Bài 18
NGụY KINH SINH: NGụC TRUNG THƯ

Ở trong tù, Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) viết cho Đặng Tiểu Bình; thư không hề được gửi đi, nay có trong "Can Đảm Đứng Một Mình: Thư Trong Tù và Những Bài Viết Khác", (nhà xb Viking, 283 trang, 1997): "Tôi được như bây giờ là nhờ ở ông... Ông muốn hiểu sao thì hiểu". Như Akhmatova "giải thích" phiên tòa và án lưu đầy của J. Brodsky, "nhà thơ đã mướn họ viết tiểu sử"; Ngụy đành phí phạm đời mình trong tù, vì nhà độc tài, nhưng "danh vọng" mà ông có được, đó là do họ Đặng ban cho.
Trong một xứ sở mà mạng người quá rẻ mạt, chẳng ai ngạc nhiên khi một thanh niên 29 tuổi bị ném vào tù với bản án 15 năm, và khi được thả, lại bị tống vào tù, cõng thêm bản án 14 năm. Đâu đến nỗi quá tệ, những người Trung Quốc sẽ nói vậy, ông ta vẫn còn sống, có sao đâu, sau tất cả những chuyện đó.
Trên tờ The New Yorker, là một bài thật "cay độc", "Người nghệ sĩ khỏa thân ở trong chuồng", tác giả Don DeLillo. Bài đã được đọc tại Thư viện New York, nhân ngày "Stand in for Wei Jingsheng" (May 13, 1997). Sau đây là bản dịch:
1. Tháng rồi, có một người đàn ông ở trong một cái chuồng tại Soho (London). Một nghệ sĩ Nga đóng giả làm chó. Ông bò bằng tay, chân, thân hình trần trụi, ngoại trừ một chiếc vòng cổ dầy. Ông lâu lâu cũng gầm gừ, uống nước từ một cái chén, và ngửi ngửi miếng xương cừu bằng cao su...
Có thể chẳng bao giờ bạn nghĩ về những con chó, cho tới khi bạn nhìn thấy một người "nghiêm trọng" dấn mình, tin tưởng rằng, người đó là chó.
Chuồng có một rãnh nhỏ, du khách có thể theo đó, "bò" xuống tận chuồng. Vài người đã có ý làm như vậy, để nói chuyện với "chó", hay để "rên rỉ"; như một số người đã làm, hay để đưa ra hình chụp những con chó của họ. Họ nói với ông ta một cách chậm chạp, rõ ràng, bởi vì hoặc ông ta là một người nước ngoài, hoặc là một con chó.
2. Trong chuyện của Kafka, "Người Nghệ Sĩ Đói", một người đàn ông sống trong một cái chuồng nhỏ 40 ngày đêm, không ăn. Người ta phải trả tiền để vào coi anh nhịn đói, để trố mắt nhìn bàn tay gầy, những chiếc xương sườn trần trụi của anh. Anh có một ông bầu. Ông này hạn định cuộc trình diễn tối đa là 40 ngày đêm, không phải vì anh ta có thể chết, nếu nhịn quá mức đó, mà bởi vì ông ta tính toán ra được rằng, con số này là giới hạn chót, nếu nói về sự quan tâm, vốn có tính thất thường, của đám đông.
3. Ở Trung Quốc, một nơi nào đó, một nhà văn sống trong một nơi chốn nhỏ hẹp - một căn phòng có chấn song, có thể như vậy, hay là một lỗ đen với một rãnh nhỏ để đưa đồ ăn. Chúng ta có thể tưởng tượng, nhà văn đã tạo nên cái nghiệp của riêng ông.
Ông có một cái tên, Wei Jingsheng, và một câu chuyện, ngoài những lời buộc tội và những hồ sơ được nhà nước "thu gom", và có thể, ngoài những giới hạn chật hẹp của ngôn từ, ông còn có một nghệ thuật. Theo nghĩa này, bệnh cao áp, sưng khớp, suy thoái, phát âm ngọng ngịu, nướu răng hư ruỗng có thể được xem như những triệu chứng, xuất phát từ một ý trí mạnh mẽ nhằm nói lên cố gắng bền bỉ của người nghệ sĩ, để thực hiện vai trò của ông - một nhà văn chống lại một nhà nước.
4. Trong một văn hóa, cái của chúng ta, do ý thức tiêu dùng, vốn cố nuốt rồi vô hiệu hóa, mọi đe dọa, cảnh tượng một người đàn ông sống như một con chó đã cho chúng ta một ý nghĩa chân thực nhất về tự do diễn đạt, tạo một cú sốc giữa những nhà hàng, tiệm ăn khu phố Soho. Nhưng nó cũng đề nghị một ý nghĩa thê lương: người nghệ sĩ trình diễn, được giải thoát khỏi sự kiểm soát của Xô-viết, tóc cắt trụi, an toàn với chiếc vòng chó, có thể mang theo một mong ước mang tính lại giống (atavistic), của văn hóa riêng của ông, về trật tự và đàn áp.
5. Nghệ thuật của nhà văn Trung Quốc là bất động - không phải im lặng mà là bất động. Nghệ thuật cổ điển của nhà văn, một mình trong một căn phòng, đã được nâng cấp một cách hết sức ác độc ở đây. Wei là một khuôn mặt bất động, cố làm cho xong số phần của ông tại một không gian tù tội, ông từ chối ăn nhiều lần, sống những thời kỳ dài chỉ bằng một muỗng đường mỗi ngày, người cứ quắt đi. Và quay cuồng chung quanh sự bất động này, có một điều chi đó, liên tục, nặng nề, rộng lớn - cơn điên khùng hoài huỷ của nhà nước.
6. Một con chó đi vào khu trình diễn, và nhà nghệ sĩ trình diễn bắt đầu sủa. Ông "phát huy" một tiếng sủa mạnh, nhọn hoắt, tận cùng bằng tiếng gầm gừ. Khi một nhà phê bình nghệ thuật vào trong chuồng, tại Thụy Điển, nhà nghệ sĩ trình diễn đã cắn ông ta.
7. Cả nhà nước muốn vắt ra mọi tự thú, từ nhà văn. Nó muốn nuốt nhà văn chống đối. Tại Tây-phương, mọi nhà văn đều bị nuốt, biến thành bữa ăn sáng hay tiếng cười đóng hộp. Nhưng nhà nước càng "toàn trị" bao nhiêu, nghệ sĩ chống đối càng sống động bấy nhiêu.
Nghệ sĩ thật sống động, thật cá biệt, thật khó mà đồng hoá vào bộ máy nhà nước, cho nên nhà nước phải kiếm cho ra một cách thức để làm ông biến mất.
8. Sự thực, người nghệ sĩ đói trong Kafka tin tưởng anh có thể kéo dài hơn 40 ngày. Anh đã đẩy nghệ thuật của anh tới những giới hạn cùng kiệt. Thảm kịch của anh, đó là anh không được phép nhịn đói hoài, anh bị ép buộc phải ra ngoài chuồng, và ăn, trong một cuộc lễ công cộng, với ban nhạc và những bác sĩ tham dự.
9. Nhà văn Trung Quốc được chữa trị bởi những bác sĩ công an. Phòng giam của ông quá lạnh đến nỗi đóng băng ở cửa. Ông đau ngực và không thể ngủ được. Những vị bác sĩ đã định bệnh theo truyền thống, nghĩa là quyết định, chỉ là bệnh dởm. Nhà văn lại ngưng ăn.
Tuyệt thực là một hành động tự do, không được nhà nước quy định, Và Wei tuyệt thực để phản đối những điều kiện địa phương, lẽ dĩ nhiên, và để trở nên ngày càng bất động thêm - sự bất động, trung tâm chắc nịch của cơn cuồng điên đó.
Họ càng giấu ông ta sâu thẳm cỡ nào - chuồng giam dù xa tít ở đâu, dù nhỏ hẹp cỡ nào, những bức tường nhà giam có lạnh hơn, có cứng hơn - nhà văn càng sống động, càng rạng rỡ thêm bấy nhiêu.
(Về "Thư Trong Tù", theo bài viết của Liu Binyan,
được dịch ra Anh ngữ bởi Perry Link, báo NYR July 17, 97)