Chương 14
Mẹ góa con côi

Duyên vụn hạt nên không đong tròn đấu,
Xống rách phơi đồ, mẹ góa con côi.
Lỡ làng một kiếp hoa trôi,
Phận bèo lỡ dở càng soi, càng buồn.
Thím Thoan đẻ nhiều, nhưng về cái đàng phước lộc con cái xem ra không được thuận thảo như những người đàn bà khác. Chẳng hạn như thím Biện, chỉ sinh ra được một thằng con trai và có một đứa con gái nuôi nhưng xem ra tình cảm mẹ con chan hòa như bát nước đầy. Chẳng ai phải khóc thầm nhiều như thím Thoan, cay cực vì chuyện chồng con độc đoán.
Chả lẽ chồng thím Thoan là người ăn ở bạc? Không biết có phải ông ta cố ý làm như thế hay không? Nhưng các việc trong nhà không bao giờ ông ta quan tâm chú ý đến. Mọi sự vì thế dồn hết lên vai người đàn bà đã tám lần đẻ. Ông chồng khỏe bắt nạt vợ nhưng lại chiều đàn con hỗn. Thành ra những đứa con của nhà chú đều hư hết lượt.
Ba đứa con trai lớn bỏ nhà ra đi vì không chịu sống trong cái làng Cối. Nghe đâu bọn chúng đâm lên chợ huyện rồi lao vào đàng nghiện ngập hút sách. Hai đứa con gái gả chồng thì một đứa bỏ theo trai đi biệt xứ. Đứa còn lại thì láo lếu với nhà chồng nên cuối cùng họ giả về nhà thím. Còn lại những đứa khác thì bảo đàng mặt, quặt đàng tai, ăn nói hỗn láo, cá mè một lứa với bố với mẹ. Cuối cùng trong nhà chỉ còn mỗi cái Hợi là được nhờ cậy.
Thành ra thím tuy con đứa nào mà người mẹ chả thương đồng đều như nhau, nhưng thím chỉ gần gũi hay tâm sự nhiều nhất với Hợi. Có lần thím bảo con gái út:
- Sau này gả mày đi nơi khác, nhà này chả còn ai phụ mẹ trông nom quán xuyến!
Hợi nhìn mẹ, nó cảm thấy tội nghiệp cho bà mẹ. Đứa con gái liền hỏi:
- Thì mẹ đừng gả con đi đâu sất!
Người mẹ mắng yêu cô con gái:
- Tiên sư nhà chị. Ăn nói thế mà nghe được à? Con gái lớn lên thì phải lấy chồng. Ở nhà ai nuôi báo cô chị được mãi.
Hợi đùa lại:
- Mẹ vừa mới bảo gả con đi nhà sẽ hết người làm đấy thôi.
Thím Thoan chỉ biết thở dài chứ không biết nói làm sao hơn được nữa. Tình thực ra thì thím biết gả Hợi đi thím sẽ hết chỗ trông. Nhưng tự cổ chí kim đến bây giờ, nhà có nghèo đén mấy người ta vẫn phải tìm cách gả con gái đi. Cực chẳng đã không ai chịu lấy thì mới phải để con gái ở nhà. Thành ra tiếc cái nết chăm là của đứa con gái, người mẹ biết rằng có những việc thím phải làm theo định luật xã hội chứ không thể thay đổi được. Nghĩ thế, thím bảo con gái:
- Gía gả mày ở gần gần quanh đây thì đỡ cho mẹ.
Hợi ngồi suy nghĩ. Quanh đây thì chỉ có mỗi anh Ốc nhà thím Biện với thằng Sở nhà bà Chiên. Một người thì nhút nhát, e dè, chậm chạp. Một người thì khỏe cà khịa, đâm ba chày củ, ăn nói hỗn hào, ranh ma, xếch mé. Thành ra cô gái ngán ngẩm lắc đầu. Cô gái thấy thương cho mẹ quá mà không thể làm gì được. Tâm sự người con gái đôi khi vẫn ngổn ngang bừa bộn như thế đấy!
Hợi thương mẹ lắm. Cô biết mỗi lần ông bố chửi mẹ mà cô bao giờ cũng là nguyên nhân của những hằn học tức tối ấy. Hợi rất khổ tâm, có lúc cô gái đã nghĩ nếu như cô chưa bao giờ chào đời, nếu như da cô đừng trắng quá, giá như cô đừng nhìn khác biệt những chị em gái của mình, giá như cô là con trai, giá như cô có thể chết đi để mẹ cô khỏi phải đau khổ...
Nhưng ở đời đâu phải mình muốn cái gì cũng được. Cuộc đời có quá nhiều cái “giá như” mà chúng ta khao khát nhưng không đạt được. Cô chua xót nhận ra thân phận con người bao giờ cũng đau khổ. Nhìn bên ngoài, người ta nghĩ rằng cô là đứa con gái nông cạn, vô duyên, lúc nào cũng chỉ chực toét miệng ra cười. Nhưng người ta không hề biết đã có những lúc cô gái đã rưng rức khóc thầm vì thương cho hoàn cảnh của người mẹ, cũng như cô tủi thân cho chính cảnh ngộ hẩm hiu của mình.
- Gía như con chết đi ngay từ hồi còn bé, mẹ sẽ không phải khổ vì con.
Có lần Hợi đã vuột miệng nói như thế. Nhưng người mẹ không nói gì cả, thím Thoan chỉ bảo con gái: Nếu mày thương mẹ thì đừng có nghĩ dại dột như thế. Cấm không nghĩ đến chuyện chết chóc ấy!
Thật đáng thương cho cả hai mẹ con nhà thím Thoan. Có chồng đấy, nhưng mà coi như cuộc đời đã vứt hết. Chồng thím còn sống sờ sờ mà cảnh tình chông chênh của thím chả khác nào như người đã góa chồng. Thế mới biết ở đời cái chữ nhân duyên đôi khi lại bạc bẽo đến độ không thể nào có thể tin được.
Mùa bòng năm ấy hoa nở rất nhiều, nhưng chả hiểu sao lại rụng tiệt cả. Chỉ còn vài quả cố tình bám lại. Cảnh vật vì thế mà trông rất buồn tình, rất ảm đạm.