chương 1

Thật tình tôi không hiểu rằng đời mình sẽ ra sao, nếu như cách đây mười năm, khi tôi năm tuổi, tôi không có bà nội tôi.
Bà nội tôi, năm ấy đã ngoại sáu mươi, tóc đã bạc quá nửa, gầy gùa như thân hình tượng La Hán chùa Tây Phương, nhưng gân cốt dẻo dai, tinh anh, nhanh nhẹn. Cả thân hình và cốt cách bà được đúc nên từ cuộc đời lam lũ cực nhọc nhưng tràn đầy hào hứng của bà. Tôi còn nhớ như in gương mặt, vóc hình bà tôi lúc đó. Mặt bà tròn trịa, mảnh dẻ như phiến lá sen. Tóc bà cuộn trong một mảnh khăn nhung thành một vành khăn nhỏ, đặt nghiêng nghiêng trên mái đầu năng chải hiện rő một đường ngôi thẳng tắp chia đều mái tóc sang hai bên. Mặc dù chân tay bà bé nhỏ, gần như chỉ là một làn da bánh mật bọc các lóng xương, bà vẫn thoăn thoắt trong các công việc và dáng đi đứng vẫn rất hoạt bát, tự nhiên, mạnh mẽ. Bà đi đi lại lại nhanh nhẹn, hai ống quần có lúc bên thấp bên cao chạm nhau loạt xoạt, nói lên thói quen tất tả, muốn dứt dóng chóng vánh mọi việc của bà. Trên gương mặt mảnh mai của bà, hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp luôn luôn sáng lên một ánh cười ấm áp, hóm hỉnh, tỏa ra một niềm tin đến độ thấy nét cười ấy tôi lại trở lại tin cậy, dẫu đang nao núng trong mung lung.
Trí óc non nớt, con mắt ngờ nghệch của tôi hồi ấy quả thật đã không thể hiểu nổi cái gì đã xảy ra và trở thành một sự kiện xoay đổi cả đời tôi. Người lớn có những bí ẩn riêng mà trẻ thơ chẳng khi nào hiểu nổi.
Tuy vậy, ký ức thơ dại của tôi lúc đó đã in dấu và sau này còn vang vọng mãi tiếng kêu não lòng xé ruột của bà:
- Thụy ơi, thật không ai như con đâu, con ạ!
Thụy là tên mẹ tôi. Tiếng kêu ấy là khúc mở đầu của một đoạn đời bi đát của bà cháu tôi. Tôi có thể nói như thế vì đến hôm nay, thì trí nhớ tuổi thơ đậm đà ấn tượng của tôi đã được rọi chiếu bằng hiểu biết của tuổi mười lăm, tuổi mười lăm biết thao thức, nghĩ ngợi. Tuổi mười lăm cố dựng lại thiên hồi ức với tất cả sắc màu thật của nó, cái đoạn đời tôi chập chững giữa cői đời trong bàn tay dắt dìu, cưu mang của bà tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ cái hình ảnh mẹ tôi khựng lại ở ngoài sân khi nghe thấy tiếng kêu đứt ruột ấy của bà. Cái áo mưa xanh cứng quèo mẹ khoác khe khẽ quẫy động trong màn mưa thu xám nhờ. Một tay xách cái túi quần áo lép kẹp, một tay đưa lên gạt nước mắt. Một phút ngần ngừ. Một phút xót xa. Rồi sau đó, mẹ tôi quay ngoắt đi, cắm cúi bước, rồi dún chân chạy gằn ra phía cái dốc đỏ rẽ từ đường cái vào khu nhà ở của chúng tôi - cái cách chạy như là trốn lẩn, đau đớn vật vã, cực chẳng đã thế nào! ở đỉnh cái dốc đỏ ấy, bà tôi biết, có một chiếc xe tải lớn, loại xe Din cánh trả, đã đậu từ sớm, trên ca-bin có một ông lái ria mép rậm đen như nhọ nồi, ngồi ghếch chân lên cửa kính, đốt thuốc lá liên tục, kiên nhẫn đón chờ mẹ tôi.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi lý do gì mà mẹ lại bỏ tôi lại cho bà, ra đi theo cái ông lái xe tải nọ. Bà nội đã già và tôi thì còn quá bé bỏng. Cả hai đều đang cần người nương tựa, đỡ nâng. Tôi không hiểu vì sao mẹ tôi, người phụ nữ ba mươi tuổi thông minh, tươi đẹp bỗng dưng gần như là vô cớ từ bỏ một đời sống gia đình ấm êm, vui vẻ mà khối người ao ước chẳng được. Bố tôi nhập ngũ ngay sau khi tôi mới chào đời, vào miền nam được ít lâu thì sang chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia. Mẹ tôi là thợ dệt. Sáng sáng xách cái cặp lồng cơm, bế tôi đến vườn trẻ của xí nghiệp. Chiều về, cơm nước đã có bà tôi lo toan. Mẹ chẳng bận bịu về tôi. Đêm tôi ngủ với bà. Là con trai, tôi sớm cứng cáp, không hay vòi vĩnh, khóc nhè. Chưa bao giờ tôi khóc thét lên rồi bám díu lấy mẹ để các cô ở vườn trẻ phải giựt ra đưa vào nhà trẻ mỗi sớm mai. Mẹ tôi xinh xắn, là thợ giỏi, lại có giọng hát hay. Quen với bố tôi rồi hai người yêu nhau vì bố tôi là thợ tiện bậc sáu trên bảy cùng một phân xưởng, cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ xí nghiệp. Hai người, theo lời của bạn bè, thật vừa lứa xứng đôi. Bà nội tôi vốn người hiểu biết, xưa cũng từng là thợ dệt. Cái thời thợ dệt nam còn đi guốc mộc, thợ dệt nữ còn mặc váy, làm ở Nhà máy dệt Nam Định thuộc Công ty bông vải sợi Bắc Kỳ, chủ nhất là một thằng tư bản Tây. ấy là bà nội tôi kể vậy. Hiểu biết, hiền hậu, ăn ở với mọi người hết sức vẹn toàn, chu tất, không có cảnh xích mích, lủng củng mẹ chồng con dâu. Không có chuyện khác máu tanh lòng. Chỉ có sự thuận hòa, trong ấm ngoài êm, trên kính dưới nhường. Và do khéo ăn thì no khéo co thì ấm, nên gia đình thợ chúng tôi những năm đó sống cũng không đến nỗi nào. No đủ nên càng êm ấm. Bà tôi còn bảo: gia đình như thế thì còn đòi hỏi gì nữa. Cô Quyên nói thêm: thật thế, việc gì phải buồn khổ day dứt nữa, thật chẳng bù cho con. Rồi cô thở dài.
Nhưng, tôi vẫn nhớ rõ là mẹ tôi đã gục đầu vào cái gối sa-tanh xanh mướt thêu hai con chim bồ câu trắng ở đầu giường, rũ rượi:
- Con khổ lắm, mẹ ơi!
Trông, nghe rõ, nhưng tôi thật không hiểu nổi nỗi khổ của mẹ tôi có hình sắc gì, nó là thế nào? Tôi ngẩn ra một lúc rồi lại tiếp tục chơi bi một mình ở giữa nhà.
Còn bà tôi, nghe mẹ tôi than khóc, miệng đang lúng búng miếng trầu vội nhả ra, ngập ngừng thương cảm:
- Mẹ hiểu lòng con, Thụy ạ. Dưng mà bi giờ dẫu có thế nào cũng còn đỡ hơn cái thời con mới nở mấy ngày đã phải bồng thằng Duy đi sơ tán, rúc hầm chui hố chứ!
Ngừng một lát, vứt miếng bã trầu đi, bà tôi tiếp:
- Mẹ nào muốn con cam chịu mãi
cảnh đầy ải, hở con? Bặt tin bố nó thì mẹ biết rồi. Lòng mẹ nhiều lúc cũng ngẩn ngơ, rầu rĩ lắm. Dưng mà, mẹ chỉ muốn khuyên con: đừng có tin hẳn vào quẻ bói, con ạ. ừ, thì có lúc có người bói đúng. Nhưng chính mẹ thấy ở chùa Bà Đanh đồn là thiêng lắm, có chị đi xin thẻ ba lần, ba lần quẻ bảo là chồng đã hy sinh ở ngoài mặt trận. Dùng dằng mãi, đành phải tin, để đi bước nữa. Nào ngờ đúng cái hôm làm cưới tái giá, thì chồng đeo ba-lô về...
Mẹ tôi vẫn day mái tóc xõa vào mặt gối, xút xít đau khổ. Bà tôi thêm:
- Nếu quả thật như quẻ bói, tâm địa nào mà mẹ giam hãm con. Còn như chưa rõ ràng sự thật mười phần thì mẹ chỉ sợ con cạn nghĩ, tham con đỏ, bỏ con đen, rồi lỡ làng ra thì còn khổ gấp đôi, con ạ.
Chẳng hiểu mẹ tôi có nguôi ngoai chút nào không sau những lời ấy của bà tôi. Tôi chỉ thấy, hình như bắt đầu một bước ngoặt mới đã xuất hiện, vì từ hôm ấy, có một chiếc xe tải cỡ lớn hay đến đậu ở trước cửa nhà tôi. Sau khi phanh kẹt một hơi, đẩy cửa bước ra là một người đàn ông cao lớn, đen sì, ria rậm, mùa đông thì mặc áo blu-dông da ngoại nâu bóng, mùa hè thì áo phông Cá Sấu Thái Lan. Nhanh nhẹn, không biết giữ gìn ý tứ gì, ngay từ hôm đầu tới, thấy tôi đang đứng ở cửa ông liền bế xốc tôi lên. Tay ông vạm vỡ, lồm xồm lông đen, cổ tay, bắp tay xăm hình mỏ neo, hình con rồng. Cổ tay trái xuệch xoạc một chiếc đồng hồ dày nặng như cái mảnh sành. Hai ngón tay bên phải vàng chóe hai cái nhẫn mặt dẹt, to bằng sợi cói.
- Con bố Nguyên đây, hả em? -ông nói, gọi mẹ tôi tự nhiên, ngọt ngào. Miệng ông sặc hơi bia.
Rồi ông đặt tôi xuống thềm, bước vào nhà, hai tay khuềnh khoàng, chào bà tôi, tiếng to ồm ồm, điệu bộ một người quen giao thiệp rộng và quá tự tin ở mình. Bà tôi chỉ đáp lạnh nhạt: Không dám, trong khi ấy mẹ tôi luýnh quýnh nửa mừng rỡ, nửa sợ sệt, lập cập súc ấm pha trà.
ông lại phẩy tay ra hiệu không cần trà, móc túi lấy thuốc, châm lửa, quay đít về phía bà tôi, ngỏng cổ nhìn những tấm ảnh lồng trong một khung kính lớn treo trên tường, dưới bàn thờ ông nội
tôi. Hơn hai chục tấm ảnh đen trắng còn rõ hình nét. Bà Tôi. Bố mẹ tôi. Cô Quỳnh. Chú Dũng. Và tôi. Cái chụp chung. Cái chụp riêng. Nhưng mắt ông chỉ xoi xói vào cái ảnh mẹ tôi chụp hồi hai mươi tuổi, tô môi, uốn tóc, mặc áo cổ quả tim hoa lấm chấm, nụ cười lệch như một vành trăng treo.
- Em vẫn chẳng khác xưa tẹo nào. Vẫn trẻ như thế. Và... vẫn xinh. ừ, xem ra lại còn hơn xưa là khác.
Khen bô bô ra miệng như thế rõ ràng là có ý nịnh nọt, tán tỉnh. Lại dơ dáng và trơ trẽn nữa. Vì trước mặt cả bà tôi. Lại đã đứng tuổi rồi. Bà tôi nguýt ông lái một cái, đi ra sân, nhổ xoẹt một bãi cốt trầu.
Mẹ tôi đỏ mặt, gượng gạo cười:
- Già đi nhiều rồi!
- Chẳng già đi tẹo nào cả! Sao không phi-dê như hồi ấy?
- Tóc em mọc nhanh lắm!
Quả là tóc mẹ tôi mọc nhanh lắm. Vừa mới cắt đi, uốn điện hôm nào đã lại thấy mẹ tôi cùng bà tôi gội đầu bằng nước bồ kếp rồi quay tóc vun vút như quất roi. Bà tôi dạy mẹ tôi cách quay tóc cho chóng khô. Và cảnh ấy là cảnh rất vui mắt với tôi. Bồ kếp làm sạch tóc nhưng có lẽ cũng làm dày tóc. Bà tôi bảo thế. Tóc mẹ tôi ít lâu nay bện thành hai bím mà mỗi bím vẫn to bằng cổ tay tôi. Tôi hay mân mê chơi với hai bím tóc ấy mỗi khi ngồi trong lòng mẹ, khi mẹ bế tôi, nói chuyện với ông lái.
ông lái xe tải chạy đường xa. Nay Hải Phòng, mai ông lại đi Đà Nẵng. ông rất nhiều tiền. Hai túi áo ngực ông lúc nào cũng ních chặt những cuộn giấy bạc đỏ hồng. Đến chơi là ông cho tôi bánh kẹo. Còn mẹ tôi, lần ông tặng áo phông Thái, lần ông biếu nước hoa. Lại có lần cho một cái quần bò và bảo mẹ tôi mặc ngay vào cho ông ngắm thử. Mẹ tôi bẽn lẽn, lúc đầu chối từ,
nhưng sau lại tỏ ra rất thích. Mẹ tôi mặc quần bò trông trẻ hẳn ra. Từ đó mẹ tôi rất ít khi mặc lại những cái quần vải đen xuềnh xoàng, nhất là khi gặp ông lái. Những quà biếu tặng ấy khiến cho tình thân giữa ông lái và mẹ tôi tăng dần lên.
Sau này tôi mới biết mẹ tôi quen ông lái trong một trường hợp ngẫu nhiên. Chẳng hiểu đi đứng thế nào, xe ông lái cán gãy khung chiếc xe đạp của mẹ tôi. Mẹ tôi xót của mắng ông té tát giữa đường phố! Công an đến lập biên bản. ông lái xe ký bồi thường rất thoải mái. Tưởng chỉ là trò lá mặt lá trái, chuyện bồi thường cũng còn lâu. Nào ngờ thoắt cái, đang là người dưng nước lã, thậm chí hằn thù nhau, lại trở nên thân quen gần gụi. Đó là bởi ngay hôm sau, ông lái chở đến đền cho mẹ tôi một chiếc Eska Tiệp Khắc gần như còn mới nguyên. Mẹ tôi bàng hoàng không tin đó là sự thật và cùng với bà tôi, nhất quyết không dám nhận.
Không bao giờ hưởng hơn cái phần mình đáng được hưởng. Bà tôi bảo vậy. Nhưng, mẹ tôi đã xiêu lòng, phần vì ông lái khéo nói quá. ông bảo: lỗi này hoàn toàn là do ông. ông cần phải được chuộc lỗi. Cái chính là vậy. Còn như sự chênh lệch thì có gì là đáng kể, giữa hai chiếc xe. Hơn nữa, ông là tài xế ô-tô, chiếc xe sắm đã lâu không dùng tới, hồi đó giá rẻ lắm, nay để không, han gỉ phí đi.
Kết thúc của tai nạn là một bữa cơm đoàn kết do mẹ tôi đứng ra chủ trì, có nem cua bể và giò chả, bia do ông lái mang tới. Bà tôi giận mẹ tôi từ lúc nhận chiếc xe, cáo là bị dị ứng cua cá, không ăn. ông lái xe ăn uống sùng sục, lại ép mẹ tôi uống rượu mạnh. Xởi lởi suốt bữa chỉ có ông.
Từ đó, ông hay qua lại nhà tôi, ông hay biếu xén quà cáp cho mẹ tôi. Cũng nhiều khi ông chở mẹ tôi đi đây đi đó. Dần dần quen thân nhau, đến mức nghe thấy tiếng còi bấm nhịp ba ở
ngoài dốc đỏ mẹ tôi đang dở việc gì cũng bỏ đấy, chạy ra cửa ngóng. Rồi gặp nhau là ríu rít chuyện trò:
- Bố nhóc làm gì, em?
- Bộ đội.
- Lính pháo?
- Không! Lái xe như anh!
ông quay lại nháy mắt với mẹ tôi:
- Thế thì tiện quá!
Tiện cái gì, tôi không biết. Tôi chỉ
để ý thấy bà tôi mỗi ngày một thêm lạnh nhạt khó chịu với ông lái. ông lái đến là gập người xuống, ra cái điều cung kính, chào bà tôi. Bà tôi vuốt quết trầu, dửng dưng: không dám, rồi bỏ vào bếp. ông mua thuốc lào Kiến An biếu bà tôi ăn trầu, bà tôi không nhận, nói là thuốc này xốc lắm. Có lần ông biếu bà tôi một chiếc chiếu cói Nga Sơn. Bà tôi cười mỉa, đẩy ra: Chết, tôi đã hai năm mươi đâu mà ông cho chiếu bó! Một lần, ông đậu xe trước cửa, vào gõ cửa hỏi bà: mẹ tôi đâu?
Mẹ tôi đang nấu cơm trong bếp. Bà tôi hé cửa, đáp cụt lủn: Đi vắng rồi. ông nằn nèo, gạn hỏi. Bà tôi dứt dóng: Mẹ nó vào Sài Gòn ở với chồng rồi.
Thế mà ông lái cứ rập rình đến, rủ mẹ tôi, nay đi chơi nơi này, mai đi thăm nơi khác. Rồi lại tiếp quà tặng, quà biếu. Bà tôi nhiều lần đã phải nói thẳng với mẹ tôi rằng: bà không ưa ông ta, ông ta là người không đứng đắn. Nghề lái xe với nhân cách như ông ta, chỉ là nghề để kiếm chác lợi lộc bằng cách bắt chẹt khách, buôn lậu, ăn cắp và sống lang bạt, bợm bãi nữa.
- Mẹ xem con người này không phải người tử tế đâu. Con là gái có chồng, có gia đình con cái rồi, con càng phải giữ gìn sao cho khỏi điều ong tiếng ve. Nhất là khi chồng con xa cách. Nào mẹ đâu có phải con người cổ hủ bắt ne bắt nét con phải cấm cung, ru rú xó nhà. Nhưng phải chọn bạn mà chơi...
Mẹ tôi thanh minh ấp a ấp úng. Rằng chỉ là bạn sơ sơ thôi. Rằng ông ta trông bề ngoài thế thôi, chứ thậm hiền lành, lại còn là đảng viên, nhiều năm là chiến sĩ thi đua nữa kia. ít lâu sau lại nói: đã nhận là anh em kết nghĩa cho danh chính ngôn thuận, vì ông ấy trước cũng là lái xe trong quân đội và có quen biết bố tôi. ông ấy đã cho mẹ tôi vay tiền để nay mai mẹ tôi vào Nam hỏi tin tức bố tôi. Ngoài ra, ông ấy còn hứa gặp chuyến đi kết hợp được, ông sẽ cho mẹ tôi quá giang.
Bà tôi giãy nảy:
- Không! Không thể thế được, con ạ!
Mẹ không bằng lòng con đặt quan hệ như thế với người ta đâu!
Mẹ tôi im, mặt lìm lịm, rồi tự dưng bật khóc. Bà tôi gặng hỏi mãi, mẹ tôi mếu máo bảo rằng: có người bạn ở Cam-pu-chia về nói bố tôi đã hy sinh rồi; bọn Pôn Pốt một lần phục kích đã bắn cháy chiếc xe bố tôi lái và giết luôn cả bố tôi.
Bà tôi nghẹn thở, ngồi lặng như hóa đá.
Tình thế cứ mỗi ngày một dồn nén, một bức bối. Tôi đã bắt gặp nhiều cuộc nói chuyện của bà và mẹ tôi. Mắt cả hai đều đỏ hoe. Bối rối quá. Mà chẳng biết cởi gỡ thế nào. ông tài xế xe tải lại thậm thụt đến. ông làm rối thêm cái nhịp sống đang rắm rối của gia đình tôi. Hợm tiền, ông càng lúc càng trơ tráo. Có bận ông ở lại nhà tôi quá nửa đêm mới đi.
Một hôm bà tôi bị sốt xuất huyết phải vào nằm bệnh viện. Đêm ấy, tôi đang ngủ, bỗng thức giấc, định ngồi lên thì mẹ tôi đã cúi xuống gần như chèn lấy ngực tôi, thì thầm ráo riết, đầy vẻ sợ hãi: Ngủ đi, con ngủ đi, con.
Theo thói quen, tôi quờ tay lên định ôm cổ mẹ tôi thì chạm phải mảng vai trần của mẹ tôi và một bắp tay ai đó lờm xờm lông lá. Tôi mu mơ hỏi câu gì đó. Mẹ tôi cất tiếng ru át đi. Tôi thoảng nghe thấy một tiếng đàn ông cười, rồi thiếp đi trong lời ru của mẹ.
Một lần khác, sắp tết, nhè lúc bà tôi đi chợ sắm sửa, ông mò đến. Mẹ tôi đang tắm gội tất niên trong bếp. ông để chiếc xe lấm láp ở ngoài đường, gọi tôi ra, bảo tôi trông hộ, rồi xồng xộc bước vào nhà tôi. Tôi đang đốt pháo thì hương tắt. Bỏ chiếc xe ô-tô đấy, tôi vào nhà, xuống bếp tìm diêm. Nhà bếp ở cạnh buồng tắm, bể nước. Đang tìm kiếm bao diêm, bỗng tôi nghe như có tiếng người thì thào và tiếng động trong buồng tắm. Ai đấy? Quên bẵng mẹ đang tắm, tôi quát hỏi và đẩy cửa buồng tắm. Kinh quá. Tôi nhận ra mẹ tôi đang vùng vẫy đẩy ông lái xe ra.
Lúc ấy bà tôi đi chợ về, vẻ mặt hớt hải rất lạ. ông lái đi lên nhà, cái áo blu-dông da còn ánh nước. Quay quay mấy chiếc chìa khóa trong ngón tay trỏ, ông cười tỉnh bơ:
- Bà đi chợ sắm tết được nhiều chưa, bà?
Bà tôi lạnh băng:
- Nào đã mua được cái gì! Ra tới chợ mới sực nhớ nhà chưa khóa, năm hết tết đến, ngộ nhỡ có thằng lưu manh côn đồ nào nó lẻn vào thì đi ăn mày sớm.
°

*

Mưa rươi rí rách suốt một tuần liền kể từ ngày mẹ tôi bỏ đi. Mùa thu sụt sùi, tỏa cái lạnh cách trở vào mỗi chân tóc. Và hơi sương u ám đã làm nhoè đi hương sắc của bó hoa sen hôm nào bà tôi mua đặt trên bàn thờ ông nội tôi.
Sớm nào cũng vậy, đã định dậy rồi, nhưng thấy tôi co ro trong chiếc chăn đơn mỏng, bà lại nằm xuống, đưa tay vỗ nhè nhẹ lưng tôi. Khốn khổ, bà thương tôi, đứa cháu vẫn còn mẹ và có thể là cha nó chưa chết, thế mà
bỗng chốc trở nên côi cút. Trong những giây phút đầu tiên xa cách ấy, tôi chưa cảm nhận hết nỗi bơ vơ, chỉ thấy run rẩy vì một khoảng không trống lạnh có thật. Mọi đêm tôi nằm giữa, một bên là mẹ, một bên là bà, giữa cái ấm áp và vui vẻ quen thân. Những đêm đông giá lạnh, tôi chẳng biết đến cái rét. Tôi rúc vào bà, vào mẹ. Tôi cù ki, tôi beo tai bà. Tôi hát theo bài mẹ dạy. Tôi đọc theo bà một bài đồng dao nhỏ. Bà ơi sao răng bà lại nhuộm đen? Bà ơi, sao bà lại vấn khăn? Sao mẹ cháu lại không vấn khăn như bà? Tôi hỏi. Tôi nghe. Rồi tôi gác chân lên bụng bà, lên ngực mẹ. Rồi tôi kéo chăn. "›, cái thằng này đã nằm giữa lại còn kéo chăn". - Bà tôi kêu. Đêm nào cũng chuyện ấy. Rồi sáng sau thế nào cũng trách yêu tôi là giãy đạp lung tung, nằm đè cả lên chăn và tướn đầu ra ngoài màn, làm hở cả sườn bà và mẹ. Bà chỉ khen tôi mỗi ưu điểm là không "dấm đài", y như bố tôi ngày
nhỏ. Nhưng bà bảo: bố mày ngày xưa khổ lắm. Chạy Tây, mới sáu - bảy tuổi đầu đã phải đi bộ ròng rã cả ngày đường, chứ đâu có được bế bồng, ôm ẵm nâng niu như tôi bây giờ. Ngày xưa, thật ai cũng khổ. Bà tôi làm thợ trong xưởng quân giới ở Việt Bắc. Mỗi lần Tây mở càn là tản cư, sắp một đôi quang gánh, hai bên là hai cái thúng, một bên cô Quỳnh, một bên chú Dũng, cứ thế bà tôi gánh vã cả ngày. ông tôi là đảng viên từ năm 1939 ; kháng chiến chống Pháp là tỉnh uỷ viên bí mật trong vùng địch chiếm, đến khi cải cách ruộng đất thì bị xử trí oan, rất tội nghiệp.
Nhưng, bây giờ thì hình như tôi cũng chẳng còn được hưởng sung sướng nữa. Đêm nằm, tôi có cảm giác chênh vênh thế nào. Phía bà, có hơi bà, nhưng bà gầy teo, bà không tỏa đủ hơi ấm ủ tôi. Tôi vòng tay ôm cổ bà. Bà kêu: Khéo nghẹn cổ bà. Rồi chép miệng: Khổ cháu tôi, để bà lấy ít báo cũ của bố cháu trải xuống dưới chiếu làm nệm cho đỡ lạnh nhé.
Thấy tôi trằn trọc, bà mủi lòng:
- Nhớ mẹ, hả? Thôi, ngủ đi. Ngủ đi, cháu. Trước sau rồi thế nào mẹ cháu cũng về thôi, cháu ạ. Sờ tai bà đây, ngủ đi.
Tôi sờ tai bà tôi, thay cho mọi khi đôi lúc tôi sờ tí mẹ. Tai bà tôi to, chảy dài, như tai Phật.
- Bà ơi, tại sao ở đuôi tai bà lại có lỗ thủng, hả bà?
- Tại bà xâu lỗ tai.
- Xâu thế nào, hả bà?
- Lấy một cái kim, nghiến răng lại, nhờ người ta chọc xuyên qua thịt, rồi rút kim, buộc một vòng chỉ. Được mấy hôm chỗ ấy mưng mưng ngứa ngứa. Lấy tay kéo đi kéo lại vòng chỉ, ít lâu thì cái lỗ kim đâm rộng ra. Lúc ấy bỏ vòng chỉ, xâu cái cuống chiếu vào.
- Để làm gì hở bà?
- Để đeo khuyên vàng khuyên bạc.
- Mẹ cháu không có lỗ tai. Nhưng cũng có một đôi khuyên vàng, bà ạ.
- Bà biết.
- Hôm qua cháu mở ngăn kéo thấy đôi khuyên ấy ở trong cái hộp bìa đỏ đựng huân chương của bố cháu, bà ạ.
- Thật ư, cháu?
Bà tôi bò dậy, đi tới cái bàn nhỏ gỗ mun, bốn chân tiện con thoi kiểu cổ, kê ở góc nhà, rút ngăn kéo và đứng ngẩn một hồi. Tôi đã không nhầm. Mẹ tôi đã cố ý để lại đôi vật báu ấy cho tôi, cho bà tôi. Khi bà tôi trở lại giường nằm, tôi nhận thấy mắt bà ngấn lệ. Cùng với đôi khuyên vàng, còn một mảnh giấy nhỏ chỉ vẻn vẹn mấy dòng chữ của mẹ tôi nhưng rất não lòng mà sau này tôi mới đọc được:
"Bà tha tội cho con. Con tha tội cho mẹ. Thụy".
Đọc xong những dòng chữ ấy, bà tôi cúi xuống, đưa tay bưng lấy mắt và những giọt nước mắt rất trong, rất nặng như tự cái nguồn vô tận nào của nỗi đau và tình thương, lọt qua kẽ tay bà, rơi lộp độp xuống mặt chiếu:
- ới con ơi là con ơi. Ma quỷ nào ám con hay con ăn phải bùa mê thuốc lú nào mà đến nông nỗi này, hở con? Con ơi, Thụy ơi, nào con có phải là kẻ tăm tối, là con người vụng suy, hư đốn, hở con!
Tôi ngẩn ngơ trong tiếng khóc than xót đau, ai oán của bà tôi. Chỉ mang máng hiểu rằng, đã có một cái gì đó rất vô lý xảy ra. Nhưng những sắc thái tinh tế của tình cảm, những cảnh huống éo le của cõi đời, những khúc mắc rắc rối của các thứ quan hệ đối với tôi còn quá xa lạ. Tôi không biết giận, cũng chưa biết thương. Tôi chỉ thấy nhớ mẹ.
Bây giờ bóng hình mẹ ở khắp nhà, ở mỗi chi tiết đồ vật trong nhà. Cái nón lá mới quang dầu bóng nhoáng úp mặt vào tường. Dưới cái giá đặt bàn thờ ông có một cái đinh treo chiếc chìa khóa xe đạp mẹ vẫn mắc. Cái túi lưới đem đi làm để mua thức ăn mỗi chiều tan tầm mẹ treo ở ngoài cánh cửa. Cái rá, mới hôm nào mẹ mua về lấy dây đồng cạp thêm, tôi hỏi, mẹ còn nói: Mẹ học bà đấy, của bền tại người mà con. Cái gương hình quả tim mẹ vẫn soi ở góc nhà. Ngoài cửa còn lăn lóc đôi guốc cao gót dính bùn đỏ mới hôm rồi đi làm về mẹ ngồi cạy mãi không sạch. Ngoài đó còn con mèo nhị thể đen trắng tên là Mí mẹ mua của một người bạn năm hào, đúng ngày mồng một tháng sáu năm rồi. Con mèo được bà tôi dẫn tới trước ba ông vua bếp. Bà chắp tay hộ nó, bảo nó lễ để nhập tịch. Giờ con mèo ngồi lặng nhìn ra sân. Nó cũng thấy vắng bóng mẹ tôi.
Hơi hướng mẹ tôi thấm nhiễm trong mỗi linh hồn sự vật. Và tôi có cảm giác rằng nỗi nhớ của tôi chẳng bao lâu nữa là sẽ được đền bù đầy đủ. Bởi vì chỉ nay mai thôi, như lời bà tôi nói, mẹ tôi sẽ quay về với tôi. Quay về là thế nào cũng ôm chầm lấy tôi, hôn lấy hôn để vào hai má tôi, vừa hôn vừa chằm bặp, rối rít: "ại con giai của mẹ, có nhớ mẹ không? Mẹ nhớ con quá! ại con chó bông, con chó xồm của mẹ". Bà tôi nhìn cảnh tượng ấy, nheo mắt cười: "Thôi, buông nó ra mà đi tắm rửa. Rồi tối tha hồ ôm ấp nhau mà líu lô. Tôi chịu không ru nổi đâu. Hết cả hơi, nửa đêm còn thao láo hai con mắt, hỏi: "Bao giờ mẹ cháu về hả bà?" Đó là những lần mẹ tôi đi thi thợ giỏi ở các tỉnh xa trở về. Sau một vài ngày xa cách nhớ mong là những ngày tràn trề sung sướng, vì thỏa lòng mong nhớ và những thể hiện yêu thương.
Cái cảnh ấy rồi sẽ trở lại chứ? Vừa nghĩ thế, tôi vừa đưa mắt nhìn căn buồng nay bỗng như rộng thêm ra. Và tôi đã chồm dậy, thật bất ngờ, phong phanh áo mỏng chân đất, tiến lại dưới cái khung ảnh gia đình treo ở bức tường đối diện với giường ngủ. Tôi bắc ghế, leo lên để nhìn cho rõ. Dưới khung ảnh là những tờ giấy báo công, giấy khen của bố tôi. Trong khung kính, số ảnh đã chẳng còn nguyên vẹn. Có ba khoảng trống. Tôi nhớ lắm: tấm ảnh to nhất là hình nửa người mẹ tôi lúc trẻ. Tấm đặt ngang chụp bốn người dàn hàng: bố tôi, tôi, mẹ tôi và bà. Tấm nhỏ nhất là hình tôi khi mới biết lẫy, hai mắt tráo trưng như hai hột nhãn, tóc tơ lơ phơ dựng ngược như một cái bờm. Dạo đó bà gọi tôi là thằng Tê tê. Mẹ tôi đã bọc ba cái ảnh ấy đem đi theo rồi! Đem đi để làm gì nhỉ?
Bà tôi đứng đằng sau tôi từ lúc nào, cũng đăm đăm nhìn cái khung ảnh có ba khoảng trống. Có lẽ bà nhìn thấy điều gì đó buồn lắm, nên lát sau bà thở một hơi dài rất nặng nề. Bà bảo tôi lên giường ngủ tiếp đi, giọng bà nghẹn ngào, rồi đột ngột như khê đặc lại trong tiếng hát ru tôi:
ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang. Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây...
°

*

Mùi hương đã đánh thức tôi. Đó là mùi thơm man mác của trầm
ở nén hương vòng thắp trên bàn thờ ông tôi. Bàn thờ là một tấm gỗ mỏng đặt trên một cái giá đỡ bằng sắt, sơn xanh, bắt vít vào tường. Công trình này do bố tôi làm, theo yêu cầu của bà tôi, hồi gia đình tôi mới dọn đến căn hộ này. Được dọn đến nơi ở mới, việc đầu tiên bà tôi lo là lập bàn thờ và cúng tổ tiên. Bà bảo: trần sao âm vậy, phải báo cho cụ, kỵ, tiên tổ biết nơi ăn ở, để các cụ đi lại với con cháu. Thêm nữa, bà cười hóm hém: đất có thổ công, có chủ đất, mình đến ở cũng nên báo cho người ta biết, ăn ở như thế mới là trọn vẹn lý tình... Có gì nặng nề đâu mà bảo mê tín. Ngày rằm mùng một, ít thanh bông hoa quả đầu mùa bà trích lương hưu ra mua về, trước là cúng các cụ, sau là con cháu hưởng lộc, mất mát tốn kém gì.
Trên cái bàn thờ mộc mạc ấy, có một bát hương men xanh và cái bài vị trong đặt ảnh ông nội tôi. ảnh ông nội tôi to, rõ từng nét lông mày. Đó là một khuôn mặt thoạt nhìn tôi cứ ngỡ là bố tôi. Cũng gương mặt vuông, quai hàm rộng, gò mũi cao, thẳng với hai con mắt quắc lên như giận dữ điều gì và vầng trán cao có ba đường nhăn ghi lại một dấu vết buồn đau, phù hợp với nét vạc sâu hai bên mép, như chứng cứ của một niềm ẩn ức sâu kín.
Mùi hương ngát ru hồn tôi. Tôi bâng lâng nửa thức nửa ngủ. Và trong trạng thái chập chờn ấy, tôi nghe thấy giọng bà tôi ở đâu đó, đứt nối, xa gần bồng bềnh:
- ông Lạng ơi... ông sống khôn chết thiêng, phù hộ cho tôi, cho con cháu tai qua nạn khỏi, mạnh chân khỏe tay, khôn ngoan sáng láng... ông ơi, con cháu nhà ta vì sinh ra ở thời buổi khó khăn này, hay vì nó trái tính khác nết, mà sinh ra nhiều điều lủng củng thế ư, ông? Hay là họ Lã nhà mình, mấy đời nay đều bị cái dớp là tiên trắc trở, hậu mới thành, hở ông? ông ơi, lúc này ruột gan tôi tan nát, lú lẫn cả. ông thì ở xa, âm dương cách trở. Con cái thì mỗi đứa mỗi ngả. Mới đây, con dâu cả của ông, ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà đường sáng không đi...
Bà tôi đang tâm sự với ông tôi, người đã khuất từ rất lâu trước khi tôi chào đời. ông tôi mất ở trên Phú Thọ. Chôn ở đó. Cải táng cũng ở đó. Ngoảnh đi ngoảnh lại mấy chục năm, đến lúc muốn đưa hài cốt ông về gần, lên tìm thì không thấy. Mẹ tôi hoảng hồn đi xem bói, thầy bói phán: mộ cụ tam đại mất nấm, con cháu không ra gì rồi. Bà tôi đâm lo, cất công đi tìm bốn năm lượt, có lượt đào tới nắp tiểu rồi mới biết là nhầm, đành vội lấp đi. Cuối cùng trước khi nhập ngũ, bố tôi
nghỉ liền hai phép, sục khắp quanh vùng theo trí nhớ và hỏi han các cụ già còn sống. Cuối cùng tìm được. Bộ hài cốt ông tôi còn đẹp lắm và nguyên vẹn cả. Không thể lẫn được, bà tôi bảo: cái hoa của ông có một vết rạn ở sau sọ, đó là vết thương do mật thám Tây nó đánh, khi còn sống, trở trời ông vẫn hay kêu đau đầu là vậy. Cũng không thể lẫn được bộ xương sườn ông tôi, ở phía bên trái có một chiếc bị gãy. Bà tôi tự tay rửa nước thơm, nước vang bộ hài cốt ông tôi, xếp lại vào tiểu sành rồi đưa lên táng tại Yên Kỳ - nghĩa trang của thành phố.
Yên Kỳ cách nhà tôi bảy mươi cây số. Bà tôi bảo, xa thế, nhưng ông tôi vẫn đi đi về về với con cháu. Bà tôi biết cách mời ông về. Hai người như có ám hiệu riêng. ám hiệu riêng đó là bài khấn. Bà tôi dạy bố mẹ tôi bài khấn đó. Bà bảo: phải khấn đúng bài thì khi chết hồn mới về với con cháu được. Bằng không dẫu có mổ ba bò chín trâu
cúng giỗ, gia tiên cũng chỉ đứng ngoài cửa nhìn con cháu trong nhà mà khóc thôi.
Bố tôi thuộc ngay bài khấn. Mẹ tôi chép ra giấy, học thuộc lòng, nhưng được vài bữa lại quên. Chắp tay trước bàn thờ ông, chỉ biết lẩm nhẩm: Hôm nay là ngày... chúng con là... ngụ tại buồng 12, nhà B16, phường Ngọc Sinh...làm mâm cơm mời ông...
°

*

Gia đình tôi ở căn buồng số 12 trong dãy nhà một tầng dài thượt, mái ngói đã mọc rêu xám, đầu hồi có kẻ chữ B16. Có đến mấy chục dãy nhà mang ký hiệu B. Lại mấy chục dãy hai tầng mang ký hiệu A. Nhà mang ký hiệu C là nhà năm tầng, cũng có đến hơn chục cái. Tất cả hợp lại, cùng với một khu làng cổ xưa, thành phường Ngọc Sinh ở ngoại vi thành phố.
Căn buồng chính của gia đình tôi rộng hai mươi tư mét vuông. Từ sân vào, qua nó, đến cái sân nhỏ, bước vào khu phụ rộng hơn chục mét vuông nữa, gồm bếp, bể nước, nhà tắm, buồng vệ sinh, nhà kho. Trước căn buồng chính có một hành lang nhỏ. Ngoài nữa là cái sân đất, mỗi chiều rộng độ ba mét. Chừa một lối đi nhỏ ở giữa, còn lại đất được cuốc lên đánh thành luống, bà tôi hè thì gieo rau dền, rau đay, đông thì trồng su hào, cải bắp, khi giàn mướp, lúc giàn su su, mùa nào thức ấy, chịu khó bón chăm cũng đủ rau ăn cho cả nhà.
Bố mẹ tôi là thợ giỏi nên được ưu tiên phân phối căn hộ này. Thoạt đầu mới chỉ có bố mẹ tôi, tôi và bà nội tôi. Bà tôi về hưu đã lâu, bà thích sống ở quê hơn. Bà vẫn nói: vì thương tôi là cháu đích tôn và nghĩ rằng thế nào rồi bố tôi cũng nhập ngũ, nên mới rời quê lên đây ở với bố mẹ tôi. Bà tôi lên ít lâu thì cô Quỳnh, chú Dũng hết năm
học cũng lên ở cùng. Sáu người ở, hơi chật một tí, nhưng vui lắm. Nhưng cảnh sum họp chỉ có được hơn một năm. Hết lớp mười, cô Quỳnh xung phong đi xây dựng nông trường ở miền núi Lao Cai. Chú Dũng thi đỗ đại học, nhưng lại nghe theo lời rủ rê của bạn bè, bỏ học, lên Thái Nguyên, xin vào đoàn địa chất đi tìm sắt. Tính chú từ bé đã thích phiêu lưu mạo hiểm và thích cái gì là bất kể. Bố tôi bực với chú Dũng lắm. Mắng là đồ ngu xuẩn. Rồi đe: mày sẽ ân hận suốt đời. Chú tôi căi lại. Bố tôi dọa: tao sẽ đề nghị đoàn
địa chất đuổi mày. Gay gắt quá. Bà tôi nước mắt lưng tròng, than: nhà họ Lã khác người quá, các con à.
Họ Lã nào? Khác người là thế nào? Lúc đó tôi chưa đủ sức hiểu hết ngọn ngành dòng họ nhà tôi và những ý tứ ẩn chứa cùng nỗi niềm lo ngại trong câu nói của bà tôi.
Bây giờ, trong căn buồng này chỉ còn lại bà tôi và tôi, hai cái số phận cô lẻ, hẩm hiu giữa một gia sản nghèo nàn, trong tình cảnh đau buồn, vô vọng. Bây giờ, quanh tôi trống trải quá.
°

*

Lớn lên chút nữa thì tôi hiểu rằng: chẳng phải từ ngày mẹ tôi bỏ nhà đi, tôi và bà tôi mới lâm vào cảnh nghèo. So với nhiều gia đình, gia đình tôi, một gia đình thợ thuần tuý, ít nhất là hai đời thợ, là rất nghèo. Ngoài đồng lương, mấy luống rau trước nhà, chẳng còn một nguồn thu nhập nào nữa. Bây giờ, sau khi bố tôi đi bộ đội, mẹ tôi bỏ nhà đi, thì ngay đến đồng lương cũng chẳng còn. Chỉ còn một nguồn thu duy nhất, may mà có nguồn thu ấy, đó là lương hưu của bà tôi. Lương hưu ít ỏi lắm, may ra chỉ đủ mua gạo cho hai bà cháu.
Tình thế thật là quẫn bách. Sau hôm mẹ tôi bỏ đi đã có những lúc bà tôi ngồi thẫn thờ hàng giờ liền. Rồi tôi thấy bà tôi lục ngăn kéo, lấy giấy bút lọ mọ viết. Tôi hỏi, bà bảo: bà viết thư cho cô Quỳnh, chú Dũng. Nhưng viết được ba bốn dòng, bà lại buông bút, vò giấy, ném vào chậu rác. Bà bảo: thôi, viết làm gì những chuyện buồn. Với lại gần đây nghe tin người ta nói chú Dũng đã đi bộ đội đặc công rồi, không còn ở Thái Nguyên với đoàn địa chất nữa, và cũng không có địa chỉ. Còn cô Quỳnh, cũng đừng để chuyện buồn của mình ảnh hưởng đến công tác, sức phấn đấu của cô. Nhà mình đã đến nỗi nào. Bà nói vậy, mỉm cười và nhìn xung quanh nhà như có ý kiểm kê. ừ, còn cái xe đạp Eska, còn đôi khuyên, còn cái quạt trần... còn hàng xóm với những người tốt khi cơ nhỡ đều có thể vay giật tạm được. Tuy vậy, phòng xa và để có khoản vốn sinh lãi đều đều, trước hết phải bán cái xe đạp đi để lấy tiền gửi tiết kiệm lấy lăi hàng tháng. ừ, cái xe đạp, một khoản tiền đáng kể đấy. Nhưng xem ra bà muốn bán lắm mà vẫn có vẻ áy náy. Sau này, tôi mới biết rằng, bà cứ nhìn cái xe đạp là lại đau nhói trong lòng, nó là cái vật chứng nguồn cơn của điều tai biến trong nhà, chỉ muốn bán quách đi cho nó khuất mắt. Nhưng, bà lại ái ngại cho tôi, vì nghĩ rằng nó là cái xe sau này tôi cần có. Cuối cùng, bà bảo tôi: Người còn của còn, cháu ạ. Sau này bà sắm cho cái xe đạp bằng mấy ấy chứ. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì.
Người mua xe vừa nghe hơi có bà cụ muốn bán xe, đến ngay lập tức. Đó là một người đàn ông răng màu đồng gỉ, môi cặn quết trầu, mắt cặp kèm, mặc bộ quần áo ta nhuộm màu dâu da, vừa lẳng vừa hèn. Người trông như làm nghề lái trâu này có tật ngưỡng thiên nên cứ vác mặt ngó nhìn trần nhà. Lát sau thì mắt ông lia ngang lia dọc, như kiểm soát đánh giá gia cảnh người bán xe. Cuối cùng ông mới sờ đến cái xe. Búng tay vào từng cái tuýp khung xe, lắng tai nghe rất kỹ. Nhấc yên xe lên, dấn bàn đạp, nhìn cái bánh xe quay tít loang loáng, đánh giá độ trơn của trục xe. Gật gật một hồi rồi ông mới đè cả hai bàn tay lên tay lái ấn xuống và nín hơi dận dận, đến đỏ bừng cả mặt. Chán chê ông mới xịt một tia nước bọt, đập tay lên yên xe, uể oải:
- Cụ nói bao nhiêu cái xe tàng này?
- Thì ông thấy đáng bao nhiêu cứ giả.
- ô hay! Nhà hàng muốn bán thì phải gióng lên một tiếng, khách mua mới biết đường mà giả chứ. Chẳng hạn, nghìn mốt, nghìn hai... hay là bảy trăm, tám trăm.
Rõ là giọng lái buôn chuyên nghiệp. Xe này mà bảy trăm, tám trăm, nghìn mốt, nghìn hai. Bà tôi hỏi dò cô Đại Bàng bên hàng xóm, cô bảo ít ra cũng phải hai ngàn rưởi. Chắc người mua này tưởng có thể bịp được bà tôi. ông ta đâu có biết, bà tôi thật thà nhưng không dễ để ai bắt nạt, ăn hiếp mình. Chẳng nói chẳng rằng, bà tôi khẽ gạt tay ông, dắt luôn chiếc xe từ ngoài sân vào nhà.
- › kìa... cụ đem xe đi đâu thế?
- ông không biết người biết của, mua sao được mà mua.
ông khách nhoai người, giữ cái yên xe, lè nhè:
- ô hay, thì tôi đã nói gì đâu...
- Xe thế này mà dám nói là xe tàng thì có đúng là không biết của không?
ông lái híp hai con mắt khoái trá, rồi vừa chấm kẽ mắt vừa cười cầu tài: - Thì cũng phải nói thế chứ. Chẳng nhẽ tôi khen để cụ vác mặt lên làm cao à. Thôi thế này... cụ cho một tiếng, đúng giá, tôi trả tiền dắt xe đi ngay, không nhùng nhằng lời qua tiếng lại nữa.
ông ta xắn tay áo, ra vẻ cả quyết. Thấy tay ông không còn giữ yên xe, bà tôi đẩy luôn chiếc Eska vào hiên. ông khách hốt hoảng bước theo, miệng kêu: › kìa, ơ kìa. Bà tôi quay lại: - Hai nghìn đúng, ông có lấy thì trả tiền!
ông khách sững lại, giơ hai tay lên trời vờ vĩnh: - ôi giời ! Xe cụ đắt hơn vàng mười kia à!
- Thì thôi vậy!
- Thôi thì thôi, chứ tôi thiếu gì nơi mua.
- Vâng, ông không ăn giá ấy thì tôi đâu có ép.
- Nhưng mà cụ ơi, - ông khách nhăn nhó. - Cụ nóng tính quá đấy. Đời thuở nhà ai, ra giá lại khăng khăng một lời thế được!
- Nhưng ông mua thật hay vờ?
Mua để dùng hay để buôn nào?
- Cái sự đi buôn hay không nó không quan trọng! Quan trọng là tiền nào của ấy, cụ ạ.
- Thì chính thế tôi mới nói giá là hai nghìn.
- Chậc! Thì cụ cũng phải để cháu nhẩn nha một tí chứ. Một đống tiền đấy chứ ít à!
Mắt ông khách lại tít lại. Rõ là ông
đã đánh hơi thấy một món hời. Và kết thúc của một hồi cò kè, chiếc xe ngã giá một nghìn chín trăm đồng. Tuy vậy khi trả tiền, ông khách lại bớt năm
chục ; bà tôi đòi, nhất định ông không chịu trả, ông bảo là để lấy may, là tiền chè lá và đó là luật mua bán xưa nay.
Bà tôi chẹp miệng mát mẻ:
- ông quá đàn bà. Chắc là bà vợ được ơn nhờ ông lắm nhỉ!
ông khách nhe hàm răng màu đồng gỉ, cười:
- Thì cụ quá đàn ông!
Bà tôi bật cười theo ông khách. Chuyện cũng vui vui đấy nhỉ. Còn vui hơn nữa là khi dắt xe ra cổng, ông bỗng níu bà tôi lại, hơi cúi xuống, thẽ thọt:
- Cụ ơi, cụ giúp con tí nhé. Nghe nói phường Ngọc Sinh này có một xóm tên là xóm Tây, nghĩa là toàn những gia đình ở Tây về, lắm hàng ngoại muốn bán lắm. Cụ biết cụ mách mối, con xin sòng phẳng tiền trà lá với cụ.
°

*

Bây giờ thì phường Ngọc Sinh của tôi đã khác hồi ấy lắm rồi. Tuy vậy tôi vẫn còn nhớ cái khung cảnh dạo đó, khi phường này mới thành lập, mọi việc còn chưa vào cơ ngũ, còn rất nhiều
điều vô lý, bực mình và buồn cười nữa.
Như tôi đã nói ở trên, phường Ngọc Sinh của tôi gồm có làng Ngọc Sinh cổ xưa và khu tập thể mới xây dựng và người mới dọn đến, hầu hết là cán bộ, công nhân viên nhà nước. Như nhiều phường, phường Ngọc Sinh cũng có đủ bộ máy hành chính và các hoạt động văn hóa, kinh tế, xă hội. Có trụ sở ủy ban nguyên là cái đình làng. Có một cửa hàng hợp tác xã mua bán vốn là nhà kho của hợp tác xã trồng rau nay đã giải tán vì hết đất nông nghiệp. Có một trường mẫu giáo đặt ở trong ngôi chùa làng. Trường phổ thông cơ sở lúc đó mới chỉ là đám đất cạnh khu A, bên bờ một hồ nước người ta đang dự định sẽ cắm đất lập chợ.
Tôi ít vào làng. So với các khu tập thể mới xây dựng thì số người ở trong làng ít lắm. Khu tập thể hồi đó đã có hàng trăm gia đình đến ở. Tuy là gạch đá xây dựng còn đang ngổn ngang, nhưng cũng hình thành các khu A, B, C. Khu B toàn nhà một tầng. Nó chính là cái xóm Tây mà ông khách mua xe ở nhà tôi nói tới đấy.
Gọi nó là xóm Tây là nói quá cho nó. Quả là có nhiều gia đình ở đây đi học, đi công tác, đi hợp tác lao động ở nước ngoài về thật. Có nhiều nhà rất giàu. Đó là những người có một thời gian dài ở Mỹ, Nhật, Thụy Điển, Pháp, Anh, Tây Đức. Nhà nào cũng ti-vi màu, xe "Cúp", máy quay băng. Có nhà có cả vi-đê-ô. Nhà nào cũng nuôi chó cảnh, chó bảo vệ. Nhưng họ chỉ chiếm số ít trong đông đảo số người ở đây.
ở đây có đủ cả các tầng lớp, các thành phần, các nghề nghiệp khác nhau, và đa số chỉ thuộc lớp người đủ ăn thôi. Nếu nói tới cái đặc sắc ở phường tôi thì nên kể về lớp người già, hay gọi là các cụ, các ông đã về hưu trí.
Ngày, ai còn trẻ đều đi làm. ở nhà chỉ còn bọn trẻ con chúng tôi và các cụ già. Các cụ già cũng có thể chia làm hai loại: loại giàu có, về hưu rồi lại nắm giữ quyền chức trong phường, và loại đông đảo những người sau mấy chục năm cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước, có khi giữ những cương vị cao trong chính quyền, quân đội, bây giờ trở về vị trí công dân, vẫn là con người trung thực, giản dị, chí công vô tư, sống đạm bạc về vật chất, nhưng tâm hồn thanh cao, trong sáng.
Tiêu biểu cho loại thứ nhất là ông Luông. ông Luông nguyên là người làng Ngọc Sinh, đã công tác ở ngành ngoại giao hàng ba chục năm, trong đó gần hai chục năm làm công việc hành chính ở Sứ quán Việt Nam tại các nước Tây Đức, Pháp, ố-xtơ-ra-li-a, hiện thời là chủ tịch phường này. ông này giàu có nhẽ nhất cái khu được mệnh danh là xóm Tây này. Nhà ông kín cổng, cao tường. Qua ba lớp cửa sắt mới vào được tới sân. Mảnh chai tua tủa sắc rợn trên vòng tường vi, trên nữa là dây thép gai giăng xin xít. Nghe nói ông có một chùm chìa khóa hai mươi mốt chiếc. Nghĩa là nhà ông có đến từng ấy chiếc khóa. Vào đến buồng ngủ của ông phải qua bảy lần cửa có khoá nổi khoá chìm. Tôi biết ông vì một lần bà tôi dẫn tôi đến nhà ông để hỏi cách thức xin học mẫu giáo cho tôi. Bà tôi gọi cổng một thôi một hồi mới thấy ông mặc bộ pi-gia-ma, lệt xệt đôi dép tông đi ra. Bà tôi tranh thủ hỏi luôn. ông chủ tịch chẳng thèm mở cổng, cũng chẳng nghe bà tôi nói, đưa tay hất hất như xua đuổi: "Có gì sẽ có thông báo nhé". Bà tôi hỏi một câu nữa, ông liền cau mặt, sẵng: "Đến mà hỏi chi hội phụ nữ các bà ấy". Bà tôi bực: " ông làm việc hay ông gắt ngủ đấy". Thế là ông sửng cồ, quát: "Này, bà muốn làm việc thì ra trụ sở nhé. Đừng có dân chủ quá trớn!" Các cụ ở tổ hưu có vẻ không ưa ông Luông. Tôi biết vậy vì các cụ hay đến trò chuyện với bà tôi và cũng hay gặp nhau bàn bạc công việc ở cái thư viện gia đình của cụ giáo Nhiên, nơi tôi thỉnh thoảng có qua lại. Cụ giáo Nhiên là một con người rất đặc sắc. Chẳng hiểu tên cụ là gì, nhưng mọi người đều gọi cụ là cụ Hồn Nhiên. Cụ Hồn Nhiên cao như con hạc thờ, phải đến thước tám, tính tình hồn nhiên, và hồn nhiên nhất là cụ lập ra cái thư viện riêng, cho cả phường mượn sách, gọi là Hồn Nhiên gia đình thư viện. Cụ là nhà giáo, về hưu đã hơn chục năm, nay đã bảy mươi tám tuổi, dọn đến phường này, thấy mọi người lơ là việc đọc sách quá, thế là cụ mở tủ sách riêng, lập phòng đọc, phòng mượn cho dân, nhất là trẻ con trong phường. Cụ chẳng lấy tiền thuê gì sất. Cũng chẳng đòi phường phải đóng góp. Chỉ yêu cầu: giữ sách cẩn thận. Nhà cụ ngăn đôi, buồng ngoài có tủ sách, có giá treo báo. Trong cái diện tích nho nhỏ ấy cũng đủ cả các loại sách hay tiêu biểu cho nhiều nền văn hóa mà cụ đã tích lũy một đời. Với trẻ con thì đủ, từ Không gia đình, Bu-ra-ti-nô, Truyện cổ Grim, Bạch Tuyết và bảy chú lùn... đến Tây Du, Tam Quốc...
Theo gương cụ Hồn Nhiên, ông Vinh, đại tá pháo binh cụt tay mới nghỉ hưu, được các cụ gọi là ông Vinh pháo, đứng ra huấn luyện thể dục cho trẻ con trong phường. ông Vinh còn trẻ, trông chưa tới năm mươi, có giọng cười rất vang, khỏe. Cụt một tay trái gần tới khuỷu nhưng ông cuốc được đất, gánh được nước, lại chơi được cả bóng chuyền. Cụ Hồn Nhiên chậc lưỡi: "Dễ chỉ có món xà đơn là ông chịu". ông Vinh pháo gật đầu, chịu cụ Hồn Nhiên tài. Cụ Hồn Nhiên
lắc đầu: "Tài phải là ông, ông Vinh pháo ạ. ông mới thật là một tay gây dựng cơ đồ. Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành". Thật hóm hỉnh quá. Mọi người cười vang. Cụ Hồn Nhiên kể: "ấy thế, có ông giáo dạy văn cấp 2, đọc câu đó, giảng cho học sinh rằng: đó là vì Từ Hải là thương binh cụt tay!" Mọi người cười sặc sụa. Cụ Hồn Nhiên kết luận: "Sách không đọc thì dân trí mở mang sao được". ông Vinh pháo đọc một câu tiếng Pháp. Cụ Hồn Nhiên vỗ tay hoan hô: "Hay lắm! Một tâm hồn trong sáng trong một thân thể tráng cường!".
Thế là từ đấy các cụ trong phường tôi chia nhau vào hai công việc: rèn luyện thân thể và mở mang tâm trí cho mình và mọi người, nhất là cho trẻ em.