Bài 14
Vong thân trong chữ nghĩa

Trong bài đề tựa cuốn "Chủ nghĩa hiện thực trong thời đại của chúng ta" của Georg Lukacs, George Steiner cho rằng, Hegel đã nhìn ra lý thuyết về sự vong thân khi quan sát tính cụ thể ở trong hùng ca Homer. Nhưng một khi kỹ thuật sản xuất trở nên tinh vi, rắc rối, và mang tính vô danh, khi cuộc sống thường nhật ngày một rã rời, giả tạo, trí tưởng tượng của thi sĩ và của độc giả hết còn bấu víu được với tính đặc thù sống động của tiến trình vật chất (the vital particularity of physical and material processes). Ulysses và những thính giả hùng ca Homer có thể tạo ra những cánh bè phiêu lưu trên biển cả, con người đô thị hiện đại dễ mấy ai chỉ ra cặn kẽ mẩu bánh mì đã được làm ra như thế nào? Con người sống như một vị khách bị quấy rầy trên cõi đời, và những liên hệ nhân bản đầu tiên (primordial human relations) trở thành những biểu hiện trừu tượng về kiểm soát kinh tế hay tùy thuộc kinh tế (abstract expressions of economic control and economic dependence).
Đây là điều mà G. Lukacs gọi là Verdinglichung, re-ification (vật hóa).
Chúng ta thử dựa vào ý niệm vật hóa kể trên, và tự hỏi cuốn Chân dung và Đối thoại, một khi được bán kèm với tờ báo An Ninh Thế Giới, bên cạnh gói mì ăn liền, là vẫn nằm trong vòng kim cô kinh tế kiểm tra và tùy thuộc. Đây là hiện tượng vong thân trong chữ nghĩa? Hiện tượng văn hóa-ma túy (độc giả đã bị ghiền, như ghiền đọc An Ninh Thế Giới, Công An Thành Phố...)? Và khi độc giả đổ xô đọc nó, phải chăng họ còn tò mò muốn biết, những món ăn như Nguyễn Khải, Lê Lựu... đã được làm ra như thế nào, và chúng - những món ăn này - đã vong thân ra sao, ở bên trong cái vòng kim cô là hiện thực xã hội chủ nghĩa?
Một câu hỏi phụ cũng có thể được đặt ra: Một tác phẩm có giá trị hơn Chân Dung và Đối thoại, nếu có, liệu nó có được ào ào đón nhận như của họ Trần, hay là độc giả đã "vong thân", qua những món ăn dởm kể trên?
Câu hỏi còn được đặt ra, vì Nguyễn Tuân vừa nằm xuống, là đã bị họ Trần đả tơi bời, gần như rải rác trong suốt Chân Dung và Đối thoại. Phải hiểu tính cụ thể (và hiện thực chủ nghĩa) như thế nào, khi họ Trần cho rằng cách (dạy) uống trà ở trong Vang Bóng Một Thời là bịa đặt?
Sự thực, không phải Nguyễn Tuân nằm xuống, cái thây ma của ông mới bị đem ra mổ xẻ. Ông đã bị từ trước, từ khi còn sống. Chế độ không ưa ông, mà những người chống chế độ như Phan Khôi lại càng không ưa ông. Tại sao? Tuy có vẻ nghịch lý, nhưng Nguyễn Tuân, nhìn một cách nào đó, là một biện minh cho chế độ. Chúng ta cứ thử tưởng tượng, một chế độ hư thối đó, chẳng có một tác phẩm nào cho ra hồn, nếu thiếu Nguyễn Tuân?
Nguyễn Quốc Trụ
10-10-1999