Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Chương 3

Vừa trở về đến nhà cùng với những con ngựa mà chủ tôi mới tậu ở Vô-rô-ne-giơ tôi bắt đầu nuôi một đôi chim bồ câu ngay trên mái chuồng ngựa. Con chim đực mầu tro, con cái mầu trắng, hai chân đỏ xinh xắn trông thật đáng yêu... Tôi rất quý đôi chim ấy. Nhất là ban đêm, nằm nghe con đực gù gù sao sướng tai đến thế. Ban ngày chúng bay lượn trên đám ngựa, sà xuống máng mổ những hạt lúa miến và mớm cho nhau.... Thật là thú vị với một đứa trẻ như tôi lúc đang ở cái tuổi ấy.
Mớm cho nhau được ít lâu. đôi chim đẻ ra một đôi nữa. Đôi này lớn lên, cũng lại mớm cho nhau, lại đẻ trứng, lại ấp và lại nở ra những con chim bồ câu xinh xắn khác... Những con chim con này nhỏ xíu, chưa có lông vũ mới chỉ có làn lông tơ màu vàng, nom như những quả bông dại trong bãi cỏ. Nhưng chúng lại có những cái mũi dài quá khổ như mũi những vị chúa đất của người dân tộc thiểu số Trec-két... Tôi suốt ngày ngắm nghía chúng, những con chim bồ câu tí hon ấy. Và để chúng khỏi đau, tôi cầm mỏ từng con nhấc lên để nhìn cho thật kỹ, trong khi chim bố cứ lao vào rình cướp con nó ra khỏi tay tôi. Thấy thế tôi bèn trêu nó thêm, nhưng đến lúc tôi đặt con chim vào tổ thì thấy nó đã chết từ lúc nào rồi. Tiếc quá, tôi ủ nó vào lòng bàn tay, hà hơi cho nó, nhưng con chim non vẫn không sống lại được. Cáu quá, tôi quẳng nó ra ngoài cửa sổ. Không sao, vẫn còn một con sống, nhưng con này cũng lại bị mèo cắp đi mất. Tôi đã chú ý đến con mèo này, lông nó trắng toát chỉ có một chấm đen trên trán giống như đội mũ. Tôi nghĩ bụng, thôi được, để nó ăn con chim đã chết kia cũng được. Nhưng đêm hôm ấy tôi bỗng nghe thấy tiếng đôi chim đập cánh ầm ĩ như đang đánh nhau với con gì. Tôi vùng dậy chạy ra cửa sổ nhìn thì thấy dưới ánh trăng con mèo kia đang thịt nốt con chim non thứ hai.
"Thật là quá quắt." Tôi nghĩ bụng và cầm chiếc ủng ném. Nhưng không trúng. Con mèo cắp con chim đi mất, chắc là để ăn thịt. Đôi chim bố mẹ chắc buồn lắm nhưng chúng vẫn gù nhau và lại đẻ ra một đôi chim con. Con mèo khốn kiếp kia lại xuất hiện. Không hiểu nó rình mò cách nào mà một hôm giữa ban ngày ban mặt nó vồ một con chim non nhanh đến mức tôi không kịp vớ cái gì để ném cả. Quyết định phải trừng trị nó, tôi bèn đặt bẫy ở cửa sổ. Đêm hôm sau con mèo mắc bẫy và kêu thảm thiết. Tôi lập tức chạy đến, lôi nó trong bẫy ra, nhét đầu và hai chân trước nó vào trong ống của chiếc ủng để nó không cào được tôi. Còn hai chân sau và cái đuôi thì tôi dùng tay trái, xỏ trong bao tay, túm chặt, tay phải tôi vớ chiếc roi treo trên tường, quất cho thật mạnh. Tôi ráng hết sức quất được năm chục roi thì không thấy nó cựa quậy nữa. Tôi bèn lôi ra khỏi ủng xem thử nó đã chết hay chưa. Để thử xem. Tôi đặt nó nằm trên ngưỡng cửa, dùng rìu chặt một nhát đứt đuôi. Con mèo thét lên "meo!" quay tròn độ chục vòng rồi chạy biến mất. "Từ giờ thì mày sẽ không dám ăn thịt chim con của tao nữa". Và để nó sợ hơn nữa, tôi đem treo chiếc đuôi lên phía trên cửa sổ phòng tôi. Tôi rất vừa lòng. Nhưng chỉ một hoặc hai tiếng đồng hồ sau đấy, chị hầu phòng của công tước phu nhân mò xuống. Trước kia chị ta chưa bén mảng xuống chuồng ngựa bao giờ. Tay cầm chiếc dù, miệng chị ta hét lên:
- Chính là mày, chính là mày rồi!
Tôi hỏi:
- Chuyện gì thế?
- Mày hành hạ con Didi phải không? Tao thấy cái đuôi nó treo ở cửa sổ chỗ mày nằm ngủ!
Tôi cãi:
- Thế thì sao kia chứ?
- Mày dám làm cái trò ấy hả? - Chị ta nói.
- Nhưng nó đã ăn thịt mấy con chim non của em.
- Mấy con chim của mày thì quan trọng gì!
- Nhưng con mèo thì cũng là cái gì kia chứ.
Các ông thấy đấy, càng lớn tôi càng ăn nói lỗ mãng.
- Con mèo mà chị làm như cái kho vàng không bằng! - Tôi cãi.
Chị ta tuôn ra ngay một tràng:
- Mày ăn nói thế hả? Mày không biết con mèo ấy là của tao ư? Chính công tước phu nhân cũng quý nó, cũng vuốt ve nó - Thế là chị ta quất ngay cái cán dù vào má tôi. Tôi cũng không kém. Vốn lanh lẹn từ nhỏ, tôi vớ luôn cái chổi và quất ngang lưng chị ta.
Lạy Chúa? Không ngờ cái chuyện đâm to ra đến thế. Người ta tóm cổ tôi, dẫn lên bàn giấy của lão quản lý người Đức. Lão sai đánh đòn tôi một trận nên thân rồi không cho tôi làm dưới chuồng ngựa nữa, bắt tôi đập đá để rải trên lối đi Ăng-lê ở ngoài vườn. Bị đánh đau quá tôi không đứng dậy nổi và người ta phải cáng tôi đem trả về cho cha tôi. Nhưng trận đòn ấy chưa thấm gì với cái việc quỳ đầu gối đập nhỏ những viên đá... Cực khổ quá khiến tôi đã nghĩ đến chuyện chết đi cho rảnh. Nhờ một thằng bé đi theo hầu công tước, tôi kiếm được một sợi thừng buộc hàng. Chập tối hôm ấy tôi tắm rửa sạch sẽ rồi vào cánh rừng liễu ở sau xưởng giã bột. Tôi quỳ xuống, cầu nguyện Chúa Trời phù hộ cho tất cả những tín đồ Thiên chúa giáo, buộc sợi dây thừng lên cành cây, thắt một cái nút thòng lọng rồi chui đầu vào. Chỉ còn việc thả người xuống và thế là xong... Tính tôi đã định gì là làm, nhưng lạ một điều, tôi vừa mới buông mình xuống thì ngã quay ra mặt đất, và tôi nhìn thấy một gã Di-gan đang đứng trước mặt tôi, tay cầm con dao. Gã nhe bộ răng trắng nhởn lấp lánh giữa đêm tối ra cười sằng sặc:
- Mày làm cái trò gì thế, thằng nhóc? - Gã hỏi.
- Việc gì đến ông!
- Mày chán đời lắm hả?
- Đời thì có gì là đẹp?
- Vậy thì đi theo bọn tao. Rồi mày cũng được thắt cổ thôi, nhưng trên giá treo cổ đàng hoàng và bằng cách khác cơ.
- Ông là ai? Các ông kiếm sống bằng nghề gì? Tôi cho rằng các ông chuyên sống bằng nghề trộm cắp.
- Đúng, trộm cắp và bịp bợm.
- Và cũng có lúc các ông giết người chứ?
- Đã đành.
Tôi suy nghĩ rất lâu, nếu ở lại nơi này, ngày mai rồi ngày kia vẫn cứ thế, đập đá suốt từ sáng đến tối. Hai đầu gối tôi đã đau không chịu nổi và hai tai tôi đã phải nghe bao nhiêu lời chế nhạo, chỉ vì mỗi một cái đuôi mèo mà lão quản lý người Đức kia bắt tôi phải đập vụn cả một đống đá to như cái núi. Mọi người lại còn giễu tôi nữa chứ: "Mày là ân nhân kia mà. Chính mày đã cứu sống ngài công tước và phu nhân". Không. Nếu không tự tử tôi sẽ phải quay về cuộc sống thảm hại ấy. Tôi khóc và bằng lòng. Do tuyệt vọng tôi nhận lời làm kẻ gian phi.