Báo hiếu: trả nghĩa mẹ

     ây có phải nhà ông chủ ô-tô “Con Cọp” hay không?
- Phải, ông hỏi gì?
- Thưa cụ, ông chủ có nhà không ạ?
- Ông ấy đi vắng chưa về.
- Thưa cụ, tôi hỏi thế này khi không phải, cụ có phải là cụ sinh ra ông chủ tôi không ạ?
- Không phải, con vú già đây!
Người khách đương luống cuống sượng sùng vì sự mình lầm con vú già với mẹ ông chủ, thì trông thấy một người đàn bà béo tốt và trẻ ở nhà trong đi ra đến sân. Muốn cho khỏi lầm lần thứ hai, người khách vội hỏi ngay người vú:
- Kia có phải là bà chủ không?
- Không phải, đấy là mẹ đấy!
Câu trả lời dấm dẳn, đáng lẽ làm cho người khách phải luống cuống sượng sùng lần thứ hai nữa, nhưng trái lại, người khách nhận thấy vẻ mặt uất ức những sự giận dữ của bà cụ tự xưng là vú già và người được giới thiệu là mẹ, thì nhanh trí, hiểu ngay rằng không những mình không lầm lần thứ hai, mà lần thứ nhất mình cũng hỏi đúng: tất là trong gia đình này, đương có sự xung đột mẹ chồng nàng dâu chi đây.

 

- Tôi lấy cậu, là vì ái tình của tôi đối với cậu, thì tôi chỉ biết có cậu, ngoài ra tôi chẳng biết thằng nào con nào ở nhà này cả! Cậu ngu lẳm, cậu không biết bảo bà ấy!
- Thôi, người già vẫn hay trái tính, mợ nên biết nhịn. Mợ ở với tôi cả đời, chứ bất quá bà ấy sống được mấy nữa!
- Bà ấy ở đây ngày nào, tôi ê chệ ngày ấy. Đấy, cậu xem, hôm qua đấy, một suýt nữa mà bà ấy vào cửa trước, thì có họa mặt mình là mặt mo. Cậu chỉ nói dối tôi, cậu đuổi bà ấy, sao bà ấy còn đây?
- Tôi không đuổi thì tôi chết! Mợ cứ chửi đứa nào nói dối mợ! Chẳng tin mợ hỏi lại thằng bếp mà xem. Nhưng vì bà ấy lạc đường, nên phải trở lại. Tôi đã bảo mai bà ấy về rồi.
- Đồ mặt dầy! Thế mà không biết nhục! Sao nó không chết đi cho người ta nhẹ nợ!
- Thôi, mợ nói vừa chứ.
- Tôi không nói vừa, cậu bênh mẹ cậu à! Ối trời ôi! Đây cậu giết tôi trước đi! Ối hàng phố ơi! Con gái già nó hại tôi!
- Tôi xin mợ! Tôi van mợ! Tôi lạy mợ!
- Cậu buông tôi ra, tôi không để bà ấy yên đêm nay được!

 

Sáng hôm sau, cửa nhà ông chủ xe cao su kiêm chủ hãng ô-tô “Con Cọp”, người ta trông thấy căng cái màn đen diềm trắng. Mà đi trên hè, ai cũng ngửi thấy mùi khói hương khói trầm thơm phức. Trong nhà có người chết? Phải, bà cụ sinh ra ông chủ mới tạ thế hồi đêm.
Trong nhà trong, thằng bếp thì thào với con vú:
- Cụ tức bà rồi cụ uất lên mà chết, phải không chị?
Con vú nháy mắt, trỏ tay vào cổ, nói:
- Thắt!
Thằng Quít nghe thấy, bĩu môi, trỏ vào mồm mà rằng:
- Chỗ này đen những máu, trông ghê quá, đích là thuốc độc!
Uất lên mà chết? Thắt cổ? Uống thuốc độc?
Chẳng phải! Chúng nó nói láo hết! Quân bạc thế đấy! Đem mà cắt lưỡi chúng nó đi!
Ta muốn rõ nguyên nhân vì sao bà cụ tạ thế, thì hãy đọc tờ cáo phó sau này thì biết:
Chúng tôi lấy làm đau đớn, cáo phó để các Cụ, các Quan, các Ông, các Bà biết cho rằng thân mẫu chúng tôi là:
Cụ Trần thị Y
Hưởng thọ 67 tuổi
chẳng may thụ bệnh, đã tạ thể ngày 15 tháng Giêng, năm Quý Dậu, tức là ngày 9 Février 1933 tại nhà riêng chúng tôi, phố P, số 15.
Chúng tôi định đến ngày Chủ nhật 12 Février 1933, hồi 8 giờ sáng, sẽ làm lễ an táng tại nghĩa địa hàng tỉnh.

Cô ai tử: Nguyễn văn R.
Hôn tử: Nguyễn thị N.

đồng gia đẳng khấp bái.

Lời cáo phó ấy đăng lên mười tờ báo hằng ngày, lại in riêng thêm một nghìn tờ nữa. Thành ra ngót bốn vạn tờ ở nhà bưu điện bay ra như bươm
bướm khắp các nơi, khiến các cụ, các quan, các ông, các bà, ai thấy cái tin đau đớn bà cụ thụ bệnh mà tạ thế, cũng phải giật mình mà vội vã đến thăm viếng, và chia buồn cùng người gặp lúc vận hạn.

 

Rồi đến đúng 8 giờ ngày 12 Février, đám tang cử hành.
Đầu tiên, năm lá cờ ngũ hành phấp phới theo chiều gió. Rồi đến ông Thiên Lôi, bà La Sát, cao lênh khênh đi hai bên. Một đoàn trống cà rùng, rinh tùng rinh, đi xung quanh chiếc trống cái, mà những phu điều áo nỉ đỏ, nón dấu son. Kế đến một cái kiệu long đình sơn son thếp vàng, thong thả tiến từng bước, trông rất uy vệ chững chạc. Theo sau cái long đình, là bốn cái xe nhà bóng nhoáng, trên có bốn vị sư, mỗi vị đi hai lọng. Rồi ước trăm bà vãi đội cầu dài dằng dặc, mỗi bà tay cằm phướn, miệng tụng kinh ầm ầm. Một cái binh tinh cao ngất nghểu đi trước một bức trướng vóc như căng ngang đường, có bốn chữ quen quen là “Dĩ sơn vân ám” to tướng. Đoạn rồi đến hàng hai trăm câu đối, cái vàng, cái trắng, cái đen, cái tím, cái xanh, cái bằng xa tanh, cái bằng vóc, cái bằng lượt, cái bằng dạ, sắp hàng đôi, mà trẻ con đứa nào cũng mặc áo dài trắng. Những câu đối ấy toàn chữ nho khó đọc cả. Duy chỗ lạc khoản thì dễ nhận hơn. Có chữ giống như thẻ bài ngà của cụ Thượng. Có chữ trên thì rậm rì khó đọc, nhưng dưới thì là chữ “lâm”, muốn chừng là “hàn lâm”. Có câu thì người ta bảo của cụ lớn Bố chánh. Có câu thì trông rõ ba chữ “Bắc kỳ nhân”, rồi có ba chữ cuối mới đến tên. Nói tóm lại, nhiều quá, không ai nhớ hết. Vì còn những câu của ông Phủ, ông Huyện, ông Tham, ông Phán, chi chít những chữ nho là chữ nho.
Sau đoàn câu đối thì là bốn năm cái bàn độc, rước đồ tam sinh với các phẩm vật, cứ đồ mặn lại xen đồ chay, mà cuối cùng thì rước con bò to kếch. Bàn nào bàn nấy chằng chịt những dây vải trắng tinh.
Đương mỏi mắt về nhìn các đồ nghi vệ, thì lại đến đinh tai về đội kèn Tây thuê tự Hà Nội. Họ ăn mặc như lính Tây mà thổi những bài rất hùng hồn, như muốn giục người hăng hái mà ra đánh trận. Cái linh xa tám người khênh thong thả đi nối ngay sau phường kèn. Trong linh xa, khói hương trầm bay nghi ngút, giữa có bức truyền thần vẽ sơn, mới xong tối hôm trước để kịp rước. Bà cụ thì mặc áo gấm và đi giầy văn hài. Nào hoa tai, nào hột vàng, nào tráp đồi mồi, nào ống nhổ sứ, ai trông cũng đoán được là nhà giầu. Đi sau linh xa, phường bát âm ta đưa những bài lâm khốc, như than, như khóc, như oán, như hờn, nỉ non rên rỉ, nghe buồn chảy nước mắt được! Một người khăn trắng, áo trắng, thắt lưng xanh ra ngoài, giơ cái phèng lên mà đánh, để ra hiệu cho bọn khênh cữu. Thỉnh thoảng, trả lời tiếng phèng rè, ta lại được nghe thấy một hồi lách cách như nhái kêu. Cái nhà táng thửa mấy hôm trời, thợ cả phố làm suốt ngày thâu đêm mới kịp và mới vừa lòng ông chủ. Vì nghe đâu đắt đến trăm hai! Hơn bốn chục người khênh cái đòn cữu, khi tiến, khi quành, điêu đều tăm táp. Trong cái nhà táng, ta trông thấy cái quan tài sơn son thếp vàng rất đẹp. Người ta bảo sắm mất những hơn sáu chục. Trong cái phương du đi sau nhà táng, thì họ hàng thân thích, chen lách nhau mà bước từng bước một. Tiếng khóc than kêu gào thảm thiết, ai nghe thấy cũng phải động lòng. Người ta bảo là bọn khóc mướn, nhưng lấy gì làm chứng? Rồi đến hàng nghìn người các cụ, các quan, các ông, các bà, rặt những chỗ thân thuộc đi theo sau. Cuối cùng thì ba bốn chiếc ô-tô, xinh xịch tiến dần, và hai ba chục chiếc xe nhà, như nêm khúc đường chật hẹp!
Ta được xem cái đám ma linh đình uy vệ là thế, thì ta nên khen người hiếu chủ đã khéo trả nghĩa
mẹ. Mà nhất là nếu ta trông thấy người ấy, thì ta mới lại càng tâm phục cái bụng hiếu thảo, không bến không bờ.
Người ấy mặc đồ sô gai. Chứ còn bụng dạ nào mà nghĩ đến quần áo cho chải chuốt! Đi trước cữu thì giật lùi từng bước. Lúc nào cũng bưng miệng mà khóc, còng lưng xuống mà khóc, đến nỗi phải chống gậy! Vậy mà có đủ vững đâu? Mấy hôm nay thương mẹ quá thành ra ốm yếu, người ta sợ ngã lăn ra, cho nên phải có người đi kèm, vừa che ô cho, vừa ôm chặt lấy ngang lưng cho đỡ khuỵu! Người ta lại sợ hiếu chủ thương mẹ quá mà đập đầu vào quan tài lỡ chết thì hoài - bởi vì lúc bối rối trong bụng thì hay liều - cho nên người ta phải bện cho cái lùn rơm mà chít xung quanh đầu, thì dù có đập mạnh đến đâu cũng không đến nỗi vỡ sọ.
Người con dâu trông mới ái ngại làm sao! Khốn nạn, mấy hôm nay, kêu khản cả tiếng, khóc hết cả hơi. Mà ông Trời độc địa cứ khăng khăng bắt bà cụ, hơn một ngày không ở, kém một ngày không đi, để bây giờ dâu con không có mẹ mà hầu hạ! Lắm lúc lại như thù giận lũ phu phi nhân đạo, họ cứ nhẫn tâm khênh cữu đi, thì nàng dâu lại nằm lăn ra đường mà chắn lối, rồi lại kêu gào rầm rầm. Lúc hạ huyệt mới đáng thương tâm. Áo quan chửa ngắm đúng hướng, người ấy đã nhảy đánh tụp xuống mà nằm thẳng cẳng ra, ôm chặt lấy mà hờ, mà khóc. Rồi quá lắm đến nỗi ngất đi. Nếu bốn năm người không lôi dậy và không tốt khuyên, thì có lẽ người ấy còn muốn sống làm gì! Thà đi theo mẹ còn hơn chịu bơ vơ như chim mất tổ!
Thương hại thay! Bà cụ ở dưới suối vàng, có thiêng chăng tá? Giá bà cụ biết rằng mình được con nó báo hiếu làm đám ma long trọng dường này, thì hẳn cũng ngậm cười. Mà nhất là giá bà cụ lại trông thấy trước rằng con trai và con dâu mình nó thương mình quá thế, thì chắc lúc thụ bệnh cũng chẳng đành tâm mà nhắm mắt!
31 Mars 1933