KINH TẾ

Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh,

rét không chết.
 
Tục ngữ Việt
Kinh tế là vấn đề cơ bản của nhân sinh, là một bộ phận cực trọng yếu của nhân sinh. Nếu vấn đề kinh tế không giải quyết tốt đẹp thì tất cả mọi vấn đề khác sẽ bị ảnh hưởng.
Có thực mới vực được đạo, ăn no mới vác được nặng. Tuy nhiên, không phải kinh tế bao trùm toàn bộ nhân sinh, cũng không phải kinh tế có thể giải quyết luôn được mọi vấn đề nhân sinh. Vì vậy kinh tế cần đủ không cần thừa, thiếu ăn thì thật nguy, nhưng kinh tế ở quá mức đủ, giá trị chẳng bao nhiêu mà lại dễ đưa đến xa hoa phù phiếm, băng hoại nếp sống thuần phác, nếp sống đấu tranh trường kỳ. Ăn lấy chắc mặc lấy bền, đó là quan niệm kinh tế căn bản của nền kinh tế Việt.
Ở đâu mà nên quan niệm đó?
A. Pazzi có viết một đoạn trong cuốn “Người Việt cao quí” sau đây:
“Tôi nghĩ đến cái áo dài màu đen thích hợp với những sinh hoạt ruộng đồng cũng như không khí trang nghiêm của cái xã hội nông nghiệp phong kiến thủa xưa. Cái áo dài ấy thật là giản tiện một cách bị đát(?), che dấu một cách tài tình và chịu đựng khá oanh liệt bốn mùa mưa nắng phôi pha. Nó nói lên cái nhu cầu ăn mặc sao cho thích ứng với những điều kiện sinh hoạt khó khăn, nói một cách khác, ngay trong quần áo, người Việt cũng mang khá rõ lịch sử chiến đấu gian nan, oanh liệt của dân tộc mình”.
- Cơm không rau đau không thuốc
- Ăn cơm với mắm thì ngắm về sau
- Ăn cơm với rau ngắm sau ngắm trước
Như vậy là ăn lấy chắc: ăn cho thật đơn giản mà lại có đủ chất bổ dưỡng nên phải chế tạo mắm, ăn dễ tìm dễ kiếm nên phải tận dụng món rau.
Tại sao phải ăn lấy chắc mặc lấy bền?
Chương trên đã nói tới sự nhất chí của điều kiện sinh hoạt với điều kiện chiến đấu. Ăn chắc mặc bền là luật tắc kinh tế của dân tộc Việt vì phải chiến đấu thường trực và trường kỳ chiến đấu nên kỹ thuật ăn để mà đánh giặc đã được phát triển tới cao độ.
Ca dao có câu:
Ở đời Kiệt Trụ sướng sao
Có rừng nem béo, có ao rượu đầy
Ở đời Nghiêu Thuấn khổ thay
Giếng đào mà uống ruộng cày mà ăn
Biết thế đấy nhưng người Việt vẫn chọn thứ kinh tế Nghiêu Thuấn đem mồ hôi đổi lấy bát cơm bình đẳng, phân tán và không bao giờ chạy theo thứ kinh tế Kiệt Trụ tập trung và thống trị dù nem béo rượu đầy. Vấn đề quốc phòng phía Bắc chống xâm lược thôn tính của nòi Hán, phía Tây và phía Nam chống xâm lược, cướp bóc của giống Chiêm đã ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn chính sách kinh tế này.
Kể từ Tây Hán, Tàu đối với các lân quốc (mà họ gọi là man di) đã xác định rõ rệt một sách lược thôn tính:
a) trước khi giao chiến
b) trong khi giao chiến
c) sau khi chinh phục
Trước chiến tranh, tìm cách phá hoại kinh tế- tiêu diệt chiến chí- tiêu mòn chiến thức. Phá hoại kinh tế là bần hóa chính sách. Tiêu diệt chiến trí là hủ hóa chính sách. Tiêu mòn trí thức là ngu hóa chính sách.
Trong chiến tranh, tìm cách hủy hoại kinh tế- viễn giao cận công phân hóa- dĩ di diệt di. Hủy hoại kinh tế là tàn phá mùa màng, rối loạn thương trường. Viễn giao cận công là cấu kết với Chiêm Thành, Ai Lao đồng thời tấn công ba bốn mặt. Phân hóa là qua phân lãnh thổ chia để trị. Dĩ di diệt di, dùng người “man di” giết người “man di”, dùng dân bản địa diệt người bản địa.
Chinh phục xong rồi thìdùng mọi thủ đoạn tàn nhẫn chia quận huyện ra mà cai trị, một mặt đồng hóa một mặt tuyệt chủng.
Lấy việc đô hộ nhà Minh làm điển hình. Chúng sang đây lập một chính phủ cai trị tam đầu chế tập trung quyền hành dưới đầu quân sư tức Đô chỉ huy sứ. Án sát sứ và Bố chính sứ chỉ huy quyền tư pháp và dân sự. Chế độ quân sư tập quyền ấy đem tất cả người, vật, đất, tiền, việc làm cõi Việt ta võng la lại thành một thể chế cực kỳ nghiêm mật: công nhân bị khống chế dưới các tạp tạo cục, nông dân bị khống chế dưới các hương lẫm thu hết thóc gạo tập trung lại cũng ví như tạp tạo cục bóc lột hết sức và phẩm lao động cho quan nha sử dụng, nhà buôn bị khống chế dưới các thương vụ cục ở đấy thuế má chiếm hết các lãi lời mà quyền đối ngoại mậu dịch bị bóc lột hết. Tăng giới bị khống chế dưới tăng khu, tăng kỷ và tăng cương. Đạo giới bị khống chế dưới đạo khu, đạo kỷ và đạo cương. Thầy bói bị khống chế dưới quyền một ty cục sở tại. Muối bị khống chế dưới điêm thuế cục. Ngoài các quân khu, tư pháp khu còn các hành chính, tất cả các cơ cấu ấy đan lát nhau lại thành những gọng kìm sắt nóng ép người Việt dưới cuộc thống trị lấy quân sự đem chủng tộc đi xâm lược. Những cơ cấu ấy đều thống nhất dưới một chính sách tối cao là tiêu diệt và đồng hóa nòi giống Việt, mà các thi chính thực tiễn đã chứng thực bằng lưỡi lê bắt ép người Việt mặc áo Tàu, nói tiếng Tàu, cắt tóc, để răng trắng, mặc áo khách (áo cộc là di sỉ đến ngày nay), bắt các nhân tài Việt (như Lê Tắc làm quyển “An nam chí lược”), Nguyễn Văn An xây thành Bắc Kinh đủ mọi mặt (nho văn, nghệ thuật, chính trị v.v…) giả vờ dụ các nhân tài lâm tuyền ra rồi giết đi, hiếp tróc đàn bà con gái, di dân và tù tội sang tranh cướp, bá chiếm tài sản người Việt, thu hết sách vở, văn hóa phẩm, nghệ thuật quý vật của người Việt về dùng hay hủy đi, tiêu diệt bằng dân tộc hết thảy dân tộc ý thức và tự tín tâm, hạn chế và cố ý giảm bớt sinh hoạt thủy chuẩn của người Việt bằng cách lao dịch sử dụng người Việt vào hết thảy các công việc khó nhọc và nguy hiểm (mò trai đáy bể, kéo gỗ trên rừng, săn tê giác trên núi) bằng giết và cưỡng bách nuôi trẻ con, hạn chế hết kinh tế năng lực và văn hóa thủy chuẩn của người Việt, giao thông hoàn toàn kiểm tra và trở cách v.v… tất cả một gia pháp của tụi đô hộ đồng hóa ngày xưa thêm vào chính sách cá nhân của tụi Thái thú và quan lại hiếp bách, không thể lấy gì mà tả cho hết cái tàn ác của văn minh trên tổ chức và kỹ thuật diệt chủng vong quốc người ta. (Trích Chu tri lục).
Chặt chẽ và tinh vi như vậy mà Bình Định Vương Lê Lợi vẫn đánh đổ được chế độ đô hộ của nhà Minh. Sự thành công ấy, theo luận giải thông thường, và có thể đúng cho bất cứ sự thành công nào với bốn điểm là:
- Có chủ nghĩa, đặt trên tư tưởng dân tộc cách mạng hiệu triệu đuổi Minh.
- Có nhân tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Lê Lai, Lê Sát, v.v…
- Có dân chúng, sau khi khởi binh quân kỷ nghiêm minh, không vong sát cướp bóc lại thêm lòng người oán ghét giặc thấu gan.
- Có sách lược.
Có một điểm không ai nói tới vì nó từng có trước Lê Lợi cả ngàn năm đó là nền kinh tế bình đẳng tản mát vào một hệ thống thôn xã mênh mông khắp lãnh thổ khiến cho toàn bộ kế hoạch tập trung để dễ bề kiểm soát của địch, không một lúc nào đạt được kết quả ngoài những hành động tàn ác khơi sâu căm thù oán ghét.
Đói thì thèm thịt thèm xôi
Hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường
Cũng thèm thịt thèm xôi nhưng quan trọng nhất vẫn chỉ là no cơm tẻ. Với nếp sống kinh tế tước giảm tối đa nhu cầu và chối bỏ hẳn mọi thèm muốn thừa đã phá tan âm mưu địch dùng kinh tế để tiêu diệt chiến chí, dùng đặc quyền kinh tế để hủ hóa và dĩ di diệt di.
Người Việt có tự hào về tổ chức xã hội của mình đã dùng được ý chí dân tộc mà lãnh đạo và khống chế kinh tế và đã không để cho vấn đề kinh tế lãnh đạo và khống chế xã hội.
Trong cuốn “Hitlers zweites buck” viết: “C’est la lutte et non l’économie qui assure la vie!” (Chính sự chiến đấu chứ không phải kinh tế bảo tồn đời sống). Un peuple sain recherchera toujours la satisfaction de pouvoir vivre dans son popre pays et sur son popre sol (Một dân tộc lành mạnh luôn luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu sống ngay tại xứ sở và trong lòng đất của nước mình). - Le commerce mondial, l’économie mondiale les exportations etc…etc…sont, autant de moyens éphémères d’alimenter un peuple. Ils dépendent de facteurs qui sont indépendants des jugements et de la force propre d’un peuple. Le sol en tant que tel et la terre en tant que telle furent de tous temps les principes fondamentaux les plus certains, pour assurer l’existence d’un peuple. (Mậu dịch quốc tế, kinh tế thế giới, xuất cảng v.v… và v.v… hết thảy đều chỉ là những phương tiện tạm bợ để nuôi dân. Những phương tiện đó thường không tùy thuộc vào ý chí và sức mạnh của dân tộc. Vì thế chỉ có ruộng vườn mãi mãi là nguồn cung cấp bất tận cho sự sống của một dân tộc).
Điều Hitler nói trên đây, người Việt đã áp dụng nó từ ngày lập quốc.
Anh ôi cố chí canh nông
Mười phần ta cũng giữ trong chín phần
Kinh tế Việt là nền kinh tế nông nghiệp, cả văn hóa Việt cũng là nền văn hóa nông nghiệp. Canh nông là chín phần mười của sinh hoạt kinh tế. Sức mạnh của nước Việt đặt tất cả trên tinh thần nông dân của dân tộc:
a) Không sợ gian khổ:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Gian khổ bao nhiêu cũng không sợ, cũng chịu đựng.
b) Biết rõ những nỗi lo:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng
Quanh năm lúc nào cũng lo công lo việc, lo ứng phó với thời tiết nắng mưa, không một phút được thiếu cảnh giác, trễ biếng.
c) Không quan tâm đến sống chết:
Tre già măng mọc
Sống gửi thác về
Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt lai tắc nhật vãng, bất tri lão chi tương chí. Mặt trăng lặn thì mặt trời mọc, mặt trời lặn đến mặt trăng lên, không để ý đến cái già đã tới.
Với tinh thần như thế, kinh tế Việt là một nền kinh tế bền bỉ, chăm chỉ, không nhiều thị dục càn rỡ và rất thiết thực.
A. Pazzi viết:
“Người Việt Nam không hề có óc viển vông và đó là cái thế quân bình làm nên sức mạnh của giống nòi họ. Nếu người ta biết rằng dân Chiêm Thành sống trên mảnh đất nghèo nàn hơn nhiều, lại có những ngôi nhà tháp cổ công phu ngày nay vẫn còn cố đứng rầu rĩ trên các sườn đồi miền Trung thì ta mới hiểu được tại sao người Việt lại là những kẻ chiến thắng. Tôi đã có dịp quan sát nhà cửa người Việt và tôi thấy những nơi trú ngụ của họ đều rất phù hợp với các điều kiện thực tế, ngoại trừ những ngôi nhà tranh ở một đôi nơi trong vùng Bình Định có một kiến trúc quy mô vững chãi ảnh hưởng sót lại của dân tộc Chàm. Chính sự vững chãi phi lý làm cho sinh lực mong manh nên ta có thể nói rằng người Chàm đã bị suy vong vì óc xa rời thực tế của mình”.
Sách “Luận Ngữ” có chép câu chuyện Nam Cung Khoát hỏi ông Khổng Tử rằng: “Nghệ thiện xạ, Ngạc đãng châu câu bất đắc kỳ tử, nhiên Vũ Tắc cung oanh nhi hữu thiên hạ” (Hậu Nghệ giỏi bắn cung, họ Ngạc giỏi bơi thuyền đều bất đắc kỳ tử, ông Vũ Tắc chăm chỉ cày ruộng mà được thiên hạ).
Khổng Tử lặng thinh không đáp, Nam Cung Khoát đi khỏi, Khổng Tử mới khen: “Quân tử tai nhược nhân, thưởng đức tai nhược nhân” (Người ấy thật là quân tử, người ấy thật là người yêu đạo đức).
Rồi ngoảnh lại bảo học trò: “Quan ư hương nhi tri vương đạo chi dịch dịch” (Hãy nhìn vào làng xã để biết chính trị vương đạo uyển chuyển nhường nào).
Kinh tế nông nghiệp mới chính là kinh tế vững chãi vì nó xây dựng trên đất.
Tinh thần nông nghiệp rất uyển chuyển vì nó phải dựa theo thời bốn mùa mưa nắng.
Đời sống nông nghiệp tiếp nối đến vô tận vì nó sinh ra rồi lại nảy sinh nữa (thóc giống gieo xuống sinh ra cây lúa, cây lúa lại sinh hạt giống).
Đất tạo nên sự bình tĩnh và đơn thuận. Nước Việt bốn mặt thù địch nhưng vẫn bình tĩnh ứng phó, một mặt hấp thấu những cái hay cái tốt của văn hóa địch, một mặt cầm cự và mở mang bằng cách bám lấy đất, không vội vã ồ ạt. Chiến đấu trường kỳ đòi hỏi tính tình đơn thuần, một nếp sống kinh tế giản dị, thanh đạm ăn chắc mặc bền.
Giàu thì cũng chẳng có thèm (tham?)
Khó khăn ta liệu ta làm ta ăn
°
Nông nghiệp kinh tế chính sách gọi tắt là nông chính có mục đích là khai phát ruộng đất đồng thời khai phát tâm linh. Cho nên cày ruộng đi đôi với đọc sách, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.
Nay mừng tứ hải đồng xuân
Tam dương khai thái muôn dân hòa bình
Sĩ thời chăm chỉ học hành
Một mai khoa bảng để dành công danh
Nay mừng cho kẻ nông phu
Cầu cho hòa cốc phong thu bình thời
Vốn xưa nông ở bực hai
Thuận hòa mưa gió ấy thời lên trên
Kinh tế liên kết cùng giáo hóa. Khai phát ruộng đất với khai phát tâm trí ví như hai bánh xe của cỗ xe chuyển động đều đặn không ngừng, hai công tác song hành và vĩnh hằng chính giáo hợp nhất, chính dĩ đắc tài giáo dĩ đắc tâm.
Tác giả Trần Trọng Kim trong sách “Việt Nam Sử Lược” có chép một đạo dụ của vua Lê Thánh Tôn như sau:
1) Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp, không được rượu chè cờ bạc, tập nghề hát xướng để hại phong tục.
2) Người gia trưởng tự mình phải giữ lễ phép để cho cả nhà bắt chước; nếu con em làm càn thì người gia trưởng cũng gánh một phần lỗi.
3) Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn duy chỉ có khi nào người vợ phạm tội thất xuất thì mới được bỏ, chứ không được thiên ái, cẩu dung để làm hại tới phong hóa.
4) Làm đệ tử nên yêu mến anh em, hòa thuận với hương đảng, phải lấy lễ nghĩa mà cư xử nếu trái pháp thì người tôn trưởng trừng trị dạy bảo, có tội to thì phải đem nộp quan để làm tội.
5) Ở chốn hương đảng, tông tộc có việc hoạn nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau, nếu ai có tiếng là người hạnh nghĩa tốt, thì các quan phủ huyện sở tại phải bẩm lên tòa Thừa tòa Hiến để tâu vua mà tinh biểu cho.
6) Đàn bà có lỗi mà cha mẹ và chồng đã trách mắng, nên phải sửa mình đổi lỗi không được tự tiện trốn đi làm hư mất nết đàn bà.
7) Người đàn bà góa không được chứa những đứa trẻ ở trong nhà nói dối là con nuôi để âm hành những việc gian dâm.
8) Người đàn bà góa chồng, đối với các con vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu nên có lòng thương xót, không được mưu mô chiếm đoạt gia tài làm của riêng mình.
9) Đàn bà góa chồng, chưa có con cái, phải ở nhà chồng để giữ đủ tang lễ, không được chuyển vận của cải mang về nhà mình.
10) Làm đàn bà thì phải theo chồng, không được cậy cha mình phú quí mà khinh nhà chồng, nếu không như thế thì bắt tội đến cha mẹ.
11) Kẻ sĩ nên quý phẩm hạnh và giữ phép quan, nếu cư xử xu nịnh những kẻ quyền quí để cậy thế làm càn thì phải cách bỏ đi không kể đến nữa.
12) Kẻ thư lại chỉ việc giữ sổ sách giấy má để làm việc quan, nếu làm những sự điên đảo án từ, thì quan trên sẽ xét ra trừng trị.
13) Quan dân đều phải hiếu đễ và chăm chỉ làm ruộng, cùng giúp đỡ lẫn nhau, khi đi làm việc quan không được trễ biếng, trốn tránh. Nếu ai có tiếng là người lương thiện thì các quan Phủ Huyện phải trình tòa Thừa tòa Hiến để tâu vua mà tinh biểu cho.
14) Kẻ thương mãi phải tùy thời giá mà buôn bán với nhau, không được thay đổi thưng đấu và tụ tập đồ đảng để đi trộm cướp, nếu phạm điều ấy thì trị tội rất nặng.
15) Việc hôn giá tế tự phải giữ lễ phép không được làm càn.
16) Chỗ dân gian có mở trường du hí hoặc cúng tế, thì con trai, con gái đến xem không được đứng lẫn lộn để khỏi thói dâm.
17) Các hàng quán bên đường, có phụ nữ đi xa đến trọ, thì phải phòng giữ. Nếu để hà hiếp ô nhục người ta, việc phát giác ra, thì người phạm cùng với chủ nhà đều phải trị tội cả.
18) Phủ huyện phải lập bia ở các nơi sở tại để cấm con trai con gái không được cùng tắm một bến, để cho có phân biệt.
19) Các xã thôn phải chọn một vài người già cả đạo đức làm trưởng. Những ngày thong thả đem dân ra đình tuyên giảng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện thành ra mỹ tục.
20) Trong hạt phủ huyện có kẻ cường hào xâm chiếm điền thổ, ức hiếp cô độc và xúi giục người ta kiện tụng, thì cho xã thôn cáo giác lên quan để xử trị, nếu mà tuân ẩu thì phải biếm bãi.
21) Các nhà vương, công, đại thần dung túng những đứa tiểu nhân, đưa người khấn lễ và để cho người nhà đi ức hiếp dân gian mà mua rẻ các đồ vật, thì cho dân được đầu cáo để trọng trị.
22) Những người làm quan Phủ, Huyện mà biết khuyên bảo dân gian làm điều lễ nghĩa khiêm nhượng, có quan Thừa chính. Hiến sát xét thực thì cho vào hạng tốt; nếu ai không chăm dạy bảo dân thì cho là người không xứng chức.
23) Các huynh trưởng ở chốn xã thôn và phường biết dạy bảo con em trong làng cho nên được phong tục tốt thì quan Phủ, Huyện phải bẩm tòa Thừa, tòa Hiến để tâu vua ban khen cho.
24) Các dân Mường Mán, ở ngoài bờ cõi, nên giữ lời di huấn không được trái đạo luân thường như cha anh, chú bác đã chết thì con em không được chiếm lấy những thê thiếp, nếu mà trái phép sẽ trị tội rất nặng.
Để kiện toàn đạo dụ trên, về sau vua Lê Huyền Tôn thêm vào một khoản nữa:
- Dân làng phải tôn trọng lẫn nhau theo ngôi thứ, tuổi tác, chỉ bảo cho nhau để giữ lấy sự công bằng, chân thật và liêm sỉ. Người già phải rộng lượng với người trẻ, đừng cậy tuổi tác tỏ vẻ khinh bỉ kẻ ít tuổi. Người trẻ phải kính trọng người già, đừng ỷ thế giàu có coi người có tuổi không ra gì. Trong những ngày hội, những buổi tiệc làng, người trẻ phải kính cẩn những (nhường?) người có địa vị và già cả lựa chọn khẩu phần, không nên vì ly rượu miếng thịt mà gây xích mích trái với tình tương thân tương ái giữa dân làng. Dân làng không được ỷ quyền cậy thế, dựa vào số anh em đông mà hạ uy tín của các xã trưởng, tự nhận quyền phát xét các việc tranh tụng, hà hiếp người cô quả. Nếu trong làng có những kẻ xấu ấy, xã thôn trưởng hãy bắt lên quan để trị tội.
Riêng các xã thôn trưởng, nếu trong làng có sự tranh tụng, phải vô tư phán xét và hòa giải, không được xui nguyên dục bị rồi lại tự nắm lấy việc phân xử. Cũng không được tự đặt ra những luật lệ riêng rồi dựa vào những luật lệ ấy mà chiếm đoạt tài sản khiến cho các nạn nhân phải bán nhà bán cửa cho đến khánh kiệt, cô lập họ không cho họ tham dự các buổi tập hợp, hội hè mà trái với phép nước.
Bầu cử xã trưởng dân làng phải chọn trong các hàng danh giá, học thức có khả năng, đủ niên kỷ được sự tín nhiệm và quí mến của mọi người. Không được vì tiền bạc hoặc tiệc tùng mà bầu lên những người không đủ tư cách hoặc tìm cách thành lập thôn hộ riêng gieo rắc sự hiểu lầm và chia rẽ. Ai phạm tới luật này sẽ bị phạt”.
Những đạo dụ đời Lê cho thấy rõ ràng hình tượng của thể chế hương thôn tự trị và sinh hoạt kinh tế nông thôn. Nó cũng là căn bản sinh hoạt kinh tế của cả nước vì lẽ vốn là một xã hội nông nghiệp, nông dân chiếm tối đa hộ khẩu, nông thôn là cơ tầng lớn nhất.
Hương thôn tự trị đặt trên nguyên tắc: “Dụng quan bất như dụng dân, dụng dân bất như dân tự dụng” (Dùng quan để trị dân không bằng để dân trị lấy dân, để dân trị lấy dân không bằng mỗi người dân trị dụng lấy mình).
Do đó, nhiệm vụ của nông chính có 6 điểm:
a) Tập trung tín ngưỡng nhân dân, tạo thành một lý tưởng Việt mà không phải tập trung để thống trị, trói buộc.
b) Tăng đại nhân khẩu để phát triển công cuộc khai phá đất ruộng.
c) Lấy nông nghiệp làm căn bản phồn vinh cho các sự nghiệp khác.
d) Hưng phát nhân tâm, người người hòa thuận tương kính tương ái.
e) Gây dựng cái gốc tài chính của quốc gia, đồng thời làm xuất phát điểm cho kinh tế quốc dân giữ thế quân bình không cho tài chính quốc gia áp bách kinh tế quốc dân.
f) Đôn hậu phong tục, thuần hóa nhân tâm, cố kết dân tộc, mở rộng văn hóa.
Mục tiêu của nông chính có 4 điểm:
1) Điền dã và đô thị tranh dân: phân tán đô thị tránh tình trạng nhân khẩu tập trung quá nhiều. Ngay cả các đô thị cũng có kế hoạch điền viên hóa, hãy lên Phong Khê, đến Hoa Lư rồi tìm hiểu phong cảnh Thăng Long cũ đem so với kinh đô Huế ngày nay sẽ thấy những vẻ duyên dáng của công cuộc điền viên hóa đô thị của người xưa. Ngược lại công nghiệp thường di thực vào nông thôn, có những người chuyên làm đồ đồng, chuyên làm đồ sắt, làm gạch và đồ sứ, đồ sành v.v…
2) Thăng bằng nhà nước, tài chính quốc gia phải đặt ở bên dưới kinh tế quốc dân, chính sách kinh tế là dân sinh trước tiên, gia đạo phong nghiêu để tạo thành quốc giàu thịnh, làng xã sung túc rồi mới đến nước phú cường.
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng trai, gái người trai (?) đua nghề
Trời ra gắng, trời lặn về
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề cần chuyên
Dưới dân họ, trên quan viên
Công bình giữ mực cầm quyền cho hay
3) Vàng với gạo tranh quí, tấc đất nảy sinh cây lúa hạt gạo là tấc vàng. Công thương nghiệp phụ thuộc vào sinh sản nông nghiệp đẩy mạnh sự khai thác thiên nhiên tới mức tối cao để có thể tự cấp tự túc từ nhà cho đến nước, người người đều tự vui, nhà nhà không thiếu thốn, công nghiệp sinh sản đầy đủ. Tác dụng của thị trường tập trung không còn là vấn đề cấp thiết đến độ có thể làm cho kinh tế sống hay chết, vàng so với gạo không thể tuyệt quí hơn gạo khiến cho lòng người bớt tham mà cùng quí vào điều nhân.
4) Lệ làng thi với phép vua, triều đình trị song hành cùng hương trị, quyền lực chính trị một khi đã phân tán vào làng mạc ruộng đất thì chính trị cực quyền không nảy sinh được nữa. Lực lượng chính trị nảy mầm bén rễ trong dân gian và hương thôn nhờ cái gốc rễ lớn như thế nên quyền lực tự chủ của dân tộc chẳng dễ dàng gì bật nó lên. Binh với nông hợp nhất thành thử binh lực chẳng vì một hai trận mà tiêu diệt. Lực lượng chính trị ví như dã thảo (cỏ đồng) dù cho bị đốt cháy nhưng mưa xuân đến thì cỏ lại đồng loạt mọc lên khắp cả. Giống Mông Cổ tự kiêu rằng họ đi đến đâu ngọn cỏ cũng bị tiêu diệt, nhưng sang đến đây ngựa Mông Cổ đã bị cỏ Việt thiêu rụi mảnh giáp không còn.
°
Kinh tế nông nghiệp Việt là kinh tế gạo:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy khúc cá to
Kinh thi đời nhà Chu có câu:
Vũ ngã công điền
Toại cập ngã tư
(Trời mưa ruộng công cho tôi no đủ)
Người nông dân cầu trời mưa, mưa thì phải mưa khắp dân gian thiên hạ, mưa vào công điền để mình ăn no, đó thật là một nguyện vọng kinh tế công tư toàn vẹn. Cho nên chính trị nông nghiệp là:
- Hãy làm cho có gạo đi rồi dân sẽ theo.
- Túc (gạo) giả dã dân chi sở qui (Có gạo thì vấn đề dân sinh cả nước sẽ giải quyết trên căn bản)
- Hãy làm cho có nhiều gạo ắt tài chính phải dồi dào.
Túc giã dả tài chi sở qui
Có nhiều gạo là nền tài chính quốc gia có một tài nguyên vững chắc nhất, công thương nghiệp để lấy tiền quốc ngoại về chỉ là nguồn tài chính bấp bênh.
- Hãy lấy gạo để bảo vệ lãnh thổ
Túc giả dã địa chi sở
dân no đủ mới có thể giải quyết vấn đề quốc phòng theo phương châm tam thời vụ nông nhất thời giảng võ.
°
Điểm khác biệt như hai màu đen trắng giữa nông chính phương Đông với trọng nông chủ nghĩa (physiocrats) phương Tây là phương Đông nói kinh tế tất liên hợp với giáo hóa, phương Tây nói kinh tế tất hợp liên với lợi lộc.
Điều tối trọng yếu của nông chính là lấy sĩ đãi nông, làm ruộng và đọc sách đi đôi với nhau.
Thiêu vi điền xá lang
Mộ đăng tể tướng đường
(Buổi sáng làm bác nông phu
Buổi chiều ngồi ở ngôi vị tể tướng)
Lê Lợi từ địa vị một nông dân lên ngôi đế vương anh hùng.
Nguyễn Huệ Quang Trung, một thôn dân áo vải thành bậc vua chúa thực hiện thống nhất.
Người đọc sách do nông dân xuất bản hoặc do khoa cử mà vào lang miếu, hoặc do tiến cử mà làm quân sư. Gặp thời tao loạn nhiễu nhương, người nông dân chiêu binh mãi mã mà khởi nghĩa trở thành anh hùng khai quốc. Sĩ tử, tướng tướng phần lớn là nông dân.
A. Pazzi viết:
“Một người V.N bảo với tôi rằng: “Ở trên đất nước chúng tôi nơi nào cũng có anh hùng. Hãy đi vào các xóm làng, hỏi các nấm mồ và các bụi cây, hốc đá quí ngài sẽ nghe kể lể biết bao nhiêu chuyện phi thường về giống nòi Việt”.
Điều đó là sự thực hết sức hiển nhiên đúng như lời nói của một con người quật cường khởi miền Nam- Ông Nguyễn Trung Trực- khi ông trả lời trước bọn đế quốc xâm lược, rằng đến bao giờ cỏ còn mọc trên đất Việt thì người dân Việt vẫn còn mãi mãi chống đối để tiêu diệt kẻ xâm lăng, và cái phi thường của họ đã thành một tác phong hết sức bình thường.
Hương thôn, đồng ruộng cũng còn là nơi để cho vương hầu tướng tướng đại quan quí nhân trở về vui thú điền viên.
Học nhân, văn nhân, sử sĩ, ẩn sĩ thường qui điền lý:
Chẳng nên cơm cháo gì đâu
Trở về đất bãi trồng dâu nuôi tằm
Ai ơi trời chẳng trao quyền
Túi thơ đủng đỉnh dạo miền thú quê
Lấy đạo đức và lao động lập quốc
Lấy văn hóa và sinh sản dựng nước.
Đó là hai niềm tin trong ý thức kinh tế Việt. Trong “Sử Lược” của Trần Trọng Kim có đoạn sau đây:
“Nhà cửa phần nhiều là nhà tranh vách đất, ít khi có nhà ngói nhà gạch. Kiểu làm nhà cũng phải theo kiểu thường mà làm chứ không được làm nhà lầu và kiểu chữ công hay chữ môn. Ai làm nhà cửa mà không theo đúng phép thì cho là lộng hành phải tội.
Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người giàu sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng chứ không được mặc đồ gấm vóc và đi giày. Nhà vua cấm như thế là cũng có ý muốn cho dân không quen thói xa hoa lãng phí”.
Trên đây là hình ảnh sinh hoạt dưới thời vua Tự Đức, có lẽ cụ Trần Trọng Kim đã nhìn vào cái quá ư nghèo nàn dưới thời Tây để mà tả thì đúng hơn. Tuy nhiên, về cái sự không cho thói xa hoa lãng phí thì vốn vẫn là tư tưởng truyền thống của kinh tế. Do tư tưởng truyền thống này nên kinh tế nước Việt không bao giờ hướng mục tiêu vào con đường đại phú cường. Chỉ cần làm sao không bị xâm lược, dân no đủ để chống giặc, yên vui làng xã, nhu cầu kinh tế không vượt ra ngoài những vấn đề sinh hoạt căn bản, mọi thừa thãi vô ích đều bị gạt bỏ. Nếu để kinh tế tập trung quá độ xa xỉ làm cho văn hóa băng hoại, quốc gia chìm ngập trong dâm và lợi tất sẽ chẳng khỏi nạn vong quốc. Bởi vậy mới đem gốc rễ kinh tế, văn hóa ký thác nơi hương thôn với nếp sống đơn giản, thuần hậu và tìm cách hạn chế công thương nghiệp tại các đô thị, đây chính là nhược điểm của nền kinh tế Việt, ảnh hưởng của nó làm cho không nhận thức được sự thực dụng của khoa học khi tiếp xúc văn hóa, văn minh công thương nghiệp Tây phương để đến nỗi sinh mệnh lịch sử bị luân hãm gần một thế kỷ.
°
“Người Việt có một giang sơn tuy chẳng so bì được cái bề rộng bề dài với các dân tộc khác, nhưng lại có đủ khả năng sinh sản dồi dào sức chứa tài nguyên. Nếu so với biết bao nhiêu lãnh thổ của biết bao nhiêu dân tộc trên địa cầu này, ta thấy đất nước Việt Nam đã khéo tự hoàn thành lấy và tự khắc phục được nhiều nhược điểm thiên nhiên. Với trên hai ngàn cây số biển đầy đủ hải sản, với núi rừng trùng điệp phong phú quặng mỏ, gỗ cây, với đồng ruộng mông mênh chất đất phì nhiêu và những thác nước dòng sông tràn trề sinh lực. Sở dĩ người Việt không ngừng tiến bước về Nam, bởi vì mảnh đất miền Nam có đủ khả năng để mà bổ túc cho sự thiếu sót của đất đai miền Bắc và cái sở trường ở miền Bắc được đem bồi dưỡng cho sở đoản của đất miền Nam. Sự gắn bó của hai miền đất phong phú ấy tạo nên cái thế quân bình quan trọng ở trọng năng lãnh thổ, bởi vì thiếu một trong hai miền ấy, đất nước Việt Nam không phồn thịnh lâu dài. Do đó, người Việt vẫn quen nhìn hai miền ấy như hai bó lúa mà giải đất miền Trung là chiếc đòn gánh lịch sử, một thứ xương sống mãnh liệt làm bằng một dãy Trường Sơn tràn đầy lâm sản”. (Trích “Người Việt cao quí” của A. Pazzi).
Giữa lúc đang tiến hành công cuộc tổ chức và giáo hóa miền Nam thì thực dân Pháp tới làm ngăn trở, cắt ngang những gì còn bỏ dở.
Việc đô hộ của Pháp thi hành trên đất này là hủy diệt sự thống nhất ba miền Trung Nam Bắc bằng ba chế độ cai trị khác nhau, trên kinh tế xây dựng một giai cấp tư sản mại bản, trong các thành phố nhằm tách rời thành thị với hương thôn, tại nông thôn tìm cách kiến tạo giai cấp điền chủ và tay sai cường hào ác bá. Nông dân phải chịu gánh nặng của đô hộ. Một nhà ái quốc viết về tình trạng đó như sau:
“Là người Việt Nam họ bị áp bức, là người nông dân họ bị cướp đoạt. Chính họ là những người làm mọi việc lao dịch, chính họ là những người làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người đi khai hóa và những bọn khác nữa hưởng. Mà chính họ lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi, hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía bằng mọi cách do nhà nước thực dân, do bọn phong kiến tân thời v.v… Xưa kia theo thể chế V.N thì ruộng đất xếp thành nhiều hạng tốt, xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền, các quan cai trị Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt.
Như thế vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất một cách giả tạo bằng cách rút ngắn đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên nơi thì một phần ba, nơi hai phần ba. Điều đó chưa đủ để thỏa mãn lòng tham không đáy của nhà nước bảo hộ, cứ mỗi năm lại tăng thuế mãi lên. Người V.N cứ chịu cho người ta dóc thịt như thế mãi và các quan lớn bảo hộ thì quen ăn bám mùi cứ tiếp tục giở trò bóc lột.
Năm 1895, viên công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ hàng bao nhiêu mẫu ruộng đất để đem cấp cho một làng khác là một làng đi đạo. Những người mất ruộng khiếu nại thì người ta bắt bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ có như thế thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải nộp thuế mãi cho đến năm 1910 mặc dù ruộng đất của họ đã bị tước đoạt từ năm 1895.
Hết các quan cai trị ăn cắp, đến bọn chủ đồn điền ăn cắp. Người ta cấo những đồn điền cò bay thẳng cánh nhiều khi quá 20.000 mẫu cho những người Âu chỉ có cái bụng phệ và cái màu da trắng.
Những đồn điền ấy phần nhiều được lập ra bằng lối ăn cắp hợp pháp hóa. Trong thời kỳ xâm lược, người dân cày Việt Nam đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi họ trở về thì ruộng đất của họ đã thành đồn điền mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt đi như thế và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn vua chúa phong kiến tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch.
Lấy cớ khuyến khích việc khai khẩn thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho rất nhiều chủ đồn điền lớn.
Đã được không ruộng đất rồi, bọn chủ đồn điền lại còn được không hoặc gần như được không cả nhân công nữa. Bọn quan cai trị cung cấp cho họ một số tù khổ sai làm công không hoặc dùng uy quyền để mộ cho bọn chủ đồn điền những nhân công làm việc với một đồng lương chết đói. Nếu những người làm công đến không đủ số hoặc không bằng lòng thì người ta dùng võ lực. Bọn chủ đồn điền liền bắt bọn hương lý nện vào cổ họ, hành hạ họ cho đến khi những kẻ khốn khổ này chịu ký giấy cam đoan nộp đủ số nhân công cần thiết mới thôi.
Bên cạnh cái thế lực phần đời ấy, còn có nhứng đấng cứu thế phần hồn, các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người V.N. cũng không quên làm giàu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ.
Một viên thanh tra hầm mỏ người Pháp tên Desrousseau, trong bản báo cáo mật gửi viên toàn quyền Pháp ở Đông Dương, viết:
“Có một sự thực không thể chối cãi và một tâm trạng không thể thay đổi được là bọn nhà quê chỉ chịu bỏ làng khi chúng sắp chết đói, cho nên phải đi tới một kết luận ngụy biện để chúng ta thoát được nỗi khó khăn hiện nay về tuyển mộ phu, nhân công thì phải làm sao cho dân quê nghèo mạt”.
L. Bonafaut, trong “Trente ans de Tonkin” viết:
“Cả tỉnh Vĩnh Yên chìm dưới nước. Sở công chánh đã đóng một cống cách đồn điền Phù Lỗ 8 cây số cho nên đã tạo thành một hồ nước mênh mông trên 10 cây số vuông, dìm cả vùng trong cảnh lầm than đen tối. Ngày nào cũng có những đoàn đại diện nông dân đến Bắc Ninh, lên tận Hà Nội nữa để cúi xin chính phủ đừng giết họ, đừng để cả vùng bị ngập, đừng đóng cống. Song chính phủ vẫn làm ngơ và tàn nhẫn nhìn cảnh tượng cả tỉnh đang chết”.
Cùng thời gian này, tại miền Trung có một bài văn tế được lưu truyền, đầu đề là văn tế vụ xin sưu mà tác giả không biết ai để tả thảm trạng người nông dân lúc đó, xin trích một đoạn dưới đây:
Thương dân nay
Đầu cũng đội trời
Sinh không gặp hội
Đã chẳng may giặc Pháp cầm quyền
Lại cứ mực dã man quen thói
Tội tội tội đặt mâm xuống khoai chất lẫn rau
Khổ khổ khổ rướn đũa lên cơm van không muối
Chồng cũng cày năm ba vạt ruộng, thuế ngày nộp mà làm chẳng thấy ăn
Vợ cũng chạy ba bốn cửa hàng, sưu tăng mãi lời không thấy ngọi (tiếng Trung là có được)
Thương một nỗi hôm nay chực đình, hôm mai canh điếm, mò cả đêm như vạc khắc canh
Thương một bề, buổi tay gánh đá, buổi tay đào sông, chạy cả ngày như chó phải lói (pháo tre)
Sưu chưa kịp liệu, phòng chánh đến phòng phó đến cả phòng cai đều buộc ngành thắt cổ, phút xui nên nọc nọc vồ vồ.
Thuế chưa có ra, bán gà đi, bán lợn đi lại bán bò đi, bán trốt lột xương may mới khỏi gông gông trói trói.
Cám cảnh nhẽ tiền không gạo hết, lấy gì nuôi con trẻ thơ ngây
Xót xa thay thịt nát xương mòn, lấy gì cấp mẹ cha yếu đuối
Trách vì ai không biết lo toan
Để cho nó phải nên nông nổi
Ôi dân ôi
Chết đã đến sau
Sống chi cho tội
Mọi việc thực dân Pháp làm chẳng có gì là mới mẻ, bởi vì hơn 500 năm trước nhà Minh đã từng áp dụng trong mấy chục năm đô hộ. Tất nhiên cũng như năm thế kỷ về trước nó rơi vào những thất bại tương tự. Họ đều đã vấp phải sự đối kháng mãnh liệt của đất, của văn hóa nông nghiệp mà Paul Mus gọi là “Politique d’un sol” của đạo Gạo (Religion du riz). Nông dân theo truyền thống lịch sử vẫn mãi mãi là chủ lực để giải phóng dân tộc dành lại tự chủ. Một khi nông dân là lực lượng chính trị chủ yếu thì đương nhiên nông dân cũng là lực lượng chủ yếu để kiến thiết nền kinh tế vững vàng cho xứ sở. Nông dân còn là tiền thân của công nhân tiến nhập vào các đô thị khi nào quốc gia cần xây dựng cơ sở công nghiệp lớn mạnh.
°
Từ ngày bị văn minh Tây phương đè ép, một số người Việt thường mắc vào căn bệnh có ý thức phủ nhận vết cũ nhưng vô ý thức tiếp thụ đường mới, thiên về tinh thần Tây phương mà quên mất tinh thần dân tộc, thiếu hẳn khả năng dung thông, đối với vấn đề kinh tế chỉ biết ngưỡng vọng sự hào nhoáng của thương nghiệp, sự ồn ĩ của công nghiệp.
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà đã quen
Cái ao ở đây có nghĩa là bài học kinh nghiệm lịch sử cùng mọi điều kiện chủ khách quan của xứ sở.
Cái ao ấy chôn dấu những khuôn vàng thước ngọc cho đời sau:
- Bất sinh túc chi quốc vong (Nước không có gạo nước mất)
Nếu nước Việt bị suy sụp cơ sở kinh tế nông nghiệp thì các vấn đề nhân khẩu, tài phú và quốc phòng chắc chắn vô biện pháp giải quyết.
- Túc sinh nhi tử giả bá (Có gạo mà vẫn chết là bá đạo)
Nông nghiệp hưng thịnh nhưng rút cục bị công thương nghiệp chèn ép, nông nghiệp bị hy sinh, bị phá hoại để cho công thương nghiệp phát triển. Chính sách này tuy có thể khiến cho quốc lực lớn mạnh nhưng chỉ là chính sách đưa đến nhất thời chí bá không lâu bền, vững chãi. Tỉ dụ: nước Nhật trước thế chiến và bây giờ.
- Túc sinh nhi bất tử giả vương (Gạo nhiều dân vui là vương đạo)
Công thương nghiệp phải phối hợp cùng nông nghiệp để kiến thiết, quan trọng hàng đầu là củng cố lâu dài bản thân nông nghiệp. Sự phát triển công thương nghiệp đặt trên nguyên tắc ăn chắc mặc bền, không để phục vụ những nhu cầu kỳ hình quái trạng, như kinh tế gia Walter Rostow thường vẫn khoe rằng kinh tế tiêu thụ là nền kinh tế tốt đẹp nhất, sung sướng nhất; kỳ thực nó chỉ là một thứ văn minh ăn không ngồi rồi (Civilisation des loisirs).
Vương đạo là gì? Yêu cầu thứ nhất của vương đạo là cầu cho dân giàu sung sướng mà gạo nhiều sống no là giàu, là sung sướng. Yêu cầu thứ hai của vương đạo là thịnh trị không có sự bóc lột, lừa đảo, dối trá. “Phú nhi trị vương chi đạo dã” (Giàu và thịnh trị chính là vương đạo vậy). Các hình ảnh của vương đạo đã được vẻ vào trong ca dao bình dân:
Trời thu vừa gặp tiết lành
Muôn dân yên khỏe thái bình âu ca
Muốn cho yên nước yên nhà
Một là đắc hiếu hai là đắc trung
Trong bốn nghiệp ra công gắng sức
Đường nghĩa phương ta phải khuyên con
Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu, ta còn say sưa