Chương 10
Lương tâm không thể chết

Mùa mưa năm ấy trời mưa như trút nên nước sông Nghiệt lúc nào cũng đầy. Nhiều chỗ thấp trong rừng đã bị ngập và chắc hẳn những người trong chiến khu đã di chuyển dần lên núi đóng ở những chỗ an toàn có thể tránh được sự oanh kích của máy bay. Vả lại sau trận Mậu Thân số quân trong đó không còn được bao nhiêu.
Có nhiều dấu hiệu một trận lụt lớn sẽ quét qua làng Rí vì đã hai ngày trời mưa liên tiếp.
Sáng hôm đó, một bà cụ đến chỗ Ngọc Thu bán hàng mua nửa ký cá khô rồi ngồi lại nhẩn nha nhìn mưa rơi và nói chuyện với nàng, bà cụ nói:
“Hồi đó dì tưởng chết nhưng rồi dì không chết, dì lại sống. Con biết không hồi đó dì mới ba mươi tuổi còn trẻ măng, chồng của dì đi làm ruộng thuê về úp cái nón lá trên mái chòi rồi ổng nói với dì, ‘Hôm nay tôi giết chết hai con rắn bằng cái cuốc len nhưng tôi chỉ tìm thấy có một cái đầu để đem chôn, tôi lo quá…’ Dì nói, ‘Tính ông hay lo đấy thôi.’ Sáng hôm sau dì ra lấy cái nón cho ổng ra ruộng, và cái đầu con rắn không tìm thấy cắn dì rồi dì ngả xuống như một trái cây chín muồi rụng xuống. Chồng dì và ông thầy trị rắn cắn tưởng dì đã chết và ổng chôn dì. Nhưng dì đâu có chết vì đầu một con rắn phải ăn đất và bò bằng bụng làm sao làm dì chết được; đúng không? Dì sống lại và còn sống đến hôm nay dì mới mua cá khô của con. Bà-áo-xanh sáng láng đó đã nắm lấy tay dì kéo dì ra khỏi giấc ngủ, khi dì mở mắt ra, Bà ấy chùi sạch nước bọt dính ở khoé miệng, dì ngồi dậy thấy Bà-áo-xanh đã lấy chân đạp giập đầu con-rắn-xưa mà trước đó nó đã cắn gót chân bà.”
“Dì không sợ chết sao?” Ngọc Thu hỏi như thể nàng quên ngay bà-áo-xanh, có lẽ vì trong mưa nàng nghe không rõ.
“Không, con sâu trong kén nó đâu có sợ trở thành con bướm đẹp phải không Thu, nó còn muốn nữa?”
“Dạ phải, nhưng con thấy nhiều người chết oan ức ở Huế vừa rồi thân thể họ rửa nát hôi thối làm con rất sợ, đã sáu tháng rồi mà con vẫn còn run sợ và nôn ọe khi nghĩ đến và lòng con bối rối ân hận…”
Bà cụ như không để ý mấy chữ cuối cùng trong câu nói của Ngọc Thu, bà nói tiếp:
“Nó cũng giống như chượp làm nước mắm. Trước khi có nước mắm nhỉ thơm ngon thì cá trong chượp phải thối lên và bốc mùi. Vậy nên người Việt Nam mình mới thờ cúng người chết vì sự thờ cúng đó hướng đến cái tinh hoa của ông bà tổ tiên quá cố, đến cái thiêng liêng đến cái linh quang trong họ, đến những vị thần mà họ sẽ trở thành. Trừ những người độc ác với đồng loại và tự nguyện làm công cụ cho ma quỷ thì dì không nói, còn phần lớn người chết sau một thời gian thanh luyện và nhận ơn cứu rỗi đều sẽ thành thần và sống bên cạnh chúng ta mà chúng ta không biết và không thấy như hiện giờ con thấy dì ngồi kế bên con.”
Lúc đó Ngọc Thu mới chợt nhớ cụ già này không phải người trong làng nhưng cũng không phải là lạ. Cụ giống như bà vợ của lão Thổ khi còn sống. Nhưng một tiếng sấm gầm từ xa trong mưa làm ý tưởng nàng đứt đoạn trong lúc bà cụ nói tiếp:
“Nhưng nè Thu, chỉ có người đạo Chúa (ôi con lạy Ngài!) mới biết Thần Tối cao, thần-của-các-thần mà thôi và chỉ có họ mới có lời cám ơn tối hậu, trong khi người lương chỉ biết cám ơn ông bà cha mẹ hoặc vua hiền và nguyền rủa vua ác. Và thái độ đó có cái gì đó dễ khiến người lương trở nên bạc bẽo với các thần vì quên mất Thần Tối Cao… Nhưng mà thôi, dì phải đi đây có người đang chờ dì cùng đi.”
Bà cụ nói và chỉ tay vào hướng tây trong mưa nơi có dãy nhà phố chợ nằm trên con đường trải đá sỏi dẫn ra bờ sông Nghiệt. Dù cố nhìn qua màn mưa lúc này còn thưa, Ngọc Thu cũng không trông thấy một ai.
Bà cụ đi rồi, nàng lấy gô cơm ra ăn và quyết định dọn hàng về sớm, lòng tự nhủ có nán lại cũng không bán thêm được gì trong buổi chợ chiều mưa dầm ướt át, lầy lội. Mười ngày trước, Khánh Loan đã về nghỉ hè. Sau đó ít hôm gia đình Huỳnh Hiển đã đến xin hỏi cưới Khánh Loan. Cả hai bên thống nhất hè sang năm sẽ tổ chức đám cưới cho đôi trẻ. Tình yêu kiên trì và quảng đại của Huỳnh Hiển sau cùng đã được đáp lại. Hiện tại Khánh Loan ở lại chơi với mẹ; tháng sau sẽ trở lại Đà Nẵng ở nhà bà nội để học cho xong năm cuối trường sư phạm, sau đó là theo chồng.
Thấy mẹ đang cởi nón và áo mưa ngoài hiên nhà, Khánh Loan vội bước ra phụ xách hai giỏ cói đầy hàng vào nhà rồi nói với mẹ vẻ hân hoan:
“Mẹ ơi, chị Khánh Dung đã về rồi mẹ, chị ấy cải trang và dùng căn cước giả làm con không nhận ra...”
“Có thật vậy không con. Con không gạt mẹ chứ?”
“Thật chứ, con đâu dám dối gạt mẹ. Sáng nay lúc mẹ bán hàng ở chợ, chị ấy về nhà kể chuyện với con sau đó gần đến trưa chị Dung nói qua nhà dì Mỹ Xuân tối sẽ về lại nhà mình.”
“Sao chị Dung phải vội qua nhà dì Xuân vậy?”
“Chị ấy nói để báo tin cho dì Xuân hai anh Huy Khang và Mạnh Cường vẫn còn mạnh khoẻ trong cứ.”
“Ờ cũng phải,” rồi Ngọc Thu nói tiếp, “Mẹ cám ơn Trời Phật vì sau cùng con gái của mẹ đã về; lần này mẹ sẽ không cho nó đi đâu hết.” Trên khuôn mặt buồn của người mẹ đã hiện ra một nụ cười tươi, bà nói tiếp, “Lát nữa bớt mưa con qua kêu nó về sớm để mẹ gặp chị con nghe.”
“Vâng, bây giờ mẹ thay đồ rồi nghỉ đi để con nấu bữa cơm chiều cho.”
Ngọc Thu ừ một tiếng, thay đồ rồi đến ngã lưng vào cái võng. Cái mát lạnh trong không khí mau chóng đưa nàng vào giấc ngủ, nhưng nếp nhăn căng thẳng trên khuôn mặt nàng trở nên thư giản. Nàng thấy lại trong mơ Châu phu nhân kêu nàng trên bờ sông Nghiệt sau lưng nàng cách xa một quãng là Khánh Dung đang khóc lóc gọi nàng trở lại.
Bên bếp đất đốt bằng những thanh củi khô, Khánh Loan ngồi nhìn ngọn lửa lay động chập chờn dưới nồi cơm bằng gang. Nàng khoanh tay trên đầu gối nhớ về Huỳnh Hiển. Nàng nghĩ mình đã làm đúng khi đính ước với Huỳnh Hiển ngay khi nhận được thư của Mạnh Cường mà ngày về không hẹn trước. Dĩ nhiên có một lúc có vẻ họ đã yêu nhau khi cùng nhau chống chính quyền Sàigòn nhưng sự bồng bột ấy không đủ để trở thành một tình yêu bền vững. Sáng nay khi kể lại chuyện trong cứ, chị Khánh Dung có nói khi gặp được Hoà Thượng Thích Vô Hậu trong cứ, Mạnh Cường quyết chí nối nghiệp hoà thượng, sẽ không cởi áo nhà tu để về với nàng sau này như đã hứa hẹn. Chị Dung còn kể lại câu nói mà Mạnh Cường nói riêng với Huy Khang, “Tại sao mình lại phải cởi áo nhà tu khi mình vừa có thể tu-hành-đại-khái, vừa dan díu với phụ nữ, như một thiền sư ăn thịt cầy nhưng vẫn ngang nhiên nói mình đã đạt đến chỗ phá chấp…” Rồi Khánh Loan thở dài tự nhủ, “Mình không ngờ anh ta lại thô bỉ đến thế!” sau đó nàng lại nói tiếp với mình, “Mình cũng không ngờ chị Khánh Dung vào cứ lại yêu Huy Khang và hình như chị ấy đã có thai ba tháng.”
Lúc đó Khánh Dung đang ở nhà dì Mỹ Xuân cùng với cậu út có tật chân nhưng không có dì Xuân ở nhà. Trong khi ngồi đợi, cô nghe nhạc vàng từ cái máy rađiô. Sau đó chán nhạc cô lấy một cuốn truyện tình cảm có sẵn trên bàn để đọc. Cô định sẽ thưa thật với dì Xuân về chuyện cô với Huy Khang đã thành thân trong cứ. Cô đã mang thai và sẽ về đây để sinh nở, nuôi con với cái tên giả và giấy tờ giả, đồng thời đợi ngày Huy Khang về lại khi đất nước đã hoàn toàn được “giải phóng” mà theo Huy Khang nói trước khi ra Bắc là sẽ không lâu. Cô ngồi đợi hết buổi sáng mà chưa thấy dì Mỹ Xuân về. Bên ngoài mưa vẫn rơi đều như muốn làm thối đất.
Sáng nay lúc chín giờ rưỡi Mỹ Xuân đã đội mưa lên chùa đem cho vị sư trụ trì một món chay mà đích thân nàng nấu. Kể từ khi làm lễ cầu siêu cho Võ Tấm ở chùa, nàng đã đem lòng yêu mến nhà sư ấy bởi câu an ủi của ông này:
“Thầy thấy thiện nữ không nên dính bén chuyện trần duyên nữa, vì sau ba lần xuất giá thiện nữ đều gặp cảnh tử biệt cùng chồng. Thầy nghĩ phải an ủi con trong lúc khó khăn này và những ngày sắp tới.”
“Vâng, xin cám ơn thầy,” lúc đó Mỹ Xuân đáp lại vì ba lần chồng chết đều nhờ nhà sư này cầu siêu, hình như pháp danh của ông ta là Thích Mục Nhiên.
Thật ra Thích Mục Nhiên, đã thích Mỹ Xuân từ lần đầu làm lễ cầu siêu cho Bảy Long vì nhan sắc của nàng cả sự nóng bỏng nữa, nhưng lúc đó thấy Văn Cám theo sát nàng với tình ý lộ liễu nên thôi. Vả lại lúc đó nhà chùa còn nghèo, sư chưa có nhu cầu hưởng thụ đàn bà. Năm năm sau sư có ngay một thiện nữ trẻ tuổi hơn Mỹ Xuân dù không đẹp bằng nàng. Rồi khi cô này bỏ đi lấy chồng hoặc qua xứ khác làm ăn, sư có ngay cô khác. Nhưng chỉ gần đây sư thấy cảm thương cho sự trắc trở trong hôn nhân của Mỹ Xuân. Sư quyết thực hiện câu ca dao: Dù xây chín đợt phù đồ/ Không bằng làm phước cứu cho một người.  Vả lại giờ đây sư có đủ tài chánh để bảo bọc cho nàng  Vì thế vừa qua sư đã thốt ra với nàng những lời an ủi đầy gợi ý yêu đương.
Trong phòng khách, sư nhận liễn thức ăn giao cho nhà bếp, sau đó mời Mỹ Xuân ở lại thọ trai trong trai đường từ chánh điện đi qua một hành lang có mái che. Trong lúc chờ đợi dọn ăn, sư dẫn nàng đi xem thư phòng nơi sư nghiên cứu Phật học. Thỉnh thoảng họ lại dừng lại nhìn nhau âu yếm.
Trong phòng thọ trai, Mỹ Xuân ngồi ăn chung với một người đàn bà có bà con với sư mà sư gọi bằng dì út. Ăn xong dì út cáo lui; các chú tiểu đã dọn dẹp nhà ăn và đã về phòng riêng nghỉ ngơi, hai người vẫn còn ở lại trai đường đóng kín cửa vì sợ mưa hắt nước. Trong lúc rót thêm nước trà ra tách, sư Mục Nhiên dùng ngón chân cái bên trái vẽ trên nền nhà một đường ruột gà gồm ba con số không xoắn lại với nhau kết thúc bằng một đường gợn sóng. Cùng lúc đó nhà sư  miệng nhẩm một câu thần chú cho mỗi vòng tròn mà sư dùng ngón chân khoán trên mặt đất, ám chỉ sự trống rỗng sẵn sàng của thân-khẩu-ý. Mỹ Xuân không nhận thấy điều đó vì nàng đang bận rộn với việc lột trái cam sành cho sư ăn tráng miệng.
Chỉ khi uống xong ba ngụm nước trà nàng thấy tâm trạng trống rỗng như bị hụt hẫng  nhưng lâng lâng khó tả, cùng với tâm trạng ấy là sự ham muốn lạc thú trào dâng. Mục Nhiên nắm chặt tay nàng – lúc này đã hoàn toàn thụ động – kéo xuống sàn nhà lót gạch tàu trên chính nơi sư vẽ bùa bằng ngón chân; sư nói:
“Hôm nay để thầy an ủi thiện nữ lần đầu cũng để thiện nữ biết được cái tâm của thầy dành cho thiện nữ.”
Sau đó trên tấm y dầy trải lên nền gạch tàu, Mỹ Xuân nghĩ mình sắp dâng hiến cho sư thay vì bị cưỡng dâm vì nàng không biết có bùa mê trong tách nước. Nàng nói,
“Em xin thỉnh ý thầy…xin thầy ban phước…”
Rồi hai người nam nữ bắt đầu quần thảo. Để khai mào cái đầu của nhà sư như trái banh gai lăn tròn giữa hai đùi trắng mịn của Mỹ Xuân và dừng lại trước cửa hang “cắc cớ”. Cảm giác hưng phấn ấy khiến Mỹ Xuân có ý nghĩ, “Mình sẽ dùng tình yêu để lôi kéo sư trụ trì chùa Từ Duyên theo đảng, biến ông ta thành một cán bộ trung kiên của đảng…ôi…a” Lúc đó Mục Nhiên đã đi sâu vào đối tác và gục đầu vào bộ ngực căng tròn của nàng với động tác nhịp nhàng như sóng nước vỗ bờ. Mục Nhiên nỗ lực lấp đầy sự trống rỗng và khát ái của Mỹ Xuân bằng những dòng chảy cảm xúc mạnh mẽ tràn ngập châu thân, và trong thao tác ấy tiếng họ kêu rên hỗn hễn hoà cùng tiếng mưa rả rích bên ngoài. Nhân có tiếng sét nổ sấm vang vọng lại cùng lúc với chấn động sau cùng và tột đỉnh của nhục cảm, Mỹ Xuân đã vặn mình hét lên như cọp cái (giống một thiền sư hét lớn để làm đệ tử tỉnh ngộ), còn Mục Nhiên thều thào “Như thị, như thị…”. Mỹ Xuân càng thêm sướng khoái khi qua nét mặt đối tác, dường như nàng đã làm cho chàng ngộ được một điều gì đó… Cơn mưa bên ngoài vẫn còn dai dẳng như báo hiệu một cơn lũ lớn sẽ quét qua làng này. Quan hệ vụng trộm của Mỹ Xuân với Mục Nhiên đã bắt đầu từ cơn mưa báo lũ hôm đó. Ngọn lửa ái dục trong lòng nàng được nhà sư khơi dậy để gây tàn hại cho chính nhà sư.
Đến gần ba giờ rưỡi chiều, Mỹ Xuân mới về đến nhà, trong lòng vô cùng mãn nguyện tưởng chừng đã đặt một chân vào Niết bàn dù một chân vẫn còn trong cõi tục. Mấy tháng sau Mỹ Xuân đã làm cho Mục Nhiên mê mẫn. Đó là lúc nàng bắt đầu nhuộm đỏ nhà sư. Ông này cũng đã đổi khác cách tu hành mà không hay biết. Thay vì tinh cần tu tập để đi từ chân không (của thế gian) đến diệu hữu, ông đã đảo ngược đường tu và đi từ diệu hữu (của chánh pháp) đến chân không. Những lúc khát ái với Mỹ Xuân mà nàng chưa kịp đến, ông cảm thấy xao xuyến trống rỗng. Kinh kệ chống chiêng cũng không làm tâm ông an định… 
Về đến nhà, Mỹ Xuân gặp ngay Khánh Dung đang đọc truyện. Khánh Dung không chần chừ kể cho Mỹ Xuân nghe chuyện trong cứ. Mỹ Xuân rất mừng: con trai và cháu trai của nàng vẫn còn mạnh khoẻ. Qua câu chuyện, Mỹ Xuân biết được Khánh Dung đã ăn ở với Huy Khang và trở thành dâu con của nhà này. Lúc đó Khánh Dung nói:
“Anh Khang có nhờ cháu chuyển cho dì bức thư này…”
Rồi cô lấy trong túi áo bức thư viết trên giấy tập đưa cho Mỹ Xuân. Dì Xuân vừa đọc vừa nghe dư vị của cảm giác khoái lạc còn âm vang trong người. Bức thư báo cho biết việc Mạnh Cường và Huy Khang sẽ ra Bắc một thời gian, rồi những lời quyết đoán ngày về vinh quang trong chiến thắng của  CS. v.v… Cuối cùng bức thư viết:
“Sở dĩ cháu thay anh Cường viết bức thư này vì một vấn đề riêng của cháu và Khánh Dung. Chúng cháu đã ăn ở và kết nghĩa vợ chồng; hiện nay Dung đang mang trong người một giọt máu của cháu và phải về nhà chờ ngày sinh nở. Cháu nhờ dì cùng với mẹ Khánh Dung chăm sóc cô ấy thay cháu để đến ngày sinh sẽ được mẹ tròn con vuông. Cháu rất mang ơn dì …”
Mỹ Xuân đọc xong lời chào cuối thư, mỉm cười hỏi Khánh Dung:
“Có thật cháu và thằng Huy Khang đã nên vợ chồng và cháu sắp có con không?”
“Dạ phải…” Khánh Dung bẽn lẽn nói.
“Vậy thì tốt quá, dì sẽ giúp đỡ cháu trong lúc Huy Khang vắng nhà. Cần gì thì cháu cứ chạy qua đây nói với dì. Rồi dì cũng sẽ gặp mẹ cháu để trao đổi về việc này.”
Mỹ Xuân giữ Khánh Dung ở lại cùng nấu và ăn cơm chiều mãi đến tám giờ tối Khánh Dung mới về lại nhà mẹ nàng.
@@@
“Con xin mẹ nán lại để con thưa với mẹ chuyện này…”
“Chuyện gì vậy Dung?”
“Con xin lỗi mẹ vì đã tự tiện sống chung với Huy Khang trong cứ và hiện nay con đã có thai gần ba tháng rồi mẹ.”
Ngọc Thu nghe như bị sét đánh bên tai, nàng kinh hoàng, choáng váng. Vẻ mặt thất thần ngơ ngác, âm thanh lạc giọng, nàng cố hỏi con:
Khánh Dung bàng hoàng lo sợ không hiểu phản ứng lạ lùng của mẹ, cô đáp nhỏ trong miệng:
“Dạ con của dì Đông…”
Chưa hết câu, mẹ cô đã kêu trời, hai tay đập xuống bàn gỗ mốc meo khóc lóc:
“Không được rồi con ơi, ông Trời trừng phạt mẹ rồi Dung ơi. Con và thằng Khang đó là hai anh em cùng cha khác mẹ. Cha con không phải là ông mà mẹ thờ trên gác mà chính là cha của thằng Khang…”
“Mẹ nói dối con…”
“Mẹ có lỗi vì đã không cho con biết sự việc này sớm hơn bởi mẹ không đủ can đảm và cũng không ngờ…có sự loạn luân này”
Lúc này khuôn mặt Khánh Dung đanh lại, một nỗi giận dữ trào lên cùng với lòng thù hận mẹ cô, cô nói:
“Thôi đủ rồi mẹ, con không dễ dàng buông bỏ hạnh phúc làm mẹ và làm vợ của con đâu. Ờ, loạn luân thì sao nào, cả hoàng tộc triều nhà Trần đều mắc tội loạn luân khi người trong họ lấy nhau để bảo vệ ngai vàng cho dòng họ. Đó chẳng phải là tấm gương loạn luân cho bá tánh lê dân hay sao. Thế mà bây giờ người ta chỉ nức nở khen Phật giáo Lý Trần hưng thịnh mà không chê trách sự loạn luân ấy một lời… Cứu cánh biện minh cho phương tiện mà … Hoá ra những gì Hàn Dũ nói về Phật giáo là đúng…”
Nghe con nói một hơi như phát cuồng, Ngọc Thu tuột xuống ghế quỳ trước mặt con, ôm lấy hai đầu gối con kêu xin:
“Mẹ van xin con một điều thôi: con hãy bỏ xứ này, hãy đi khỏi đây. Con muốn giữ lại hay bỏ đứa con trong bụng là tùy con nhưng con đừng bao giờ gặp lại Huy Khang nữa. Mẹ sẽ đưa con hết số tiền mẹ dành dụm để lo đám cưới cho em Loan, con cầm lấy và đi qua xứ khác …”
Rồi Ngọc Thu khóc nức nở. Nước mắt ấm làm ướt hai đầu gối của Khánh Dung. Cô này gằn giọng nói tiếp:
“Để giữ sĩ diện cho bà và chồng bà chứ gì. Sự tàn ác đi liền với sự dối trá chẳng phải là mặt trái của chính nghĩa mà bà và ông ta đã theo đuổi hay sao?”
“Không phải vậy đâu, mẹ và ông ấy đều lầm…” Ngọc Thu càng nức nở, “Mẹ van xin con đây: con người có thể chết, nhưng lương tâm không thể chết. Liệu con có hạnh phúc không khi phẩm giá và lương tâm trở thành bữa tiệc cho bầy quỷ dữ…”.
Sau đó là một khoảng khắc yên lặng đáng sợ giữa hai người trong lúc cơn mưa ngoài trời đêm mỗi lúc một to và hình như nước đã tràn vào nhà bếp. Sau cùng, Khánh Dung đứng phắt dậy khiến mẹ cô bật ngữa, ngồi bệt xuống sàn nhà, cô xẵng giọng nói:
“Được rồi, tôi sẽ đi khỏi làng này, tôi sẽ lấy chồng khác cho bà vui lòng, nếu không ai thèm lấy tôi, tôi sẽ đi làm đĩ cho bà vui lòng. Nhưng từ nay tôi cấm bà nhắc đến chuyện này với bất kỳ ai.”
Rồi cô vào phòng nơi Khánh Loan đang ngủ say, gài chặt cửa lại, sùi sụt khóc trong bóng đêm. Một lúc sau cô nghe thấy tiếng mẹ cô chậm chạp đi lên gác, và tất cả chìm vào im lặng ngoài tiếng mưa đêm to dần cùng gió mạnh.
Sáng hôm sau khi Khánh Loan dậy, cô thấy nước lũ đã ngập vào nhà đến nửa ống chân. Đã hẳn cả làng đang bị lũ lụt vì nhà cô ở nơi tương đối cao ráo trong làng. Cô chạy lên gác gỗ nơi có đặt bàn thờ của cha cô để tìm mẹ cô. Bà không có trên đó, vậy bà đi đâu? Cô chạy xuống kêu chị cô mà tối hôm qua đã gặp ác mộng vì có lúc Khánh Dung đã kêu ú ớ như khóc và quơ đập vào người cô.
Khánh Dung uể oải thức dậy và tái mặt khi nghe nói mẹ cô không có trong nhà. Hai người vội bê bao gạo và ít lương thực đem lên gác để tránh lũ lụt rồi chạy ra cổng rào. Lúc đó một chiếc ca-nô nhựa cấp cứu chạy qua. Khánh Loan kêu lại và nói với bốn thanh niên mặc áo mưa trên ca-nô,
“Bà tên gì, bao nhiêu tuổi rồi?” một thanh niên trên ca-nô hỏi.
“Dạ tên Ngọc Thu, ngoài bốn mươi tuổi rồi.”
“Thôi được các cô vào nhà đi chờ thuyền cứu nạn đưa đến đồi Keo. Tụi tôi sẽ báo các nơi tìm mẹ cô cho,” thanh niên đó đáp lại, trong lúc một thanh niên khác nói:
“Như vậy làng này có năm trường hợp mất tích trong lũ, hai thiếu niên, hai người già và mẹ cô này.”
Chiếc ca-nô sau đó chạy về hướng bờ sông tìm người. Chiều hôm đó hai chị em Khánh Dung và Khánh Loan được thuyền cứu nạn đưa đến đồi Keo, một nửa làng đã được đưa đến đó tránh lụt. Ngay chiều hôm đó thức ăn cứu trợ cũng đã được mang đến.
Hôm sau buổi chiều trời bắt đầu ngừng mưa, Huỳnh Hiển theo phái đoàn cứu trợ của tỉnh cũng đã đến, theo một chiếc trực thăng chở lương thực. Khánh Loan mừng gặp lại chàng, mắt rưng rưng lệ, nàng nói với vị hôn phu:
“Mẹ em mất tích hai ngày rồi anh ơi, lúc nước bắt đầu ngập cả làng.”
“Mấy chiếc ca-nô cấp cứu chưa báo lại gì sao?” Huỳnh Hiển băn khoăn hỏi,
“Dạ  chưa ”
Chàng rời nàng đi bộ về chỗ trực thăng đậu. Trong lòng chàng một mối thương cảm dâng lên dào dạt khi gặp lại Khánh Loan giữa cảnh thiên tai trong đồ bộ cũ nát, đầu tóc rối tung và khuôn mặt thảm sầu, hoàn toàn khác với cô dâu điểm trang xinh đẹp trong đám hỏi vừa qua. Đây cũng là lần đâu chàng gặp lại chị Khánh Dung kể từ ngày chàng theo gia đình về Đà Nẵng. Một lát sau chàng quay lại thở dài nói với người yêu:
“Ở huyện nói đội cấp cứu chưa có báo cáo gì về trường hợp của mẹ em, ngoài trường hợp vớt được ba thiếu niên bị nước cuốn đi, hiện nay mấy ca nô cấp cứu vẫn còn tiếp tục tìm kiếm.”
Hai chị em bàng hoàng khi nghe có ba thiếu niên đã chết trong trận lụt. Một lúc sau khi việc chuyển hàng cứu trợ khỏi máy bay trực thăng đã làm xong, Huỳnh Hiển nói cùng Khánh Loan:
“Anh phải về thị xã, sáng mai anh lại xuống nếu không có máy bay anh sẽ theo ca-nô xuống đây cùng em đi tìm mẹ.” nói xong chàng và Khánh Loan lưu luyến chia tay.
Trưa hôm sau lúc nước lũ bắt đầu giựt xuống, Huỳnh Hiển đến trên một ca-nô có hai thanh niên cùng đi. Chàng chạy lên đồi kéo Khánh loan cùng đi theo. Chiếc ca-nô chạy ra hướng bờ sông. Qua một khúc quanh sông, một thanh niên trên thuyền thấy bồng bềnh trên mặt nước cái áo màu xanh ngọc ở một cái cọc ngư dân dùng để đóng vó. Ca-nô chạy chậm lại ghé vào. Một thanh niên có mặc áo phao nhảy xuống bơi lại gần. Đó là xác chết một phụ nữ nằm ngữa mặt trên mặt nước đã bắt đầu chương phình. Khánh Loan nhận ra ngay mẹ cô, cô gào khóc, định nhào xuống nước nhưng Huỳnh Hiển đã kịp thới giữ lại, “Mẹ ơi, làm sao mẹ lại ra nông nỗi này…” Ngọc Thu đã được vớt lên ngay chính chỗ mà Châu phu nhân ngày trước được dân làng vớt lên từ bè tre thả trôi sông. Chiếc ca-nô đưa xác về đồi Keo, tẩn liệm vào quan tài, chờ khi nước rút sẽ đưa về chôn trong vườn nhà của gia đình. Hai cô con gái của người chết khóc lóc thảm thiết, người quen biết trong làng, đặc biệt gia đình Mỹ Xuân thay phiên nhau an ủi. Mỹ Xuân nói riêng với Khánh Dung:
“Hay là sau đám tang con qua nhà dì ở cho tiện việc dì chăm sóc cho con…”
Khánh Dung ậm ừ không nói. Một vài người quen lớn tuổi trong làng nói:
Hai ngày sau ngay khi nước vừa rút xuống đễ lộ mặt đất, quan tài được đưa về nhà. Huyệt đã đào bên hông nhà cách nhà năm thước nhưng đã mau chóng thành một hố nước. Hôm mai táng, đạo tì tát nước dưới huyệt lên trước khi hạ quan tài xuống, nhưng chỉ một vài phút sau nước trong huyệt lại dâng lên. Sau cùng hai anh đạo tì phải đứng hẳn trên nắp quan tài đè xuống trong lúc ba anh khác lấy những bao cát chất lên để quan tài chìm xuống đẩy nước từ đáy huyệt tràn ra. Sau đó năm thanh niên vội vàng xúc đất ướt lấp lên quan tài, làm thành một nấm đất nhỏ trên cắm một bia mộ tạm bằng gỗ sơn chữ. Khánh Loan khóc lóc nức nở, còn Khánh Dung sụt sùi, dường như cô còn sững sờ không hiểu tại sao cô vừa về đến nhà có mấy ngày, tai nạn đã xảy đến với mẹ cô. Khi đã chôn cất xong người chết, những láng giềng cũng lặng lẽ rút lui. Mỹ Xuân đi cùng em trai út khập khiễng đến dự lễ mai táng cho người bạn gái, trên đường về vừa lau nước mắt vừa tự nhủ, “Mình có nên cho Đức Lai ở Côn đảo biết tin này không, hẳn nó sẽ buồn vô hạn khi được tin Ngọc Thu bị chết trôi trong trận lụt…”. Rồi Mỹ Xuân nghĩ bụng, “Tối nay mình sẽ đến chùa Từ Duyên để sư Mục Nhiên an ủi mình trong nỗi đau buồn mất người bạn gái thân thiết từ khi còn là con gái … Ôi thật tuyệt vời khi cùng với những lời an ủi đại loại sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh khỏi, thầy sẽ dìu mình vào khoái lạc giữa cảnh tịch mịch của không môn ngào ngạt hương trầm…”
Huỳnh Hiển ở lại với hai chị em đến chiều rồi theo xe làm công tác về lại Đà Nẵng. Tối hôm đó khi thắp nhang và cúng cơm cho mẹ trên gác, Khánh Dung chợt thấy dưới chân bàn thờ một tờ giấy học trò với nét chữ của mẹ cô. Cô cầm lên, bàn tay run run, đọc bức thư tuyệt mệnh mà mẹ cô đã để lại cho cô trong đó có đoạn viết:
Dung ơi, mẹ có lỗi khi không cho con biết sự thật về con sớm hơn[…] Thời gian gần đây, mẹ như người mất trí nhất là sau khi nhìn thấy cảnh tàn sát dân thường dã man ở Huế. Rồi mẹ hiểu ra rằng trước đây mẹ, cha con và cha Loan đã mắc nhiều sai lầm bắt đầu từ khi mẹ và các bạn của mẹ đã “xe duyên lầm tướng cướp”. Và mẹ chỉ muốn chết vì chỉ có cái chết mẹ mới bày tỏ hết lòng mẹ yêu thương các con đến mức độ nào, cả lòng yêu thương mà mẹ luôn có với các bạn cùng một thế hệ với mẹ vì xét cho cùng họ đều là nạn nhân của một ý thức hệ tàn bạo […] Tập đoàn thống trị ở Hà Nội đã hiến thân làm tỳ thiếp cho Nga- Tầu mà hai tên ác ôn  này không phải mất tiền cưới hỏi.
[…] Bây giờ mẹ sắp đi tìm cái chết trong dòng sông Nghiệt để tự giải oan và lời sau cùng mẹ van xin con là con hãy đi thật xa khỏi mảnh đất bị nguyền rủa này, hãy quên quá khứ của con đi vì nó đã bị hoen ố bởi lòng thù hận mà mẹ thấy rất rõ qua việc “họ” tàn sát đồng bào vô tội ở Huế. Có như thế mẹ mới yên lòng ở bên kia thế giới. […] Mẹ hôn hai con và nói lời vĩnh biệt.
Sáng hôm sau cô giật mình tỉnh dậy khi trời còn mờ sáng, cô đi xuống chợ huyện đến tiệm thuốc bắc và trở về đi thẳng lên gác trong lúc em cô Khánh Loan đang giặt giũ và dọn dẹp rác bẩn tràn vào nhà trong cơn lũ vừa qua. Nửa giờ sau khi nghe tiếng kêu rên, Khánh Loan chạy lên và trước mắt cô này là chị cô quần bê bết máu, đang ôm bụng quằn quại.
“Chị sao vậy, sao máu me đầy quần thế này”
Khánh Dung mà khuôn mặt đã tái nhợt, trán vã mồ hôi nhớp nháp, thều thào nói:
“Chị phá thai trong bụng chị?”
“Tại sao chị lại làm điều hung ác đó?”
“Vì mẹ nói chị và Huy Khang là hai anh em ruột. Em đọc đi…”
Khánh Dung lấy bức thư từ túi áo đưa cho em. Đọc xong cô này thở dài nói:
“Thế này là thế nào hỡi Trời… Nhưng bây giờ em phải kêu bà mụ ở trạm xá đến để giúp chị cầm máu. Chị không được làm điều gì rồ dại nữa đấy.” Nói xong cô đi ra dắt chiếc xe đạp dính đầy bùn vì lũ, may mà còn chạy được.
Nửa giờ sau Khánh Loan cùng với bà mụ đến nhà. Bà lau rửa và trong một miếng bông to Khánh Loan trông thấy một cục thịt đỏ máu, nhây nhớt, lợn cợn. Bà mụ vừa làm vệ sinh vừa nói:
“Cô ăn uống và đi đứng thế nào mà cái thai bị hư như thế này?”
Hai chị em đều làm thinh không nói. Bà mụ nhanh nhẩu nói tiếp:
“À tôi biết rồi, mẹ vừa mất nên buồn khổ mới ra nông nổi này chứ gì?”
Hai chị em lại im lặng. Khánh Dung rên khẻ vì đau đớn không đủ hơi sức để trả lời. Khánh Loan chưa hết bàng hoàng, ngơ ngác trước những tai ương dồn dập trong một tuần qua.
@@@
Sau đó đúng một tuần, hai chị em khóa cửa nhà giao chìa khóa cho dì Mỹ Xuân, đồng thời nhờ em út của Mỹ Xuân xây mộ cho mẹ bằng xi măng, với tấm bia đúc chắc chắn, rồi cả hai quay về Đà Nẵng ở nhà bà nội Khánh Loan. Cả nhà bà Trình mừng rỡ khi đứa “cháu gái” Khánh Dung đã bỏ cứ về thành dù có buồn cho hai cháu bị mất mẹ bởi thiên tai. Khánh Dung còn nói sẽ về Sài gòn sống cho xa cái quá khứ làm VC của cô. Chú út Tuấn Nghĩa viết một thư tay gởi gắm cháu gái Khánh Dung cho một người bạn làm giám học của trường Sao Mai, một trường tư ở Sài gòn. Khánh Dung đã gặp may vì có nhiều cô gái từ quê lên thành phố tránh chiến tranh phải làm những công việc xấu như gái bán ba, vũ nữ, hoặc những việc bậy bạ khác.
Đến đất Sài gòn, Khánh Dung được nhận ngay vào làm cô giáo cho trường Sao Mai. Sau một năm đã ổn định công việc, cô dành buổi tối để đi học thêm Anh văn tại một trung tâm Anh ngữ, ở đây cô đã gặp John Castor, một trung úy da màu trong ban giáo viên của trung tâm. Anh cũng là người của cơ quan USAID. Họ đã yêu nhau và lấy nhau sau đó hai năm.
Phần Khánh Loan cũng đã thành hôn với Huỳnh Hiển. Ngày cưới của họ phải dời lại bốn tháng sau giỗ đầu của Ngọc Thu, để Khánh Loan có thể giữ tang chí ít là tròn một năm. Vâng, đó là hai gia đình mới và chúng ta cầu mong họ hạnh phúc giữa một đất nước mà chiến tranh và lòng thù hận đã trở thành “di căn” từ thời Trịnh – Nguyễn. Và phải chăng một biểu hiện rõ nhất của lòng thù hận ấy là việc Gia Long cho đào mộ vua Quang Trung và làm nhục thi hài của ông vua vắn số này. Và phải chăng, tiếng những cái chày giã xuống xương cốt của thi hài ấy còn vang lên đâu đó trên đầu người dân Việt hôm nay.