chương 2

Tôi nhớ nhất buổi sớm chủ nhật ấy tôi chính thức được các bạn trong
phường gọi ra tập thể dục trong đội ngũ thiếu niên nhi đồng do ông Vinh pháo tổ chức. Bọn trẻ con hơn năm chục đứa, bé nhất là loại năm tuổi như tôi, đứng thành năm hàng, nhìn ra mặt hồ nước xanh biêng biếc. Cạnh chúng tôi là đội hình các cụ, do cụ Hồn Nhiên hướng dẫn bài võ Ngọc trản ngân đài.
ông Vinh mặc áo may-ô cộc tay, đeo cái còi trước bộ ngực nở nang, cất tiếng vang khỏe:
- Hôm nay thiếu hai bạn gái Vành Khuyên và Vàng Anh. Mai, các bạn nhớ nhắc nhau đi cho đủ. Chúng ta bắt đầu tập. Theo tôi!
ông Vinh co bắp tay dưới, còn lại, dún chân. Đó là động tác chạy tại chỗ. Chúng tôi làm theo ông. "Nhấc cao chân!".- ông Vinh nhắc - Người tôi tâng tâng như nảy trên một tấm đệm cao su. ông Vinh bỗng chuyển hướng quay lưng về phía chúng tôi, giọng ông đột ngột cất lên, vang vọng, nhịp nhàng theo bước chân dận xuống đều
đều: "Khỏe - để - học - tập". Chúng tôi hô theo. Tâm trí tôi hòa đồng vào niềm vui sống ào ạt sớm mai. Tôi không biết mình đã chạy theo các bạn từ lúc nào. Khi nhận ra, tôi đã thấy mình ở trên một quả đồi, cỏ và bụi cây tầm thấp xanh rì. Quả đồi này nằm ở phía tay trái nhà tôi, cách nhà tôi độ một trăm mét. Đó là quả đồi hoang, nằm chắn ngang giữa phường tôi và một phường khác trong nội thành.
Không khí buổi sớm cuối thu rất mát mẻ. Lượt về chúng tôi theo hướng dẫn của đại tá Vinh tập thở. Tôi cũng vươn tay lên cao, chun mũi hít vào, tròn môi thở ra. Phút giây ấy chẳng thấy đâu là buồn rầu cả. Tôi chẳng còn nhớ gì đến hoàn cảnh nhà mình.
Trở lại bên bờ hồ, mặt trời đã ló cái vành tròn hồng hồng, những gợn mây cá vàng đã giạt sang hai bên. Các cụ đã tập xong bài võ. Trên bãi tập vắng ngắt. Nhưng lại có một bóng người gầy gầy đội cái mũ phớt, đeo đôi kính râm vừa đi tới, đứng ở đó. Tôi nhận ngay ra là ông luông. ông Vinh pháo không hiểu có nhận ra ông chủ tịch không mà bỗng dưng lại hô: "Chạy đều... chạy!". Chúng tôi bị bất ngờ, loạc choạc mất một lúc, rồi thành hai hàng, nối nhau thành một vòng tròn quây quanh cái bãi tập, vây ông Luông ở giữa.
ông Luông lúng túng, chạy đi chạy lại tìm cách ra khỏi vòng vây. Mấy anh lớn trong bọn tôi cười rúc rích.
°

*

Bà tôi khen:
- Cháu bà giỏi lắm. Rồi cháu sẽ cao lớn như chú Dũng, như ông nội.
Tôi vặn:
- Cao lớn bằng bố cháu chứ, bà.
- Bố cháu khỏe, dai sức, giống ông nhất nhà, nhưng không cao lớn bằng ông.
Cô giáo Quyên, hàng xóm nhà tôi, mặc cái áo nâu vá vai bế thằng Lễ mới ngủ dậy ở ngoài sân, nhìn tôi: - Bao giờ em Lễ khỏe, anh Duy gọi em đi tập thể dục với nhé. - Rồi quay sang bà tôi, cô tiếp: - Anh Nguyên cũng cao lớn quá đi chứ, bà! Nhớ hồi còn ở nhà, sáng nào nhà con cũng cùng anh Nguyên tập nhấc hai cái bánh xe goòng. Cũng may mà hồi trẻ luyện tập nên giờ mới có sức chịu đựng, bà ạ.
Cô Quyên là cô giáo dạy trường phổ thông cơ sở ở một làng ngoại thành. Chồng cô là kỹ sư cơ khí, cùng nhập ngũ với bố tôi. Cùng sang Cam-pu-chia chiến đấu giúp đỡ nhân dân bên đó như bố tôi, nhưng ở bộ binh. Đầu năm nay, cô nhận được thư chú ấy báo là bị thương, hiện đang nằm viện. Cô lo sốt ruột sốt gan. Nhưng chẳng biết làm thế nào. Cả hai cô chú đều không có họ hàng thân thích ở đất này và trong Nam. Cô chú lại nghèo, như gia đình tôi vậy. Bà tôi bảo: cô chỉ có mỗi bộ quần áo lành để lên lớp. Bà tôi thương cô lắm. Bà vá quần áo cho cô, may mặc cho thằng Lễ và trông nom bế bồng nó mỗi khi cô bận bịu hoặc mệt nhọc. Thằng Lễ ốm yếu luôn. Cô Quyên cũng chẳng khỏe mạnh gì. Mặt trái xoan cứ xanh lướt quanh năm. áo nào cô mặc cũng thấy hai vai nhô cao và rộng thùng thình sau trước.
Thật chẳng bù với nhà cô Đại Bàng ở bên trái nhà tôi.
Cô Đại Bàng! Cái tên thật ngộ!
Phải chăng là do dáng hình cô to lớn, sức vóc cô dũng mãnh như con thần điểu ấy? Cũng có thể. Nhất là cái mũi của cô. Nó khoăm khoăm mỏ diều và hai bàn tay cô ngắn thụt lụt, sần sùi, trông như chân ác điểu. Nhưng sự thật giản dị hơn. Cô tên là Bàng, quê ở huyện an Thi, tỉnh Hải Hưng, gốc gác nông thôn, nhưng lên công trường xây dựng cầu Thăng Long làm thợ bê tông đã lâu. Chồng cô tên là Đại, làm nghề lái xe, ba bốn năm nay được điều sang lái xe ở đại sứ quán ta tại Băng Cốc -Thái Lan. Ghép tên vợ tên chồng lại cũng là thói quen xưa nay của mọi người. Trường hợp vợ chồng cô, ngẫu nhiên thành tên một giống chim. Nghe cũng hay hay. Cô cũng thích. Chồng cô cũng ưng. Chim lại đẻ ra chim, cũng là một cái hay nữa. Hai đứa con cô đều là gái, đứa mười hai, đứa mười tuổi. Đứa lớn tên là Vàng Anh. Đứa bé tên là Vành Khuyên. Có điều lạ là hai đứa đều loắt choắt chim ri, chứ không to lớn như mẹ.
Cô Đại Bàng bỏ nghề bê tông về ở nhà, để trông nom hai đứa con gái mà người chồng cô quý như hai viên ngọc. Cơm ăn, áo mặc, tiện nghi đời sống, của cải cô không phải lo. ông tài xế Đại từ bên Thái cứ đều đặn gửi về mọi thứ hàng hóa, cô chỉ việc nhận rồi đem bán lấy tiền. Cứ độ một tuần cô Quyên lại sang thì thào với bà tôi:
- Nhà Đại Bàng nó lại vừa thuê xích lô chở hai kiện hàng to lắm từ Bưu điện Bờ Hồ về, bà ạ.
- Cháu thấy hôm qua chính nó đèo xe máy hai cái quạt Sa-ny-ô còn trong hộp xốp đấy. Sao mà ông trời ăn ở bất công thế. Thật là kẻ ăn không hết, người lần không ra.
Bà tôi cắn môi, nheo cặp mắt già nhìn cô giáo đang ủ ê trong nỗi buồn tủi, an ủi:
- Trời chẳng thiên vị ai đâu, cô ạ.
Mắt tôi đã chứng kiến nhiều rồi. Rồi lại của thiên trả địa hết thôi.
Cô Quyên gạt tóc mai, cố thoát ra khỏi thiên kiến, buồn rầu:
- Sau này thế nào thì không biết. Chứ bây giờ họ sướng gấp trăm lần ta, bà ạ.
- Chưa biết ai sướng hơn ai đâu, cô ạ.
- Như cháu, thật chó cắn áo rách, họa vô đơn chí, bà ạ.
- Chú ấy lâu nay có thư từ gì ra không, cô?
- Bốn, năm vết thương. Lên bàn mổ không biết là lần thứ bao nhiêu rồi. Cô nói, giọng sụt sùi, tay rung rung thằng Lễ khóc èo ẹo. Thằng Lễ mấy hôm nay lại sưng V.A. Đầu nó to, tóc nó lơ thơ, mắt có quầng, cổ ngẳng nổi gân xanh. Khổ, hai tuổi rồi mà nó vẫn chưa biết đi. Cô gạt nước mắt, tiếp: - Có nhẽ con cũng phải vay vỏ đâu ít tiền tàu xe vào thăm nhà con, bà ạ. Khổ quá cơ, đêm nằm cứ chợp mắt là con mê. Mà mê toàn điều kinh hãi cả, bà ạ.
Dự định mà còn biết bao ngập ngừng, cả cô Quyên và bà tôi đều im lặng, nghĩ đến bao trắc trở ngoài sức cố gắng của mình.
Cho đến lúc ngoài sân nhà cô Đại Bàng có bóng hai đứa con gái. Đó là con Vàng Anh và con Vành Khuyên, con cô Đại Bàng. Hai đứa con gái vừa thấy mặt đã thấy mồm. Chúng làm náo động bầu không khí sớm mai một ngày chủ nhật.
°

*

Tôi cam đoan rằng có thể cả đời bạn, chẳng bao giờ bạn thấy có đứa con gái nào chanh chua, lếu láo như hai đứa con cô Đại Bàng. Thật là thế đấy. Tôi đâu có biết bịa. Mà bịa làm gì nhỉ!
Hai đứa con gái này chẳng ngày nào là không chí chóe cãi nhau. Không có chuyện chúng cũng vẫn có thể bới chuyện để gây sự với nhau, vì cả hai đều rỗi hơi, lắm mồm. Huống hồ chúng luôn có cái để tranh giành với nhau. Một cái áo phông cành mai bố nó mới gửi về. Một con búp bê Pháp. Một cái ô Nhật. Cái vòng ngọc giả. Chiếc xe ô-tô vặn dây cót... Chúng giằng giật nhau, rồi dỗi, rồi cãi nhau, rồi chửi nhau và ăn vạ mẹ chúng. Mẹ chúng là chỗ chúng trút tức tối, vài ngày chúng lại lôi bà ra hạch tiền, đòi mua sắm, may mặc. Cô Đại Bàng có lần chịu không nổi, ngẩng mặt lên trời kêu: "ối, ông Đại ơi, ông về mà dạy chúng nó đi. Tôi chết vì chúng nó mất thôi".
Bây giờ hai đứa tuồn ra sân vì có một đoàn các bà ở chi hội phụ nữ phường cùng ông chủ tịch Luông vào nhà chúng để trao đổi công việc gì đó. Hai đứa ra tới sân, lập tức vừa nhảy lò cò vừa hướng vào trong nhà, léo nhéo: - ê... lũ nặc nô, bọn động rồ, điếc đít bên ta, điếc đít bên ngô.
Con Vàng Anh mặc váy vàng, con Vành Khuyên mặc váy xanh. Tóc hai đứa đều cắt ngắn. Mũi cao giống mẹ. Mắt to, sáng. Trông đều xinh xẻo cả. Thế mà sao ăn nói hỗn hào quá.
Bà tôi đang xới luống rau muống cuối mùa, thấy vậy, liền ngẩng lên ôn tồn bảo đứa lớn:
- Cháu Vàng Anh ơi, đừng nên nói thế. Các bác ấy là người có công có việc.
Con lớn ngừng chân nhảy, vênh mặt: cái bà này, bận gì đến bà nhỉ?
Bà tôi lắc đầu:
- Đừng cua nhà nọ rọ nhà kia thế cháu. Dẫu sao bố cháu cũng là nhân viên nhà nước.
Con bé cong mỏ:
- Phải rồi, chúng tôi đâu phải con phò?
- Phò nào?
- Phò nên mới theo giai, bỏ nhà bỏ cửa theo giai.
Bà tôi gài tóc lên vành tai, nén giận:
- Đừng ăn hơn nói kém phải tội, các cháu ạ.
Cô Quyên đang bón cơm cho thằng Lễ, ngoảnh sang:
- Bà đang gặp hồi cơn đen vận túng, các cháu phải biết thương bà chứ. Các cháu là người được ăn học. Bà đáng tuổi bà các cháu đấy.
Con lớn văng:
- Chúng tôi không có bà!
Con nhỏ nhổ bọt, đe:
- Đừng có động đến gia đình nhà tôi nhé!
Bà tôi đứng dậy, chỉ tôi đang đứng ở hiên:
- Các cháu ăn nói, xử sự thế nào để em nó còn học theo mới chứ! Cả hai đứa chống tay lên sườn, sưng sỉa đồng thanh:
- Nó học theo mẹ nó, chứ việc gì phải học theo chúng tôi.
Bà tôi cười nhạt:
- Này, chim chích mà ghẹo bồ nông, đến khi nó mổ lại lạy ông tôi chừa đấy, các cháu ạ.
Câu nói của bà đã giải được cơn tức cho tôi. Tôi ghét hai đứa quá,
nhưng chẳng biết phải làm gì. Đoàn các bà ở chi hội phụ nữ phường cùng ông chủ tịch Luông xong việc bàn bạc, đang phấp phới nón áo ra sân.
°
Đứng ở giữa sân nhà tôi, ông chủ tịch phường quay ngang quay ngửa, hỏi trống không: "Này, nhà cái bà cụ có cô con dâu vừa bỏ đi đâu như là đây phỏng?".
Hôm nay trông ông Luông rất oách và ác. ông đội mũ lông thỏ, mặc cái măng-tô san mùa thu. Mặt ông choăn choắt, da ông sắt seo và mũi ông tóp nhọn, cứng như sắt. Hai con mắt ti hí như mắt rắn láo liên liên hồi, trong khi một tay ông thọc vào túi áo, tay kia ông bóp chặt một cuốn sách cuộn tròn.
Các bà tha thướt áo dài vào đến nhà tôi, là xoe xóe đủ các thứ chuyện thời tiết, làm ăn, buôn bán... Mặc, ông Luông vẫn đưa hai con mắt rắn quan sát cảnh nhà tôi. Chốc chốc lại liếc một cái về phía bà tôi như nhìn trộm. Cuối cùng ông mới cắn môi, gật đầu đánh khực một cái.
Một bà mặt tròn xua xua hai bàn tay sang hai bên, đến trước bà tôi, tằng hắng rồi ỏn ẻn:
- Hôm nay, chúng con trước là, vâng ạ, thăm sức khỏe của bà. Sau nữa chúng con mời bà đến dự sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ phường ạ. Chẹp! Dạ, nó là thế này. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của chi ủy, ủy ban phường đứng đầu là đồng chí Luông đây ạ, phường ta đã thành lập một cái gọi là câu lạc bộ phụ nữ phường ạ. Để nâng cao trình độ ạ. Để giáo dục đạo đức ạ.
- Vâng, các bác cho tôi tham dự thì còn gì bằng.
- Dạ, chúng con là muốn mời bà đến kể chuyện cho chị em chúng con nghe ạ. Dạ, chúng con biết bà xưa đã từng là thợ, đã tham gia hoạt động tranh đấu chống đế quốc từ thời còn bóng tối cơ ạ.
Bà tôi khe khẽ:
- Cũng có tham gia chút ít, được vài năm thôi, các bác ạ.
Bà mặt tròn hỏn hẻn:
- Dạ, mấy năm là quý lắm rồi ạ.
Chúng con mời bà đến để bà kể cho chúng con để chúng con thấy cuộc đời người thợ ngày xưa khổ cực thế nào. Chứ bây giờ sướng quá, không ôn nghèo gợi khổ, dễ sinh ra mất gốc, phản động lắm ạ.
Các bà khác nhao nhao hưởng ứng:
- Đúng thế đấy bà ạ. Chẳng là bây giờ cái gì cũng có sẵn cả rồi mà.
- Đồng tiền dễ kiếm là một. Hai nữa lại không còn lý trưởng, phó lý, trưởng bạ, hộ lại, tiên thứ chỉ nó áp bức... nên dễ sinh tư tưởng quá trớn lắm.
Bà mặt tròn thở thào thào qua hai lỗ mũi, hể hả:
- Thật chẳng ai sướng bằng công nhân viên chức nhà nước bây giờ. Gạo bông, tem phiếu thực phẩm, chất đốt đầy đủ, nhà cửa, xe đạp phân phối tận tay. Ngày xưa làm gì có bà nhỉ. Ngày xưa là đồng lương chết đói. Bà ạ, thế bà có bị cai ký nó đánh đập, cúp lương không ạ? Chắc là có chứ ạ.
Bà tôi gật đầu:
- Có.
Bà mặt tròn trầm hai con mắt, ảo não:
- Khổ thế!
- Nói về cái khổ thì nhiều. Bốn giờ cắp nón đi ra. Mặt chó không biết, mặt gà cũng không. Có hôm tới nơi còn sớm quá, ngồi xuống ngủ ngay ở cổng nhà máy. Mỗi ngày làm mười hai, mười bốn tiếng. Thật là: Trăng kia còn có đêm rằm. Thấu chăng kiếp thợ tối tăm một đời. Trong phân xưởng lợp mái tôn, mùa hè phải đội khăn mặt ướt, lúc mưa phải đội nón vì dột. Có hôm nóng quá mấy chị còn bị ngất kia. Còn cai ký nó đánh thợ vô tội vạ. Có thằng cai Để nó đặt sẵn một ống roi trong phân xưởng.
- Khổ thế!
- Phạt đi chậm: nửa tháng lương.
Ngồi chơi không làm: phạt lương một tuần.
- ác quá!
- Có anh thợ máy bị dây da truyền lực không có đồ che chắn cuốn vào máy nghiền nát cả tay.
- Khiếp quá!
- Dưng mà bảo: đồng lương nó trả là đồng lương chết đói thì không đúng lắm đâu. Tôi nói để các bác nghe nhé. Lương thợ dệt như tôi, một ngày mua được ba ký gạo. Có hồi lương công nhật một ngày một hào hai. Mà cơm đầu ghế có xu một bữa. Một con vịt một hào. Năm xu được một gói ý dĩ, hạt sen tướng.
- ôi giời !
Thật không ngờ cái sự thật được bà tôi kể lại bằng mấy lời giản dị ấy lại gây nên những tiếng kêu kinh ngạc của các bà chi hội vốn là dân buôn bán nọ. Các bà quay lại nhìn ông Luông như cầu cứu. Và ông này đã phản ứng một cách hết sức nhạy bén. ông đánh rơi bất thần cái chân đánh pạch xuống đất, mặt bầm tím như tụ máu, bật liền một hơi như phun lửa: - Này, tôi hỏi các bà: ai đề ra chủ trương mời người tới kể chuyện ở câu lạc bộ phường? Ai? Ai?
- Dạ dạ...
Bà mặt tròn ấp úng, nhìn các bà bạn. Các bà bạn quay ngang quay ngửa, xì xầm, lí nhí. ông Luông đứng phắt dậy. Thuận tay ông quật đánh đét cuốn sách ông bóp chặt trong tay từ năy xuống giường nhà tôi. Hóa ra đó là quyển Tây du ký, bìa ngoài có in dấu gỗ mấy chữ: Hồn Nhiên gia đình thư viện.
- Các bà có biết cái gì đây không?
- Dằn hỏi và không để các bà kịp suy nghĩ, ông chủ tịch chống tay lên sườn quát:
- Loạn! Vô chính phủ! Tự do bừa bãi! Thật là hết mức. Chi ủy, ủy ban nào chủ trương? Các bà tưởng mọi chuyện giản đơn như việc bán rau của các bà, hả?
Thấy các bà ngồi dúm lại với nhau, im thít, tưởng oai, ông chủ tịch càng to tiếng: - Vì vậy tuyệt đối không cho phép ăn nói bừa bãi. Cũng như đọc sách gì là phải duyệt. Chết thôi! Đang chống Tàu mà lại đi đọc sách Tàu. Các bà có biết Tây du ký là chuyện gì không? Là cái chuyện Đặng Tiểu Bình du hí ở bên Tây, tức bên Mỹ.
ại trời! Lại đến thế nữa. Tôi nhận ra bà tôi cúi mặt xuống để giấu một nét cười khinh mạn và thương hại. Nhưng, ông chủ tịch đã dứt lời phê phán, quay sang phía bà tôi, hạ giọng:
- Thôi, không có bàn những chuyện chính trị nữa. Bàn cái việc cụ thể đi. Nuôi con thế nào? Dạy dỗ ra sao? Đây, nhà cụ này còn một cháu chưa đi học. Các bà giải quyết đi cho tôi.
Lát sau, cùng các bà chi hội ra về, nhưng tới cửa, ông Luông dừng lại, nhìn bà tôi như tra vấn: - Này, tôi hỏi, chồng bà họ Lã, hả?
- Vâng, ông hỏi thế để làm gì?
- Tất nhiên hỏi là có việc. Việc gì, không phải việc của bà. Việc của bà là... khi con dâu bà bỏ nhà đi, bà phải đến khai báo với ủy ban! Tại sao bà lờ đi, hả?
Bà tôi đứng đờ ở cửa.
ông Luông quay ngoắt đi. Tay trái ông là cuốn Tây du ký, tay phải ông xóc xách chùm chìa khóa hăm mốt chiếc ông mới lấy từ trong túi ra.
Dẫu có là đứa trẻ sớm rơi vào cảnh không may, hay đa cảm đa sầu, ngày đi học đối với tôi vẫn là một ngày hội. Bà mặt tròn đến tận nhà dẫn tôi đi, không cho bà tôi đi theo. Tôi bước tung tăng. Chỉ khựng lại tí chút ở cái tam quan ba lối vào rêu phong trông cổ quái thế nào. Rồi tôi leo bậc qua cửa chính, đi qua một cái sân nhỏ, rẽ về bên trái. Lớp mẫu giáo được mở ở một căn nhà xưa là kho của nhà chùa,
đã khai giảng được hơn một tháng. Nghe thấy tiếng các bạn lao xao trong căn nhà mái ngói cổ, tôi chỉ muốn nhảy ngay vào.
Nhưng bà nọ bảo tôi đứng chờ ở cửa một lớp học. Và lát sau bà cùng một cô giáo bước ra. "Đây là cô giáo Thìn. Chào cô đi. Thôi, chăm học nhé, cháu!".
Bà nọ đi. Cô giáo Thìn nhìn tôi, dửng dưng:
- Tên là gì?
Cô vừa ngồi vào bàn, giở quyển sổ to vừa hỏi. Tôi ấp a ấp úng. Cô nghiêng nghiêng cái tai lũng lẵng một cái vòng vàng.
- Điếc hả?
- Dạ, thưa cô.
- Không há miệng ra to hơn được nữa, hở?
- Thưa cô, tên em là Duy ạ.
- Duy gì?
- Dạ, Duy ạ.
- Ngu thế, họ gì?
- Dạ... Lã Văn Duy ạ.
- Mẹ?
- Mẹ em tên là Đổng Thị Thụy ạ.
Hí hí... không hiểu sao bỗng dưng cô giáo Thìn lại cất tiếng cười. Rồi một cô khác ở lớp bên cạnh bê sang một hộp bìa đựng đồ chơi, đặt xuống đất, ngó vào cuốn sổ to trên bàn cô Thìn, cũng bật tiếng cười theo.
Tôi đoán có lẽ bố mẹ tôi mang hai cái tên họ lạ tai. Nhưng, không phải chỉ có thế. Cô Thìn vứt tạch cái bút bi xuống bàn, hất hàm vào tôi, tưng tửng:
- ông là người Tàu, hở? Cái nị là người Việt gốc Hoa, hở?
Cái giọng mũi lơ lớ của cô lại làm cô bạn cô tung tóa một tràng cười nữa. Tôi đỏ dừ mặt, xấu hổ một cách vô duyên cớ. Nhưng may quá cho tôi, tôi đã không phải bật khóc. Vì cười chưa dứt, cô Thìn đã đứng phắt dậy, đổi mặt mừng rỡ, reo một tiếng to: "Chị Kim Oanh!" và lọc cọc trên đôi guốc cao, chạy ra cổng trường. Vừa lọt qua cổng tam quan một người phụ nữ tầm thước, mặc áo lông hải ly trắng, tóc uốn, kính râm mắt to, dắt chiếc xe mi-ni Nhật mới tinh, sau đèo một thằng bé trạc tuổi tôi.
- Chào cô đi, Văn Giang!
Người phụ nữ nhắc. Thằng bé ngồi sau xe phốc ngay xuống đất. Nó mặc đẹp quá. Quần bò. Dép da màu da cam. Bít tất trắng. áo cổ bẻ lính thủy. Mũ cũng mũ lính thủy. Nó dậm chân đánh bép và phắp một cái đưa tay lên vành mũ:
- Dờ-đrát-xtơ-vui-i-chê cô giáo!
- Tại trời! Cháu Văn Giang của cô ngoan quá!
Cô Thìn ngồi xuống, áp hai bàn tay vào cặp má phính của thằng Văn Giang. Mẹ thằng Văn Giang nhấc một cái túi vải ở cái rọ đèo hàng trước xe, hí hửng:
- Cháu nói được tiếng Nga rồi đấy.
- Thế kia ạ.
- Thìn này, sao bảo Thìn chuyển sang hợp tác xã mua bán phường.
Cô Thìn xịu ngay mặt:
- Họ ghen ăn ghét ở với em, chị ạ. Nhưng em nhất quyết không chuyển. Cuối cùng họ bảo em cứ dạy tạm, thay cô Hoa. Rồi bàn sau. Hoa còn đang nằm viện, chị ạ.
- Thôi được rồi. Thìn này, trong túi có hộp ca-cao và thanh sô-cô-la, anh mới đi Tây mua về biếu cô.
- Gớm, anh chị cứ bày vẽ.
- Có đáng là bao. Này, mình nhắc. Văn Giang ăn chuối hay bị đau bụng. Mình để bánh kem trong hộp mi-ca. Ngủ dậy cho cháu ăn hộ.
- Chị yên tâm. Em chào chị ạ. Văn Giang chào mẹ đi!
Cô Thìn tươi cười dắt Văn Giang vào lớp.
Trường mẫu giáo phường có hai lớp: lớp bé và lớp lớn. Tôi ở lớp lớn. Lớp này có ba mươi đứa. Tôi thuộc loại cao lớn nhất lớp. Thằng Văn Giang chỉ đứng đến vành tai tôi. Nó gườm gườm nhìn tôi, vừa có vẻ căm tức, vừa có ý khinh rẻ. Một thằng nữa vừa đến bằng xe máy Pơ-giô. Choắt người, đen sạm, mắt trắng dã, nhưng nó có vẻ đàn anh lắm. Tay cầm khẩu côn, lưng đeo kiếm, tất nhiên là bằng nhựa cả, nó chạy xồng xộc từ cổng vào, tót lên hiên, vừa nhìn thấy tôi, liền lảng sang trái, cắm cắm cúi cúi bước, mũi đánh hơi khìn khịt, rồi ngẩng lên vẫy thằng Văn Giang lại, lên giọng chỉ huy: "Hứ, quân ta không có ai canh gác ở đây, hả đồng chí đại úy Văn Giang!".
Cô giáo Thìn ngồi trên ghế, nhìn ra, nắc nẻ:
- Em Kim Phú chơi trò gì thế?
- Thưa cô, em phát hiện ra có mùi lạ!
Lại thêm mấy đứa nữa đến lớp. Bọn con gái díu vào nhau, chuyện trò líu lô. Bọn con giai xem ra đứa nào cũng thích trò dao kiếm và táo tợn. Và tôi nhận ra, nhiều đứa mặt mũi xinh xắn, hồng hào, ăn mặc rất đẹp. áo quần thì toàn len, dạ, mút, lông thú. Chẳng đứa nào đi dép cao su đen như tôi. Trừ tôi, còn đứa nào cũng có đồ chơi mang theo. ô-tô gỗ. ô-tô nhựa. Búp bê. Súng tự động. Cần cẩu. Gấu Mi-sa. Xoàng cũng là bộ đồ xếp hình nhiều màu.
Niềm vui của tôi tan biến trong lạc lõng. Lạc lõng vì nghèo, vì là lính mới. Vì cái gì cũng chưa biết, vì lớ ngớ.
Cô Thìn xếp bọn học trò mới đến vào ghế ngồi xong mới như chợt nhìn thấy tôi còn đang đứng bơ vơ.
- Em kia..., túi quần áo đâu?
Tôi ngơ ngác:
- Cháu không biết ạ.
- ông thuộc loại ngớ ngẩn hở? -Cô xăm xăm bước lại gần tôi, răng nghiến xin xít. - Thế ngộ nhỡ ông tè dầm ra thì ông cởi truồng à?
Tôi đưa tay giụi mắt. Cô Thìn quát: - Đã không biết xấu hổ, lại còn định ăn vạ ai!
Tôi vội nuốt nước mắt.
Nói rằng lúc năm tuổi ấy tôi đã có lòng tự trọng thì cũng chưa hẳn. Nhưng bảo rằng khi ấy tôi nhơn nhơn chẳng nghĩ ngợi, cảm xúc gì thì cũng không phải. Tôi tủi thân, tôi tức giận, và tôi giữ chúng trong lòng. Tôi không có quần áo đẹp, không có đồ chơi, không được cô giáo Thìn yêu chiều săn sóc như nhiều đứa. Một cái áo len cổ lọ nâu bạc. Ngực áo, một chiếc khăn tay trắng xỉn gài kim băng để lau mũi. Một cái quần xanh loang lổ. Một đôi dép cao su đen sì. Một khuôn mặt buồn buồn, lầm lì. Đó là tôi. Buổi trưa ngủ dậy, do tôi chưa kịp đóng tiền, nên không có suất quà. Chúng nó mỗi đứa một nửa quả chuối và một mẩu bánh mì. Nhiều đứa, như thằng Văn Giang, có bánh kem. Thằng Kim Phú còn có bánh xốp kẹp nhân mứt. Chúng vừa ăn vừa lem lém nhìn tôi: "Nhem nhẻm nhèm nhem, có đứa chết thèm". Tôi quay đi, mắt ậng nước. Vào học, đầu óc tôi lãng đăng. Nghe chuyện Hai con dê qua cầu xong, tôi không kể lại được. Cả lớp hát: "Trường con có hàng cây cao cao..." tôi không thuộc, cứ ư ử hát dựa. Giờ chơi tự do, mỗi đứa đã có đồ chơi riêng, lại nhanh tay giành được đồ chơi của lớp, tôi chỉ có hai bàn tay không. Đến giờ chơi ngoài sân, bọn con gái chơi đu quay. Bọn con trai đứng đầu là thằng Kim Phú xếp hàng chơi cầu trượt. Tôi xếp hàng, thằng Kim Phú gạt tôi ra. Nó bảo tôi là thằng ngố, chưa được kết nạp vào đảng của nó, chưa được phép chơi.
Tôi đứng tần ngần trong sân chùa. Sân chùa rợp bóng si, bóng đa. Và tôi bỗng ngẩn ngơ vì ngửi thấy một làn hương thơm thoảng, ngon bùi như bánh đậu xanh. Tôi nhận ra đó là hương hoa lan, những bông hoa chum chúm như cái ngòi bút thủy tinh, trắng nuột nà bà tôi vẫn hay mua, đặt trên bàn thờ ông. Hoa lan héo khô vẫn tỏa mùi thơm. Tôi cúi nhặt những bông hoa lan rơi ở trên sân. Mải mê tôi đã đến gốc cây lan. Cây lan như một cây dù cụp, cao vút, vượt cả mái ngói ngôi nhà ngang đối diện với trường mẫu giáo. Ngôi nhà này dài, bậc cửa cao, cánh cửa quay, gỗ cột và gỗ câu đầu, rui mè đều đã khô nẻ, trông như da dẻ chân tay một người già. Tôi men theo hiên ngôi nhà. Thấy một khoang cửa mở, tôi ngó vào. Mùi hương tỏa vào tôi cảm xúc đê mê. Mấy cái chấm đỏ lòe lòe trong vùng tối hút hai con mắt tôi. Mắt tôi quen dần với bóng tối. Tôi nhận ra trong bóng mờ những hình thù kỳ quái ở những bức phù điêu đắp nổi áp vào tường ngôi nhà. Có rất nhiều quái vật đầu trâu mặt ngựa. Chúng mổ bụng người, moi gan. Chúng róc xương tay người. Chúng đặt người lên một cái thớt gỗ cắm đinh nhọn tua tủa. Lại có cả hai bức tượng hai ông ác to lớn, mắt trợn ngược, mày xếch, tay cầm dao, như đang dọa nạt ai.
- Này, ông tướng, ai cho ngó vào đây, hở?
Nghe tiếng quát, tôi quay lại đã thấy cô Thìn kéo tay mình đi.
- ông muốn vào thập điện diêm vương cho quỷ sứ nó hành hình thì vào đi!
Tôi ứa nước mắt. Và lần đầu tiên tôi đã phản kháng. Tôi giật ra khỏi tay cô. Một ý nghĩ bùng lên bất chợt trong óc tôi.Cuối cùng tôi đứng trước cô hiệu trưởng, một phụ nữ mập mạp cổ có ngấn, đeo kính cận trắng, gọng vàng. Thẳng đơ như một cây cột, cô Thìn đứng ở cửa, nói như dỗi:
- Đây! Bà chi hội trưởng thân dẫn đến đây. Đần không để đâu hết. Lại còn hỗn nữa. Dắt tay mà dám vằng ra.
Cô hiệu trưởng bỏ kính, mắt nheo lại, tặc lưỡi: - Thôi, đảm bảo chỉ tiêu. Nhận cho người ta!
- Nhưng mà nghe nói lý lịch nhà nó phức tạp lắm. Chị đã biết họ bố, họ mẹ nó chưa?
- Biết! - Cô hiệu trưởng đáp như lấy lệ, rồi quay sang tôi, chẳng ra ân cần, chẳng ra lạnh nhạt. - Này em, cho học thử một tuần nhé. Nhưng về bảo bà: Mai đem tiền đến đóng. Học phí là một. Tiền ăn là hai. Nhớ chưa? Không là không cho học đâu đấy!
Tôi lủi thủi đi ra. Cô Thìn gọi với theo, rồi hậm hực:
- Này, ngày mai phải mang quần áo dự trữ đi. Khăn mặt, khăn tay phải thêu biệt hiệu vào. Biệt hiệu là gì, nhớ chưa? Con gấu!
- A, cháu lại nhặt được cả hoa lan cho bà nữa cơ à. Để bà đặt lên bàn thờ ông cho nó thơm cả nhà. Thế nào, cháu đi học có vui không?
Bà tôi đón tôi ở cổng trường, mừng mừng rỡ rỡ. Thấy tôi lầm lầm, bà bế tôi lên gạn hỏi. Tôi giãy, tụt xuống đất. Cổng trường đông nghịt cha mẹ học sinh đến đón con. Tiếng nói, tiếng cười chen giữa tiếng còi, tiếng máy nổ của Hon-da, Su-zu-ki, Vét-pa, Pơ-giô... Và có lẽ chỉ có bà tôi, trong không khí xám lạnh của buổi chiều chớm đông, là đi bộ, và xoàng xĩnh trong cái áo bông chần xa tanh cùng cái quần chân què, vải thô.
- Sao, cháu ốm à?
Bà đặt tay lên trán tôi khi hai bà cháu đã về đến nhà. Tôi gạt tay bà, tức tưởi:
- Mai cháu không đi học nữa đâu.
Bà tôi hốt hoảng, ngồi xuống nắm lấy hai cánh tay tôi, lắc lắc:
- Sao thế cháu? Sao thế cháu?
- Mai cháu ứ đi học nữa.
- Chết, không được. Cháu phải đi học chứ. Hay là cháu bị cô giáo quở?
- Không.
- Hay có bạn nào bắt nạt cháu?
- Không.
Bà tôi thở hắt ra, lo lắng:
- Phải đi học chứ cháu. Không học thì suốt đời dốt nát, cháu ạ.
Cô Quyên đang vo gạo ngoài sân, ngoảnh vào, bắt chuyện:
- Lúc đầu mới, còn lạ, vài hôm sẽ quen dần, cháu ạ.
Tôi lảng đi. Cô Quyên bảo bà tôi: - Trẻ mỏ mới vào lớp, gặp được cô giáo dịu hiền thì nó mến ngay. Chứ không may gặp phải người lạnh tính thì nó dễ sinh ra chán nản, bà ạ.
Bà tôi thở dài:
- Con cháu nhà tôi sao đi đâu cũng trắc trở thế không biết.
- Bà cố dụ cháu nó đi. Có gì mai cháu đến trường nói thêm với cô giáo dạy cháu cho. Cô giáo dạy cháu tên là gì, hở cháu?
Tôi lì lì không đáp.
Cả đêm hôm đó bà tôi thủ thỉ dỗ dành tôi. Nhưng tôi không nghe. Hôm sau tôi ở nhà. Bà tôi cả ngày vào ra rầu rĩ. Đến chiều, cô Quyên đi đâu về, kéo bà tôi ra góc sân thì thầm. Tối, cô sang nhà tôi thêu cho tôi hình con gấu vào cái khăn tay và chiếc khăn mặt. Cô bảo: Cô đã xin cho tôi sang lớp cô giáo khác rồi. Sáng hôm sau, thấy tôi không phản đối, bà tôi vội vàng sửa soạn quần áo cho tôi tới trường. Thấy cái khăn tay gài ở ngực áo len không còn kim băng, bà lấy cái kim băng trong áo của bà thế vào.
Lập cập thế nào mà tôi đến trường muộn. Tôi đứng ì ở sân trường, đòi về. Bà tôi vào phòng cô hiệu trưởng đóng tiền xong quay ra dắt tay tôi vào lớp. Hóa ra vẫn là cô Thìn cao ngỏng. Tôi ức quá. Chẳng nhẽ cô Quyên lại lừa tôi? Hay chính cô Quyên cũng bị người ta lừa?
Cô Thìn lừ mắt:
- Về chỗ!
Tôi đi đến chiếc ghế còn trống, lưng ghế có vẽ hình con gấu. Bên phải tôi là thằng Kim Phú, mang hình con hổ, còn bên trái là thằng... Văn Giang, biệt hiệu là con sư tử.
Tôi đặt đít xuống ghế và ngó sang bên phải vì thấy thằng Kim Phú vừa chọc ngón tay vào sườn tôi. Lập tức tôi nghe thấy tiếng cái thước kẻ đập đánh đét xuống mặt bàn và xoi xói nhìn vào tôi, cô Thìn nghiến răng kèn kẹt.
- Ngồi đẹp! Ngồi đẹp! Thế nào là ngồi đẹp, hở?
Tôi ngơ ngơ. Ngồi đẹp là thế nào? Còn chưa biết xoay chuyển thế nào để thành ngồi đẹp, thì cô Thìn đã vừa lườm vừa tiến đến trước tôi, giọng rít lên như tiếng còi:
- Sao ông ngu thế hả, ông tẩm?
Đoạn cô quay ngang, nhìn cả lớp:
- Bạn nào ngồi làm mẫu cho bạn Duy nào?
- Cháu.
- Cháu ạ!
Cô Thìn chỉ thằng Văn Giang. Thằng này hích ngầm vào vai tôi một cái và vênh mặt:
- Trông đây này!
Khoanh hai tay trước ngực, thằng Văn Giang dựng thẳng người lên. Bị nó hích, tức quá, thừa lúc cô giáo quay đi, tôi thúc nhẹ khuỷu tay vào sườn nó:
- Sao mày lại đánh ông?
- Thưa cô... - Thằng Văn Giang
đứng phắt ngay dậy, toe toe. - Thưa cô, bạn Duy nói tục ạ.
Thằng này thật có tài kết tội bạn. Cô Thìn quay mặt lại, nghiêm nghị:
- Đã học dốt lại còn nói tục. Duy, đứng lên! Các bạn thấy bạn Duy có những khuyết điểm gì nào?
- Thưa cô, đi học chậm ạ.
- Cháu thưa cô, bạn Duy nói tục ạ.
- Bạn ấy đánh bạn Văn Giang ạ.
- ăn mặc xấu nữa ạ. Mí lỵ không ngồi đẹp ạ.
Cô Thìn gật đầu:
- Thế tức là bạn Duy...
- Hư ạ ạ ạ.
Cả lớp dường như không cần nghĩ, đồng thanh nối theo lời cô. Cô lại theo lối nói cũ, dài giọng:
- Hư thì...
- ê...
Mặt tôi tối sầm. Những tiếng ê kéo dài như roi quất người tôi túi bụi. Tôi đưa hai tay ôm mặt. Rồi tôi quay mặt vào tường, khóc. Tôi như đang bị hành hình dưới địa ngục âm ty.
Vài hôm sau tôi lại bị làm nhục một cách man rợ như thế một lần nữa. Lần này là do tôi đẩy thằng Văn Giang vì nó định lấy cái kim băng của tôi. Cái thằng láu cá này lập tức lấp liếm tội lỗi, vu là tôi đã chửi thầm cô giáo và chống lại cô giáo bằng cách không chịu học hát. Cô Thìn đã sẵn có ác cảm với tôi, chẳng cần xét xử lôi thôi gì, liền bắt tôi chịu một nhục hình khủng khiếp. Lần này tôi không chảy nước mắt, nhưng tôi đã quyết là sẽ chẳng bao giờ trở lại cái lớp học có cô giáo độc ác và lũ bạn bè sẵn thói a dua vùi dập kẻ yếu này nữa.
Nhưng, thật là kỳ lạ. Đã có âm ty địa ngục, quỷ sứ thì lại có khoảng trời cao đẹp, có bà Phật, cô tiên. Các bạn có tin không? Tôi đã gặp tiên. Một cô tiên đã đưa tôi từ ngục tù giam hãm trở lại với tuổi ấu thơ học trò.
Sự việc diễn ra thật là lạ lùng và giản dị. Tôi đang úp mặt vào tường, lòng vô cùng uất ức, thì nghe thấy một tiếng gọi thật dịu dàng: - Kìa, các bạn chơi vui vẻ, sao em lại ngồi quay mặt vào tường thế này?
Tôi quay lại và nhận ra, đứng trước tôi là một người phụ nữ trẻ, tóc cắt ngắn, mặc chiếc áo màu tím hoa cà, đang nhìn tôi với hai con mắt đầy vẻ trắc ẩn và dịu hiền.
Mấy đứa con gái nghe người nọ hỏi, quây cả lại, vẫn cái thói hóng hớt quen thuộc, lanh chanh: - Thưa cô, bạn Duy bị cô Thìn phạt vì đánh bạn và chửi cô ạ.
- Em thưa cô giáo Hoa, là bạn ấy bị cả lớp ê ạ.
Người này là cô giáo Hoa. Tôi nghĩ và ngần ngại. Nhưng cô giáo Hoa chợt cau mày:
- Sao các em lại ê bạn Duy?
- Bạn ấy có khuyết điểm ạ.
- Cũng không được thế! Nào, bạn Duy đứng dậy nào!
Tôi đã xuýt chảy nước mắt lúc đó. Nhưng sự việc tiếp sau đã khiến tôi phải chú ý và dồn nén cảm xúc của tôi lại. Một bạn trai cùng lớp, nhưng nhỏ nhắn như con gái, lúc ấy đang đứng ở ngoài cửa bỗng nhanh nhẹn chạy vào và gạt các bạn gái ra, bước đến trước mặt cô giáo Hoa, dõng dạc:
- Thưa cô, bạn Duy bạn ấy bị cô Thìn phạt oan ạ. Cả lần trước cũng thế ạ. Bạn Duy mới vào học nên không thuộc bài hát, không biết ngồi đẹp. Bạn ấy không chửi cô Thìn ạ. Cô Thìn chỉ nghe bạn Văn Giang, bạn Kim Phú nói sai thôi ạ.
Nước mắt tôi bây giờ mới ào ra. Cô Hoa đỡ tôi đứng dậy và xoa đầu tôi, rồi cô nhìn bạn trai vừa nói: - Em Việt, vậy tại sao em biết bạn Duy bị oan mà em không báo cáo với cô Thìn? Các em khác nữa?
Việt ngửa mặt, rành rọt:
- Thưa cô, lúc ra chơi em có nói, nhưng cô Thìn bảo: mày trẻ con, biết gì.
Cô Hoa im lặng đặt một bàn tay lên vai Việt. Bọn bạn gái cúi đầu, lặng lẽ đi ra cửa.