Dịch giả: Trần Hữu Nùng
- 7 -
TẦNG 6 ĐỊA NGỤC

Hôm nay là thứ tư. Sau khi thức dậy, Xuân Vũ ra ngay sạp báo trong trường mua 1 tờ báo. Đúng là mấy hôm nay vướng vào nhiều chuyện kinh hãi nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, nhất là không thể bỏ lỡ việc chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp. Nếu để đến sau kỳ nghỉ đông thì sẽ rất căng. Cô đang muốn xin đến thực tập ở một công ty dịch vụ nhắn tin, để tích lũy kiến thức thực tế xã hội, chắc nhà trường sẽ không phản đối. Cô mở xem mục tuyển nhân viên, tìm mãi mới thấy một công ty dịch vụ nhắn tin tuyển người biên tập tin nhắn. Có vẻ là một công ty chuyên về tin nhắn, có lẽ các tin nhắn quấy rối kia cũng là do những loại công ty này cung cấp. Xuân Vũ quyết định sáng mai sẽ đến xin việc làm. Khoảng sau 10h cô bỗng nhận được tin nhắn của một số máy hoàn toàn xa lạ, nội dung của mẩu tin này khiến tim cô đập mạnh. “Xuân Vũ, anh là Cao Huyền, trưa nay em có rỗi không? Anh có vài điều muốn nói với em. Mười hai giờ trưa nay sẽ đợi em ở Nỗi nhớ khuynh thành”.
Cô không trả lời tin nhắn này. Cô biết Nỗi nhớ khuynh thành là 1 quán ăn đối diện với cổng sau của trường, giá cả hơi mắc nên sinh viên ít khi lui tới. Cao Huyền thật biết chọn địa điểm, Nỗi nhớ khuynh thành cũng là tên 1 cuốn tiểu thuyết của Trương Ái Linh. Phải 1 lúc sau XuânVũ mới bình tâm trở lại được. Cô đi đi lại lại trong phòng, mở tủ áo chọn 1 cái áo len ưng ý nhất. Rồi cô vào rửa mặt, trang điểm 1 chút, soi gương, trông cũng khá ưa nhìn. Tuy chẳng phải lá ngọc cành vàng con nhà quyền quý gì, nhưng ít ra cũng là mơn mởn nét xuân. Gần đến 12h, cô hồi hộp bước ra khỏi phòng. Cổng sau trường, bên kia con đường là hiệu ăn “Nỗi nhớ khuynh thành”, cô chậm chậm bước vào cửa kính, và nhìn thấy ngay Cao Huyền đang ngồi bên cửa sổ, đang vẫy tay. Cô bước đến bên bàn, chưa ngồi vào chỗ vội.
Cao Huyền nhìn đồng hồ, nói: “Anh chưa gặp cô sinh viên nào chuẩn giờ như em”.
Xuân Vũ nhẹ nhàng “bật” lại 1 câu: “Tức là anh thường xuyên mời các nữ sinh đi ăn chứ gì?”.
Cao Huyền lúng túng, cười: “Kìa, sao chưa ngồi xuống đi?”.
“Xin lỗi…” Cô nhìn ra ngoài cửa sổ. “Em không muốn ngồi bên cửa sổ, vì rất dễ bị các bạn nhìn thấy”.
Thì ra cửa sổ này nhìn thẳng sang cổng trường bên kia đường, sinh viên hễ bước ra cổng là nhìn sang đây ngay. Cao Huyền lắc đầu cười cười và chuyển vào 1 bàn ở sâu bên trong. Xuân Vũ ngồi ghế đối diện với anh, khẽ nói: “Em không muốn bỗng dưng vô cớ lại được mời đi ăn. Anh nói xem, có việc gì nào?”.
“Em chưa ăn trưa đúng không? Ta cứ ăn đi rồi nói sau?”.
Anh gọi vài món, chỉ lát sau nhà hàng đã bưng đến. Xuân Vũ chẳng có tâm trí nào để ngồi đây ăn uống, cô chỉ gắp chút xíu gọi là xã giao. Cao Huyền thì băn khoăn khó xử, anh đành gọi thêm vài món nữa, rốt cuộc Xuân Vũ cũng ăn xong bữa. Cô bỗng nhớ ra 1 điều: “Chiều qua ở nhà ma, anh nói là sẽ kể cho em nghe về nguyên nhân đồn đại rằng tòa nhà đó có ma?”.
“Xin lỗi…”. Cao Huyền có phần ngượng nghịu, do dự 1 hồi mới nói. “Có lẽ hôm qua quá căng thẳng nên sau đó anh đã quên mất. Được, bây giờ anh sẽ nói, tại sao mọi người gọi nó nhà ma? Vào một đêm cách đây 8 năm đã có 2 nữ sinh đến đó treo cổ tự tử trong một căn phòng học. Mọi người kháo nhau rằng âm hồn của họ không tan, vẫn hay xuất hiện ở khu nhà đó. Có vài cậu sinh viên muốn tỏ ra can đảm, đêm khuya đã vào đó để bắt ma, chẳng rõ họ đã thấy những gì, đều sợ đến mức mắc bệnh tâm thần. Thế là lời đồn thổi lại càng nhiều hơn, cho nên khu đó có biệt hiệu là nhà ma. Nhà trường cũng lúng túng, mặt khác, tòa nhà đó cũng đã quá cũ kỹ, không còn thích hợp để dạy học nữa, cho nên ra lệnh cấm sinh viên ra vào”.
“Thì ra đó là nguyên nhân sâu xa…”
Vẻ mặt Cao Huyền có phần bức xúc: “Đừng nên tin vào những chuyện đó. Không hề có chuyện nhà ma gì cả. Anh đã từng học ở đó, nó chỉ là khu nhà lớp học cũ kỹ mà thôi”.
Xuân Vũ im lặng một hồi, cô bỗng nhớ đến cái câu hỏi oái oăm kia, bèn bình thản hỏi: “Anh có biết địa ngục tầng thứ 19 là gì không?”.
Cao Huyền quá ngạc nhiên lắc đầu: “Anh nhận thấy em luôn nói ra những câu đầy bất ngờ. Thực ra mấy hôm nay anh cũng luôn nghĩ về câu hỏi này. Nó khiến người ta đau đầu. Chỉ nghe nói 18 tầng địa ngục, vậy tầng 19 là thế nào? Là địa ngục trong địa ngục chăng?”.
“Vì thế mà hôm nọ anh cũng đến thư viện để tìm sách về địa ngục à?”
Cao Huyền đành cười cười: “Đúng là vì nguyên nhân này. Hẳn là rất trùng hợp phải không? Nếu anh không tham gia trò chơi địa ngục thì đã chẳng đến thư viện tìm sách, vả lại càng không thể làm quen với em”.
“Vậy là địa ngục đã giúp chúng ta quen nhau?”.
Xuân Vũ nói, rồi gượng cười. Chẳng rõ có phải là duyên phận không đây?
Cao Huyền bỗng nhích lại gần: “Hôm nay mời em đến vì có việc muốn nhờ em”.
“Em có thể giúp anh việc gì đây?”
“Từ hôm quen em anh thấy em có 1 khí chất rất đặc biệt, rất hợp để có mặt trong tranh sơn dầu. Anh đang chuẩn bị vẽ 1 bức tranh, nhưng không thể tìm được người mẫu phù hợp, đám sinh viên của anh cũng không đạt yêu cầu, cho nên anh muốn mời em…”.
“Làm người mẫu à?” Cô lập tức đứng lên, nét mặt không giấu nổi vẻ thất vọng. Cô thấy hơi tức giận nhưng vẫn nén được, nói: “Xin lỗi, em đang có việc bận…”.
Cao Huyền vội vã đứng dậy, cười: “Em hiểu nhầm rồi? Anh chỉ muốn mời em ngồi trước giá vẽ độ 1 giờ - đương nhiên là mặc quần áo”
Anh nói thêm câu sau khiến Xuân Vũ có phần ngượng nghịu. Cô hiểu ý Cao Huyền, cô hơi cúi đầu: “Để em nghĩ thêm đã”.
“Anh đã nghĩ cả rồi: em cứ mặc chiếc áo len này, ngồi trong 1 căn phòng u ám, ánh sáng mùa đông chiếu vào khuôn mặt…”.
Cao Huyền miêu tả, khiến Xuân Vũ mường tượng ra nội dung bức tranh. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ hiệu ăn, đúng là 1 thứ ánh sáng hoe vàng của mùa đông. Tim đập dồn dập, nhưng cô cố nén không hiện ra nét mặt, cô khẽ gật đầu.
“Anh rất cảm ơn em”.
Anh thanh toán mau lẹ, rồi cùng Xuân Vũ ra khỏi hiệu ăn. Mười phút sau, họ đến tòa nhà của khoa Mỹ Thuật. Nhiều nữ sinh chào hỏi Cao Huyền, họ cũng nhìn Xuân Vũ bằng ánh mắt ghen tỵ. Xuân Vũ chỉ biết bước theo Cao Huyền đi qua gian đại sảnh, lên 1 căn phòng làm việc ở tầng trên. Căn phòng này hơi chật, trổ một cửa sổ nho nhỏ, ánh sáng bên ngoài chiếu qua cửa sổ, rọi lên tường bên kia một ô sáng hình vuông. Trong phòng chỉ toàn mùi thuốc vẽ, khiến Xuân Vũ phải đưa tay lên che mũi. Có khá nhiều giá vẽ đang dựng trong phòng, phần lớn là các bức tranh chưa vẽ xong. Có lẽ Cao Huyền không vẽ theo lối hậu hiện đại mà vẽ theo quy tắc chính thống. Phần lớn các nhân vật đều mặc y phục hoặc là tranh vẽ theo phong cách cổ điển Châu Âu.
Anh nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, phòng này quá nhỏ, nhưng…”
“Đây là phòng vẽ của nghệ sĩ à?”.
“Không dám nói là nghệ sĩ gì cả, chỉ là 1 anh thợ dạy vẽ mà thôi”.
Anh tắt bỏ mấy ngọn đèn, căn phòng bỗng tối hẳn đi, ô ánh sáng chiếu vào phòng trông càng rõ hơn. Anh để Xuân Vũ ngồi trên một chiếc ghế, sao cho ánh mặt trời hắt vào chiếu sáng khuôn mặt của cô. Trong không gian mờ tối, ánh mặt trời mùa đông dìu dịu hắt vào qua ô cửa sổ vuông, chiếu vào khuôn mặt của Xuân Vũ như luồng sáng chiếu phim. Làn da của Xuân Vũ sáng mịn khác thường, ánh sáng như những hạt sương nhảy nhót trên vầng trán, biến thành 1 cảnh tượng kỳ ảo. Chiếc áo len cũng rất hài hòa với mái tóc và làn da trắng, khiến toàn thân toát lên 1 vẻ nhàn nhã êm dịu, như 1 nữ thánh giáng trần trong cõi mộng. Cao Huyền bố trí giá vẽ, cọ vẽ và thuốc màu nhưng sau 1 hồi lâu mà anh vẫn chưa bắt đầu, mà chỉ chăm chú nhìn Xuân Vũ. Cho đến lúc cô hầu như không ngồi yên được nữa, anh mới giơ tay ra hiệu, rồi bắt đầu phác họa các nét cơ bản. Bức tranh không lớn, mỗi chiều chỉ độ 50 cm, cho nên nhiều nhất chỉ là vẽ chân dung từ ngực trở lên. Rất nhanh, anh đã phác thảo xong: 1 thiếu nữ ngồi trong căn phòng nhỏ đã xuất hiện trên mặt giấy vẽ. Các nét bút chì đã hoàn thành, anh bắt đầu tô màu. Ánh sáng mùa đông đang lan tỏa trên mặt Xuân Vũ khiến anh liên tưởng đến tác phẩm nào đó của thời kỳ phục hưng. Nền âm u phía sau cô lại càng giống với phong cách của Rembrendt, ánh sáng rọi vào căn phòng nhỏ đã tạo nên sự tương phản mạnh mẽ, vận dụng ánh sáng thành công là điểm hệ trọng của tác phẩm hội họa. Hai giờ đồng hồ đã trôi qua. Xuân Vũ vẫn lặng lẽ ngồi đó, không rõ Cao Huyền cần bao nhiêu thời gian nhưng cô ngoài thở hít và chớp mắt ra, thì chỉ có thể gắng giữ nguyên tư thế bất động. Cao Huyền vẽ nhanh khác thường, anh sắp xong, nhưng ánh sáng đã không còn nữa. Anh nhìn ra ngoài, thấy trời đã sẫm lại. Nhưng không sao, bức tranh vẫn có thể hoàn thành. Anh nhìn vào mắt Xuân Vũ, hoàn thành những nét vẽ cuối cùng. Rồi anh ném cây cọ xuống sàn, thở phào như trút được gánh nặng: “Tuyệt quá, em thật giống 1 nữ thánh”.
Xuân Vũ thận trọng hỏi: “Em đã đứng dậy được chưa?”.
“Đương nhiên, đã xong rồi mà”.
Chân cô tê dại, đờ ra không đứng lên được. Cao Huyền vội đến đỡ cô. Xuân Vũ như thấy có trăm nghìn con kiến đang bò khắp hai chân, cô xoa nắn hồi lâu mới trở lại bình thường. Rồi cô từ từ bước đến trước giá vẽ và thấy mình trong bức tranh. May sao Cao Huyền không vẽ cô thành tranh trừu tượng, cô gái trong tranh vẫn hệt như Xuân Vũ với khuôn mặt và các đường nét đều khắc chính xác, màu sắc cũng rất hài hòa. Đây là bức tranh sơn dầu theo chủ nghĩa cổ điển, mang phong cách hiện thực, chỉ khác là nhân vật trong tranh có khuôn mặt thiếu nữ Trung Quốc. Phải nói rằng nét đặc sắc là việc vận dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tỏa trên khuôn mặt Xuân Vũ. Cô trầm trồ: “Anh vẽ đẹp quá”.
Cao Huyền hơi có vẻ đắc ý: “Bức tranh này không lớn, nhưng anh cảm thấy trong mấy tháng qua, đây là bức tranh anh tâm đắc nhất”.
Nhưng Xuân Vũ lại hỏi: “Thật thế không?”.
“Tất nhiên rồi”. Cao Huyên mỉm cười, lắc đầu. “Em thật là khác thường. Em biết không, các nữ sinh viên của anh thường nói ngọt ngào lấy lòng và nhìn anh bằng ánh mắt tình tứ, cứ thế mãi, anh thấy quá ngán ngẩm. Chỉ có em là khác thường, ánh mắt và lời nói của em đều lành lạnh, cứ như chú nai nhỏ dễ bị sợ hãi, thường phải cảnh giác với bọn dã thú trong rừng sâu”.
“Anh nói mình là dã thú trong vườn?”.
“Có lẽ thế cũng nên”.
Cao Huyền thu dọn các vật dụng, rồi đưa Xuân Vũ ra khỏi căn phòng. Khi rời khu nhà của khoa Mỹ Thuật, Xuân Vũ chỉ cúi đầu bước đi, cố tránh bị người khác nhìn thấy. Khi hai người bước ra đến cửa, thì thấy thời tiết đã thay đổi, cách đây hai giờ vẫn còn ấm áp, lúc này thì lại lâm thâm mưa phùn. Cao Huyền nói: “Để anh vào lấy cho em cái ô”.
“Không cần ạ, em chạy về là được mà”.
“Thế thì sẽ ướt hết cái áo len đẹp thế này”.
Không chờ cô trả lời, anh đã quay người chạy vào trong. Chỉ vài phút sau anh đã chạy ra, tay cầm hai chiếc ô. Anh đưa cho Xuân Vũ một chiếc, nói: “Anh sẽ tiễn em về”.
Lần này thì cô không từ chối, hai người giương ô rồi bước đi dưới làn mưa giăng giăng. Thả bộ trong mưa, Xuân Vũ bỗng nhớ đến một cảnh trong bộ phim Hàn Quốc “yêu, là ý trời”. Nhưng cô vội dừng ngay ý nghĩ lan man này lại, vì chàng trai đi cạnh dù sao cũng là 1 thầy giáo trong trường. Từ khoa Mỹ Thuật về đến ký túc xá của cô, phải đi khá xa. Hình như Cao Huyền lại rất thích trận mưa này, anh lẩm bẩm: “Mùa đông mà mưa còn quý hơn cả nắng ấm”.
“Vâng, mùa đông rất ít mưa”.
Xuân Vũ chỉ đáp lại có vậy, im lặng. Họ đi trong mưa chừng nửa giờ, rồi lại đến khu ký túc xá của Xuân Vũ. Cao Huyền cũng rất có chừng mực, anh dừng lại, vẫy tay chào Xuân Vũ: “Hôm nay em đã giúp anh rất nhiều, rất cảm ơn em”.
Xuân Vũ gật đầu, đưa trả anh chiếc ô, nói: “Cảm ơn anh đã cho em mượn”.
Nói rồi cô bước lên cầu thang. Vừa nãy ở đầu cầu thang có vài nữ sinh hình như có biết Cao Huyền, các cô ghé tai nhau thì thầm. Thì ra thầy Cao Huyền ở khoa Mỹ thuật, có tiếng là điển trai, các cô gái đã biết từ lâu, hễ nhìn thấy anh, họ đều phấn chấn cứ như là nhìn thấy minh tinh màn bạc. Nhưng lần này ai cũng có vẻ kém vui, vì Cao Huyền đến tiễn Xuân Vũ, lại đưa tiễn trong làn mưa lãng mạn. Các cô em chỉ biết nhìn Xuân Vũ bằng ánh mắt ghen tị. Xuân Vũ đã lên đến hành lang trên gác, cô nhìn qua cửa sổ, không thấy bóng dáng Cao Huyền đâu nữa, chỉ thấy 1 màn mưa mờ ảo…
Buổi tối. Những hạt mưa ngày đông tí tách rơi trên tấm phên che. Anh cảnh sát Diệp Tiêu đang đi đi lại lại trước cửa sổ nhà mình, nhìn thành phố chìm trong mưa. Anh hít thở trước ô cửa kính, một làn hơi nước bám trên kính, mờ mịt, chẳng khác gì sự bế tắc anh đang gặp trong mấy hôm nay. Đó chỉ là 1 vụ tự sát trong trường đại học, nghe nói rất có thể là do thất tình rồi cô sinh viên ấy nghĩ quẩn, phía cảnh sát không cần thiết phải điều tra nữa. Tuy nhiên, sự xuất hiện bất chợt của Xuân Vũ và mẩu tin nhắn kỳ lạ trong di dộng của nạn nhân để lại đều khiến Diệp Tiêu băn khoăn không yên. Anh quay lại bàn làm việc, trên cuốn sổ tay có hàng chữ số: xxxxx741111. Sáng tinh mơ hôm qua, anh không nén nổi tò mò nữa đã gửi tin nhắn cho số máy này và được câu trả lời: “Bạn có biết địa ngục tầng thứ 19 là gì không?”.
Từ đó anh bị cuốn vào 1 trò chơi quái dị, bước vào tầng 1 địa ngục, nhưng anh đã tắt di động, không tiếp tục nữa. Sáng nay anh đã trả lại nhà trường chiếc máy di động của Tố Lan, nhưng suốt 1 ngày đầu óc anh vẫn hiện lên cái số máy này. Liệu phía sau nó có ẩn chứa điều bí mật gì? Khỏi cần nhìn nữa, hàng chữ vẫn hiện lên ngay trước mắt anh, cứ như 1 chuỗi mật mã. Diệp Tiêu chợt nghĩ đến vụ án mạng với 5 chữ “Thần đang dõi nhìn người” - cũng là 1 thứ ám hiệu dùng chữ viết làm mật mã. Liệu mình có thể làm ngược lại không? Anh nhẩm 1 lượt xxxxx741111. Năm ký hiệu đầu tiên coi như bỏ trống, vô nghĩa. Vấn đề nằm ở sáu số 741111. Khi theo học Đại học công an, Diệp Tiêu đã từng học 1 ít kiến thức về môn “mật mã”, giả sử tuơng ứng với chữ cái tiếng Anh thì cách bố trí đơn giản nhất là: A=O, B=1, C=2, D=3… cứ thế đến chứ Z=25. Đúng 26 chữ cái tiếng Anh thay thế và các chữ số từ 0 đến 25 thay thế cho nhau là 1 cách đơn giản nhất để lập các ám hiệu hoặc mật mã. Nếu thế thì, dùng các chữ cái theo thứ tự quy ước này để giải hàng chữ số 741111. Tức là 7=H, 4=E, 1=B741111 tương đương HEBBBB, nhưng có liền 4 chữ B là vô nghĩa về mặt ngữ âm. Anh lại thử khác; anh ghép 2 số lại để thay thế bằng 1 chữ cái. Giả thiết rằng thay thế theo nguyên tắc cũ để lập ám hiệu thì số 74, 41 không thể thay thế nổi, vì số lượng chữ cái Tiếng Anh không vượt quá số 26. Trong con số 741111 chỉ có số 11 là chữ số có 2 đơn vị nhỏ hơn 26. Nó tương đương chữ cái “L”. Ngoài nhóm chữ cái trên, Diệp Tiêu lại thử tách thay thế thành các nhóm chữ cái: 7,4,1,1,11= HEBBL. 7,4,1,11,1= HELBB. 7,4,11,1,1= HELBB. 7,4,11,11=HELL.
Anh quan sát các nhóm chữ cái rồi đọc theo kiểu Tiếng Anh: “HEBBL,HEBLB,HELBB…” Ba nhóm này không thể gộp lại để có được một từ tiếng Anh. Chỉ có nhóm chữ cái cuối cùng: “HELL”. Diệp Tiêu đọc lên và hiểu ngay ý nghĩa của từ này: Địa Ngục.
Thành công rồi, anh đã nhận ra điều huyền diệu ở các chữ số này: 741111= HELL= Địa ngục. Không rõ vì sợ hãi hay vì hưng phấn, Diệp Tiêu thấy trán hơi lấm tấm mồ hôi. Anh bật máy tính, mở cuốn từ điển Kim Sơn Từ Bá để tra cứu. Từ HELL được giải nghĩa là Địa ngục, ngoài ra còn có các nghĩa khác là: chốn khổ đau, âm ty, người ở địa ngục, mắng nhiếc, say khướt, chạy như bay, đáng chết…”.
Căn phòng lúc này im ắng như nhà mồ, chỉ thấy ngoài kia mưa rả rích, lòng anh như sóng triều đang dâng trào. Anh lại cầm bút viết ra giấy: xxxxx741111. Hàng chữ này đến từ địa ngục và chính nó cũng có nghĩa là địa ngục. Tin nhắn từ địa ngục ư?
Nửa đêm, căn phòng ký túc xá tĩnh mịch. Bên ngoài cửa sổ tối mịt là mưa đông lạnh lẽo. Xuân Vũ lẳng lặng ngồi nghe những âm thanh bên ngoài ô cửa kính, tên cô có chữ Vũ, vì cô sinh vào một ngày mưa phùn. Bởi thế, từ nhỏ Xuân Vũ đã thích tiếng mưa rơi ngoài cửa sổ với những tiết tấu lúc thưa lúc mau, như những tiếng khe khẽ thì thầm đến từ nơi thiên quốc. Xuân Vũ cô đơn ngồi trên giường. Cô mới thay pin cho chiếc di động, vừa ngồi nghe mưa rơi, vừa nhìn màn hình màu xanh.
Đúng 12h đêm. Tín hiệu tin nhắn vang lên. Lại là số máy bí hiểm kia với tin nhắn: “Bạn đã vào tầng 6 địa ngục, rời khỏi khách sạn Jamaica, hãy lựa chọn: 1. Nghĩa địa của những con vật cưng, 2. Chùa Lan Nhược, 3. Lâu đài Dracula, 4. Quán cà phê Địa ngục”.
Cô lập tức chú ý đến “Nghĩa địa những con vật cưng”, mấy lần trước chưa hề nhìn thấy địa điểm này, cái tên nghe cũng rất lạ. Không nghĩ thêm nữa, cô chọn ngay “1. Nghĩa địa của những con vật cưng”.
Sau vài lần nhắn tin gửi đi, Xuân Vũ đã vào ở một ngôi nhà bên ngoài đường cái, phía sau con đường là rừng cây âm u rậm rạp, trong rừng có một nghĩa địa thật đặc biệt, chôn những con vật thân thiết của các gia đình xung quanh vùng. Xuân Vũ nuôi 1 con mèo, nó chẳng may bị ô- tô cán chết cô đem nó chôn phía sau nghĩa địa nhưng ngày hôm sau nó đã trở về cào cào ở cửa nhà cô. Sự phát triển sau này cho thấy hoàn toàn vượt qua mọi dự đoán của Xuân Vũ, đã biến thành 1 câu chuyện cực kỳ đáng sợ, mà cô lại không hề biết tác giả của câu chuyện lại là Stephen King.
Sau khi cô thoát hiểm, ra khỏi nghĩa địa các con vật cưng này, thì thấy sau lưng đầm đìa mồ hôi. Cô chưa hết kinh hãi nhìn ra cửa sổ, thấy tiếng mưa rơi nỉ non, cứ cảm thấy có 1 cái xác động vật hoặc người nào đó chôn dưới sàn nhà. Sự việc chưa kết thúc, cô trở lại tin nhắn và chọn “Quán cà phê Địa ngục”. Quả nhiên cô lại bước vào chatroom của Địa ngục và nhận ra 1 lô nick name kỳ quái. Lúc này có 1 tin nhắn gửi đến: “Mazolini muốn nói chuyện với bạn. Bạn hãy lựa chọn: 1. Đồng ý, 2. Không đồng ý”.
Cô lập tức nhớ đến tên Mazolini - họa sĩ người Ý. Cô thấy hơi tò mò nên chọn “Đồng ý”.
Chỉ vài giây sau cô nhận được tin trả lời.
Mazolini: Chào cô Tiểu Chi, cô biết mình đang ở đâu không?
Tiểu Chi? Xuân Vũ biết đây là nick name của cô. Cô trả lời luôn: “Tôi nghĩ, mình sắp nhanh chóng đi qua tầng 6 địa ngục”.
Mazolini: Cô có thấy sợ không?.
Xuân Vũ: Ông thì sao? Ông có sợ không?
Mazolini: Xin chớ nói thế. Tôi là người canh giữ địa ngục.
Xuân Vũ: Người canh giữ địa ngục? Vậy ông có biết địa ngục tầng thứ 19 là gì không?.
Mazolini: Đương nhiên.
Xuân Vũ: Hãy cho tôi biết với.
Mazolini: Sau khi cô đi qua 18 tầng địa ngục, bước vào tầng 19, thì cô sẽ biết bí mật cuối cùng này.
Xuân Vũ: Nếu tôi không qua được các tầng trước đó thì sao?
Mazolini: Thì cô chỉ có thể GAME OVER thôi.
Thấy hàng chữ GAME OVER, Xuân vũ lập tức nhớ đến cái đêm Thanh U gặp nạn. Tay cô run run ấn ngón cái trả lời: “Thanh U vì không qua được địa ngục nên mới GAME OVER phải không?”.
Thế nhưng tin nhắn gửi đi rồi, không thấy Mazolini trả lời, mà chỉ có 1 tin nhắn cho Xuân Vũ: “Bạn đã qua tầng 6 địa ngục, bước vào tầng 7”.