Chương 48
Quá Muộn

Duyên tình là cái chi chi,
Trăm năm duyên nợ chữ nghì trăm năm
Người đi vào cõi xa xăm,
Để người ở lại xóc giằm trong tim.
Một người làng Cối cuối cùng tìm thấy Nghêu. Cô gái bây giờ đang tạc tượng đá cho một trại điêu khắc. Người ta bảo Nghêu có bàn tay vàng, chả phải con nhà nòi mà biết tạc ra những bức tượng Quan Thế Âm nét mặt xuất thần, đôi mắt đầy trắc ẩn, tuồng như thể bao nhiêu nỗi đau của nhân gian đều đọng lại cả trên khuôn mặt của bức tượng.
Có một người kia muốn mua một bức tượng Quan Thế Âm để dâng cúng vào một ngôi chùa cổ, nhưng ông ta bảo khuôn mặt Quan Thế Âm phải nhẹ nhàng thanh thoát, không thể ưu tư trì níu như thể cõi đời vẫn chưa hoàn toàn diệt tục. Sư cụ nghe được câu chuyện nhất định đến xem sự thể như thế nào, vừa nhìn thấy bức tượng, ông liền ngỏ ý muốn mua ngay bức tượng. Ông còn hỏi xem ai là người tạc bức tượng ấy. Nhìn thấy Nghêu đang tạc 1 bực tượng Quan Thế Âm khác, nét mặt đang mang những nỗi niềm man mác như bức tượng kia, ông bảo:
-Kể ra tìm được một cái nghề để nuôi dương một nỗi niềm cũng là một cái thiền của Phật.
Chẳng ai hiểu ông ta nói gì. Chỉ có Nghêu là người xem ra có chiều sở ngộ. Nghĩ sao ông ta nói tiếp với cô:
-Ta đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, nhưng con là ngừơi đầu tiên khiến ta khâm phục. Con đã dạy cho ta một bài học sâu sắc. Một bài học tình yêu. Và ta hiểu rõ được đâu là căn duyên nguồn cội của kiếp nhân quả luân hồi.
Nói xong ông cúi chào người con gái rồi đủng đỉnh ra về
Có người làng Cối về sau đi vãn cảnh chùa, nhìn thấy bức tượng Quan Thế Âm liền bảo với mẹ:
-Nom bức tượng này cứ giống như chị Hợi, vợ anh Ốc làng mình ấy, mẹ nhỉ.
Người mẹ ngắm một hồilâu rồi bảo: Y như tạc vậy.
Còn cái anh người làng Cối mà đi tìm chị gái của Ốc thì giật nãy người khi nhìn thấy bức tượng đứng giữa những bực tượng khác. Anh ta đinh ninh rằng bức tượng kia nhìn chẳng khác nào vợ Ốc, bạn của anh ta.
Sau đó anh chàng người làng Cối mà Ốc nhờ đi tìm chị gái kể lại đầu đuôi câu chuyện là Hợi đang hấp hồi, ngày đêm vò võ mong chờ Nghêu về. Thế là Nghêu vức bỏ cả búa đục, trực chỉ đi ngay về làng Cối.
Nhưng mà đã quá muộn…
Không biết câu nói:
Mất bò mới lo làm chuồng.
Hay câu:
Nghĩ lại vại vỡ.
Chúng có bài học ý nghĩa gì, chỉ biết trong câu chuyện tình Nghêu – Hợi, khi người đàn bà một dào bỏ làng Cối ra đi, khi trở về thì người yêu đã chết. Có thể nói đấy cũng là một cách nói: Con người ta thương hay nhỡ những chuyến đò tình duy nhất trong đời.
Ốc chít khăn tang cho con, còn anh ngồi thừ trên chiếu, đôi mắt thẩn thờ. Tiếng cầu kinh của mấy vị tăng của một ngôi chùa làng bên nghe sao mà nẫu ruột. Nghêu bước vào cổng nhà họ Huỳnh, đôi chân run rẩy, trong nhà xác của Hợi đã lạnh trên chiếc phản gỗ. Bên hiên nhà, đám thợ mộc đang lặng lẽ đục đục bào bào, Họ đang đóng chiếc quan tài cho vợ Ốc.
Thằng Sinh tuy đã học lớp hai, thế mà chẳng biết gì cả. Nó đang ngồi khoanh chân trong lòng bà ngoại, trên tay vẫn cầm con thỏ bằng gỗ. Đôi mắt nó trong veo, hình như nó không khóc. Nó còn chưa đủ khôn để cảm nhận những nỗi đau của người lớn. Mà có thể nó với mẹ nó hình như không có nhiều liên hệ.
Người ta chào hỏi nhưng Nghêu hình như không nghe thấy gì. Cô bước nhanh đến xác của Hợi. Ốc đứng lên theo. Anh bám vào vai chị gái rồi khóc nấc lên:
-Chị về thị đã muộn rồi…
Ốc gỡ khăn đắp mặt vợ ra cho Nghêu nhìn lần cuối. Chẳng hiểu sao, anh đã vuốt mắt cho vợ. Hợi đã nhấm mắt, vậy mà bây giờ nhìn thấy Nghêu, đôi mắt ấy lại mở ra như chưa được ai vuốt bao giờ.
Nghêu không nói được câu nào cả. Chỉ có nước mắt là tràn trên khuôn mặt tím tái của mình. Người đàn bàn run run đôi tay vuốt lên đôi mắt của đứa em dâu, mà cũng là đôi mắt của người yêu. Đôi mắt ấy lưu cữu nấn ná một hồi lâu mới chịu nhắm hẳn.
Nghêu gục xuống xác vợ Ốc, hai bờ vai run bắn lên. Ốc đứng bên cạnh chị gái, tâm hồn anh ngậm ngùi cay đứng kể từ lúc vợ trút hơi thở sau cùng. Nhưng anh biết nỗi đau của anh bây giờ so với nỗi đau của chị gái chỉ là một phần nhỏ.
Tiếng đục đẽo bên hiên vẫn chan chát cất lên. Cánh thợ mộc vẫn đang cố gắng hoàn thành cổ áo quan cho kịp giờ tẩn liệm. Người ngoài cuộc thường, người ta chỉ để ý đến chiếc áo quan là để chôn người vừa khuất. Họ không hề nghĩ đến một điều là chiếc áo quan chỉ chôn xác của người ra đi là Hợi. Nhưng cũng chiếc áo quan ấy đã chôn luôn trái tim của người tình cô trong ấy, trái tim của người con gái tên Huỳnh Thị Diệu mà người làng Cối quen gọi là Nghêu.