Phần V

- Đi đâu mà đi mãi vậy?
Nho cười hề-hề đáp:
- Mọi khi em không hỏi lôi-thôi, bây giờ sao mà ….
- Là vì mọi khi anh ít đi hơn bây giờ, anh lại ít bỏ cơm hơn bây giờ. Hơn nữa nay là mùa nghỉ mát, còn ma nào ở Sàigòn đâu mà anh nói đi lo áp-phe.
- Sao lại không còn người làm ăn ở đây. Bằng cớ là còn anh.
- Nhưng sao lại bỏ cơm?
- Vì công việc kéo dài, về không kịp. Anh có đi đêm đâu mà em nghi-ngờ.
Nho quả chỉ vắng mặt ban ngày thôi. Nhưng chi tiết ấy lại khiến Hảo ngờ vực thêm. À, va tránh ban đêm cho mình khỏi nghi, nhưng ban ngày ai cấm va gặp Liên? Cần gì phải ban đêm mới gặp người yêu được?
Hảo chợt thấy là tình-cảm của bà khác với sự tiên-đoán của bà lúc bà chuẩn bị mưu kế. Bà bụng bảo dạ rán chịu, không ghen, vì mối tình ấy chỉ tạm-thời thôi, rồi bà sẽ rút hai người ra dễ-đàng. Nhưng quả thật muốn thế mà không được.
Mỗi lần Nho đi, bà tưởng-tượng nhiều việc rồi quặn đau như ai cắt ruột bà. Nhưng thà là bà biết chắc rằng Nho đi gặp Liên thì còn đỡ khổ, chỉ buồn thôi. Đằng nầy bà không thể biết Nho đi đâu, nên khó chịu vô cùng.
Nho khéo quá. Bà đã cho người theo dõi ông ta nhưng họ chỉ, hoặc là gặp ông ta ở các nơi làm ăn quen, hoặc là mất dấu ông ta.
Hảo không tin là Nho đã mướn nhà riêng cho Liên ở vì sự tốn kém lớn-lao ấy thế nào cũng lòi ra. Vả Liên làm sao mà bỏ nhà ra đi được? Rốt cuộc bà chỉ mong cho Liên chóng mang thai với Nho. Liên nó sẽ quýnh lên, và bà sẽ gạt nó vào tròng lần nữa một cách dễ-dàng. Bà đã nghĩ được kế bắt Liên rồi, nếu công việc đã xảy ra như ý muốn của bà.
Mà công việc đã xảy ra như vậy. Trời, làm sao mà may-mắn cho bà đến như thế được. Sau ba Tháng âm thầm đau khổ, một hôm Hảo nhận được bức thư như sau:
 
Cô Hảo,
Vợ chồng tôi viết thơ nầy không để trách-móc gì cô, mặc dầu cô phải chịu hết tách-nhiệm về sự rủí-ro của vợ chồng tôi. Trách móc làm chi, chuyện đã dĩ lỡ ra rồi, không còn làm sao được nữa. Vả cô có muốn thế đâu, chẳng qua vì cô sơ ý xem chừng nên mới ra đến đỗi!
Xin nói mau cho cô rõ là con Liên nó đã có nghén. Tin nầy có làm cô chưng-hửng hay không? Riêng vợ chồng tôi, chúng tôi đã nghe như trời sập trên đầu.
Nó thọ thai với ai làm sao vợ chồng tôi biết được. Tra gạn thế nào nó cũng nhứt quyết ngậm câm.
Nhưng vợ chồng tôi chắc-chắn là nó đã hư thân từ khi vắng nhà lâu, lên chơi trên cô dượng, và đi tắm biển, tắm biếc gì đó.
Từ thuở giờ nó không có đi đâu cả, có lên cô thì cũng một bữa thôi. Nhưng 1úc vắng nhà lâu đó, nó lại đi Sàigòn thường và bảo là có việc học tập buôn bán với cô.
Tin con đoan trang, vợ chồng tôi không giữ nó, nên nay nó ra cớ sự như vậy.
Phải chi cô xem chừng giùm cháu một chút thì nó đâu có dịp mà hỏng đời nó!
Nhưng nói thế thôi chớ chưa chắc làm cha mẹ như vợ chồng tôi giữ con được trọn lành.
Nay công việc đã như vậy, vợ chồng tôi không thể cố lì mà chịu đựng được dư-luận ở đây. Trong một quận lỵ nhỏ hẹp, cái gì cũng là đầu đề bàn tán của người ta cả, phương chi cái trường-hợp của Liên là một đầu đề hay cho họ.
Vậy tôi cậy cô một việc hơi khó, là thương giùm vợ chồng tôi và cháu mà lo cho nó.
Vợ chồng tôi sẽ biểu nó lên trên ấy với cô, nói dối với người ở đây rằng nó đi học nghề bánh nghề trái gì cũng được. Nó sanh nở xong, cứng-cát rồi, sẽ không làm khách cô nữa đâu, vì vợ chồng tôi có lẽ sẽ đi lập-nghiệp nơi khác để nuôi cháu ngoại mà khỏi ngỡ-ngàng với người xứ lạ.
Chỉ khó cho cô một việc là cô sẽ không biết ăn nói làm sao với dượng ấy. Có một đứa cháu mất nết như vậy, sự xấu sẽ lây qua cô, dượng ấy chắc-chắn sẽ cười chê họ-hàng mình mà cô là người luôn-luôn có mặt để chịu đựng sự khinh-miệt ấy.
Vậy nếu cô có thể chịu đựng được mà lo cho cháu, thì vợ chồng biểu nó lên ngay. Bằng không, cũng xin cho biết để vợ chồng tôi liệu phương khác.
Vợ chồng tôi không phải không biết xấu hổ mà trấn nó cho cô để dượng rể nó có dịp khinh-rẻ cả họ ta. Nhưng một người dượng rể cười chê quả có đỡ khổ hơn cả chợ nhạo-báng, nên vợ chồng tôi buộc lòng phải làm phiền cô vậy.
Không cần nói nhiều, chắc cô cũng thấy rõ sự quýnh-quáng của vợ chồng tôi. Vậy xin cô kíp trả lời để vợ chồng tôi biết chắc sẽ phải làm sao.
Thôi kính vài hàng chót để cầu chúc cô dượng được mọi điều lành.
Rất mong,
SANG
Hảo ứa nước mắt khi đọc xong bức thơ trên đây. Mối lo-nghĩ của vợ chồng người anh họ, bà hiểu thấu-đáo được và rất đau lòng vì mối lo-nghĩ ấy chính bà đã gây ra.
Trời ơi, bà than thầm, mình ích-kỷ đến độ chót rồi, chỉ lo lợi riêng thôi, ai chết mặc ai cho dẫu người chết là người trong họ.
Trong giây phút hối-hận ấy, Hảo tự nguyện sẽ đền bù xứng đáng bước sa chân của Liên. Bà sẽ gầy-dựng cho Liên một hạnh-phúc không kém hạnh-phúc của bất-kỳ cô gái tân nào. Bà thành-thật hẹn với mình như vậy, và bà tin sẽ thực-hiện lời nguyện ấy vì bà có nhiều tiền, mua gì lại chẳng nổi. Bà nghe thương Liên hơn bao giờ hết, và bỗng nhớ lại tình bè bạn của bà và Liên thuở hai người còn bé dại. Số mạng đã bất-nhơn đẩy Liên vào bàn tay tàn-nhẫn của bà, Liên một cô gái nết-na không đến phải chịu kiếp gian-truân đó.
Ngồi buồn một lát lâu, Hảo hỉ mũi một cái vì bà đã khóc mà không hay, rồi đi lại bàn giấy lấy bút mực ra viết.
Thưa anh chị Tư,
Em có được thơ anh chi về vụ con Liên. Thật là tin sét đánh. Nhưng em chỉ nghe thương Liên và anh chị thôi.
Phải, anh chị kíp gởi nó lên đây. Nhà em tốt bụng lắm, rất thương bà con và rất hiểu biêt về chuyện đời, nên anh chị khỏi lo anh ấy cười chê gì.
Em sẽ lo cho cháu, vâng. Mà em lo chu-đáo đến cả tuơng-lai của cháu nữa, chớ chẳng phải tạm lo lúc nguy-kịch nầy thôi đâu. Đó là vì thương cháu, mà là cũng để chuộc cái tội chểnh-mãng của em.
Xin anh chị đừng làm tình làm tội gì Liên, vì chắc nó đã khổ lắm rồi, nếu làm quá e nó liều thì nguy.
Kính chúc anh chị được sức khoẻ trường thọ.
Rất mong tin cháu.
Hảo
Hảo chú ý thấy rằng mấy hôm nay, Nho có vẻ lo âu tư-lự. Anh chàng ghen chăng? Bà tự hỏi, vì bà biết những người đờn-ông có nhơn-tình lén-lút như thế hay đa-nghi. Họ đa-nghi vì cô nhơn tình thường khi trẻ hơn họ nhiều và sư chênh-lệch tuổi-tác có thể làm cho cô ấy sanh tâm. Tương-lai bấp-bênh của cô cũng khiến cô ta lo thân, mà lo thân là gì, nếu không phải tìm cách lấy chồng, hoặc tìm cách có một nhơn-tình tự-do hơn.
Anh nhơn-tình lại ít dịp lui tới với người yêu. Mối tình khôn thỏa dễ xui cô nhơn-tình phản-bội lắm.
Anh chàng ghen chăng? Bà tự hỏi và rất thích chí mà thấy chồng hiện đang đau nỗi đau của bà từ mấy tháng nay. Bà còn đỡ hơn ông ấy vì bà ghen có người, dễ chịu hơn ông ấy ghen bóng ghen gió.
Nhưng từ lúc được thơ của người anh họ, bà hiểu ngay mối lo-âu của Nho.
Nho muốn kiếm con, nhưng giờ kiếm được, lại phải lo vì có lẽ Liên sợ quýnh và truyền nỗi sợ ấy cho ông. Nếu Liên giấu tên người yêu, làm mặt lì ở nhà mà đẻ thì ông có con cũng như không.
Còn Liên khai tên phạm nhân ra? À, cái đó còn ghê hơn nữa. Không biết ông cụ, bà cụ dưới ấy sẽ làm dữ đến bực nào, sẽ bắt đền cách nào đây? Còn Hảo nữa! Với ai thì Hảo còn có thể tha thứ, chớ với cháu của nó, thì...
Hảo đoán tâm-trạng chồng như thế, và đã đoán đúng. Trong bữa cơm chiều, bà nhìn chồng mà cười mỉa rồi hỏi:
- Hổm nay anh có gì lo buồn mà xem anh như ốc mượn hồn?
Nho giựt nẩy mình, không phải vì lời hỏi không có ẩn ý gì khác lạ kia, nhưng vì giọng nói và giọng cười mỉa-mai của vợ.
Nàng đã biết gì chăng? Nho tự hỏi và lo sợ hết sức, Hảo thưởng-thức sự thỏa-chí báo thù của mình, nếm cái ghen cay-đắng bao nhiêu thì bây giờ nếm lo-sợ của chồng ngọt dịu bấy nhiêu.
Để đâm sâu mũi dao độc, bà nói:
- Em mới tiếp được một bức thơ, lạ lắm.
Nho nhảy dựng lên hỏi lia-lịa:
- Thơ gì? Thơ gì? Đưa xem.
- Nhưng tại sao anh lại sợ-hãi đến thế?
- Không, anh có sợ đâu, Nho ấp-úng đáp.
- Hừ, không sợ à? Anh gan trời.
Nho tái xanh mặt trước lời hâm dọa nầy, ông ta thở hổn-hển, nuốt nước miếng mãi mà không trôi vì cổ họng đã khô queo. Ông húp một muổng canh và nuốt được, nhưng nghe rát cổ lên. Giây lâu, ông đánh bạo, hỏi nữa:
- Thơ gì đó vậy?
Giọng hỏi cố bình-thản, nhưng lo-âu cứ khua lên trong ấy.
- Lát nữa ăn cơm rồi hẵng hay. Nhưng anh phải ăn đủ ba chén em mới cho xem thơ.
Nho ăn xong một chén đầu thì nghe no ứ tới cổ. Ông buông đũa, lau liệng và với tay lấy bánh ngọt.
- Đâu có được. Anh phải ăn đủ số chén như ngày thường, bằng không đừng mong biết cái gì.
Hảo nói bằng giọng xẵng, có vẻ không nhìn-nhận lời cãi-cọ nào, nên Nho rìu ríu đưa chén cho thằng nhỏ xúc thêm cơm. Cơm hôm nay sao mà như cát sạn, đồ ăn lại giống dăm bào. Nho nuốt như bò nuốt rơm khô vào mùa nắng, mỗi lần nuốt phải gật đầu một cái nó mới xuống cho.
Khổ-dịch ăn cơm xong rồi. Nho lại nhắc:
- Thơ gì đó?
- Em muốn biết tại sao anh lại chú-ý đến bức thơ nầy dữ đến thế?
- Tại cái giọng bí-mật của em gợi tò-mò của anh.
- Khá lẻo mép. Đáng phục đấy. Đây, anh đọc thì biết.
Nho tiếp lấy bức thơ của người anh họ vợ, và khi thấy hai chữ: “Cô Hảo”, ông ta mất máu mặt ngay, vì ngỡ Liên đã khai tạch-hoạch ra rồi và đây là bức thơ mét thót điều tệ-hại của ông cho vợ ông nghe.
Ông đánh bạo đọc hết bức thơ thì nghe nhẹ cả người. Lo quá! Câu chuyện làm cho người khác chín ruột chín gan, thì lại làm cho người nầy vui mừng như trúng số độc-đắc.
Thì ra Liên nó vẫn ngậm câm không khai ai hết. Tội-nghiệp quá ! Dễ thương quá!
Nho ngước lên mỉm cười với vợ, tay lau mồ-hôi trán mà nói:
- Có gì em ra bộ bí-mật dữ vậy?
- Còn không có gì nữa. Công chuyện như vậy mà anh cho là thường, bộ anh đợi trời sập mới hoảng sao?
- Thì em nó lỡ như vậy, mình lo cho nó chớ có gì đâu. Anh thật không hiểu vì sao em lại bảo là anh gan trời.
- Anh chị đổ lỗi cho mình, không đáng sợ à? Hảo đáp tránh đi như vậy.
- Đáng sợ. Nhưng ta sẽ chuộc lỗi bằng cách lo cho con Liên. Ai gìết mình đâu mà lo.
- Anh nói cũng phải. Em đã trả lời thơ, hối Liên lên càng sớm càng tốt.
- Em làm phải lắm.
Ra khỏi bàn ăn, Nho xoa tay sung-sướng. Thật là khỏe ru, Liên không ở lì dưới mà đẻ, cũng chẳng khai cho ông. Cha mẹ nàng lại gởi nàng lên đây. Trời, sao mà may mắn đủ mọi đường như vậy kìa!
Ông chỉ ngỡ ham vui một lúc, chịu sầu ngàn năm, nào dè chỉ phải sầu có vài hôm thôi, rồi đâu ra đó cả. Liên sẽ đẻ ở đây, vợ chồng ông sẽ xin đứa bé mà nuôi. Thế là ông có con mà là con thật của ông, thích chưa.
Còn Liên? Liên sẽ sống lại đời sống con gái lỡ-thời và may ra lấy được chồng. Ông yêu Liên lắm, nhưng biết nàng sẽ bằng lòng tiếp-tục lối yêu đương cũ chăng? Xem bộ Liên nó hối-hận quá.
Nếu Liên bằng lòng trở lại tình-trạng cũ thì không gì thích bằng, thật là tuyệt.
Bốn hôm sau, Liên lên. Nho lánh mặt, ở mãi trong buồng giấy cho đến bữa ăn mới chịu ra. Gặp mặt nhau, giả đò không hay biết gì thì không được, mà ra mặt hay biết thì ăn làm sao nói làm sao? Mối tình ngang trái giữa hai người. Nho đã quả quyết là nó không ngang trái chút nào. Không ngang trái sao tùng đảng với gia-đình để giấu đút Liên?
Hảo thấy mặt cháu thì vồn vã hơn xưa bội phần. Bà thương Liên thật tình, mà cũng cố làm ra thế cho Liên khỏi bỡ-ngỡ. Sự nồng-nàn ấy không xóa được sầu và thẹn của cô gái lỡ-thời nầy. Liên thẹn đã có chửa hoang thì it, mà thẹn đã phản-bội Hảo thì nhiều. Hảo càng âu-yếm vuốt ve nàng, nàng càng xấu-hổ thêm lên, nghĩ mình không xứng đáng sự yêu-mến ấy.
Đến bữa cơm chiều buộc phải gặp mặt nhau, Nho mới ra ngoài. Liên cũng cố tránh gặp Nho, và đến phút phải gặp, họ đều cúi mặt xuống.
Nho làm bộ vồn-vã hỏi thăm tin nhà, còn Liên thì vâng dạ mà hồn bay đi đâu không biết.
Để cho dứt-khoát, Hảo nói:
- Em đả biết rằng anh chị thương em lắm. Vậy không có gì đâu mà ngại, cứ tự-nhiên như thường.
Một bức màn thưa bỗng đâu rũ xuống trước mặt Liên. Lệ rưng rưng xóa mờ mọi món ăn, rồi tủi thân quá, nàng nấc lên mà khóc. Hảo ôm lấy Liên mà rằng:
- Đừng dại. Hãy can-đảm lên. Chị thương em, anh cũng thương.
Rồi bà nạt thằng nhỏ bảo nó xuống bếp lấy ớt, đoạn bà lau nước mắt cho Liên:
- Đừng cho ai nhận thấy gì hết. Coi chừng thằng nhỏ, Hảo dặn Liên mau như vậy.
Cả ba đều cầm đũa lên. Để cho Liên vui mà quên sầu, Hảo thành-thật mà nói với chồng:
- Anh Nho tối nay đưa em đi xem chiếu bóng nhé!
Liên bỗng nghẹn ngang cuống họng. Ừ, chính vì những trò đưa nhau đi xem chiếu bóng, đưa nhau đi tắm biển mà nàng ngày nay phải ôm cả bầu tâm-sự như vầy!
Nhưng Nho thì thích lắm, hoan-nghinh liền:
- Ừ, tối hôm nay chiếu phim về Tây-tạng, hay lắm.
- Em mệt quá, xin anh chị tha cho, Liên từ-chối.
Nho và Hảo chợt nhận thấy rằng chuyện cũ gợi buồn cho Liên, nên lặng thinh để tìm cách giải-khuây cho nàng. Thành ra bữa ăn mới bắt đầu thì muốn vui, lại buồn như bữa giỗ đầu của một người thân-yêu.

°

° °

Tối hôm ấy, Hảo qua buồng khách mà ngủ với Liên. Hai chị em rù-rì với nhau sáng đêm. Cả hai đều nhớ lại những lúc đi về Cố ngày xưa. Cố là ông nội của Hảo, nhưng bà thích kêu Cố theo Liên để nghe mình bé nhỏ và được cưng như Liên.
- Đã mấy tháng rồi mà chưa thấy bụng? Hảo vừa hỏi vừa rờ bụng của đứa cháu họ.
Liên nhột-nhạt khó chịu, cười lên hăn-hắt. Nhờ vậy mà không-khí ấm được lúc đầu và ấm luôn suốt câu chuyện. Nàng vừa cười vừa đáp:
- Ba tháng.
- Em không biết phương-pháp Ok. à?
- Là phương-pháp gì?
- Phương-pháp ngăn thọ thai, theo thuyết của Ogino và Krauss
- Ngỡ gì. Em biết. Nhưng quên nghĩ đến nó. Vả chăng còn tùy người đờn-ông. Hắn không bằng lòng thì khó mà áp-dụng được.
- Sao hắn lại không bằng lòng?
- Ai biết đâu. Thật ra em không có đem ra áp-dụng lần nào để biết ý-kiến của hắn. Nhưng em nhớ là có lần hắn nói là muốn con lắm.
Nói điều đó xong, Liên giựt mình nín lặng. Căn-cước của Nho có thể lộ ra, nếu nàng bép-xép về người yêu của nàng.
- Chị hỏi thật em, có phải là hắn đã có vợ rồi hay không?
Liên lại giựt mình rồi đáp nho-nhỏ:
- Phải. Sao chị biết?
Hảo Cười ngất mà rằng:
- Nếu hắn chưa vợ thì em đã nắm đầu hắn rồi, có cần gì đi trốn như vầy.
- Chị nói không đúng lắm. Em biết một cô gái đồng tuổi với em, có mang với một cậu 17 tuổi. Cố nhiên là cậu ấy chưa vợ, nhưng không bao giờ cô gái dám níu đầu cậu ta cả, vì sợ người ta cười cô đã yêu một thằng bé.
- Nhưng em thì không thể yêu một cậu bé được.
- Biết đâu! Em đã điên thì với ai cũng có thể điên được.
Liên nói một sự thật nhưng lại rất bằng lòng mà nhận ra rằng sự thật ấy là một lời úp mở có thể đưa nghi-ngờ của Hảo qua nẻo khác.
- Tuy rằng hắn có vợ, Hảo nói, chớ em không hết hy-vọng đâu, nếu em muốn. Chị đã thấy khối cô gái trong trường-hợp em, mà họ vẫn kéo người đờn-ông được.
- Người ấy có bỏ em đâu mà em kéo. Nhưng không thể ra mặt để làm bé được, một là vì em nhứt quyết không làm bé ai, hai là vì nhiều ngăn-trở khác nữa thuộc về tình-cảm.
Hảo xúi-giục như trên cốt để dò biết phản-ứng và dự-định của Liên. Lời đáp của nàng khiến bà yên lòng ngay.
Thuộc về tình-cảm! Tức là không thể giựt chồng của bà. Rõ-ràng là Liên còn biết xấu biết tốt, thì khỏi lo gì nữa cả.
- Chị thương em như em ruột. Em có thể nào cho chị biết hắn là ai không? Biết đâu biết hắn, chị lại không giúp em được để giải-quyết cái gì.
- Không còn gì để giải-quyết nữa cả. Em chỉ còn nước trốn nầy thôi.
- Tùy em. Chị đã quyết lo cho em thì dầu không biết gì chị vẫn lo. Chị xem như hắn dã chết.
- Mà hắn chết thật chị à!
- Vậy à?
Hảo ngạc-nhiên hết sức. Hay là Liên đã có đến hai nhơn-tình và đứa con nầy không phải con của Nho? Bà băn-khoăn tự hỏi như vậy.
Nghe giọng ngạc-nhiên của Hảo, Liên thêm:
- Nghĩa là hắn đã chết nơi lòng em. Em thề không trở lại với hắn nữa.
- Ngoan lắm!
Hảo vuốt lên tóc Liên và hôn lên trán đứa em mắc nạn. Liên cảm-động quá, mủi lòng khóc mướt rồi úp mặt vào nách Hảo như một đứa em nhỏ. Hảo kẹp đầu Liên lại và cũng khóc bằng nước mắt chơn-thành rồi nói:
- Chị muốn đề nghị với em điều nầy.
Nín một lát không nghe Liên nói gì, bà thêm:
- Anh chị không con nối dõi. Vậy em để anh chị nhìn nhận đứa bé mà nuôi. Em nghĩ sao?
Liên ngóc đầu lên nói:
- Em thấy ý đó hay và ổn-thỏa lắm. Nhưng để xem sao.

°

 ° °

Hảo trông con mãi, nên đọc đã hết cả sách dạy về khoa dưỡng-thai và dưỡng-nhi.
Bà săn-sóc Liên như một bà đỡ lành nghề. Cứ lâu-lâu là bắt Liên thử nước tiểu một lần và cho Liên ăn toàn thức ăn chứa nhiều chất vôi.
Cái thai mới ngoài ba tháng mà bà đã may tã em, may gối nhỏ, màn nhỏ, và để vào công việc ấy tất cả tình yêu thương của một người đờn-bà mà tình mẹ không được thỏa.
Thấy Hảo may áo cho em nhỏ mà may áo con gái, Liên hỏi:
- Sao chị lại chắc nó là con gái dữ vậy?
- Do trực-giác. Em thích con trai hay con gái?
- Chắc em cũng như chị, thích con gái hơn.
- Phải, chị thích con gái hơn. Nhưng lại cần con trai nối dõi nên mong con trai.
- Có thể biết trước là trai hay gái không chị?
- Ta có nhiều phương-pháp, nhưng phương pháp nào cũng trật lất. Hình như khoa-học vừa tìm được cách thử để biết.
- Sao ta lại không thử, để đoán như vậy?
- Nói chơi với em, chớ chị không có đoán gì cả. Theo phép vệ-sinh, may áo cho trẻ mới đẻ thì phải may kiểu con gái, mặc dầu đứa bé là con trai.
- Vậy à!
- Em định đặt tên nó là gì ?
- À còn phải hỏi...
Liên toan nói: “Còn phải hỏi lại anh ấy” nhưng nàng nín kịp, rồi chữa:
- …còn phải hỏi lại ba má em.
- Chị tính như thế nầy. Nếu nó là gái thì đặt là Lệ cho liền với tên em; còn như nó là con trai thì đặt là Tâm cho vần với tên chị.
- Mà hai tên ấy có trùng với tên bà con không?
- Không, chị xem lại gia-phổ rồi.
Nho không dám mua sắm gì cả, nhưng luôn-luôn gợi ý cho Hảo:
- À, trên Bàn-cờ có một hiệu ta chuyên bán vật dụng cần-thiết cho trẻ sơ sanh, em có muốn đi xem hay không?
- Vật gi?
- Những nôi, những xe, những chuồng nhỏ.
Liên có cảm giác nàng là một người dư. Vì dốt nên nàng không được tham-dự vào cuộc chuẩn-bị ráo-riết ấy. Người ta lo cho con nàng nhiều quá, khiến nàng phát nôn-nao lên, và đâm ra ganh-tị.
Không, đứa con nầy là con của nàng chớ không phải con của ai cả. Chính cha nó cũng không có quyền, người ấy đã không dám ra mặt để nhận con.
Họ săn-sóc đến nó để đặt quyền sở-hữu của họ vào nó à? Không!
Lần đầu-tiên, cô gái chửa hoang bắt đầu phản-động ngấm-ngầm, và ý-nghĩ cho con cho người khác mới hôm trước nàng xem là rất ổn, bây giờ sao nghe lại thì không được trơn-tru lắm.

°

 ° °

Liên bắt đầu có da có thịt hơn, và trắng đỏ ra. Hảo ngồi nhìn mãi cườm chơn no tròn của nàng và thấy nó tuyệt-mỹ, rồi xích lại gần Liên, và lấy ngón tay là bấm lên mắt cá của nàng. Thịt Liên lún xuống nhưng không phòng trở lại như cũ. Nơi chỗ bấm, một lỗ hủng sâu trông như ai đã múc lấy bớt một miếng thịt.
Hảo sợ hãi kêu lên:
- Trời ơi, Liên nó sỉa.
Nho cũmg hốt-hoảng chạy lại nói:
- Sao em quả-quyết rằng đã có thử nước tiểu thường thường.
- Thì vẫn có. Nhưng có lẽ ác-xít hư nên thử hỏng.
- Đi đốc-tơ mau lên.
Liên tức lắm mà thấy họ săn-sóc đến nàng. Họ lo cho đứa bé ấy mà, sợ mẹ nó chết mang nó theo, chớ thật ra mạng nàng nào ai kể ra gì.
- Không cần đốc-tờ. Đi bà đỡ quen với em cũng đủ rồi. Bịnh nầy dễ trị lắm mà. Mai đi em nhá ; bắt đầu chiều nay thì cử ăn mặn.
Liên làm thinh giây lâu rồi đáp xằng:
- Em không đi đâu. Sỉa là chứng bịnh thường. Ở nhà quê ai cũng sỉa cả thì đã sao?
- Sao lại không sao. Bà đỡ quen với chị nói ở xứ ta mỗi năm có hằng ngàn người chết vì hậu quả của chứng sỉa.
- Em không đi đâu.
Liên nói quả quyết như vậy và bằng giọng nói câu-mâu. Ngỡ đàn bà thai nghén hay dở chứng, Hảo làm êm, chờ dịp khác để dỗ Liên.

°

 ° °

Liên lên đây hơn một tháng rồi mà chưa gặp riêng Nho lần nào cả. Nàng cũng không tính đến sự gặp gỡ ấy. Hôm mới biết chắc là đã thọ thai, nàng hoảng lắm nên cầu-cứu với Nho. Nay mối nguy đã có cách gỡ, và khi mọi tình-cảm lắng xuống, lý-trí trồi lên để khuyên nhủ nàng nên dứt tình cho rồi. Nơi người đờn-bà mang thai, dục vọng cũng ngủ yên, nên Liên nghe xác-thịt mình thật bình-lặng. Nàng cứ tiếc sao truớc kia nó không chịu yên ổn như vậy để cho nàng phải khổ như ngày nay.
Nho cũng không tìm gặp Liên lần nào. Nhiều người đờn-ông ích-kỷ lắm: Thú tính của họ đã thỏa-mãn thì họ không còn đếm xỉa đến ngrời bạn đường nữa. Điểm nầy lộ rõ ra ngay trong những cuộc ái-ân mà sau đó, hắn lăn ra mà ngủ khì. Thân-thể của người mẹ tương-lai cũng chẳng còn gợi thèm khát của hắn được, nên mặc dầu còn yêu bạn, hắn cũng lơ-là cho đến khi nào bạn hắn trở lại yêu-kiều sau khi đã hạ đứa con trong bụng xuống.
Nhưng thái-độ của Liên hôm nay khiến Nho đâm lo. Liên đã câu-mâu xẵng-xớm với Hảo là -theo lý bề ngoài- người ơn của nàng, thì lòng nàng đã thay đổi rồi vậy. Mà thay-đổi cách nào? Hay là vì ông ta lợt lạt quá nên nàng giận chăng? Không khéo nó báo thù bằng cách liều mạng bỏ về tỉnh thì hỏng cả việc.
Nho hối-hận đã quên dặn Hảo đừng tha thiết lắm đến những cuộc mua sắm, đừng có lời nào tỏ rằng Hảo mong-đợi đứa bé lắm, và sẽ quí nó lắm.
Biết được sự ham muốn của vợ chồng ông, Liên có thể nảy ra ý xấu lợi-dụng và khai-thác sự ham muốn ấy. Nàng đang có trong tay một sức mạnh ghê-hồn đối với vợ chồng ông. Sức mạnh đó là đứa bé ham muốn kia.
Nàng chỉ sợ đứa bé ấy làm xấu trong một lúc thôi. Biết đâu rằng suy lại, nàng sẽ cố lì ra. Vả căm-hờn là tình-cảm mạnh hơn sợ xấu, và nàng có thể dẹp xấu tốt lại để báo thù.
Khổ quá, trước kia, khi chưa có gì thì Nho dám ngồi ngoài vườn rồi kêu Liên mà đàm-đạo. Từ ngày Liên lên đây, bị cái án chưa phát-giác đó mà ông chẳng hề dám ngó ngay Liên. Mà hễ không dám thì không dám luôn. Trước không mà sau có, thì Hảo nghi còn gì.
Xế hôm ấy may quá, Hảo đã tới kỳ uốn tóc. Vợ vắng nhà mấy tiếng đồng-hồ liền, Nho rất yên bụng để gặp Liên. May lắm nữa là Liên nằm trên gác là nơi tôi tớ cũng ít khi bước chơn đến.
Nho để y đèn trong buồng giấy như đang làm việc mà phải đi ngoài giây lát, rồi rình người nhà xem đứa nào có mặt ngoài trước không. Thấy vắng bóng tất cả mọi đứa, ông bước lẹ lên lầu.
Lạ quá, bề ngoài ông có lỗi gì với Liên đâu? Nhưng ông nghe như là sự lơ-là của ông hổm nay đã nói rõ cho Liên biết thâm-tâm của ông là sợ vợ hơn yêu bạn. Vì vậy, đứng trưóc cửa buồng Liên rất lâu mà ông không đám gọi.
Ông nhớ lại lúc ở Vũng-tàu, chưa có gì với nhau, lại can đảm hơn, kêu cửa như kêu cửa một người bạn trai, lại dám cả mở cửa tlước khi Liên đáp lời.
Lúc ấy Liên là khách em nhỏ nên nể chủ nhà, niềm-nỡ với ông lắm.
Bây giờ tình thế đã khác hẳn rồi. Cái hố lợt-lạt mà ông đã đào, thật khó bước qua. Liên lại lên chơn thì nàng có thể tự xem là vợ ông chớ không còn là khách em nhỏ nữa. Mà một bà vợ giận lẩy thì phải biết…
Càng đợi lâu càng lo sợ vợ về bắt gặp. Nho đánh bạo kêu nho nhỏ:
- Liên ơi ! Liên!.
Trong buồng im thin-thít. Liên sợ cũng có mà giận cũng có, nên nằm làm thinh.
- Liên à! Nho kêu to thêm một chút.
Vẫn không nghe đáp.
- Ngủ hay thức Liên?
Lần nầy Nho kêu lớn và nắm hột xoài vặn qua vặn lại khua om-sòm. Liên vẫn im hơi lặng tiếng. Không đợi được, ông đẩy cửa bước vào.
Liên nằm úp mặt trên chiếc gối áp. Nho bước nhẹ đến đặt bàn tay lên đầu nàng. Bỗng ông Nho nghe cả thân-thể Liên đều run-rẩy lên, nàng nức-nở ra mà khóc.
Nho cuối xuống hôn nhẹ lên tóc bạn, không nói không rằng gì cả vì ông biết giữa một lúc như vậy, nói gì cũng chỉ vô-ích thôi. Ông lợi-dụng thì-giờ chờ đợi để tỏ tình thương mến một cách câm lặng bằng lối vuốt-ve tóc người bạn đáng thương nầy.
Liên khóc một lát thì hả hơi, êm được, chỉ còn tấm-tức tấm-tưởi thôi. Nho nói:
- Anh không bao giờ hết yêu em. Sở-dĩ anh phải lạnh lạt với em vì chỗ nầy không tiện... Sau ta sẽ đoàn tụ lại như cũ.
- Anh mà có không lợt-lạt đi nữa, em cũng chẳng khỏi tủi thân.
- Tại tình cảnh phải như thế. Sanh nở rồi, em sẽ ở riêng chớ.
- Nhưng sao bây giờ lại không ở riêng?
- Là tại một là ba má đã lỡ gởi em ở đây, em ăn nói làm sao với Hảo để ra đi? Hai là ở đây tiện hơn cả. Anh sẽ lo tròn cho em mà khỏi phải vắng nhà. Anh mà vắng nhà thường quá Hảo nó sanh nghi thì khó lắm.
Hai người bỗng giựt nẩy mình lên. Họ nghe khóa cửa khua nho-nhỏ. Sợ điếng hồn, họ nhìn cả ra cửa thì thấy chiếc hột xoài trắng từ từ quay.
Tim họ như ngừng đập hẳn. Chiếc hột xoài quay thật chậm như mỉa-mai cười mà thưởng-thức sự sợ hãi của họ. Họ thấy hòn sứ tráng men trắng ấy như có mắt và có linh-hồn, nó đang nhìn họ mà khinh-bỉ, giận ghét. Nhưng họ cứ nằm yên đó vì tay chơn họ bị tê-liệt cả, không cử-động được nữa.
Hột xoài quay hết một vòng, rồi dừng lại đoạn từ từ quay ngược về vị-trí cũ. Họ càng sợ hơn vì không rõ Hảo định làm cái gì có vẻ ghê gớm hơn là việc bà ta mở cửa mà vào. Phải, họ tin chắc người vặn cửa là Hảo, chớ không một người nhà nào mà dám làm như vậy.
Tiếng giày nện nhẹ trên gạch, đi xa lần. Cả hai đều sút mồ-hôi hột nhìn nhau để thầm hỏi thái-độ gì mà lạ thế của Hảo.
Trời ơi! Khổ như một lưỡi gươm treo tòn-ten trên đầu! Thà là Hảo nhảy vào mắng chưởi một hồi rồi thôi, họ sẽ làm mặt lì mà chịu. Đằng nầy, không thể biết ý-định của Hảo ra làm sao thì lo lắng cứ phải kéo dài ra mãi, sợ hết ngày nầy qua ngày khác, chịu làm sao cho thấu đời.
Khi tiếng giày không còn nghe nữa, Nho mới hoàn hồn làm bộ bạo-dạn hôn lên trán Liên một cái. Tức giận sự hèn-nhát của Nho, Liên hất ông ta ra rồi nói giọng xẳng:
- Có sợ lắm thì chạy theo mà lạy để xin tha.
Nho xấu-hổ đứng lên đi ra một nước.

°

 ° °

Bữa cơm chiều hôm đó, Liên cáo bịnh không xuống ăn. Một mình Nho phải ngồi trước mặt vợ mà chịu trận. Ông lấm-la lấm-lét như đứa con vừa đánh vỡ một chiếc lọ quí, chỉ cúi xuống mà nhìn các dĩa đồ ăn.
Hảo cứ lặng thinh mà mỉm cười. Không, bà không có ý nhát cho ông sợ. Bà hối hận đã hành-động sai hồi lúc xế. Giả bộ không biết gì hết, có lợi hơn. Bây giờ bà mỉm cười để làm lành, nhưng vì ông có tịch nên sợ mãi không thôi và thấy sự im lặng của bà là sự hâm-he của cơn dông-tố sắp nổ bùng ra, thấy cái mỉm cười của bà đầy mai-mỉa.
Thỉnh-thoảng ông ta len-lén liếc nhìn trộm lên một cái thì thấy bà chưa uốn tóc.
Hảo lập kế hồi-mã-thương để trở về bắt quả tang, hay vì hiệu đông khách quá mà bà phải về? Nho băn-khoăn tự hỏi, mặc dầu có trả lời được cũng không đi đến đâu, vì giả vờ đi uốn tóc, hay đi uốn tóc thật sự mà hết ghế phải về, Hảo cũng đã biết sự thật rồi.
Bà Nho hối-hận không phải vì thương họ. Trái lại nữa bà rất giận Liên. Liên đã nói với bà sẽ xa hẳn người yêu của nàng, nên bà đã thôi ghen. Nhưng hôm nay bắt được quả tang hai người ở trong buồng với nhau, hận của bà bỗng lại trồi lên.
Không, bà sẽ không xin con của Liên mà nuôi nữa, bà sẽ... Hảo nhìn chồng giây lâu rồi nói:
- Mai anh bảo con Liên đi nhà hộ-sanh với em. Nó cứng đầu lắm, cứ nhớ cái vụ sỉa thì biết. Nó đã được bảy tháng rồi, cần thăm thai coi có gì khó khăn hay không.
- Sao em bảo lạ thế. Đó là việc đờn bà với nhau. Anh nói chuyện đó với nó, coi sao được.
Hảo nổi xung thiên lên, dằn mạnh chén cơm xuống bàn mà hét:
- Còn làm bộ nữa hả? Đợi người ta mở cửa vào phòng mới chịu thú nhận à ? Người ta lo cho như thế là thương rồi đó, gặp người khác họ đã tống cổ cả hai ra khỏi nhà rồi.
Nho sợ-hãi nín khe, khiến Hảo càng tức thêm nên lại hét:
- Anh có nhận công việc ấy hay không thì nói đi nào !
Nho đáp thật nhỏ:
- Nhận.
- Vậy đưa nó lại nhà hộ-sanh Tân-sinh.
- Sao lại không đưa nó đi đốc-tờ?
- Bà Tân-sinh quen với em nhiều, em tin cậy bà ấy. Vả bà ta lành nghề con hơn cả đốc-tơ nữa kìa.
- Tùy ý em.
- Nó không đi cũng phải lạy nó cho nó đi. Người ta phải thăm thai nhiều lần trước khi tiếp sanh cho nó.
Lần thứ nhì từ hồi xế đến giờ, Nho bị hai người đờn-bà bảo ông lạy người đờn-bà khác. Nếu lạy họ mà yên được trí, được thân thì ông cũng cắn răng mà lạy. Đằng nầy họ chỉ nói nặng ông cho sướng miệng họ thôi, và bị đay nghiến, ông vẫn huờn bị đay nghiến.
Bất giác câu tục-ngữ về vợ bé bỗng đâu như vang lên trong trí ông:
Hai vợ nằm chuồng heo.
Nhưng ông Nho cũng tự bảo điều nầy để an-ủi lòng là bây giờ biết cả nhau rồi, tình thế rõ-rệt và dứt-khoát được. Không còn những mâu-thuẩn, những giả-dối nữa, việc gì cũng tạch-hoạch ra được cả, miễn là Hảo vẫn giữ thái-độ đay nghiến ấy mà không làm gì dữ hơn nữa.
Ngày sau, trưa lại Liên không thể cáo bịnh hoài, nên xuống ăn cơm. Đờn bà hay mắc cỡ, nhưng trong những lỗi-lầm đã rồi, họ lì hơn đờn ông.
Liên vào buồng ăn, không đường-hoàng như mọi bữa, chớ cũng chẳng đến đỗi khép-nép quá lẽ như ông Nho.
Hảo thấy đó là sự liều mạng nên nổi xung thiên lên. Nhưng bà dằn xuống kịp và nghĩ kỹ lại bà đâm lo. Sai-lầm của bà chiều hôm qua đã xảy ra lỡ rồi, không sao gỡ được nữa, thì thôi vậy. Nhưng phải làm thế nào cho hai người kia, tuy bây giờ công việc đa đổ bể ra, vẫn còn phải sợ bà đôi chút. Nếu họ làm mặt lì thì cái người sẽ ra khỏi nhà nầy là bà vậy.
Ý-thức là như thế, nhưng quả không biết hành-động cách nào, có thái-độ nào cho họ khỏi dễ ngươi.
Gấp một khứa cá buôi nhỏ bỏ vào chén Liên, Hảo ngọt giọng nói:
- Ăn đì em. Người ta bảo cá buôi có nhiều chất vôi, nên ăn nó thì dưỡng thai tốt.
Liên cảm-động quên hết mọi việc, hỏi:
- Sao có nhiều chất vôi lại dưỡng thai tốt, chị ?
- Ừ, bào thai cần nhiều vôi để tự tạo. Em biết tại làm sao mà người miền Bắc và người miền Trung răng tốt hơn người miền Nam mình hay chăng ?
- Là tại người miền Nam ta ăn quà vặt và nhứt là quà chua nhiều quá nên men răng phải mụt.
- Nhưng có người không ăn quà, không ăn của chua bao giờ cũng vẫn hư răng là làm sao ? Em nên nhớ rằng người Việt ta uống nước sông. Sông miền Nang chảy trong đất bùn lầy nên mang rất ít chất vôi, trái với sông hai miền kia chảy qua không biết bao nhiêu là dãy núi vôi.
Như vậy, những bà mẹ mang thai của ta không đem thêm vôi vào cơ-thể được nên con cái sanh ra xương yếu mà răng cũng non.
Hảo lại gấp giá đậu nành mà bỏ vào chén Liên:
- Đậu nành cũng chứa chất vôi nhiều lắm. Nói vôi, chị mới nhớ lại vụ chiều hôm qua. Chị đến hiệu uốn tóc thì thấy họ tạm dẹp để quét nước vôi...
Nho và Liên hoảng lên, ngỡ Hảo muốn khai việc bắt gặp ra.
- … Báo hại chị phải hoãn lại vì tiệm khác làm, chị không vừa ý. Đó, cái rồi gặp bà đốc-tơ Thược, bà kéo chị đi xem vải lụa đến chiều.
Ý Hảo muốn tỏ cho họ tin là không phải bà đã quay hột xoài xế trưa hôm qua, đứng nơi cửa do dự giây lát, bà vội-vàng xuống nhà mà đi nữa. Họ có ra cũng không thấy bà kịp.
Nhưng nói xong, bà giựt mình, thấy bà hớ nhiều lắm. Nho đã biết chắc việc ấy, do miệng bà xác-nhận lúc cãi lộn với chồng, Nho không thể không kể lại cho Liên nghe, ít lắm là chi-tiết đó. Biết bà giả-dối họ sẽ khinh-rẻ bà.
Liên cũng có ý-nghĩ trước sự không thẳng-thắn của Hảo. Chiều hôm qua xuống nhà, nàng thấy trong buồng ăn một tập kiểu thêu mũi chữ thập mới mua có gói giấy bóng đàng-hoàng mà Hảo bỏ quên lại lúc lui đi lần thứ nhì.
Tại sao Hảo lại giấu rằng bà ta biết hai người dan-díu với nhau? Phải chăng là sợ đổ bể ra thì hai người sẽ làm mặt lì rồi bà phải thua?
Liên cảm thấy rằng mình đang nắm cả hai ưu-thế trong tay: Đứa bé mà Hảo thèm muốn, và sự cố lì mà Hảo lo sợ. Trong giây phút nàng bỗng thấy là phải lợi-dụng triệt-để hai ưu-thế đó để tự-vệ cho đỡ tủi thân.
 

°

 ° °

Nho đang xem lại sổ sách bút-toán của phòng thơ ký thì Liên đẩy cửa bước vào.
Trong khi Nho hoảng sợ ngồi chết sững ra đó thì Liên tươi cười hỏi, giọng mỉa-mai:
- Hoảng lắm hả?
- Sao... sao... em lại... vào đây?
Liên cười lớn và đáp to lên:
- Vợ mà vô buồng giấy chồng không được à?
Nho sợ điếng hồn, dáo-dác nhìn quanh các cửa sổ xem có ai đứng ngoài ấy hay không. Đoạn ông chạy lại cửa mà dòm qua lỗ chìa khóa: Yên bụng rằng không ai nghe cả, ông day lại nhìn Liên, đưa một ngón tay lên miệng mà nói nho-nhỏ:
- Suỵt, vừa vừa chớ. Hảo nó nghe thì khổ.
- Sợ Hảo nghe à? Vậy đi, đi ra ngoài với em để cho Hảo nghe rõ hơn.
Nho bước lại vuốt-ve bạn để dỗ-dành. Nhưng Liên càng la lớn hơn:
- Không đi hả? Không đi em la lên cho mà coi.
- Thôi, đừng có la hét gì cả. Để anh đi.
Mặc dầu không biết hậu-quả của trận la của Liên là thế nào, Nho vẫn sợ. Nho như chim thoát cạm bẫy một lần, bây giờ sợ tất cả, không còn kịp suy-nghĩ coi việc nào đáng sợ, việc nào không.
Liên nắm tay Nho mà lôi đi, mà ông nầy vẫn không dám giựt ra. Nàng kéo bạn vào buồng ăn Thấy vợ đang ngồi trên đi-văng, Nho bỗng nghe hai chơn ông mềm nhũn ra, ông muốn té sụm xuống.
Nghe nói lớn bên buồng giấy, Hảo đoán biết Liên nó phá bà chơi. Bà tức giận lắm và bỗng nghẹn ứ lên khi thoáng thấy nó kéo ông Nho vào chính cái buồng mà bà đang ngồi. Nhưng bà không dám ngó lên, giả bộ như bận chăm chú mũi thêu lắm. Bà hỏi lấy lệ:
- Nho với liên ấy à? Sao không ăn thơm đi. Ướp nãy giờ đã lạnh lắm rồi đó.
Rồi hớt hơ hớt hãi, bà tuột xuống đi-văng chạy đi một nước, vừa chạy vừa nói:
- Ý chết quên cái nầy nguy quá !
Hảo chưa mất dạng mà Liên đã cười dòn lên rồi nhìn Nho mà hỏi:
- Ai sợ ai?
Nho cười một cái cười héo-hon rồi đáp:
- Hảo sợ nhưng lại chết anh. Không dám làm gì em, Hảo sẽ bắt anh mà gỡ.
- Chết anh thì mặc anh. Hễ bụng làm thì dạ phải chịu. Sao, tối nay có dẫn em đi xi-nê hay khồng thì nói đi?
- Hảo nó đang giận, không nên chế dầu…
- Cứ chế dầu vào lửa đi cho em. Không dẫn em đi thật phải không ! Em làm cho mà coi !
Liên sẽ làm cái gì, Nho ngốc quá, hoặc mất tinh-thần quá nên không tự hỏi điều ấy để tự giải-đáp mà khỏi lo-sợ. Nho như một con người bị tiêm thuốc lũng đoạn thần kinh, ông nói:
- Đi thì đi.
Liên cười ngọt-ngào rồi bước lại vả nhẹ vào má Nho mà rằng:
- Như vậy em mới yêu chớ !
Đoạn nàng ngã đầu vào ngực Nho rồi gọi to, cho Hảo ở trên lầu nghe:
- Hảo ơi ! xuống mà xem cái nầy.
Nho mắt rướm lệ than:
- Chắc anh phải chết! Thế nào cũng phải chết!
Hảo chạy một mạch lên tuốt trên lầu, nhảy vào buồng mình rồi ngã vật xuống giường mà khóc nức-nở.
Đang thắng thế, bà bỗng bại trận ngon lành mà kẻ chiến thắng lại không nới tay chút xíu nào cả. Chồng là chồng của bà mà bà lại phải chạy trốn khi họ níu lấy tay ông, và nhà nầy là nhà bà mà ngày kia có lẽ bà sẽ phải bỏ nó mà đi.
Bữa cơm chiều hôm ấy đến phiên Hảo cáo bịnh không ăn. Nhà nầy từ đây luôn luôn sẽ có người cáo bịnh. Mà họ bịnh thật.
Đó là thứ bịnh tâm, không đau-đớn bao nhiêu về xác-thịt, bề ngoài không ai thấy họ có sao cả nhưng bịnh cứ gậm lần gậm mòn bên trong như con bù-xè gậm gỗ. Ngày kia, tự-nhiên trụ gỗ bóp một cái là dòn rụm như bánh tráng nướng, rồi ngã xuống, thế là xong một đời.
Ông Nho lại phải ngồi đó chịu trận, lần nầy địch-thủ không ở trước mặt mà lại vô-hình. Vắng bóng, kẻ thù lại ám ảnh ông ta dữ hơn là lúc y ngồi đó nhiều.
Nho nhai đồ ăn như nhai sạn nhai đá, chưa có gì trong bao-tử bao nhiêu mà nghe nó ứ lên.
Chiều nay, đi xi-nê về, cái lúc khổ sở hơn hết là lúc vào buồng. Nghĩ đến viễn-ảnh nầy, Nho buông đũa. Ông sợ muốn phát điên lên, và chực muốn đứng dậy đâm đầu chạy.

°

° °

Mười một giờ đêm, Nho thọc chìa khóa vào lỗ khóa, cẩn-thận như nó dòn lắm, sợ nó bể vỡ ra. Ông có học nghề ăn trộm hồi nào hay chăng không rõ, mà ông vặn, chìa khóa không nghe tiếng động.
Liên tức giận, từ sau lưng ông bước tới, nắm hột xoài vặn một cái rột rồi kéo cửa ra một cái rầm:
- Ai là chủ nhà ở đây?
Nàng vừa vói tay vặn đèn vừa nhìn Nho mà hỏi thế.
- Anh lạy em! Hễ sanh chuyện là anh khổ. Anh khổ thì em vui-sướng gì mà cứ muốn gây sự.
- Em có muốn anh khổ đâu, nhưng thấy anh hèn nhát quá em tức. Anh cứ liều một lần đi, cho nó đổ vỡ tất cả, rồi thì đâu sẽ vào đấy, khỏi còn sợ-sệt ai nữa hết.
Nói rồi nàng ngoe-ngoảy lên thang lầu, nện dép lên nấc thang nghe đùi-đụi. Liên rất tiếc là vì gần ngày nên không dám đi giày gót cao và cứng. Nếu có giày ấy trong chơn, nàng sẽ nện gót cho mà nghe.
Nho đứng đó không dám rục-rịch mà cũng chẳng thám khóa cửa. Giây lâu thấy mình vô-lý quá nên ông khép cánh cửa lại rất nhẹ rồi vặn chìa.
Cổ họng khô rát lên, nên Nho đi lại tủ lạnh, mở ra lấy một chai nước, rót nửa ly mà uống. Nghĩ sao không biết, ông lại rót đầy một ly nhỏ rượu mạnh rồi nốc một hơi cạn ly.
Rươu vào được giây lát, ông nghe yêu đời và nghe mình hùng ra. Tuy nhiên ông vẫn rón-rén lên thang, đi nhón gót cho đến cửa buồng của ông.
Nho đứng trước cửa mà nghe ngóng. Ông hình-dung Hảo đang nằm giả đò ngủ, đợi ông vào thay đồ xong bước lên giường rồi mới hét lên.
Đứng ngoài lâu quá, Nho sợ Hảo ngỡ minh bận trò chuyện với Liên, rồi sẽ giận dữ thêm, nên ông đánh bạo mở cửa mà vào. Nhưng trời ơi, Hảo đã khóa cửa.
Kêu thì không dám, mà đi qua buồng Liên cũng chẳng dám nốt. Sáng ra Hảo nó hỏi đi đâu suốt đêm, mới trả lời làm sao cho trôi?
Đứng một hồi mỏi chơn quá sức, Nho đành phải đi qua buồng Liên; Liên chẳng những không khóa cửa, lại mở bét ra một cánh. Đèn phòng nàng còn thắp sáng trưng.
Nghe động, Liên day ra cười nói:
- Đã biết mà! Em chắc thế nào bà ấy cũng đuổi anh, nên mới để cửa mà đợi anh đó. Thôi ai xua đuổi ai thì mình lượm mót vậy. Để xem ai yêu anh hơn cho biết.
Nho đi mau vào giường, ôm lấy Liên mà khóc ròng. Giây lâu ông nói:
- Liên ơi, anh yêu Liên biết bao nhiêu! Liên cho anh một thứ của quí báu nhứt trên đời là đứa con. Đáng lý gì anh phải ấp-yêu Liên không rời tay. Nhưng mà Hảo lại có quyền, anh biết sao!
- Quyền gì? Liên hỏi xẵng rồi cười nghe ghê rợn lên.
Thấy Nho lặng thinh không đáp, Liên chụp lấy vai ông mà hỏi gằn lần nữa:
- Quyền gì?
- Anh đã cưới Hảo. Nho ấp úng đáp như vậy.
- Còn em, anh đã làm cho em có con. Buông Hảo ra, Hảo vẫn còn nguyên là một người không vết tích. Buông em ra, em sẽ thế nào anh biết hay không? Một người đờn-bà với một đứa con trên tay, không còn trông cậy gì được ở tương-lai nữa cả. Anh quên điều đó rồi à?
- Nhưng anh có buông em ra đâu.
- Không buông mà chẳng dám bước đến gần thì cũng đến thế thôi. Anh sợ em như sợ vi-trùng bịnh dịch ấy.
- Anh vẫn quí em hơn Hảo.
- Anh quí như đứa bé quí lọ mứt, muốn đến gần mà cứ sợ mẹ đánh.
Liên hứ thêm một tiếng rồi nằm xuống, mặt day vô vách. Nho ngồi đó một lát rồi phát sợ lên, đứng dậy để trở về buồng mình, Liên cười đuổi theo và nói to:
- Bị đuổi tới đuổi lui mà vẫn lết mặt về. Xấu-hổ ơi là xấu-hổ!
Nho làm thinh, đứng nơi cửa cúi xuống mà cởi giày đi chơn không để về buồng.
Ông lại nghe ngóng như hồi nãy, rồi vừa vặn hột xoài vừa toan kêu lên nho-nhỏ thử xem sao. Nhưng ồ nầy lạ! Ông đẩy chơi chơi mà cánh cửa trôi thật, khiến ông hết hồn. Muốn vào mà vào được lại sợ vì những giây phút đứng ngoài tuy mỏi và bị muỗi đốt nhưng vẫn yên thân không bị bố, nên ông cứ muốn nó kéo dài ra.
Nho rất ngạc-mliên cho cánh cửa nầy. Hồi nãy rõ ràng ông có đẩy, mà nghe cứng ngắt, sao bây giờ nó trôi dễ-dàng, hay là Hảo nghe động rồi dậy mới mở cửa ra đây.
Nho bước như bóng ma, tay xách giày, tay khép cửa rồi lại ghế để thay đồ.
Ông mới vừa đặt mông xuống nệm thì Hảo đã ngồi phắt dậy như có lò-o bật:
- Sao không đi luôn đi? Hảo hỏi.
- Anh về nãy giờ rất lâu nhưng cửa khóa nên...
- Ai cho phép anh dẫn nó đi xi-nê?
- Nó cứ đòi đi mãi.
- Nó gan trời hả? Chồng người ta mà nó lại dám đòi dẫn nó đi xi-nê.
- Tại em biết lỡ rồi, nên nó mới dám…
- À, ra lỗi ở tôi! Trời ơi ngó xuống mà coi nè. Họ dan-díu nhau phải đạo lắm. Chỉ có tôi là có tội thôi.
Hảo hét lên đến đỗi gân cổ bà nổi to như con bánh canh; bà nhảy dựng lên rồi rơi xuống nệm, cả chiếc giường bị lay chuyển kêu răng rắc, khiến Nho khiếp vía, mặt cắt không còn lấy một giọt máu nào.
- Anh nhận tất cả tội lỗi, em xử sao anh cũng chịu cả miễn là em xử một lần cho xong.
- Tôi ma có quyền hành gì trong nhà nầy nữa để mà dám xử ai. Người ta cứ qua mặt tôi, xem tôi như là không có.
- Từ rày anh quyết không đi đâu với nó nữa cả. Anh thề quyết như vậy đó, trừ đi bà đỡ với nó như em dặn thôi.
- Không đi đâu mà nó ôm một bụng thè-lè. Chà tốt lành lắm.
- Việc đó là việc cũ, xin em nhớ cho.
- Cũ mà hễ dở ra thì mới. Cũ! Nó mà đẻ rồi thì mới lắm mà, như là lột da cổi lốt vậy mà!
Nho lết lại nắm lấy tay vợ bằng cả hai tay ông, trong dáng điệu van lơn cầu-khẩn. Hảo giựt tay ra, nhưng không được vì bị Nho kéo tới. Hảo thả người rơi vào người Nho rồi khóc bù-non bù-nước.

°

° °

- Mai em đi bà đỡ với anh nhé?
- Không!
- Lạ quá. Em rủ anh, anh không đi em bảo là hèn-nhát, là sợ vợ nên tránh đi với em. Bây giờ anh tỏ ra dám đi với em, em lại từ-chối.
- Chưa chắc anh đã dám đi, nếu chị ấy không sai-khiến anh.
- Không, đây là sáng-kiến của anh.
- Nói láo. Chị ấy lo cho em lắm, hay nói đúng ra, lo cho thằng bé không sống để nối dõi, cúng cơm anh và chỉ.
- Đó là em đoán thế thôi.
- Nhưng em không thích đi thăm thai.
- Em nên đi vì việc thăm thai ngăn-ngừa trước được nhiều mối nguy.
- Đi bà đỡ nào?
- Bà Tân-sinh.
- Có phải cái bà có đến đây mấy lần đề săn-sóc chỉ đó không?
- Chính bà đó.
- Như vậy em càng không muốn đi.
- Sao lại thế, em không ưa bà đó à?
- Không, nhưng em sợ lắm.
- Em sợ gì?
- Anh có biết câu chuyện đời xưa “Thả đĩa” đó hay không?
- Không!
- Câu chuyện như vầy: “Bà vợ bé nọ mắc bịnh gì nơi chỗ kín ấy không biết nữa, bà vợ lớn tỏ vẻ ân-cần săn-sóc lắm và mời một bà mụ vườn quen đến chữa cho bà vợ bé.
Ăn của đút của bà lớn, bà mụ mới thả vào cửa mình của bà bé một con đĩa. Con đĩa ấy bò vào sống trong tử cung của bà bé, rồi sanh con đẻ cháu đầy nhà.
Bà bé bị rút-rỉa cứ một ngày một gầy mòn lần-lần cho đến một khi kia, khô hết cả máu, bà ta ngã ra chết. Bấy giờ đĩa kéo nhau bỏ ổ, chun ra cả đàn cả lũ thiên hạ mới biết ác tâm của bà lớn”.
Nho cười ngất, cười rũ ra một hơi mới nói được:
- Chuyện ấy anh cũng đã nghe thuở còn bé. Nhưng sao giờ có học mà em còn dại thế. Chỉ có sán và sên mới sống được trong lòng con người thôi, ngoài ra không giống vật nào sanh con đẻ cháu ở trỏng được cả.
- Không thể được à? Mặc-kệ, vì đời bây giờ chắc không ai dùng con đĩa nữa, người ta sẽ dùng món khác ghê hơn nhiều.
- Bậy nà! Còn lương-tâm nhà nghề đâu?
- Thỉnh-thoảng cũng có nhà nghề không lương-tâm chớ.
- Thì đi bà đỡ khác vậy.
- Không, không đi đâu.
- Nữa nè! Bà Tân-sinh thì bảo là sợ trúng kế của Hảo, còn bà khác sao lại cũng không đi.
- Biết đâu Hảo lại không dặn năm bảy bà một lượt.
- Thì em cứ chọn bà đỡ lấy.
- Không, em nhứt-định không đi.
- Nhưng tại sao, em cũng phải nói thật cho anh nghe chớ. Em cứ nói quanh nói quẩn mãi.
- Em không chiu được người ta muốn qua mặt em mà lo cho con của em.
- Thì em lo lấy vậy. Lần nầy nghi người ta khiến nên em không đi, thì rồi em cũng phải đi, do sáng-kiến của em.

°

° °

- Lóng nầy chắc nó máy dữ lắm?
Hảo ôm Liên mà nói như vậy, bụng cũng thương mến thật tình. Lâu-lâu bà cũng tạm quên được căm hờn mà thương yêu đứa cháu tội-nghiệp mà thuở bé là bạn chí thân của bà.
Tế-nhận được tình-cảm của Hảo, Liên cũng xúc-động lắm. Nàng đáp:
- Nó máy dữ-tợn, như là lớn rồi, bị chật-chội nên nó bực-bội lắm.
- Chắc là con trai nên mới làm dữ thế.
- Ừ, chắc con trai. Chưa chi mà nó đã rắn mắt rồi trong nầy.
Hai chị em cười xòa và nghe thương-yêu đứa bé vô cùng.
- Chị nè, trẻ con sao lạ quá. Bây giờ thì ở trong nó đạp ra, chừng ra đây rồi nó lại đạp vô. Em thấy chị ở gần nhà ngoại em, chỉ thức sáng đêm vì con chỉ cứ chòi đạp bụng chỉ mãi.
- Ý nó đây!
Hảo reo lên vì bàn tay nàng vừa đụng phải bàn chưn của đứa bé nó đẩy da bụng của Liên lên. Thương quá, bà vạch áo Liên ra rồi hôn lên đó.
Liên cảm động đến rưng rưng nước mắt và cầm lấy tay Hảo mà siết chặt lại. Nàng thủ-thỉ:
- Chị ơi, sao ta lại không thương-yêu nhau mãi như thế nầy?
- Ừ, sao lại vậy? Chị muốn thương-yêu em lắm. Em nè, em nên đi thăm thai em nhé.
- Dạ để bữa nào em đi. Bà Tân-sinh có giỏi hay không chị?
- Thì cũng như những bà khác. Nhưng bà ấy cẩn-thận, kinh-nghiệm nhiều, lại tận-tâm với con bịnh, nên phải đi bả hơn người khác.
- Em sẽ đi thăm bà Tân-sinh vậy.
- Nên lắm.
Hôm sau Liên tự ý đến thăm thai nơi nhà hộ sanh Tân-sinh. Bà đỡ không rõ tài nghệ thế nào, chớ xem ra thật không hiền.
Khám xong, bà tuyên bố không có gì đáng lo cả.
Liên tin ngay vì những kẻ trị bịnh mà bảo là không có gì đáng lo là những kẻ lương-thiện, ít ra cũng về mặt nghề-nghiệp. Liên hỏi thăm số tiền thù lao công khó của bà.
- Không, bà đó nói, tôi không lấy tiền, nhưng xin mời bà đến đây lúc sinh nở, nếu bà vừa lòng nơi đây. Bây giờ mời bà đi xem phòng vậy.
Liên thấy phòng nằm cũng khá sạch-sẽ và thoáng khí, tủ thuốc khá sầm-uất nên hẹn sẽ đến.
- Nếu bà đến trước được năm ba hôm thì tốt. Những hôm chưa sanh, tôi không tính tiền đâu.

°

° °

- Sao em không xuống ăn cơm? Hảo vào buồng Liên thấy Liên nằm co rút lại nên lo sợ hỏi như vậy.
- Sao nó đau bụng quá chị à!
- Ý chết. Đau làm sao, từ lúc nào?
- Từ hồi sáu giờ sáng.
- Nó đau làm sao?
- Em tả không được. Nhưng có tả được chắc chị cũng không biết gì. Chị có sanh nở lần nào đâu mà biết.
Hảo cười xòa rồi nói:
- Phải chị cũng chẳng biết gì. Nhưng có giống đau bụng đi ngoài hay không nè?
- Không giống.
- Thì địch thị là chuyển bụng rồi. Bậy quá, mình tính sai chắc. Theo lời em thi còn nửa tháng nữa. Bà đỡ bả dặn chị đưa em đến trước vài hôm, nhưng chị quên mất. Để chị đi gọi anh Nho.
Hảo nhảy xuống thang lầu ba bốn nấc một lượt, hớt-hơ hớt-hãi chạy vào phòng Nho mà réo giựt ngược:
- Nho ơi! Nho!
Nho giựt mình rồi tái cả mặt. Sóng êm gió lặn được một tháng rưỡi nay, khiến ông nghe ông là một kẻ sung sướng nhứt đời. Bây giờ việc gì xảy ra nữa đây mà xem bộ Hảo nó hoảng lên. Liên đánh Hảo à, hay Liên tự-tử?
Ông nuốt nước miếng, đứng lên mà không hỏi ra lời. Hảo nói:
- Mau mau, lên đây!
Nói xong bà liền chạy trở lên, cũng nhảy từng hai ba nấc một, Nho chạy theo vợ, tay run như đuôi thằn lằn đứt, đinh-ninh thế nào Liên cũng tự-tử.
Cả hai nhào vào buồng Liên như vũ-bão. Hảo nhảy tới nắm lấy tay Liên mà nói:
- Em nó chuyển bụng.
Nho kêu trời lên một tiếng, rồi cười hề-hề:
- Ngỡ gì, làm người ta hết hồn hết vía.
- Bây giờ làm sao?
- Thì đưa nó đi bà đỡ chớ còn làm sao nữa.
Nho ngồi về lại bên giường Liên. Lần đầu-tiên, ông dám chạm đến mình Liên trước mặt vợ Nho để tay lên đầu Liên mà hỏi:
- Em đau lắm không?
- Còn chịu được.
- Còn dạo đàng dạo sá thôi là, Hảo ra giọng sành, nói thế.
Nho cười sung-sướng:
- Em biết dạo đàng dạo sá thế nào mà nói. Thôi, sửa-soạn cho nó đi, và cho cả em nữa. Mà mau lên, đánh phấn sơ sịa thôi.
Trong bụng Nho cũng quýnh lắm Nhưng ông làm bộ tỉnh, như là không cần lo cho Liên bao nhiêu, sợ Hảo nó nổi xung lên giữa lúc nầy thì khốn.
Mười lăm phút sau, cả ba đều xong. Nho mang va-li xuống để đem xe ra ngoài. Hảo dìu Liên ra đứng nơi sân mà đợi xe. Một lát sau, họ đã lên đường.
Đèn vàng! Nho đạp ga cho xe phóng tới, nhưng không kịp nữa, đèn đỏ đã cháy lên rồi. Ông thắng gấp một cái khiến Hảo và Liên chúi nhủi tới. Hảo la bài-hãi:
- Trời ơi, chết rối! Làm gì mà chạy dữ vậy?
- Thì chạy chậm em cũng rầy mà chạy mau cũng trách, anh biết làm thế nào.
Cả ba đều sốt ruột, thấy mấy mươi giây chờ đợi sao mà dài như cả ngày.
Rốt cuộc họ cũng tới được nhà hộ-sanh. Bà đỡ chạy ra đón họ từ ngoài cửa, thấy vẻ mặt Liên thì biết nàng chuyển bụng. Bà cười và bình-tỉnh nói:
- Chắc cả nhà hoảng. Phải chi nghe tôi tới sớm vài ngày thì có đâu phải rối lên. Thôi vào đây.
Bà đỡ nói sao mà y như bà có ở đằng nhà: hoảng, rối lên, là hai việc quả có xảy ra thật.
Hảo đưa Liên vào buồng sanh, theo gót bà đỡ. Nho ở ngoài, ngồi đứng không yên, cứ lắng nghe tiếng trẻ khóc. Mỗi lần tiếng một dụng-cụ kim khí rơi xuống mâm kêu cái rổn, là ông ta giựt nẩy mình lên.
Lắng đợi lâu quá mà không nghe thấy gì, ông ta đâm lo, tự bàn:
- Hay là đứa bé đã chết?
Ý nghĩ xằng ấy thế mà làm cho ông tuyệt-vọng y như là việc đã xảy ra thật sự. Đứa bé chết, ông khó lòng tìm đứa khác, vì công chuyện đã đổ bể ra, Hảo nó giữ riết, làm sao đi lại với Liên được.
Nhưng kìa, bà đỡ đã trở ra với đoàn tùy-tùng đông-đảo và Hảo với Liên.
Bà vẫn cười như bao giờ, nói với Hảo mà để Nho nghe:
- Cô Liên mới đau dạo đường dạo sá thôi.
Nho ngạc-nhiên mà nghe lời ấy. Ông thấy bộ đau đớn của Liên cứ tưởng Liên tới nơi là sanh ngay. Nhưng Hảo thì mừng-rỡ vô cùng mà khoe với chồng:
- Anh thấy hay không, em nói dạo đường dạo sá là dạo đường dạo sá kia mà.
Nho không đếm xỉa đến lời vợ, hỏi bà đỡ:
- Nhưng đến bao giờ mới sanh, thưa bà?
- Nếu không việc gì lạ xảy ra thì độ năm giờ sáng.
- Trời ơi! Nho kêu lên thế, vì ông thấy Liên không thể chịu khổ hình lâu như vậy được. Thằng bé mới dạo đường dạo sá mà mẹ nó đã đau đớn đến thế, đến chừng nó bắt đầụ đi tới thật sự thì Liên sẽ đau đớn tới bực nào nữa!
- Việc gì xảy ra thưa bà? Nho lo lắng hỏi.
- À, dọc đường đứa bé có thể gặp việc gì vui, rồi nó sẽ chần-chờ nán lại vài lúc mà chơi. Có khi nó dừng bước trót sáu bảy giờ đồng-hồ cũng có.
Bây giờ họ đã đưa Liên qua buồng nằm của nàng.
- Có cần dùng gì, cô cứ gọi. Bà đỡ căn-dặn câu chót rồi chào cả ba người đoạn lui ra.
Bà đỡ từ lúc thăm thai cho Liên lần đầu mãi đến bây giờ không hề hỏi để biết rõ Liên là em cháu thế nào của hai vợ chồng, và bây giờ không biết bà có ngạc-nhiên hay không vì sự vắng mặt chồng của Liên nhưng tuyệt-nhiên bà không hỏi.
Tuy sự kín-đáo ấy giúp Nho dễ chịu phần nào, ông cũng thấy rằng ông ở lại với Liên không tiện, nên ông nhìn Hảo bằng đôi mắt van-lơn cầu-khẩn mà nói:
- Em, em có thể nào hy-sinh cho Liên một lần nữa hay không?
- Anh cứ về đi, cố nhiên là em ở lại với Liên.
- Trẻ nó sẽ đem bữa ăn tối cho hai chị em,
Đoạn bước lại vuốt lên tóc Liên, ông nói:
- Anh không thể ở được, em biết cho.
Liên khóc cố nhiên. Nho do-dự giây lát rồi quả-quyết đi ra.

°

° °

Nho trở lại nhà hộ-sanh thì đồng-hồ vừa gõ ba tiếng. Từ đầu hôm đến giờ ông không nhắm mắt được. Vào nhà hộ-sanh là ông hết bứt-rứt ngay, nhưng ngại, nên ông không đi. Nằm đó để thao-thức và lo-lắng mãi thì thật là vô-lý. Nho cứ năm phút thì xem đồng-hồ tay một lần, nhiều bận ngỡ nó chết, đưa tay lên tai để nghe. Nó không chết mà sao nó chạy chậm như là rùa.
Nho mặc y-phục vào hồi một giờ rưỡi khuya, xuống buồng giấy để làm việc, nhưng cũng chỉ viết, xóa bậy-bạ cho đến hai giờ rưỡi thì đem xe ra.
Đến nơi nghe chộn rộn trong buồng sanh, ông hỏi người gác cửa và rất mừng mà nghe nói Liên đang ở trong ấy. Ông mong bà đỡ nói sai mấy tiếng đồng-hồ, mà quả sai thật, vì bây giờ mới có độ ba giờ sáng thôi.
Liên rên la dữ-dội như đang bị ai tra-tấn, khiến Nho xót xa vô cùng. Đứng đó giây lâu, ông sốt ruột vừa toan đẩy cửa bước vào thì một cô đỡ phụ đã mở rộng cánh cửa đi ra ngoài.
Nho dòm vào và ngạc-nhiên thấy trong ấy chỉ có Liên và Hảo. Thấy chồng, Hảo vội nhảy ra rồi nói:
- Sao anh lại thức đêm thức hôm mà đến đây?
Nho đáp nhỏ vào tai vợ:
- Làm bộ cho Liên nó vui lòng một chút.
Tin chồng bằng lời, Hảo mỉm cười. Nho hỏi:
- Sao không thấy bà đỡ?
- Bả mới vừa bước ra. Liên nó réo lắm, bả thăm lại và xác-nhận lời tiên-liệu của bả, nghĩa là năm giờ sáng Liên mới sanh. Nhưng bả dặn để Liên luôn ở đây, lát nữa bả sẽ trở lại và, nếu có thể, giúp cho đứa bé ra sớm hơn cho Liên đỡ mệt.
Nho quan-sát vợ thì thấy Hảo có vẻ bơ-phờ. Ông thương vợ hơn bao giờ cả, và thấy dầu sao Hảo cũng còn tốt bụng đối với Liên. Ông có biết đâu rằng nguyên-động-lực chánh xui Hảo hy-sinh chịu cực-khổ với Liên là đứa bé mà bà mong-mỏi và xem như là của bà rồi; Liên đối với bà chỉ là một con vật trung-gian, như là thớ thịt của con heo gạo cần cho con sán tượng-hình, chỉ có thế thôi. Đẻ xong, Liên sẽ tròn sứ-mạng mang con, sẽ trở lại đời sống con gái, và người mẹ sẽ là bà. Như thế bà phải lo cho cái cơ quan trung-gian ấy không bị tai-nạn gì suốt đêm nay, để đứa nhỏ được vuông tròn.
Bà đỡ trở lại thật. Liên đẻ hay chưa, Nho không băn-khoăn nữa. Sự có mặt của bà đỡ làm ông an lòng được ngay, và nếu phải đứng đó suốt sáng, ông nghe cũng không khổ lắm.
Thì-giờ bây giờ trôi được tự-nhiên. Nho quên xem đồng-hồ một lúc thì bỗng nghe trong ấy tiếng bà đỡ ra lịnh cho Liên tự giải-thoát.
Dây thần-kinh của ông lại bị kéo thẳng ra quá sức, mãi cho đến lúc tiếng tu-oa vang lên, nó mới giản ra được. Ông Nho thở ra một cái khì và đang mỉm cười thì Hảo mở cửa, rồi như dông tố, nhảy ra ôm chầm lấy chồng, nước mắt nước mũi choàm-ngoàm mà nói:
- Con trai, anh à!
Bà nghẹn-ngào không thêm gì được nữa cả. Nho cũng nghe hơi thở mình bỗng như bị ai cắt đứt vì cái tin quá đổi vui ấy.
- Con trai! Ông lập lại như một tiếng vang và nghe cuộc đời sao mà dễ-dàng quá, muốn gì được nấy, đi đến toại-nguyện không trở-ngại nào đáng sợ.