Bài 24
HậU CHÂN DUNG VÀ ĐốI THOạI TạI HảI NGOạI

Thưa bạn đọc gần xa,
Gọi nôm na là người-mơi-chuyện, gọi cho quy củ thì là người-mời-chuyện - Đó là cái bổn phận mà ông chủ báo Cánh Én trao cho Người Tràng An tôi, trên khoang đất nhỏ Câu chuyện làng văn của bổn báo.
Để làm gì? Để làm một việc vừa rõ ràng, vừa không rõ ràng: đưa đẩy một cuộc mang cái tên khá dài là Giới thiệu - Bàn thảo -Tranh luận - Phê bình - Phê phán v.v.. và v.v... - những gì khả dĩ liên quan đến cuốn sách Chân dung và đối thoại của nhà thơ Trần Đăng Khoa do Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội phát hành lần đầu vào tháng 10-1998, lần thứ 8 vào tháng 3-1999 với 375 trang khổ 13x19cm kèm lược trích 14 bài báo bàn luận về cuốn sách. Theo Lời nói đầu của Nhà xuất bản, nơi trang 5, thì Nội dung chính của tập sách là lao động nhà văn và các vấn đề văn học đương đại.

*

Ngó nhanh bài phóng sự của nhà văn Ngô Minh Khôi dưới đây hẳn bạn đọc khắt khe nhất cũng chịu cùng Người Tràng An điều rằng, ít ra về hình thức, Chân dung và đối thoại đáng coi là chuyện làng rồi: hơn nửa năm qua, đó là một câu chuyện ở mức sự kiện của làng văn nghệ Việt Nam. (Vâng, nói cho chắc cờ thì là của làng văn nghệ Việt Nam quốc nội).
Trong tay Người Tràng An và văn hữu bốn phương trời mười phương đất, hiện có ngót 40 bài, trích đoạn bình luận, trao đổi, nhận xét, phê phán... của giới cầm bút và độc giả trong nước. Đủ cả! Khen có khi tới quá ngọn đình. Chê thì sát sạt vũng chân trâu. Phê và bình tạng trung dung cũng lắm; mà kiểu wait and see thật vô khối. (Dần dần bổn báo sẽ trình làng hết cho mà coi!)
Còn ở hải ngoại? Trong dư luận giới sinh hoạt văn nghệ, giữa những vành đai văn hữu, đã có những xôn xao, kiểu pháo hoa: vọt lên một cái màu, rồi tắt. Hành trang của đôi kẻ yêu sách từ Việt Nam trở về... hải ngoại cũng có Chân dung của Trần Đăng Khoa hay bản copy của nó, như một món quà lạ. Trên mạng Internet, thi thoảng ở vài cuộc trao đổi tay đôi, tay ba, thậm chí cả những mailing list, các chữ Chân dung và đối thoại, Trần Đăng Khoa vụt thành những chủ đề sinh động. Song, trên mặt báo chí dường như câu chuyện này mới đang ở kỳ bắt đầu, với Cánh Én hôm nay là nơi tái sinh nó một cách chỉnh chu. Trong vòng 4 tháng đổ lại đây, cũng đã có 2-3 tờ báo, tạp chí văn nghệ (hay có phần mục văn nghệ) quan trọng của hải ngoại đăng lại một bài quan trọng của cuốn sách (như bài Phù Thăng, Xuân Diệu...) mà hầu như chả có bình bàn gì sất! Tất nhiên, trên những tờ báo đại chúng nào đó ắt phải có bài phê bình lẻ loi nào đấy về Chân dung và đối thoại của nhà-thơ-trong-nước Trần Đăng Khoa theo lối... ngày xưa, như phê phán bất kỳ một ấn bản quốc doanh nào của quốc nội!

*

Văn Nghệ, trong cả ý nghĩa nguyên thủy và tân thời của từ này đều lấp lánh một Cuộc Chơi. Ở cuộc chơi Hậu Chân dung và đối thoại tại hải ngoại, Người Tràng An sẽ cùng bạn đọc mở tâm trí để chơi cuộc chơi đây theo kiểu... tháng này qua tháng khác, tức là trên mỗi số báo Cánh Én cho tới khi... Khi nào? Có giời mà biết! Đã là chơi văn, ai nỡ đo con chữ cái nghĩa chúng vắn dài đến đâu! Dài cũng vẫn ngắn. Mà ngắn cũng đã dài. Thiện căn ở tại lòng ta.
Được biết bổn báo, trong số 92 - tháng 7-1999 này mở màn bằng các bài:
° Chân dung tự họa của Trần Đăng Khoa (trích Chân dung và đối thoại);
° Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (trích Chân dung và đối thoại);
° Về một cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa(Nguyễn Quốc Trụ - Canada; bài gửi cho Cánh Én);
° Tâm sự người đi hội thảo (Văn Thanh - Mỹ; bài gửi cho Cánh Én);
° Chuyện lạ: Chân dung và đối thoại (Ngô Minh, trích báo Tuổi trẻ trên Internet);
° Người trong cuộc bàn luận về tác phẩm Chân dung và đối thoại (N.N.P.; trích báo An ninh thế giới số 116)
Như thế, khung bài của mỗi kì Hậu Chân dung và đối thoại trên mỗi số báo Cánh Én, đại để, theo 3 phần:
a- Phần luộc lại bài đã có của sách-báo trong nước (1 bài nào đó từ Chân dung và đối thoại, 1 bài phê bình về cuốn sách...);
b- Phần bài phê bình của chúng ta (về riêng bài đó của cuốn sách, về cả cuốn sách...);
c- Phần trao đổi, nhận xét, tranh luận... của bàn dân thiên hạ về tất cả những gì xoay quanh vụ này.

*

Đã, đang và sẽ có câu hỏi: Chuyện có cần phải ầm đến thế không? Thưa: Có! Vì lẽ:
1- Ở trong nước đã ầm lên rồi. Chí ít, ngoài nước không thể không tìm hiểu tự làm sao mà nó ầm đến thế? Cứ cho là vụ này chỉ đáng ầm ở trong nước mà thôi, không ăn nhậu gì với người Việt hải ngoại thì việc báo giới tái hiện nó âu cũng là làm cho xong cái chức năng thông tin của đệ tứ quyền cao cả!
2- Đây mới là lẽ quan trọng: Người Tràng An ngẫm rồi, thưa bạn đọc đáng quý! Trộm nghĩ, bản thân một cuốn sách Chân dung và đối thoạicủa ông nhà thơ Trần Đăng Khoa, dù hay dẫu dở, điều ấy không hệ trọng lắm. Nhưng may quá: nó lại là một nguyên cớ tốt! Đó sẽ là cái đinh theo đó chúng ta treo lên các bức tranh điển hình của một nền văn học mang tên Văn học Hiện thực Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ấy là ngôn ngữ của các nhà khoa bảng. Với kẻ sính lối dân dã, Chân dung và đối thoại có thể được coi như... cái thớt, cái mâm trên đó người Việt hải ngoại mổ xẻ, bày biện những nội dung, những sinh hoạt đặc trưng và hiển hiện của dòng văn nghệ của miền Bắc hiện đại trước 1975 và của cả nước sau 1975. Nói cho nghiêm, một câu: Đây có lẽ là một dịp lạ đầu tiên, từ những câu chuyện văn chương, những chân dung tác giả, tác phẩm trong làng văn Việt Nam đương đại - với Chân dung và đối thoại - người Việt hải ngoại có thể nhận chân được hầu hết các đặc thù của một thể chế (mà phần lớn trong số họ, vô tình hay hữu ý, đang quay lưng lại nó) qua cái văn hóa, cái chính trị của nó - tức là cái văn hóa chính trị và cái chính trị văn hóa của thể chế đó.
Hơn 24 năm nay, từ khi có khu vực địa lý ngoài Việt Nam là Việt-Nam-hải-ngoại-về-chính-trị, người Việt ngoài Việt Nam mà nhất là người Việt hải ngoại thường chỉ được dịp phê phán văn nghệ trong nước qua luồng văn nghệ phản kháng. Những con mắt phê bình theo phương pháp thẳng băng hay lười nhác đánh giá gia cảnh qua những đứa con bị bỏ rơi. Không sai; Và, không bao giờ đúng! Gấp khúc hơn, hãy quan sát kỹ những đứa con cưng ngoan mới có thể có được hết lịch sử một gia đình. Mà lại là loại gia đình thần thánh cha là chủ nghĩa toàn trị, mẹ là chủ nghĩa ngoại lai; thì đứa con văn hóa-văn nghệ phải như thế nào đây?
Gần như 100%: tất cả các bài viết (23 bài), tất cả các nhân vật văn nghệ (ước tính hơn 90 nhân vật), tất cả các tác phẩm văn học (có dễ phải tới hàng trăm?) cùng tất cả các đề tài văn nghệ được tác giả kể đến trong Chân dung và đối thoại đều là - và muốn chỉ là - những gì thuộc về dòng văn học chính thống của miền Bắc sau 1954 và của cả Việt Nam sau 1975.
Trong tính ước lệ tự thân đó, cuộc bàn thảo ở ngoài Việt Nam về văn học cùng những gì liên hệ đến văn học Việt Nam đương đại qua cuốn sách loại bình luận văn chương mang tên Chân dung và đối thoại của tác giả Trần Đăng Khoa vừa được xuất bản ở trong nước sẽ không chỉ là giọt-nước-tràn-ly.
Biết đâu được đấy: Sẽ có một-ly nước-mới dành cho những ai yêu, thương số phận một nền văn học của mọi người Việt Nam!
Được hay không, tự ở các bạn! Có thể chưa là hôm nay... Chưa ở đây...

*

Khung bài là vậy. Mục đích là thế. Song, cũng như các phương trình, đôi khi, còn thông minh hơn cả người tìm ra chúng, (nhà toán học H. Poincaré từng tự thú). Người Tràng An những tin rằng nội dung và hình thức đó sẽ chỉ là những vẫy gọi vào cuộc mà thôi. Bởi, một cuộc thảo luận tốt - đó là một diễn dàn chỉ bị trong biên giới của những trái tim, khối óc.
Cuối cùng, lại một ước lệ nhỏ: Mong đợi của Người Tràng An tôi hôm nay là Người Tràng An không chỉ là một, ngày mai. Đấy sẽ là danh chung cho mọi danh riêng khác muốn cùng hân hưởng cái phận của kẻ mơi ý, khơi bài, thu vén việc chuyện, dựng tạo vấn đề sao cho cuộc vui kéo dài, nói thẳng ra là... góp bài vở cùng bổn báo!
Hẹn nhau ở mục Câu chuyện làng văn này, kỳ sau. Đã tới lúc các bạn mở những trang bài tiếp, khởi đầu cuộc thảo luận Hậu Chân dung và đối thoại tại hải ngoại, trên Cánh Én...
Chúc vui và... đa tạ!
Người Tràng An

Xem Tiếp: ----