Bài 20
DIệN MạO CON NGƯờI VÀ THI CA Tố HữU
QUA LờI TRầN ĐĂNG KHOA

Lời Đầu:
Sau bài viết Trần Đăng Khoa - Chân Dung Tự Họa, cái đáng chú ý tiếp theo trong Chân Dung Và Đối Thoại là bài viết của TĐK: Tố Hữu Và Bài Thơ "Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên". Đọc bài viết này, tôi biết rằng TĐK đã ý thức để châm chích Tố Hữu, cũng như cố ý để lộ lối cách Tố Hữu sáng tác ra những "kiệt tác" văn học của ông ta. Nhưng vì tự thấy nếu chỉ riêng mình luận xét rồi viết thì có thể sẽ thiếu khách quan, nên tôi mời anh bạn Nguyễn Từ Tâm và chị Nguyễn Thanh Hương- hai người đã đọc tác phẩm - tới trao đổi. Và, cả ba chúng tôi nhất trí cùng nhau thảo luận, rồi nêu ý kiến về bài Tố Hữu Và Bài Thơ "Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên" trong tập sách "Chân Dung Và Đối Thoại" của Trần Đăng Khoa.
Kính mời bạn đọc theo dõi và góp ý cho bài viết của chúng tôi.

*

Trong cương vị gia chủ, tôi được chị Hương và anh Tâm mời đọc luận đề.
Mở đầu phần Một, bài Tố Hữu Và Bài Thơ "Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên", Trần Đăng Khoa (TĐK) viết:
- "Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sỹ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế..." (tr.9-10/ Tố Hữu và Bài Thơ "Hoan Hô Chiến Sỹ Điện Biên")
- Mời chị và anh cho ý kiến, khi TĐK viết về Tố Hữu mà dùng hành văn bóng bẩy như vậy, thì ông Khoa đã vô tình hay có ẩn ý gì trong đó?
Anh Tâm:
- Ông ta vừa khoa trương tài văn ẩn dụ, vừa có ý phê bình thơ ca và con người Tố Hữu.
Tôi bảo:
- Vậy, có thể nói, khi chọn ý văn mỉa mai Tố Hữu thì Trần Đăng Khoa đã đứng trong cảnh lưỡng thế: vừa ăn cây nào rào cây ấy; vừa tỉa lá bắt sâu, dọn vườn cho "vườn hoa văn học" Cộng Sản tươi tốt hơn, phải không?
Anh Tâm:
- Chính thế! Trách nhiệm này của TĐK, Nhà xuất bản Thanh Niên đã nêu ở đầu cuốn CDVĐT - "... Nội dung chính của tập sách là "lao động nhà văn và các vấn đề văn học đương đại". Được trang bị đủ các quan điểm nghệ thuật của Đảng, nhưng Trần Đăng Khoa không thiên về lý luận theo lối "tầm chương trích cú", không trình bày quan điểm một cách cứng nhắc khôn khan, mà viết với lối cảm xúc của một người sáng tác đã có quá trình chiêm nghiệm về lao động nghệ thuật."
Chị Hương:
- Để hiểu kỹ hơn, chúng ta hãy xét kỹ những câu-chữ trong bài viết của TĐK về Tố Hữu. - Và chị đọc:
"Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sỹ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng..."
Anh Tâm:
- Việc TĐK khen Tố Hữu là "nhà thơ lớn", "là nhà thơ lãng mạn cách mạng", thì tôi thấy đúng đấy, nhưng đúng theo phản nghĩa! Bởi, nếu xét trong đội ngũ những cai văn nghệ của chế độ, thì các khuôn mặt nổi tiếng như: Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, v.v... đều thua kém ông ta cái tài tụng ca đảng và lãnh tụ nhiều lắm.
Chị Hương:
- Đúng quá! Như anh Tâm vừa nhận xét, khi mọi người nghe TĐK khen Tố Hữu là nhà thơ lớn mà không nói rõ là Lớn với ai? Với đảng hay dân tộc? Và họ đều nghĩ TĐK đã bảo Tố hữu là Lớn so với các cai văn nghệ của đảng, chứ không phải của dân tộc Việt Nam!
Thấy chị Hương đồng tình vậy, tôi kết luận:
- Đó là hàm ý mỉa mai của TĐK với Tố Hữu. Vì, đã là nghệ sỹ chân chính thì ai chẳng hiểu: phải là con người có sự nghiệp sáng tác phục vụ cho lợi ích và văn hóa dân tộc mình thì mới được coi là Lớn chứ. Tỷ như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Bội Châu... chẳng hạn. Đằng này, Tố Hữu lại thuộc nhà thơ cả đời chỉ biết cầm ống đu đủ thổi phồng đảng và các lãnh tụ của ông ta để phỉnh gạt nhân dân Việt Nam!
Chị Hương:
- Như vậy, có thể hiểu đây cũng chỉ là màn thổi sáo hát vui dạo đầu của TĐK hòng làm bùi tai, hoa mắt vị cựu thần của Ban Tư Tưởng-Văn Hóa Trung Ương và đám canh cổng Tư Tưởng- Văn Hóa chế độ, rồi sau đó TĐK mới diễn trò hài về họ cho công chúng được một dịp nghị bàn rôm rả?
Anh Tâm:
- Đúng như chị vừa nhận xét. Nhưng TĐK chưa kể đúng hết khả năng hát ca bằng thơ của Tố Hữu, khi bảo Tố Hữu chỉ có "một giọng... giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng..." Mà chính xác ra trong suốt cả đời làm cai văn nghệ cho đảng, Tố Hữu đã có tới hai giọng thơ: Giọng "hát" tưng bừng ngợi ca cách mạng; Và giọng "hót" du dương để bốc thơm các lãnh tụ cộng sản. Cho nên, khi TĐK dùng những từ ngữ trong cả mảng văn để khen Tố Hữu "... Đến đâu cũng nghe vang vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế...", thì người đọc được luôn mộr mẻ ôm bụng. Vì, đâu có phải bốc thơm Tố Hữu mà chính là đang giễu cợt nhà thơ bị sa đọa tâm hồn bậc nhất, có một không hai ở Việt Nam và cả thế giới đấy. Nếu ai không tin, xin mời hãy đọc những vần thơ trong hai bài thơ, Đời Đời Nhớ Ông và bài Bài Ca Tháng Mười của ông ta.
Nghe anh Tâm nói vậy, tôi và chị Hương sửng sốt trước phát hiện đặc biệt của anh, vì ít ai nhớ được chuyện cũ đó. Tôi vội bảo:
- Anh Tâm đọc cho nghe hai bài thơ đó. Tôi chỉ nhớ câu được câu chăng thôi.
Anh Tâm liền hắng giọng, và đọc bài Đời Đời Nhớ Ông:
- "Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin! Stalin!
Yêu Ông biết mấy, nghe con tập nói!
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!"...
(5.1953)
Nghe đến đó, Chị Hương nổi máu hồng bào:
- Thế đấy, tự lòng ông ta thú nhận mình là nô lệ tư tưởng của đồ tề, khóc đồ tể hơn khóc bố mình. Hèn hạ như vậy cũng thây kệ ông! Nhưng ông ta lại còn bỉ ổi bịa đặt rằng trẻ em Việt Nam khi tập nói thì không nói những danh từ thân thương muôn đời như ông, bà, bố, mẹ, v.v... mà lại học nói những chữ lạc loài: "...Yêu Ông biết mấy, nghe con tập nói! Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!" Trẻ em Việt Nam không thèm nói những câu mất gốc, phi dân tộc tính đó của Tố Hữu và đảng!
Anh Tâm:
- Từ từ, đừng vội chị Hương ạ, chưa hết đâu. Mời chị và anh Xuân bình tâm nghe tiếp đoạn giữa bài thơ: "...Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình, thương một, thương Ông thương mười"...
Nghe đến đó, chị Hương lại bẳn:
- Thật nhục nhã! Đúng một tâm hồn bệnh hoạn, một nhân cách đê tiện! Ông ta phát bệnh sớm thế mà "Bác" và các trụ cột đảng vẫn nâng người bị điên loạn lên hàng lãnh đạo Tư Tưởng-Văn Hóa đảng.
Anh Tâm:
- Vẫn chưa hết! Xin mời chị rửa tai nghe tiếp bài thơ sau, Bài Ca Tháng Mười:
"Thuở Anh chưa ra đời
Trái đất còn nức nở
Nhân loại chửa thành người
Đêm ngàn năm man rợ
.............................
Hoan hô Stalin
Đời đời cây đại thọ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió"...
(1950)
Chị Hương:
- Người tỉnh trí đọc bài thơ này, sẽ hỏi Tố Hữu như Thi sỹ Nguyễn Chí Thiện đã hỏi: "Nếu mà "Thuở Anh chưa ra đời, trái đất còn nức nở, nhân loại chửa thành người, đêm ngày năm man rợ"... thì bố mẹ thi sĩ Tố Hữu, bố mẹ ông Hồ và các ông lớn khác của đảng đang là giống gì?"
Anh Tâm tiếp lời:
- Điều kỳ thú hơn nữa, là ngoài việc vật vã khóc chảy máu mắt một gã đồ tể khác chủng tộc hơn cả Cha, Mẹ, người thân của mình, Tố Hữu vẫn còn dư thừa thi tứ để nhả hàng loạt đại bác lên thinh không chúc mừng và tâng kẻ ác tặc tới cấp "Đời đời cây đại thọ...", đúng là thơ thẩn, xú danh để đời!
Đợi chị Hương và anh Tâm phát hết nộ khí xung thiên với thơ ông cựu thần, tôi lên tiếng:
- Sau mảng văn trên, TĐK còn viết về Tố Hữu: "Trong tâm hồn lớn lộng gió của ông không có những góc khuất, những vùng tối, những nẻo đường hưu quạnh, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu. Nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt nhạc lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi, những nỗi niềm vu vơ có ở thời Từ Ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xóa đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt." (tr.9-10/ Tố Hữu và Bài Thơ "Hoan Hô Chiến Sỹ Điện Biên")
Thấy tôi vừa dừng lời, chị Hương tán thán:
- Đọc rồi, nay nghe anh Xuân đọc thêm lần nữa lại càng thấy đoạn văn này hay hơn nữa. Nội cái mở đầu bằng văn xuôi mà tiết tấu, giai điệu trầm bổng, màu sắc lung linh, hình ảnh lồ lộ như vậy, thì nhà lý luận phê bình văn học này viết văn xuôi còn tuyệt hơn cả thơ cách tân của một số thi sĩ khoa trương đương đại! Nhưng, này anh Xuân và anh Tâm, các anh có thấy TĐK khen gì Tố Hữu mà lại luận sâu đầy ẩn ý vào hồn vía ông ta như thế?
Anh Tâm:
- Đáo để thật! Văn gì thoạt mới đọc lên thoáng nghe thì rất hay, rất sướng tai, rất mê ly vì hết dùng trống phách của đám rước linh đình và đại bác nổ ầm trời để khen sự nghiệp thơ ca và cuộc đời của Tố Hữu, rồi lại quay sang luận bàn tiềm thức với cả "ẩn thức" của bậc "trưởng thượng" như vậy?
Chị Hương:
- Khi ta ngẫm kỹ câu chữ thì thấy có gì không ổn trong đó. Mà nếu bảo đó là những dòng chuyển tải cái tình, cái lòng khâm phục thực sự của nhà thơ TĐK với sự nghiệp thơ ca, chính trị "hiển hách" của Tố Hữu thì cũng không xong. Vì, chữ nghĩa nó cứ là lạ, hay nói theo giọng dân dã: nó cứ đêu đểu thế nào ấy!
Anh Tâm:
- Thế có nghĩa là TĐK đã chủ ý chơi chữ để đả kín Tố Hữu? Vậy, chẳng lẽ TĐK đang rào "gốc đảng" mà bỗng thoắt giở chứng ngựa bất kham vượt rào "quan điểm nghệ thuật đảng" để đá ngay vào mặt "con ngựa già của Chúa Trịnh"?
Chị Hương:
- Đúng là chơi chữ, là đá vào mặt "con ngựa già" cho bõ ghét kẻ đã gây nhiều trò khốn nạn cho văn-nghệ sỹ suốt nhiều năm phụ trách Ban Tư Tưởng- Văn Hóa Trung Ương, chứ trượt đi đâu nữa.
Nghe chị Hương và anh Tâm kết luận như vậy, tôi góp ý:
- Chỉ e rằng TĐK vì tính hiếu danh của người có nghề phê bình, nhân đang khi giới phê bình chuyên nghiệp của đảng bị gẫy lưỡi gỗ chưa kịp nẹp sắt cho lành để liếm bẩn lên những tác phẩm chệch khỏi "tính Đảng", thì TĐK liền tranh thủ cơ hội choảng luôn một đòn vào ông cựu thần hết thời, vốn cái uy chỉ còn tương tự cỡ "ông bình vôi" để dương danh mình?
Nghe tôi gợi ý như vậy, chị Hương đáp:
- TĐK dám lắm chứ! Với cái tài thơ và khả năng suy luận từ nhỏ, cộng khả năng cao về phê bình sau khi đi học đại học ở Nga về, thì làm gì TĐK chả biết tỏng sự nghiệp thơ ca Tố Hữu vĩ đại thật sự, hay chỉ đáng những bong bóng xà phòng mà thôi.
Tôi lại hỏi:
- Như vậy có nghĩa: so với các nhà phê bình khác thì hiện nay TĐK là nhà phê bình có nhiều khả năng, và còn can đảm đặt vấn đề xét lại những giá trị văn học cũ mà đảng từng nâng giấc, như thơ Tố Hữu chẳng hạn?
Anh Tâm:
- Đúng! Và, khi tôi đọc kỹ lại những câu văn trên, nó còn gợi thêm cho tôi ý tưởng: TĐK đã ngầm phán Tố Hữu là một người siêu thực, luôn sống xa thực tế mà tâm hồn thì như kẻ cuồng, lại chuyên nhìn đời bằng con mắt lạc quan trẻ thơ, tư duy đã bị hóa máy!
Chị Hương:
- Anh Tâm nhận xét đúng đấy. Không biết có phải TĐK vì dư cảm xúc mà vô tình dùng chữ sai, rồi làm méo mó hồn vía ông cựu thần không? Chứ cứ theo văn mà luận thì ông cựu thần đã biến thành dạng người óc máy rồi! Thật là đáng thương hại cho một kiếp người! Bởi, làm sao mà một kẻ đã bị mất đi những góc khuất, những vùng tối, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu trong tâm hồn lại có thể còn có khả năng suy nghĩ bình thường, hành xử bình thường như một con người bình thường được!
Nghe chị Hương và anh Tâm luận thêm cái tẩy mà TĐK dấu trong "bát quái trận đồ "Hoan Hô Chiến Sĩ Điện Biên", tôi lưu ý và bảo:
- Anh, chị nói vậy là đúng ý tôi. Bây giờ chúng ta hãy trở lại việc tìm cách hiểu thêm cái đúng còn lại trong bài viết. Vậy theo anh, chị, cách viết như trên của TĐK còn hàm chứa ý gì nữa không?
Chị Hương:
- Ngoài việc TĐK nêu cho bạn đọc thấy Tố Hữu là một người luôn sống xa thực tế, tư tưởng luôn siêu thực, nhìn đời bằng con mắt lạc quan trẻ thơ, v.v... thì thực tế đã chứng minh bằng việc khi ông ta đảm chức Phó Thủ Tướng Thứ Nhất, phụ trách kinh tài, đã chỉ đạo vụ Giá-Lương-Tiền năm 1985 một cách tùy tiện, khiến đất nước đang kiệt quệ, dân tình đang khốn khổ lại muôn phần khốn đốn, thảm thê hơn.
(còn tiếp)
Đức Quốc Ngày 26 tháng 8 năm 1999
Ghi lại: Trường Xuân Triệu