Chương 9

- Nghi Du! Ra ăn sáng đi.
- Dạ.
Vừa kéo ghế ngồi, Nghi Du vừa tíu tít:
- Hôm nay mẹ cho con ăn gì thế?
- Nui nấu với xương heo.
- Tuyệt nhỉ.
- Ráng mà ăn cho nhiều vào. Lúc này, mẹ thấy con ốm và xanh lắm đó. Bộ công việc nhiều lắm hả?
- Dạ, đâu có. Cũng bình thường thôi.
Bà Hồng nghiêm nghị:
- Nên nhớ chẳng việc gì giấu được mẹ đâu nhé.
Nghi Du rùn vai:
- Con biết nên đâu dám.
- À! Tối hôm qua, con với An Thái đi đâu vậy?
- 1 người bạn ở nước ngoài về có nhã ý mời chúng con dùng cơm. Chờ hoài không thấy mẹ về, chúng con sợ trễ nên không kịp xin phép.
Bà Hồng chép miệng:
- 1 ông lão, bạn cũ của ông nội con trở bệnh, nhà lại không có phụ nữ săn sóc, buộc mẹ phải ở lại. Khoảng 7 giờ tối, mẹ có gọi điện về nhà, nhưng không có ai nhấc ống nghe, mẹ nghĩ chắc con đi đâu đó.
Nghi Du quan tâm:
- Vậy ông ấy đã khá chưa mẹ?
- Đỡ nhiều rồi.
- Hôm nay, mẹ có đi nữa không?
- Hỏi chi vậy? Mẹ vắng nhà để tiếp tục đi chơi à?
Nghi Du phụng phịu:
- Người ta có lòng tốt, muốn qua thăm ông ấy, mẹ lại nghi oan.
- Thế à?
Bà Hồng vuốt tóc con:
- Xin lỗi nhé. Nhưng hôm nay, lòng tốt của con không thực hiện được rồi. Vì mẹ không sang bên ấy, đã có cô cháu gái ở nhà chăm sóc.
Nghi Du xìu xuống:
- Đúng là lòng tốt của con không đúng lúc. Hôm khác đi mẹ há.
Bà nhướng mắt:
- Thế nào, đi chơi vui chứ?
Nghi Du thở hắt ra:
- Vui thì có, nhưng chẳng chút dư âm.
- Sao thế?
- Mẹ còn nhớ Bình An, bạn học chung với con năm lớp 12 không?
- Anh chàng nhát gái ấy hả?
- Dạ.
- Rồi sao?
Giọng nói của Nghi Du có phần bực bội:
- Vị nể tình bạn 4 năm mới gặp lại, con và An Thái mới nhận lời dùng bữa ở nhà hàng của khách sạn New World. Mẹ biết không? Bình An đã hoàn toàn thay đổi, không còn là 1 người nhút nhát nữa. Trái lại đầu óc đa mưu nhiều kế, miệng lưỡi dẻo như cao su. Con và An Thái có cảm giác Bình An đang giấu chúng con điều gì. Lại thêm con cảm nhận ánh mắt của Bình An nhìn con là lạ. Nói chuyện úp úp mở mở, không đầu, không đuôi.
- Mẹ không dám nhận xét điều gì. Nhưng theo như lời con nói thì hình như cậu Bình An đang để ý con.
- An Thái cũng nói giống như mẹ.
- Bản thân con có tình cảm với cậu ta không đã.
- Làm sao mà có được. Mãi mãi Bình An vẫn là 1 người bạn.
- Vậy trong quan hệ tình bạn, con phải nên cẩn thận, đừng để người ta phải ngộ nhận.
- Con dám chắc 1 điều, Bình An đang dối con và An Thái.
- Nếu cảm nhận người bạn này không tốt thì con nên tránh xa đi. Cho dù ngày xưa Bình An là 1 người bạn tốt thật sự, nhưng ngày nay, do cuộc sống con người cũng có thể thay đổi, và Bình An cũng nằm trong số đó.
Nghi Du chép miệng:
- Con thấy tiếc cho 1 tình bạn, mẹ à.
- Tìm 1 người bạn tốt không phải dễ, nhưng kết nhầm bạn thì ân hận không kịp. Con đã lớn, mẹ không có quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của con, mà mẹ chỉ khuyên con nên chọn lựa trong việc tìm bạn, kết bạn. Xã hội bây giờ vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt lắm.
- Lúc tối, An Thái vô cùng hậm hực về sự dối trá của Bình An ở nhà hàng. Nếu con không kịp ngăn lại thì chuyện không hay đã xảy ra rồi.
- Có đi với An Thái, con nhớ xoa dịu nó. Tính con bé nóng như Trương Phi vậy.
Đôi mắt Nghi Du chợt lóe lên tia sáng:
- Con nhất định phải tìm ra mục đích chính của Bình An. Lần này trở về quê hương, hành động của Bình An không được rõ ràng. Xem ý định giở trò gì.
- Đừng có mạo hiểm. Nếu mục đích là con thì con sẽ bị lọt bẫy ngay thôi.
- Vấn đề ấy, mẹ có thể an tâm. Bình An không dám đụng đến 1 cọng tóc của con đâu.
- Nhưng mẹ chỉ có mình con, đừng nên đùa với lửa.
Nghi Du cười:
- Nếu quả thật Bình An có mưu đồ gì bất chính thì sẽ bị con vạch mặt. Với lại, còn An Thái chi, mẹ lo gì.
- Nghi Du!
Cô ôm cánh tay bà:
- Con gái của mẹ thông minh lắm, chẳng việc gì đâu.
Bà Hồng gỡ cánh tay Nghi Du ra:
- Tự cho mình là thông minh thì sao lại bị như vậy?
- Mẹ!
- 1 cô gái đã có thể làm con ra nông nỗi này, thế mà đòi đối phó với Bình An. Mẹ không tin tí nào.
Nghi Du nhăn nhó:
- Vết thương này do con sơ ý té, chỉ là chuyện nhỏ, đâu có gì là quan trọng.
- Còn dối mẹ được à? Khoảng 9 giờ tối hôm qua, sếp của con gọi điện hỏi thăm, mẹ mới giật mình. Nghi Du! Sao con lại giấu mẹ?
- Con...
Nghi Du lẩm bẩm:
- Cái ông sếp chết tiệt này, sao tự nhiên lại gọi điện hỏi thăm. Xui xẻo lại gặp ngay bà già, có giấu cũng chẳng giấu được.
Bà Hồng nghiêm mặt:
- Con đang rủa thầm sếp của con làm bể chuyện phải không?
Nghi Du chối nhanh:
- Dạ, đâu có.
- Hừ! Mẹ sinh con ra mà mẹ không biết tính con sao. Người ta nói ra vì muốn tốt cho con thôi, đừng vì thế mà để lòng hận đấy. Đâu, đưa vết thương mẹ xem.
Kéo tay Nghi Du ra quan sát vết thương, bà Hồng chậc lưỡi:
- Như vầy mà là chuyện nhỏ hả? Không cẩn thận, nhiễm trùng như chơi.
Nghi Du lo sợ:
- Làm sao hả mẹ?
- Đi bác sĩ thôi.
- Không đến nỗi vậy chứ?
- Hừ! Con cũng biết sợ nữa sao? Con gan lì và bướng bỉnh lắm mà.
Nghi Du nắm áo bà:
- Mẹ à! Không đi bác sĩ có được không?
- Được. Nhưng con phải mua thuốc uống và săn sóc vết thương thường xuyên để nó mau lành. Làm được chứ?
Nghi Du gật nhanh:
- Dạ được.
- Nhớ mai mốt đừng có tài lanh đó. Không phải lần nào con cũng may mắn đâu.
- Nhưng cô ta đỏng đảnh quá đáng, con chịu không nổi.
- Nếu con không nghe lời mẹ thì họa đến với con dài dài.
Nói thì nói, bà Hồng vẫn biết Nghi Du đâu thể làm ngơ được trước những việc sai trái tai gai mắt.
Càng lo chuyện xã hội nhiều thì càng mệt chứ có ích gì, nhưng Nghi Du lại mang đầy đủ phẩm chất của chồng bà kia mà. Nhờ con bé, bà mới nguôi nhớ chồng hơn, cuộc sống đỡ tẻ nhạt, đỡ cô đơn hơn.
Nghi Du càng lớn càng thông minh, càng xinh đẹp. Đó là niềm an ủi, hạnh phúc duy nhất của bà. Tuy con bé có phần bướng bỉnh và nghịch ngợm, nhưng rất chịu nghe lời.
Nhìn con khôn lớn, lòng người mẹ vừa vui, lại vừa lo. Lời hứa của ông nội Nghi Du ngày xưa đâu dễ phai mờ trong bà. Sau này, Nghi Du phải làm dâu nhà họ Diệp và lời hứa kia, nay sắp được thực hiện.
Nghi Du vô tư quá, cô đâu hay duyên phận của cô đã được định sẵn.
Bà Hồng chưa dám nói lên sự thật cho con gái biết, vì bà sợ Nghi Du không chấp nhận. Mà vấn đề cưới xin ấy, bà cũng không thể kéo dài, vì Nghi Du năm nay dã bước sang tuổi 23.
Nhìn khuôn mặt tươi vui hạnh phúc của con, bà không đành lòng nói lên sự thật. Mà không nói thì không được. Gia đình họ Diệp là gia đình nề nếp, có tiếng tăm, đâu phải ai muốn vào cũng được.
0o0
Ông Đinh Bằng vốn nổi tiếng là người khó khăn, cũng bằng lòng chọn Nghi Du là dâu, cho thấy con gái bà rất có phước.
Nghi Du về làm dâu gia đình họ Diệp, bà rất yên tâm.
Mấy lúc gần đây, ông Đinh Bằng thường lui tới trò chuyện, đánh cờ vui vẻ với Nghi Du, bà cũng thấy yên tâm phần nào. Hy vọng con bé không ngỡ ngàng.
Đêm đêm, bà thường cầu nguyện mong đấng tối cao soi đường, để tình nghĩa bà không lỗi đạo. Nghi Du sẽ có được tình yêu thương ở gia đình họ Diệp, và cháu đích tôn của ông Đinh Bằng yêu thương Nghi Du hết lòng.
Tình yêu thương giúp cho con người hóa thù thành bạn khi Nghi Du nghe biết sự thật về hạnh phúc của mình. Mưu Phi cũng không phải là kẻ thù của nó.
Nhất định bà phải nói ra, cho dù Nghi Du có oán trách, bà không thể thiếu sự trung tín.
Đến với nhau bằng tình yêu thương, đó là điều tốt. Nếu không, xin tạo hóa hãy cứ an bài.
Nghi Du huơ huơ tay trước mặt bà Hồng:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Bà Nghi Hồng gạt tay con:
- Làm gì thế?
- Không phải mẹ đang nhớ tới bà chứ?
- Thì sao?
Nghi Du khúc khích cười:
- Ba con đang ở thượng giới mà, chỉ có ba mới thấy mẹ thôi.
Bà Hồng mắng yêu:
- Chó con! Cho dù ba con đã xa chúng ta, nhưng mãi mãi mẹ vẫn có cảm giác rằng ba con luôn ở gần mẹ con ta, và đang âm thầm bảo vệ mẹ con ta.
Nghi Du mơ màng:
- Cảnh thượng giới chắc vui lắm mẹ nhỉ? Và ba con là người đàn ông còn trẻ, chắc nhiều cô gái đang vây quanh.
- Cho dù là có, nhưng mẹ luôn tin rằng ba con rất yêu mẹ.
- Xa mặt thì cách lòng, huống chi ba con là người ở thế giới khác. Trong cô đơn, ba con làm sao không có người đàn bà khác.
- Mẹ và ba con tuy 2 mà 1, tuy không còn gần nhau, ở 2 thế giới khác, nhưng tâm tính ba mẹ luôn tương thông nhau. Con có hiếu thế nào là tình yêu không?
Nghi Du lắc nhẹ đầu:
- Con chưa hiểu.
- Vậy bao giờ yêu, con sẽ hiểu. Nó không những chỉ nhớ nhung, mà nó còn cần phải hiểu nhau nữa, con à.
Nghi Du nghiêng đầu:
- Chắc ba mẹ có 1 mối tình rất đẹp và nên thơ?
- Giữa ba mẹ, khi cưới nhau rồi mới có tình yêu.
Nghi Du cau mày:
- Vậy ba mẹ...
- Do sự sắp xếp của người lớn. Ba mẹ lấy nhau do cuộc sống và tình yêu của ba mẹ cũng bắt đầu từ ấy.
Tình yêu của ba mẹ đã làm co bạn bè phải ganh tỵ. Rồi con ra đời là kết quả tình yêu của ba mẹ, ba con rất vui, đôi mắt lúc nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Nhưng những năm tháng sống trong hạnh phúc của ba mẹ rất ngắn ngủi, ba con đã ra đi lúc con mới lên 10. Nhớ thương và đau đớn, cứ tưởng chừng mẹ sẽ không sống nổi. Mỗi lần ngắm con khóc, khuôn mặt trẻ thơ của con đã cho mẹ thêm sức mạnh, niềm tin trong cuộc sống và gượng dậy cho đến ngày hôm nay.
Nghi Du nắm lấy tay bà Hồng như chia sẻ:
- Đừng buồn nữa, mẹ ạ. Con nghĩ, ba đâu muốn nhìn lệ tràn mi mắt chúng ta. Không phải mẹ đã nói ba vẫn luôn ở cạnh chúng ta sao? Con nghĩ ba cũng không muốn nhìn thấy mẹ buồn đâu.
- Nỗi buồn theo năm tháng cũng đã vơi, tại nhắc lại, mẹ hơi xúc động vậy thôi. Bây giờ con là niềm hạnh phúc duy nhất của mẹ, đừng làm mẹ phải thất vọng nhé, Nghi Du.
Nghi Du ngả vào vai mẹ:
- Con xin hứa. Mẹ cũng là nguồn hạnh phúc của đời con.
Bà Hồng vỗ nhẹ vào má con gái:
- Ngoan lắm.
Bà ngắm con gái:
- Con càng lớn càng xinh đẹp. Mẹ rất hãnh diện vì con và mẹ càng an tâm hơn khi con đi lấy chồng.
Nghi Du phụng phịu:
- Con không đi lấy chồng đâu, con thích ở như vầy với mẹ thôi.
- Nói thì ai nói chẳng được, nhưng thực hành lại là 1 chuyện khác.
- Con không giống vậy.
- Đừng bướng, con gái ạ. Tất cả đều do tạo hóa sắp xếp, con có cãi lại cũng không được.
- Cho dù sau này con có lấy chồng, con cũng không sống xa mẹ.
- Xuất giá tòng phu. Bên chồnng cũng không cho con trai mình ở rể. Trừ phi...
- Sao hả mẹ?
- Gia đình bên chồng gần với gia đình chúng ta.
- Ơ! Ví dụ thôi mà mẹ nói y như thật vậy.
Bà Hồng dọ ý:
- Con muốn không xa mẹ, hay là về làm cháu dâu nội Bằng ấy.
Nghi Du mở to mắt:
- Ông nội Đinh Bằng?
- Ừm.
- Bộ nội Bằng còn cháu nội trai hở mẹ? Thế mà con tưởng... nội chỉ có cháu nội gái thôi.
- Cậu cháu trai của nội Bằng không những đẹp trai mà còn tài giỏi nữa. Hay là hôm nào nói với ông nội Bằng dẫn cậu cháu trai sang đây cho con gặp mặt.
Nghi Du xua tay lia lịa:
- Dị lắm. Hắn sẽ hiểu lầm con có ý gì với hắn nữa.
- Càng tốt chứ sao.
- Cho con xin đi mẹ. Tài giỏi và đẹp trai như hắn ta, làm gì chịu cô đơn chứ.
- Sự thật, cháu ông nội Đinh Bằng chưa có vợ.
- Chưa vợ đâu có nghĩa là hắn không có bồ, không có người yêu. Hổng chừng bồ của hắn có hàng tá nữa là.
- Sao con biết?
Nghi Du lúng túng:
- Thì con đoán vậy thôi.
- Chưa tiếp xúc với người ta thì đừng bày đặt đoán lung tun. Ông nội Bằng không phải là dễ, nếu để ông nội Bằng nghe được thì ông sẽ buồn đó.
- Mẹ ơi!
- Nghe lời mẹ đi.
Nghi Du ấm ức:
- Hứ! nếu có dịp gặp, Nghi Du này sẽ cho hắn biết tay.
- Con đang lẩm bẩm cái gì đó?
Nghi Du chối nhanh:
- Dạ, đâu có.
- Đừng có qua mặt mẹ.
Nghi Du giả lả:
- Con nào dám.
Cô chợt nhớ. Diệp Đinh Bằng, sao cái họ này nghe quen quen. Phải rồi. Giám đốc của cô là Diệp Mưu Phi, cô em gái Diệp Đoan Phương.
Thế giữa 3 người này có quan hệ gì? Nhất định cô phải điều tra cho ra. Nếu quả đúng là Diệp Mưu Phi là cháu nội của ông Diệp Đinh Bằng thì cô đã có cách trị rồi.
Ông Diệp Đinh Bằng rất thương yêu cô, ngu dại gì cô không méc để Mưu Phi không có cớ ăn hiếp cô và Đoan Phương nữa.
Còn Giáng Ngọc, Mưu Phi sẽ bị làm khó từ 2 phía, để xem ông có còn cao ngạo nữa không?
Hừ! Gặp phải Nghi Du rồi. Nhưng Nghi Du này không có ác ý, cỉh muốn thử vài lần xem họ có chịu nổi không thôi.
Bà Nghi Hồng kéo Nghi Du trở về thực tại:
- Cái đầu thông minh của con đang nghĩ mưu mô gì đó?
Nghi Du xụ mặt:
- Mẹ nghi oan cho con.
- Ừ. Mẹ chỉ muốn nhắc nhở con. Nếu mẹ mà nghe con gây ra điều gì thì con đừng trách mẹ.
Nghi Du rụt cổ:
- Không ghê gớm vậy chứ.
- Thì con cứ chờ đó.
Bà Hồng đứng dậy:
- Mẹ chuẩn bị đi chợ đây. Con có đi làm thì nhớ khóa cửa cẩn thận.
- Thứ bảy, con được nghỉ mẹ à.
- Thế thì ở nhà coi nhà vậy.
- Con muốn đi nhà sách.
- Tay chân vậy mà vẫn đi à?
- Có sao đâu. Con đang cần 1 số sách tham khảo mà.
- Mẹ không có ý kiến, con muốn đi thì đi.
- Con tranh thủ về sớm phụ mẹ làm cơm.
Bà Hồng vừa đi khuất, Nghi Du phóng nhanh về phòng. Khoác vội bộ đồ khác vào người, cô dắt chiếc Cúp ra cổng.
Như lời mẹ dặn, cô khóa cửa rồi gởi chìa khóa ở nhà người quen.
Nghi Du cho xe chạy chầm chậm. Cái thú của cô là ngắm dòng người vội vã trên phố. Nhưng hôm nay là thứ bảy, họ đi chơi xa nhiều hơn. Thường thường, Nghi Du bắt gặp nhiều cặp trai gái chở nhau đùa giỡn vui vẻ, có lúc họ hứng lên, chọc phá các cô gái đi đường.
Nghi Du cảm thấy gai mắt vô cùng. Họ sao quá dễ dãi, chứ là cô, bạn trai chở mà lại chọc người khác thì không được. Những người có cá tính như thế, yêu chỉ khổ thêm thôi.
Chán ngấy những cảnh tượng ấy, Nghi Du không muốn ngắm gì nữa cả. Cô cho xe chạy nhanh hơn 1 chút, vòng vòng vài con lộ. Cuối cùng, Nghi Du dừng xe trước nhà sách Phú Thọ. Lâu quá không ghé đây, không biết có gì mới.
Gởi xe xong, Nghi Du lững thững đi từng quầy. Tự nhiên cô không có hứng thú với sách vở.
Sang qua quầy hàng lưu niệm, Nghi Du ngắm nghía từng cái 1 cách miễn cưỡng, rồi ánh mắt vô tình của cô chợt dừng lại.
- Diệp Mưu Phi! Ông ta đang làm gì vậy nhỉ?
Tò mò, Nghi Du nhẹ nhàng đến gần. Cô suýt bật cười khi thấy Mưu Phi đang ngắm nghía những món đồ chơi trẻ con.
Nghi Du chụp ngay con cá sấu, đưa ra trước mặt Mưu Phi:
- Tôi thấy con này đẹp hơn đấy.
Mưu Phi quay lại, anh vô cùng ngạc nhiên:
- Nghi Du! Là cô ư?
Nghi Du cũng bắt chước Mưu Phi ngắm nghía những con thú bằng mủ. Cô nói bâng quơ:
- Người ta cũng thích chơi những thứ này nữa à?
- Cô nói ai?
- Thì Giáng Ngọc của ông.
Mưu Phi lắc đầu:
- Không. Cô ấy không hề thích, thậm chí còn rất ghét.
- Thế...
- Tôi mua cho bọn trẻ.
Nghi Du mở to mắt:
- Con ông ư?
- Có thể nói là vậy. Chúng rất dễ thương và rất mê những vật này.
Nghi Du cúi mặt, thầm nghĩ:
Làm việc chung với nhau, nhưng thực ra cô chẳng hiểu tí ti gì về giám đốc của cô cả. Mưu Phi đã có gia đình, tại sao không ai biết? Rồi Giáng Ngọc nữa, nếu biết Mưu Phi đã có vợ, tại sao còn bám theo? Cô ta muốn gì? Chỉ có thể suy đoán, 1 là Mưu Phi đã được tự do, 2 là cuộc sống gia đình trong những tháng ngày không hạnh phúc.
Không lý nào, nhìn khuôn mặt Mưu Phi ung dung, không có vẻ gì là ray rứt đau khổ, và không phải cô đã từng nghe Mưu Phi thất tình sao? Thế này là thế nào nhỉ?
Vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thì tiếng Mưu Phi đã kề bên:
- Cô đã suy nghĩ xong chưa?
Nghi Du giật mình:
- Nghĩ gì ạ?
- Cái đó thì tự cô biết, sao lại hỏi tôi. Nhưng thôi, cô không cần phải trả lời tôi. Lúc nhỏ, cô có chơi những con thú này chứ?
- Tôi làm gì có được diễm phúc đó.
Nhìn khuôn mặt buồn buồn của Nghi Du, Mưu Phi áy náy:
- Xin lỗi. Tôi...
- Ông đừng bận tâm.
- Bây giờ, cô còn thích nó không?
- Đương nhiên rồi.
- Vậy cô thích con nào trong số này?
- Tôi thích tất cả.
- Tôi sẽ mua hết tặng cô.
Nói là làm, Mưu Phi dợm đi tìm người đứng quầy, nhưng Nghi Du ngăn lại:
- Tôi đùa thôi. Lớn như tôi, không sợ bọn trẻ cười hay sao mà còn đi giành đồ chơi với con nít.
- Ai dám cười, miễn mình thích là được rồi. Mỗi lần tôi mua cho bọn trẻ, tôi đều có chơi.
Nghi Du che miệng:
- Hôm nay, tôi mới khám phá ra nha.
- Đau buồn xảy ra, tôi đã đến với lũ trẻ để tìm quên.
Thế ông có quên được không?
- Nói cô đừng cười. Bây giờ tôi còn thích chơi với con nít hơn chơi với người lớn, vì người lớn quá phiền phức.
- Tôi cũng thấy phiền phức thật.
Mưu Phi khoát tay:
- Bỏ chuyện đó đi. Sẵn có cô ở đây, cô giúp tôi chọn giùm quà sinh nhật nhé.
- Cho Giáng Ngọc hở?
Mưu Phi cau mày:
- Sao lúc nào cô cũng cho Giáng Ngọc đi đôi với tôi vậy?
- Không phải sao? hai  người như hình với bóng.
- Cô không hiểu gì cả. Ừ, mà tại sao tôi phải giải thích với cô nhỉ? Nghĩ sao thì tùy cô đi.
Mưu Phi quay lưng, Nghi Du gọi lại:
- Nè! Giận hả?
- Tôi đâu nhỏ mọn vậy.
- Thế thì chọn quà sinh nhật đi.
Nghi Du và Mưu Phi cùng nhau chọn 20 phần quà sinh nhật, nhưng chỉ toàn là quà trẻ con.
Đến quầy tính tiền, Mưu Phi nhờ gói lại. Nghi Du đề nghị:
- Hãy mua giấy đi, tôi sẽ gói giúp ông.
- Tôi phải mang đi liền. Liệu cô có gói kịp không?
Cô gái đứng tính tiền lên tiếng:
- Thế này vậy, tôi và cô cùng gói cho nhanh.
- Còn tiền công?
- Tôi chỉ lấy phân nửa. Được chứ?
- Vâng.
Hai cô gái bắt tay vào gói quà. Mưu Phi đứng nhìn bàn tay nhỏ nhắn của Nghi Du. Cô làm rất lẹ, nhanh hơn cô gái đứng quầy, lại thêm gói nhiều kiểu khác nhau, khiến cô gái cứ phải xuýt xoa:
- Chị gói đẹp lắm, y như người gói quà chuyên nghiệp. Hình như chị đã từng đứng quầy bán quà lưu niệm?
Nghi Du tủm tỉm cười:
- Tôi chỉ biết đi học rồi đi làm, chứ không có bán hàng gì cả. Người đứng kế bên là sếp của tôi đấy.
- Vậy ư? Nếu chị không nói, tôi cứ tưởng hai  người là người yêu của nhau.
Nghi Du đỏ mặt:
- Một sự hiểu lầm đầy tai hại.
Chỉ trong thoáng chốc, 20 món quà đã được gói xong. Mưu Phi bảo tính tiền. Cô gái đứng quầy tươi cười:
- Tôi lấy đúng tiền quà và tiền giấy. Còn tiền công, ông hãy trả cho cô bạn của ông kìa.
Mưu Phi vui vẻ:
- Cám ơn cô.
- Không có gì. Bán được hàng số lượng nhiều, tôi cảm ơn ông mới phải.
- Chào cô.
- Chào ông.
Riêng Nghi Du thì im lặng. Cô phụ Mưu Phi xách mấy gói quà ra ngoài, mà trong đầu cô không khỏi suy nghĩ. Việc làm của Mưu Phi khá đặc biệt, nhất định cô phải tìm hiểu mới được.
- Cô không mua gì sao?
Nghi Du nhún vai:
- Thói quen của tôi là đi nhà sách. Nhưng hôm nay, tôi chả có hứng thú để mua gì. À! Ông định mang những gói quà này đi đâu?
Không trả lời Nghi Du mà Mưu Phi hỏi lại:
- Cô đi bằng xe gì?
- Honda. Bộ ông định nhờ tôi chở hộ những gói quà này à?
- Cũng gần đúng như vậy.
Mưu Phi hất mặt:
- Xe tôi đậu ở đằng kia.
- Ông đi xe hơi, vậy sao...
Mưu Phi mở cửa xe, bỏ các phần quà vào. Anh rủ:
- Cô đi với tôi chứ?
- Nhưng đi đâu?
Mưu Phi nheo mắt:
- Không phải cô muốn biết bí mật về những đứa con của tôi sao?
- Tôi...
- Thế nào, cô bé thích khám phá? Cô sợ tôi gạt cô à?
Đừng xem thường. Nghi Du mím môi:
- Sao tôi lại phải sợ?
- Tốt.
Nghi Du ngập ngừng:
- Còn xe của tôi?
- Chuyện nhỏ. Thẻ xe và chìa khóa đâu?
- Chi?
- Thì đưa đây.
Nghi Du làm theo Mưu Phi. Anh vào lấy chiếc Cup của cô ra rồi dẫn đến 1 ngôi nhà cao tầng gần đó.
- Tôi gởi xe giúp cô.
Vừa nói, Mưu Phi vừa nhấn chuông. Cánh cổng mở, 1 người đàn ông trạc tuổi Mưu Phi ló đầu ra. Họ nói gì với nhau, Nghi Du không rõ, chỉ thấy người đàn ông tươi cười kéo rộng cho Mưu Phi dẫn xe vào.
Khi trở ra, người đàn ông ấy còn chỉ trỏ gì rồi cả 2 cùng cười.
Mưu Phi đến bên Nghi Du, giải thích:
- Đấy là nhà của bạn tôi, rất an toàn.
- Ở đâu cũng có bạn, đi đâu cũng là nhà, ông giỏi nhỉ?
Mưu Phi chỉ tủm tỉm cười. Anh mở cửa xe phía trên cho Nghi Du rồi ngồi vào sau tay lái.
Chiếc xe lăn bánh, Nghi Du càng ngạc nhiên hơn.
- Ông tự lái?
- Có sao đâu. Thường chuyện thì riêng của tôi, tôi không phiền đến ai cả.
Xe chạy được một quãng, Mưu Phi nói:
- Nếu chúng ta bị giữ lại, có thể là đến tối. Cô có muốn gọi điện về nhà không?
- Đến tối ư?
- Nếu cô có hẹn, tôi sẽ đưa cô về trước.
Nghi Du lắc đầu:
- Tôi chẳng bận bịu gì, đâu như những người có bồ.
- Nhưng ít ra cô cũng cho mẹ cô biết, kẻo bác ấy trông.
Mưu Phi trao điện thoại di động cho Nghi Du:
- Cô cứ tự nhiên. Tôi không tính tiền đâu.
- Có lấy, tôi cũng không trả.
Nghi Du bấm số. Sau hồi chuông đổ dài là tiếng 1 cô gái:
- Alô.
- Mày hả An Thái?
- Nghi Du! Mày đang ở đâu thế?
- Có nói, mày cũng không biết đâu. Mẹ tao có ở nhà không?
- Có.
- Gọi mẹ tao nghe điện thoại giùm đi.
- Chờ chút.
Nghi Du nôn nóng:
- Sau lâu thế nhỉ?
Rồi cô cũng nghe tiếng bà Hồng:
- Alô.
- Mẹ!
- Sao còn chưa về nhà?
Nghi Du liếc chừng Mưu Phi:
- Mẹ ơi! Con có công việc phải đi gấp với 1 người bạn, có thể đến tối con mới về.
- Đi đâu vậy?
- Về, con sẽ giải thích với mẹ sau nhé.
- Nghi Du à!
Nhưng Nghi Du đã cúp máy, cô rất sợ nói chuyện với mẹ 1 lúc là đổ bể.
Trả điện thoại cho Mưu Phi, Nghi Du cắn nhẹ môi:
- Lần đầu tiên tôi đã nói dối.
Mưu Phi trấn an:
- Đừng lo lắng, chỉ là lần này thôi.
Nghi Du cảm thấy bứt rứt. Nếu lúc nãy cô nói thật là đi chơi với sếp, có lẽ mẹ cô sẽ an tâm hơn. Chứ nói đi chơi với bạn, biết đi với bạn nào, mẹ cô lòng sẽ bồn chồn không yên.
Nhưng dù gì cũng đã lỡ rồi, sẽ không có lần sau. Nghi Du nghiêng đầu nhìn ra ngoài. Gió lùa qua cửa kính xe, cô cảm thấy dễ chịu làm sao. Thích thú hơn là mọi vật và những người đang đi trên đường đều lùi dần về phía sau. Nghi Du quay nhìn theo rồi mỉm cười 1 mình.
Những cử chỉ trẻ con ấy không qua được cặp mắt Mưu Phi, anh như trẻ lại vào tuổi Nghi Du, cô trợ lý xinh đẹp.
Làm việc chung với nhau bấy lâu nay, sao anh không phát hiện ra ở Nghi Du có những bản tính dễ thương như thế. Đôi lúc cô nghiêm nghị như người lớn, và lúc này cô y như đứa con nít. Cười 1 cách vô tư, Nghi Du như quên hẳn bên cạnh còn có Mưu Phi và nỗi bứt rứt khi nói dối mẹ.
Mặt trời tự nhiên bị che khuất bởi 1 đám mây rồi những hạt mưa li ti bắt đầu rơi.
Nghi Du chép miệng:
- Đúng là lúc mưa lúc nắng là chuyện của trời.
Lúc này đây, gương mặt Nghi Du tươi như đóa hồng buổi ban mai còn ngậm sương. Thật ra, dù đã đi làm rồi, nhưng Nghi Du còn rất trẻ con. Cô cương quyết với việc cô muốn làm, nghịch ngợm với những ai cô cho là chướng mắt. Cô luôn nghiêm chỉnh với người lớn tuổi hơn mình và trong công việc. Ngoài ra, Nghi Du còn có thêm cái tính bướng bỉnh và nhõng nhẽo. Đã đôi lần ông Diệp Đinh Bằng cũng khốn đốn vì cô.
Chung qui tại Nghi Du không đáng ghét mà trái lại rất dễ thương trong mắt mọi người. Không phải giám đốc Mưu Phi đang có cái nhìn khác đó sao?
Ở gần Nghi Du, anh như trẻ lại và đôi lúc cũng thấy bực bội vì những câu nói đầy sự mỉa mai của cô. Nhưng 1 ngày vắng Nghi Du, công việc như chậm trễ đi.
Sự khác biệt trong anh không phải là tình cảm anh dành cho cô bé. Mưu Phi dám chắc là vậy, vì trái tim anh đã trở nên khô cằn và chai sạn.
Với anh và Nghi Du chỉ là 1 sự tương đồng nhau trong công việc, đôi khi lại thích tán gẫu, và anh cũng coi Nghi Du như đứa em của mình.
Sự quan tâm anh dành cho Nghi Du có vượt qua giới hạn tình bạn không? Sao Đoan Phương lại quả quyết anh sẽ không thoát khói lưới tình?
Mưu Phi lắc đầu. Anh thật không hiểu. Đứa em gái của anh do quá nghi ngờ rồi trở nên lẩn thẩn.
Bản thân anh không phủ nhận Nghi Du rất xinh đẹp, nhưng cô ấy không thể nào... Mãi mãi cô ấy chỉ là 1 người đồng nghiệp, 1 người em.
Nghĩ như vậy, nhưng đôi khi Mưu Phi lại rất thích Nghi Du ở bên mình. Những lời nói đùa mỉa mai, những câu khiêu khích đã trở thành thói quen.
Ngắm Nghi Du trong lúc này, Mưu Phi chợt nhớ đến Ân Đình. Cô ấy cũng rất thích đùa dưới mưa. Rồi kỷ niệm ấy đã làm con tim anh đau buốt.
Khuôn mặt Mưu Phi bỗng đanh lại, đôi mắt anh lạnh lùng, anh chẳng muốn nhìn Nghi Du ngắm mưa nữa.
Xe ra xa lộ, Mưu Phi tăng tốc trong im lặng. Cứ để mặc cho Nghi Du ngắm mưa thỏa thích. 1 lát sau, cô quay vào:
- Chúng ta đi đâu vậy?
- Ra ngã ba Vũng Tàu.
- Xa đến thế cơ. Đến đó, chúng ta sẽ làm gì?
- Tôi không thích nói trước điều gì.
Nghi Du nhún vai:
- Xin lỗi. Tôi quên nguyên tắc của ông.
- Giận à?
- Tôi không dư hơi.
Nghi Du quay mặt ra ngoài, tiếp tục im lặng. Mưu Phi cười cho tính trẻ con ấy. Anh vu vơ:
- Trời hôm nay sau u ám nhỉ? Mới quang đãng đẹp đẽ đó rồi sụp tối xuống, kéo mây, đúng là lúc nắng lúc mưa chỉ có ông trời.
Thấy câu nói của mình chẳng làm cho Nghi Du động tĩnh gì, Mưu Phi với tay mở máy cassette. Bài hát "Tiếng hát chim đa đa" của Võ Đông Điền sao gợi nhớ thương.
"Ngày nào, em tuổi 15, em hay nghe tôi ngồi đánh đàn, tiếng đàn làm nỗi nhớ mênh mang. Rồi thời gian dần trôi mau, em không nghe tôi dạo tiếng đàn..."
Không hiểu sao, Mưu Phi lại có vẻ không thích nghe. Anh đổi băng khác, lần này:
"Van đôi mắt em đừng nhìn ta nữa. Van đôi vai em đừng trót lẳng lơ, để đôi mắt ta đừng buồn muôn thuở, để đôi tay gầy ra khỏi bâng quo.
Để mãi đời ta là kẻ đau tình..."
Không phải Mưu Phi mà là Nghi Du, cô tắt máy, không cần đợi ý kiến của anh. Mưu Phi hỏi:
- Sao vậy? Sao không để nghe?
- Tâm trạng của tôi lúc này không phải là kẻ đau tình.
- Cô cũng biết bài này à?
- Bạn tôi, hàng tá đứa thất tình, nghe riết tôi cảm thấy sợ. Người ta không yêu mình nữa thì thôi, cớ chi phải đau đớn, hành hạ bản thân mình. Như vậy không phải tự mình cho mình rất cần họ sao?
Mưu Phi nhếch môi:
- Cô nói nghe hay lắm, tại vì cô chưa bị rơi vào trường hợp đó.
- Ừ. Nhưng tôi cũng không để mình rơi vào đâu, vì tình yêu của tôi do Thượng đế và sẽ đẹp lòng ngài.
- Vậy là cô may mắn hơn tôi.
- May mắn luôn thuộc về những người biết kính sợ và yêu thương chúa. Ông nên đến với chúa nhiều hơn để ngài có thể săn sóc ông.
Nghi Du như chia sẻ:
- Nỗi buồn kia theo thời gian sẽ quên lãng. Biết đâu chúa sẽ cho ông gặp được 1 người yêu ông chân thành và ông cũng yêu thương người ấy.
- Có được điều ấy không?
- Đừng quá bi quan. Không phải ông đang có người ấy bên cạnh sao?
- Cô muốn nói đến Giáng Ngọc?
- Tôi thấy cô ấy hết lòng vì ông.
- Cô đang mỉa mai tôi, phải không Nghi Du? Chính cô cũng biết cô ấy đâu phải là người tôi chọn.
Nghi Du nhíu mày:
- Không chọn, sao ông cứ mãi lui tới?
- Tại tôi muốn tìm quên.
- Tìm quên không phải bằng cách ấy, vì như thế, ông càng hại ông thôi. Giáng Ngọc bám riết lấy ông, rồi ông sẽ dứt ra bằng cách nào, hay là phải rơi vào cạm bẫy của cô ta? Hãy đối diện với sự thật rồi nỗi đau cũng tàn phai theo năm tháng. Còn hơn đến lúc ông phải cưới người ông không hề yêu, cuộc sống tiếp tục đi vào địa ngục. Lúc ấy, không chỉ riêng bản thân ông mà bạn và người thân cũng mang lây nỗi khổ đau của ông. Cho dù giữa ông và Giáng Ngọc chỉ là cuộc chơi, nhưng tôi khuyên ông nên dừng lại đi, còn kịp đấy.
Nghi Du vừa dứt lời là Mưu Phi đạp thắng xe. Bị bất ngờ, Nghi Du đổ về phía trước. Cô càu nhàu:
- Ông không định ám sát tôi chứ?
- Xin lỗi. Chúng ta đã đi lố nơi cần đến.
- Thế à?
Mưu Phi trầm giọng:
- Nghi Du! Rất cảm ơn cô.
- Về những lời nói lúc nãy à? Thôi, đừng để ý, tôi nói chỉ do xúc động nhất thời thôi.
- Nhưng đó cũng là lời khuyên quý giá.
- Mẹ tôi thường mắng tôi ăn nói không ra gì. Còn ông lại coi đó là lời khuyên quý giá.
Nghi Du nắm mũi mình:
- Đừng làm nó xấu chứ.
Mưu Phi phì cười:
- Mẹ cô nói không sai. Cô nói chuyện dễ làm người khác nổi nóng, nhưng đôi lúc lại chí lý, chí tình.
- Thế sao ông còn tuyển tôi vào làm trợ lý? Bộ không sợ tôi làm hư việc của ông sao?
- Con người có nhược điểm thì cũng có ưu điểm, phải không?
- Lý luận của ông làm sao tôi dám cãi. Nhưng chẳng lẽ chúng ta lại dừng xe ở đây hoài?
Mưu Phi cho xe lùi lại rồi quẹo vào 1 con đường nhựa khá lớn. Nghi Du cảm nhận được nơi đây tươi mát như vùng cao nguyên.
Càng vào sâu bên trong, Nghi Du càng thấy rõ rồi cô buột miệng:
- Làng cô nhi.
Đúng lúc Mưu Phi dừng xe. Anh chưa kịp mở cửa thì bên trong khu nhà rộng lớn, những đứa trẻ khoảng từ 4 đến 15 tuổi chạy ra, hình như chúng đã quen thuộc:
- Chú Phi! Chú Phi đến.
Mưu Phi hấp tấp bước xuống, anh khom người bế 1 đứa bé nhỏ nhất trong nhóm lên:
- Minh Trí! Có nhớ chú Phi không nè?
- Dạ nhớ.
- Thế còn nhõng nhẽo với cô Hạnh không?
- Dạ không.
- Ngoan lắm.
Nghi Du mỉm cười:
- Lũ trẻ của ông đây phải không?
- Cô thấy thế nào?
- Rất dễ thương.
Thấy có người lạ, bọn trẻ nhao nhao:
- Ai vậy chú Phi?
- Bạn của chú. Nào! Qua chào hỏi cô Nghi Du đi.
Chúng ào lại chỗ Nghi Du đang đứng:
- Chào cô Nghi Du ạ.
- Chào cô.
- Chào cô.
- Ồ! Các em ngoan lắm.
Nghi Du bẹo má 1 bé gái có đôi mắt to tròn:
- Em tên gì?
- Dạ, Lan Linh.
- Tên đẹp lắm. Em năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 12 tuổi.
Tự nhiên Nghi Du thấy mến Lan Linh, và không chỉ cô bé này mà tất cả những đứa trẻ ở đây. Làng cô nhi, không phải những đứa trẻ vô tội bị ba mẹ bỏ rơi sao?
Mưu Phi vỗ tay:
- Thôi nào. Chúng ta vào trong đi.
Những đứa trẻ lại ùa chạy trước, miệng gọi í ới. Riêng Lan Linh lại đi sau cùng Mưu Phi và Nghi Du. Cô bé cứ nắm lấy tay Nghi Du như quen biết từ lúc nào.
Nghi Du hỏi Mưu Phi:
- Do đâu, ông phát hiện ra làng cô nhi này?
- 1 người bạn đã dẫn tôi đến ủy lạo. Tôi thấy những đứa trẻ ở đây rất đáng thương và tôi gắn bó với chúng từ ấy.
- Hàng tuần vào thứ bảy, ông đều ra đây?
- Phải. Những đứa trẻ cũng làm cho tôi nguôi ngoai nỗi đau.
- Thế Giáng Ngọc có biết nơi này không?
- Chỉ có cô là người duy nhất.
Nghi Du cắc cớ:
- Vì sao ông lại rủ tôi theo?
- Tôi cũng không biết nữa.
- Nếu như tôi không thích nơi này thì sao?
- Thì coi như tôi đã nhìn lầm người.
- Ông có thể an tâm. Tôi vô cùng cảm ơn ông, vì ông đã đem đến những niềm vui bất ngờ cho tôi. Thú thật, tôi bắt đầu thích làng cô nhi này rồi.
- Vậy hàng tuần, tôi đón cô cùng đi.
Nghi Du điểm ngón tay:
- Ông hứa đấy nhé.
2 ngón tay được ngoéo vào nhau. Ánh mắt bất ngờ của Mưu Phi như có luồng điện chạy vào người, cô vội buông tay ra và giả lả kéo tay Lan Linh, bỏ đi trước.
Từ bên trong, 3 người phụ nữ, có lẽ là người coi sóc lũ trẻ bước ra tươi cười:
- Sao cậu Phi và cô đến muộn thế? 11 giờ còn gì.
- Ồ! Tại chúng tôi còn có 1 số việc cần phải làm.
- Mới 7 giờ sáng, bọn trẻ đã trông ngóng cậu.
Mưu Phi chí 3 người phụ nữ, anh giới thiệu:
- Chị Ngọc Hạnh, Thu Yến, Mỹ Hân đều là những người phụ trách và trông coi trẻ ở đây.
Anh quay sang Nghi Du:
- Cô ấy tên Nghi Du, bạn tôi đồng thời cũng là đồng nghiệp của tôi.
Đôi bên làm xong nghi lễ chào nhau, cô Yến nói:
- Mấy khi gặp phải buổi như thế này, mời cậu Phi và cô Du cùng dùng cơm với chúng tôi.
Mưu Phi vui vẻ:
- Vậy chúng tôi không khách sáo đấy.
- Cậu khách sáo thì đúng hơn. Có bao giờ ra đây mà cậu ở lại dùng cơm đâu.
- Nhưng hôm nay tôi sẽ phá lệ.
Ngọc Hạnh xoa đầu cô bé Lan Linh nãy giờ đứng kề bên Nghi Du:
- Con theo các bạn vào rửa tay, ăn cơm.
Cô bé đưa mắt nhìn Nghi Du rồi cúi đầu lặng lẽ đi. Nghi Du chợt thấy lòng mình có cái gì đó gần gũi với cô bé nên cô vội bước theo:
- Lan Linh! Chị đi với em.
Cô bé mỉm cười và đôi mắt bừng sáng.
Mỹ Hân lên tiếng:
- Lan Linh ngày thường rất ít nói chuyện và vui đùa, thậm chí 2 năm sống ở đây, cô bé chẳng có 1 nụ cười. Thế mà... cô bạn của cậu chỉ mới đến lần đầu thôi, đã khiến cô bé có thể cười, cho thấy 2 người có duyên với nhau. Cậu có thấy, được điều ấy không?
Mưu Phi gật đầu:
- Tôi cũng lấy làm ngạc nhiên đấy.
- Các cháu ở đây rất mến cậu, giờ có thêm cô Nghi Du. Cô ấy đến đây hàng tuần với cậu được chứ?
- Chuyện này, tôi không hứa được. Sợ nhiều khi Nghi Du bận việc đột xuất, nhưng tôi sẽ cố gắng.
Trong khi Mưu Phi cùng các chị phụ trách nói chuyện thì Nghi Du giúp bọn trẻ ăn cơm. Họ cười nói râm ran khắp, phòng ăn.
Những người phụ trách việc bếp núc cũng lấy làm ngạc nhiên. Cô gái trẻ này đến mang thêm 1 luồng sinh khí, chứ ngày thường đâu được như thế.
Bọn trẻ ở đây bắt đầu tuổi 13 đã cảm nhận được cuộc đời mình, rồi tự nhiên khép chặt đời sống nội tâm, luôn mặc cảm với xã hội mình là 1 cô nhi, không thích nói chuyện, không thích giao tiếp. Thế mà hôm nay mọi việc đều thay đổi.
Họ tự hỏi. Cô gái trẻ kia là ai? Có những phép màu gì mà bọn trẻ như phơi phới trong cuộc sống, nói cười luôn miệng?
1 đứa trẻ lớn nhất trong nhóm đứng lên:
- Cô Nghi Du ơi! Lát nữa khi ăn cơm xong, cô kể chuyện cho chúng em nghe nha.
Rồi cả nhóm mỗi người 1 tiếng:
- Kể chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn đi cô.
- Tấm Cám đi cô.
- Thánh Gióng đi cô.
Nghi Du giơ tay:
- Thôi nè, lo ăn cơm đi. Ăn xong, rửa miệng sạch sẽ, chị mới kể. Nếu ai còn ồn ào nữa, chị sẽ không kể đâu.
Bọn trẻ rất nghe lời, chúng cố gắng ăn cho nhanh. Nghi Du nhắc nhở:
- Từ từ, coi chừng mắc nghẹn đấy. Thong thả mà ăn, chị ở đây đến chiều mà.
Mưu Phi cùng 3 cô phụ trách bước vào phòng ăn. Trong đôi mắt họ là 1 khung trời màu xanh, đầy hứa hẹn cho những đứa trẻ ở làng cô nhi.
Họ phải chắp cánh mơ ước, để những đứa trẻ này không tự ti, mặc cảm vo='i xã hội, ra đời phải là 1 công dân có ích.
Thu Yến chỉ:
- Cô bạn gái của cậu như là 1 bà tiên trong truyện cổ tích.
Bị mọi người hiểu lầm, nhưng Mưu Phi lại không muốn đính chính. Mà có cô bạn gái cùng suy nghĩ và yêu trẻ thơ như Nghi Du cũng tốt đấy chứ.
Mưu Phi bỗng cười vu vơ. Trong lòng anh đang nghĩ gì thì có mình anh biết mà thôi.
Phải chăng mọi sự tương đồng đã đưa con người đến với nhau?
Bọn trẻ sắp sửa ăn xong, Mỹ Hân lớn tiếng dặn dò:
- Sau khi vệ sinh cá nhân, các con trở về nơi nghỉ trưa của mình, nhớ không?
- Dạ nhớ. Nhưng cô Du đã hứa kể chuyện cho chúng con nghe cơ.
Mỹ Hân nhìn Nghi Du như thầm hỏi. Nghi Du gật đầu:
- Em có hứa.
- Vậy....
- Ngay giờ nghỉ trưa này, em sẽ kể cho bọn trẻ vừa nghe, vừa dỗ giấc ngủ.
- Nhưng cô còn phải dùng cơm.
- Em không đói. Được ở bên bọn trẻ, em rất vui.
Nghi Du bước đến, nói nhỏ vào tai Mưu Phi:
- Tôi về nơi nghỉ trưa với bọn trẻ đây. Ông tự nhiên dùng cơm nhé.
Mưu Phi chưa kịp nói gì thì Nghi Du đã cùng hòa vào với bọn trẻ. Chúng vừa đi, vừa nhảy bên Nghi Du, miệng tíu tít. Nhìn cảnh tượng ấy, lòng Mưu Phi có 1 cảm giác nhẹ len vào. Tự nhiên anh mơ ước mình có 1 mái ấm gia đình, vợ và các con thơ của anh.
Nghi Du về phòng với bọn trẻ, chỗ ai nấy nằm. Tất cả đều hướng mắt về chỗ Nghi Du đang ngồi với bé Lan Linh.
Cô hắng giọng:
- Chị kể câu chuyện Bạch Tuyết và 7 chú lùn cho các em nghe nhé.
Cả bọn đồng thanh:
- Dạ.
Bé gái tên Mỹ An đột nhiên hỏi:
- Tuần sau, cô có ghé thăm chúng em nữa không cô?
Chẳng biết công việc của mình như thế nào, nhưng Nghi Du vẫn muốn đến, cô hứa:
- Vâng. Tuần sau, chị đến.
Mỹ An tiếp lời:
- Để kể cho chúng em nghe chuyện Tấm Cám.
- Ừm.
- Hoan hô.
Thằng bé Minh Trí ngóc đầu dậy:
- Có chú Phi nữa chứ?
- Ừ.
Nghi Du vỗ tay làm tín hiệu:
- Im lặng được chưa?
- Dạ được.
- Chị bắt đầu nha. Ngày xưa, ở vương quốc nọ, có ông vua tuổi cũng đã cao và hoàng hậu chỉ hạ sinh được 1 nàng công chúa rất là xinh đẹp đặt tên là Bạch Tuyết...
Nhìn bọn trẻ say sưa ngủ mà lòng Nghi Du dấy lên 1 tình thương khó tả.
Tại sao tạo ra bọn chúng làm chi rồi bỏ rơi bọn chúng? Chúng có cha, có mẹ như bao đứa trẻ khác đấy chứ. Nhưng những người làm cha mẹ kia đã nhẫn tâm vứt bỏ con mình 1 cách không thương tiếc, rồi xã hội phải có trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục những đứa trẻ không nên chào đời.
Bọn trẻ ở làng cô nhi này rất may mắn, vì chúng có cơ hội nhìn đời. Còn nhiều và còn nhiều nữa những đứa trẻ không kịp mở mắt đã bị hủy mầm sống lúc còn trong bụng mẹ.
Tàn nhẫn quá, 1 mạng sống con người bị hủy diệt do những người mẹ lỡ lầm, những người cha khốn nạn.
Ôm Lan Linh trong vòng tay mình mà nước mắt Nghi Du trào ra. Bọn trẻ vô tội, chúng nào biết nguồn gốc của mình, cha mẹ mình là ai? Rồi sau này lớn lên, chúng sẽ tự ti mặc cảm, hận đời mà lao vào con đường đen tối rồi phạm tội, đánh mất tương lai, phí phạm 1 kiếp làm người.
Nghi Du không cầm được nước mắt, cô đang trăn trở cho số phận và tương lai của những đứa trẻ này.
Nhiều đứa thông minh và xinh đẹp, đáng lý ra chúng phải có 1 mái ấm gia đình, được vui đùa học hành, có cha có mẹ để gọi.
Còn ở làng cô nhi, không phải chúng không được học hành, không được vui đùa, không được chăm sóc, nhưng dù sao thì những người bảo mẫu ở đây làm gì bằng cha mẹ mình.
Nghi Du sẽ còn nghĩ, còn nghĩ nhiều nữa, nếu không có tiếng động rồi Mưu Phi hiện ra:
- Bọn trẻ ngủ hết rồi à?
- Vâng.
- Sao cô không ăn cơm?
- Tôi không đói.
- Hay vì mê chơi với bọn trẻ rồi không muốn ăn?
- Ông nghĩ sao, đó là quyền của ông.
Mưu Phi hơi cúi xuống, nhìn vào gương mặt trẻ thơ của cô bé đang ngủ trong lòng Nghi Du:
- Hình như cô bé này rất mến cô?
- Ông thấy vậy à?
- Tất cả những người trong làng cô nhi này, chứ không riêng mình tôi. Họ còn nói, con bé Lan Linh là đứa sống trầm mặc nhất, thế mà cũng náo động khi gặp cô và cô đã đem đến nụ cười cho cô bé.
- Đến thế cơ à? Có quá thổi phồng không?
Nghi Du hít mũi:
- Tôi ước được làm 1 điều gì cho chúng.
Đến bây giờ, Mưu Phi mới để ý:
- Cô đã khóc?
- Tôi thương cho số phận của những đứa trẻ ở đây.
- Đa cảm nhỉ?
Nghi Du bỗng đổ quạu:
- Ông dẹp cái cách nói chuyện đó đi.
Mưu Phi nhỏ giọng:
- Ấy! Đừng làm cho bọn trẻ thức giấc chứ, và các cô ở đây không khéo sẽ hiểu lầm tình bạn tốt của chúng ta.
- Ai thèm làm bạn với ông.
- Không muốn cũng dĩ lỡ rồi. Các cô ở đây cứ nghĩ cô là bạn gái của tôi.
Nghi Du nóng nảy:
- Sao ông không đính chính?
- Xứng đôi quá, có nói họ cũng không tin.
- Ông...
Cô bé Lan Linh trở mình, Mưu Phi nhắc nhở:
- Đừng vì tôi mà làm dở giấc ngủ của lũ trẻ. Có gì ra ngoài hãy nói. Bây giờ, cô để Lan Linh nằm xuống rồi theo tôi.
- Tôi muốn ở đây với chúng.
- Có muốn cũng không được rồi. Tôi phải về thành phố ngay.
- Nhưng ông đã nói ở tới chiều.
- Tôi dự định là vậy, ai ngờ Đoan Phương vừa gọi điện thoại bảo ông nội tôi trở bệnh.
Nghi Du xìu xuống:
- Chuyện của ông nội ông quan trọng hơn.
Mưu Phi hứa hẹn:
- Thứ bảy tuần sau, tôi sẽ cùng cô lại đến đây.
Nghi Du đứng dậy. Cô quyến luyến nhìn bọn trẻ đang say sưa trong giấc ngủ, nhất là Lan Linh. Quả thật cô không muốn rời xa bọn chúng tí nào.
Nghi Du quay đi, nhưng rồi quay lại, cô cúi xuống hôn nhẹ lên trán Lan Linh:
- Chị về nhé.
Cử chỉ ấy làm Mưu Phi xúc động. Đến với bọn trẻ bấy lâu nay, anh không hề nghĩ ra việc gì cho bọn trẻ quyến luyến cả. Anh yêu thương chúng, mua quà cho chúng nhưng anh lại không được như Nghi Du. Chỉ 1 buổi thôi mà bọn chúng đã xem Nghi Du như người thân từ lúc nào.
Rồi không hiểu sao, anh lại buột miệng:
- Cô yêu thương cô bé Lan Linh như thế, cô không định mang cô bé về nuôi chứ?
Đôi mắt Nghi Du sáng lên:
- Ồ! Ông có 1 ý kiến rất hay, thế mà tôi không nghĩ ra.
- Cô...
- Tôi về bàn lại với mẹ tôi đóng Lan Linh về nuôi thì hiển nhiên Lan Linh là con nuôi của mẹ tôi và tôi trở thành chị của Lan Linh rồi. Cám ơn ông nhiều nghe, Mưu Phi.
- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Nếu nói tôi yêu 1 ai đó thì tôi còn đắn đo hay cãi lại. Còn việc này là việc tốt, tôi không muốn tốn thời gian suy nghĩ, đón Lan Linh về nhà càng nhanh càng tốt. À! Ông cho tôi hỏi thủ tục có rườm rà không?
- Cũng không rườm rà lắm. Nếu cô có đủ điều kiện nuôi Lan Linh khôn lớn thì chắc sẽ được.
- Là sao?
- Gia đình có cuộc sống đảm bảo, nề nếp để giáo dục trẻ thơ.
- Chuyện ấy, tôi đảm bảo.
- Thế thì tốt. Tôi sẽ làm việc với người có quyền ở đây giúp cô.
- Cám ơn ông.
- Nãy giờ nghe cô cám ơn tôi nhiều rồi đấy. Tôi giúp cô cũng vì lòng yêu thương bọn trẻ. Nhưng vì hoàn cảnh tôi không cho phép tôi làm như cô, nên tôi chỉ biết dùng đồng tiền mình kiếm được góp thêm vào giúp bọn chúng được ăn học thôi.
Mưu Phi đề nghị:
- Đón Lan Linh về được, tôi cũng có công, vậy tôi cũng muốn được làm anh của Lan Linh, cô nghĩ sao?
Nghi Du nghiêng đầu:
- Đó là quyền của cô bé.
- Nhưng lỡ cô bé thương cô nhiều hơn...
Nghi Du lườm dài:
- Ông ganh tỵ với tôi à?
- Không dám. Cô bé coi cô là nhất, tôi ké được 1 chút cũng là hay rồi.
Mưu Phi nhìn đồng hồ:
- Chúng ta lên đường thôi, Nghi Du. Chuyện Lan Linh, tôi đã hứa giúp thì cô cứ an tâm.
Nghi Du cười, 1 nụ cười tình cảm, chứ không mỉa mai nữa. Vì bọn trẻ, cô đã cho phép mình thân thiện hơn với Mưu Phi từ lúc nào.
2 người rời khỏi phòng của bọn trẻ. 3 cô phụ trách đã đứng chờ sẵn, họ nhìn cả 2, cười vui vẻ:
- Chúc cô cậu đi đường bình an.
Nghi Du nói thật lòng mình:
- Cám ơn các cô. Thú thật, tôi rất vui khi đến với bọn trẻ.
- Lần sau, cô và cậu Phi cũng tới nữa chứ?
- Vâng. Tôi sẽ mang tin vui đến cho làng cô nhi.
Mưu Phi mở cửa xe, anh lấy 20 gói quà ra:
- Tôi gởi quà sinh nhật cho các em.
- Thay mặt các em, chúng tôi cám ơn cô cậu.
Mưu Phi và Nghi Du vẫy tay chào 3 người phụ trách. Chiếc xe từ từ lăn bánh mang theo nỗi lòng của họ với làng cô nhi.