Đến ngay như vị đại cao tăng đời Lý là Từ Đạo Hạnh tu thành chính quả mà vẫn trở lại kiếp đời là vua Thần Tôn.
A. Pazzi viết: “Nếu người ta quay trở lại khởi điểm để thấy người Việt từ lúc vùng dậy ban đầu với những vũ khí thô sơ, những gậy tầm vông và giáo mác thì người ta sẽ hiểu rõ hơn nữa sức tiềm tàng nơi họ phi thường như thế nào. Những kẻ thù vốn tự hào là hùng mạnh nhất của dân tộc Việt không thể nhìn thấy điều ấy. Làm sao mà nhìn thấy được khi cái ý chí bất khuất của dân tộc Việt bắt nguồn từ trong lịch sử ngàn xưa, thấm sâu ở trong xương tủy, chan hòa trong máu huyết, bàng bạc trong niềm kiêu hãnh vô biên của một giống nòi không chịu sống trong tủi nhục, luôn luôn có sự gắn bó mãnh liệt vào mảnh đất quê hương, vào di sản của dân tộc, di sản đau thương mà rất kiêu hùng”.
Kiêu hùng như tiếng thơ sang sảng của Trần Quang Khải ngất ngưởng ngâm giữa bữa tiệc khao quân sau khi đã phá tan quân Mông Cổ:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái Bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Văn hóa, lịch sử và dân tộc để được tồn tại đời đời phải đấu tranh trên hai mặt: vừa trì tục vừa biến hóa.
Nhất tại cầu kỳ biến
Nhất tại cầu kỳ cửu
Vừa nghe như có vẻ mâu thuẫn, đã biến hóa thì làm gì còn trì tục (tiếp nối gìn giữ) và ngược lại. Tự nhiên giới hơi đã biến thành nước tất thể hơi hoàn toàn tiêu diệt. Văn hóa sinh mệnh khác hẳn, trong trì tục có biến hóa, trong biến hóa có trì tục. Giảng lịch sử hay làm lịch sử phải nắm vững được quy luật “cầu biến cầu cửu” mới khỏi làm mất ý nghĩa lịch sử và tiêu diệt mệnh sử.
Năm 1921, phong trào vận động văn học, nhà sử học gọi bằng phong trào “Ngũ Tứ” (vì nó phát khởi nhằm ngày 4 tháng 5) do nhu cầu biến quá mạnh nên phong trào mới thành quá khích với những lời thống mạ lịch sử:
- Trung Quốc nhân hai ngàn năm nay toàn nô lệ tính.
- Đả đảo bọn Khổng học (Khổng gia điếm)
- Tội ác ở tên Khổng Tử
- Toàn ban Tây hóa (hãy Tây hóa suốt lượt)
(Sau này khi tình trạng bồng bột của huyết tính ngàn xuống, mọi người mới nhận thấy cái nộ khí ấy thật là điên, dấu hiệu của tuyệt vọng).
Việt Nam tuy cũng ở vào hoàn cảnh tương tự, hơn nữa Khổng học còn là thứ học vay mượn mà không có phong trào chối bỏ lịch sử điên đến như vậy. Người Việt không hề bị văn minh Tây phương nắm cổ mình dù rằng nó đã làm cho người Việt thất trận. Trước sau thằng Tây vẫn là giặc cướp nước sao lại Tây hóa làm gì? Học Tây có thể được nhưng Tây hóa tuyệt đối không. Cho nên tất cả phong trào do âm mưu của giặc muốn hóa nhất loạt đều bị xa lánh chửi rủa, ngoại trừ một số vong quốc nô hí hửng tham dự, rốt cuộc rồi cũng đi tới chỗ vui đấy bao nhiêu nhục bấy nhiêu.
Ngày Tây tưởng niệm hải quân đại tá Henri Rivière, bắt người Việt dự lễ, ngày ấy bài văn tế Rivière được sáng tác bí mật truyền tay nhau đọc:
“Hỡi ôi! Ông ở bên Tây. Ông qua bảo hộ. Cái tóc ông quăn. Cái mũi ông lõ. Đít ông cưỡi lừa. Miệng ông huýt chó. Lưng ông mang súng lục liên. Chân ông đi giày có mỏ. Ông dẹp cờ Đen. Để yêu con đỏ. Ai ngờ. Nó bắt được ông. Nó chặt mất sỏ. Cái đầu ông đâu? Cái đít ông đó. Khốn khổ thân ông. Đéo mẹ cha nó. Nay tôi có. Cau một buồng. Xôi một chõ. Rượu một ve. Trứng một ổ. Vâng lời quan trên. Cúng ông một cỗ. Mời ông xơi cho. Ông ăn cho no. Ông nằm cho yên. Ô hô thượng hưởng”.
Tây là Tây, Việt là Việt. Tây tóc quăn, mũi lõ, miệng huýt chó, đi giày có mỏ. Việt vẫn giữ nếp cau một buồng, xôi một chõ. Rivière chắc không dễ dàng gì ăn được những thứ đó. Phải ngăn cách để khỏi bị đồng hóa để hoàn thành mặt đấu tranh gìn giữ lâu bền (cầu kỳ cửu). Tuy nhiên, không vì thế mà người Việt lãng quên mặt đấu tranh cầu biến. Đời sống Việt từ ngày mở nước là một thời gian dài tìm mọi cách hấp thụ cái hay, cái đẹp của người, tài trí hấp thụ tài tình đến độ thường hóa luôn của người làm của mình chứ không để mình hóa ra người. Chữ Hán là một điển hình thứ nhất, học Hán tự nhưng ta có lối đọc riêng và thường gọi là chữ Nho chứ không kêu bằng chữ Hán, rồi lại ghép chữ Hán để biến thành chữ Nôm. Thật là lý thú biết chừng nào khi một người Việt đọc bản “Chinh phụ ngâm” thấy bên trái là những dòng chữ Hán người Việt sáng tác:
Thiếp tâm tùy quân tự minh nguyệt
Quân tâm vạn lý thiên san tiễn
Trịch ly bôi hề vũ long tuyền
Hoành chinh sáo hề chỉ hổ huyệt
lại thấy bên phải là những dòng chữ Nôm, viết giống như chữ Hán nhưng người Hán không đọc được, do người đàn bà Việt dịch:
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Chàng sầu sa tìm cõi thiên san
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
Điển hình thứ hai là tiếng nói Việt Nam đã được La Mã hóa và phát triển thật mau, vất bỏ chữ Nôm không thương tiếc vì tính cách thiếu thuận lợi, không hợp với thời đại.
Đọc “Tế Cấp bát điều” của Nguyễn Trường Tộ qua những đoạn:
“Nước ta thời ngoại thuộc và triều Tiền Lê về trước cũng ví như tuổi thành đồng; từ nhà Trần trở về trước, cũng như tuổi thiếu niên. Kịp đến ngày nay mới thật là lúc tuổi giàu sức mạnh, tức cái thời kỳ đại hành vi, đại hoạt động.
“ … Đến ngày nay mà còn có nhiều người không lãnh hội được cái thế sự biến thiên qua đời xưa và đời nay, mà lại cực lực ngợi khen đời thượng cổ cho rằng đời sau không theo kịp họ, làm gì cũng muốn trở về xưa. Bọn Tống Nho làm cho nước nhà lầm đường và trở thành ủy mị không thể chấn hưng được, cũng vì thế… ”
Các nước Đông phương tuy là thủy tổ của bách nghệ nhưng họ có tính đam mê an lạc, không thích canh cải. Vả ngày xưa họ cũng đã từng uy hành thiên hạ nên họ giàu lòng tự túc, nghĩ rằng thiên hạ không ai hơn mình. Một khi có ngoại địch thốt đến thì họ cho là nhân vật kỳ dị, trí xảo kỳ dị mà không biết rằng cơ xảo ngày nay của nó đều là những thừa thãi của Đông phương chúng ta ngày trước. Chúa Tạo Vật đã đem cái đó cho chúng ta trước mà chúng ta chưa dùng được một cách tận thiện, thì lại do chúng ta, sự chúng ta gây vạ cho họ mà đem trao cái đó cho họ. Họ nhận được cái thừa của ta thì cho là rất quí, ngày ngày trau dồi cho thật tinh xảo rồi trở lại đem bán cho chúng ta để kiếm lợi to. Nhưng đại phàm một vật đã phát triển đến chỗ cùng tột, thì phải trở. Cổ lai không có cái luật gì là bất khả phá. Không ngoài trăm năm nữa thì các nước Đông phương cũng sẽ dùng cái đó mà thắng họ… Người Tây phương là kẻ buôn trí xảo, nếu ta biết mua nó một cách khéo léo thì không lâu của họ sẽ chuyển thành của ta… Lấy trí lực của ta vốn có lại đem cái trí lực mua được nơi họ mà thêm vào. Trí xảo của họ sẽ cũ dần mà trí xảo của ta thì đổi mới. Đem hai trí địch một trí, lẽ nào không thắng?
Mới chỉ tiếp xúc với Tây phương một thời gian rất ngắn, Nguyễn Trường Tộ đã nhìn thấy nhu yếu cầu biến để tồn tại, ông đi trước cả Minh Trị, Duy Tân của Nhật Bản, trước cả đề nghị biến pháp của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu.
Sau Nguyễn Trường Tộ là ông Nguyễn Lộ Trạch viết tập “Thời Vụ Sách” (1877) gửi đến triều đình, xin trích một đoạn:
“Lấy ta so đọ với chúng (Tây) thì thấy bên yếu bên mạnh rõ ràng như thế. Vậy bàn đến việc đóng tàu thủy thì tốn tiền nhiều quá, bàn đến việc chế súng đạn thì nói việc làm khó quá, nên tìm một phép lạ gì để sáng chế ra thì hơn. Đó cũng giống như chuyện sợ bữa sớm bữa tối phải thổi nấu lôi thôi mà muốn dùng cây cỏ để ăn cho khỏi đói. Nhưng nếu cây cỏ có thể ăn được no thì ruộng đất không bằng rừng hoang mà cày cấy cũng chẳng cần thiết nữa, tàu và súng nếu có thể dùng ảo thuật để chế tạo ra thì hình người gỗ có thể đâm chém, gươn Mạc Gia (?) cũng thành vô dụng. Vậy thì tàu và súng đã không thể dùng phép lạ gì để chế tạo ra được, mà lại không chịu dụng tâm để tìm hiểu nguyên do vì sao mà người ta làm được bền được tốt, nếu sau này có lúc ra đối địch ở chiến trường có lẽ ta sẽ xin chịu nhận mình là thua kém hay sao? Hay là rồi cũng theo lề lối cũ của ta mà chịu để cho xe chạy quáng cờ lướt xuống hay sao? Vả chăng cái mạnh của giặc là vì chúng nó nắm được phương pháp, cái yếu của ta chứa sẵn từ lâu rồi, nếu biết sửa chữa cái nếp yếu hèn đã lâu, cố gắng lo tìm phương pháp vươn lên thì biết đâu không nhân lúc thua này mà làm nên việc?”.
Qua tác phẩm của Nguyễn Trường Tộ, của Nguyễn Lộ Trạch và của đa số những danh nhân học sĩ Việt Nam khác, người ta thấy chung một điểm tinh thần văn hóa anh hùng đi tìm học và nghĩ với mục tiêu đem về cho mình một quyền lực nhưng không coi tư tưởng và học thuật như một động cơ giải phóng của đời sống (Seul l’homme de culture héroique envisage le science ou la pensée comme un facteur de puissance et non comme un facteur de libération).
Đấy cũng là cái lý khá vững để giải thích tại sao nhà Trần lại cướp ngôi nhà Lý rồi phát động phong trào tư tưởng Nho để đánh dẹp tư tưởng Phật đang hồi cực thịnh. Nhà Lý đổ vỡ nhanh chóng vì tinh thần tu ẩn (ascétique) muốn tràn lấn có thể làm tiêu mòn ý chí đấu tranh của dân tộc, tinh thần tu ẩn quá phổ biến đã xóa nhòa phong độ phá Tống bình Chiêm ngày trước.
Người Việt bao giờ cũng hãnh diện và hoài bão tinh thần truyền thống đấu tranh anh hùng.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xé hành
(Tài trai có chí xông trời thẳm
Dẫm vết Như Lai uổng nhọc mình)
hơn là cái cảnh:
Chống gậy non cao rũ bụi đời
Nằm trong mộng huyễn ngắm mây trôi
Quạnh quẽ am mây, ai gõ cửa
Chuông chùa xa lắng dạ khôn nguôi
Để thay thế cho tinh thần tu ẩn ảnh hưởng quá mạnh của đời Lý, Nho phái mới cho đặt câu vè:
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ Cha kình Mẹ mới là chân tu
Và câu ngạn ngữ: “Bụt trong nhà không thờ lại đi thờ Thích Ca ngoài đường”.
°
Trong quan niệm người Việt Nam thì sức mạnh của đất quan trọng hơn sức mạnh của máu, vấn đề thuần túy giống nòi không bằng vấn đề giang sơn gấm vóc. Đôi bàn chân Giao Chỉ còn hay mất không đáng quan tâm bằng bờ cõi bị xâm phạm. Mã Viện dựng cột đồng ở chỗ phân địa giới khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt”, người Giao Chỉ đi qua chỗ ấy ai cũng bỏ vào chân cột đồng trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, đến bây giờ không biết cột ở chỗ nào? Cứ làm thế nào xua giặc ra khỏi bờ cõi đã, không bao giờ để cái đồng trụ phân địa giới đổ. Còn như vấn đề giòng giống máu huyết, trước cả Anh quốc từ mấy ngàn năm người Việt đã bằng lòng nhận làm dân Việt tất cả trẻ sinh trên đất Việt dù cha mẹ nó có thể vẫn giữ quốc tịch gốc, luật “jus soli” ưu tiên hơn luật “jus sanguinis”.
Có những thời kỳ người Tàu tranh đấu chống lại luật trên nhưng cũng chỉ dành được quyền cho đứa trẻ đầu lòng mang quốc tịch bố, từ đứa thứ hai là của Việt. Vào thời kỳ Nam Tiến, luật này được áp dụng chặt chẽ đối với người Tàu theo nhà Minh chống giống Mãn chạy sang nước ta được triều đình cho tham gia chính sách Nam Tiến. Tuy nhiên, không phải vì luật “jus soli” được coi trọng hơn luật “jus sanguinis” mà ý thức luân lý bảo vệ nòi giống không được đặt nặng.
A. Pazzi có nhận xét sau đây:
“Bài học lịch sử của dân tộc Việt là chuyện cô gái Mỵ Châu lấy người ngoài nước tên là Trọng Thủy mà cơ nghiệp nhà vua sụp đổ tan tành, đất nước bị sự lệ thuộc lâu dài. Có lẽ do những phản ứng sâu xa, do những kinh nghiệm lịch sử, người Việt vẫn khinh ghét rất đậm đà tất cả những phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhất là khi nước ngoài ấy thuộc về các dân tộc đã làm phương hại đến quyền lợi vật chất hay tinh thần của họ. Trong ngôn ngữ ngày xưa có câu thành ngữ “Thằng Ngô con đĩ” để chỉ người Tàu và các bà vợ Việt mặc dầu họ vẫn tiếp đón niềm nở văn hóa Trung Quốc và quí trọng nền văn hóa ấy.
Đối với lớp người lấy Pháp, họ vẫn quen gọi bằng tiếng Me Tây và bất cứ người nước nào đến xứ sở của họ và có vợ con như Mỹ chẳng hạn thì các người vợ sẽ đươc gọi bằng Me Mỹ.
Tiếng Me của họ là tiếng gọi rất đặc biệt ngụ ý chỉ trích, khinh miệt hết sức. Tất nhiên chỉ có những người đàn bà gọi là hư hỏng ở trong xã hội Việt Nam mới lấy chồng ở ngoài nước. Cũng có một số con nhà gọi là khá giả, có học nhiều năm ở trường hay du học ở nước ngoài, lấy chồng ngoại quốc và cho đó là dấu hiện văn minh, nhưng xét cho cùng lớp phụ nữ này vẫn bị đa số đồng bào của họ khinh miệt rõ rệt hoặc âm thầm vì họ xem như là mất gốc lạc nòi của một bọn người đã đứt cội rễ. Nếu ta đi sâu thêm một tí nữa thì ta có dịp thấy rõ rằng giữa những người đàn bà hạ lưu trụy lạc đi lấy chồng nước ngoài vẫn cảm thấy sự âm thầm tủi nhục, xót xa hơn là lớp phụ nữ có trình độ học vấn được sinh trưởng trong những gia đình gọi là tử tế. Tại sao những lớp người đàn bà cùng khốn bị đẩy vào thế lấy chồng nước ngoài vì kế mưu sinh lại có ý thức dân tộc hơn là những lớp tự gọi là có học. Điều này chỉ giải thích được như sau: lớp gọi là có học này đã bị văn hóa nước ngoài đầu độc làm cho mất hết ý niệm quốc gia dân tộc của những người Việt yêu nước. Tất nhiên lớp người đàn bà này không nhiều ở trong xã hội Việt Nam và hình như thế nào về sau họ cũng cảm thấy chán chường, xấu hổ hoặc là âm thầm hối hận về sự đi lấy chồng ngoài nước vốn đã bị dân tộc của họ xem như là sự phản bội, là sự đe dọa nhân cách”.
Thế nhưng, trong trường hợp để đổi lấy cái lợi thực tiễn cho công cuộc mở mang bờ cõi thì vua Anh Tôn nhà Trần sẵn sàng gả con gái yêu của mình là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để lấy hai Châu Ô, Châu Rí.
Tản Viên sơn thần xưa có một quyển sách ước, trong sách hoàn toàn để trắng không có viết gì cả. Qua tích thần thoại Tản Viên, tổ tiên ta muốn dạy bảo con cháu đời sau rằng:
“Mỗi hành động hãy bắt đầu bằng sự nhận thức những điều căn bản, những điều kiện riêng biệt của chính trị đương thời. Muốn được như vậy cần phải có một tinh thần thực tiễn sáng suốt đầy tin tưởng vào nghị lực phấn đấu của lịch sử, đừng để bị giam hãm trong huyền hoặc hay tình tự nông nổi của quần chúng”.
(L’action doit-être commencée par l’acceptation des conditions fondamentales de toute politique, des conditions propres à l’époque donnée. Il faudrait être capable de lucidité et de foi: croire à une volonté historique sans croire ni aux mythes ni aux foules. - Raymond Aron)
Sách ước để trắng có nghĩa là: “Lịch sử hoàn toàn tự tại bởi vì lịch sử không bao giờ đã định đoạt từ trước”.
(L’histoire est libre parce qu’elle n’est pas écrite d’avance).
Lịch sử phải được xây dựng theo điều kiện của thực tiễn chính trị, thực tiễn đấu tranh, lấy tùy thời và thời trung làm nguyên tắc.
Người Việt thường nói: “Thời nào theo kỷ cương ấy”, một câu thông tục mà đầy đủ ý nghĩa của triết lý sử học.