Chương 2
Cưới hỏi

Phú hộ Lê Đối năm đó làm hai đám cưới cho con. Đầu năm ông cưới vợ cho Lê Ngát, cuối năm ông cưới vợ cho Lê Bát. Ông thấy như thế là tròn bổn phận làm cha khi lo cho hai con trai được yên bề gia thất, sau khi đã góp số tiền lớn nhất xây chùa Từ Duyên để chiều chiều trong làng tiếng chuông công phu vang vọng cùng tiếng kinh ê a sớm tối như tiếng Đối vọng cổ cho lối xóm quanh chùa. Sau đó ông cũng đã góp số tiền lớn nhất để xây đình, thờ chung một thành hoàng của làng chài. Hôm rước bài vị (phiên bản) từ làng chài qua làng Rí, cả một khúc sông cờ xí đuôi nheo ngũ sắc rợp trời, trống chiêng inh ỏi. Dòng sông hôm đó như một cô gái điểm trang mừng ngày hội lớn…
Còn con Miều nữ sinh ngoại tộc, được người nào đàng hoàng đến hỏi ông sẽ gả ngay, không đòi phải giàu sang phú quý. Tháng rồi có người từ Thạnh Mỹ, con của một nhà nho khoa bảng đến ngầm coi mắt nó hẹn hai năm nữa sẽ đến xin hỏi cưới.
Cả hai đám cưới Thầy Trình đều được mời tham dự. Lần này đám cưới của Lê Bát, thầy Trình mặc áo dài đội khăn đóng, tay cầm quạt xếp chậm chạp bước đi, theo sau có người con trai thứ, Tuấn Nhơn một thanh niên mới lớn được cha cho đi theo để học biết lễ nghĩa vì trước khi ăn tiệc cưới có một vài nghi thức trước bàn thờ tổ tiên mà Thầy Trình là người chủ sự. Ông là người làm cầu nối cho hai bên thông gia nói chuyện. Sau phần nghi thức thắp nến, đốt hương, dâng bánh trái rượu trầu cau, cáo việc hôn sự cho ông bà tổ tiên đã khuất, mời rượu lễ cha mẹ hai bên, cô dâu và chú rể từ bàn thờ quay ra chào hai họ và bữa tiệc bắt đầu.
Trong suốt thời gian đó, Thầy Trình đứng bên cạnh bàn thờ nhắc cho đôi trẻ và cả hai ông xui gia những động tác phải làm. Lúc đó khách mời mới thấy được khuôn mặt xinh xắn của cô dâu Kim Thản, con gái một cựu hương chức trong làng chài. Cô mặc cặp áo dài hồng hai lớp, áo ngoài đính hạt cườm làm thân thể cô thêm mẩy mượt, sung mãn. Khuôn mặt xinh tươi của cô được điểm trang màu đậm tạo ấn tượng cho đôi môi dầy và mắt hai mí có hàng lông mi đen đậm. Chú rể đeo cà vạt rất tự hào về tân nương xinh đẹp của mình.
Trong bữa tiệc mọi người ngồi đúng vị trí của mình theo tuổi tác, cương vị trong dòng tộc, và tôn ti trong xã hội. Tuấn Nhơn ngồi cùng bàn với các bạn trang lứa như các cô Ngọc Thu, Mỹ Xuân, các anh Huy Phụng, Bảy Long, và mấy thanh niên khác đều là những người ở lứa tuổi của cô dâu và chú rể, nhưng họ chưa lập gia đình. Bảy Long thân hình cao to như Tây thường đeo theo Mỹ Xuân tán tỉnh. Mỹ Xuân mắt dài, mí lót trên khuôn mặt trái soan đến dự đám với em gái là Mỹ Đông ngồi ở bàn khác gần bậu cửa. Phần Ngọc Thu dung nhan sắc sảo với đôi mắt là răm, đôi môi trái tim và mũi dọc dừa thỉnh thoảng hướng ánh mắt nóng bỏng vào Huy Phụng, một thanh niên cao ráo xuất thân từ một gia đình hai đời làm tá điền cho địa chủ họ Lê. Trong lúc Tuấn Nhơn thỉnh thoảng cũng liếc nhìn khuôn mặt xinh đẹp đầy sức gợi cảm của Ngọc Thu.
Vâng, nhìn nhan sắc bên ngoài người ta có thể cảm thấy Ngọc Thu tràn đầy sức sống. Nhưng lúc đó sức sống thể hiện ngầm bằng một nỗi rạo rực và bối rối trong lòng khi đối diện với người mà cô thầm yêu là Huy Phụng. Anh này vừa giỏi việc đồng áng vừa tháo vác lại có chí tiến thủ. Trước đây mặc dù đã quá tuổi đi học anh cũng cố gắng đến trường làng những ngày việc nông rảnh rỗi. Có khi anh còn đem sách ra đồng ngồi học dưới những cây trứng cá, có đứa học trò nào đi học ngang qua, anh chận chúng lại hỏi bài và để trả công anh chuẩn bị sẵn một ít trái cây như chuối, vú sữa, na, quít mà anh lấy từ cái đĩa to trên bàn thờ họ Lê lúc nào cũng có đầy hoa quả. Một con người có chí như thế làm cho Ngọc Thu cảm phục. Cho nên cô không lạ khi mỗi lần gặp nhau ngoài ruộng hay trên đường làng, mặt cô đỏ bừng lên và lòng cô rung lên như một sợi dây đàn được bàn tay nhạc sĩ tài ba nắn nót một vài âm thanh gợi nhớ.
Dĩ nhiên Tuấn Nhơn có cái học căn bản hơn và trình độ cao hơn. Ngoài chữ quốc ngữ và chữ nho mà đích thân cha anh tức thầy Trình giảng dạy, anh còn biết một ít chữ Pháp học của thầy Thiết Trọng. Nhưng anh không cường tráng khoẻ mạnh bằng Huy Phụng. Nước da anh trắng xanh và một cái nhìn mênh mông xa vắng như một người cùng lúc nhìn hai nơi, một nơi trước mặt và một nơi khuất mặt. Có vẻ anh muốn nói một câu nào đó với Ngọc Thu nhưng thôi vì sợ đánh mất vẻ nghiêm túc thường ngày: trong nhà anh là người nghiêm cẩn nhất trái ngược với tính nết rất tự nhiên và thoải mái của đứa em trai út là Tuấn Nghĩa không có mặt trong bữa tiệc này. Dĩ nhiên các bạn cùng bàn cũng nói chuyện rôm rả như khen cô dâu chú rể, khen dì Tám Hợi và dì Út Như chỉ huy mấy bà láng giềng nấu tiệc rất ngon và vừa miệng. Nhưng có lẽ những điều canh cánh trong lòng họ chưa tiện nói ra.
Một bài vọng cổ góp vui của nhóm đàn ca tài tử trong đó có thằng Cám vừa dứt và món tráng miệng sắp được đem lên thì Bảy Long, con trai trưởng của thầy dạy võ bình định nói nhỏ vào tai của Huy Phụng rồi cả hai đứng dậy và nói, “Chúng tôi xin phép về trước chuẩn bị cuộc thi đấu chiều nay cho các môn sinh.” Lúc đó Huy Phụng cũng đứng lên vì anh vừa là môn sinh lớn tuổi vừa là giám thị coi ngó mấy môn sinh học võ nhỏ tuổi trong võ đường. Khi Huy Phụng và Bảy Long đi khuất, Ngọc Thu muốn kiếu về luôn đúng lúc Tuấn Nhơn lên tiếng:
“Tí nữa tôi xin phép được đưa Thu về. Vả lại tiệc cưới cũng sắp tàn.”
“Vâng nhưng liệu có phiền cậu không?” Ngọc Thu phải chần chừ mấy giây mới đáp lại vì cô hơi bất ngờ trước đề nghị ấy.
Trên đường về, khi cổng chào của tiệc cưới khuất sau một lùm cây hàng rào, Tuấn Nhơn tiến lên đi ngang hàng với Ngọc Thu và nói:
“Cô có thấy vui không, riêng tôi hôm nay vui lắm..”
“Đám cưới nào mà chẳng vui hả cậu.”
“Phải, nhưng tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn, niềm vui còn đọng lại trong tôi là hôm nay được đối diện với cô.”
“Tôi có làm gì để anh vui đâu?”
“Thế đấy, nên tôi biết rằng mình mến cô và có lẽ từ lâu rồi.”
“Từ lâu rồi hay chỉ mới hôm nay?”
“Từ lâu rồi khi tôi và chị tôi gặp cô chở lúa về thị trấn để xay. Sau đó mấy lần tôi đến nhà thăm cô nhưng lúc nào cũng thấy cô bận công kia việc nọ.”
“Tôi biết chứ nhưng vì lòng tôi đã mang nặng một nỗi niềm muốn ngỏ cùng cô nên hôm nay tôi mới mạn phép được đưa cô về…”
Ngọc Thu biết mình sắp nghe những lời mà cô không chờ đợi vì cô đã từng nghe một vài thanh niên trong làng tán tỉnh cô nhưng cô không thích. Đúng hơn cô chờ đợi những lời ấy từ Huy Phụng trong nhiều lần gặp nhau nhưng Huy Phụng vẫn không chịu hé môi. Cô bối rối và ngập ngừng một lúc khi họ sắp đi ngang chùa Từ Duyên và Tuấn Nhơn nói tiếp:
“Mình vào chùa này nghỉ chân một lúc đi. Tôi sẽ nói hết câu chuyện của tôi.”
Nói rồi Tuấn Nhơn cầm cổ tay Ngọc Thu kéo vào chùa. Cô miễn cưỡng đi theo và họ cùng ngồi trên một tảng đá dưới gốc cây bồ đề nhìn ra hồ bán nguyệt trước bức tượng Quan Thế Âm bằng xi măng sơn trắng, trong hồ hai đoá sen trắng một nở to và một hàm tiếu vươn lên giữa vài cái lá sen xanh mượt và to bản nằm phơi nắng trên mặt nước. Trong hồ họ có thể thấy mấy con cá phi hồng đang bơi lội. Tuấn Nhơn nói tiếp:
“Từ ngày gặp em lần đầu, hình ảnh em đã chiếm hết tâm trí tôi và bây giờ tôi biết mình đã yêu em nhiều. Nhiều lắm. Vì thế nếu em không từ chối, song thân tôi sẽ nhờ người đến hỏi cưới em. Tôi nghĩ em sẽ cho tôi có được duyên lành đó.”
Tuấn Nhơn dùng chữ ‘em’ để tỏ tình và chữ ‘duyên lành’ vì chàng liên tưởng đến hai chữ ‘Từ Duyên’. Lúc đó nào ai nghĩ rằng ‘từ’ còn có nghĩa là ‘từ bỏ’. Ngọc Thu mân mê vạt áo bà ba màu hồng nhạt có bông tím nhỏ và nhạt một lúc rồi nói:
“Thật tình em chưa nghĩ đến hôn nhân vì còn muốn đỡ đần cha mẹ và lo cho mấy em. Nếu không vì lẽ đó hẳn em cũng đã nhận lời cậu. Vả lại mọi quyết định sau cùng là do ba mẹ quyết định, nên dù không từ chối em cũng chưa thể hứa với cậu điều gì.”
Rõ ràng nàng thoái thác với cách nói trì hoãn, nhưng lúc đó Tuấn Nhơn cho như thế là quá đủ. Chàng nói luôn:
“Rồi anh sẽ định liệu. Anh chỉ xin em chờ anh đến sau Tết.”
Ngọc Thu không nói gì chỉ cúi đầu giấu những cảm xúc lãnh đạm nhưng Tuấn Nhơn coi cử chỉ ấy là sự bằng lòng trong e thẹn.
Sau đó họ trao đổi một vài việc khác, đến đứng bên hồ sen ngắm cá thản nhiên bơi lội, nghe tiếng ve sầu râm ran và tiếng chim ríu rít trên cành cây rậm rạp một buổi trưa có nhiều may bay lãng đãng. Sau cùng họ chia tay, Tuấn Nhơn về nhà, Ngọc Thu nán lại để vào chùa viếng Phật.
Nàng ngạc nhiên thấy trong chánh điện Mỹ Xuân đang dâng hương khấn vái. Nàng cũng thắp hương cũng khấn vái và lúc quay ra thấy Mỹ Xuân còn đứng đợi nàng. Sự thật là cô này từ đám cưới đã đi thẳng ra chùa để đón đầu Tuấn Nhơn là người cô yêu thầm, nhớ trộm. Nhưng khi thấy anh chàng đi cùng Ngọc Thu, cô lỉnh đi vào chùa. Mỹ Xuân nói:
“Chiều nay tôi với bạn đến võ đường xem Bảy Long và Huy Phụng điều khiển mấy môn sinh thi đấu nhé.”
“Không mình bận lắm…” Ngọc Thu nói
“Bận mà vừa rồi còn hẹn nói chuyện với Tuấn Nhơn được. Cậu ấy nói gì với bạn vậy?” Mỹ Xuân tò mò tìm hiểu.
“Cậu ấy nói sẽ xin cưới mình nhưng mình không thích.” Ngọc Thu nói vì biết không thể giấu giếm điều gì với một người tò mò như Mỹ Xuân.
“Thế thì tốt quá rồi sao còn không thích?” Mỹ Xuân ra vẻ vô tư hỏi tiếp.
“Vì mình đã cảm động với một người khác.”
“Thôi đi, nói ‘phải lòng’ không hay hơn chữ ‘cảm động’ sao, nhưng người khác là ai?”
“Anh Huy Phụng, bạn cũng biết rồi.” Ngọc Thu đáp
“Phải, anh ta giỏi việc và tháo vát hơn Tuấn Nhơn nhiều.”
“Điều đó phải do người trong cuộc nói mới đúng và nói bằng ngôn ngữ của trái tim.”
“Vậy nhường Tuấn Nhơn cho mình đi,” Mỹ Xuân giả lả cười nói.
“Xuân cũng có người theo đuổi rồi còn gì.” Ngọc Thu muốn ám chỉ Bảy Long nhưng trong lòng tự hỏi Tuấn Nhơn có gì hấp dẫn mà bạn nàng muốn có.
Sau đó cả hai cùng cười đắc ý rồi họ nắm tay nhau ra về và hẹn nhau chiều hôm đó đi xem đấu võ. Họ là đôi bạn nhan sắc một mười một tám thường đi bên nhau để làm nổi cho nhau.
Buổi tối đấu võ thành công ngoài dự định. Xen kẻ giữa những màn giao đấu của các võ sinh là những bài biểu diễn của Bảy Long, của Huy Phụng và một vài võ sĩ đàn anh khác trong phái võ Bình Định mà cha của Bảy Long đã mời từ Quảng Nam và Hội An đến. Trong những tiếng vỗ tay của một số khán giả ngồi trên những băng dài có tiếng vỗ tay của Ngọc Thu và Mỹ Xuân. Khi Huy Phụng múa đường quyền ‘đả hổ’ người vỗ tay to nhất là Ngọc Thu; khi Bảy Long múa bài ‘xà quyền’ Mỹ Xuân vỗ tay to nhất. Mỹ Xuân tranh thủ lúc giải lao kéo Huy Phụng ra chỗ vắng kể cho anh nghe câu chuyện Tuấn Nhơn tỏ tình cùng Ngọc Thu và khích Huy Phụng nên tiến tới thay vì cứ đứng chờ “trâu đi tìm cọc”.
Bảy Long thấy Mỹ Xuân nói chuyện với Huy Phụng tưởng hai người có tình ý với nhau nên ghen tức, sau đó kéo Mỹ Xuân ra hỏi chuyện. Cô này thành thật kể lại câu chuyện. Dù vậy anh ta cũng đe doạ nàng:
“Thằng nào ngăn cản cô yêu tôi tôi thề sẽ dùng xà quyền để diệt nó, tôi nói trước để sau này cô đừng có trách.”
Mỹ Xuân sợ hãi đến nỗi phải rùng mình và mặt mày tái xanh.
Như đã định trước với Huy Phụng, khi cuộc thi võ chấm dứt, Mỹ Xuân bảo Ngọc Thu cùng đợi Huy Phụng ra về. Trên đường về Mỹ Xuân nhập bọn với mấy bé gái cùng xóm để hai người bạn cô được tự do đi bên nhau trên đường làng trăng sáng.
Giờ đây, Huy Phụng kéo cửa liếp để vào nhà, sau đó anh cởi áo và quần dài quăng vào một góc và ngã mình xuống chiếc chỏng tre. Anh suy nghĩ lại câu chuyện giữa anh và Ngọc Thu dưới ánh trăng tròn vằng vặc tạo nên khung cảnh trữ tình giữa hai người bạn trẻ. Thỉnh thoảng họ đi dưới những cây cau nửa sáng nửa tối đứng trầm ngâm dưới ánh trăng mơ; cô đã đi sát vào người anh khi trong tàng cây có tiếng vỗ cánh của một con chim ngủ gật, mất thăng bằng, và cô đã để cho anh nắm lấy tay cô đoạn đường còn lại khi bất chợt tiếng tắc kè từ một cây cao vang lên lanh lảnh làm cô giật mình sợ hãi.
Thật tình từ lâu Huy Phụng đã thầm yêu Ngọc Thu nhưng anh chần chừ mãi vì tham vọng của anh cao hơn và xa hơn nhưng thân phận anh có hạn. Sự phấn đấu của anh mà nhiều người và cả anh lầm tưởng là vượt qua chính mình thật ra là tìm mọi cách vượt qua người khác dù bằng những cách thô bỉ nhất. Anh ghét nhà giàu, khinh nhà nghèo trong đó có anh, và coi thường những người thông minh tài giỏi. Thằng Tuấn Nhơn học giỏi chẳng qua nó có điều kiện hơn mình v.v… Với tâm lý ấy và không cần suy xét nhiều về chủ nghĩa (chủ nghĩa Mác Lê nhiều chỗ khó hiểu quá!) nên anh và Bảy Long đã gia nhập tổ chức Việt Minh như một môi trường để trở thành những người có chức, có quyền trên đám dân thụ động bảo sao nghe vậy.
Họ thường nói “Đánh đuổi thực dân Pháp đủ rồi, còn sau đó đương nhiên với sự độc lập, nước sẽ giàu dân sẽ mạnh.” Hoặc, “Ngày xưa chúa Trịnh và chúa Nguyễn đánh nhau chỉ mong mình tiêu diệt được kẻ thù, sau đó sẽ làm gì cho đất nước có lẽ họ không cần tính trước, chỉ biết rằng đương nhiên ta sẽ giàu mạnh hơn xưa giống như người ăn nguyên cái bánh không phải chia đôi.” Điều được coi là đương nhiên ấy, một người cẩn trọng có thể sẽ không đồng ý và nhiều mối hoài nghi sẽ xuất hiện như Trịnh hay Nguyễn có thật sự yêu thương dân và hết lòng vì tiền đồ dân tộc không v.v. Dù gì, trước hay sau Bảy Long cũng sẽ đưa đám võ sinh gia nhập vào tổ chức.
Đặc biệt Huy Phụng thấy tổ chức và chủ nghĩa của nó sẽ đáp ứng mọi tham vọng của anh vì nó cho phép “sự ác cần thiết”: khi cần vượt qua người khác thì bất cứ thủ đoạn nào cũng được phép. Trong sách tuyên huấn nói sao nhỉ? …phải rồi, “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Đã hẳn kẻ hung hiểm và liều lĩnh có thể sẽ vin vào châm ngôn này mà không sợ làm ác.
Tối nay khi đến một quãng vắng bên cạnh một con mương loang loáng chảy róc rách dưới ánh trăng, anh đã nắm tay Ngọc Thu dừng lại để nói lời tỏ tình. Cô ấy đã chấp nhận ngay và nói đã yêu anh với mối tình mà cô ấy đã ấp ủ lâu ngày. Rồi cô ấy còn gợi ý anh nên cho người mai mối đến hỏi cưới trước mùa xuân năm sau, nghĩa là phải đến trước người mai mối của Tuấn Nhơn, như thế cô sẽ dễ thuyết phục cha mẹ cô nhận lời của anh. Cô nói:
“Anh phải cho người đến trước như ngày xưa như ngày xưa Sơn tinh đến trước Thuỷ tinh và cưới được Mị nương rồi đưa nàng lên núi Tản viên, chỗ ở của sơn thần.”
“Ừ, anh sẽ trình cha mẹ anh để nhờ người mai mối xin cưới em.”
Họ đi thêm một đoạn đường ngắn nữa rồi chia tay.
Trên đường về, Huy Phụng suy nghĩ những lời Ngọc Thu đã nói. Nàng nhanh nhẩu gợi ý như thế phải chăng cô đã biết rằng một cách sòng phẳng giữa Huy Phụng này và Tuấn Nhơn, chắc chắn cha mẹ cô ấy sẽ chọn Tuấn Nhơn làm rễ quý. Điều này dễ hiểu vì gia cảnh của Tuấn Nhơn khá giả hơn. Vả lại cha mình và cha Ngọc Thu không ưa nhau. Có lần họ đã cãi nhau dữ dội vì một việc không đâu: Hoàng Tử Cảnh có phải là con ruột của vua Gia Long không? Hôm đó cha Ngọc Thu nói phải, còn cha Huy Phụng nói không và cho rằng các quan của nhà vua đã đánh tráo hoàng tử Cảnh bằng một đứa trẻ ăn mày họ nhặt được trên bãi chiến trường.
Nhưng có một nguy cơ khác đang đe dọa tình yêu mà cô ấy không biết chính là địa chủ Lê Đối. Hôm cô ấy theo chú Thực chở lúa đi xay, tình cờ Lê Đối thấy được Ngọc Thu. Khi ghe lúa đi rồi Lê Đối còn nhìn theo, sau đó ông ta hỏi Huy Phụng:
“Này Phụng, con nhỏ đẹp gái đó tên gì?”
“Dạ, con nhỏ đó tên Ngọc Thu.” Huy Phụng khúm núm đáp.
“Hôm nào mày cho con nhỏ đó về đây tao nhờ nó một số việc vặt như phơi lại lúa cũ và rê lúa cho sạch, đánh bóng bộ tủ ghế khảm xa cừ.” 
“Vâng thưa ông chủ, con sẽ sắp xếp chắc phải qua mùa gặt vì lúc này việc ngoài đồng cấp bách lắm.”
Huy Phụng sẽ giả vờ quên để cho qua việc này. Anh không thể để cô rơi vào vòng tay dâm đãng của địa chủ Lê Đối.
“Ừ nhớ đấy.” Lê Đối nuốt nước bọt thèm thuồng rồi vào nhà.
Lần trước ông ta cũng phá trinh Thắm, con gái tá điền Ngọ theo cách đó, sau một thời gian làm con nhỏ tầy huầy rồi ông ta chán chê, ông bèn trả nó về nhóm thợ cấy và lại quay về tìm vui trong rượu. Đâu phải chỉ mỗi con Thắm: giữa hai lần trở lại tìm vui trong rượu, Lê Đối lại tìm một con gái tá điền khác để vầy vọc. Rượu và đàn bà là hai thứ ông không thể thiếu. Khổ nỗi vợ ông bị bệnh tim không thể đáp ứng cho ông.
Về đến nhà Huy Phụng rửa chân tay và vào giường ngay vì cả nhà đã ngủ. Trước khi đi vào giấc ngủ, anh còn nói lớn với chính mình:
“Lần này mình phải bắt chước Sơn tinh ra tay trước hai thằng Thủy tinh là Tuấn Nhơn và Lê Đối. Sau này nếu mình không cưới được nàng thì mình cũng đã tận hưởng được nàng và chiếm được trinh tiết của nàng và trở thành một kỷ niệm không quên trong suốt cuộc đời nàng…”
Trong bóng tối đêm khuya, Huy Phụng nghĩ rằng không có ai nghe anh ta nói. Nhưng có một người mà ban ngày anh cũng không thể thấy là quỷ Lữ Sĩ Phê (Lucifer). Hắn đang treo ngược trên mái nhà theo cách ngủ của loài dơi và mặc dù hắn có trái tim bằng sắt, không bao giờ kinh sợ tội ác hắn cũng giật mình khi nghe câu thòng của Huy Phụng “Hãy đợi đấy”. Hắn mỉm cười nhe những chiếc răng nhọn hoắc, và ngoe nguẩy cái đuôi rồi bỏ đi miệng lẩm bẩm: “Kịch bản này hay đấy và đã có sẵn, đâu cần mình phải thì thầm mớm ý hoặc ra tay.” Bên ngoài mặt trăng đã biến mất trong mây, chỉ còn tiếng vạc kêu sương và tiếng cú kêu đâu đó.
Tuy thường cãi nhau và có mối bất hòa với cha Ngọc Thu, cha Huy Phụng vẫn nhờ người mai mối đến hỏi cưới Ngọc Thu cho con. Cha nàng cũng tiếp đón niềm nỡ người mai mối nhưng trong lòng ông tự nhủ, “Làm sao mình có thể gã con gái mình cho con một thằng chuyên ăn ngược nói ngạo, bẻ cong sự thật. Mới hôm kia hắn còn nói với mình rằng sở dĩ Trần Thủ Độ lập mưu giật sập trai đàn giết chết tập thể tôn thất nhà Lý là để tránh cho tôn thất nhà Lý cảnh nồi da xáo thịt trong việc tranh giành ngôi báu, vi phạm đức từ bi hỉ xả … Mình đã phản đối khẳng định thiếu cơ sở và vô nghĩa cùng với cái lập luận ngu xuẩn ấy của hắn… Nhưng chưa hết hắn còn nói vua Trần khi đi lên núi Yên tử tu hành sở dĩ đã chọn thiền tông không phải vì tông phái này ưu việt hơn các tông phái khác mà vì tông phái này với cái phi thiện phi ác của không tính v.v., có quan điểm khoan dung hơn với việc loạn luân của nhà Trần khi chủ trương chỉ cho người trong họ Trần lấy nhau để ngai vàng không lọt vào tay của một dòng họ khác.”
Những câu chuyện vớ vẫn như thế vẫn xảy ra giữa hai tá điền chỉ để chứng tỏ họ làu thông kinh sử. Tuy nhiên việc tranh cãi như đùa giỡn ấy lại dẫn đến chỗ họ thù ghét nhau thật sự, thù ghét nhau thậm tệ. Khi tiễn người mai mối về cha nàng nói:
“Chúng tôi sẽ hỏi ý kiến của cháu Thu, sau hai tuần sẽ có câu trả lời để qua ông phúc đáp cho song thân cháu Huy Phụng”
Câu nói này hoàn toàn vì sự xã giao vì dù Ngọc Thu có ưng thuận, ông quyết không gả con gái ông cho Huy Phụng và cũng không cần hỏi thêm ý kiến của ai cả. Ông quyết không làm thông gia với cha Huy Phụng mà ông gọi là thằng ăn ngược nói ngạo, ăn đàng sóng nói đàng gió.
Nửa tháng đã trôi qua từ ngày gia đình Huy Phụng cho người xin cưới Ngọc Thu và sau hai lần hò hẹn trong đêm với Huy Phụng với những lời yêu đương hứa hẹn, những cử chỉ vuốt ve thân mật, hôm nay Ngọc Thu lại theo lão Thực chèo thuyền chở lúa đi xay. Thuyền vừa khuất mái nhà ngói của địa chủ Lê Bát. Ngọc Thu đã thấy có bóng người trên bờ ra dấu cho thuyền ghé lại. Khi nàng nhận ra người trên bờ là Huy Phụng thì chàng đã nhanh nhẹn nhảy xuống thuyền giúp lão Thực ra khỏi thuyền và lên bờ đi bộ về nhà. Chàng đã mua chỗ của lão Thực với tiền của hai giạ gạo, lấy lý do cần gặp con trai ông chủ nhà máy xay lúa để bàn công việc, thế nhưng chàng nói với nàng:
“Hôm nay, lão Thổ bị bệnh nên bảo giữ lão Thực lại cõng cô Miều đi học, anh phải đi thay.”
Vẻ mừng rỡ hiện lên trên khuôn mặt xinh tươi của Ngọc Thu đỏ lên vì thẹn. Sau đó Huy Phụng ngồi cầm lái còn Ngọc Thu ngồi kế bên trò chuyện một lúc lâu. Trong lúc trò chuyện Huy Phụng hỏi nàng có nghe cha mẹ nàng nói gì về việc cưới hỏi. Nàng đáp lại:
“Cha em đã hỏi ý kiến của em nhưng sau đó ông trầm ngâm nói để từ từ rồi tính nên em không dám hỏi thêm.”
“Đành phải chờ thôi.” Huy Phụng nói lửng lơ.
Khi ghe đến khúc sông có nhiều chỗ uốn cong, nàng chạy ra trước mũi giúp hướng dẫn mũi ghe. Đến chỗ rừng thưa trên bờ và như đã định trước, Huy Phụng tắt máy ghe cho thuyền tắp vào bờ, Ngọc Thu hỏi:
“Cho ghe đậu lại hở anh?”
“Ừ nghỉ ngơi một chút, mình ăn trưa trước vì đàng nào đến nhà máy mình cũng phải chờ đến đầu giờ chiều mới được xay.”
Miếng đệm được trải xuống một dải cát hình như là lòng của một con suối khô cạn sau một bờ đất mọc những dây leo um tùm như tơ hồng, nhản lồng dại. Ngọc Thu ngồi cách xa Huy Phụng ở một góc đệm, họ bắt đầu dùng bữa. Huy Phụng nói chàng hy vọng cha nàng sớm báo cho gia đình chàng biết khi nào phù hợp để hôn lễ có thể tiến hành. Rồi họ cùng nhau vẽ ra trước cuộc sống chung của hai người trong tương lai.
Ăn xong và uống nước trà từ trái bầu khô, chàng ngã lưng trên tấm đệm nằm nghỉ dưới bóng cây, trong lúc nàng dọn chén đũa, cho vào giỏ tre, rồi nàng duỗi đôi chân thon dài mà cái quần bằng vải ú không làm mất vẻ thon thả, ngồi tựa lưng vào bờ đất mà cỏ xanh và hoa dại bám kín. Lúc đó quỷ Lữ Sĩ Phê vẽ một vòng tròn vô hình xung quanh họ vì hắn chợt thấy một con bò cạp núi màu vàng như cua luộc đang bò về hướng hai người. Địa danh nơi này đúng là rừng Bò cạp lửa. Tới vòng tròn con vật lùi lại quay về đường cũ. Mọi vật vẫn im lìm và chàng nói:
“Anh chỉ sợ em không yêu anh thật lòng và chờ đám của Tuấn Nhơn…”
Lúc đó nàng rời bờ đất bò lại bên chàng nói rất thành khẩn:
“Em yêu anh thật tình sao anh còn nghi ngại?”
“Nghĩa là chúng ta sẽ thành vợ chồng đúng không?”
“Vâng, sớm muộn gì em cũng là của anh…”
“Ngay hôm nay anh muốn em là của anh mãi mãi.”
“Không được đâu?” nàng nói nhưng cảm thấy trong người căng thẳng và máu chảy mạnh như nước triều lên.
Lúc đó Lữ sĩ Phê giật mình bối rối vì hắn chưa biết phải can thiệp cách nào nếu cô ấy cứ nói không, cứ khước từ thậm chí chống trả để giữ sự trinh tiết của gái chưa chồng. Hắn không phải giống người cũng không phải giống thú nên chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm này của loài người: hắn là loài thiên thần nổi loạn không cần có một con cái bên ngoài.
Nàng lùi lại ngồi xếp hai chân sang một bên, trong lúc Huy Phụng đã ngồi dậy chồm theo. Tiếng của Huy Phụng vang lên:
“Tại sao không nếu như em đã thật lòng với anh và anh đã thề suốt đời chỉ yêu một mình em. Vả lại chỉ đôi ba tháng nữa em đã là vợ của anh rồi.”
Rồi Huy Phụng kéo hai vai nàng sát vào người chàng, hôn vào má và cổ nàng, nói thì thầm vào tai nàng:
“Hôm nay anh muốn hai ta cùng nhau hưởng hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu.”
Lần này nàng cúi đầu không nói, đôi mắt long lanh như dại đi, để chàng kéo từ từ nằm xuống tấm đệm khi bàn tay của chàng đã cởi xong hàng nút bóp của cái áo đen bạc màu để lộ bộ ngực không mặc áo ngực với cặp vú trắng nõn căng tròn và đôi núm đỏ. Rồi họ đã thoát y trần trụi, hôn hít, lăn lộn và sau một lúc chàng đã đi sâu vào người nàng và đều đặn ấn mạnh vào giữa háng. Họ bắt đầu rên rỉ to tiếng giữa cảnh rừng thanh vắng ban trưa.
Lữ sĩ Phê quay mặt nơi khác bởi buồn nôn trước bản năng thô kệch ấy của việc âm dương giao chiến nơi giống người chỉ để phục vụ cho ý chí muốn sống của giống loài. Hắn còn khó chịu bởi một mùi tanh và hăng hắc bốc thẳng vào cái mũi khoằm của hắn, khiến cái đuôi hình mũi tên của hắn cụp lại. Trong lúc bịt mũi hắn mừng mình không thiếu niềm vui đen tối và thô bạo nhưng không phải tuân theo kiểu làm rất ghê ấy của loài người. Cứ nghe tiếng rên không rõ là đau hay sướng ấy làm hắn phải nổi da gà.
Lữ sĩ Phê vẽ lại vòng phép mới nhưng huơ tay hai lần để thời gian kéo dài gấp đôi rồi bỏ đi khi hai người còn nằm ôm nhau thiu thiu trong gió nhẹ, khuôn mặt đờ đẫn nhưng mãn nguyện. Hắn tự nhủ, “Hôm nay mình lại vô công rỗi nghề chẳng góp sức cho ai làm điều xấu. Loài người lúc này sa đọa nhiều hơn mình nghĩ.”
Buổi chiều khi mặt trời gần tắt nắng, trên đường chở gạo về, họ cũng cho ghe dừng lại dọc đường và làm tình ngay trên ghe vì khoang thuyền hiện ra một khoảng trống ngoài những bao bố gạo xếp gọn vào hai bên lườn ghe. Đến nhà địa chủ, Huy Phụng nhảy xuống ghe chạy vào nhà gọi lão Thực ra ghe vác gạo vào, rồi chàng đi thẳng về nhà mình với tâm trạng vui mừng đắc thắng như chàng đã dự tính, theo đúng binh pháp “tiên hạ thủ vi cường” (ra tay trước để có thế mạnh) mà chàng đã rút ra từ cuốn truyện lịch sử Tam Quốc Chí.
Điều ấy không có gì lạ. Từ khi nho giáo suy vi, cái học trực tiếp từ kinh điển nghĩa là Tứ Thư và Ngũ Kinh ít người biết đến, nhưng các sách truyện với khía cạnh thực tiễn của chúng vẫn còn ảnh hưởng lâu dài nhất là với những kẻ thích sống bởi quyền mưu như chàng. Bởi lẽ theo thứ tự Kinh, sử, tử, truyện thì truyện được xếp ở vị trí sau cùng. Ngoài Tam Quốc Chí, chàng còn đọc Thủy Hử, Đông Chu liệt Quốc và những truyện lịch sử khác của các triều đại Trung Hoa mà chàng quyết tâm tìm trong các truyện ấy những thủ đoạn chính trị để áp dụng bất chấp khía cạnh vô đạo đức của chúng. Dĩ nhiên những đoạn kể lại những tấm gương tốt lành thì chàng đọc qua rồi quên ngay.
Trên đường về chàng dừng lại hai nơi nói với hai gốc cây to. Với gốc cây thứ nhất mà chàng coi đó là địa chủ Lê Đối:
“Này con diều hâu khát mồi, mi đừng hòng còn phá trinh nàng nữa…”
Với gốc cây thứ hai mà chàng coi đó là Tuấn Nhơn:
“Này con nhạn la đà, mi có thể lấy được nàng nhưng nàng đã thất tiết với ta rồi.”
@@@
Mấy tháng cuối năm việc đồng áng bận rộn nên cả hai gia đình coi như quên đi câu chuyện cưới hỏi. Vả lại lúc đó Huy Phụng cùng Bảy Long đang bận rộn công tác. Họ âm thầm gầy dựng cơ sở Việt Minh tại địa phương gồm cả hai làng, làng Rí và làng chài theo sự hướng dẫn của một vài cán bộ từ Đà Nẵng và từ Hội An vào. Trong quá trình hoạt động, họ đã lôi kéo vào tổ chức Tuấn Nhơn, Ngọc Thu và Mỹ Xuân mà Bảy Long rêu rao cô này là bạn gái của mình. Lúc đầu Mỹ Xuân rất bực tức về sự rêu rao đó nhưng khi thấy tình yêu đơn phương của cô đối với Tuấn Nhơn ngày càng mong manh vô vọng, cô đã miễn cưỡng nhận Bảy Long làm người tình… Gần đây tổ chức cũng đã chuẩn bị một ban tiếp quản để thay thế cho ban hương chức và hội tề trong nhà làng cho cuộc lật đổ sẽ xảy đến, đồng thời lên danh sách những Việt gian sẽ bị trừng trị.
Thỉnh thoảng qua công tác Huy Phụng và Ngọc Thu có lén lút gặp riêng và cũng như cặp Bảy Long - Mỹ Xuân họ tranh thủ cùng nhau ân ái khi có khung cảnh và thời gian thích hợp.
Một buổi tối sau khi họp tổ chức xong, về được nửa đường thì cơn mưa chợt đổ xuống lúc đầu nặng hạt như trút, sau đó thành cơn mưa dầm dai dẳng. Bốn người về cùng đường (hoặc muốn về chung đường) chạy nối đuôi nhau tìm chỗ tránh mưa. Và họ thấy trước mắt mình cái bóng đen của võ đường lóe lên khi có tia chớp. Cả bốn người đều tấp vào: hai nam và hai nữ thành hai cặp. Bảy Long xô mạnh cửa sổ bên hông nhảy vào chuyền một cái ghế đẩu qua cửa sổ cho mọi người cùng leo vào. Sau đó Bảy Long đánh diêm quẹt đốt cây đèn trên bàn thờ tổ. Hết thảy bốn người đều ướt sủng, nhưng vào được nơi này có thể yên tâm. Một lát sau cả bốn đều thay đồ các võ sinh; họ gầy một đống lửa để hơ quần áo ướt.
Ánh sáng của đống lửa làm phòng tập sáng rõ lên, cả dãy phòng cuối sân tập nơi để quần áo, vũ khí bằng gỗ và bằng nhôm như côn, trượng, đao, thương, và một phòng có cửa sổ mở ra hướng Nam nơi các võ sư ngồi uống nước. Nhưng ánh sáng ấy không cho họ thấy một người thứ năm là quỷ Lữ Sĩ Phê cũng chạy vào tránh mưa, khi họ ngồi quanh đống lửa để sưởi ấm cách hắn chừng năm thước.
Hôm nay quỷ Lữ Sĩ Phê có một ngày ngao du rất thú vị. Hắn đi thị sát khắp nơi, ở châu Âu, hắn thích thú với cảnh chết chóc, tàn phá của cuộc thế chiến, sau đó hắn vòng qua Trung Quốc và Nhật Bản cũng vẫn cảnh máu lửa, chém giết, chết chóc và điêu tàn làm hắn thỏa thích và nhìn mãn nhãn, say sưa. Chỉ có một điểm khác nhau là màu da trên xác chết. Hắn không ngừng cười to:
“Ha ha, cả trái đất này đang tắm máu…”
Và giờ đây hắn ghé lại nơi này để tránh mưa. Không khí trong phòng lúc đó đã ấm lên vì ngọn lửa của mấy khúc gỗ khô, Bảy Long cũng thấy nóng lên và máu chảy rần rần trong người, anh ta cầm tay Mỹ Xuân kéo nàng đứng dậy nói với Huy Phụng:
“Tôi có chuyện riêng muốn trao đổi với Mỹ Xuân, hai bạn cứ ngồi đây chờ tạnh mưa rồi hãy về nhưng xem ra cơn mưa này dai lắm.”
Bảy Long nắm lấy cổ tay Mỹ Xuân với một bàn tay cứng như sắt tiến về phía phòng áo võ, họ vào phòng cài chốt. Trong ánh sáng từ mái nhà hắt xuống và không cần nói nhiều lời, Bảy Long vồ lấy Mỹ Xuân, sau đó cô này cũng bấu chặt vào anh ta rồi họ làm tình trên nền nhà giữa những móc áo lộn xộn. Lữ sĩ Phê nghe rất rõ tiếng quần thảo rồi rên rỉ và quằn quại trong mưa, nhất là tiếng rên khá to của Mỹ Xuân vừa khoái lạc vừa đau đớn vì cái gì của Bảy Long cũng đều to quá khổ: đầu to như đầu bò, thân to như thân heo nọc, chân như chân voi… Hắn lại biết võ nghệ.
Tiếng hai người bạn quần thảo dù rất nhỏ nhưng cộng hưởng với tiếng mưa rơi trở thành một âm thanh kích thích lạ lùng nên một lát sau, Huy Phụng cũng nắm tay Ngọc Thu kéo đứng lên và họ nhẹ nhàng tiến về phòng chứa vũ khí tập võ. Cài chốt cửa xong, Huy Phụng lại ngồi kế bên Ngọc Thu trên cái sạp nhỏ để những vũ khí ngắn (vũ khí dài dựng đứng trên một cái giá gỗ) và nói:
“Sao không thấy ba má em trả lời cho người mai mối của nhà anh vậy em?”
“Em không biết nữa chỉ thấy ba em làm thinh và trừng mắt nhìn em mỗi khi em nói bằng lòng làm vợ anh, lúc đó em thường cố thuyết phục ba rằng hoàn cảnh hai gia đình mình tương xứng vì đều là những tá điền nghèo.”
“Biết đâu ba nghĩ em đẹp nên còn chờ chỗ cao giá hơn anh.”
Nàng vẫn biết mình xinh đẹp trong đám các cô gái con tá điền, nhưng có chút nhan sắc mà nghèo cũng vô ích thôi đôi khi còn có hại. Thế nên nàng khẳng định:
“Nhưng nếu em sẽ không chịu lấy ai khác rồi ba em sẽ đổi ý, anh rán chờ em nghe…”
“Ừ anh sẽ chờ…Mà em cũng đẹp thật …”
“Em chỉ đẹp cho anh thôi…”
Huy Phụng đang đợi câu nói này, chàng giật mạnh đai vải màu đen cột tạm trên áo võ của nàng, lôi nàng vào trận đấu: phần trên người nàng đã bày biện thịt da khi cái áo rơi ra… Sau đó cả hai cùng tận hưởng lạc thú giữa gươm giáo như tướng quân và mỹ nữ giữa nơi trận mạc sau giờ giao chiến với kẻ thù. Khung cảnh tuy chật hẹp nhưng đã thêm sự thú vị ấy vào khoái lạc của hai người.
Bên ngoài, quỷ Lữ sĩ Phê thích thú tiến lại gần đống lửa, cầm lên một que củi cháy dở, một chân trần đạp vào than hồng, cái chót đuôi hình mũi tên ngoe nguẩy và bắt đầu đánh nhịp cho một bản nhạc mà chỉ có mình hắn thưởng thức: nhạc nền là tiếng mưa rơi rả rích cho phận người, thỉnh thoảng là tiếng sấm như đại bác nổ vang mang theo lời cảnh báo; trên cái nền nhạc ấy là tiếng của đôi tình nhân rên rỉ và quằn quại với cuộc chiến yêu đương, với cuộc âm dương giao đấu của họ. Và khi que củi trên tay quỷ Lữ sĩ Phê vụt nhanh xuống thì cùng lúc hắn cũng nghe rõ tiếng kêu rên thảng thốt của Mỹ Xuân. Quả là một ngày với nhiều điềm tốt lành cho hắn. Hắn cao hứng cất tiếng hát một bài mà hắn cảm tác tại chỗ vì lúc này có nhiều con quỷ đói, ma xó và ma trơi ngoài đêm mưa cũng đã chạy vào thưởng thức tài nghệ Lữ sĩ Phê và bắt đầu nhảy múa theo lời ca:
Làm sao các người còn ngăn cản bước chân ta
Vì chính tội lỗi các người đã vời ta đến
Khiến cửa hỏa ngục đã mở toang,
Bởi lòng dạ các người đầy sự tham dâm vô độ,
Đầy sự kiêu ngạo và ác tâm.
Sự bội bạc của các người làm xót xa
Người thiện tâm quảng đại chỉ đường ngay;
Các ngươi sẵn sàng mọp quỳ trước vua điên,
Và ném lên trời cao những lời nguyền rủa
Khiến giờ đây bụng ta đói cồn cào
Như gái đĩ tới giờ ngứa ngáy.
Bởi bụng ta đã thành hỏa sơn sôi sục,
Thèm nuốt chững những gì ta gặt hái
Từ mùa gặt kinh hoàng của ta đầy máu lửa,
Ta đã ăn xong những vòng xích sắt
Giữ chặt ta trong vực tối  ngàn năm.
Lương thực ta nay là vũ khí
Và chiến cụ cháy đen, còn xông mùi tử khí,
Những xác người mới chết bãi chiến trường,
Những núi xương sông máu ngút ngàn,
Những khổ đau triền miên của những dân nô lệ.
Vì trước tự do nghèo hèn và nô lệ giàu sang
Các người đã chọn thân tôi đòi và rậm rật.
Cái bóng của ta sẽ như đen như nguyệt thực
Che khuất hoàn toàn hết mọi lương tâm
Và lương tâm các người đã mù lòa, tàn tật.
Bọn tiểu quỷ nắm tay nhau thành một vòng tròn nhảy xung quanh đống lửa. Rồi chúng tách ra thành hai tầng, tầng dưới nhảy chạm đất, tầng trên chổng ngược hai chân móng guốc và cái đuôi hình mũi tên lên trời lắc lư và ngoe nguẩy, có lúc duỗi thẳng và bung ra như nan quạt chuyển động đếu đặn. Đầu bọn tiểu quỷ tầng trên chúc xuống với đôi tai dơi, hai tay nắm lấy hai tay của lớp quỷ tầng dưới. Thỉnh thoảng có những thằng quỷ tầng trên quay vụ trên hai tay của đồng bọn. Lúc đó bốn cánh tay vặn lại như những sợi dây chão gồ lên thành những cục thịt to.
Đối xong quỷ Lữ sĩ Phê, nhạc trưởng của bóng đêm hung ác, tội lỗi và ngu muội, nói với bầy quỷ đói rằng hắn sẽ không trở lại làng này nữa, mọi việc giao cho chúng lo liệu. Hắn thấy cần phải đi tìm “con chồn tinh ngàn năm” để cùng cộng tác làm khổ sở dân này. Chúng tiễn đưa Lữ Sĩ Phê đi một đoạn dài là đà trên những ngọn cây, giữa trời khuya đen như mực. Khi bay được một đoạn dọc bờ sông, Lữ Sĩ phê hỏi một tiểu quỷ bay bên trái:
“Lát nữa mày về đâu?”
“Dạ em về chùa.”
“Không sợ bọn đầu trọc tụng kinh Kim Cang sao?”
“Hồi trước nghe tụng kinh ấy, đầu em như bị búa bổ, bây giờ em nghe như bài hát ru cho em ngủ ngon vậy.”
“Sao vậy?”
“Vì từ ngày sư sải rước thêm tượng Cáo-râu-dài về thờ như Bồ tát, tụi em không còn sợ nữa. Vả lại đó là không môn, ra vào cũng dễ như không. Mấy vị Hộ pháp từ đó cũng hóa đá, mỗi lần thấy em định bay ra nhưng chỉ rút được đầu ra khỏi tượng còn thân thể bị dính cứng trong xi măng. Phật thì ngài cũng biết đấy, lúc nào cũng ngồi nhắm mắt…”
“Cũng phải, còn mày lát nữa về đâu?” Lữ Sĩ Phê quay sang hỏi một tiểu quỷ bên phải:
“Dạ em về tu viện.”
“Không sợ bọn mặc áo chùng thâm đọc kinh Te Deum hoặc kinh Ave Maria sao?”
“Em ở chung phòng với một tu sĩ kiêu ngạo. Ông ta kiêu ngạo vì cái áo đó còn tâm hồn băng giá như Bắc cực. Ông ta chỉ nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ ngoài đầu môi chót lưỡi thôi. Vả lại trong tu viện ấy số tu sĩ như ông ta không ít.”
“Cũng phải,” Lữ sĩ Phê đáp lại rồi lớn tiếng đọc một câu trong sách thánh: “Và Đức Chúa sẽ làm cho tâm hồn Pharaô ra chai đá và vua sẽ không cho dân Ítraen ra khỏi nước”(Xh 4,21). Sau đó hắn cười to sảng khoái làm mấy con chim ngủ trong một lùm cây bay lên hoảng loạn, rồi hắn cao hứng nói tiếp: “Còn ngày nay Lữ Sĩ Phê này sẽ làm cho các bậc trưởng thượng và vị vọng xứ này hoá ra mông muội, hy sinh xương máu dân lành cho các quan thầy của họ”. Qua bên kia bờ sông, Lữ Sĩ Phê đi thẳng, còn đám tiểu quỷ bay về nhưng vẫn nghe được giọng ngâm khô khốc của Lữ Sĩ Phê,
Thời gian sau này cả Mỹ Xuân và Ngọc Thu thấy thân thể mình mẩy mượt và hấp dẫn hơn, đôi gò nhũ to hơn, mông nở nang hơn, những đường cong gợi cảm hơn. Và dĩ nhiên trong bộ áo thợ cấy to rộng bạc màu hàng ngày khó ai nhận ra sự thay đổi ấy
Vâng, nếu hai cô hiểu rằng cơ thể người nữ “đã biết” người nam phải nở nang hơn để chuẩn bị việc sinh đẻ; nếu hai cô cũng hiểu rằng hai chàng trai họ yêu sẽ cho họ một tác phẩm sống, một bào thai mà họ mang trong người trước ngày họ xuất giá.
@@@
Sau khi Thầy Trình dặn dò lần cuối người mai mối và chờ người này đi khuất sau hàng dậu hướng về nhà Ngọc Thu để cầu hôn Ngọc Thu cho Tuấn Nhơn, ông mới quay vào la mắng con trai út Tuấn Nghĩa và thằng bạn Huỳnh Hiển của nó cũng là em út của Kim Thản vợ Lê Bát, con dâu của Lê Đối; chúng khoảng chừng mười tuổi:
“Sao hôm nay hai đứa vô lễ thế. Trong lúc nhà đang có khách mà tụi bây cứ đá cầu cười nói ồn ào, thầy không muốn thấy các con sống thiếu ý thức như thế.”
“Chúng con biết lỗi, xin thầy tha cho” Tuấn Nghĩa vội vàng xin lỗi cha nó.
Trong nhà Thầy Trình các con ông đều gọi ông bằng thầy và ông cũng xưng thầy với chúng và cả với bạn chúng.
“Thôi lần sau đừng như thế… bây giờ Tuấn Nghĩa ra nhà sau pha cho thầy ấm trà rồi hai đứa vào vườn chơi cho thầy đỡ bị ồn.”
Khi hai đứa trẻ bưng ấm trà và bộ chén tống lên, Thầy Trình nói với con:
“Qua tết, con sẽ ra Đà Nẵng trọ ở nhà chị hai con và anh rể để đi học nhớ không?”
“Vâng, nhưng tại sao lại đi học xa quá vậy thầy?”
“Vì con không biết đất này là đất hiểm không phải là đất phát. Có chăng chỉ phường lưu manh, vô lại sẽ phát trên đất này mà thôi. Hồi trước thầy thử lấy chút kiến thức về địa lý để chế ngự nhưng vừa qua thầy nghe mấy thanh niên hay hẹn hò đi chơi kháo với nhau rằng không thể ra chỗ đá Tôn-Lưu trảm thạch ngồi ngắm trăng hóng gió được vì khi đêm xuống nó bốc ra mùi thum thủm và tanh lợm, có đứa còn lấy đèn pin soi thấy ở giữa khe nứt có nước rịn ra nhờ nhờ như nước cơm loãng. Thầy biết những phương thế thầy đã bày ra cho Lê phú hộ nay đã trở thành vô hiệu. Căn bệnh này trầm kha, còn thầy không giỏi trấn yểm nên thầy nghĩ phải tìm chỗ đất khác cho các con. Tuy chưa được là ‘đất lành chim đậu’ nhưng không hiểm ác như đất này. Vả lại chị Hai con muốn thầy ra ngoài đó sống với vợ chồng chúng nó.”
“Chị Hai thì không sao nhưng còn anh rể, con thấy cũng bất tiện…”
“Thầy cũng có nghĩ việc này nên thầy đã nhờ chị Hai con mua một miếng đất gần nhà nó ở hữu ngạn sông Hàn, nhìn qua bên kia sông là thành phố Đà Nẵng. Khi nào cần ta sẽ cất nhà cho các con ra đó sống.”
“Vâng, thầy lo xa quá.”
“Thôi bây giờ hai đứa ra sau vườn chơi đi…trưa nay cháu Hiển ở lại ăn cơm với thằng Nghĩa rồi hãy về.”
“Cám ơn thầy, cháu sẽ về sớm vì hôm nay có chị cháu về thăm nhà ” Huỳnh Hiển lễ phép nói.
“Ờ cũng phải,” thầy Trình gật gù nói.
Bóng hai thằng bé khuất sau vườn; độ nửa giờ sau chúng chia tay. Thằng Huỳnh Hiển bước vào chào thầy Trình để về nhà gặp chị còn Tuấn Nghĩa cho con chim gáy ăn rồi vào võng nằm đọc sách. Sau đó gần một canh giờ, người mai mối đã quay trở lại báo tin vui. Cha của Ngọc Thu đồng ý gả con gái cho Tuấn Nhơn. Và ngày mốt người mai mối của nhà trai sẽ báo cho nhà gái biết ngày giờ cử hành lễ hỏi và lễ cưới. Có lẽ sau tết độ ba tuần.
Hôm đó Kim Thản về thăm cha mẹ; trong bữa ăn Huỳnh Hiển kể lại câu chuyện nó nghe Thầy Trình nói sáng nay. Chị nó nói:
“Vớ vẩn, đất nào là đất phát, còn đất nào là đất hiểm. Gia đình chồng chị chẳng phát vì đất này sao?”
Tuy nói vậy nhưng khi thằng em út bỏ đi tắm sông và bắt cá lia thia, Kim Thản cảm thấy lo âu vì những lời thầy Trình đã tiết lộ.
Thầy Trình không thắc mắc sao nhà gái dễ dàng đến thế, không đòi hỏi cầu kỳ mấy mâm mấy quả, bao nhiêu tiền mặt bao nhiêu nữ trang, bởi Thầy Trình biết Tuấn Nhơn, con ông là một mẫu người chồng hoàn hảo về nhiều phương diện đối với những thiếu nữ con các tá điền làng này. Đã hẳn cha Ngọc Thu không cần hỏi ý kiến của con mình. Vả lại nếu được hỏi ý kiến, trước sau Ngọc Thu cũng ưng thuận vì không thể cãi ý cha. Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đó; đấy là mệnh lệnh.
Hai hôm sau tổ chức có cuộc họp, Tuấn Nhơn muốn gặp riêng Ngọc Thu khi họp xong nhưng nàng đã bỏ về trước mười lăm phút và đón đợi ở một lùm cây trên đường Huy Phụng về nhà. Họ cùng ngồi lại bên bờ một con mương dưới ánh trăng mười bảy. Lúc đó nàng vừa khóc vừa nói cùng Huy Phụng:
“Hôm kia cha em đã nhận lời gả em cho Tuấn Nhơn với người mai mối của thầy Trình rồi. Đêm nào em cũng khóc thầm. Em nghĩ nếu mình thương nhau chân thật như vợ chồng chỉ còn một cách là anh và em cùng bỏ nhà trốn đi.”
Huy Phụng cầm tay nàng cố ý thở dài im lặng một lúc rồi nói:
“Anh cũng nghĩ như em nhưng không lẽ chúng ta bỏ ngang nhiệm vụ của Việt Minh trong giai đoạn quyết liệt này. Hay là em cứ bỏ đi trước sau này anh sẽ tìm em…”
“Em biết anh làm sao bỏ được chức phó chủ tịch tổ chức … Em cũng biết anh yêu đảng hơn em.”
Tuy trong thâm tâm, chàng biết nàng nói đúng vì trong đảng ngoài danh vọng còn nhiều gái đẹp. Huy Phụng đã sửa một câu thơ cổ cho hợp tham vọng của chàng, Đảng  trung hữu nữ nhan như ngọc (thơ cổ: Thư trung..., trong sách thánh hiền có con gái mặt đẹp như ngọc). Vả lại hiện nay chàng là con ong đã tỏ đường đi  lối về của nàng rồi nếu có mất nàng cũng không tiếc xót… thế nhưng chàng vẫn chối:
“Sao em lại so sánh như thế, chẳng phải chúng ta đã thề trước cờ đảng sẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp vĩ đại của đảng hay sao? Bây giờ chúng ta khó có giải pháp vẹn toàn giữa tình và đảng…”
“Nghĩa là em phải hy sinh lấy Tuấn Nhơn và ở lại phục vụ đảng.”
Huy Phụng không đáp dù đó chính là ý chàng vì nếu Ngọc Thu bỏ trốn, chắn chắn Tuấn Nhơn vì sĩ diện cũng bỏ ra Đà Nẵng với chị hắn trong khi lúc này tổ chức rất cần có Tuấn Nhơn trong vị trí của một ủy viên tuyên giáo. Hình ảnh của Tuấn Nhơn tạo nên uy tín của Việt Minh trước quần chúng làng này. Người nông dân làng này ít học đâu thể hiểu học thuyết đúng/ sai chỗ nào, nhưng biết có Tuấn Nhơn trong tổ chức họ yên tâm và họ tự nhủ, “Có Tuấn Nhơn thì điều mình theo phải đúng”. Chính CS cũng khai thác yếu tố uy tín này khi sử dụng các cán bộ địa phương cho việc tuyên truyền chủ nghĩa.
Uy tín của Tuấn Nhơn là nguồn gốc lòng ganh tị đầy ác ý của Huy Phụng, Huy Phụng đang tìm cách liên kết với Bảy Long để gạt Tuấn Nhơn ra khỏi ban lãnh đạo. Sau cùng chàng nói:
“Anh không muốn điều đó nhưng nếu em bỏ nhà trốn đi thì sau đó tổ chức cũng sẽ mất người thứ hai là Tuấn Nhơn. Em biết đấy tổ chức còn yếu, nếu một người bỏ đi, sức mạnh của tổ chức sẽ suy yếu. Vì thế em cho anh thêm thời gian để tính lại việc này.”
“Vâng, anh phải cho em biết sớm để em còn nói lại với ba em…”
Sau đó Huy Phụng kéo nàng đến một gốc dừa to thân nằm nghiêng trên hai bờ mương. Từ sau lần đầu tiên trong rừng hoang, những yêu sách về tình dục của Huy Phụng đối với nàng đã trở thành một mệnh lệnh đầy uy quyền như mệnh lệnh của tổ chức. Vả lại nàng cũng thích được hưởng lạc thú mãnh liệt và tuyệt vời ấy với sự đam mê xác thịt mà chàng đã khêu dậy.
Huy Phụng đè nàng nằm trên thân dừa hai chân nàng quặp vào lưng chàng, hai tay nàng bấu vào vai chàng,  trong lúc chàng đứng sát vào gốc cây ‘đóng đinh’ nàng vào giữa háng và nhún nhẩy. Tư thế làm tình này giống như một tư thế khiêu vũ và họ nhập cuộc với hai tâm trạng khác nhau. Với Ngọc Thu là niềm vui hiến thân khi còn có thể, lúc tình yêu đang bị đe dọa bởi cuộc hôn nhân; với Huy Phụng là sự bùng nổ qua tình dục nỗi uất hận và ganh tị với Tuấn Nhơn. Dù sao cả hai đều được thỏa mãn, và đêm hôm đó một tinh trùng đã thâm nhập được một trứng để Ngọc Thu thụ thai trước ngày xuất giá một tháng rưỡi sau đó.
Đêm hôm đó nằm trên giường ngủ, Ngọc Thu nghĩ lại những lời Huy Phụng đã nói, nàng thấy rõ kế hoạch của nàng thất bại vì Huy Phụng coi trọng việc đảng hơn hạnh phúc của nàng. Dường như chàng có thái độ buông xuôi, hơn nữa còn gián tiếp khuyên nàng ở lại để giữ chân Tuấn Nhơn trong tổ chức. Sau cùng nàng tự an ủi mình và cho rằng mọi cuộc hôn nhân đều là một việc sắp đặt trước nào đó của số phận, nếu không kể đến việc gia đình ép buộc.
Chờ mãi nhưng Huy Phụng không có một giải pháp hoặc thái độ dứt khoát nào cho vấn đề đặt ra giữa tình và đảng nên sau cùng nàng đã quyết định lấy Tuấn Nhơn. Trong đêm tân hôn để chứng tỏ mình là trinh nữ, nàng đã dùng thuốc đỏ để qua mắt tân lang nhưng vì quá tay nàng đổ xuống chiếu hơi nhiều. Nàng lo sợ khi lấy chiếu đi giặt và chỉ cho chồng. Nhưng lo sợ uổng công vì Tuấn Nhơn có nhìn qua nhưng không hề thắc mắc sao máu trinh nhiều đến thế. Cũng như sau này Tuấn Nhơn không hề thắc mắc tại sao nàng lại sinh non trước chín tháng mười ngày.