Chương 2

Khi dứt cơn mưa và tôi về được đến nhà thì trời đã tối. Chính mẹ tôi ra mở cửa. Bà nhìn tôi bằng ánh mắt hỏi tội mà ít khi nào tôi tiếp nhận được nó từ bà. Hai mẹ con đi vào nhà, mẹ tôi vẫn chưa nói gì, và trở lại bàn ngồi với chồng giấy tờ cao ngất. Đó chính là thế giới riêng của bà. Ở đó, mẹ tôi sống cho bà và danh phận xã hội. Ở đó là bức tường thành ngăn tôi đến gần bà. Mẹ tôi muôn đời vẫn cách xa con cái bằng con đường ngắn nhất và không ai trách phiền bà được. Khi tôi thay áo ngắn trở ra nhà ngoài, tôi đến bên canapé. Tôi phải ngồi xuống đó vì tôi biết mẹ sắp sửa hỏi tôi những gì. Quả nhiên, mẹ buông mục kỉnh và quay sang ngay khi tôi vừa đặt mình xuống ghế.
- Sao hôm nay con về trễ? Con đi những đâu.
Tôi đan hai bàn tay vào nhau. Bao giờ cũng vậy. Cử chỉ đó thường giúp tôi thêm can đảm và trước mặt mẹ thì bao giờ tôi cũng cần phải có can đảm, thật nhiều, thật nhiều càng tốt, vì đôi khi chuyện chẳng có gì quan trọng. Ở mẹ toát ra một uy quyền nào đó làm hãi sợ cho kẻ đến gần. Tôi trả lời mẹ:
- Dạ, con lại nhà Thúy …
- Mẹ biết, nhưng con đến lúc bốn giờ kìa.
Tôi biết mình không thể nói với bà mẹ rằng mình đi lang thang, không thể nói về cuộc gặp gỡ Ngạn ngoài phố. Với mẹ tôi không bao giờ bà chấp nhận những sự kiện như vậy. Đời sống của bà quy tắc quá, đôi khi bà bỏ quên chính bà nữa thì làm sao có thể sống được cho người khác và như người khác, dù người đó có thể là con gái bà đi nữa. Mẹ tôi sẽ nghĩ sao khi biết tôi đã dễ dàng làm quen với Ngạn, mặc dù bà không phải quá khe khắt đối với vấn đề bạn bè của tôi. Bà rất nguyên tắc. Và vì thế, lần đầu tiên trong đời, tôi nói dối mẹ tôi.
- Thưa mẹ, con lại nhà Thúy, ở lại đánh domino với Thúy và mấy đứa em. Rồi trời mưa, nên con ở lại chờ hết mưa.
Giọng mẹ tôi chậm rãi:
- Con chưa dùng cơm tối đấy chứ?
- Da thưa chưa, mẹ.
Im lặng rơi xuống giữa hai mẹ con, tôi biết buổi nói chuyện đã kết thúc. Mẹ tôi tin hay không tin những lời tôi vừa nói, tôi không thể biết được. Có điều tôi hiểu là mẹ đã chấp nhận sự việc tôi trình bày đủ rồi. Và bây giờ, sự im lặng tiếp theo của bà xác nhận với tôi rằng, bà đang cần làm việc một mình, thật yên tĩnh và tôi lặng lẽ rút lui.
Sáng hôm sau Thúy vào lớp trễ hơn thường lệ. Tôi đón nó ngay cửa lớp.
- Sao hôm nay đi trễ vậy mầy.
Thúy cười cười.
- Có việc.
Hai đứa ngồi xuống bàn. Thúy nói:
- Tại hồi tối tao thức khuya.
- Cha, mầy gạo dữ hả.
- Sức mấy mà tao gạo. Tại mầy đó chớ.
Tôi mở to mắt:
- Gì mà tại tao.
Thúy nhíu mầy.
- Con này sao mau quên. Hôm qua chính mầy nhờ tao mà.
Tôi vẫn không quên là tôi có nhờ Thúy nói với chú Ngọc cho tôi được học vẽ, nhưng tôi không ngờ Thúy lại giúp mau mắn đến như vậy. Tôi mừng rỡ nắm tay Thúy.
- Ừ, tao nhớ chứ, nhưng tao tưởng mầy chưa nói dùm.
Thúy bĩu môi:
- Mầy thì cái gì cũng không ngờ hết. Mầy nhờ là tao lo liền. Hồi tối tao phải thức đấu lý với ổng mãi đó.
Tôi sốt ruột:
- Khiếp, sao mầy vô đề dài dòng thế. Thì mầy nói đại cho tao nghe là kết quả như thế nào, chú mầy có chịu dạy cho không. Mầy nói vòng vòng làm tao nóng ruột.
Thúy giọng kẻ cả:
- Mầy vẫn còn tính bộp chộp. Chuyện đâu còn đó. Rồi tao cũng đi đến kết luận chứ. Này nhé, chú Ngọc bảo tao là chú bận lắm, chú không có giờ rảnh, tao bèn đi một đường…
Tôi cắt ngang:
- Thì mầy cứ nói là tao học vào giờ nào chú rảnh.
Thúy gắt:
- Mầy im tao nói. Thì tất nhiên là tao đi một đường bảo lại rằng mầy học chiều chiều cũng được. Ông lại nói tại sao mầy không đi học ở mấy trường hội họa vẫn mở ra nhiều nơi. Tao nói mầy không thích đi. Cuối cùng ông gật đầu đại.
Tôi reo lên:
- Thật há!
- Không lẽ tao nói láo.
Hai đứa nói chuyện tới đó thì chuông vào lớp reo lên. Câu chuyện bị cắt đứt nhưng tôi hiểu là mình sắp được thỏa mãn nguyện vọng.
Kể từ hôm đó, mỗi buổi chiều sau giờ tan sở của chú Ngọc, tôi đến nhà chú. Dĩ nhiên tôi đã phải trình bày với mẹ tôi sở nguyện đó. Khi nghe, mẹ tôi không tỏ ý chỉ trích, nhưng sự bằng lòng của bà không khuyến khích tôi được tí nào. Thôi kệ, miễn mẹ bằng lòng là được rồi. Tôi thừa hiểu là mẹ tôi không thích cho tôi đam mê một nghệ thuật như vậy. Một nghệ thuật mà những kẻ làm nghệ thuật đó được coi như tượng trưng cho giới bừa bãi. Mấy ông họa sĩ, danh từ có pha một chút mỉa mai nào đó mà người đời thường dùng để ám chỉ mỗi khi nghe ai nhắc đến người cầm cọ. Mẹ tôi, một người đàn bà mẫu mực và nguyên tắc. Một người đàn bà lý tưởng trong xã hội nhưng hết sức xa lạ và lạnh nhạt trong gia đình. Tôi bắt đầu học nơi chú Ngọc những nét chấm phá đầu tiên trên khung vải. Từ những hình vẽ phối cảnh, cho đến lúc tôi cầm cây cọ pha màu, tôi đã tưởng như mình không còn là riêng mình nữa mà đã lệ thuộc rất nhiều vào một người đã đưa tôi đến những hiểu biết hôm nay về ngành hội họa.
Chú Ngọc, chú đối với tôi thật tốt, chú thật thương tôi. Buổi chiều nào, hai chú cháu cũng ngồi trong vườn bên nhau. Nhà chú Ngọc ở ngoại ô nên rộng. Bên hiên nhà chú có một cây vú sữa rất già. Tôi thích nhất là ngồi dưới gốc cây vú sữa đó, để thỉnh thoảng nghe một vài chiếc lá khô rụng trên tóc, trên áo. Thỉnh thoảng khi rỗi rảnh, chú Ngọc kể chuyện cho tôi nghe, những mẩu chuyện nho nhỏ về thời ấu thơ của chú. Chú Ngọc cũng thường hay nói về mối tình của hai chú thím. Vợ chú Ngọc, tôi vẫn quen kêu bằng dì. Đó là một người đàn bà thật duyên dáng, tôi được biết bà tên là Thương.
Thuở còn đi học, dì Thương được coi như hoa khôi của lớp. Thật ra nhìn kỹ và phân tách từng nét thì dì Thương không đẹp. Nhưng nhìn chung chung và khi nói chuyện với dì, hầu như khó ai thoát khỏi sự lôi cuốn của dì. Chú Ngọc kể những ngày đầu hai người quen nhau. Chú Ngọc nói miên man về dì Thương. Tôi nhận được một điều là chú Ngọc yêu thương vợ, quá yêu thương là đàng khác. Trái lại dì Thương luôn luôn có một nét hơi xa lạ nào đó. Chính tôi cũng nhận thấy điều đó. Hình như chú Ngọc càng âu yếm săn sóc vợ bao nhiêu thì dì Thương càng cách xa chú chừng đó. Và điều đó đã làm nảy sinh trong tâm hồn con gái của tôi một niềm ưu ái với chú Ngọc mà chính tôi không hay. Cho đến khi nó bộc phát quá mãnh liệt, thì tôi không còn kìm hãm được nữa.
Có lần hai chú cháu ngồi chơi dưới cây vú sữa, chú Ngọc hỏi tôi:
- Vi thấy thím như thế nào?
Tôi đáp:
- Vi thấy thím thật duyên dáng. Có một người vợ như thím là điều đáng hãnh diện lắm.
Chú Ngọc thở dài:
- Vi nói thật sao?
- Dạ.
Chú Ngọc cúi xuống nhặt một chiếc lá khô vo vo trong lòng bàn tay. Chú tiếp:
- Đáng lẽ chẳng bao giờ chú nói cho Vi nghe. Nhưng bởi vì Vi đối với gia đình của chú còn thân thiết hơn cả cô cháu ruột, nên chú không ngần ngại nói thật với Vi. Bộ Vi không nhận thấy gì nơi thím sao?
Tôi làm bộ lắc đầu:
- Đâu có, chú. Vi đâu có nhận thấy điều gì khác lạ.
Chú Ngọc buông chiếc lá cầm trong tay xuống đất, giọng chú lạc đi:
- Thím không thương chú.
Tôi mở to mắt suýt kêu lên. Không phải là tôi không biết mảy may gì về điều đó. Tôi đã lờ mờ nhận thấy một sự bất an nào trong cuộc sống vợ chồng chú Ngọc, nhưng tôi không ngờ chú Ngọc biết được điều đó. Tôi cứ tưởng người trong cuộc thì mù quáng không nhận được gì. Chú Ngọc quay nhìn tôi.
- Gì mà Vi trợn mắt lên thế?
Tôi lúng túng:
- Vi … Vi không nghĩ như vậy, không thể như vậy. Chú Ngọc, sao chú nói lạ thế?
Chú Ngọc cười buồn:
- Có gì là lạ đâu Vi. Sự thật đấy.
Tôi lắc đầu:
- Không, Vi không tin đâu chú Ngọc.
- Vi không tin là tại Vi còn ngây thơ không biết gì. Chú thương Vi như Thúy, nhưng ở Vi có một sự gì làm chú yên tâm nên chú mới nói cho Vi nghe. Chú chưa tìm ra được nguyên nhân vì sao dạo này thím tỏ ra hơi khác thường với chú, nhưng chú tin là chú sẽ tìm ra không muộn lắm.
Chú Ngọc cúi xuống cầm một viên đá nhỏ ném ra xa.
- Cuộc đời không bao giờ chịu dừng lại ở những giới hạn êm đẹp mà nó nên dừng cả. Không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có. Không bao giờ chịu ổn định trong khuôn khổ.
Chú quay sang tôi, giọng buồn thật buồn:
- Có thể bây giờ Vi nghe chú nói chuyện gia đình chú, Vi không hiểu gì, Vi sẽ cho là chú bi quan. Nhưng một mai khi Vi lớn lên, Vi sẽ thấy tại sao chú chưa nắm được trong tay một dữ kiện nào mà chú lại vội vàng kết luận. Trong tình cảm, ai cũng có một linh giác bén nhạy Vi ạ!
Chú ngừng nói, mắt vẫn dõi xa xa.
Từ đó, tôi thấy chú Ngọc thay đổi hẳn nếp sống. Ban đầu, sự thay đổi còn rất dè dặt và được ngụy trang dưới nhiều hình thức, nhưng sau đó nó được bộc phát không cần dấu diếm.
Dì Thương thì hầu như không thèm chú ý đến những thay đổi nơi chồng. Có lẽ với dì bây giờ, chỉ cần chú Ngọc đi làm tháng tháng đưa tiền về đầy đủ là được. Tôi không nghĩ là mình hồ đồ khi kết án người đàn bà đó như thế, bởi vì đó chính là sự thực. Chú Ngọc đâm ra chơi bời, chú xao lãng tất cả mọi việc, trừ việc dạy tôi học vẽ vào buổi chiều.
Đối với tôi, mỗi ngày qua đi như ghi đậm thêm một chút ưu ái tôi dành cho chú Ngọc. Tôi thương chú lúc nào chính tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết mỗi tối ngồi một mình bên bàn học, đầu óc tôi trống rỗng khi nghĩ đến chú Ngọc giờ đó đang lao đầu vào những cuộc ăn chơi. Chắc hẳn chú đang vùi say bên men rượu hay ngây ngất trong vòng tay người đàn bà lạ lẫm nào đó. Bài vở đối với tôi như vô nghĩa. Tôi nhớ đến chú Ngọc cả trên hai mươi bốn giờ của một ngày. Có lúc tôi đứng tựa bên cửa sổ nhìn ra con đường phía dưới. Buổi đêm, con đường mang màu xám nhờ nhờ nổi bật trong bóng đêm đen. Mấy ánh đèn đường vàng nhạt hắt những tia sáng yếu ớt soi mấy hàng lá xanh rì rào của những thân cây cao hai bên vệ đường làm tăng thêm vẻ đìu hiu. Thỉnh thoảng mới có một chiết taxi đêm chạy ngang, hai ngọn đèn pha quét một vệt vàng như hai con mắt mỏi mệt của một người vừa trở về sau cuộc ăn chơi. Tôi nhìn những bóng cây đen ngòm, nhớ da diết đến cây vú sữa bên hiên nhà chú Ngọc. Gió đêm lành lạnh thổi vờn lên da thịt một cảm giác mơn man, nhột nhạt. Tôi nhắm nghiền mắt lại và tự trong tâm thức, hình ảnh chú Ngọc chợt dưng hiện ra, thân yêu gần gũi. Tôi úp mặt vào hai lòng bàn tay. Chú Ngọc! Tại sao chú lại dịu dàng với Vi như thế. Tại sao chú lại gần gũi với Vi như thế. Chú làm Vi thương chú mất rồi chú Ngọc ơi!
Tôi không thể tự mình phân tích được cảm tình mình để hiểu tại sao lại thương chú Ngọc một cách mù quáng như vậy. Chú đã là một người chồng, một người cha trong gia đình. Chú có bổn phận và có trách nhiệm. Tôi đâu được quyền yêu thương chú dù chỉ là yêu thương trong ý tưởng âm thầm. Dù là tôi thương đơn phương, tôi cũng không được phép như thế. Chính tôi tự hiểu được những điều đó, nhưng tôi biết làm sao hơn? Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà ta không thể xen vào. Tôi là một đứa con gái cô đơn, phải nói là quá cô đơn. Tôi không thể tự dối mình điều đó. Tôi có thể tự mình đi tìm cho mình một lối thoát nào thôi. Tôi sống trong gia đình như một cái bóng âm thầm. Các anh chị lớn ở ngoại quốc một năm chưa về đến một lần. Ba tôi bận cả ngày. Mẹ tôi lại càng hơn thế nữa.
Đôi khi tôi tự nghĩ, phải chi mẹ tôi săn sóc yêu thương tôi thêm một tí thì có lẽ sẽ chẳng có những phức tạp tình cảm xảy đến cho tôi như ngày hôm nay đâu. Tôi nhìn qua nhìn lại, tôi thấy tôi lẻ loi cô độc. Tôi đưa tay ra vịn vào một ai đó đứng bên cạnh, tôi tìm một người để tôi nương tựa, nhưng mọi người trong gia đình phủi tay. Không phải gia đình cố tình như vậy, nhưng gia đình vô tình và hời hợt, gia đình cách xa tầm tay mà tôi tìm tới.
Đối với tuổi dậy thì của tôi, lại cô đơn, đôi lúc làm tôi muốn ngạt thở, muốn đập phá một cái gì đó để may ra nhờ tiếng khua động của âm thanh một chất vụn vỡ, tôi dựa vào đó mà tìm cho mình một sự an bình. Nhưng tôi không thể làm vậy. Tiếng động, bất cứ một tiếng động nào cũng làm cho mẹ tôi chú ý và phá rối công việc của bà. Tôi không muốn làm phiền mẹ tôi.
Tôi đứng nghĩ ngợi lan man mà mẹ tôi đến bên cạnh lúc nào tôi cũng không hay. Bà đằng hắng cho tôi biết là có sự hiện diện của bà. Tôi tự hỏi tại sao mẹ tôi lại không đặt một tay lên vai tôi để báo hiệu sự có mặt của mẹ. Cử chỉ đó quá dễ dàng, quá tự nhiên, nhưng hình như mẹ lại không muốn thế, vì tôi chưa hề thấy mẹ làm. Mẹ tôi hỏi:
- Con không vào học?
Tôi nhìn mẹ, lúc nào cũng vậy, với mẹ tôi, tôi chỉ có hai con đường: hoặc là đi chơi hoặc là học. Đó là hai con đường của một đứa con nít. Tôi, tôi đã lớn. Tại sao mẹ tôi lại không nhìn thấy và nghĩ ra điều đó? Tại sao mẹ tôi không chịu hiểu là tôi cũng cần phải có những giờ phút suy tư? Nếu mẹ tôi đọc thấy được trong tâm can tôi, không biết mẹ tôi sẽ nghĩ sao? Nghĩ sao khi biết đứa con gái mà mẹ ngỡ còn vòi kẹo đã biết thương nhớ. Tôi đáp lời mẹ:
- Con đang không muốn làm gì cả.
- Tại sao?
Giọng của mẹ tôi như một nhà chủ khảo đang đứng trước một thí sinh. Tự dưng bao nhiêu ý muốn tâm sự với mẹ tôi vụt chắp cánh bay vèo. Không, tôi không thể tâm sự với mẹ được. Tôi không thể gục đầu vào vai mẹ yêu thương được. Tôi lại sẽ phải giấu mình lại trong cái vỏ cố hữu.
- Con cũng không hiểu nữa.
Gió đêm thổi những sợi tóc tôi bay lòa xòa. Mẹ vẫn im lặng đứng cạnh tôi. Hai tay mẹ, một tay cầm cuốn sách còn tay kia buông xuôi, thừa thãi. Phải chi chú Ngọc đứng cạnh tôi giờ này chắc chú đã đưa tay vuốt những sợi tóc lòa xòa hai bên má và trên vầng trán tôi rồi. Chú Ngọc dịu dàng quá, ưu ái trìu mến quá. Ở bên chú chẳng những tôi cảm thấy được che chở mà còn cả sự trìu mến của một người mẹ nữa, sự trìu mến mà tôi cần thiết nhất.
Giọng mẹ tôi cất lên, âm vang giữa khuya như những lời buộc tội đã cắt ngang cảm nghĩ tôi:
- Dạo này mẹ thấy con hơi khác đấy nghe, Vi.
Tôi quay phắt người nhìn ra bóng đêm. Tự dưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt mẹ. Tôi tưởng như chỉ trong một khoảng khắc đứng bên tôi, mà mẹ đọc được chuỗi dài ý tưởng tôi. Giọng tôi tuy cố đè nén mà âm thanh vẫn run run:
- Thưa mẹ, không có gì.
Tôi nghĩ giá lúc đó mà mẹ tôi chỉ đứng thêm một phút nữa, đặt bàn tay lên vai tôi mà han hỏi thì chắc tôi đã gục vào ngực mẹ kể lể tình thương đơn phương của mình, kể lể những nhớ nhung đau xót của mình. Nhưng mẹ tôi đã bỏ đi về phía cửa, câu nói sau cùng của bà như đọng lại trong không gian căn phòng:
- Năm nay con thi đó, hãy tự liệu.
Tôi gục đầu vào thành cửa sổ khi ngoài kia, tiếng dép mẹ tôi gõ đều và nhẹ trên mấy bực thang lầu. Tại sao tôi không có một người mẹ tầm thường như tất cả những người đàn bà khác, suốt ngày chỉ biết lo lắng cho chồng con? Tại sao mẹ tôi lại có một lớp vỏ rất kỹ và hào nhoáng bên ngoài để đứa con gái nhỏ của bà không thể nào đến gần bà được. Tại sao mẹ tôi lại không chịu chỉ cho tôi một lối ngõ nào hầu giúp tôi tìm đến mẹ dễ dàng hơn.
Với mẹ tôi, hình như việc biểu lộ tình thương là một điều phi lý hết sức và không thể xảy ra được. Cho nên tôi thành một đứa con cô đơn bất đắc dĩ lúc ban đầu và mãi sau này thì nỗi cô đơn đó trở thành một ám ảnh nặng nề trong tôi đến nỗi tôi không thể bôi xóa bằng bất cứ cách bôi xóa nào.