Phần VII

Ông Nho bước ra tới đường, nhảy lên xe tắc-xi xong là nghe nhẹ-nhõm trong người. Sau ra sao sẽ hay, bây giờ thì thoát. Ông cảm-giác sung-sướng như là một cậu học-sinh nội trú nhảy rào đi chơi phố, sáng về có lẽ sẽ bị lôi ra trước hội-đồng kỷ-luật, nhưng bây giờ thì thích lắm, mặc sức mà rong chơi.
Tuy nhiên cũng chưa trọn thơ-thới, vì còn lo bị theo dấu. Đành rằng ông đi thình-lình, chắc không có người theo hôm nay. Nhưng biết đâu?
Chiến-lược mà ông dạy Liên lúc Liên ra đi, bây giờ ông lại đem ra áp-dụng: bắt tắc-xi chạy vòng vo rất xa, rồi sang xe khác, chạy mãi-mãi cho đến khi nào chiếc xe thấy rượt ngoài sau, bị kẹt đèn đỏ ở lại mới dám đi đến đích thật của ông.
Hôm nay chiếc xe đuổi xe ông lại không bị kẹt, thành ra ông tốn đã trọn ba mươi đồng rồi mà chưa lên Tự do được.
Đến ngã tư Cao-Thắng – Phan-Đình-Phùng thì xe ấy lại quẹo lên đường Hai-mươi. Thật là mất tiền toi, vì xe ấy không phải là xe theo dấu.
Nho thoát ám-ảnh bị rượt, lại nghe lương-tâm rầy-rà. Ông nhớ lại Hảo đang sầu ở nhà, tưởng-tượng vợ ông khóc bù-lu, bù-loa thì ông đau lòng lắm.
Còn cái khổ trở về nữa. Lần về nầy, chắc bị Hảo vác chổi mà đuổi như đuổi tà, vì thế nào Hảo cũng suy-luận mà biết ông làm bộ để bỏ nhà dễ-dàng.
Khi ông tới trước buồng của Liên, ông mạnh-dạn gõ cửa. Cửa mở, ông đi vào, trong một dáng điệu hùng-dũng, rồi hãnh-diện hỏi Liên:
Có sai hẹn hay không?
Liên kinh-ngạc mà thấy bạn đến sớm quá. Nàng mỉm cười chạy lại nắm lấy tay Nho mà nói:
Anh đáng được thưởng lắm. Nhưng sao dễ-đàng quá như vậy? Em lo lắm đó.
Em thì cứ lo mãi. Có gì đâu mà khó. Anh về anh tát cho nó vài tát tai lồi ra đi.
Liên cười ngất:
Thôi đi ông. Ông có lạy bà ấy vài lạy thì khai thật đi, không ai cười chê gì đâu mà phải nói dóc.
Nho cũng cười, hun lên tóc bạn rồi hỏi:
Nhưng bằng lòng lắm hay không thì nói nghe thử nào?
Liên nhõng-nhẽo đáp:
Bằng...
Sáng hôm đó, sau bữa ăn sáng, Liên nhắc Nho gọi điện-thoại về nhà. Người đáp ở đầu dây bên kia là Quãng, thư-ký riêng của ông Nho.
A-lô! Phải-nhà ông Nho đó hay không?
Thưa phải.
Ai cầm ống nói đó?
Thưa thư-ký của ông Nho.
Quãng đó à? Không nhận ra tiếng của tôi sao?
Dạ, hơ... dạ không nhận ra.
Nho đây.
A, ông? Ông ở đâu mà…
Tôi ở xa lắm.
Hèn chi tôi không nhận ra được tiếng của ông.
Ở nhà có gì lạ hay không?
Thưa không. Ông đi vắng mà tôi không hay, tức là ở nhà êm lắm.
Bà Nho có ở đó chớ?
Dạ, bà đang ở ngoài buồng ăn, đang ăn sáng.
Đừng có nói tôi kêu về nghe không!
Dạ.
Cứ làm việc như thường, thay mặt tôi giải-quyết những việc lặt-vặt. Có gì quan-trọng đợi tôi. Tôi sẽ kêu về mỗi ngày ít lắm là ba lần.
Dạ.
Dưới xưởng thế nào?
Dạ chạy êm ru như bánh xe trên đường rầy.
Tốt lắm, thôi chào!
Chào ông!
Nho hạ máy nói xuống.
Liên hỏi:
Anh có cất bổn sao khai-sanh của con chớ?
Bổn sao khai-sanh? À, anh quên mất. Những việc lặt-vặt trong nhà, Hảo lo hết, chớ anh còn đâu ngày giờ.
Như vậy thì có cũng như không. Thôi anh nên xuống tòa Đô-sảnh xin một bổn trích lục khác cho em.
Được
Nho xuống đường đi bộ, vì bun-đin cách tòa Đô-sảnh không xa bao nhiêu.
Ông ngồi ở phòng chờ mà đợi họ phát giấy chớ không dám đi đâu cả. Lúc nầy càng ít đi càng tốt, không nên để người quen gặp ông.
Hai tiếng đồng-hồ sau, ông nhận tờ trích-lục khai-sanh của bé Nhã, xếp bỏ túi rồi đi về.
Đi ngang qua dãy hàng-hoa ở đại-lộ Nguyễn-Huệ, không biết gì xui khiến ông mà ông thò tay vào túi rút tờ khai-sanh ra mà đọc. Đọc được nửa chừng, ông chưng hửng, đứng lại mà suy-nghĩ rất lâu. Bỗng ông tái mặt đi, mồ hôi nhỏ giọt.
Giây lâu, ông bối rối cất tờ khai sanh trở vào túi nhưng nghe sao không biết, ông lại rút trở ra xếp thật nhỏ, lấy bóp phơi mà nhét vào.
Đi được ba bước, ông lại dừng chơn, rút bóp ra nữa, rồi lấy tờ khai-sanh mà xé vụn xé vằn, đoạn lại gốc cây tìm giỏ lưới sắt mà ném vào trong ấy.
Ông Nho cúi gầm xuống mà đi về phòng, mặt tư-lự hơn bao giờ hết. Nhưng lên tới cửa buồng, ông sửa sắc-diện lại và lấy bộ vui tươi.
Xin giấy đâu đưa em xem.
Chưa có.
Vậy à. Bao giờ mới có?
Họ bảo phải đợi vài hôm.
Bé Nhã lại khóc, Liên bận lo cho con nên quên vụ đó.
Cặp Nho-Lìên hưởng trăng mật lần thứ nhì. Lần đầu họ hưởng ngoài Vũng-tàu. Lúc đó, tuy trăng non mật mới mà họ hưởng không thú bao nhiêu vì bị lo sợ ám-ảnh.
Lần nầy trăng đã quá rằm, mật đã hơi chua, nhưng thích một cái là trăng và mật hoàn toàn của họ.
Trăng và mật lần nầy có lộn một con ong sữa là bé Nhã, non mướt,và dễ thương quá đi mất. Tình trên bộc trong dâu đậm nét lên như tình chồng vợ nhờ đứa con ấy nó làm họ thấy là họ bị dính-líu với nhau cả đời.
Nho nghe nếu mình được chia hai cuộc đời ra, nửa tháng ở đây, nửa tháng ở nhà thì hạnh-phúc biết bao. Liên lại nghe khác. Cố-nhiên là nàng chỉ hạnh-phúc trọn vẹn khi nào Nho ở đây luôn với nàng.
Trước thì nàng không dám nghĩ thế; nhưng từ hôm suy ra được ác-tâm của Hảo, lòng nàng thấy ý muốn đó không tội-lỗi gì nữa cả. Người ta đã hại nàng thì nàng tự-vệ, chỉ có thế thôi.
Nếu giúp chồng họ mà không hại đến đời nàng, nàng có giựt luôn làm chi đâu. Đằng nầy giúp mà không được mang ơn, lại bị tiếng oan và suýt bị cướp của thì giựt là chánh-đáng.
Liên hỏi Nho:
Lần sau, anh không còn dùng chiến-thuật gây-hấn với Hảo được nữa. Vậy anh làm sao mà đến đây?
Sẽ tùy-cơ ứng-biến.
Liệu lấy, em vẫn giữ lập-trường cũ. Anh không đến lần thứ nhì, em sẽ đi mất với thằng Nhã.
Bẩm bà, tôi sẽ vưng lịnh bà.
Để dành tiếng ấy mà xưng hô với Hảo.
Hảo không buộc khó anh như em vậy đâu. Nó mà buộc anh ở nhà, không thì nó đi mất, thì anh sẽ khổ không biết bao nhiêu. Ai cũng dọa đi mất cả. Hai người làm quá, tôi để cho mà đi, rồi tôi kiếm người thứ ba đem về nhà cho coi.
Liên véo vào vế Nho một cái đau như cắt ruột và nói:
Ừ, kiếm đi, em cho tự-do kiếm.
Ý a, chết tôi. Bà ghen còn quá tổ Hảo nữa. Đờn-bà ai cũng ghen dữ tợn cả, mà rốt cuộc vẫn phải bị đờn-ông cho mọc sừng.
Em thì nhứt định không.
Giữ độc quyền? Nhưng nếu ai cũng giữ độc quyền cả thì em đâu thành vợ anh được.
Ai cũng muốn giữ độc-quyền cả, mà chỉ có một mình em là giữ được thôi.
Chủ quan lắm.
À nầy, hôm nay đã bốn ngày rồi đó, đi lấy giấy khai-sanh cho con đi.
Nho giựt mình lo sợ. Bàì toán nan giải, ông ngỡ đã ngủ yên rồi, sao Liên cứ nhớ mà nhắc mãi như thế nầy. Để cho Liên khỏi nghi-ngờ, ông ừ một tiếng rồi đứng dậy đi liền.
Đứng núp sau dãy lều hàng hoa, Nho tự hỏi nên đi đâu cho mất thật nhiều thì-giờ mà khỏi gặp ai quen cả.
Lâu lắm rồi, từ khi nhập vào giới làm ăn, ông không có đọc sách. Cả những người trong giới của ông cũng chẳng ai buồn ăn món khó tiêu đó. Con cháu của họ, bị bắt ép đi học, cũng chỉ học đủ giờ là siêng-năng lắm rồi, không có cậu nào nghiên-cứu thêm gì cả.
Vậy thư viện là nơi lý-tưởng cho ông trốn được trọn buổi sáng hôm nay: trong đó mát-mẻ, yên-tịnh có chỗ ngồi dễ chịu mà không ai bắt gặp, hỏi đon hỏi ren gì hết.
Phải đợi lâu mà sanh buồn chán thì đã có sách hình giúp ông qua thì-giờ mà khỏi ngáp.
Nho vừa đi vừa ngó quanh-quất để hễ thấy người quen là lánh ngay. Ông nhìn xa lắm cho đủ thì giờ trốn họ, nên chi đến trước bồn bông tòa Đô-Sảnh, ông suýt đụng phải cô y-tá Liễu.
Cô Liễu là người thường lui tới tiêm thuốc cho Hảo. Không là bạn của gia-đình ông, cô nầy cũng rất thân với Hảo vì sự năng đến và vì nghề-nghiệp.
Nho thắng gắp lại và bối-rối chào cô ta.
Chào ông, ông mới về, thưa ông?
Ừ, tôi mới về.
Hổm nay tôi đến tiêm thuốc cho bà, nghe nói ông đi xa có việc.
Ừ, lóng nầy nhà tôi tiêm thuốc gì đó cô?
Bromical. Tôi chỉ tiêm theo toa thôi.
Tôi mới về chưa kịp hỏi nhà tôi về việc đó. Bảc-sĩ nào đó cô?
Bác-sĩ Hồ. Hình như bà bị kích-thích thần-kinh dữ lắm, thuốc đó là một thứ thuốc an thần rất mạnh.
Nhà tôi nghe đỡ hay không cô?
Thưa cũng đỡ.
Khó quá, tôi lại phải đi ngay bây giờ đây. Cô nghe nhà tôi có thật đỡ hay không?
Thật, thưa ông. Thứ thuốc ấy công hiệu lắm.
Tôi chào cô. Cô rán săn-sóc dùm nhà tôi. Vợ chồng tôi không quên ơn cô đâu.
Nho đi đã xa mà cô Liễu còn ngó theo mãi. Cô ta nghĩ vẩn-vơ về đời sống của giới làm ăn mà vì nghề nghiệp, cô có dịp len lỏi trong cảnh thân mật của họ và bắt chợt được lắm ẩn-tình ngộ-nghĩnh: Vợ con họ đau ốm, có người cóc cần, có người cũng lo lắng như ông Nho đây, nhưng lạì không thì-giờ hỏi-han. Họ bận-rộn với tiền, có người muốn buông tiền đề sống yên-ổn với gia-đình, để trở về với lòng mình, nhưng không được nữa. Nhập vào giới làm ăn, không khác nào bơi xuồng trên một dòng sông đầy đá hàn, vĩnh-biệt ngàn năm cuộc sống bình-thường của con người, không bao giờ ngược dòng trở lại được, mà đâm xuồng vào bến nào đó, giữa đường cũng chẳng được tuốt.
Quẹo qua Lê-Thánh-Tôn, quẹo trở lại Tự-do, Nho đi riết lên thư viện. Không khí ở đây thì dễ chịu. Mấy mươi người ngồi đó, không ai buồn để ý tới người mới đến để tự hỏi hắn ở trong ngành nào, để xem hắn ăn mặc ra sao, có vẻ chủ-nhơn-ông, hay cuộc-chê hay mại-bản.
Nho thì nhìn họ hết người nầy đến người khác. Ông không mượn sách, chỉ ngồi đó mà đọc trên gương mặt cúi gầm của bao nhiêu con người đầu óc rối nùi âu-lo, nhưng đây là âu-lo về nhân-sinh-quan, về vận nước, về tiền đồ nhân-loại chớ không phải lo âu về lổ-lả, về vợ lớn ghen, vợ bé đòi tiền.
Những nỗi âu lo của họ dễ chịu biết bao; Họ sợ bom khinh-khí tiêu diệt nhơn-loại, ăn ngủ không được về một thứ nội-hạch vừa tìm được, mất cả bình-tỉnh về một vấn-đề lao-động nào đó. Nhưng họ có thể tạm quên những băn-khoăn ấy mà hưởng hạnh-phúc đời người.
Đến như ông thì ăn cũng rầu ngủ cũng chiêm-bao, mỗi lần đi đâu về thì lắm-lét như tên trộm bị đưa vào bót cảnh-sát.
Ông nho ngồi đó cho đến bữa ăn trưa, không hề mượn quyển sách nào, vì ông biết có đọc cũng chẳng hiểu gì.
Khi người ta lần-lượt ra về, ông xem lại đồng-hồ thì thấy gần đúng ngọ rồi. Nho thở dài đứng lên theo họ, trí nặmg một mối lo-âu về món nợ phải khất lần thứ nhì. Lần nầy khất thì chắc trôi. Nhưng lần thứ ba, lần thứ tư?
Ông Nho không dè Liên nó nhận lời hẹn nợ của ông một cách trơn tuột, êm rơ. Đến tối, lúc vợ chồng trò chuyện với nhau trước khi đi ngủ, Liên mới nói:
Anh Nho nè! Hổm nay em sốt ruột muốn thấy tận mắt tờ trích-lục khai-sanh của con vì kinh-nghiệm đã cho em biết nhiều lỗi-lầm của các viên-chức ghi nhận các đứa bé sơ-sanh. Có đứa trai mà họ biên gái, có đứa cái tên bị họ viết sai chánh-tả, ngã ra hỏi có G ra không G.
Khi đứa bé lớn lên, cha mẹ xem lại mớì ngã ngửa ra. Anh nói rằng chị Hảo lo việc ấy, tức là anh chưa thấy mặt tờ khai-anh, khiến em càng muốn đọc nó hơn cho chắc ý.
Nhưng hai lần rồi, anh đi đều về tay không. Em sốt ruột là một chuyện, em lại sợ là chuyện khác nữa. Em nhìn mặt anh, thấy khác thường mỗi khi anh đi xin khai-sanh của con. Em sợ lắm, anh nói thật ngay đi thì tốt hơn.
Em sợ cái gì?
Em không biết. Nhưng anh bất thường lắm có gì anh cứ nói thật ra đi.
Nho thở dài mà rằng:
Bà đỡ quên, không có khai sanh cho Nhã.
Liên mỉm cười lặng-lẽ giây lâu rồi nói:
Anh giả dối.
Nho giựt mình, nhìn trừng-trừng Liên mà hỏi:
Tại sao em lại tưởng rằng anh nói láo.
Nếu bà đỡ quên là lỗi tại bả. Bả phải làm sao cho có khai sanh của thằng Nhã thì làm, chớ việc gì đến anh mà anh sầu muộn quá như vậy.
Nho không biết nói sao, chỉ phàn-nán:
Em nghi-ngờ anh mãi không tốt đâu.
Nào có phải vô cớ mà em nghi-ngờ. Anh không chịu nói thật à? Vậy để em đoán thử xem:
“Thật-tình thì anh quên mất vụ khai-sanh cho con, Hảo lo lấy từ đầu chí cuối. Nhưng Hảo đã cho tiền bà đỡ khai là chính Hảo sanh ra đứa bé. Anh xin trích bản trích-lục xong, đọc thử mới biết. Nhưng đã lỡ rồi, không làm sao được, anh giấu luôn.”
Nho nghe bủn-rủn tay chơn như kẻ cắp vừa bị bắt chợt. Trời ơi! Liên thông minh quá sức nên hôm nay đoán được cả mọi việc trúng bon: Hảo đã xô nàng vào vực-thẳm trước kia và bây giờ đã giả-mạo làm mẹ thằng bé.
Sao anh không nói gì hết? Em đã đoán đúng ra à?
Nho vẫn làm thinh, nằm gác tay lên trán. Liên cười khanh-khách:
Chính Hảo đã khai chiến. Rồi anh đừng có trách em sao mà quá quắc!
Nghe giọng cười ghê-rợn của cô vợ bé, Nho sợ-hãi vô cùng, vội choàng tay qua dỗ-dành Liên rằng:
Chuyện đã lỡ rồi, để mình bắt đền bà đỡ, bả khai thêm một đứa nữa cho em. Hảo nó muốn con lắm mới làm liều như vậy. Em khui việc nầy ra thì nó bị tội, cũng tội nghiệp.
Anh tốt bụng lắm. Nhưng không nghe anh nói tội-nghiệp em bao giờ. Cái tội của Hảo cướp con em, anh có nhận hay không? Cái đau lòng của một người mẹ mất con, anh có cảm-thông hay không?
Sao lại không nhận, không cảm. Nhưng anh chỉ van xin em tha Hảo thôi, chớ có nói gì em đâu. Còn cái đau lòng của em thì xóa được. Ta sẽ bắt đền bà đỡ kia mà.
Nho khóc rấm-rức ôm siết Liên lại mà năn-nỉ thêm:
Em ôi, nếu Hảo vào tù, thì anh đây cũng khổ. Em có thương anh thì xin em tha Hảo vậy.
Liên cũng khóc giây lâu mới tấm-tức tấm-tưởi nói:
Người ta hại mình mà mình không làm gì lại được, hận nầy nó sẽ gậm lần gậm mòn em đến chết thôi. Cũng chỉ vì thương anh.
Anh cám ơn em ngàn ngày, nếu tình thương chồng của em mà giúp em bỏ qua được việc kia.
Nhưng ít ra em cũng phạt tội Hảo chớ…
Em phạt cách nào?
Anh sẽ ở đây luôn, không bao giờ trở về với Hảo cả.
Ý trời, rồi Hảo nó sẽ làm dữ đến bực nào?
Mặc chị ấy.
Em nè, nên có lý một chút. Em không thật mạnh lắm đâu. Có bằng cớ gì rõ-rêt chứng tỏ rằng chính em đẻ chớ không phải Hảo đẻ. Ra tòa bà đỡ sẽ quả-quyết rằng Hảo đẻ thì em làm sao?
Liên nổi xung lên, ngồi dậy hét:
À ra anh nghĩ như vậy à? Tức là anh cũng sẽ làm chứng rằng Hảo đẻ à? Được, anh cứ làm chứng như vậy rồi vào tù luôn với Hảo cho có bạn.
Hừ, người gì có ăn học mà nói nghe dốt quá.
Nho bỗng thấy lời mình nói là dốt thật, nên hoảng-hốt năn-nỉ Liên:
Anh chỉ nói thế thôi cho em bớt toan-tính phạt Hảo, nhưng anh biết chắc không thế nào Hảo khỏi tội được. Thôi, em xử sao, anh chịu vậy, anh sẽ ở đây luôn với em.
Liên mỉm cười:
Có thế chớ! Ngỡ anh binh-vực Hảo tới cùng thì em làm cho mà coi.
°
°
Lúc Nho còn xử-dụng chiếc xe, Hảo tương-đối dễ theo dấu. Nay ông ấy ra đi mình không, thật chẳng biết đâu mà tìm.
Nhà nữ trinh-thám tư đại-tài của Hảo đã nghỉ việc vì cô ta làm việc không kết-quả mà Hảo phải tốn tiền quá sức với cô ta. Ngày nào cũng mất đi hết mấy trăm tiền tắc-xi; cô có đi hay không thì không rõ mà cứ biên bừa vào số tiền công.
Hảo nhờ tới một người bà con xa kia của bà, cũng vì đi bắt ghen mà phải mang nợ mang nần, rốt cuộc sợ chồng biết sự thật rồi bỏ luôn, nên đến phải bán thân để trang trải số nợ ấy.
Nho giàu lắm và tiền riêng của Hảo rất nhiều. Nhưng cứ theo đà ấy mà đi mãi, có ngày bà sẽ không còn đồng xu trong băng.
Vậy bà ra công tìm chồng lấy, công việc khó như mò kim đáy biển. Lúc đầu, Hảo lục-lọi ở các xóm bình-dân, vì bà nghi Nho tìm nơi đông đúc sầm-uất nhà giấu Liên cho kín. Nhưng suy-luận lại bà thấy những nơi đó không phải chỗ.
Nếu chọn nơi, chắc Nho và Liên nghĩ trước đến những dãy nhà tương-đối hạp vệ-sinh và có cái bề ngoài không cách biệt với phong-độ của họ lắm.
Các xóm lao-động ít có xóm nào được sạch-sẽ cho họ vừa ý, lại người trong xóm hay tò-mò, phương chi họ sang-trọng quá mà vào đó sao cho người ta khỏi nghi-nan.
Thế nên Hảo lại tập-trung cố gắng của bà trong các xóm khá giả. Bà nghĩ Nho không lẽ mướn cả một biệt-thự ở khu sang-trọng để cho chỉ một người ở thôi. Thì chắc là ông ta mướn phố vậy.
Sài gòn có mấy ngàn dãy phổ bực trung? Có len-lỏi trong rừng nhà như Hảo mới biết... cái rừng ấy cây cối um tùm bực nào. Mà nhà nào nhà nấy đều đóng cửa kín-mít thì kẻ nào đi ngoài đường mong tìm người trong nhà hẳn là một kẻ điên. Phải, Hảo như con mẹ điên, tối ngày thất-thơ thất-thểu thả rểu trên các vỉa hè.
Ngày nào mệt mỏi quá, bà ở nhà để đón nghe điện-thoại. Hôm trước có lần bà bắt gặp viên thơ-ký nói chuyện với Nho trong dây nói. Bà nhảy vào buồng giấy thì câu chuyện vừa dứt. Bà thịnh-nộ tra gạn anh thơ-ký nầy, nhưng rốt cuộc bà biết quả anh ta cũng như bà, không biết ông Nho trốn tại đâu.
Bí mật gia-đình ông chủ, vì buổi hạch-sách ấy mà bị cả nhà đều rõ. Trước đó, người ta ngỡ ông Nho đi vắng thật.
Ngày kế đó, sáng sớm là bà đã có mặt tại buồng giấy một lượt với nhơn-viên. Bà rình ông Nho trong cuộc ló mặt bằng lời của ông ta. Không có lần chuông reo nào mà bà không giựt nẩy mình lên, không nhảy lại chụp lấy ống nghe. Nhưng năm lần liền, những người gọi điện-thoại đều là khách làm ăn của hãng nhà.
Đến lần thứ sáu thì giọng của Nho vang lên trong ống, Hảo vừa mừng vừa giận, run lập-cập nói:
A Lô! Anh Nho đó hả?
Rồi bà xổ một dọc chữ nho, đầy-đủ để làm một quyển tự-vựng các lời nặng nhẹ của một bà vợ ghen.
Dứt tràng chữ nho, bà Nho nghe trong máy kêu te-te... nên biết là Nho đã cúp nên tức giận vô cùng, bà đập ống nghe xuống một cái rầm.
°
°
A lô! Dạ chính tôi đây.
Có gì lạ hay không anh Quãng.
Dạ có một cái com-măng lạ lắm, ông phải về mới được.
Cứ đưa cho chủ-sự thương mãi.
Dạ, ông ấy không dám quyết-định.
Không dám thì biểu ổng xin thôi cho rồi. A-lô, ai xúi anh bày ra câu chuyện nầy đó. Coi chừng, anh ra ngoài phận sự của anh thì mất chỗ làm có ngày đa nghen! Còn gì lạ nữa hay không?
Thưa ông còn, nhưng vụ kia là có thật mà!
Nến có thật thì các người lo-liệu lấy. Hỏng việc tôi đuổi cả đám cho mà coi. Sao, gì nữa kia?
Thưa ông, việc nhà. Bà đau nặng lắm!
Lại bịa nữa. Có nhà tôi đứng đó hay không?
Thưa không, bà bịnh thật mà.
Bịnh gì, có gọi thầy thuốc hay không?
Dạ bịnh gì tôi không biết. Con nhỏ ở nó nói là bà hờn giận sao đó, nên từ-chối thầy thuốc.
Được, tôi sẽ báo tin cho thầy thuốc của gia-đình tới để khám cho nhà tôi. Ngoài ra không có việc gì quan-trọng nữa chớ?
Thưa không!
Thôi chào nhé.
Cuộc đàm-thoại trên đây xảy ra đã ba hôm rồi, Hảo thất-vọng hết sức khi nghe chồng gắn ống nghe vào móc. Nói chuyện ngay với chồng không được, mà gạt-gẫm ông ấy bằng miệng của anh thơ-ký càng không xong.
Bữa nay bà ta không dại, dùng chiến-thuật khác. Khi ông Nho, như một oan-hồn ở đâu dưới âm-ty xa xôi và huyền bí, lên tiếng gọi về thì bà cũng có mặt như mọi hôm.
A-lô, dạ chính tôi là Quãng đây.
Có gì lạ hay không?
Da không có.
Có nhà tôi đứng đó hay không?
Viên thơ-ký nhìn Hảo một cái, thấy bà chủ gặt đầu nên đáp:
Dạ có.
Hết đau nặng rồi à? Anh đã nói láo như vậy, tôi còn làm sao mà tin anh được.
Xin ông tha lỗi cho. Tôi không thể cãi lời bà chủ được. Thưa ông, ông không chịu nói chuyện ngay với bà, nên bà có mặt đây mà vẫn phải nhờ tôi trao lời lại. Đây là lời của bà: “Anh Nho, anh cần đi vắng vì chuyện riêng chớ có phải vì giận em đâu, phải không anh?”
Phải anh không giận em, trái lại còn sợ em hờn anh là khác.
Như vậy sao anh từ chối nói chnyện với em. Em có biết được chỗ ở của anh sau câu chuyện đâu mà anh lo.
Phải, nhưng em hay hỏi rắc-rối khó trả lời.
Em hứa không hỏi gì lôi-thôi cả. Em chỉ muốn nói với anh một câu ngắn thôi. Anh nghe em nhé?
Ừ, em nói đi.
Hảo nghe câu chuyện bằng ống nghe thứ nhì. Tới đây, bà đưa tay lấy ống nghe dính liền với ống nói mà viên thơ-ký trao cho.
A-lô, chính em đây, anh Nho còn đó hay không?
À em! Anh còn đây. Hôn em một cái.
Anh Nho nè, nếu em khổ quá chịu không thấu rồi tự-tử thì anh nghĩ sao?
Nho làm thinh, kinh-sợ đến cùng-cực. Những việc ghê-gớm định làm, bao giờ Hảo cũng dùng giọng bình-thản như vậy mà nói cho ông biết cả. Nếu Hảo khóc-lóc rồi hâm dọa uống thuốc độc, thì đó là chuyện khác. Nhưng đây là lời cương quyết mà họ hiểu nhau nhờ sống chung lâu ngày với nhau.
Giọng run-run, Nho nói:
Em nên suy-nghĩ lại, đợi anh về sẽ hay.
Nhưng biết chừng nào anh mới về?
Em à, anh cũng khổ lắm, cũng muốn về thăm em lắm đó chớ. Nhưng anh bị… bắt …cóc đây em à!
Anh bị bắt cóc?
Hảo kinh-ngạc hỏi, rồi bỗng hiểu, bà ta cười ngất lên mà nói:
Cuộc bắt cóc thật thú-vị, anh thích bị bắt cóc lắm chớ? Và bắt lâu chừng nào hay chừng nấy, có phải không?
Không đùa, anh khổ thật tình.
Có... đứng đó hay không?
Hảo suýt thốt tên của Liên ra, nhưng kịp nín lại không thì viên thơ-ký đã rõ thêm một bí-mật nữa trong gia-đạo của bà.
Có nó đang ngồi gần đây.
Mà anh đám nói là bị bắt cóc à? Anh can-đảm quá. Phản-ứng của nó như thế nào khi anh dùng tiếng ấy?
Nó chỉ cười thôi.
Nó cười mỉa em đó. Hỏi nó coi nó chiu nói chuyện với em hay không?
Nho lấy tay bịt ống nói lại rồi hỏi Liên:
Chị Hảo muốn nói chuyện với em, có được hay không?
Nghe Nho nói với Hảo là mình đang có mặt trong phòng, Liên bất-bình lắm. Nhưng chừng nghe Hảo muốn nói chuyện ngay với nàng, nàng nhẫn-nại nhận lời.
Nho trao ống nói cho cô vợ bé.
A-lô, Hảo à, anh trao lại cho Liên đây, nói đi.
A-lô, em có phải không?
Thưa chị, em đây.
Bé có mạnh không?
Thưa mạnh.
Chị nhớ bé quá. Em nè, em khai-chiến thật sự à?
Em không khai-chiến khai-đánh gì cả.
Sao lại bắt sứ mà nhốt?
Nếu chị thấy thế là chiến-tranh, cũng được. Nhưng chính chị đã khai-chiến trước đó!
Chị khai-chiến? Không hiểu, xin em nói rõ hơn.
Chị đã không xô em vào vực thẳm là gì?
Ai nói với em như vậy?.
Trí-khôn của em đã khám phá ra âm-mưu đó.
Trí-khôn con người cũng lầm-lẫn nhiều khi chớ?
Còn bằng cớ nữa kia mà.
Gì đó nói nghe thử.
Cái khai-sanh.
Khai-sanh làm sao, nói ghe thử?
Hảo giựt nẩy mình, nhưng cố trấn-tỉnh hỏi thế.
Chị khai làm sao thì chị biết, cần gì hỏi em nữa.
Có chuyện hiểu lầm đó em à.
Hảo làm bộ nói như vậy, vì bà cũng chẳng biết chối-cãi làm sao. Rồi bà tiếp:
Thôi em đánh thì chị phải đỡ chớ biết sao. Rủi có trúng em, đừng hờn, em nhé! A lô, anh Nho có nghe bằng ống nghe phụ đó không?
Có.
Đây là chị nói với anh Nho. Anh Nho à, thôi em không tự-tử nữa đâu mà anh lo. Người ta đánh thì em phải chịu trận. Em quyết thắng mới nghe. Anh rán mở mắt mà xem nhé!
Rồi bà cười lên khanh-khách, khiến Nho bắt rùn mình. Ít lắm, sau cuộc đàm-thoại nầy, Hảo cũng rõ được một chi tiết: là Nho và Liên đang ở trong một xóm sang-trọng vì nhà họ có điện-thoại.
Làm sao biết được số điện-thoại của họ? Chỉ có cảnh-sát là có quyền can-thiệp với bưu-điện để tìm biết khi Nho kêu về.
Hai tiếng “bắt cóc” mà Nho đã dùng, gợi cho Hảo liên-tưởng đến nhiều việc. Nếu nghĩ kỹ ra thì Nho bị Liên bắt cóc thật đó, chớ không phải đùa đâu. Hễ có người bị bắt cóc thì người nhà phải đi trình cảnh-sát. À, trình cảnh-sát? Ừ, để luôn tiện nhờ họ can-thiệp với bưu-điện để biết số điện-thoại của Nho là số nào, máy gắn tại nhà nào.
Suy ra điều đó, Hảo vào đơn ngay. Hôm sau bà được giấy mời của bót.
Khi là đến nơi, viên điều-tra hỏi:
Theo đơn thưa của bà thì ông bị mất tích đã hơn tháng rồi. Sao đến hôm nay bà mới đi cớ bót?
Tôi ngỡ ông ấy đi vắng có việc vì quá vội nên không kịp cho tôi hay. Tôi đợi tin ổng mãi, chừng lâu quá không thấy gì tôi mới đâm lo.
Bà có nghi-ngờ gì về sự vắng mặt của ông hay không?
Có tôi nghi nhà tôi bị người ta bắt cóc.
Bị bắt cóc? Ai bắt cóc ông? Và bắt để làm gì?
Một người đờn-bà kia, mà chồng tôi mê.
Viên điều-tra phá lên mà cười:
Trời ơi, nếu đó là bắt cóc thì ông ấy đã tình-nguyện xung-phong cho nguời ta bắt. Bà thưa kiện làm gì cho mất công[1].
Hảo cũng chợt thấy buồn cười cho lời khai không kịp suy-tính của bà. Bà cố cãi thêm:
Hôm kia, tôi lại được một cú điện-thoại của nhà tôi xác nhận rằng anh ấy quả bị bắt cóc.
Vẫn cô đó bắt cóc chớ?
Phải.
Như vậy thì huề.
Nhưng chồng tôi đây phạm tội, cảnh-sát bỏ qua à?
Tội gì, thưa bà? Nếu là tội ngoại-tình thì khó lập bằng cớ lắm.
Hiện chồng tôi đang ở lậu một nơi, chắc chắn là không có khai vào tờ khai gia-đình của nhà đó. Cảnh-sát không muốn tìm cái người ở lậu ấy hay sao?
Cảnh-sát bắt phạt tất cả mọi người ở lậu, nhưng không cố tìm riêng một người nào.
Thật là tuyệt-vọng! Hảo rời bót cảnh-sát, cho xe chạy vòng quanh các phố, cứ muốn gây ra tai-nạn để cho bị thưong đặng cho các báo đăng tin lên cho Nho hoảng mà về. Nhưng tai-nạn ấy phải lường cho đúng liều như lường thuốc trị bịnh, uống nhiều một chút là toi mạng ngay. Lọi lột cánh tay, vỡ một bên trán thì sẽ ngoạn-mục và báo đăng tin sẽ xôm. Nhưng làm sao đi đến kết-quả hữu-dụng ấy, vừa đủ bị thương thôi mà không-nguy đến tánh mạng?
Vừa nghĩ tới đó, Hảo thấy từ đằng xa một chiếc T.45 chạy đến. Chiếc xe giềnh-giàng ấy lại chở một chiếc máy trục cao nghệu trông tất cả như con vật khổng lồ.
Hai xe gặp nhau. Hảo rùn mình, vội bỏ ngay ý nghĩ gây tai-nạn. Bà cảm thấy xe bà mỏng-manh trước loại cam-nhông ấy như một chiếc lăng-đô đẩy gần chính xe của bà.
Lăng-đô? Trời ơi! Hảo suýt ngộp thở khi nói thầm đến thứ xe giường trẻ con đó!
Mình thật ngốc vô cùng, bà lẩm-bẩm. Nho không dùng xe nhà thì mình mất dấu anh ấy. Nhưng còn chiếc lăng-đô của bé Nhã? Ừ, lẽ nào họ không sai người nhà đẩy bé Nhã đi đổi gió? Chiếc lăng-đô ấy chính mình mua; mình đã chọn chiếc ấy vì cái màu mui đặc-biệt của nó mà không xe nào có cả: mui xe màu kem.
Như vậy thì cứ bền chí lân-la ở các vườn chơi trẻ con, các huê-viên người lớn thì có ngày sẽ gặp, không phải gặp Nho-Liên, vì chắc họ không dám ra đường, mà gặp chiếc xe trên đó có bé Nhã, do một chị vú đẩy đi.
Hảo mừng rỡ hết sức rồi lái xe chạy tuốt về nhà.
Bắt đầu hôm đó, chiều nào bà cũng chạy qua các vườn chơi trẻ con cả. Vườn Tao-đàn và Sở-Thú thì mất công hơn, phải đậu xe bên ngoài, rồi đi bộ hết các nẻo đường trong đó.
Nếu bác-sĩ ở đâu cũng chỉ thấy vi trùng, thầy pháp ở đâu cũng chỉ thấy ma, thì Hảo ở đâu cũng chỉ thấy xe lăng-đô. Không còn vật gì có nghĩa trước mắt của bà nữa, trừ loại xe giường đó. Trên vỉa hè, dưới đường, trong các công-viên, Hảo chỉ tìm kiếm lăng-đô như con trai tìm con gái đẹp, như bợm nhậu tìm quán rượu, như đờn-hà bị tơ lụa và hột xoàn quyến-rủ.
Một tuần đã qua mà Hảo không hề thấy chiếc lăng-đô nào mui màu kem cả. Đi dạo mát buổi chiều đành rằng không phải luôn luôn hôm nào cũng phải đi, nhưng không lẽ suốt bảy hôm mà Liên không cho con đổi gió lần nào.
Cứ bằng vào âm-lực trong điện-thoại thì Nho vẫn còn ở Sài gòn, chớ không phải đi xa như ban đầu Hảo ngỡ. Như vậy thì làm sao mà không thấy bóng dáng chiếc xe?
Hảo tính sơ-sơ lại thì từ hôm bày ra vụ theo dấu tìm xe đến nay, bà đã mất đi trên mười lăm ngàn tiền công thám-tử, tiền săng và mọi thứ tổn-phỉ lặt-vặt khác. Đó là chưa kể công khó-nhọc của chính bà, và sự bứt-rứt, sự căng-thẳng của thần-kinh-hệ của bà, lắm khi nó làm cho bà muốn phát điên lên.
Chiều hôm ấy, Hảo lái xe đi một vòng các công-viên, vô-kết-quả như mọi ngày; bà thở dài lẩm-bẩm một mình:
Bé Nhã không đi đổi gió thì mình đi vậy.
Rồi bà lái xe tuốt ra bờ sông. Mất ăn và mất ngủ mấy tháng nay đã làm cho bà sút đi nhiều lắm. Áo dài chiếc nào cũ mà vừa ý muốn mặc, bà phải thâu eo lại cả. Tuy đi rểu phố rất thường mà Hảo nghe thiếu không-khí trong ngực luôn. Đây cũng là một dịp cho bà đi thở gió lành dưới sông đưa lên.
Hảo đậu xe, bước vào trên đường sỏi đỏ rồi giựt mình mà bảo thầm:
A, ở đây cũng có trẻ con! Mình ngốc quá, vậy mà hổm nay quên phức bờ sông, cứ lục-lạo ở các công viên thôi.
Hảo vào ngay chỗ cầu tàu cá của Nhựt-bổn. Đưa mắt dòm qua một vòng, bà không thấy một chiếc xe nào mui màu kem hết. Muốn xem-xét cho kỹ, Hảo đi lần vô phía trong bến thủy-quân.
Đờn-bà đeo theo con lớn con bé rất đông. Từ lâu Hảo đặt hy-vọng vào bé Nhã nên bớt nghe thèm con. Nay cái cảnh vui-vầy của những bà mẹ tốt phước đùm-đề con lại diễn ra trước mặt bà, khiến bà nghe nao-nao buồn. Những dứa trẻ kia, cho đến cả vài đứa xanh xao và ốm như con còng gió, bà thấy cũng là dễ thương và mẹ của chúng là những người sung-sướng hơn bà nhiều lắm.
Trong giây phút, bà bớt căm-hờn Liên, thấy Liên cả quyết giữ con là chính-đáng, là hợp lòng người lắm. Nếu Liên chịu để bé Nhã làm con của cả hai người mẹ thì vui biết bao nhiêu! Việc gì cũng ổn-thỏa hết: bà khỏi phải giành giựt như vậy, và sự thù oán sẽ không còn giũa hai người đáng lý phải thương yêu nhau.
Nhưng bà bỗng bật cười: một người đờn-ông có thể là chồng chung của hai người đờn-bà được, nhưng một đứa bé không thể là con chung của hai bà mẹ. Quyền sở-hữu về chồng không tuyệt-đối bằng quyền sở-hữu về con, người ta chia chồng chớ thế-gian chưa hề nghe nói ai chia con bao giờ.
Lòng Hảo nghe bớt căm hờn Liên, nhưng trí bà vẫn muốn giữ căm-hờn đó. Nên chi tiềm-thức của bà làm việc âm-thầm bên trong để tìm lý lẽ mới đặng ghét Liên. Nó đã tìm được và trình-bày lý lẽ ấy ra. Đây nầy: “Liên nó còn đường sanh đẻ nó sẽ có con đàn cháu đống. Như vậy không nhượng bé Nhã cho bà là một kẻ không còn hy-vọng có con nữa, Liên rõ là một kẻ xấu bụng, không thể tha thứ được.
Khi tiềm-thức của bà nêu ra lý lẽ trên đây thì Hảo nổi xung lên, quyết chiến-đấu đến cùng.
Bà đã lên tới bến thủy-quân rồi, bị hàng rào dây xích to cản đường bà mới hay. Hảo lại quay gót trở về qua lối cũ để thử tìm một lần nữa chiếc xe quí báu kia.
Lần nầy Hảo đến chỗ bà đậu xe mà khòng dừng chơn, đi luôn ra câu-lạc-bộ bơi lội là phía mà bà chưa xem xét hồi nãy. Tới hông quán rượu “Mũi đất của những anh tán dóc” Hảo mừng đến muốn ngộp thở mà thấy chiếc lăng-đô mui kem đậu cạnh chị hàng mía.
Không có người giữ xe và giữ em. Nho và Liên chắc tự đẩy con ra đó rồi vào quán mà giải khát, để bé Nhã ở ngoài. Sợ bị Nho-Liên trông thấy, Hảo xẻ ra ngoài đường mà đi chớ không đi giữa đám bờ sông nua.
Bà len-lén nhìn vào trong quán thì thấy có hai cặp vợ chồng, nhưng cả hai đều không cặp nào phải là Nho-Liên cả. Háo nhìn mặt những người đờn-ông uống rượu lẻ-loi nầy hay uống chung bàn năm ba người. Mặt nào cũng lạ hoắt cả.
Thật là kỳ! Lăng-đô bán ở các hiệu, thường-thường màu xanh, mui xám, mui sô-cô-la. Màu kem ít thấy có lắm, bà ngỡ chiếc xe bà mua cho bé Nhã là độc nhứt, không dè cũng còn chiếc khác giống như vậy?
Nhưng biết đâu! Xe ấy có thể là xe chở bé Nhã, nhưng Nho-Liên đang đứng đâu đó chớ không phải đang uống rượu trong quán. Hảo nhìn quanh-quất mà không thấy bóng dáng hai người quen đâu cả.
Bỗng một người đờn-bà độ bốn mươi, ngồi dưới đất mà ăn mía nãy giờ, đứng lên chùi miệng bằng khăn tay, rồi đẩy chiếc xe đi vào hướng bến thủy-quân.
Hảo làm bộ như tình cờ mà đi ra sát mé trước, để lại gần xe. Chừng đi ngang qua gần đó bà mới thấy mình lầm to. Đứa bé nằm trong đó là một đứa bé gái con Tây.
Hết hy-vọng sau vụ mừng hụt đó, bà tìm một chỗ băng trống mà ngồi. Chỗ Hảo tìm được ở ngoài bìa trái của một chiếc băng. Bên mặt của bà là năm mẹ con, bà mẹ trạc ba mươi tuổi, bốn đứa con chừng sanh năm một, chỉ cao thấp hơn nhau chừng một phân Tây thôi.
Mấy đứa bé lao-chao, lộn-xộn quá, khiến mẹ chúng phải mắng:
Có bà ngồi chơi kia, chớ không phải một mình tụi bây đâu mà chào-rào nhảy lên nhảy xuống hoài cho bà phải bực mình.
Hảo day lại mỉm cười với bà mẹ:
Không sao đâu bà. Trẻ con thì đứa nào cũng như vậy hết. Tôi yêu trẻ lắm.
Bà mẹ sợ con mình quấy Hảo nên đổi chỗ ngồi gần sát bà để ngăn con chạm tới bà:
Khổ quá, bà mẹ than, tôi chăn bốn đứa nầy nhọc bằng người ta chăn cả ngàn con vịt.
Tôi thì tôi chỉ muốn được khổ như bà thôi, mà vẫn không toại nguyện.
Bà chưa có cháu nào sao?
Chưa. Nên tôi thấy trẻ tôi yêu lắm.
Hảo nói xong câu đó, đưa tay ra để vuốt tóc đứa bé gái nhỏ hơn hết của bà kia, nó vừa đến trước đó và dạn-dĩ, nó muốn làm quen với Hảo.
Bé tên chi? Hảo hỏi đứa gái.
Dạ con tên Lệ.
Bé mấy tuổi?
Dạ con năm tuổi.
Con đi học chưa?
Dạ con học ở nhà với tía con.
Con biết đọc chưa?
Dạ con biết chữ A, chữ B, chữ C.
Giỏi. Bé ngoan quá. Con gái dễ thương quá phải không bà?
Dạ, bà nói đúng. Còn ba thằng giặc kia thì tôi chịu không thấu, mà xóm-diềng cũng không ai chịu được chúng nó cả.
Thật rõ-ràng là luận-điệu của một kẻ dư ăn dư để, cho rằng của-cải làm bận rộn mình! Hảo hơi buồn, ngó mông ra ngoài sông. Một chiếc xuồng máy trên đó hai mẹ con người Âu lo lái xuồng cho người chồng chuồi trên mặt nước sau chiếc xuồng với đôi giày tuột tuyết. Đôi vợ chồng ấy chỉ có một đứa con thôi, một đứa con trai độ mười tuổi. Gia-đình tay ba ấy trông sao mà đầm-ấm vui-vẻ lạ. Nếu bà được thằng Nhã thì có thua gì gia-đình người Âu nầy đâu!
Bỗng tiếng còi hụ liên-tiếp chạy qua trên đường, sau lưng Hảo. Bà day lại thì thấy đó là một chiếc xe chở bịnh của Đô-thành. Cùng trong lúc ấy, Hảo thừ người ra: một đứa con gái lối 17, 18 tuổi từ ngoài đường nhựa, đẩy vào đường đá đỏ trong nầy một chiếc lăng-đô mui kem.
Kinh-nghiệm ở đời và thất-vọng vừa rồi ngăn Hảo mừng rỡ sau giây phút thẫn-thờ ban đầu đó. Để khỏi thất-vọng nữa, bà cầm bằng như chiếc xe mui kem nầy là một chiếc thứ ba ở Sàigòn và đứa bé nằm trong đó là đứa bé con Tây nào đó.
Hảo gạt-gẫm lòng mình như vậy, nhưng lòng bà vẫn không chịu để bị gạt dễ-dàng. Nó cứ bứt-rứt muốn biết đích-xác đứa bé nằm trong xe là đứa bé nào.
Mắt bà không rời chiếc xe và đứa con gái đẩy xe. Con nhỏ đẩy lăng-đô đi riết lại sân gôn-phờ, rồi ngừng gần đó mà xem người ta chơi banh.
Kể từ lúc chiếc xe mui kem đẩy vào bờ sông, Hảo không còn biết người đờn-bà bên cạnh mình nói gì nữa. Bà chỉ ừ-hử lấy lệ thôi. Mấy đứa con của bà bên cạnh hình như đang làm giặc hay giựt giàn chay gì đó, thế mà Hảo cũng xem như không không.
Giây lâu, không chịu được nữa, bà đứng lên, chào bà mẹ mà rằng:
Thôi, bà ngồi đây hóng mát nhé. Tôi ngồi lâu cũng mỏi, cần đi qua đi lại vài vòng.
Dạ, chào bà.
Hảo không dám đi ngay lại sân gôn-phờ, sợ rằng không phải, rồi khổ thêm nhưng bà cũng không đi xa đó được. Bà đánh mấy vòng và những vòng ấy càng lúc càng hẹp lại cho đến một khi kia thì bà chỉ còn cách chiếc lăng-đô độ sáu bảy thước thôi. Bà ngóng cổ lên, cố dòm vào xe, nhưng nệm xe ở dưới sâu, không trông rõ được đứa bé.
Con nhỏ đẩy xe thì xem mê-mệt trò chơi của mấy người đờn-ông. Hảo rón-rén bước lại gần sau lưng nó như là kẻ cắp định làm một vố rồi chạy đi. Khi chỉ còn cách đó chừng hai thước, bà dòm vào xe thì máu bà bỗng như ngưng chảy.
Thằng Nhã tuy có đổi khác sau mấy tháng xa bà nhưng vẫn còn nhìn được. Phương chi càng lớn tháng nó càng giống Nho hơn nên càng dễ nhìn hơn.
Nhã đang ôm cái núm vú cao su mà núc, mắt khờ-khạo nhìn trời xanh, bà thấy là muốn nhảy tới cắn cho đã thèm.
Hảo đang tìm cớ để bắt chuyện với đứa con gái đẩy xe. May quá, chiếc núm vú của bé Nhã rơi xuống nệm, và nó mếu muốn khóc lên.
Con nhỏ đẩy xe say mê cuộc chơi gôn-phờ không hay biết gì cả. Hảo bước tới vài bước dòm vào xe rồi day lại gọi con nhỏ:
Núm vú của em bé rớt, em bé muốn khóc kia em à!
Con Lầu ngước lên, mỉm cười với Hảo, vị tình bà đã săn-sóc cho Nhã chớ thật ra nó không sốt-sắng lắm với bổn-phận của nó.
Lầu lượm núm vú lên, chùi đầu núm vú vào tay áo nó rồi đút vào miệng thằng bé. Hảo ghê-tởm quá, và tội-nghiệp cho Nhã quá, nhưng không dám nói gì, cũng chẳng lộ vẻ khó chịu ra, sợ mích lòng chị vú non. Bà học được một bài học kinh-nghiệm quí-giá, là giao con cho tôi-tớ không được. Một bà mẹ tốt, phải chính mình săn-sóc lấy con mình.
Hôm ấy, Hảo mới hiểu tại sao con của bạn-hữu bà, nuôi dưỡng vệ-sanh là thế, mà lắm khi lại mắc những chứng bịnh do bẩn-thỉu mà ra. Con nhỏ giữ em nầy, ra chừng không phải ác mà bôi bẩn bé Nhã đâu. Nhưng vì nó không tin những lời căn-dặn của chủ nó, nên mới hành-động như vậy.
Bấy giờ Hảo mới dám công-khai vịn chiếc lăng-đô.
Bà cúi xuống cười với bé Nhã, nói chuyện với nó. Bé Nhã ngưng núc núm vú, ngơ-ngác nhìn bà, rồi nhìn bà trân-trối ra. Ký ức non-dại của nó không chắc nó nhớ được người đờn-bà đã thương-yêu nó như thương yêu chính gò má của bà, cách đây mấy tháng. Nó nhìn bà mãi chỉ vì nó ngạc-nhiên mà thấy một gương mặt lạ, khác hẳn gương mặt của mẹ nó và chị vú của nó.
Nghe êm tiếng người, Hảo ngước lên thì các tay gôn-phờ đã thôi chơi. Bà mừng thầm vì con vú non sẽ hết mê và bà có thể bắt chuyện với nó. Hảo cười với con Lầu mà rằng:
Em bé dễ thương quá. Mấy tháng đó em?
Thưa bà bốn tháng.
Bú gì mà sổ sữa như vậy?
Thưa chủ em nói là bú hổn-hợp, phân nửa sữa mẹ, phân nửa sữa bò.
Hèn chi.
Bú như vậy tốt lắm hả, thưa bà?
Bú sữa mẹ thì tốt nhứt. Có tệ lắm cũng bú hỗn-hợp như vậy. Bú toàn sữa bò không thôi, ít có đứa được tốt lắm. Em bé là con so hay con rạ vậy em?
Thưa em không biết. Em chỉ mới vào ở hai tháng nay thôi. Em thấy cô chủ em chỉ có một mình bé Nhã đây thôi, nhưng không rõ còn em nào nữa để ở đâu hay không.
Em bé tên là Nhã?
Hảo vừa nói vừa mở sắc lấy kẹo ra, nhưng bà ăn trước rồi mới mời con Lầu sau, để cho nó không thấy được đó là một cử-chỉ sắp đặt để mua lòng nó. Con Lầu nhận kẹo, nói cám-ơn và thật lòng cảm-tình với Hảo nhiều lắm. Hảo rủ:
Lại đây ngồi chơi em. Để cô đẩy xe cho.
Vừa nói, bà vừa đẩy chiếc lăng-đô lại đống gạch đỏ ở gần đó mà Đô-thành dùng để xây một bồn bông.
Con Lầu nối gót theo bà và hỏi:
Coi bộ bà thích trẻ con lắm, thưa bà?
Ừ. Ta ngồi ở đây, không ai quấy rầy như ở đằng các băng.
Hảo lại trao thêm kẹo cho con Lầu và hỏi:
Em làm một tháng bao nhiêu?
Lầu không ngạc-nhiên lắm. Những lần ở các chủ trước, nó cũng bị nhiều bà lạ hỏi như vậy. Có bà chỉ thấy nó sạch-sẽ duyên-dáng nên cảm-tình mà hỏi thế thôi. Có bà đang túng người làm, thấy tôi-tớ của ai cũng hỏi đon hỏi ren để dụ-dỗ.
Thưa bà, năm-trăm, nó đáp.
Chỉ có năm trăm thôi à? Cũng hơi ít đó.
Nhưng em khỏi phải làm công việc gì khác hết.
Nhà kẻ ăn người ở nhiều lắm hả?
Dạ chỉ có một mình em thôi. Nhưng chủ em ăn cơm xách.
Vậy sao? Còn ai quét dọn.
Dạ chủ em ở bun-đin, mướn có hai buồng trên, gọn lắm. Hành-lang đã có nhơn-công của bun-din lau quét. Nhà ở xóm sang, nên đi ra đi vào, guốc dép không dính một chút đất nào; thành ra buồng trong cũng khỏi phải lau.
Ở bun-đin, chắc chủ em sang lắm?
Dạ, họ sang lắm. Nghe nói mướn hai buồng ấy là mỗi tháng phải trả tới bốn ngàn.
Bun-đin nào mà ở xóm sang hở em?
Dạ bun-đin năm từng đường Tự-do.
Ít ra tới đây Hảo cũng biết đích-xác họ ở đâu, tuy chưa dám hỏi họ ở từng thứ mấy và buồng số mấy.
Làm bộ buồn cười, Hảo cười lớn lên rồi hỏi tiếp, vừa hỏi vừa biếu thêm kẹo:
Em nói bun-đin năm từng mà nói theo ta hay theo Tây?
Con Lầu ngạc nhiên trố mắt nhìn Hảo giây lâu rồi hỏi lại:
Thưa cô, gì mà theo ta, theo Tây, em không hiểu?
Hảo cười mà rằng:
Ta hiểu theo Tàu và ăn nói theo họ. Căn nhà dưới đất ngtrời Tàu gọi là từng thứ nhứt và vì vậy, từng lầu thứ nhứt họ gọi là từng nhì. Thế nên nhà chỉ có hai từng mà họ bảo là ba từng đó em.
Con Lầu như chợt tỉnh, phá lên cười rồi nói:
Trèn đét ơi, cô nói em mới nhớ ra. Phải rồi, nhà ấy chỉ có bốn từng thôi. Buồn cười quá, cái gì căn dưới đất lại kêu là từng nhứt, bây giờ mới thấy kêu như vậy là vô-lý.
Câu chuyện từng lầu giúp Hảo hỏi được chi tiết sau đây mà không có vẻ dò xét điều gì.
Chà, nhà bốn từng, leo thang chắc rụng giò?
Thưa cô, có thang máy chớ. Nhưng chủ em ở từng nhì... ủa từng nhứt (con Lầu cười ngặc-ngẹo sau lời nói lộn nầy) nên nếu phải leo thang cũng không nhọc bao nhiêu.
Chắc em sung-sướng lắm, đẩy em bé đi chơi cả ngày, mà lúc ở nhà, chủ cũng vắng mặt, mặc sức mà ở không.
Sợ Hảo có ý xấu về nó, có hại cho nghề-nghiệp của nó nếu bà có ý dụ-dỗ nó, con Lầu vội cãi:
Không, thưa cô. Coi vậy mà làm lắc-xắc cũng hết giờ. Lại còn phải đi xách cơm, xách đồ ăn sáng, ngày ba bận.
Hảo lại biếu thêm kẹo; lần nầy cả một nắm đầy, để xóa sự nghi-ngờ giả-vờ của bà. Bà nói:
Cô ra đây hóng ngát rất thường, sao ít gặp em. Chắc em thường đi vườn trẻ con hơn?
Thưa cô, em chỉ ra đây thôi, chủ em dặn như vậy.
Vậy à. Thôi, từ rày cô sẽ để ý tìm em. Cô có bạn rồi đó. Thôi, em còn ở đây chơi nhé...
Hảo đứng lên, con Lầu cũng đứng theo mà chào bà. Nhưng bà không đi ngay ra xe, sợ con Lầu biết tung-tích bà, không tiện. Bà làm bộ đi lên đi xuống một hồi, và thấy con nhỏ đang mê xem Tây chuồi trên nước bằng giày tuột tuyết, bà mới nhảy lên xe và phóng lẹ.