Chương 10

Nghi Du vừa sấy tóc, vừa huýt sáo 1 bản nhạc vui. Nhất định tối nay, cô phải bàn với mẹ về việc Lan Linh về nuôi.
Nghi Du nôn nóng lắm rồi. Một ngày, 1 bữa qua đi, cô nhớ con bé vô cùng.
Mưu Phi hứa là giúp đỡ cô, song còn nhiều vấn đề cô cũng cần hỏi anh, nhưng gọi điện qua nhà thì cô không muốn chút nào.
Nghi Du không có ý đồ gì, nhưng lại sợ người ta hiểu lầm. Tuy đã có phần thân thiện hơn trước, Nghi Du vẫn luôn giữ 1 khoảng cách. Cô không muốn để có tiếng ra tiếng vào.
Mà ngồi nhà chờ điện thoại Mưu Phi thì cô y như là ngồi trên đống lửa, cứ nhấp nha nhấp nhỏm không yên.
Nhiều lần nhất ống nghe lên rồi bỏ xuống. Quả thật, cô không có can đảm.
Nghi Du tự trách mình, ngày thường thì giỏi múa mép lắm, đến khi đụng chuyện lại nghĩ ngợi lung tung rồi tự hù nhát mình.
6 giờ 45 phút, chắc giờ này Mưu Phi ở nhà. Nghi Du bỏ máy sấy xuống, vẫn không làm sao dám nhấn số điện thoại được.
Ngả người ra ghế, Nghi Du lim dim mắt. Can đảm lên, can đảm lên, Mưu Phi chỉ là sếp của mi thôi mà, đâu cần phải sợ đến như vậy.
Nghi Du cầm lấy ống nghe thì bỗng có tiếng chuông reo, cô lẩm bẩm. Không tương thông đến vậy chứ?
Áp ống nghe vào tai, giọng Nghi Du rất nhỏ:
- Alô.
- Bạn trở thành thùy mị lúc nào vậy Nghi Du?
Nghi Du chau mày:
- Là ông à?
- Chứ bạn tưởng ai? Hình như Nghi Du đang chờ điện thoại?
Loại người không ưa mà cứ gặp hoài, Nghi Du chợt nổi cáu:
- Mắc mớ gì tới ông?
Bình An cười trong máy:
- Quạu rồi à? Đừng thế chứ. Nếu không, Nghi Du chẳng duyên dáng, xinh đẹp nữa.
- Ông im đi!
- Đêm nay, ai đã bỏ rơi bạn vậy? Thôi thì nhận lời đi ăn với tôi đi.
- Tôi không đói.
- Đừng như vậy mà, Nghi Du. Tớ thật lòng với bạn mà. Nghi Du có biết vì bạn, tới mới trở về Việt Nam không?
Nghi Du mỉa mai:
- Vậy sao? Tôi tưởng cậu còn mục đích khác nữa chứ?
- Nghi Du nói vậy, không sợ tớ buồn sao?
- Bạn mà cũng biết buồn à?
Bình An kêu lên:
- Nghi Du! Bạn tàn nhẫn đến thế ư?
- Tàn nhẫn? Lần đầu tiên tôi mới nghe bạn nói đấy. Bình An này! Nếu còn muốn làm bạn với Nghi Du thì hãy dẹp bỏ sự giả dối của mình đi.
- Tớ không hiểu.
- Đừng tưởng những chuyện Bình An làm, Nghi Du không biết. Hãy biết hối cải lại đi, may ra còn có thể tha thứ được.
- Nghi Du càng nói, tớ càng không hiểu. Nhưng thôi, 1 ngày nào đó bạn sẽ hiểu tớ.
Ngoan cố! Nghi Du so vai, cô cúp máy ngang. Con người Bình An thật là hết thuốc chữa rồi.
Ngày xưa, Bình An thật là dễ thương, thế mà bây giờ con người đầy mưu mô và hoang đàng.
Về nước trong vòng 1 tháng thôi mà tiếng tăm bay rất xa. Nghi Du giật mình. Cái gì đã làm cho Bình An trở nên như vậy?
Cô có linh cảm Bình An sẽ không thôi làm phiền đến cô. Không. Lòng nhân từ yêu thương của cô đâu, tại sao không giúp đỡ 1 linh hồn lạc lối chứ? Chưa muộn mà.
Chuông điện thoại lại reo. Lần này, Nghi Du phải giúp Bình An thôi. Hy vọng những lời chân thành của tình bạn sẽ thức tỉnh Bình An.
Nghi Du nhấc ống nghe:
- Alô.
- Tiếng trong trẻo nhỉ?
- Là ông hở Mưu Phi?
Mưu Phi chọc ghẹo:
- Đang nóng lòng chờ tin nên ngồi canh điện thoại, phải không?
- Ơ, sao ông biết?
- Tôi lớn tuổi hơn cô mà.
- Xí! Vậy ông đoán thử xem tôi đang nhớ ai?
- Dĩ nhiên là tôi rồi.
- Ham lắm. Nằm mơ đi.
- Tôi biết cô đang nói dối lòng mình.
Nghi Du trề môi như có Mưu Phi trước mặt:
- Tự cho mình là Khổng Minh ư? Nếu ông còn không nghiêm chỉnh nữa, tôi cúp máy đấy.
- Cô không định nghe tin tốt lành về Lan Linh à?
Nghi Du hấp tấp:
- Sao rồi?
- Sao không cúp máy đi?
- Đừng chọc quê bổn cô nương chứ. Ông nói mau đi.
- Nhưng với 1 điều kiện.
- Phiền phức.
- Không chịu thì thôi.
- Ê!
- Sao?
- Ông thừa cơ ăn hiếp tôi.
Mưu Phi cười:
- Điều kiện của tôi đơn giản lắm. Chỉ cần cô bớt chanh chua, đồng ý cho tôi cùng chăm sóc Lan Linh.
Thoáng suy nghĩ, Nghi Du gật nhanh:
- Tôi đồng ý.
- Không được nuốt lời đó.
- Ông xem tôi là người gì?
- Vậy nhất định rồi nhé. Cô nghe cho rõ đây, họ đã đồng ý cho cô nhận nuôi Lan Linh.
Nghi Du reo vui:
- Thật sao? Ôi! Tôi mừng quá.
- Nhưng dưới sự bảo trợ của tôi.
- Không thành vấn đề.
- Giấy tờ tôi đã lo xong, Lan Linh cùng mang họ với cô.
- Ông chu đáo quá. Bao giờ chúng ta có thể đi đón cô bé?
- Là do ở cô, cô thích lúc nào cũng được.
Nghi Du nhẩm tính:
- Hôm nay là thứ năm, thứ bảy này đi nhé. - Cô chợt nhớ - Chết rồi!
Mưu Phi cũng hoảng theo:
- Gì thế?
- Tôi chưa nói chuyện này với mẹ tôi, vì mấy ngày nay bà phải chăm sóc 1 người bạn đang bị bệnh.
- Vậy...
- Ông không cần phải lo lắng. Tuy tôi chưa nói, nhưng tôi biết mẹ tôi sẽ đồng ý. Mẹ tôi luôn mong mình có thêm 1 đứa con mà.
- Hy vọng mọi chuyện diễn ra tốt đẹp.
Không hiểu sao, Nghi Du lại hỏi:
- Ông đang ở nhà?
- Sao cô lại hỏi thế?
- Sợ ông nói chuyện điện thoại công cộng lâu sẽ tốn tiền của ông.
- Sợ hay không sợ cũng đã xảy ra rồi.
- Nghĩa là...
- Tôi nói chuyện bằng điện thoại riêng của tôi.
- Ấy! Không được đâu. Ông cúp máy đi, có gì nói sau nhé.
Mưu Phi chợt thấy ấm lòng vì câu quan tâm ấy. Anh trầm giọng:
- Nghe lời cô vậy. Chúc cô ngủ ngon.
- Ông ngủ ngon.
Nghi Du gác ống nghe xuống. Cô định đứng lên dẹp cái máy sấy tóc, bỗng cô giật mình kêu lên khi thấy bà Hồng đã đứng sừng sững ở đó từ lúc nào.
- Mẹ! Mẹ về lúc nào? Trời ơi! Con muốn đứng cả tim.
- Mẹ về từ lúc con có những câu quan tâm đặc biệt trong điện thoại. Con nói chuyện với ai thế?
- Dạ, bạn.
- Bạn mà gọi bằng ông à? Con học cách nói dối mẹ từ khi nào vậy?
- Con...
- Con không sợ mẹ buồn sao, Nghi Du?
Bà Hồng nghiêm nghị:
- Hơn tuần trước, con đã nói dối mẹ đi đâu? Với ai?
- Dạ...
- Thành thật thì được tha thứ. Nếu không, đừng trách mẹ.
- Nhưng trước khi con nói, con muốn thưa với mẹ 1 chuyện.
- Mẹ đang nghe.
- Con muốn mẹ nhận 1 bé gái làm con nuôi để con có được em gái.
- Chủ ý của con, phải không?
- Mẹ ơi! Các bé ấy ở làng cô nhi, rất dễ thương. 1 lần con xuống đó cùng sếp Phi, kỷ niệm làm con khó quên, những đôi mắt to tròn ngơ ngác. Chúng nó vô tội mẹ ạ. Những người sinh thành ra chúng nó vứt bỏ chúng như 1 món đồ không thương tiếc. Nhìn bọn chúng, lòng con như chùng lại và con muốn làm 1 điều gì đó, nhưng bản thân con chắc không ai chấp nhận. Mẹ ơi! Con cầu xin mẹ, hãy nhận nuôi bé Lan Linh. Hãy cho cô bé có 1 gia đình thật sự để cô bé có được niềm vui như bao đứa trẻ khác.
Bà Hồng nhìn Nghi Du:
- Lời nói xuất phát tận đáy lòng của con đấy ư? Nghi Du! Từ nhỏ đến lớn lên, con chưa hề cầu xin mẹ điều gì, phải chăng con bé Lan Linh nào đó có duyên với con?
- Mẹ không biết đâu. Các cô phụ trách trong làng cô nhi nói, 2 năm sống ở làng cô nhi, cô bé đã không có 1 nở nụ cười. Hỏi mẹ không có duyên sao được?
- Nhận nuôi 1 đứa bé đâu phải là chuyện nhỏ. Con đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Ánh mắt Lan Linh nhìn con chứa đựng sự mong đợi. Mẹ ơi! Hãy đồng ý đi.
Bà Hồng chép miệng:
- Thủ tục nhận con nuôi đòi hỏi chúng ta phải có đầy đủ điều kiện...
- Chuyện này mẹ khỏi lo. Sếp của con sẽ giúp đỡ chúng ta.
- Con muốn nói Diệp Mưu Phi?
- Dạ. Con xin lỗi. Lần trước con đã không nói rõ là đi với ai. Nay biết rồi, mẹ không giận con chứ?
- Và người nói chuyện trong điện thoại với con lúc nãy là Diệp Mưu Phi?
- Dạ.
Đúng là ý Chúa rồi. Con vô cùng cảm ơn ngài.
Nghi Du lay tay bà Hồng:
- Mẹ ơi!
Bà Hồng vuốt tóc con:
- Việc con làm là những việc tốt. Mai mốt đi đâu, với ai, làm gì, con không được giấu mẹ đó.
- Dạ, con hiểu rồi. Mẹ đồng ý nhận Lan Linh chứ?
- Ừm.
Nghi Du vui mừng:
- Cám ơn mẹ, mẹ yêu của con.
- Thôi đừng có nịnh, mẹ có 1 điều kiện.
Nghi Du phụng phịu:
- Hết Mưu Phi rồi đến mẹ, ai cũng đòi điều kiện. Ghét 2 người quá.
- Nhưng Mưu Phi đòi điều kiện gì?
- Yêu cầu con đừng chanh chua và cho ông ta cùng chăm sóc Lan Linh.
- Rồi ý con ra sao?
- Đồng ý cho xong.
Bà Hồng tủm tỉm:
- Điều kiện của mẹ cũng giống như vậy.
Nghi Du tròn mắt:
- Không phải chứ? Sao ý mẹ giống ông sếp của con vậy?
- Con có đồng ý không đã?
- Đồng ý thì đồng ý.
- Không gượng ép?
- OK.
- Chó con! Nói chuyện với mẹ mà OK hả?
Nghi Du rùn vai:
- Con quên.
- Bao giờ con đón cô bé về?
- Thứ bảy này. Lan Linh sẽ ở chung phòng với con.
- Nghe con gọi Lan Linh, vậy cô bé ấy năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Lan Linh được 12 tuổi. Sang năm chúng ta cho cô bé vào lớp 6. Có muộn 1 tí, còn hơn ở làng cô nhi khả năng được học tốt rất ít. Bắt đầu từ đây, Lan Linh là con của mẹ, là em gái của con. Con muốn cô bé cũng được như con, có đầy đủ tình thương.
- Lan Linh xinh đẹp lắm, phải không Nghi Du?
- Tất nhiên rồi. Thôi, để con gọi điện cho sếp con biết tin liền.
Nhìn Nghi Du lăng xăng, không còn ác cảm với Diệp Mưu Phi nữa, lòng bà vừa vui mừng, vừa hạnh phúc.
Nhưng khi Nghi Du cầm ống nghe lên, cô lại ngập ngừng không nhấn số.
Thấy vậy, bà Hồng hỏi:
- Sao con không gọi?
- Biết ông ấy có nhà không.
- Không phải Mưu Phi vừa nói chuyện với con à?
- Thì đúng. Mà ông ta nói chuyện bằng điện thoại di động.
- Muốn biết Mưu Phi có nhà không thì cứ thử xem.
- Hay là mẹ gọi giùm con đi.
Bà Hồng lắc đầu:
- Con muốn làm việc lớn thì không thể dựa vào người khác.
Nghi Du cắn môi. Cô bấm số trong nụ cười khó hiểu của bà Hồng. Câu chuyện kết thông gia giữa 2 gia đình có dấu hiệu tốt rồi đây.
Sau 1 hồi chuông dài, Nghi Du thấy lòng mình hồi hộp vô cùng, và chưa bao giờ cô có cảm giác như vậy. Dù quạt máy vẫn quay, nhưng sao mồ hôi vẫn cứ đổ ra, khuông mặt Nghi Du tự nhiên nóng bừng, tay chân như thừa thãi.
Tín hiệu gì đây.
Rồi đầu dây bên kia cũng có người nhấc ống nghe, 1 giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên:
- Alô.
Đúng là Mưu Phi rồi. Nghi Du run lên, cô quay nhìn mẹ để cầu cứu, nhưng bà Hồng cố tình làm lơ.
- Alô.
-...
Nghi Du hít thật sâu, cố giữ bình tĩnh. 1 ý nghĩ lóe lên. Muốn để Mưu Phi không nhận ra tiếng mình, Nghi Du liền bịt mũi.
- Dạ, xin lỗi. Cho tôi gặp ông Mưu Phi ạ.
- Cô là ai? Gặp Mưu Phi làm gì?
- Tôi có chút chuyện riêng mà.
- Lém lắm nghe cô nhóc. Có chuyện gì nào? Cô chịu khó gọi điện cho tôi, chắc là đại quan trọng rồi.
- Xong rồi.
- Chuyện gì mới được?
- Mẹ tôi đã bằng lòng nhận nuôi bé Lan Linh.
- Xin chúc mừng cô.
- Hiện giờ tôi vui lắm.
- Chia sẻ với tôi được không?
- Không phải ông đang chia sẻ đó sao?
Mưu Phi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Cuối cùng, cũng có người con gái chia sẻ niềm vui với anh. Nghi Du! Anh thầm gọi tên cô bé.
Nghi Du hét nhỏ:
- Ông ngủ gục rồi phải không? Sao chẳng nói gì hết trơn vậy?
- Biết nói gì nữa bây giờ. Chúc mừng cô, tôi cũng đã chúc mừng rồi.
- Tôi quên. Không làm phiền ông nữa. Ngày mai gặp lại.
- Khoan đã. Chúc cô ngủ ngon và mơ 1 giấc mơ đẹp.
- Cám ơn ông. Good night.
Nghi Du gác máy, miệng vẫn tủm tỉm cười. Bà Hồng nheo mắt:
- Thế nào, Mưu Phi không đáng sợ chứ?
- Ơ, mẹ chọc con.
Nghi Du bỏ đi vào phòng. Cô biết rằng đêm nay, có lẽ cô sẽ khó ngủ nhưng không biết vì Lan Linh hay vì Mưu Phi đây.
o O o
Mọi chuyện lo lắng rồi cũng giải quyết êm đẹp. Lan Linh vẫy tay chào các bạn trong làng cô nhi với đôi mắt đẫm lệ khiến Nghi Du cũng phải khóc theo.
Cô Mỹ Hân ân cần nhắc nhở:
- Từ đây, con đã có 1 mái ấm gia đình, có ba mẹ, anh chị như mọi người. Có điều kiện để học tập. Vậy con phải cố gắng vâng lời những người nuôi dạy mình, đừng phụ lòng tin những người đã hết lòng yêu thương. Con nhớ không?
- Dạ nhớ.
Mỹ Hân ôm chầm lấy cô bé. Thật sự, cô rất yêu thương Lan Linh. Nhưng vì tương lai hạnh phúc của cô bé nên phải để cô bé rời xa làng cô nhi này. Dù sao có ba ẹm, anh chị vẫn hơn, và cô cũng rất tin vào cô gái trẻ đầ nghị lực như Nghi Du.
Thu Yến đứng gần đó lên tiếng:
- Mỹ Hân! Hãy để con bé đi đi. Quyến luyến rồi cũng phải chia tay thôi.
Nghi Du nắm tay Lan Linh, ánh mắt cô như hứa hẹn:
- Có dịp, tôi sẽ đưa Lan Linh lên thăm mọi người. Hãy yên tâm. Bắt đầu từ bây giờ, Lan Linh là em ruột của tôi.
Thằng bé Minh Trí 4 tuổi còn biết nói:
- Chị Lan Linh không được quên em đó.
Cửa xe đã được Mưu Phi mở ra từ lúc nào. Nghi Du nhìn tất cả những đứa trẻ trong làng cô nhi 1 lần nữa rồi mới bước vào ngồi cùng băng ghế trên với Mưu Phi. Còn Lan Linh thì ngồi trong lòng cô.
Chiếc xe lăn bánh, làng cô nhi xa dần trong tầm mắt. Xe ra xa lộ, đường không còn bụi nữa. Lan Linh liếc nhìn ra ngoài xe rồi hỏi.
- Chú Phi đưa chúng ta đi đâu đây cô?
- Về nhà.
Cô bé lại hỏi:
- Sao mọi người lại đi chậm hơn mình?
- Chúng ta đi xe lớn và xe lại chạy rất nhanh. - Mưu Phi xen vào trò chuyện.
- Lan Linh thích đi xe này không?
- Dạ thích.
- Vậy chú sẽ làm tài xế thường xuyên cho Lan Linh nhé.
- Cả cô Du nữa chứ.
- Ừ. Nhưng không biết cô ấy có chịu ngồi xe chú không nữa.
- Chịu mà. - Bé Lan Linh đáp ngay.
Biết Nghi Du đang liếc mình, Mưu Phi vẫn tỉnh bơ:
- Vì sao Lan Linh thương cô Nghi Du?
Cô bé nghiêng đầu:
- Cô Du hiền, xinh đẹp, lại dễ thương.
- Thế còn chú?
- Chú cũng hiền nữa. Nói chung, Lan Linh thương hết cả hai.
Nghi Du tằng hắng:
- Lan Linh này! Bắt đầu từ bây giờ, em là em gái của chị. Lý Hoàng Lan Linh. Hãy gọi chị là chị Nghi Du.
- Dạ, chị Nghi Du.
- Ngoan lắm.
Nghi Du vuốt tóc cô bé:
- Từ này, em đã có mẹ, có chị, có mái ấm gia đình rồi. Chị sẽ lo cho em ăn học đến nơi đến chốn.
- Không có chú Phi sao chị? Em phải gọi chú Phi bằng gì đây?
- Cái đó tùy ở em.
- Bộ chú Phi không ở chung nhà với mình sao?
Mưu Phi nhanh miệng:
- Khi nào Lan Linh thích, chúng ta sẽ ở chung nhà.
Lan Linh vỗ tay:
- Hay quá. Có cả mẹ, chú Phi và chị Nghi Du. Mà thôi. Không gọi chú nữa, Lan Linh gọi là sư huynh nhé?
- Còn gì bằng. Chị Du của em làm sư tỉ, chịu không?
Nghi Du lườm dài:
- Vô duyên.
- Sư tỉ nói ai vậy?
- Đương nhiên là nói sư huynh của em.
- Em thấy sư huynh đâu có vô duyên, trái lại còn rất đẹp trai.
- 2 người ăn rơ nhỉ.
Mưu Phi cười:
- Cô mới biết ư?
Lan Linh hết nhìn Mưu Phi rồi nhìn Nghi Du:
- Anh và chị đang giận nhau vì Lan Linh phải không?
Nghi Du vỗ đầu cô bé:
- Không có đâu. Em đừng nghĩ ngợi lung tung.
- Nếu không có thì anh chị nên cười với nhau đi.
Như để cho Lan Linh tin, Nghi Du nhe răng với Mưu Phi. Anh ôm bụng cười lớn:
- Ôi! Cô cười gì giống nhá ma tôi quá.
Nghi Du mím môi:
- Vậy là đơn giản cho ông đó. Nếu không vì Lan Linh thì ông không ngồi yên để trêu ghẹo tôi đâu.
- Tôi biết cô bản lĩnh lắm rồi. Nhưng đâu có ai chẳng tận dụng cơ hội của mình, phải không?
- Hừ!
- Hôm nay, tôi và cô đừng đối đầu với nhau nữa. Vì ngày hạnh phúc nhất trong đời của Lan Linh, chúng ta hãy vui vẻ với nhau, để cô bé luôn có ấn tượng tốt với chúng ta. Chứ ngày đầu đón cô bé về nhà mà như vầy, tôi thấy không hay.
Nghi Du gục gặc:
- Ông nói chí phải. Tôi xin nghe lời ông hôm nay thôi nghe.
- Nhớ đừng kê tôi nữa đấy.
- Ừm.
Nghi Du nựng má Lan Linh:
- Em đã được đi chơi những đâu, kể cho chị nghe xem.
Mưu Phi xen vào:
- Sư huynh nữa chứ.
Nghi Du liếc ngang:
- Bon chen.
- Nè! Cô hứa...
- Tôi không quên.
Cô khích lệ:
- Nói đi Lan Linh.
Đôi mắt cô bé như sáng lên:
- Em và các bạn được các cô phụ trách cho đi chơi ở Suối Tiên.
- Đâu nữa?
- Chỉ Suối Tiên thôi.
- Vui không?
- Dạ, rất vui. Em còn nhớ hôm đó em đã bị bạn Đoàn làm cho bị thương ở tay, máu ra nhiều lắm. - Cô bé kéo tay áo lên - Vết thương vẫn còn đây nè.
- Lúc ấy có đau lắm không?
- Dạ đau, nhưng em hổng có khóc.
- Gan thế cơ à?
Nhưng rồi đôi mắt Lan Linh chợt tối lại.
- 2 năm sống ở làng cô nhi, kỷ niệm cũng không ít. Anh chị lại đến đón em đi trong tình yêu thương, cho em 1 cuộc sống khác hơn, nghĩ đến các bạn... và nếu như ai đó cho em điều ước thì em sẽ ước cho các bạn đều có 1 mái ấm gia đình như em, được ăn học, được chăm sóc.
Lan Linh đã khóc, giọt nước mắt của cô bé rơi trên tay Nghi Du. Cô vỗ nhẹ vào vai cô bé như chia sẻ và thông cảm.
- Nỗi lòng của em, anh chị đã hiểu. Đừng khóc nữa, Lan Linh. Anh chị hứa sẽ tạo điều kiện cho em đến thăm các bạn.
- Cám ơn anh chị.
- Khờ quá. Em là em gái của anh chị mà.
- Em thật là hạnh phúc phải không? Quãng đời tuổi thơ của em sống trong sự hất hủi xua đuổi của cậu mợ, rồi được người thương tình mang về làng cô nhi. Những tưởng em sẽ khép chặt cuộc đời mình ở đó, sống không có ước mơ, không hy vọng. Em vô cùng mặc cảm cho số phận của mình. Để rồi thượng đế đã thấu tình, người đã ban anh chị cho em. Từ đây, em được gọi lại tiếng mẹ yêu thương, sống trong vòng tay người không máu mủ như ruột thịt. Sư huynh! Sư tỉ! Ơn này Lan Linh mãi mãi khắc ghi.
Mưu Phi mủi lòng:
- Thôi được rồi. Em đừng nói nữa, kẻo sư tỉ của em làm ngập lụt cả thành phố bây giờ. Em không sợ mọi người kiện chính em là nguyên nhân lũ lụt sao?
Đang khóc mà Lan Linh và Nghi Du cũng phải bật cười vì câu đùa của Mưu Phi. Anh chặc lưỡi:
- Đúng là con gái có khác, hở tí là khóc, đụng chuyện lệ cũng rơi. Và đàn ông bao giờ cũng là người phải chịu đựng những giọt nước mắt ấy nhiều nhất. - Mưu Phi thở hắt ra - Khốn khổ thay!
Nghi Du trừng mắt:
- Đủ rồi đó. Tôi đâu bảo ông nhìn chúng tôi khóc mà than này thở nọ. Đàn ông như ông bỏ đi cho xong, chẳng có 1 chút tình cảm.
Mưu Phi cãi lại:
- Ai bảo? Nếu tôi không có tình cảm thì tôi không để cho 2 chị em dùng hết hộp khăn giấy của tôi đâu.
- Ơ...
Nước mắt chảy thì cứ rút khăn, Nghi Du đâu để ý hộp khăn giấy đã hết nhẵn, cô nhìn ra ngoài xe:
- Ngừng ngay ở cửa hàng bách hóa, tôi mua hộp khác cho ông.
- Không cần.
Mưu Phi với tay lấy hộp khăn giấy trước mặt mình, đẩy qua:
- Tôi còn đây. Cô sử dụng nữa không?
- Đủ rồi. Cám ơn lòng tốt của ông.
Mưu Phi nhún vai:
- Lòng tốt của tôi có thừa lắm. Không cần phải cám ơn tôi. Tôi sợ mang nặng vai.
Nghi Du háy ngang, cô chẳng thèm nói chuyện với Mưu Phi nữa, toàn là những câu móc họng.
2 chị em cùng ngắm đường phố trong buổi chiều đang tấp nập người người, đủ loại thời trang đủ mốt dập dìu, hối hả, nhà tản. Có người chẳng thấy mặt mũi đâu hết, vì họ mang khẩu trang vì sợ bụi, sợ ô nhiễm. Quả thật, đường phố vào những buổi chiều, nhất là chiều thứ bảy chẳng trong lành tí nào.
Xe chầm chậm ở 1 ngã tư vì đèn đỏ. Nghi Du nhìn thấy 1 đôi trai gái chở nhau trên chiếc Dream, không ai xa lạ, đấy chính là Bình An và Giáng Ngọc, họ đang cợt đùa trông rất tình tứ.
Nghi Du cảm thấy giận. Tuy rằng bản thân cô không hề có chút tình cảm gì với Bình An, nhưng sự giả dối kia, cô không thể chấp nhận.
Còn Giáng Ngọc nữa, luôn miệng nói yêu Mưu Phi, buồn bã khi thiếu vắng anh. Tất cả đều giả dối.
Hôm Bình An và Giáng Ngọc va vào nhau ở khách sạn, cô biết điều gì sẽ xảy ra. Riêng Mưu Phi, anh có biết mình đang bị lừa dối không?
Xe vẫn chạy, Nghi Du vẫn ngó mông lung. Chợt cô kêu lên:
- Dừng lại ngay.
Mưu Phi vội đạp thắng, anh tấp xe vào lề, mặt nhăn nhó:
- Chuyện gì nữa đây? Đang chạy bon bon, bảo dừng lại đột ngột. Bộ cô muốn tai nạn xảy ra hả?
- Ông chạy đi đâu vậy? Qua khỏi nhà tôi khá xa rồi.
- Sao cô không nói địa chỉ? Tôi nào biết nhà cô.
Thấy mình thật vô lý, Nghi Du nhẹ giọng:
- Xin lỗi.
Cô chỉ tay rồi nói:
- Ông quay xe lại, bỏ 2 ngã ba, đến ngã ba kế tiếp quẹo phải, chạy 1 đoạn nữa, thấy cổng có giàn hoa tóc tiên là nhà tôi.
- Cô không nói số nhà cho nhanh. Nhiều nhà ở cổng có giàn hoa tóc tiên thì làm sao tôi biết nhà nào?
- Duy nhất chỉ nhà tôi có thôi.
Theo sự chỉ dẫn của Nghi Du, cuối cùng chiếc xe hơi sang trọng cũng dừng lại ở trước cổng nhà có giàn hoa tóc tiên.
Chưa kịp mở cửa xe, Nghi Du đã gọi inh ỏi:
- Mẹ ơi! Con đưa em gái của con về rồi đây.
Từ trong nhà, 1 phụ nữ trạc tuổi 40 đon đả đi ra. Bà mở cửa, tươi cười hỏi:
- Đâu, Lan Linh của mẹ đâu?
Nghi Du dắt Lan Linh đến trước mặt bà Hồng.
- Chào mẹ đi Lan Linh.
Cô bé cúi đầu:
- Chào mẹ.
- Con ngoan. Ôi! Con xinh đẹp lắm.
Bà nắm tay Lan Linh:
- Chắc đi đường xa cũng mệt rồi, theo mẹ vào nhà rửa mặt cho khỏe đi.
Như nhớ ra, bà dừng lại. Vừa lúc Mưu Phi xách túi đồ của Lan Linh trong cốp xe ra. Bà Hồng nheo mắt vì tuổi già:
- Cậu là Mưu Phi, giám đốc của Nghi Du phải không?
- Dạ. Nhưng ở đây không phải không ty, bác miễn cho cháu từ giám đốc đi.
Nhìn khuôn mặt không khác Diệp Đinh Sơn tí nào, bà Hồng gật gật:
- Được, được. Tôi sẽ coi cậu là bạn của Nghi Du. Cậu vào nhà đi.
Nghi Du nhăm mặt:
- Mẹ à!
Bà Hồng khoát tay:
- Con hướng dẫn Mưu Phi vào nhà nhé. Mẹ vào với con Lan Linh trước đây.
- Mẹ!
Mưu Phi cười cười:
- Nghe rõ chưa? Bắt đầu từ bây giờ, tôi là bạn của cô.
- Đừng hòng.
Nghi Du quay lưng bỏ đi. Vào đến nhà, nhìn lại không thấy Mưu Phi đâu, cô lại trở ra, giọng bực bội:
- Sao còn chưa vào nhà? Bộ sợ mất xe hở?
- Không phải tôi sợ mất xe, mà là chiếc xe này sẽ choán chỗ...
- Chuyện đó, ông không cần phải lo, đây là cổng nhà tôi mà. Sao, bây giờ có vào nhà không?
- Cô không thể có chút dịu dàng với người ơn của mình sao?
- Người ơn? - Nghi Du khoanh tay - Mọi việc là do ông đều tình nguyện, không được kể ơn nghe.
- Tôi biết. Và cô cũng nhớ cho rằng, cô đã từng đồng ý cho tôi cùng chăm sóc Lan Linh.
- Thì sao?
- Tôi cũng được quyền đến đây thăm Lan Linh bất cứ lúc nào. Nếu cô không đồng ý thì cô đã không giữ lời hứa của mình.
- Ông...
- Sư muội! Đừng vội nóng.
Lần này, không đợi Nghi Du mời, Mưu Phi đã mang túi đồi đi 1 mạch vào nhà. Anh tự nhiên ngồi xuống ghế salon bằng gỗ. Ngả lưng cho thoải mái, đã thế khuôn mặt anh như vênh lên trêu tức Nghi Du.
Tiếng bà Hồng từ trong nhà vọng ra:
- Nghi Du! Lấy nước cho anh Phi uống đi con.
Nghi Du trề môi:
- Hổng dám anh Phi đâu.
Hậm hực bỏ ra nhà sau, Nghi Du thấy mẹ và Lan Linh vừa dọn dẹp vừa nói chuyện 1 cách vui vẻ. Tiếng cười của cô bé vang lên trong trẻo vang rộn khắp ngôi nhà.
Ngắm Lan Linh, lòng Nghi Du nguôi dần. Phải rồi. Mưu Phi đâu làm gì mà phải nổi nóng với ông ta thế. Và nếu không nhờ ông ta giúp đỡ, có lẽ cô đã không có được Lan Linh trong tiếng cười ngây thơ.
Suy đi nghĩ lại, cô phải cám ơn Mưu Phi mới đúng, và coi ông ta như bạn cũng không có gì là không được. Càng ghét người ta thì càng có ấn tượng. Phải chăng... Ồ! Không phải đâu. Nghi Du tự biện hộ. Với Bình An, mình cũng ghét vậy, chẳng lẽ mình cũng có cảm tình với Bình An. Ghét là ghét, thương là thương, 2 điều đó khác biệt nhau rõ ràng.
Mưu Phi hình như đang ở lưng chừng giữa vừa ghét và đôi lúc lại không ghét, sao thế nhỉ.
Nghi Du vội lắc đầu.
Đừng nghĩ nữa. Mọi việc đều do duyên phận cả.
Chợt Lan Linh quay lại:
- Sư tỉ!
Nghi Du mỉm cười với con bé:
- Em đang làm gì vậy?
- Phụ mẹ nhặt rau.
- Giỏi nha. Mới về đến đã xông xáo rồi. Xem ra chị không bằng em rồi.
Lan Linh nghiêng đầu:
- Mẹ khen chị rất nhiều. Ngoài công việc ở công ty ra, chị còn là 1 đứa con rất ngoan. Em vô cùng ngưỡng mộ chị và muốn được như chị.
- Dễ thôi.Sau này lớn lên ăn học, vào đời, em sẽ giống như chị, thậm chí còn giỏi hơn nữa là.
- Em không nghĩ đến chuyện mình sẽ hơn ai.
- Nhưng đừng thua kém ai, phải không?
- Chị hiểu em quá.
- Như vậy mới làm chị của em được chứ.
2 chị em cùng cười. Nghi Du ngồi thụp xuống.
- Chị phụ với em.
Bà Hồng hỏi:
- Thế con bỏ Mưu Phi cho ai?
- Ông ta ngồi ở phòng khách, có sao đâu.
- Nói vậy mà nghe được à? Mưu Phi đã làm tài xế, chở chị em con về đây, ít ra con phải đối xử tử tế, mời người ta 1 ly nước mới đúng phép lịch sự.
Bà đẩy vai Nghi Du:
- Ra tiếp Mưu Phi đi. Nhân tiện mời cậu ấy ở lại dùng bữa. Hôm nay, mẹ có nấu ít món ăn để mừng Lan Linh trở thành thành viên trong gia đình chúng ta.
- Mẹ ơi!
- Con lớn rồi và có ăn học, đừng để mẹ phải nói nhiều. Chuyện ở đây có Lan Linh phụ rồi, mẹ không cần con.
Nghi Du phụng phịu đứng lên. Thật ra, cô không muốn đối mặt với Mưu Phi. Ánh mắt của anh ta khiến cô bối rối. Như vậy là sao nhỉ? Nghi Du không xác nhận được cảm xúc của mình. Nhưng mà... Hừ! Phiền phức quá đi.
Mở tủ lạnh, Nghi Du rót 1 ly nước lọt mang ra đặt trước mặt Mưu Phi:
- Nhà tôi không có Coca, cam vắt, ông uống đỡ nhé.
- Sao cô khách sáo quá vậy? Ở nhà, tôi vẫn thường uống nước lọc. À! Lan Linh và bác gái đâu?
- Đang làm việc vui vẻ ở nhà sau.
- Cô bé hòa nhập nhanh thế cơ à? Tốt nhỉ? Xem ra bác gái rất mến Lan Linh.
- Đúng. Nhưng chỉ có tôi là không tốt thôi.
- Sao thế?
- Không cho tham gia công việc, lại còn bị đuổi ra đây.
Mưu Phi đứng dậy, nhìn ra khoảng trống trước mặt:
- Cô không thích tiếp chuyện với tôi phải không?
- Tôi...
- Vậy tôi về đây. Cô chuyển lời của tôi chúc sức khỏe bác gái, và chúc Lan Linh vui vẻ. Xin chào.
- Khoan đã.
Nghi Du hấp tấp, vấp phải bậc cửa té nhà. Nhưng cô không bị ngã xuống gạch mà nằm gọn trong vòng tay Mưu Phi. Anh lo lắng:
- Cô không sao chứ?
Nghi Du lắc đầu, gượng đứng dậy:
- Tôi không sao.
Mưu Phi đỡ Nghi Du ngồi xuống bậc thềm:
- Sao cô bất cẩn quá vậy?
- Tại ông đấy.
- Sao lại tại tôi?
- Tại ông suy diễn rồi lại bỏ đi. Mẹ tôi hỏi thì tôi phải trả lời sao đây.
- Bác gái...
- Mẹ tôi bảo ông ở lại dùng bữa.
Mưu Phi nhìn vào mắt Nghi Du:
- Thế còn cô?
Nghi Du cúi mặt:
- Đừng làm khó tôi.
- Thế thì tôi không hỏi nữa.
Mưu Phi thở dài, ngồi xuống bên cạnh Nghi Du:
- Tôi ước ao có được 1 người bạn nhưng người tôi chọn lại từ chối. Cô nghĩ xem có buồn không.
- Tại ông không có kiên nẫnh đó thôi. Ông không nhớ câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim" đó sao?
- Tự nhiên tôi không tin tưởng vào bản thân mình nữa.
- Vậy ông không phải là Diệp Mưu Phi mà tôi đã từng nghĩ. Không can đả
- Vậy ông không phải là Diệp Mưu Phi mà tôi đã từng nghĩ. Không can đảm, không tự tin, không bản lĩnh.
Mưu Phi ngước nhìn mây xanh:
- Đúng. Và tôi đã làm cô thất vọng phải không?
- Tôi không quan trọng. Quan trọng là người thân của ông kìa. Không có gì mà không giải quyết được. Ông hãy đặt hết niềm tin vào đấng tối cao đi. Cuộc sống của mẹ con tôi trong những năm tháng đau buồn và lo toan. Nhưng rồi ngài đã đến. Ngài ban phước lành nên mọi việc, tôi đều phó cho ngài cả.
Mưu Phi nhắm mắt với bao lời cầu xin. Tôn trọng giây phút riêng tư ấy, nên khi Lan Linh chạy ra gọi, Nghi Du ra dấu cho cô bé yên lặng.
Không hiểu chuyện gì, nhưng Lan Linh cũng nghe theo. Thấy anh mở mắt, Nghi Du quan tâm:
- Sao hả?
- Tôi thấy tinh thần được thanh thản hơn 1 chút.
- Tốt rồi. Miễn rằng ông đừng đánh mất niềm tin của mình thì mọi người không bỏ rơi ông đâu.
Cô đứng dậy, kéo theo Mưu Phi:
- Chúng ta ra nhà sau đi. Tôi nghĩ mẹ tôi chờ có mặt đầy đủ để khai tiệc đấy.
Lan Linh gật đầu phụ họa:
- Đúng đấy. Mẹ bảo Lan Linh ra gọi sư huynh và sư tỉ đấy.
Nghi Du kéo tay 2 người:
- Đi thôi. Tôi đang rất đói.
Sự hồn nhiên của Nghi Du làm Mưu Phi vui vẻ hơn.