Chương 29

Jo bước dọc theo bờ biển, mắt nhìn theo những cánh chim hải âu bay lượn trên bầu trời xanh trong. Bãi biển vắng lặng không một bóng người, Jo thầm cảm ơn ông Marshall đã tặng mình món quà đặc biệt này. Ông làm chủ một hòn đảo nhỏ ở Nam Mỹ, và nghĩ rằng Jo sẽ có được quyết định sáng suốt hơn để làm quyết định nhận hay từ chối di chúc của cụ Lê khi có thời gian yên tĩnh một mình. Vậy là ông Marshall mua tặng cô một vé máy bay, thu xếp nơi ăn chốn ở cho cô ở hòn đảo của ông. Hàng ngày ngoại trừ bà bếp và người làm vườn người Mễ ở trong tòa nhà chính, Jo không gặp một bóng người nào. Điều đó làm cô thật thanh thản. Jo có cảm giác cô không muốn gặp mặt một ai, trò chuyện cùng ai, dù người đó là người bạn cô rất mến thương là Thương cũng không ngoại lệ.
Những đêm qua Jo từ từ đọc cuốn nhật ký của cụ Lê, đêm đêm cô khóc cùng cụ, cầu nguyện cho cụ được an lành bên kia thế giới. Cụ Lê mang hai dòng máu VIệt HOa, được thừa hưởng khả năng kinh doanh từ bên nội. Những năm đầu ở Mỹ cụ làm đủ thứ nghề để kiếm sống, khi có vốn cụ mở cửa hàng tạp hóa bán cho người Việt và Hoa. Cửa hàng lớn mạnh cụ bán đi lấy vốn bỏ vào đầu tư hãng điện tử, lúc ấy còn mới mẻ tại vùng Thung Lũng Điện Tử này. Mười năm sau cụ trở thành một trong những triệu phú di cư đầu tiên trong vùng. Nhưng cũng từ đó bi kịch xảy ra. Vì quá bận rộn làm ăn, cụ bỏ bê vợ con, ít khi có mặt ở nhà, và chưa bao giờ tham dự những buổi chơi thể thao của con hay những ngày lễ hội tại trường của nó. Con trai càng ngày càng xa rời cha, vợ thì buồn phiền vì sự lạnh nhạt của cụ nên biến thành trầm cảm nặng. Con trai cụ đến năm lớp 9 bắt đầu dùng thuốc gây nghiện, khoảng hai năm sau cụ mới biết, đưa con đi chữa trị thì quá muộn, nó không nghe lời nữa. Không khí gia đình nặng nề hơn, người mẹ tự trách mình một ngày tự tử chết đi, đứa con trai hận bố, giận bản thân, không biết làm sao nên trong phút buồn phiền đã tham gia cuộc đua xe, tông vào cột điện chết. Hai cái chết liên tục của hai người thân yêu nhất đời làm cụ Lê bị hụt hẫng. Ông nhận ra những cố gắng kinh doanh mình có ý nghĩa gì đâu khi vợ con chết hết. Từ đó ông ngừng làm việc, lang thang như kẻ vô gia cư, tự trừng phạt mình vì những lỗi lầm ông đã gây ra trong gia đình.
Nhật ký cụ Lê đổi khác sau khi cụ tình cờ gặp Jo, một cô bé gầy gò người Châu Á có đôi mắt kiên định nhưng cô đơn. Cụ cảm thấy thương nó, muốn cho nó một mái nhà nhưng sợ mình không đủ khả năng. Vậy là cụ âm thầm giúp đỡ bé, can thiệp với cha mẹ nuôi để nó được đối xử tốt. SUốt bao năm cụ lặng lẽ bên cuộc đời cô bé, mừng khi cô học giỏi, buồn khi cô khóc. Những lần gặp tưởng như tình cờ đều là do sắp xếp của cụ. Cho đến khi biết mình bị bệnh, như ngọn đèn sắp tắt, cụ thu xếp mọi hậu sự và để di chúc lại cho Jo. Ước mơ của cụ là bớt những gia đình ly tán như cụ, mong mọi người sống hạnh phúc hơn và biết quý giá trị tâm hồn hơn vật chất. Nếu Jo sợ trách nhiệm nặng nề này, cụ không trách, và mong Jo tìm được một hội phi lợi nhuận nào tốt để tặng gia tài cụ cho họ.
Đến đêm thứ tư ở đảo Jo mới đọc hết cuốn nhận ký đời cụ Lê. Cô đã thấy nhẹ nhàng hơn vì nhớ lại những lần gặp cuối, cụ có vẻ thanh thản hơn. Jo gọi điện báo ông Marshall mình sẽ về và sẽ có quyết định trong vòng một tuần. Cô muốn gặp Thương và bà Yên trước khi ra quyết định cuối cùng.