Chương 13

Thương vừa quẹo vào lối đi dẫn đến cafeteria thì thấy bóng lưng ai giống như Jo ở bậc thang lên xuống. Cô ngừng lại nhìn kỹ thì thấy bạn mình ngồi quay lưng ra ngoài, vai rung rung như đang khóc. Thương vội vã chạy lại hỏi thăm:
- Jo, chị ơi, chị làm sao vậy?
Một hồi sau Jo ngẩng lên, mặt đầy nước nhưng miệng thì cười tươi:
-Không sao, mình cảm động chút thôi, không sao cả.
-Nhưng mà chuyện gì làm chị khóc?
-Chắc Thương chưa kịp mở TV nghe tin phải không, Obama thắng cử rồi.
-À.. ồ…
-Thương có thể tin được không? Vào năm 1870 người da đen đã được chính thức đi bầu, theo lý thuyết, nhưng cho đến sau cuộc đấu tranh của Tiến Sĩ King vào năm 1963 họ mới thực sự có thể dùng quyền mình một cách công bằng. Vậy mà hơn 40 năm sau đó, ngày hôm nay, mình đã có tổng thống da màu đầu tiên! Wow, amazing ha. Cha, không biết khi nào phụ nữ mới có cơ hội đó, mình đã vuột mất lần này rồi.
Thấy nét mặt ngơ ngơ của Thương, Jo cười xin lỗi:
-Jo quên là Thương qua đây du học, đâu có biết lịch sử Mỹ, và có lẽ không quan tâm đến chính trị của nước này đâu heng.
-Nhưng Thương thích nghe chị Jo nói lắm.
-Thiệt hả, vậy vào cafeteria đi, Jo kể cho nghe.
Suốt bữa ăn trưa hôm đó Jo sôi nổi kể cho bạn nghe về việc ứng cử, tranh cử giữa các đảng như thế nào, người dân tham gia vào chính trị ra sao, việc đi bầu diễn ra như thế nào. Thỉnh thoảng Thương lại thấy một sinh viên mặt hớn hở cầm cờ Mỹ đi ngang, lâu lâu lại có một nhóm nhỏ tụ tập, cười nói, hô lớn ‘yeah’ um sùm trước khi giải tán vào lớp. Không khí ở trường sôi động hơn ngày thường, và hình như số người bỏ lớp ra căng tin cũng nhiều hơn. Thương chăm chú nghe Jo nói, thấy lây theo sự hào hứng của bạn, và lần đầu tiên cảm thấy sự khác biệt lớn giữa sự trưởng thành của hai người.
Lĩnh bước vào nhà khi Thương đang chăm chú đọc gì trên màn hình vi tính. Anh ngạc nhiên thấy cô lướt qua những trang web về quyền bầu cử của người da màu, có cả trang web đang nói về thắng lợi của tân tổng thống Obama. Anh cười:
- Anh không biết Thương cũng quan tâm vấn đề này.
Thương quay lại, mừng rỡ:
-Ô anh Hai, anh cũng nghĩ vậy phải không? Sáng nay em mới thấy mình mù mờ dễ sợ. Sống đến từng tuổi này mà không quan tâm gì đến lịch sử hay chính trị cả. Lịch sử Việt Nam em học rồi để đó, chính trị chẳng bao giờ biết việc gì đang xảy ra trong nước cũng như trên thế giới, như vậy sao là sinh viên đại học được hả anh Hai?
Lĩnh nhướng mày:
-Chà, em thay đổi nhiều ghê. Hồi xưa anh nói em có để ý đâu. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn heng.
-Anh Hai chọc em. Tại sau này em nghe người bạn nói chuyện mới thấy kiến thức mình sao cạn quá. Chỉ học giỏi về văn hóa không hình như chưa đủ. Em thấy sinh viên ở đây họ quan tâm và hoạt động nhiều lãnh vực thiệt, em thấy mình đuối so với họ.
Vỗ vỗ vai em, Lĩnh an ủi:
-Thấy được điểm đó là đi được nửa đường rồi đó Thương. Còn lại có gì khó đâu, một cái click chuột hay chuyến thăm nhà sách là xong cả. Quan trọng là phải hiểu thật sâu một vấn đề để khỏi bị ảnh hưởng bởi dư luận hay đám đông.
Vậy là suốt buổi chiều hai anh em trao đổi về khả năng tư duy và cách quyết định vấn đề. Thương thích nói chuyện với Lĩnh vì anh chẳng bao giờ đinh ninh cho rằng mình đúng hết. Ngược lại anh thích lắng nghe và đặt những câu hỏi để người đối diện suy nghĩ kỹ. Vì vậy chưa bao giờ hai anh em cãi nhau mà Thương lại học hỏi thêm được rất nhiều. Cho đến khi bà Yên và ông Đông về cả hai mới ngừng nói chuyện. Cả nhà kéo nhau ra nhà hàng ăn mừng tổng thống mới, với hy vọng rằng những thay đổi sắp tới sẽ tốt đẹp hơn cho hoà bình quốc gia cũng như thế giới.