Chương 3
Những ngọn cờ đỏ

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn Đông Dương. Sau khi hất cẳng Pháp, chính phủ Nhật hoàng tuyên bố sẽ giúp đỡ nền độc lập của các dân tộc Đông Dương. Nước Nhật và phe trục lúc bấy giờ bị phản công trên các mặt trận nên những người thức thời đều cho rằng Nhật khó trụ nổi và lời hứa với Đông Dương chỉ là một lời nói suông.
Cuộc chính biến ấy tạo ra một dư chấn đến làng Rí và làng chài. Tổ chức Việt Minh đóng vai nhân dân nhảy vô nhà làng đuổi cổ mấy hương chức theo Pháp và đưa người của mình vào giả làm người thân Nhật để trước mắt kiểm soát công việc trong nhà làng và chuẩn bị bước tiếp theo. Họ cướp chục cây súng của lính lệ giao cho người của Việt Minh.
Từ tháng ba trở đi Việt Minh trong làng gia tăng hoạt động. Các thành viên tổ chức cũng tranh thủ thời gian này để ổn định việc gia đình và hôn lễ. Bảy Long làm đám cưới với Mỹ Xuân, cô này cũng đã mang thai trước ngày cưới. Huy Phụng cưới em Mỹ Xuân là Mỹ Đông. Kế hoạch chính của CS trong cả nước ngày càng rõ nét là phải cướp chính quyền từ tay Nhật trước ngày Pháp thoát khỏi cuộc đại chiến và sẽ trở lại Việt Nam. Sau Hội nghị quân sự tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày 15 tháng 4 năm 1945, Việt Minh trong làng tổ chức các khóa quân sự cho du kích tập bắn mấy loại súng trường của Tây và của Nhật. Huy Phụng làm chỉ huy trưởng quân sự, Tuấn Nhơn làm chính ủy. Ba cô Ngọc Thu, Mỹ Xuân, Mỹ Đông chỉ học những giờ lý thuyết vì cả ba đều đã mang bầu. Tuấn Nhơn nói đùa:
“Mấy bé còn trong bụng mẹ mà đã học bắn súng chắc sau này sẽ thành thiện xạ hơn cả các chú các bác.”
“Chắc chắn sẽ bắn giỏi hơn mấy anh rồi.” Mỹ Đông vô tư đáp lại ngay, còn Ngọc Thu thì đỏ mặt.
Cuối tháng tư Thầy Trình sau khi đưa các con về Đà Nẵng thì bạo bệnh qua đời. Trước lúc chết, ông thường kêu tên Cáp Thả Nhiên (thánh Gabriel), nhưng trong nhà không ai biết người này là ai. Căn nhà của họ Trình giờ giao lại cho hai vợ chồng Tuấn Nhơn và Ngọc Thu.
Sau khi cha chết, Lê Đối chia gia tài cho hai con trai và một con gái. Hết thảy ruộng bên kia sông Nghiệt gần làng chài là của vợ chồng Lê Bát – Kim Thản. Ruộng bên này sông Nghiệt nơi ông tổ Lê Thát thay trâu kéo luống cày đầu tiên chia làm mười phần, hai phần làm đất hương hỏa, cô Miều được một phần, bảy phần còn lại là của Lê Ngát. Ngoài ra Lê Ngát với tư cách trưởng tộc còn được giao coi phần đất hương hỏa để sau này nối tiếp việc tế tự tổ tiên.
Như vậy vợ chồng Lê Bát phải ra riêng. Họ định năm sau qua bên kia sông Nghiệt cất nhà trên chục mẫu đất họ được chia và trực tiếp coi việc ruộng nương, tự mình hạch toán việc canh tác. Kim Thản còn định sẽ mua ghe vận chuyển và làm ngư nghiệp. Họ không biết rằng trong kế hoạch mà Tuấn  Nhơn và Huy Phụng đã thống nhất, Lê Ngát được tha tội chết dù là địa chủ vì trước đó đã thường xuyên tiếp tế cho tổ chức theo lời khuyên của anh vợ là một cán bộ Việt Minh, còn ruộng đất của Lê Bát sẽ được Việt Minh sung công theo kế hoạch của họ để dùng cho việc nuôi quân trong một cuộc chiến mà họ dự tính sẽ còn dài.
Buổi tối đó sau bữa ăn với cha và anh cả, Lê Bát quay về buồng với Kim Thản, kẹp trong nách một chai nửa lít rượu thuốc, nút chai là lá chuối khô quấn tròn. Kim Thản hỏi:
“Uống với cha và anh hai chưa đủ sao còn xách rượu về đây?”
“Chà chà, đây là rượu quý anh lén lấy từ bình to của ổng. Em biết đấy, trong bữa ăn mỗi người chỉ được uống được ba chung như câu nhà nho hay nói Bán dạ tam bôi tửu sau đó chỉ uống nước canh thôi.”
“Vậy chưa đủ sao, nếu biết mình thích uống ruợu như vầy, tôi đã không thèm lấy mình đâu… Hồi đó có thấy mình uống bao giờ đâu?” Kim Thản giả vờ hờn dỗi nói.
“À ừ, hồi đó chở lúa bên kia sông về kho lúa bên này ai mà uống rượu, lúc nào anh cũng muốn cho xong việc sợ trời mưa bất ngờ ướt lúa trên ghe.”
Rồi Lê Bát nói tiếp:
“Sao lúc đó anh thấy em gánh lúa không dẽo như bây giờ?” 
“Lúc đó em là người gánh thuê, gánh lúa từ ruộng ra ghe cho anh, còn bị anh đăm đăm nhìn miết. Vậy hỏi anh lúc đó anh nhìn em gì mà nhìn miết hở, sao không nhìn những cô khác?”
“Nhìn đủ thứ, với lại đủ thứ của em đẹp và duyên dáng hơn người.”
“Chớ không phải muốn nuốt trộng người ta…”
“Đâu chỉ có vậy, anh còn nghe em hát trong lúc ngồi nghỉ với các bạn ở dưới gốc dừa. Này nhé “Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần sao em không lậy mà lại lậy chồng xa/ Một mai cha yếu mẹ già / Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai bưng ”
“Vậy anh là chồng gần hay chồng xa của em?”
“Dĩ nhiên là chồng gần và chỉ có một của em…”
Lúc này, Lê Bát đã yên vị trước cái đèn dầu trên cái bàn gỗ căm xe với lớp vécni mỏng. Bát nói tiếp:
“Thôi bây giờ em kiếm cho anh ít mồi để tôi uống thêm vài chung rượu nữa.”
“Có hai cái nem chua sau cùng… để tôi lấy cho.”
Trong lúc Kim Thản xuống bếp chỗ cô thường giấu mồi nhắm rượu cho chồng, ngắt bớt từ mồi đưa cay của cha chồng và anh chồng, Lê Bát nhìn qua ánh đèn dầu chất rượu màu nâu trong suốt và óng ả đầy vẻ thán phục. Có gì trong cái màu nâu đó làm mình hưng phấn, gan lỳ khi ‘lâm trận’. Không phải là trận mạc gì nhưng là cuộc chiến âm dương với Kim Thản. Nó biến mình thành người hùng thật sự đối với nàng… Kim Thản đã quay trở lại thảy ba cái nem chua lên bàn, chua ngoa nói:
“Đấy, nhưng anh không được uống quá nửa xị đấy.”
“Phải, cũng chỉ chừng đó thôi … À mà có tới ba cái nem chua.”
“Ba, bốn gì cũng chỉ nửa xị thôi.”
“Sao em chứ càm ràm hoài. Phần này là anh uống cho em.”
“Cho em? Lạ quá nhỉ”
“Nghe này, đây là thứ rượu ‘ông uống bà khen’ rồi lát nữa em sẽ khen anh, sẽ hát tặng anh đừng có mà rên rỉ quằn quại nghe không.”
“Đồ mắc dịch…” Kim Thản bỏ đi để Lê Bát độc ẩm một mình, hết thán phục rượu lại thán phục mình.
Nửa đêm trong lúc hai người quần thảo làm tình, Kim Thản rên rỉ thật thỏa mãn.
Lê Đối thao thức mãi khi nghĩ về thời cuộc. Dưới mắt Việt Minh một địa chủ như ông quả là đáng căm thù trong sự phân loại của họ. Họ không cần biết cha ông đã thay trâu kéo cày khai hoang, mở đất mở ruộng. Trước đó cụ đã ở đợ, chăn trâu cho một phú hộ ở Nam Đàn. Việc chia gia tài ở tuổi năm mươi này có hơi sớm nhưng phải để cho các con ông tự bảo vệ tài sản của chúng trước cơn đại hồng thủy hung tàn mà Thầy Trình nói là chưa từng có trong lịch sử nước Nam. Ít ra ông cũng vừa biết lo xa vừa giữ được sự công bằng mà người làm cha phải có với con cái của mình. Khi ông nói việc ấy với vợ ông, bà vừa cười vì hài lòng cách làm của ông, vừa nhăn mặt vì giữa cơn đau bao tử.
Ông cũng biết Việt Minh đang rục rịch một công việc lật đổ kinh hoàng, thay một trật tự cũ bằng một trật tự mới hiểm ác khó lường. Ông nghe kể lại Việt Minh trong làng đã cướp được một số súng của Pháp ngoài ra còn tầm vông vạt nhọn, cờ đỏ sao vàng rồi cờ đảng và hình lãnh tụ của họ mà cha ông trước khi qua đời nói là cháu của Nguyễn phú hộ ở quê cụ nhưng mang dòng máu họ Hồ ở Huỳnh Lưu. Sau cùng ông cầu mong dù có biến động gì xảy ra con cháu ông đừng trở thành người đi ở đợ như bố ông từng đi ở đợ lúc còn ở quê nhà.
Bên ngoài một cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi trong đêm. Mưa rả rích làm nẫu lòng người. Trước đây khi vợ chưa bệnh, những đêm mưa như thế này ông và vợ ông còn sung sức sẽ tìm vui trong hoan lạc để quên buồn. Bây giờ cơn mưa đang xoáy vào nỗi cô đơn trống trải của ông. Một nỗi buồn không tên, không lối thoát, không nơi trốn chạy.
Mưa buồn trong đêm và một mùa thu lại về. Rất nhiều lá cây vô tội sẽ rụng rơi và cả những hoa trái tốt lành. Ông chưa kịp thở dài, cơn mưa đã đưa ông vào giấc ngủ muộn lúc đã qua giờ tý. Mùa thu của bao điều tàn tạ.
Sáng hôm sau thức dậy lúc mặt trời đã mọc, khi bước ra sân thấy con dâu vội vàng trong bộ áo cũ phai màu mốc thếch ra đồng đi gặt, ông nhìn theo nổ mắt dáng đi đong đưa với đôi mông no đầy lắc lư của Kim Thản. Lâu rồi ông thiếu hơi đàn bà, lúc này mấy con gái tá điền theo Việt Minh không nghe lời ông sai khiến. Những trai trẻ khỏe mạnh Việt Minh sẽ thay ông sai khiến họ.
Một buổi tối trong bữa cơm chiều Kim Thản báo tin cho chồng nàng đã mang thai gần hai tháng. Lê Bát trố mắt nhìn nàng mừng rỡ và thán phục, nốc thêm hai chung rượu nữa cuối bữa ăn. Nửa đêm về sáng khi trần truồng ôm nhau ngủ sau lúc tận hưởng lạc thú, Lê Bát và Kim Thản giật mình thức dậy khi tiếng trống ầm ỉ, tiếng chiêng inh ỏi, tiếng la hét đả đảo đế quốc và việt gian, tiếng hoan hô Việt Minh vang dội khắp làng.
Mặc lại quần áo, chạy vội ra sân phơi lúa để nghe ngóng, Lê Bát thấy cha mình đã có mặt ở đó. Ông nói với con trai:
“Việt Minh cướp chính quyền từ tay người Nhật. Không biết họ có liệt mình vào danh sách Việt gian không?”
“Mình có làm điều gì gian ác đâu, mang tiếng chủ điền nhưng mình cũng làm quần quật như tá điền, còn giúp họ có việc làm để sống…”
“Bây giờ liệu họ có nghe mình phân bua không? Thôi con vào đi rồi coi việc gì làm chưa xong cố làm nốt trong ngày hôm nay, để một mình cha đi coi tình hình thế nào?”
“Cha yên tâm vì hôm trước thằng Cám có nói với con đợt này họ chỉ trừng trị mấy người mà họ cho là chó săn làm việc cho Tây trước đây hoặc đã chỉ điểm cho Tây bắt người của họ, triệt phá các cơ sở đảng.”
“Biết đâu mà tránh được hở con. Cha nghĩ chắc cũng sắp đến lượt những địa chủ như nhà mình…”
Ông vừa ra khỏi cổng đã gặp ngay lão Thổ từ nhà mình chạy ngay qua nhà chủ. Sau đó, một chủ một tớ (lớn hơn chủ mười tuổi) cùng tiến ra nhà làng trên con đường còn mờ tối trước một ngày. Lão Thổ nói:
“Sao tôi không thấy cậu hai Lê Ngát đâu cả?”
“Nó và vợ nó đã về Hội An ăn giỗ bố vợ nó.” Lê Đối đáp.
“Thế à, còn cô Miều đâu?” lão Thổ lại hỏi về cô chủ mà lão quý hơn vợ con mình.
“Tôi cho nó theo anh nó để biết phong cảnh ở đó và những di tích thương khách Nhật còn để lại.”
“Cậu hai định chừng nào về?”
“Năm ngoái chỉ ba bốn ngày… nhưng nếu nó biết tình hình hôm nay ở đây chắc nó sẽ không về sớm làm gì.”
“Hồi nãy, khi từ nhà đến đây, tôi nghe mấy dân làng nói ‘họ’ đã đến nhà những hương chức theo Tây, theo Nhật bắt giữ khoảng bảy người, sáng nay sẽ đem ra chỗ bãi đất chỗ đá Lưu-Tôn để xét xử.”
“Thế sao, chắc họ sẽ còn bắt thêm những người khác và biết đâu lại có tôi.” Lê Đối lo lắng nói.
Không lâu sau họ đã đến trước sân nhà làng. Dân chúng trong làng đã bị lùa đến để dự mít-tinh ngày cướp được chính quyền từ tay Nhật. Kẻ đứng người ngồi láo nháo. Cờ xí ủ ê trong bóng tối nhập nhoạng trước ngày. Lão Thổ và Lê Đối nhập vào đám người mít-tinh nghe ngóng họ bàn tán đủ chuyện. Hóa ra họ rành chính trị và thời cuộc (dĩ nhiên chỉ là bề ngoài) hơn mình. Lê Đối tự nhủ.
Khi mặt trời đã xuất hiện, các du kích kêu gọi dân làng ổn định. Tuấn Nhơn từ bên trong nhà làng trong bộ áo rất nông dân tiến ra đứng trên chỗ cao nhất của tam cấp nhà làng, xướng giọng cho dân làng hoan hô/ đả đảo gần chục khẩu hiệu để tạo khí thế:
“Hoan hô.” v.v.
“Đả đảo thực dân Pháp và quân phiệt Nhật xâm lược giết hại dân lành.” – “Đả đảo.” v.v…
Trong lúc những tiếng hô vang lên long trời lỡ đất như thế, cờ xí ủ rũ đồng loạt được giơ cao, Lê Đối rùng mình vì chữ cướp (chính quyền) cứ đọng lại trong đầu óc ông vì ông nhớ khi còn nhỏ mỗi lần ông đi chơi bời, đàn đúm với bạn bè về trễ cha ông vừa quất roi tới tấp vào người ông vừa mắng mỏ, “Tụi bay đi lập bè, lập đảng để làm ăn cướp phải không?” Cha ông còn phạt ông quỳ trên miếng xơ mít.
Trong lúc Lê Đối quỳ gối trên mặt gai miếng xơ mít, mẹ ông đi ngang qua, bà vào phòng nói to với chồng đủ để Lê Đối góc phòng ngoài nghe thấy. Bà nói, “Chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng đã lập bè, lập đảng tranh cướp thiên hạ đấy thôi…” Cha ông ngập ngừng đáp lại, “Nhà này không ai có đủ ác tâm để cướp thiên hạ bằng bạo quyền.” Bà mẹ bỏ đi còn Lê Đối rùng mình bởi chữ cướp vì ông liên tưởng đến sự cướp bóc, sự cưỡng đoạt. Giờ đây khi nhớ lại lời cha ông, Lê đối vừa kinh hoàng, sợ hãi vừa xấu hổ  vì chính ông đã từng cưỡng đoạt mấy trinh nữ con của các tá điền.
Sau khi hoan hô đả đảo xong, Tuấn Nhơn đọc bài diễn văn nói lên ý nghĩa của việc cướp chính quyền, đồng thời nói lên vai trò và sự chỉ đạo sáng suốt của đảng CS. Kể từ nay cách mạng Việt Nam phải do một mình đảng lãnh đạo. Mọi tổ chức, đảng phái và mọi hoạt động nào không do đảng đều là cạm bẫy phản động của kẻ thù v.v…
Khi điền chủ Lê Đối mệt mỏi ngồi bệt xuống đất, lão Thổ cũng ngồi theo bên cạnh nhưng lão cố chăm chú lắng nghe. Khi tiếng vỗ tay vang lên cuối bài diễn văn, một ý tưởng duy nhất còn đọng lại trong đầu lão Thổ: chỉ có đảng mà không có nhân dân, đúng hơn có nhân dân làm theo ý đảng và không được có ý kiến, ý cò gì về số phận của mình. Lão nghĩ lẽ ra thằng Tuấn Nhơn phải nói là “đảng chúng tao” mới đúng thế mà nó lại cứ một điều “đảng ta” hai điều “đảng ta”.
Sau bài diễn văn dài dòng và dai như đỉa ấy, Tuấn Nhơn lại xướng giọng thêm vài ba khẩu hiệu nữa, rồi mọi người được lùa đến bãi đất chỗ có đá Tôn Lưu trảm thạch để xử tội những tên phản động. Đúng hơn họ bị lôi đi giống những cánh bèo bị dòng nước cuốn trôi, như khi ta làm theo một Ý Chí mạnh mẽ và vô hình của lịch sử mà ta còn chưa được hiểu rõ và phản ứng duy nhất lúc ấy là đi theo như những cái xác biết đi.
Lão Thổ thấy ở đó đã có sẵn nhiều cờ xí ngoài cái bàn mộc và cái băng dài cho những người xử án. Khi đến gần, lão tưởng mình sắp ngất xỉu vì thấy chỗ khe hở của đường nứt chia đều tảng đá Tôn Lưu cắm một hàng năm lá cờ đỏ sao vàng, các cán cờ đều là những cành tre; ở đầu trụ Linga có treo hình lãnh tụ mặt trông như mặt cáo. Lão kêu than lí nhí trong miệng:
“Trời ơi, bà Tôn-Lưu làm sao chịu nổi sự ức hiếp này của năm thằng-đỏ một lúc; ông Thạch trụ làm sao chịu nổi sự chiếm dụng này của vua-cáo.”
Tiếng than của lão Thổ quá nhỏ đến nỗi Lê Đối đi bên cạnh cũng không nghe thấy gì ngoài tiếng thở dài sau cùng của lão.
Lúc đó nắng đã lên gần hai con sào, chói chang. Mặt trời đã phóng những tia nắng như những mũi tên lửa lên đỉnh đầu của đám nông dân làm họ khô khát, mệt mỏi. Họ mất dần sự tập trung trong lúc một cán bộ Việt Minh gằn giọng tố cáo những tội ác của Nguyễn Văn X., Trần Văn Y., … (mà cần gì cái tên cụ thể nữa khi mọi người đều có thể được định nghĩa bằng một công cụ hoặc sức lao động nào đó trong một lực lượng sản xuất). Bảy phạm nhân này hai tay bị trói quặc ra sau lưng, đầu cúi xuống để tránh nắng đang quỳ gối trước mặt ba cán bộ xét xử.
Mặt trời vẫn tiếp tục ném lửa xuống trần, trên ruộng đồng làm cho lúa chín, còn ở đây để thiêu đốt những người tham dự; các nông dân chỉ mong sao buổi xử án kết thúc sớm vì họ đi từ lúc trời chưa sáng nên không đem theo mũ nón. Bây giờ lửa mặt trời đang nhảy múa trên đầu họ. ‘Họ’ muốn xử thế nào cũng được miễn là đừng bắt chúng tôi phơi nắng. Dường như đám nông dân ít học ấy đã biết trước phán quyết sau cùng của ba cán bộ ngồi xử án trước bảy kẻ phạm nhân. Chết là cái chắc. Đã vậy bắt chúng tôi chịu nắng làm gì? Phải rồi, để chúng tôi bị nắng hành trở thành mệt mỏi, đờ đẫn, buông xuôi không phản đối hoặc có ý kiến này nọ chứ gì, nói cách khác làm tê liệt mọi ý chí phản kháng của chúng tôi.
Sau cùng một cán bộ hét to: “Thay mặt nhân dân làng X. và làng chài, thay mặt đảng, nay tuyên án Việt gian phản động Nguyễn Văn X., tử hình … Trần Văn Y., tử hình. Bảy bản án tử hình. Rồi du kích bịt mắt các tội nhân, dẫn họ ra bờ sông chỗ gò đất cách đó chừng ba mươi mét, đứng quay lưng ra sông thành một hàng ngang. Một loạt đạn nổ vang. Bảy cái xác người nảy lên như bị điện giật, bật ngửa từ trên gò cao rơi xuống dòng sông Nghiệt chỗ nước sâu và chảy mạnh nhất, rồi từ từ chìm lỉm và bị dòng nước cuốn trôi. Máu người chết làm đỏ một khúc sông. Chỗ họ bị xử bắn cách mộ Thư sinh năm mét. Lúc dân chúng được cho về nhà, có người thấy máu bắn đến tận mộ thư sinh thành một vũng to.
Sau bữa ăn không thấy chút ngon miệng với món canh chua mà Sọt Rác nấu rất ngon, lão Thổ lại đầu hè ngã lưng xuống cái võng treo ở đó mắt lim dim, trong lúc con ông vẫn còn gặm mút cái đầu cá lóc một cách ngon lành. Lão nhớ lại câu chuyện sáng nay và tự dưng hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo của lão: xem ra con người còn ác hơn rắn độc.
Lão luôn cho rằng rắn độc không có ác ý khi giết người mà chỉ làm theo bản năng của nó mặc dù chính vợ lão đã chết vì rắn độc trả thù để lão ở lại cõi trần khổ não này với thằng gù là đứa con duy nhất.
Năm năm trước lão đi coi ruộng cho Lê Đối để định trước ngày nào gặt thì đúng thời điểm. Thình lình lão thấy trên bờ ruộng có hai con rắn cạp nong đang bò, sẵn trong tay cầm cây rựa cán dài, lão huơ một cái và hai cái đầu tam giác đứt lìa khỏi thân. Lão thu được một cái đầu mà lão đem chôn ngay sau đó và hai cái thân rắn mà buổi chiều lão làm món xào để cùng lão Thực đánh chén với hơn lít rượu. Nhưng trong lòng lão có một mối lo sợ mơ hồ nào đó vì dù vạch kỹ các đám cỏ gần đó để tìm, lão cũng không thấy cái đầu thứ hai.
Sáng hôm sau, lão dậy sớm trong lúc vợ lão hâm lại nồi cơm cho lão bới vào lon gô mang ra đồng. Khi rửa mặt lão cẩn thận soi đèn xung quanh lu nước và trên nắp lu. Lão sợ một con rắn đồng loại “mai phục” để trả thù. Trước khi ra khỏi nhà như thường lệ, lão nói với vợ:
“Lấy giùm tôi cái nón lá trên mái nhà.”
Hồi đó căn nhà lá của lão thấp lè tè, mỗi lần từ ngoài đồng về, lão tiện tay úp cái nón trên mái nhà, chỉ mùa mưa lão mới đem nón vào nhà. Bỗng lão nghe tiếng kêu thất thanh của vợ:
“Ông ơi, con rắn cắn tôi..cứu tôi… đầu con rắn.”
Lão chạy ra trước nhà thấy vợ ngồi bệt trên nền nhà, mặt mày tái mét, bàn tay bị một đầu rắn đứt lìa móc vào. Thì ra đầu rắn đã được đồng loại đặt sẵn dưới vành nón lá. Lão dùng tay giựt mạnh đầu rắn đã chết ra. Kề miệng vào để mút nọc độc sau đó chạy vào nhà lấy thuốc trị rắn thoa lên, đặt vợ vào giường kêu thằng gù lúc đó mới sáu tuổi ngồi canh mẹ nó trong lúc lão chạy tìm thầy trị rắn cắn.
Khi thầy trị rắn cắn đến, nhìn vào khuôn mặt tím ngắt và cái miệng đã sùi bọt thành chùm bong bóng nhỏ của người đàn bà trung niên nằm trên giường tre, ông lắc đầu nói:
“Muộn mất rồi vì vết cắn trúng vào động mạch lớn ở tay... Tôi không thể làm gì được nữa.”
Mười phút sau vợ lão giật mạnh lên mấy cái và tắt thở. Từ đó lão không còn ăn thịt rắn là món lão rất thích, còn rượu chỉ uống chút đỉnh cho dễ ngủ. Hai năm sau Lê Đối cho lão ít tiền để nâng mái nhà cao lên như hiện nay. Nằm nhớ lại chuyện cũ, thêm hai dòng nước mắt chảy ra trên đôi má nhăn nheo làm cả khuôn mặt  đẫm lệ. Một lúc sau lão chìm vào giấc ngủ trưa trong tiếng nhạc của ve sầu.
Lão Thổ giật mình thức giấc khi nghe dưới gốc cây sung có tiếng trẻ nhỏ cười đùa to tiếng. Ở giữa đám trẻ đó là Sọt-rác mà một thầy giáo ở tỉnh về thăm người làng đã gọi đùa là Socrate. Từ ngày Sọt-rác lên mười hai tuổi, lão Thổ không còn biết con mình bao nhiêu tuổi nữa vì nó không cao lên thêm phân nào, nhưng cái lưng gù của nó to ra. Và nó cũng chỉ thích chơi với những đứa nhỏ mười một, mười hai tuổi. Dòng máu họ Đào trong người nó khiến nó thích làm tuồng và đặt tuồng (như Đào Tấn). Mấy đứa đang diễn một tuồng mới:
Trẻ 1: “Đình thủ bớ Anh BA nó… xin đình thủ chớ giết người vô tội.”
Trẻ 2: “Sao ngươi biết nó vô tội mà xin ta dừng tay tha cho nó. Ngươi không biết nó dám chống lại ta.”
Trẻ 3: “Xin tha tội chết cho tôi vì tôi đâu biết mình đang chống lại ngài.”
Trẻ 2: “Chỉ cần làm khác ta là đương nhiên chống lại ta và phải chết.”
Trẻ 3: “Nhưng tôi cũng vì thiện ý muốn lợi ích lâu dài cho dân làng.”
Trẻ 1 (với trẻ 2): “Như ngài cũng vì lợi ích của những người theo đảng của ngài.”
Trẻ 2: “Chuyện của dân làng do ta độc quyền định liệu. Không một ai khác được xen vô.”
Trẻ 1: “Ngài độc quyền yêu nước sao?”
Trẻ 2 (với trẻ 1): “Câm mồm, tao sẽ tạm thời đình thủ với thằng đó, nhưng tao sẽ không đình thủ với mày. Lôi nó đi cho khuất mắt ta.
Trẻ 4 (từ hậu trường chạy ra): “Xin tuân lệnh.”
Trẻ 1: “Ngài định làm gì tôi?”
Trẻ 2: “Ngươi còn đủ thời gian để biết dù chỉ trong một phút phù du.”
(Trẻ 4 nắm đầu trẻ 1 lôi vào hậu trường)
Trẻ 1 (trong hậu trường kêu to) Trời ơi, có ai cứu tôi, chúng nó sắp giết tôi.
(Một tiếng súng nổ trong hậu trường rồi im lặng)
Trẻ 4: “Thưa ngài tôi đã làm xong việc ngài giao cho.”
Trẻ 2: “Thấy thế nào?”
Trẻ 4: “Dễ hơn việc ngài dùng miệng cãi lý với mấy thằng ‘phản động’…”
Trẻ 2: “Vậy mày làm luôn thằng kia đi. Tao còn bữa tiệc với mấy đồng chí trên xuống. Nhân dịp này tao báo cáo thành tích của ta.”
Trẻ 4: “Thưa vâng.”
(Trẻ 4 nắm đầu trẻ 3 lôi đi. Thêm một tiếng súng nổ trong hậu trường.
Rồi một tiếng khóc than kêu lên thảm thiết, lúc thì kêu chồng lúc lại kêu cha: Đó là tiếng của Sọt Rác đã bỏ vai thầy tuồng để đóng vai thân nhân của những người chết.) 
Lúc đó, lão Thổ đứng lên khỏi võng cói định đuổi mấy đứa nhỏ đang quấy rầy giấc ngủ của chủ ông Lê Đối đã thấy Kim Thản từ đường đất chạy vào nhà:
“Có cha cháu trong này không bác Thổ?”
“Ông ấy đang ngủ như chết. Có việc gì không?”
“Việt Minh bắt chồng cháu đi lúc 11 giờ. Họ nói ra nhà làng làm việc rồi về ngay. Cháu nóng lòng chờ mãi. Lúc 1 giờ trưa cháu chạy ra nhà làng, thấy bọn họ đang ngồi ăn uống say sưa: họ giết heo to ăn mừng việc cướp chính quyền. Cháu rón rén lại gần nghe thằng Huy Phụng nói: ‘hồi nảy mình dùng dao lụi chúng nó thì đỡ tốn mấy chục viên đạn’. Nhưng Bảy Long và Tuấn Nhơn nói: ‘Có tiếng súng nổ mới có khí thế uy vũ và mới đánh động tinh thần chiến đấu của dân làng’. Sau đó họ cụng ly khen câu nói phải.”
“Rồi cháu có gặp chồng cháu không?”
“Không, cháu hỏi một du kích hồi trước làm tá điền cho mình. Nó nói muốn gặp chồng cháu phải làm đơn xin phép ủy ban Việt Minh. Nó còn tiết lộ cho cháu biết chỉ cần chồng cháu ký giấy hiến đất, họ sẽ thả về ngay.”
“Vậy cháu cứ về nhà làm đơn để ngay mai xin gặp chồng cháu. Chuyện hiến đất bác nghĩ phải có ý kiến của cha cháu. Lát nữa ông thức dậy, bác sẽ nói lại cho.”
Kim Thản vội vàng cám ơn lão Thổ rồi ra về vì từ khi nghe chuyện biến động trong làng, rồi Lê Bát bị bắt dẫn đi, bà vợ điền chủ Lê Đối hết khóc lại kêu rất mệt trong người vì cơn đau tim và đau bao tử hành hạ bà liên tục. Bà thều thào, “Xin Trời Phật che chở cho thằng Lê Bát, con của con”
Chiều tối hôm đó từ nhà lão Thổ trở về, Lê Đối khuôn mặt buồn bã đăm chiêu ăn vội bữa cơm tối mà Kim Thản dọn ra, trước khi vào phòng canh coi người vợ già và bệnh, ông chỉ kịp nói với con dâu một câu:
“Ngày mai con đi gặp thằng Bát, bảo nó ký giấy hiến đất cho “họ” đi. Đừng chống cự, chỉ vô ích thôi. Hãy bỏ của chạy lấy người.”
Trong lúc ngồi ăn cơm một mình, Kim Thản cũng cho đó là giải pháp sau cùng, nhưng cô cũng sợ rằng chồng cô không chịu. Cô nghĩ mình phải kiên nhẫn thuyết phục chồng hiến đất. Hẳn anh ấy phải tiếc xót, là con thứ được chia cho phần ruộng ở xa, sắp sửa cất nhà ra riêng, lên kế hoạch này nọ, chỉ trong một buổi sáng đã tan thành mây khói. Không lẽ mình sẽ ra riêng với hai bàn tay trắng trong lúc mình đã mang thai hai tháng hay sao? Anh hai Lê Ngát đời nào chịu chia lại cho mình ít ruộng hoặc nhường việc giữ ruộng hương hỏa cho chồng mình, còn đất ruộng của Út Miều, đừng nói đến thì hơn. Tự ái của thằng anh  không cho phép. Dù số phận thế nào đứa con trong bụng mình phải luôn có cha nó bên cạnh.
Đến đây bất chợt cô thấy ông già cũng tội nghiệp. Lúc ổng ngồi ăn một mình sao trông cô đơn quá cũng giống mình bây giờ. Tự nhiên tài sản của tổ tiên để lại cho mình và con mình bị mất gần một nửa. Thế nên ổng đã thở dài mấy lần và có lúc ổng đã nhìn mình mãi miết như nhớ thời xuân sắc của ổng. Thật vậy trong lúc ăn cơm có lúc Lê Đối ngừng đũa nhìn Kim Thản đắm đuối vì ông nhớ lại thời son trẻ của vợ ông lúc ông mới cưới bà ấy. Hồi đó bà ấy cũng đẹp não nùng không như bây giờ chỉ là một bộ xương với ít thịt da bệnh tật.
Tối hôm đó, Lê Đối thức trắng để canh coi vợ, đổ thuốc cho bà, trấn an bà và nói như đinh đóng cột rằng thằng Bát sẽ được thả về. Ông còn nói sẽ có cách giúp cho vợ chồng nó có ít vốn để làm ăn, không để nó ra riêng tay trắng v.v… Gần sáng bà bớt đau ngủ thiếp. Ông cũng ngã lưng ngủ thiếp vì mệt mỏi trên cái giường của ông. Lúc ông thức dậy, mắt trời đã lên cao. Ông ra nhà sau thấy có sẵn mâm cơm, úp trong cái lồng bàn bằng tre trên bàn. Đó là bữa ăn sáng cho ông: Kim Thản đã ra khỏi nhà đi gặp chồng mình.
Hai vợ chồng gặp nhau qua song sắt vừa mừng, vừa tủi. Khuôn mặt Lê Bát biểu lộ vẻ sợ hãi hoảng hốt. Kim Thản phải trấn an chồng một lúc lâu. Sau đó cô khuyên chồng nên hiến đất để sớm được tha về. Nghe đến chuyện hiến đất, Lê Bát đùng đùng nổi giận, chửi bới, la hét như điên. Không còn nỗi sợ hãi nào trên khuôn mặt của anh mà chỉ còn sự giận dữ. Anh hét vào mặt vợ:
“Không đời nào tôi hiến đất cho chúng nó. Chúng nó yêu nước nỗi gì, yêu đảng và bản thân chúng nó thì có…” Nói xong Lê Bát nằm vật ra đất sau song sắt.
Kim Thản vội bịt miệng chồng cô lại. Cô vừa khóc, vừa an ủi, vừa khuyên bảo:
“Cha đã dặn em phải khuyên bảo anh hiến đất. Không lẽ anh muốn bỏ cha mẹ lại trong  tuổi già, không lẽ anh muốn bỏ vợ anh góa bụa và đứa con trong bụng mồ côi sao?”
Lúc này Lê Bát cũng khóc và thều thào nói với vợ:
“Thôi em về đi để anh một mình suy nghĩ, mai lại đến.”
Lúc ra khỏi phòng giam, Kim Thản gặp một du kích đệ tử của Tuấn Nhơn, cô nói với anh ta:
“Để tôi từ từ khuyên anh ấy hiến đất cho đảng. Sau cùng anh ấy cũng phải nghe theo lời nói phải thôi…”
Anh du kích nói:
“Vậy mới là người thức thời chứ. À, buổi chiều chị muốn gởi cơm và thức ăn cho anh  ấy, sai người mang đến đưa cho tôi.”
“Cám ơn anh trước.”
Nói xong cô quày quả về nhà.
 Ba hôm sau, Lê Bát chịu ký giấy.
Sau đó hai hôm anh được tha về cùng cha mẹ và cùng vợ.