Chương 5
Điểu táng

Nửa tháng sau, làng Rí trở lại cuộc sống bình thường nhưng không hết hoang mang. Hết thảy dân làng đã quay về nhà  trừ những thành phần Việt Minh nòng cốt và dĩ nhiên những người đã chết trong trận càn quét vừa qua. Học sinh đã đi học lại.
Một buổi trưa đầu giờ ngọ, một học sinh đi học về nhưng có vẻ không vội về nhà. Cậu đi đường vòng để có dịp tha thẩn tò mò ngắm nghía cây cối xanh tươi và nhất là để bắn chim. Cậu đã làm một cái ná bằng một đoạn ruột xe đạp và giấu trong cái cặp bằng lát đan khi đi học. Cậu lắng nghe chim chóc để tìm vị trí của chúng. Khi qua một nơi có nhiều cây cao, cậu gặp một thanh niên to lớn đang ngồi dưới một gốc cây to, khuôn mặt buồn thảm, đầu chít khăn đỏ, hai mắt cũng đỏ mà cậu tưởng lầm là do cái khăn phản chiếu. Chàng thanh niên gọi cậu học sinh lại và nói:
“Em giúp tôi việc này tôi sẽ thưởng tiền cho em mua bánh, kẹo hoặc đồ chơi.”
“Việc gì chú cứ nói cháu sẽ giúp cho.”
“Em chạy đến nhà chú Cám ở xóm Nhãn nói tôi là bạn chú ấy đang chờ chú ấy ở tàng cây da xà gần gò Bà Bậu. Đây tôi cho cậu mấy xu ăn bánh.”
Cậu học sinh bỏ mấy hào trong cặp rồi chạy đi ngay. Trên đường cậu bé gặp một chị bán bánh tráng kẹo và me ngào đường, cậu dừng lại tự nhủ: “Mình mua bánh ăn lấy sức rồi chạy tiếp.” Nhưng khi cậu thò tay vào cặp, không có đồng xu nào cả mà chỉ có mấy viên đá cuội lẫn đá xanh. Cậu hoảng sợ mặt mày xám ngoét, “Chết con má ơi, thằng cha đầu chít khăn đỏ là Quỷ đầu đỏ mượn hình người mà mình không biết, may mà mình coi lại tiền trước khi mua.” Rồi vừa ngượng ngùng với chị bán bánh vừa sợ hãi nó đi thẳng về nhà gặp ngay má nó. Má nó hỏi:
“Sao con có vẻ hốt hoảng vậy?”
Nó kể lại câu chuyện vừa qua. Bà mẹ này thỉnh thoảng đi chùa Từ Duyên và quen biết Mỹ Xuân. Có lần bà gặp Văn Cám kè kè theo sau Mỹ Xuân lên chùa cầu Phật. “Vậy thằng Cám này cũng là quỷ và đang quyến rủ gái vắng chồng,” bà mẹ kết luận không cần nghĩ ngợi. Bà không nói gì nhưng dỗ dành con, nói nó bị ảo giác vì say nắng.
Chiều hôm đó, bà mẹ đứa học sinh qua nhà Mỹ Xuân lại gặp Văn Cám ở đó, bà kéo Mỹ Xuân ra gốc mận kể lại câu chuyện. Nghe xong Mỹ Xuân mặt mày tái mét vì cũng tưởng Văn Cám là quỷ mới có bạn quỷ, trong khi cô đã bắt đầu thấy thương hắn vì hắn mùi như sáu câu vọng cổ và làm ra vẻ từ bi như bồ tát.
Thật ra cho đến lúc này cô vẫn tin Bảy Long còn sống và quyết chí chờ chồng nhưng  nếu mọi sự xấu nhất cô sẽ thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Tuy nhiên cô không ngờ mình đang ngụy tín vì quyết tâm thủ tiết của cô đã bị lòng ganh tị với hạnh phúc của Ngọc Thu làm hỏng. Cô thường nghĩ thầm, “Con Ngọc Thu đó dùng nhan sắc vắt kiệt sinh khí của Tuấn Nhơn và làm cho chàng trở nên ngu muội, bạc nhược. Nó như cái động vô nhai hút hết tất cả những gì đến gần để tiêu hủy…Tội nghiệp cho chàng!” Có lần cô nằm mơ thấy Ngọc Thu và Tuấn Nhơn đang âu yếm. Đôi mắt chàng đờ đẫn không còn thấy mười ngón tay của vợ mình thành mười móng vuốt và răng cấm của nó thành bốn cái răng nanh. Một lát sau con ma cà rồng Ngọc Thu đã hút hết máu của chồng. Bấy giờ Tuấn Nhơn ngả vật xuống thành một cọng bún to màu trắng bệch và chỉ trong nháy mắt những nấm mốc màu xanh mọc kín người chàng. Trong những nấm mốc xanh lè ấy là các ổ vi trùng lúc nhúc…
Khi bà mẹ cậu học sinh đi rồi, Văn Cám thấy Mỹ Xuân hoảng hốt bèn hỏi:
“Em sao vậy?” Dạo này nó đã hiên ngang gọi cô ấy bằng ‘em’.
“Không sao cả, anh cút ra khỏi nhà tôi ngay, đồ quỷ sứ, đừng để tôi gọi người nhà của tôi đuổi anh về.”
“Anh có làm gì đâu mà em nỡ lòng nhẫn tâm đành đoạn gọi anh là quỷ sứ như thế?” Hắn than thở có vẻ rất vọng cổ.
“Anh ra tìm thằng quỷ đầu đỏ ở gốc cây da xà, gò Bà Bậu mà hỏi nó?”
“Thằng quỷ nào? Anh có biết gì đâu.”
“Cút đi, nó đang đợi anh đó.”
Nói xong cô ngoe nguẩy ra nhà sau, phụ làm bếp với Mỹ Đông và giặt giũ thau quần áo của hai em trai cô hôm nay qua làng chài để phụ đóng ghe.
Còn lại một mình, Văn Cám lòng dạ rối bời, cõi lòng tan nát không hiểu chuyện gì làm cho tim nàng hôm nay trở thành băng giá (lúc nào hắn cũng nhập vai thành nhân vật trong cải lương được hết). Hắn định quay về nhà ở xóm Nhãn, sau đó đổi ý, hắn đi thẳng đến nhà bà mẹ đưa tin. Hắn không gặp bà mẹ nhưng lại gặp chính thằng bé học trò. Nó kể lại cho hắn biết câu chuyện sau khi hắn dúi cho nó ít xu. Nghe xong hắn quyết định đi tìm con quỷ muốn phá hoại tình yêu của hắn với Mỹ Xuân. Phần thằng bé không dám đem tiền đi mua quà ngay, nó nhét mấy xu dưới tờ giấy hồng đơn trên bàn thờ, ngày hôm sau nó mới lấy ra mua bánh tráng tráng kẹo và me ngào đường mà nó vẫn thèm được ăn.
Văn Cám đến chỗ cây da xà trong chưa đầy nửa giờ. Không một bóng người ngoài tiếng gió xào xạt và ve sầu rên rỉ. Hắn tự nhủ:
“Ma với quỷ, chuyện vớ vẫn như thế mà tin. Lại còn đầu đỏ với đầu đen.”
Hắn định đi thêm một vòng quanh cây rồi về. Bỗng nhiên hắn thấy nổi trên vỏ cây xù xì một đường dài tím đen và khô quánh lại như vệt máu. Đứng sát vào thân cây hắn thấy có hai “ống tre” màu trắng giữa đám lá rậm, nhưng không biết là cái gì. Lúc đó có một bác nông dân đi qua đó, Văn Cám gọi lại nói:
“Bác kia lại coi cái gì trên cây này…”
Bác ta từ từ tiến lại gốc cây. Sẵn có cây tầm vông dài mà bác vác về nhà để chằm vào vách lá, bác ta gạt đám lá qua một bên để lộ ra bên trên bộ xương người trắng hếu của Bảy Long, và hai ống tre màu trắng chính là hai ống quyển của bộ xương. Bác ta kêu lên thảng thốt:
“Trời ạ, một bộ xương người đang ngồi trên cây.”
Bác ta rút cây tầm vông lại chạy ra xa gốc cây năm sáu bước. Văn Cám cũng thấy bộ xương và nhận ra ngay là bộ xương của Bảy Long vì cái khăn rằn có khâu một mảnh vải đỏ còn đeo quanh cổ. Hắn nói với bác nông dân:
“Này đừng báo cho ai biết chuyện này nhé, đó là bạn của tôi bị Tây bắn tưởng mất xác nay mới tìm thấy.”
“Ai nói làm gì, thôi tôi về đây tự chú em lo liệu.”
“Để cây tầm vông lại cho tôi mượn.”
“Như vậy tôi sẽ không dùng được nữa vì nó đụng vào xác chết.”
“Vậy bán lại cho tôi nhé, tiền đây lấy đi.”
“Thôi cũng được, tôi chỉ mất công mua lại cây khác.”
Còn lại một mình, Văn Cám leo lên một cây bên cạnh có cành hướng vào chỗ bộ xương. Anh ta dùng cây tre xeo cho bộ xương ngã xuống, sau đó giấu vào một chỗ khác gần gốc cây, bẻ lá phủ lại rồi quay về báo cho Mỹ Xuân, Mỹ Đông, Ngọc Thu, người nhà và một đệ tử học võ của Bảy Long biết. Họ đợi khi trời thật tối đem xương ấy vào chùa để chôn trong đất chùa. Ngày hôm sau làm tuần thất nhật cầu siêu cho người chết.
Từ lúc biết tin chồng chết, Mỹ Xuân khóc lóc thảm thiết, đầu tóc xổ tung phủ phục dưới đất kêu trời. Văn Cám phải an ủi và xin đừng khóc lớn, dễ làm kinh động làng xóm và mấy thằng lính làng theo Tây. Bấy giờ, Mỹ Xuân chỉ còn biết sùi sụt nức nở.
Trong bảy ngày cầu siêu, Văn Cám luôn có mặt bên cạnh Mỹ Xuân và người thân của nàng. Nhân dịp này để cởi mở tâm sự và làm khuây khỏa Mỹ Xuân, Văn Cám kể lại cho Mỹ Xuân nghe mối tình đầu éo le của mình (hoàn toàn do tưởng tượng dựa vào một kịch bản cải lương mà hắn rất thích) với Kim Thản vì nhan sắc của cô này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tâm hồn hắn. Mỹ Xuân tò mò hỏi:
“Vậy ra có một mối tình tay ba giữa anh, Kim Thản và Lê Bát, giống chuyện Táo quân?”
“Gần như thế, nhưng không một người nào chết trong lửa rơm cả vì sau cùng anh đã rút lui nhường chỗ cho hai người ấy.”
“Vậy anh cũng cao thượng quá hả.” Mỹ Xuân nói có pha chút mỉa mai.
“Không cao thượng đâu mà chỉ vì anh thương cả hai người.”
“Thương cả hai người sao?”
“Chứ sao, như hiện nay anh thương cả anh Bảy Long lẫn Mỹ Xuân và lần này anh quyết sẽ không lui bước.”
Mỹ Xuân giả vờ không nghe câu cuối bước nhanh vào cổng chùa. Trong khi nghe bảy nhà sư tụng kinh cho người chết, Văn Cám nhận thấy giọng một nhà sư xướng kinh kinh có nhiều chỗ giống giọng ca bài vọng cổ. Vào ngày cuối trong lúc Mỹ Xuân ra sau chùa cắm nhang vào mộ của Bảy Long làm bằng đá tổ ong, Văn Cám nói ra nhận xét của mình cho vị sư trụ trì. Ông này nói:
“Chú em nhận xét đúng đấy vì khi Cao Văn Lầu viết bài Dạ Cổ Hoài Lang, ông ấy đã trải qua một mối tình ngang trái đến nỗi phải vào chùa tu hành một thời gian. Có lẽ vì thế ông Lầu đã chịu ảnh hưởng của nghệ thuật tụng kinh Phật giáo khi soạn bài đó.”
“Thế nhưng phải có những điểm khác nhau chứ.” Văn Cám hỏi.
“Dĩ nhiên cả hai giống nhau ở cái bi thương nhưng khác nhau ở chỗ: cái bi của bài vọng cổ là bi hoài còn cái bi của Phật giáo là bi niệm, sư tạm gọi thế. Vì khi nhà Phật nói đời là bể khổ, họ đang suy niệm về cái khổ cùng với những quan điểm khác như vô thường và vô ngã, còn cái bi của bài vọng cổ thể hiện nỗi buồn trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể và đó là thời mà nho giáo suy mạt và Phật giáo gặp khó khăn vì không còn địa vị độc tôn nhưng bị các tôn giáo lớn khác cạnh tranh ví dụ như đạo Tây mới du nhập, rồi đạo Cao Đài được sáng lập sau đó?”
“Vậy chữ ‘hoài’ mà thầy vừa nói cũng là chữ ‘hoài’ trong ‘hoài lang’ phải không?”
“Đúng vậy, vì mỗi khi sư nghe hát bài vọng cổ đó, không hiểu sao sư luôn liên tưởng đến một tín nữ nhớ thương chồng là một nhà nho đang dấn thân hành đạo để phục hồi kỷ cương nho giáo.”
“Có lẽ phải thế mới thấm hết cái não nùng trong bài vọng cổ …”
Tuy nói vậy nhưng trên đường về, Văn Cám tự nhủ, “Thằng cha thầy chùa nói bậy, làm gì có nho giáo, Phật giáo trong bài ca đó, mình chỉ thấy sự mùi mẫn ướt át của tình tự trai gái mà mình đang sử dụng để làm Mỹ Xuân cảm động, nhận biết cái tâm ý say đắm của mình.” Rồi hắn bươn bả chạy theo Mỹ Xuân đang xách cái giỏ trong để nhang đèn và bài vị của Bảy Long trùm một mảnh lụa đỏ. Trên đoạn đường về nhà, hắn hát cho nàng nghe bài Dạ Cổ Hoài Lang đồng thời hắn cải biên chút ít ví Bảy Long là phu tướng trong lời ca: Từ là từ phu tướng bảo kiếm sắc phong lên đường/ vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Ôi gan vàng quặn đau …Lần này Mỹ Xuân không khóc sướt mướt mà chỉ ngậm ngùi khiến hắn càng thêm hy vọng vào mối tình mà hắn đã dành trọn cho Mỹ Xuân.
Một tháng sau, ngày bé Mạnh Cường tròn một tuổi, ngẫu nhiên rơi vào ngày rằm tháng chạp. Nhà Mỹ Xuân làm một bữa tiệc nhỏ mừng thôi nôi cho thằng bé. Buổi tối cả nhà có mặt trừ Mỹ Đông hai hôm trước cùng Ngọc Thu đã lẻn vào cứ thăm chồng họ. Em trai kế của Mỹ Đông là Đức Lai đã chèo ghe đưa họ qua sông lúc trời mờ sáng. Lúc xuống ghe bên bờ kia làng chài, Ngọc Thu suýt rơi xuống nước, may nhờ Đức Lai ôm lại được ngang eo, lưng nàng tựa vào ngực của anh ta trong lúc cô thẹn thùng nói lời cám ơn người em trai của bạn. Cái giây phút ngắn ngủi ấy nơi hai ánh mắt của họ giao nhau tưởng dài ra vô tận vì vẻ long lanh nhưng đờ dẫn trong mắt Ngọc Thu đã bộc lộ cái nữ-tính-vĩnh-cửu trong lòng nàng: sẵn sàng quyến rũ mê hoặc người tình để sau đó chính nàng lại thụ động hiến dâng.
Giây phút phù du ấy đưa đẩy hai người vào một cảm giác tuy ngắn ngủi nhưng miên man trường cửu, rồi sau đó để lại trong lòng Đức Lai một cảm xúc lạ lùng khó tả. Thỉnh thoảng đêm đêm anh ta lấy từ trí nhớ ra nghiền ngẫm như bò nhai lại nắm cỏ ăn được trong ngày. Nhai lại, nhưng lạ một điều là không bao giờ nhai hết.
Đức Lai mặc dù mới học hết lớp đệ ngũ nhưng chịu khó đọc sách nhất là truyện Tàu mà anh mượn ở nhà một ông giáo làng có cho thuê truyện, chỗ nào không hiểu anh ta hỏi mấy lão già trong làng, hoặc khi có gánh hát bội đến diễn tuồng anh ta cố mua vé đi xem rồi đối chiếu giữa tuồng tích với sách truyện. Anh ta là một người hiếu học.
Cách học hỏi ấy không có gì lạ. Từ khi nho giáo suy vi, cái học trực tiếp từ kinh điển nghĩa là Tứ Thư và Ngũ Kinh ít người biết đến, nhưng ảnh hưởng của sách truyện với khía cạnh thực tiễn của chúng vẫn còn lâu dài trên những kẻ thích lấy tấm gương ngày xưa để soi sáng chuyện ngày nay. Bởi lẽ theo thứ tự Kinh, sử, tử, truyện thì truyện được xếp ở vị trí sau cùng, nhưng truyện phải chuyển tải được Kinh sử mới là truyện đúng nghĩa. Ngoài Tam Quốc Chí, anh ta còn đọc Thủy Hử, Đông Chu liệt Quốc và những truyện lịch sử khác của các triều đại Trung Hoa mà chàng quyết tâm áp dụng bài học đạo đức nào mà anh ta thấm thía. Tóm lại cách đọc của anh ta khác với của Huy Phụng và Tuấn Nhơn chỉ để tìm hiểu những mưu kế chiến thuật và chiến lược, phần lớn là vô đạo đức của những kẻ quyền mưu trong lịch sử.
Bạn bè đến dự tiệc thôi nôi chỉ có vài người thân thiết: vài người bạn làm ghe của hai cậu em, dĩ nhiên cũng có mặt Văn Cám và một tay đờn đi theo hắn. Hôm ấy Văn Cám hát mấy bài vọng cổ và trích đoạn tuồng Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà. Hắn cũng xin miễn uống nhiều rượu để còn tỉnh táo phục vụ. Đến khi tiệc tàn hai người em của Mỹ Xuân say khướt vào buồng ngủ vùi. Hắn định ra về theo sau tay chơi đàn, nhưng đúng lúc ấy một cơn mưa đầu mùa đổ xuống như trút. Hắn giả bộ đi lão đão đến nói với Mỹ Xuân đang rửa chén và dọn dẹp sau nhà:
“Anh xin phép ngủ lại vì say quá quên mất đường về mà trời thì tối thui.”
Hắn vào nằm giường nằm nghe ngóng. Khi thấy Mỹ Xuân đã giải quyết xong đống chén bát và tắm rửa xong rồi cầm chiếc đèn dầu vào phòng với con được một lúc, hắn lần mò đến phòng cô.
Mỹ Xuân thấy con đã ngủ yên trong nôi, cũng vào giường ngủ. Nhưng gần đây cô thường khó ngủ vì thường trằn trọc hết nghĩ đến Bảy Long lại nghĩ đến Văn Cám bởi cô đã phải lòng Văn Cám. Cô tin mối tình tay ba Văn Cám, Kim Thản và Lê Bát là có thật như lời hắn khoác lác để chứng tỏ giá trị bản thân. Dĩ nhiên nếu Kim Thản chưa bỏ làng đi hẳn cô sẽ đến hỏi bạn cô đã thích Văn Cám ở những ưu điểm nào, có giống với những suy nghĩ của cô không và sau đó vì sao lại chịu lấy Lê Bát làm chồng. Vả lại vắng hơi đàn ông lâu ngày cô thấy lòng cô rạo rực và phơi phới ý xuân. Đang suy nghĩ lan man cô đã thấy Văn Cám rón rén đẩy cửa đi vào và bước đến giường cô. Cô nói nhỏ với anh ta sợ làm thằng Mạnh Cường thức giấc:
“Say rượu sao không ngủ ngoài đó mà còn vào đây, ra ngay không em la lên đó?”
“Đừng em, anh không say rượu mà chỉ say tình: Phải, anh say em… Vả lại suốt bữa tiệc anh chỉ hát cho khách mà chưa hát cho em bài nào nên mới vào đây.”
“Anh định hát bài nào?”
“Dĩ nhiên là bài chiều nay anh chưa hát vì dành riêng cho em. Đó là bài Mạnh Lệ Quân nhớ bạn.”
“Ừ hát đi.”
“Cho anh nằm kế bên em để hát ru em ngủ.”
“Ừ, nhưng không được đụng vào người ta đó.”
Sau đó họ hả hê ôm nhau ngủ. Khi trời sắp sáng, Văn Cám giật mình thức dậy định ca tiếp hai câu vọng cổ còn lại cho Mỹ Xuân nghe thì thằng bé Mạnh Cường thức dậy kêu mẹ. Vì thế Văn Cám phải vội mặc đồ vào và ra đi thật sớm. Từ hôm đó hai người thỉnh thoảng lén lút gặp nhau trong cuộc âm-dương-giao-hội. Nhưng Mỹ Xuân chưa muốn công khai tình trạng già nhân ngải, non vợ chồng ấy vì dù cô đã yêu Văn Cám nhưng cô vẫn nói cô sẽ thủ tiết thờ chồng.
Cũng hôm đó, Ngọc Thu và Mỹ Đông đi vào cứ từ sáng sớm lúc sương mù còn giăng mắc là đà trong những cành cây mãi đến khi gần đến giờ ngọ nhờ vị trí của mặt trời nhìn xiên qua đám lá cây rừng họ vẫn chưa đến nơi. Họ đã đi qua hai chốt canh gác: ở chốt đầu tiên, họ trình diện một anh dân quân, đọc mật khẩu mà Văn Cám đã cho họ biết, lấy số cho mình và cùng nhận một mật khẩu khác rồi đi tiếp. Tay cầm một nhánh tre dài để đập mạnh vào những lùm cây nghi ngờ có thú độc hay côn trùng độc, mặc dù họ đã cột túm hai ống quần lại, chân mang giày vải và một sợi dây chuối dài cột quanh người thay cho thắt lưng.
Có những đoạn đường, họ đi theo một con đường mòn hai bên lau lách, cẩn thận quan sát rắn rết nằm phục trên đường để phơi nắng, thỉnh thoảng có tiếng chim kêu lên vài âm thanh khô khốc một hoặc tiếng bầy khỉ đuổi nhau kêu chen chét trên các cành cây. Ánh sáng giữa rừng màu xanh vàng vào buổi sáng, xanh đen vào buổi chiều vì được lọc kỹ qua cây lá.
Đến gần một con suối cạn hai người ngồi nghỉ rửa mặt mũi chân tay cho mát, giở cơm nắm ra ăn và bầu nước ra uống. Họ ngồi trên một tảng đá bàn tương đối phẳng phiu. Ngọc Thu ngã lưng nằm dài trên tảng đá để thư giản mắt nhắm lại trong lúc Mỹ Đông lấy thức ăn từ trong giỏ lác ra. Ngọc Thu vẫn còn thấy ở đáy mí mắt một khoảng trời xanh biếc nhỏ bằng cái mâm đồng chiếu qua cành lá. Màu xanh biếc này nhắc lại lần đầu tiên Huy Phụng và nàng cho ghe chở lúa ghé vào rừng ở đó chàng đã lần đâu tiên khơi lên ngọn lửa dục tình trong lòng nàng và qua vai trần của chàng, nàng đã nhìn thấy cũng khoảng trời xanh nhỏ bé ấy. Từ đó ngọn lửa được khơi lên luôn âm ỉ cháy dù sau đó chính Tuấn Nhơn làm cho nó bùng phát mạnh. Bất chợt nàng thấy đôi vú nàng săn lại, trong lúc Mỹ Đông nói:
“Dậy đi bồ, bồ mệt rồi hả chắc cũng sắp đến nơi rồi.” 
“Ừ mình không ngờ căn cứ xa quá gần tới chân núi Mường rồi còn gì.”
“Rán đi, rồi có người sẽ thưởng công cho.” Mỹ Đông cười nói.
“Bồ cũng có người thưởng công vậy.” Ngọc Thu đáp lại.
Rồi hai người cùng ăn cơm với muối vừng cá khô trong tiếng suối róc rách và tiếng một bầy chim ríu rít trên cây. Trong không khí tĩnh lặng này ai dám nghĩ rằng một ngày nào đó nơi này sẽ là bãi chiến trường của hai nhóm người thù nghịch. Ăn xong,  hai người bạn gái nằm nghỉ bên nhau trên tảng đá. Mỹ Đông nằm nghiêng nhìn bạn nói:
“Từ ngày bồ sinh Khánh Loan trông bồ đẹp ra và hấp dẫn hơn, mẫy mượt hơn.”
“Bồ và Mỹ Xuân cũng thế, gái một con mà!” Ngọc Thu lấy vẻ khiêm tốn đáp lại.
“Bồ nói không đúng, chị Mỹ Xuân thì mập ra, phổng phao hơn, nếu không biết giữ sẽ mất eo và sồ sề. Còn mình bị rong huyết nên ngực và mông teo tóp lại chán lắm.”
“Bồ lo gì, đàn ông họ yêu mình nhiều khi chỉ vì một ưu điểm nào đó mà thôi.”
“Bồ nói cũng phải,” rồi Mỹ Đông nói tiếp, “Mình nghĩ thương mấy anh ấy sống trong rừng sâu thiếu thốn và vất vả, trong lúc bọn Pháp tìm cách tái xâm lược Việt Nam. Không biết bao giờ mấy anh ấy vinh quang trở về làng xóm.”
“Bồ yên chí đi sau lưng mình là cái nôi cách mạng Liên Xô. Thắng Phát-xít Đức xong họ sẽ giúp mình đánh thắng Tây dễ dàng.”
“Ừ mình cũng mong như thế. Không lẽ những hy sinh của các anh ấy và của chúng mình hóa ra vô ích sao.”
Có tiếng chim hót lẻ loi trên cành như muốn nói, “Có thể lắm nếu cô nhớ lịch sử, trong Trịnh Nguyễn phân tranh lê dân hy sinh vô ích cho hai dòng họ, còn giờ đây cô và các bạn cũng hy sinh vô ích cho một tập đoàn tay sai của Đế quốc đỏ, dù có ý thức hay không. Tuy có những điều vô ích nhưng lịch sử không thể vô lý. Cô hãy thử bình tâm suy nghĩ xem ”
Lúc đó có một bầy bướm rừng đủ màu sắc bay qua, trông đẹp và vui mắt. Một con bay lại đậu trên đầu gối của Ngọc Thu, Mỹ Đông cười nói:
“Bướm ơi, bay đậu chỗ khác đi, cô ấy là hoa đã có chủ rồi.”
Ngọc Thu đỏ mặt lấy tay đấm vào người Mỹ Đông và cả hai cùng cười. Có lần Mỹ Đông nghe một bà lão gần nhà lão Thổ trên đường ra bờ sông nói Ngọc Thu có tướng dâm: ngọn lửa dâm tình trong cô luôn nóng bỏng dù người cô luôn thanh mảnh không mỡ màng, phốp pháp. Nếu dâm với chồng thì có gì đáng nói.
Sau đó hai người lại lên đường độ nửa giờ sau họ đến chốt thứ hai. Ở đây họ đọc mật khẩu, một anh dân quân cho họ đổi số và báo cho biết hai cây số nữa họ sẽ đến chỗ Tuấn Nhơn và Huy Phụng đóng quân.
Từ chốt này, họ bắt đầu thấy thưa thớt những túp lều tranh có cửa là tấm liếp có cây chống lên khi mở ra. Trên mái là dây hoa mắc cở bò chằng chịt vừa để ngụy trang vừa để ngăn rắn rết, chung quanh có trồng những bụi nén và bụi xả để rắn rết tránh xa. Tất cả những túp lều đó đều ẩn mình dưới những tàng cây rậm.
Sau cùng họ đã đến nơi và trước mắt họ là một cái lán dài mười lăm mét, nằm bên dưới một rừng cây thấp. Lán làm bằng tre ống hoặc tre miếng lợp tranh, những vật dụng như bàn ghế băng dài đều làm bằng nứa tép. Chính giữa lán là hội trường, phòng của Tuấn Nhơn và Huy Phụng ở hai bên cánh của hội trường. Phía trước lán từ chỗ cửa hội trường ra hai đầu hồi có một hàng rào tre trồng dây hoa ti-gôn dại làm thành một bức màn cao gần hai mét vừa để ngụy trang, vừa để chắn gió. Những cánh hoa nhỏ đỏ hồng rủ trên nền lá xanh trông rất đẹp mắt. 
Khi Ngọc Thu bước vào phòng, Tuấn Nhơn trong bộ bà ba đen bạc màu cổ đeo khăn rằn đang ngồi nghiên cứu tài liệu như chủ nghĩa Mác Lê, đường lối đảng trong ba dòng thác cách mạng v.v. Tâm trạng chàng rất hưng phấn như được ánh sáng Mác Lê soi sáng, đúng hơn bóng tối giữa ban ngày xâm chiếm. Nghe có tiếng chân bước vào, chàng ngước mặt lên và bắt gặp đôi mắt lá răm trào lệ của Ngọc Thu. Nàng buông cái giỏ lác căng tròn rơi đánh bịch xuống nền đất nện đứng ngây ra trong lúc chàng tiến lại dang đôi tay ôm chặt lấy nàng. Họ hôn nhau say đắm, một bàn tay chàng bấu chặt vào mông nàng. Nàng nức nở:
“Em nhớ anh vô hạn, lúc nào cũng nghĩ về anh và lo cho sức khỏe của anh.”
“Anh cũng vậy. Em đi đường xa có mệt không?”
“Mệt, nhưng nghĩ đến lúc mình gặp nhau em lại hết mệt.”
Sau đó hai người ngồi vào giường tre vì cái bàn nứa chỉ có duy nhất một cái ghế. Cái giường tre này được Tuấn Nhơn cải tiến khi dùng tre nứa bao chung quanh thành một cái hộp mỏng. Chàng lấy cỏ tranh phơi khô chất đầy vào, trên cùng trải tấm nóp. Cái gối cũng là một giỏ lác khâu miệng trong độn rơm khô. 
Lúc đó nàng lấy trong giỏ ra những thứ mang theo cho chồng: xà bông cục nửa cây, nửa ký muối mè, đường cà phê, nhiều cá khô và ít thuốc cảm và sốt rét, hai quần đùi và hai áo lót. Ngoài ra còn có cơm nếp đã nấu sẵn trên mặt có những miếng thịt gà luộc. Rồi trong lúc nàng nằm nghỉ trên giường, Tuấn Nhơn bóp chân nàng và nói:
“Em đem nhiều đồ làm gì cho mệt vì đường dây Văn Cám tiếp tế rất tốt thậm chí có thể đặt hàng cho anh ta đem vào.”
“Em cũng phải mang thêm một chút gì cho anh chứ.”
“Bé Khánh Dung biết làm gì rồi em?”
“À nó đã chạy chơi và nói bập bẹ cả ngày có lúc còn hỏi cha ở đâu nữa. Em gởi cháu qua nhà ngoại trước khi vào đây.”
“Anh nhớ nó quá. Có lẽ bữa nào đi công tác anh sẽ lẻn về thăm nó.”
“Được không anh?”
“Được chứ nhưng vào ban tối.”
Ngoài cái bí mật của Khánh Dung chỉ mình nàng biết, họ thật sự là một gia đình. Giờ đây nàng nhận ra rằng hôn nhân với chàng chính là bến đỗ tình yêu của nàng. Nàng thấy Tuấn Nhơn với bề ngoài có vẻ thư sinh rất đáng yêu, đáng yêu hơn nàng vẫn nghĩ. Trước đó tình yêu ban đầu của nàng dành cho Huy Phụng trôi nổi dật dờ như một con thuyền không bến. Vả lại có một khuyết điểm của Phụng mà bây giờ nàng mới thấy rõ là khi nói chuyện hai hàm răng của Huy Phụng cứ sít vào nhau, không chịu mở rộng ra. Đàn ông như thế thì rất ích kỷ, và độc địa.
Họ mãi nói chuyện mà trời tối lúc nào không rõ. Vả lại trong rừng trời rất mau tối. Bấy giờ Ngọc Thu nói:
“Em phải đi tắm rồi mình sẽ ăn bữa chiều với xôi gà.”
Trong lúc nàng ra sau nhà đến gần lu nước thì chàng nói theo:
“Có lẽ em phải ra ngoài suối tắm vì hình như trong lu đã hết nước.”
Thật vậy trong lu nước đã gần đụng đáy. Chàng nói tiếp:
“Để anh dẫn anh ra suối, cũng gần đây thôi.”
Một lát sau họ đi ra suối theo một con đường có đầy đá, Ánh sáng ban ngày chỉ còn lờ mờ trên ngọn cây. Họ cẩn thận nắm tay đi bên nhau không nói. Khi Ngọc Thu bước vào lòng suối thì trời tối hẳn, phải đứng sát vào nhau mới thấy. Tuấn Nhơn nhìn vài ngôi sao trời nhấp nháy và nói:
“Em xuống tắm đi, anh sẽ ngồi chờ.” Mấy giây sau chàng nói tiếp: “Ngày mai có cuộc họp với huyện ủy, em và Mỹ Đông sẽ qua họp luôn.”
Không có tiếng trả lời nhưng năm phút sau từ dưới suối một bụm nước té hắt vào người chàng và tiếng nàng cười khúc khích. Tuấn Nhơn lấy từ trong túi áo ra cái đèn pin lia ánh sáng xuống suối và quầng sáng dừng lại thân hình loã thể bóng loáng như bạc sau làn nước, một thân hình cân đối mẩy mượt với những đường cong hấp dẫn của vú và eo. Nàng hiện ra như hình bóng của một yêu nữ liêu trai cám dỗ. Nàng kêu lên:
“Tắt đèn đi, em không chịu đâu.”
Tuấn Nhơn không tắt đèn ngay nhưng còn nói:
“Cho anh ngắm tí”
“Em không chịu đâu.” Nói xong nàng quay người đi tránh ánh đèn làm chói mắt. Và như thế chàng được dịp ngắm tóc, vai lưng và đôi mông tròn trịa nở nang của nàng trên đôi chân thon dài. Sau mấy giây, chàng tắt đèn ngồi chờ tiếp.
Trên đường về chàng phải dùng đèn soi đường. Ở một khúc đường bằng phẳng nàng nắm lấy tay chàng hỏi:
“Sao lúc nảy anh không xuống suối tắm với em?”
“Ngồi trên bờ ngắm sao và ngắm em không sướng sao?  Vả lại lúc đó anh thấy em như ngọn lửa sợ đến gần bị phỏng …”
“Anh kỳ ghê, em nóng bỏng cho anh chứ bộ.”
Nàng ỏn ẻn nói vậy để tránh bối rối vì chàng đã nói đúng tâm trạng của nàng. Thật vậy lúc đó nàng thấy trong lòng căng thẳng háo hức muốn chàng cùng tắm, cùng bơi với nàng và nếu thích tìm một bãi cát phẳng để làm tình nhưng Tuấn Nhơn không thích ăn nằm mà không nhìn thấy cảm xúc thay đổi trên khuôn mặt Ngọc Thu khi lạc thú chiếm hữu nàng. Vả lại, chàng muốn thử nghiệm thứ rượu thuốc tăng lực chàng mới pha chế vì chàng biết chút ít nghề thuốc do chính cha chàng là thầy Trình truyền lại.
Hai người im lặng đi một đoạn nữa thì tới lán. Tuấn Nhơn giở tấm phên tre lên và hai người cùng vào. Chàng đốt một ngọn đèn dầu nhỏ và hai người ngồi bên nhau ăn tối. Chàng lấy một bầu rượu rót vào một cái ly làm bằng gỗ cây dừa vừa ăn vừa nhâm nhi. Nàng nhìn màu nâu của rượu hỏi:
“Rượu gì vậy anh?”
“À trong này nhiều lam sơn chướng khí, anh uống rượu này để chống lạnh,” chàng nói thế nhưng đó là rượu tăng lực được ngâm với những vị thuốc có sẵn trong rừng như mật ong, sâm rừng, đổ trọng, quế chi, đương quy, tắc kè, rắn hổ v.v..
“Cho em uống để chống lạnh với.”
“Khỏi cần, lát nữa anh sẽ ủ nóng em, em không phải sợ lạnh nữa.”
Một giờ sau trong ánh đèn mờ ảo, hai người lên giường ôm nhau nghỉ. Trong chốc lát họ đã phơi bày thân thể trần truồng và bắt đầu cuộc quần thảo trên tấm nóp. Rồi tiếng nàng rên rỉ mãn nguyện trong quằn quại đến ngây dại, ngất ngư đến mê mẫn, trong lúc Tuấn Nhơn hôn hít, bú mớm khắp mọi chỗ trên da thịt nàng, sau cùng là tác phong phi ngựa dũng mãnh. Cuộc âm dương giao chiến ấy kéo dài đến gần sáng với những giờ nghỉ giữa các hiệp đấu. Sau cùng nàng biết mình thua cuộc. Nàng muốn thét gào, nàng muốn chết. Không, nàng chỉ rên rỉ và tan biến thành những rung cảm khoái lạc cho chàng.
Khoảng tám giờ sáng, một tỉnh ủy viên đã đến với một dân quân, vai đeo túi vải ka ki. Không ai biết họ từ đâu đến và bằng cách nào. Nửa giờ sau, năm người đã có mặt trong phòng họp kế bên hội trường. Hội trường này thường dùng làm chỗ ngủ tạm cho các toán giao liên, các toán tiếp tế từ hậu cần, và các toán mở đường nối liền các căn cứ. Ngọc Thu thấy có mấy người còn ngủ trong nóp trong hội trường. Bốn người còn lại là Tuấn Nhơn, Huy Phụng, Ngọc Thu và Mỹ Đông. Anh dân quân ngồi gác bên ngoài lán.
Ngọc Thu nhận thấy khuôn mặt của Mỹ Đông đờ đẫn, bước đi cứng ngắt biết nàng đã phục dịch chồng suốt đêm. Ngược lại Mỹ Đông thấy mắt bạn mờ xỉn như mắt ni cô không còn ướt long lanh, biết cô ta đã quy hàng uy thế của chồng. Vâng, Tuấn Nhơn đã đăng quang làm vua, đấng quân vương của Ngọc Thu với ngọc tỷ hình dùi trống màu ngọc tía mà nghi thức tấn phong đã thực hiện đêm qua trên tấm nóp.
Tỉnh ủy viên trình bày chính sách đường lối của đảng sau ngày Pháp thay thế quân Anh và quân Tưởng tái chiếm Việt Nam. Về quân sự ông nói phải cầm chân quân Pháp tại chỗ để cho chúng không thể tiếp ứng lẫn nhau và ta sẽ tỉa dần như tỉa cành cây trước khi chặt gốc v.v. Như vậy khu V sẽ nổi dậy đánh phá quân Pháp và tay sai từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Đồng chủ yếu bằng du kích chiến. Riêng tại làng Rí và làng chài vì không phải là vị trí chiến lược nên phải tập trung gầy dựng lại cơ sở sau đó gởi người hợp đồng tác chiến cho các chiến dịch lớn v.v.
Sau phần trình bày là phần thảo luận. Lúc này Ngọc Thu và Mỹ Đông xin rút lui để làm cơm đãi tỉnh ủy viên. Tối qua một con gà rừng mắc bẫy của Huy Phụng nên hai cô sẽ làm món cơm gà mời ông ta. Ngọc Thu qua phòng của Mỹ Đông để chuẩn bị bữa. Thỉnh thoảng trong bếp vang lên cười rúc rích vì họ kể cho nhau nghe cuộc ăn nằm của họ với chồng. Theo lời họ nói là “cực kỳ” ngang tàng và uy vũ. Tuy nhiên, Mỹ Đông có vẻ hơi sợ vì thể trạng yếu, sức chịu đựng và dâm lực của cô không bằng Ngọc Thu.
Ăn cơm xong, tỉnh ủy viên và dân quân bảo vệ ông ra về ngay. Có lẽ họ dừng lại nghỉ ngơi qua đêm ở đâu đó trong rừng. Hai cặp cán bộ cũng về phòng nghỉ ngơi một giờ để lấy lại sức sau đêm quần thảo tối qua trước khi họp lại. Buổi họp kéo dài hai tiếng với những quyết định sau đây:
-  Đưa Văn Cám vào ban hương chức trong làng, sau đó đẩy mấy viên chức nhà làng ra và đưa người của tổ chức vào. Vì thế Văn Cám phải lập gia đình và được tuyên truyền đánh bóng như mẫu gia đình tốt trong làng.
Chuẩn bị một số giấy tờ giả để đưa các cán bộ nòng cốt trở về làng, tiếp tục gầy dựng cơ sở bị phá tan từ giữa năm 1946.
Xây dựng, mở rộng và đào tạo lực lượng dân quân chuẩn bị cho những trận đánh lớn với địch để giành lại độc lập sau cùng.
Tối hôm đó mưa rừng rơi dai dẳng, trong lúc Ngọc Thu chuẩn bị nồi cơm và nướng cá khô, Tuấn Nhơn ngồi viết một lá thư cho Văn Cám lên mặt đáy bao giấy đựng gạo mà nàng đem vào cứ. Viết xong bức thư trời đã tối mờ. Trong lúc chờ cơm chín hai người tranh thủ tắm mưa như trẻ nhỏ nhưng với cảm xúc bùng cháy của người lớn trong trò chơi dục lạc. Sau đó họ vào nhà ăn cơm bên bếp lửa bập bùng ấm áp. Khi ngọn lửa tàn chỉ còn ánh đèn dầu le lói. Họ dìu nhau lên giường. Lại một đêm hoan lạc ngút ngàn man dại giữa nền nhạc là tiếng mưa đêm làm thối đất.
Một tuần sau Ngọc Thu và Mỹ Xuân về lại làng Rí. Họ mệt nhừ tử vì việc phục vụ lạc thú cho chồng, họ bước đi chậm chạp và ngồi nghỉ liên tục đến khi trời chạng vạng tối mới tới làng. Dù vậy cả hai cảm thấy mình hạnh phúc. Nhất là Ngọc Thu, nàng hạnh phúc với người chồng tuyệt vời không do nàng chọn lựa nhưng nàng nghĩ số phận may mắn đã đem đến cho nàng. Sau hơn một tuần cảm giác tê dại mới biến mất và khi ngọn lửa dục tình bộc phát nàng phải vào nhà tắm dùng nước lạnh để nhận chìm ngọn lửa ái dục trong nhớ mong và chờ đợi.
Sau khi đọc xong bức thư mà Tuấn Nhơn gởi, Văn Cám hội ý với Ngọc Thu rồi hai người cùng đến nhà Mỹ Xuân để kéo cô này ra khỏi ước mơ thủ tiết và làm đám cưới với Văn Cám. Trong đám cưới họ sẽ mới các hương chức có uy tín, đánh bóng Văn Cám lên để sau đó kiếm cho hắn một chức vị trong làng. Bước tiếp theo là dùng mấy dân quân đóng vai lính lệ mang súng ống ban đêm đến đe dọa từng hương chức yêu cầu họ rút lui và lần lượt thay thế họ bằng người của đảng.
Đến cuối năm 1947, ban hương chức làng đã bị nhuộm đỏ quá nửa. Đầu năm 1948, với lý lịch giả mạo là những nông dân thuần túy, Tuấn Nhơn, Huy Phụng và những cán bộ khác ung dung về làng đẩy mạnh việc gầy dựng lại cơ sở, chuẩn bị cuộc chiến đấu nhân danh một chủ nghĩa tai hại là chủ nghĩa Mác-Lênin vô thần và duy vật.
Thời kỳ này đối với Ngọc Thu và các bạn gái của nàng tràn ngập hạnh phúc. Họ luôn có chồng bên mình và mỗi đêm, họ luôn có lạc thú. Chồng họ thật tuyệt vời. Trái với Ngọc Thu càng hạnh phúc càng đẹp thêm, cuộc chơi ấy làm Mỹ Đông vừa sung sướng vừa kiệt sức.
Thời gian này, Tuấn Nhơn lên liếp ruộng biến thành một vườn trồng nhãn vì bán trái cây về cho dân thành phố có thu hoạch khá hơn. Những ngày cải tạo ruộng thành vườn, Tuấn Nhơn có kêu hai em của Mỹ Xuân sang phụ. Đức Lai và em út thọt chân qua làm mà cứ ngỡ mình đang trong mộng. Ngày nào anh chàng cũng được thấy và nhìn ngắm Ngọc Thu. Có lần trong lúc dừng cuốc nghỉ tay để uống nước trà do Ngọc Thu mang ra, lúc đó Tuấn Nhơn đi đặt mua cây giống, Đức Lai thu hết can đảm nói:
“Chị Thu có đôi mắt đẹp quá…”
“Bộ đến hôm nay Lai mới biết điều đó sao?”
“Không, ý Lai muốn nói anh Tuấn Nhơn thật có phước nên cưới được chị làm vợ.”
Ngọc Thu mỉm cười làm ra vẻ tự đắc nói:
“Dĩ nhiên rồi,” và nói tiếp, “Sao Lai không kiếm một cô nào đó để nó phụ với Lai.”
Anh chàng mang tiếng “Thằng Khờ” chụp ngay câu nói ấy và đáp lại:
“Tìm một người vừa đẹp vừa giỏi như chị không dễ cho nên…”
“Cho nên còn ‘một mình đối bóng’ chứ gì… Chị thấy Lai đánh giá mình hơi cao đấy.”
Như thế, không kèn không trống làng Rí đã lại trở thành làng do CS kiểm soát và tình hình này kéo dài đến giữa năm 1959. Thời kỳ này, chính quyền Ngô Đình Diệm với đạo luật 10-59 đặt CS ra ngoài vòng pháp luật, tiến hành việc lấy lại những vùng nông thôn còn bị Việt cộng kiểm soát. Một vài đồng chí của Tuấn Nhơn ở huyện bị bắt và bị kết án tử hình. Lần này Tuấn Nhơn, Huy Phụng và cả Văn Cám cùng một số đồng chí phải nhanh chân chạy vào cứ tránh tội đày hay tội chết. Họ để vợ ở lại làng Rí với hai con nhỏ.
Đứa con thứ hai của họ sinh ra ít năm sau khi họ về làng hoạt động lại từ 1948 đến 1959. Con thứ hai của Ngọc Thu là Khánh Loan, của Mỹ Xuân với Văn Cám là Mạnh Lương, của Mỹ Đông với Huy Phụng là Lệ Yến. Đầu năm 1958, Mỹ Đông sảy thai đứa thứ ba và chết theo con vì bị băng huyết nặng. Mỹ Xuân phải cưu mang những đứa con của em gái mình. May có cậu em út thọt chân không lập gia đình cũng không theo Việt cộng phụ giúp vào việc nuôi con cho hai chị giữa cảnh chiến tranh khói lửa bao trùm một vùng quê nghèo khổ. Em trai kế Mỹ Đông tên Đức Lai  chưa có vợ cũng chạy vào cứ với anh rể Văn Cám.
Mùa thu năm 1959, Ty giáo dục Quảng Nam cho xây lại ngôi trường tiểu học đã bị hư hỏng và xuống cấp quá nửa. Đồng thời mở một trường trung học đệ nhất cấp mà năm đầu tiên chỉ có lớp đệ thất. Sau bốn năm trường sẽ có đủ bốn cấp lớp từ đệ thất đến đệ tứ. Đời sống của làng Rí được cải thiện nhiều với dòng điện lần đầu tiên đưa từ huyện về làng. Nhưng trong bóng tối, trong chỗ thầm kín của mỗi người, những hạt giống của cỏ lùng tai hại mà bàn tay của CS gieo vãi trong những năm qua đang chờ dịp để nhú mầm khỏi mặt đất như những giọt bóng tối giữa ban ngày đang tích góp dần thành những ngày nhật thực đen tối.