CÂY MẬN

Ngồi đối diện với nhau và cùng ngước nhìn lên mấy bông mận đỏ trên cây mận già, cha mẹ đang tranh cãi.
Mùa mận nở đã được gần mười ngày, những bông mận đầu tiên đã tàn trên các cành cây thấp tỏa đều. Nó chẳng thay đổi là mấy, cha nói, kể từ khi mẹ về làm dâu nhà này. Mẹ không nhớ, mẹ nói. Sự lảng tránh này làm cha khó chịu. Mẹ không có thời gian cho những cây mận, mẹ nói. Mẹ đã lãng phí thời gian của mình, cha nói. Dường như rắc rối nằm ở chỗ mẹ không thích chia sẻ những cảm giác của cha về sự ngắn ngủi của đời người so với cuộc sống của cây mận già.
Cuộc tranh luận chuyển sang đề tài những chiếc bánh New York. Cha nói rằng vào ngày mồng hai tháng giêng, ông đã mang bánh ở Fugetsudo về. Mẹ bảo mẹ không nhớ gì về bánh trái cả.
- Nhưng anh nhớ rất rõ là anh đã dừng xe ở cả Meiji và Fugetsudo và mua ở một trong hai nơi đó.
- Em nhớ là ở Meiji. Trái lại anh chưa một lần nào mua gì ở Fugetsudo kể từ khi em về cái nhà này.
- Em thì cứ đưa ra những lời tuyên bố chung chung vậy.
- Anh chưa bao giờ mua cho em cái gì cả.
- Thế mà em đã ăn chúng rồi đấy. Anh biết là anh đã mua chúng.
- Anh làm em khó chịu. Anh mơ về chúng thì có. Anh đang nói điều gì đó ở trong mơ của anh đấy.
- Hả?
Đang chuẩn bị bữa trưa trong bếp, cô con gái nghe thấy hết cuộc tranh cãi. Cô biết sự thật, nhưng cảm thấy không thể nói ra được. Cô đứng mỉm cười bên cạnh chiếc ấm đun nước.
- Anh có chắc là anh đã mua bánh về nhà không? – Hình như cuối cùng thì mẹ cũng coi như là công nhận cha có thể đã mua.
- Anh đã mua – nhưng có lẽ anh đã để chúng ở ô tô thì phải? – Ông ngập ngừng.
- Nếu anh để trên xe thì người lái xe đã lấy mất. Anh ta đã không đúng khi lấy chúng. Đấy là xe công ty mà.
- Đúng vậy.
Cô con gái hơi băn khoăn.
Điều làm cô băn khoăn là sự việc mà mẹ cô đã quên mất và cha cô thì lại để niềm tin của mình bị lung lạc khá dễ dàng.
Ông đã đi chơi vào ngày mồng hai tháng giêng, có xe riêng đi kèm, và ông đã mua một hộp bánh ngũ cốc ngọt lớn ở Fugetsudo. Mẹ cô đã cho người khác ăn.
Có một khoảng lặng, sau đó với sự điềm tĩnh phi thường, mẹ đã nhớ ra.
- Ôi phải đấy! Anh đã mua, phải không anh.
- Anh đã.
- Chúng ta có quá nhiều.
- Và anh đã mua chúng.
- Nhưng anh đã mua cái thứ rẻ bèo ấy ở Fugetsudo phải không?
- Anh đã.
- Em nhớ ra rồi. Chúng ta đã cho ai đó. Gói tất lại. Cho ai nhỉ?
- Ừ. Em đã đưa bánh cho ai đó. – Ông nói cứ như thể sự ngập ngừng trong cổ ông đã biến mất. – Cho Fusae, có lẽ thế?
- Fusae, có thể. Đúng. Em đã nói là chúng ta không được để cho bọn trẻ thấy.
- Đó là Fusae.
Với việc đó, cuộc tranh cãi kết thúc. Cảm giác về sự nhất trí dường như làm dịu cả hai người.
Nhưng thực tế thì lại khác. Họ đã không đưa bánh cho Fusae, người hầu gái cũ của họ, mà cho cậu bé nhà bên.
Cô con gái đợi xem người mẹ có nhớ ra nốt điều đó không. Nhưng chỉ có tiếng ấm trà sôi vang lên từ phòng ăn sáng.
Cô mang bữa trưa vào.
- Con nghe thấy cuộc tranh cãi của bố mẹ, phải không Yoshiko? – Cha cô hỏi.
- Vâng.
- Mẹ con đãng trí một cách thú vị. Ngày càng nhầm mà cứ giả đò không nhầm gì cả. Con phải giúp mẹ nhớ lại mọi chuyện.
- Em lấy làm lạ là chuyện của chúng ta lại đi xa đến thế. Lần này em đã thua, nhưng em thấy lạ thật.
Cô con gái đang nghĩ đến việc nói một điều gì đó về Fusae và cậu bé nhà bên nhưng lại thôi.
Hai năm sau cha cô mất. Ông đã bị một cơn đột quỵ nhẹ và sau đó thỉnh thoảng mới đến văn phòng.
Rồi kể từ khi những bông mận đầu tiên tàn trên các cành cây thấp ấy, Yoshiko thường nghĩ về chuyện Fugetsudo. Cô không bao giờ nói chuyện đó với mẹ. Rất có thể mẹ cô đã quên.

 

(1948)

ĐÀO THỊ THU HẰNG dịch