Chương 6
Góc tối và góc sáng

Lớp đệ thất đầu tiên của trường trung học năm đó có bốn học sinh mà bố mẹ chúng đã là bạn bè của nhau: Khánh Dung,  Khánh Loan, Mạnh Cường và Huy Khang. Trừ Khánh Loan ba đứa kia đều học trễ hai năm vì khi học xong tiểu học chúng không có trường để học tiếp. Những đứa con em của họ như Mạnh Lương, Lệ Yến học lớp ba trường tiểu hoc. Lệ Yến em gái của Huy Khang có người bạn gái cùng lớp là Khả Thúy. Cô này rất mến mộ anh trai của bạn mình. 
Tuổi trẻ vô tư và nghĩ cạn, không đủ trí khôn để hiểu di sản tinh thần nào mà tổ tiên và cha mẹ để lại trong vô thức họ, trong đó có di căn sự thù hận dân tộc từ thời Trịnh Nguyễn, rồi sự thù hận lương giáo thời bắt đạo và sự thù hận của cái gọi là cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay. Chúng như bao trẻ khác trong trường mà phần bóng tối đó luôn ngoài tầm nhìn của chúng và của người khác. Và trong bối cảnh làng Rí đã từng bị CS chi phối, chúng không ngờ khi chơi chung với nhau, chúng trở thành thế hệ thứ hai bị nhuộm đỏ như cha mẹ chúng.
Mạnh Cường ít nói thường hay săn sóc Khánh Loan. Nó nói với ba đứa kia:
“Giá mình được giỏi võ nghệ như ba mình (Bảy Long) để bảo vệ các bạn.”
Huy Khang thì hay chọc phá bạn gái trong lớp kể cả Dung và Loan. Nó lấy giấy làm đuôi, lấy dây thung cột vào vạt áo sau của các bạn gái. Một lần nọ nó làm đuôi cho Khánh Loan, cô bé nhờ bạn chỉ mới biết. Trên giấy nó còn ghi nghuệch ngoạc một câu, “Lớn lên Loan sẽ làm vợ Cường.” Cô bé khóc nói lại với Mạnh Cường, cậu này hạch hỏi Huy Khang:
“Tại sao mày cứ chọc ghẹo Khánh Loan còn cáp đôi tao với nó?”
“Không phải mày cũng thích như thế sao. Tao thấy lúc nào mày cũng chiều chuộng con nhỏ."
“Đó là chuyện của tao không mắc mớ đến mày. Lần sau mày còn làm nó khóc thì đừng có trách tao. Tao sẽ mét dì Đông và hai cậu đánh đòn mày.”
Lần khác nó làm đuôi cho Khánh Dung, trong tờ giấy nó ghi:
“Mặt mày cứ vác lên, bộ mày tưởng mày đẹp lắm hả.”
Cô bé chạy bổ vào thằng Huy Khang hất cái cằm thanh tú, lúc đó đôi mắt nâu vàng long lên hỏi:
“Tao đẹp giống mẹ tao thì mắc mớ gì mày. Mẹ mày gầy như con khô mắm.”
“À, mày định hỗn với mẹ tao hả con quỷ cái. Mẹ mày lẳng lơ như quỷ thì có.”
Hai đứa định nhào vô đánh nhau may có Mạnh Cường chạy đến can ra bắt thằng em con dì phải xin lỗi Khánh Dung. Huy Khang phải miễn cưỡng xin lỗi cô bé.
Tình cảm học trò cũng theo thời gian mà chuyển biến như mặt trời trên bầu trời thay đổi từ sáng sớm đến lúc hoàng hôn. Ngọc Thu mấy năm đầu thường nghe con Loan về mách mẹ:
“Mẹ ơi, thằng Khang nó vẫy mực vào lưng con nhỏ ngồi kế con nhưng văng hết vào áo con nè.” Hoặc, “Mẹ ơi, thằng Khang nó lấy súng nước bắn vào áo con ướt nhem nè.”
“Vậy con đừng chơi với những bạn xấu như nó nữa.”
“Tụi con ghét nó như cùi hủi”
Người mẹ làm thinh không nói. Nàng nghĩ bụng, “Hai con gái mình nên ghét bỏ Huy Khang và lánh xa thằng đó …” bởi trong thâm tâm nàng hối hận đã đánh mất trinh tiết với Huy Phụng và giờ đây thù ghét anh ta, như một quá khứ chẳng lành. Hai năm học cuối cấp dù không thấy con mình thưa gửi gì, cũng không gọi Huy Khang là thằng hủi nhưng nàng vẫn yên tâm. Nàng biết cái bồng bột nhất thời của tuổi trẻ, nhất là tuổi học trò. Hồi đó nàng cũng có một bạn trai học lớp nhất (không hiểu sao hồi đó nàng biết thương con trai sớm thế!) hai đứa thường tách ra khỏi đám bạn để chơi riêng với nhau, cậu ta thường cho mình đồ chơi làm bằng lá dừa đan, bánh kẹo và chỉ mình làm toán trong lúc mình chỉ cho cậu ta bài tập làm văn. Cuối năm học đó gia đình cậu ta dọn đi nơi khác và những mơ mộng của nàng cũng dần dần tan biến như mây khói phù du.
Ngọc Thu quên rằng gần đây nàng nhận thấy khuôn mặt Đức Lai, em trai Mỹ Xuân rất giống cậu bạn học lớp nhất của nàng: cũng má lún đồng tiền, cũng mắt lá răm, cũng cằm chẻ mà con trai trời ạ. Mặt khác nàng cũng quên hay đúng hơn không ngờ rằng phả hệ chính trị của mấy đứa trẻ thường làm chúng không thể hòa nhập với các bạn học khác mà lập thành một nhóm riêng.
Năm đệ tứ cuối cấp đã tạo ra nhiều chuyển biến lớn trong bốn đứa trẻ. Một phần tích cực vì chúng đã trở nên đằm tính hơn như con thuyền lớn có trọng lượng dằn tàu, phần khác tiêu cực do bị ảnh hưởng của sự xuyên tạc hai môn giảng văn và lịch sử.
Một hôm Võ Tấm, một người bạn chiến đấu của Văn Cám và gia đình Mỹ Xuân thường đến nhà ve vản Mỹ Xuân vì biết Văn Cám đã vào rừng sẽ lâu lắm mới trở lại nếu không nói chẳng có ngày về. Hắn tình cờ cầm cuốn sách văn và sử của hai đứa nhỏ trong nhà lên coi thử, hắn tái mặt. Sau khi hội ý với Mỹ Xuân, Tối hôm đó Võ Tấm lại đến kêu thằng Mạnh Cường và Huy Khang lại nói:
“Dì Mỹ Xuân nhờ tao giáo huấn hai đứa mày. Tụi bay không được tin vào những gì trong sách văn và sách sử viết nghe không.”
“Thầy dạy sai và sách viết tầm bậy. Này nhé Ngô Đình Diệm không phải là chí sĩ mà là thằng Diệm, muốn thay Tây vừa truyền đạo vừa duy trì chủ nghĩa thực dân tại xứ này, Nguyễn Thái Học không phải là liệt sĩ mà chỉ là một trí thức tiểu tư sản ngây thơ nhưng liều lĩnh v.v… còn Nhất Linh, Khái Hưng đều là những nhà văn phản động và ru ngủ v.v…”
Võ Tấm nói lâu lắm đến tận khuya, hai đứa tuy buồn ngủ cũng phải rán ngồi nghe. Sau cùng chúng phải hứa với Võ Tấm chỉ học đủ để làm bài chứ dứt khoát không tin. Hắn không hề băn khoăn đã đem bóng tối vào tâm hồn trong trắng của chúng. Vì từ ngày đó tâm hồn của chúng sẽ sống trong tâm trạng hoài nghi và bị giằng xé liên tục. Tin ai đây? Tin thầy giáo hay tin Võ Tấm. Và sau cùng để thoát khỏi sự giằng xé kéo dài ấy, các đứa trẻ kể cả con Dung và con Loan nghĩ mình phải một bề tin theo Võ Tấm và Mỹ Xuân và dồn nén niềm tin thầy giáo vào vô thức. Nhưng khi càng dồn nén lời thầy dạy, chúng càng cuồng tín với những lời của Võ Tấm để tìm lại sự bù trừ. Sự không trung thực với chính mình và với người khác đã nảy mầm trong chúng như cỏ lùng mà Võ Tấm đã gieo vãi vào mảnh ruộng của ông-chủ-lương-tâm lúc trời tăm tối. Thiết tưởng sự giáo dục đúng nghĩa và đem lại lợi ích lâu dài cho bản thân và cho xã hội không thể thiếu sự chính xác và trung thực. Đó là nền giáo dục dân tộc, dân chủ, nhân bản và khai phóng. Ngược lại là một giáo dục ngu dân vô cùng tai hại.
Tối hôm đó để tự khen thưởng mình đã lên lớp cho bọn trẻ đúng với đường lối của đảng, Võ Tấm định ở lại quyến rũ Mỹ Xuân vui vầy lạc thú. Nhưng cô này không đồng ý nhận hắn làm tình nhân hoặc hơn thế nữa làm chồng mặc dù cô mới tròn ba mươi tư tuổi và lửa tình còn nóng hổi. Vả lại gánh nặng con cô và hai con của Mỹ Đông để lại quả là không nhẹ chút nào. Cô không muốn làm hắn sa đà vào vòng tình cảm mà xao nhãng công tác nằm vùng. Cô muốn để thời gian thử thách lòng mình và cô nghĩ rằng một lời hứa hẹn mơ hồ nào đó cũng đủ trở thành một động lực tốt cho hắn trong công việc chung của đảng: Anh hãy hát cho em một- bài- ca mới đi như Văn Cám đã làm. Sau cùng hắn phải lủi thủi ra về trong đêm với một tâm hồn chứa chan niềm hy vọng cùng với nhiều ảo vọng.
Cuối năm đó, bốn đứa trẻ đi thi trung học đệ nhất cấp, Khánh Loan có số điểm hạng bình thứ, Khánh Dung và Mạnh Cường hạng thứ còn Huy Khang bị rớt và đau nhất là Khang thiếu nửa điểm của môn sử mà các môn khác không có dư để bù lại. Ba đứa kia sẽ ra thành phố học tiếp. Khánh Loan và Mạnh Cường vào trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Khánh Dung ra Huế học sư phạm tiểu học. Việc thi vào sư phạm không khó với cô, cô đã bắt đầu học thi ngay sau khi biết kết quả kỳ thi trung học, trừ những buổi chiều mà cô tìm sự thư giản khi đi gặp bạn bè cùng lớp.
Lần đó mẹ cô đi vắng vì từ cuối năm 1960 đến nay cứ sau hai tháng hoặc sớm hơn, mẹ cô lại vào cứ báo cáo tình hình ngoài làng xã với tư cách một giao liên đồng thời thăm cha cô năm ngày hoặc một tuần. Những ngày đó mẹ cô không ra chợ bán đồ khô, mẹ cô đi từ sáng sớm không phải qua đò vì đội công binh ở Đà Nẵng đã xây dựng một cầu sắt nối hai bờ của làng Rí với làng chài. Mẹ cô nói dối với bạn hàng vào Quy Nhơn thăm ông xã có xưởng đóng ghe trong đó. Dù đi qua cầu sắt khi trời còn chưa sáng, nhưng Ngọc Thu mỗi lần qua sông lại nhớ đến cái ngã người vào lòng Đức Lai khi lần đầu tiên cô vào cứ với Mỹ Đông cách nay đã nhiều năm. Cảm giác đó thật kỳ lạ.
Chiều nay Khánh Dung đến nhà bạn,  nhưng có lẽ sẽ rủ bạn đi gặp Mạnh Cường vì nàng thích cậu ta nhưng chưa dám nói tâm sự của mình. Phần em cô, Khánh Loan sẽ gặp Huy Khang như đã hẹn.
Còn cách bờ sông Nghiệt chừng hai mươi mét, Khánh Loan đã thấy Huy Khang đứng chờ dưới một cây cao cùng một cô bạn của cả hai người. Cô vui mừng gặp lại Huy Khang nhưng không vui khi thấy có Khả Thúy bên cạnh cậu ta nên nụ cười trên môi cô trở thành gượng gạo. Khuôn mặt Huy Khang trầm ngâm vì cậu ta làm sao vui được khi mình thi rớt mặc dù Khánh Loan vẫn nhấn mạnh cô thi đậu vì may mắn và trong lớp có đến mười tám đứa thi rớt để Huy Khang không mất tự tin. Nhưng Huy Khang không tự an ủi mình như thế, cậu ta luôn tự nhủ, “Mình ghét cái học lừa dối ấy, mình chẳng thèm có bằng cấp của chúng nó.” Ba người đi bên nhau một đoạn ngắn trong im lặng, Khánh Loan nhỏ nhẹ nói, như để an ủi:
“Hay là Khang học lại năm đệ tứ đi, năm sau thi lại sẽ vững vàng hơn.”
“Khang chưa quyết định gì trong lúc này tiếc rằng mình không dư điểm môn khác để bù vào môn sử vì Khang thấy thiếu điểm môn sử là điều xứng đáng.”
“Ừa, tụi mình đều ghét môn sử,” Khả Thúy nói, “Mỗi lần Thúy học sử Thúy tưởng tượng một gã trai mình không ưa tán tỉnh mình; mình lắng nghe hắn nói nhưng lòng không suy suyển.”
“Vậy Thúy cũng đã có người tán tỉnh sao?” Huy Khang trố mắt hỏi.
Khả Thúy nhìn lại bạn im lặng một lúc rồi nói:
“Thúy nói vậy thôi vì Thúy còn nhỏ tuổi không được như các anh chị, người nào cũng có người để ý như Loan có cả hai ba bạn trai để ý.”
“Như ai nào?” Huy Khang tò mò hỏi.
“Tôi không nói đâu, nhưng trong đó có cả Khang phải không?”
Lúc đó Khánh Loan đỏ mặt vì những nhận xét của Khả Thúy về cô chính xác: họ học cùng trường và cùng trong nhóm-đỏ. Lúc đó Huy Khang đáp lại Khả Thúy nhưng ánh mắt nhìn tình tứ nhìn về Khánh Loan: tuần trước cậu ta nói với Khánh Loan một cách xa xôi muốn thích ở gần cô mãi mãi khi ngày cô về Đà Nẵng học tiếp đã đến gần:
“Vậy tôi để ý cả hai người, có được không?”
Khả Thúy đấm mạnh vào vai Huy Khang nói:
“Chỉ nói bậy, ai thèm…”
Lúc đó Khánh Loan nói lãng sang chuyện khác khi hỏi Khả Thúy:
“Sao hôm nay không có Lệ Yến cùng đi?”
“Nó ở nhà phụ dì Mỹ Xuân chuẩn bị cúng giỗ dượng Bảy Long ngày mai.”
Khả Thúy đã không ở lại giúp đỡ bạn gái nhưng đòi đi chơi với Huy Khang là anh của bạn vì sâu trong trái tim mình, cô đã thầm yêu anh chàng và luôn hy vọng sẽ chinh phục được tình yêu của Huy Khang, lúc nãy trong khi chờ Khánh Loan tới cô đã ngắt một cọng lá của cây hoa mắc cỡ trên đường và trong lúc Huy Khang không để ý cô ngắt bỏ từng chiếc lá, miệng đọc thầm, “Khang yêu Thúy”; “Khang không yêu” và thật tuyệt vời chiếc lá cuối cùng dừng lại ở câu “Khang yêu Thúy”. 
Một lát sau, họ đã đi tới bìa rừng mà con sông chảy ngang làm cho khu rừng chia đôi và cụm rừng nhỏ bên này có vẻ là một công viên cây lâu niên hơn là rừng rậm, ở đó có những tảng đá rêu phong xung quanh nhưng bề mặt lại phẳng phiu. Vài tiếng chim kêu gọi bạn trong chiều và một vài lá rơi trong cơn gió nhẹ. Bên trong rừng cây bóng tối đã bắt đầu đậm lại trong buổi hoàng hôn. Huy Khang ngồi xuống, trong lúc hai cô bạn đứng tựa vào tảng đá; cậu ta nói:
“Khang không có ý nói thế, Loan và Thúy biết đó, có thể lúc nào đó một tình bạn sẽ đi xa hơn nhưng không phải lúc này. Giá mà mình cũng thi đậu như Loan...”
“Thật không?” Khả Thúy hỏi.
“Thật chứ, lúc này sống trong tình bạn học với bao kỷ niệm đẹp mình thấy thú vị lắm rồi, phải không?”
Khánh Loan cúi đầu mân mê vạt áo không nói, còn Khả Thúy đôi mắt sáng lên vì cô thấy mình còn cơ hội ganh đua và loại trừ Khánh Loan.
Mấy giây sau, Khánh Loan nói:
“Mình sẽ viết thư cho hai người khi ra đến Đà Nẵng. Mình chỉ xin Huy Khang đừng mặc cảm mà nên học lại thi lại. Chậm mà chắc cũng là điều tốt.” 
Đồng thời nàng tự nhủ, “Có thể lúc đó mình sẽ tỏ tình với anh chàng qua thư…”
Rồi ba người bạn đi tìm những viên sỏi màu, hái những hoa cánh mỏng về ép tập  Một giờ sau họ rời khỏi nơi đó đi ngược lại cầu sắt, ghé vào một quán cóc ăn chè đậu ván để trở về nhà; Khánh Loan vừa ăn vừa hỏi Huy Khang:
“Khang nói thật tụi em biết tại sao hồi lớp đệ thất Khang hay chọc ghẹo em và chị em vậy?”
“À ừ, lúc đó Khang cũng không biết tại sao chỉ nghĩ mình trẻ con bồng bột. Sau hai năm anh thấy mình sai, thế là mình đổi ý từ chọc phá, mình muốn ganh đua việc học  với các bạn. Lúc đó Khang lại thấy vui và hy vọng dù vẫn không theo kịp việc học của các bạn.”
“Hy vọng của anh sẽ không vô ích đâu.” Khánh Loan nhìn Huy Khang nói với vẻ bí hiểm dù rất chân thành.
Một lát sau, Huy Khang nhận xét:
“Không hiểu sao từ một hơn năm này dì Mỹ Xuân buồn buồn thế nào đó, có lúc dì ngồi khóc một mình.”
“À mà mẹ em cũng thế, có lúc rất vui mà cũng có lúc rất buồn. Em cũng thấy có lúc mẹ ngồi khóc một mình.”
“Có lẽ dì anh và mẹ em nhớ chồng trong chiến khu, còn họ cũng cô độc sống giữa lòng địch. Dù sao sự hy sinh của họ là quá lớn.”
“Vâng quá lớn; cũng tại bọn Mỹ Ngụy và bọn đạo Chúa”
Qua sự tuyên truyền của Võ Tấm, cô luôn luôn đồng nhất chủ nghĩa thực dân cũ và mới với sự truyền giáo – cũ với người Pháp và mới với ông Diệm và Mỹ. Cô chưa đủ trình độ để hiểu rằng chủ nghĩa thực dân là đứa con hư của văn minh Tây Phương, được hoài thai từ thời Phục hưng và ngay từ đầu Kitô giáo đã được miễn trách nhiệm về sự xuất hiện của nó. Ngày nay kitô giáo càng được miễn tố vì xã hội Tây phương đã hoàn toàn bị tục hóa.
Đêm hôm đó, trước giờ ngủ Khánh Dung và Khánh Loan kể lại cuộc đi chơi cho nhau nghe. Khánh Dung nói:
“Chiều nay chị và nhỏ Mỹ Hạnh cùng Mạnh Cường đi bộ qua bờ sông làng chài. Mạnh Cường nói sẽ vào chùa làm sư, Mỹ Hạnh hỏi, ‘Vậy khi gặp người nữ ưng ý có chịu bỏ chùa không?’ Mạnh Cường nói, ‘Bỏ tu nhưng không bỏ chùa. Nhưng bây giờ thì chưa gặp.’ Mỹ Hạnh phang lại, ‘Vậy tu làm gì cha nội?’ ‘À để bảo vệ chánh pháp và truyền thống chống lại văn minh nhơ nhớp, đồi trụy và sa đọa của phương Tây. Rồi đây con rồng châu Á sẽ quấn cổ con diều hâu Tây phương ném vào vách đá Thái sơn cho nó tan xương nát thịt…’ Mỹ Hạnh liền táo tợn nói, ‘Thôi đi Mạnh Cường ơi, bạn làm tiên tri từ lúc nào vậy? Bây giờ nghe tôi nói nè … bạn thử tiên tri tôi có làm bạn ưng ý không?’ Mạnh Cường dừng lại ngắm chị và Mỹ Hạnh một giây rồi nói, ‘Cho tôi chọn lại được không?’ Mỹ Hạnh tức giận nói, ‘Ai thèm anh chọn…’”
Đến đây Khánh Loan hỏi chị:
“Vậy chị có biết ý của Mạnh Cường là sao không?”
“Còn sao nữa, Mạnh Cường chưa biết chị thích cậu ta. Vả lại cậu ta đã có ý định đi tu rồi” Khánh Dung nói.
“Không phải, Mạnh Cường đã ngầm chọn chị rồi đó. Hôm nào chị hãy tỏ tình với cậu ta đi và biết đâu cậu ta sẽ không còn nghĩ đến chuyện vào chùa nữa.”
Hai chị em nói cười rúc rích thêm một lúc nữa rồi đi vào giấc ngủ.
Dĩ nhiên hai chị em không biết hậu cảnh của câu chuyện Mạnh Cường. Chính Võ Tấm đã gợi ý cho Mạnh Cường vào chùa để sau này làm “dân vận” trong giới tăng ni theo kế hoạch được tính trước từ khi ông Diệm bị lật đổ và bị giết chết trong đó có sự tiếp tay của Phật giáo ‘tả khuynh’. Đúng hơn không phải là tả khuynh mà là cực kỳ bảo thủ cơ cấu truyền thống. Không phải họ muốn phục hồi thời đại Lý Trần hay sao? Và ai cấm người làm dân vận phải không vợ. Võ Tấm đã chuẩn bị tư tưởng cho Mạnh Cường ngay sau khi Mạnh Cường thi đậu, hắn đã nói:
“Với cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ hiện nay, cuộc chiến đấu của ta vô hình trung có đủ ba làn sóng cách mạng theo quan điểm của Lê-nin: một là cuộc nổi dậy đòi dân chủ trong vùng tư bản kiểm soát, hai là cuộc đấu tranh giành độc lập mà đảng tiến hành, ba là làn sóng xã hội chủ nghĩa đang lan rộng toàn cầu mà sau lưng ta là Trung quốc. Chắc chắn ta sẽ thắng Mỹ ngụy”.
“Nhưng lực lượng Phật giáo có đáng tin không chú,” Mạnh Cường hỏi lại.
“Về mặt học thuyết thì không đáng tin nhất là khi họ nói phi thiện phi ác, ta hơn hẳn họ vì nói có thiện có ác, nhưng cái thiện và cái ác mà ta nói chỉ là những chiêu bài để sau cùng mọi người đều coi mọi lời đảng nói là chính nghĩa. Về mặt truyền thống, Phật giáo là một lực lượng dân tộc và đây cũng là một chiêu bài của ta. Vả lại Phật giáo, nhất là thiền tông,  và Mác xít có chỗ gặp nhau quan trọng và chú thường nghĩ rằng đó hai anh em cùng cha khác mẹ.”
“Nghĩa là cùng một phả hệ…” Mạnh Cường liền hỏi.
“Đúng, nhưng chú chỉ gợi một ý thôi: đó là người mẹ duy vật của Mác-xít và người mẹ duy tâm của Phật giáo, còn về người cha chung của hai học thuyết ấy thì lần sau ta sẽ bàn luận tiếp. Và để việc thảo luận có chất lượng chú đem đến cho cháu mấy cuốn sách giáo lý Phật giáo và sách dạy ngồi thiền trong vòng hai tuần cháu phải đọc xong, bây giờ chú đi lo giấy tờ chứng minh cháu là tu sĩ đây.”
“Vâng cháu sẵn sàng xuống tóc vào chùa, nhưng cháu vẫn mong ước có được một bạn gái ngoan hiền.”
“Được, có sao đâu, nhưng cháu đừng cố tìm mà hãy để nó tự đến.” Võ Tấm khẳng định ngay.
Rồi như được cởi tấm lòng, Võ Tấm nói tiếp:
“Mẹ cháu trước giờ là bạn gái ngoan hiền của chú, cháu thấy chú có thể tiến xa được không?”
“Cái này còn tùy mẹ cháu nhưng cháu thấy thời gian sẽ ủng hộ chú.”
“Chú cám ơn và xem ra cháu sắp giác ngộ rồi đó.” Võ Tấm khẳng định mạnh mẽ.
Rồi cả hai cùng cười và chia tay, sau khi đã lên lịch tập huấn “dân vận” cho Mạnh Cường.
Cuối năm 1961, đội công binh ở tiểu khu Đà Nẵng đã làm một cầu sắt qua sông nối làng Rí với làng chài. Mấy tháng sau, khoảng tháng tư 1962, tiểu khu Đà Nẵng mở cuộc càn quét từ làng Rí vào núi Mường vì VC đã lợi dụng tình hình Phật giáo chống ông Diệm ở Sàigòn và Huế để quấy phá ở nhiều địa bàn. Trong cuộc càn quét ấy quân chính phủ sử dụng cả xe tăng từ làng Rí qua cầu vào cứ và tàu hải quân từ một nhánh của sông Côn thọc sâu vào hướng núi. Quân Việt cộng gồm hai đại đội do Tuấn Nhơn và Huy Phụng chỉ huy hợp đồng với một tiểu đoàn quân Bắc Việt trên địa bàn tỉnh.
Trong ngày giao tranh đầu tiên đại đội của Huy Phụng và quân Bắc Việt bị cắt làm đôi, một nửa rơi vào vòng vây của bộ binh có thiết giáp yểm trợ. Ba ngày sau quân du kích trong vòng vây bị tiêu diệt hoàn toàn. Nửa kia bị tổn thất nặng. Huy Phụng đem quân du kích còn sống sót chạy dọc bờ sông lên thượng nguồn sau đó theo đường mòn trốn vào núi, ra khỏi vùng giao chiến. Cánh quân của Tuấn Nhơn đón địch trên hữu ngạn sông nơi thiết giáp không vào được nhưng bị quân đổ bộ từ mấy chiếc tàu CPF có trang bị đại liên bắn yểm trợ cho bộ binh và bắn chận đường rút lui của VC sau năm ngày quân của Tuấn Nhơn bị tiêu diệt gần hết chỉ còn lại năm người chạy thoát vào núi sâu. Tuấn Nhơn và Văn Cám bị tử thương trong trận càn quét đó. Đức Lai trong cánh quân của Huy Phụng may mắn thoát chết, mình mẩy xây xát, cánh tay bị mảnh lựu đạn xuyên qua. Bảy ngày sau khi quân VNCH rút đi, những xác chết được quy tập chôn vào một khu đất gần chỗ Tuấn Nhơn đã đụng đầu với lính cộng hòa.
Năm ngày sau tin tức đã về tới làng Rí. Ngọc Thu chạy qua nhà Mỹ Xuân ôm nhau khóc mấy đêm nhưng ban ngày nằm trong buồng rũ rượi vì giấu không cho các viên chức làng xã biết được tin này sẽ làm khó dễ họ. Nửa tháng sau Ngọc Thu mua ít hương nhang, đồ vàng mả đem vào cứ cúng kiến trước mộ Tuấn Nhơn. Huy Phụng hướng dẫn nàng ra phần mộ của chồng. Nàng dâng hương, khóc lóc trước mộ chồng. Huy Phụng đứng dưới một tàng cây thỉnh thoảng nói một câu an ủi.
Tối đó Huy Phụng bảo nàng ngủ lại phòng chàng, chàng lấy nóp nói qua chòi của một đồng chí ngủ tạm. Buổi tối sau khi ăn cơm, hai người nói chuyện tới khuya. Huy Phụng cố ý nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa khi họ mới lớn lên và yêu nhau. Sau cùng chàng nói:
“Anh định lần sau em vào báo cáo anh sẽ nói, nhưng vì bao lâu nay anh vẫn luôn thương nhớ em. Vả lại bây giờ anh góa vợ, còn em lại góa chồng khi mới ngoài 30 tuổi nên anh đề nghị anh và em nối lại tình xưa nghĩa cũ không có gì là sai trái nhưng việc này còn khẳng định chí hướng của chúng ta phục vụ cho đảng và lý tưởng CS, vậy em nghĩ sao."
Ngọc Thu cúi đầu không nói, không phải vì nàng cần suy nghĩ mà vì tình yêu Huy Phụng đã hoàn toàn chết trong lòng nàng từ lâu, từ ngày nàng sinh Khánh Loan đứa con thứ hai của nàng. Nàng buộc phải dùng kế trì hoãn và nói:
“Em cũng nghĩ như anh nhưng anh hãy cho em một thời gian ngắn rồi ta sẽ tái hợp. Trước hết phải tìm cách nói chuyện với hai con em. Rồi em sẽ trân trọng giới thiệu anh với chúng. Sau đó mình nối lại tình xưa không muộn. Như thế sau này chúng sẽ không có ấn tượng xấu về mình.” 
“Vâng anh chấp nhận đề nghị của em, lần sau em phải có câu trả lời dứt khoát nghe.” Huy Phụng nói.
Thật ra chàng muốn nối lại tình xưa không phải bởi nhu cầu mà vì lòng tự tôn và ganh tị đối với Tuấn Nhơn.
“Em xin anh thời gian trong vòng ba tháng.”
“Vậy cũng được.” Huy Phụng đắc ý nói.
Sáng hôm sau nàng về sớm. Về nhà nàng lập bàn thờ cho Tuấn Nhơn trên căn gác gỗ và ba mẹ con ôm nhau khóc trong ngày cúng cơm đầu tiên cho chồng. Phần Mỹ Xuân lén nhờ sư trụ trì chùa Từ Duyên cầu siêu cho Văn Cám.
Hai tháng sau Ngọc Thu lại vào cứ, định bụng sẽ xin Huy Phụng cho nàng suy nghĩ thêm hai tháng nữa để anh ta biết mình từ chối khéo. Đến trạm 2 nàng đọc mật khẩu và tiếp tục đi nhưng có cảm tưởng khu rừng thay đổi và nàng đang đi ngược lại. Nàng chợt biết mình đi lạc khi gặp lại một khóm hoa dại mà lúc nãy nàng định hái khi sắp đến trạm 2. Nàng tưởng mình mệt mỏi hoặc hoa mắt, cần phải nghỉ ngơi và ăn uống. Nàng tìm một gốc cây giở nắm cơm và bầu nước ra ăn rồi ngồi nghỉ mệt cho tỉnh táo.
Bỗng cả rừng cây lay chuyển bởi gió mạnh, trời chuyển cơn mưa to. Những thân cây ngã nghiêng, cành lá kêu xào xạt và là khô rơi rụng rất nhiều. Rừng trở nên âm u như sắp tối mặc dù lúc đó khoảng một giờ trưa.. Đang lúc lúng túng chưa biết đi đường nào thì ngay tại một ngã rẽ, nàng thấy một phụ nữ rất đẹp, mặc bộ đồ bà ba trắng bằng lụa đang đứng đó như chờ đợi một ai. Không đợi nàng hỏi, người đàn bà đẹp ấy nắm lấy tay nàng trong bàn tay lúc đầu lạnh ngắt của bà ta và nói:
“Em đi ngã này nè, chừng hai mươi thước thấy một cái chòi, hãy vào đó trú mưa rồi chờ tạnh mưa hỏi đường người ta và đi tiếp.”
“Chị cũng đến đó tránh mưa chứ?”
“Không chị có chỗ trú khác vả lại chị còn đợi ông anh tên Tuấn Cải.” Nói xong người đàn bà đẹp họ Châu buông tay nàng để nàng chạy đi.
Chạy được mươi bước, một tia chớp lóe lên giúp Ngọc Thu nhận ra một cái chòi nằm ẩn mình trong đám cây lá chằng chịt. Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống ào ào. Khi đến hiên cái chòi lá, áo nàng đã ướt nước.
Ngọc Thu đứng thở và quan sát. Trong chòi có người với ánh đèn dầu leo lét. Bỗng một tiếng cười nắc nẻ của một phụ nữ vang lên lọt ra cửa sổ mắt cáo không cánh. Rồi người phụ nữ giọng Ngải Yên tên Kim Đợi  nói:
“Anh Đức Lai khéo đặt chuyện cười. Thôi em phải đội mưa đi đây, nhớ uống thuốc khi thấy đau nhức nhé.”
“Chờ tí trời bớt mưa hẳn đi … hay là cô sợ anh Huy Phụng nóng lòng chờ?” rồi giọng Đức Lai nói tiếp, “Để tôi ra xem mưa thế nào?”
Lúc đó không hiểu sao Ngọc Thu muốn bỏ chạy nhưng hai chân nàng vẫn bất động. Đức Lai mở tấm liếp ra thấy nàng liền hỏi:
“Ai đây, sao không vào nhà. Có phải chị Thu không … Trời ạ vào nhà đi.”
Nàng ngoan ngoản chui dưới cánh tay nâng tấm liếp lên, bước vào chòi và bẽn lẽn nói: “Tôi lạc đường lại bị mắc mưa. Không ngờ đây là chòi của cậu.” trong lúc người phụ nữ nhìn chằm chằm vào mặt nàng và nhận ra nàng trong đêm nàng ở chòi Huy Phụng. Đức Lai theo vào và nói với nàng:
“Chị ra sau thay đồ đi kẻo lạnh,” rồi chỉ vào Kim Đợi nói tiếp, “Chị Đợi này cũng đang ngồi chờ tạnh mưa.”
Khi Ngọc Thu ra sau, Kim Đợi hỏi Đức Lai:
“Có phải chị này là vợ anh Phụng không?”
“Không, chị ấy là vợ của anh Tuấn Nhơn đã hy sinh.”
“Sao tối qua em thấy chị ấy nói chuyện rất lâu trong chòi của anh Huy Phụng.”
“À ừ chắc chị ấy báo cáo tình hình bên ngoài.”
“Vậy mà em tưởng chị ấy giống như em và con Hồng Liên mỗi lần ghé lại chòi anh Huy Phụng.”
“Nghĩa là sao?”
“Anh này ngốc thật, anh Phụng làm kỵ sĩ hai đầu cỡi ngựa chúng em trong đêm khuya và cùng chúng em xông vào lạc thú đấy.”
“Cô định nói xấu chị họ tôi phải không?”
“Chị họ ba mươi đời thì có,” Kim Đợi chống chế vì hổ thẹn đã ngộ nhận Ngọc Thu rồi nói tiếp, “Tôi phải đội mưa đi đây kẻo con Hồng Liên nó chiếm mất chỗ tốt.”
Ngọc Thu đã nghe hết câu chuyện và chờ khi Kim Đợi đi rồi nàng bước ra trước ngồi vào cái ghế duy nhất, trong lúc Đức Lai vẫn ngồi trên giường tre. Nàng nói:
“Trời vẫn còn mưa to phải không cậu?”
“Chị định đi đâu nữa?”
“Tôi định đến nộp báo cáo cho mấy ảnh, nhưng thôi sáng mai cũng được.” Ngọc Thu kiếm cớ nói.
“Để sáng mai đi, vả lại tối nay anh Huy Phụng có hẹn với chị Kim Đợi; tối nay chị cứ nghỉ lại đây …”
“Chắc phải vậy thôi.”
“Tôi dành cái giường cho chị, còn tôi trải nóp ngủ dưới đất.”
Nàng nhìn qua một lượt cái chòi khá gọn gàng. Mấy cuốn sách cũ gần như rách nát trên một cái kệ làm bằng nứa tép, hai bầu đựng nước mà một cái giống y cái bầu đựng rượu của Tuấn Nhơn trước kia. Đức Lai im lặng không nói, ngồi nghe tiếng mưa rả rích bên ngoài, nhìn vào chỗ trống không, thỉnh thoảng nhìn vào Ngọc Thu để thán phục vẻ đẹp ở tuổi ba sáu, ba bảy của nàng, bằng tuổi chị Mỹ Xuân và lớn hơn mình sáu tuổi, rồi anh ta cảm thấy xúc động trào lên từ kỷ niệm ôm eo nàng hồi trước. Anh ta chờ nàng nói trước. Sau cùng nàng lên tiếng trước vì tiếng mưa đều đều đơn điệu bắt đầu làm nàng buồn tẻ. Nàng nói:
“Anh Tuấn Nhơn hồi trước cũng có cái bầu nước giống của cậu,” nàng nói khi liên tưởng đến cái bầu đựng rượu của chồng.
“Phải, cái bầu đẹp trên kệ là của anh ấy để lại còn cái xấu hơn là của tôi. Hai cuốn sách cũ kia cũng của ảnh. Đó là truyện Tam Quốc Chí thiếu mấy cuốn đầu và cuối.”
“Sao cậu lại có đồ đạc của ảnh vậy?”
“À, trước trận đánh vừa rồi ảnh ở chung với tôi trong chòi này vì phải nhường phòng cho Tiểu đoàn trưởng và chính ủy tiểu đoàn Bắc Việt.”
Rồi Đức Lai nhân đó kể lại trận đánh cho Ngọc Thu nghe. Nàng nhận thấy có một vài chi tiết mà trước đó Huy Phụng đã bỏ qua, Đức Lai nói:
“Khi biết trước sẽ bị truy quét, trong một phiên họp Tuấn Nhơn đã đề nghị dùng gỗ rừng làm một rào chắn kiên cố chặn đường thủy dẫn vào căn cứ, ngay ngã ba sông nhỏ chảy vào sông Vu Gia nhưng Tiểu đoàn trưởng Bắc Việt không đồng ý vì cho rằng quân cộng hòa sẽ không sử dụng hải quân. Lá phiếu quyết định lúc đó nằm trong tay Huy Phụng vì từ ngày Hà Nội đưa quân chính quy vào Nam, các tổ chức vũ trang được biên chế theo tổ chức quân đội Bắc Việt và Huy Phụng có quyền hành ngang với Tuấn Nhơn. Lần đó Huy Phụng đã bỏ phiếu cho tiểu đoàn trưởng. Khi chiến trận nổ ra, chính lực lượng hải quân địch đã nhanh chóng thọc sâu vào cứ trước cả thiết giáp M113 của địch. Trong lúc tháo chạy dọc bờ sông, Đức Lai nghe tiếng tàu địch chạy rất gần nên đã đề nghị Huy Phụng phục kích trên bờ để chặn và tiêu diệt tàu địch. Huy Phụng gạt luôn ý kiến này và nói: ‘Mày muốn chặn thì mình mày ở lại, tao phải cho quân rút nhanh khỏi vùng giao tranh để bảo toàn lực lượng.’ Chính những chiếc tàu đó có trang bị đại liên đã tiếp tục vào sâu đánh thọc bên sườn cánh quân của anh Tuấn Nhơn làm anh ấy không kịp trở tay.
Nghe kể đến đây Ngọc Thu thổn thức. Đức Lai chạy lại chống khuỷu tay trên mặt bàn nắm lấy một bàn tay của nàng và an ủi nàng:
“Thu có sao không? Thu đừng buồn nữa… Cuộc chiến này là tai ương mà Trời giáng họa cho xứ này. Còn biết bao nỗi buồn khác không thể nào tả xiết…”
Nàng ngước đôi mắt ướt lệ mắt nhìn lên bởi tên nàng đã được nói lên ngọt ngào từ một anh chàng có tiếng “thằng ngốc” nhưng chắc chắn không ngốc, có lẽ anh chàng chỉ khờ vì quá thật thà chân chất. Nàng thờ thẫn nói một câu:
“Lai cũng đã bị thương nặng phải không?”
“Không nặng lắm, nhiều mảnh tạc đạn đã găm vào ngực và tay nhưng vì không được gắp ra hết nên thỉnh thoảng bị sốt và đau.”
Thì ra cô Kim Đợi lúc nãy đã đem thuốc giảm đau cho chàng. Bây giờ thì nàng hết khóc nhưng vẫn để cho Đức Lai nắm lấy tay nàng một lúc lâu như một cử chỉ dùng để an ủi lại Đức Lai. Bên ngoài không gian đã đen kịt nhưng tiếng mưa vẫn luôn rả rích. Có tiếng một con chim lạc bầy trong mưa kêu lên rất thảm khi bay qua chòi.
Một giờ sau họ cùng vào bếp nấu cơm với gạo thơm mà nàng đem vào, và nồi thịt heo ba rọi kho mặn có cả canh chua lá vang vì nàng thấy sau bếp có sẵn lá vang và một con cá lóc rộng trong cái thau nhựa. Trong thời gian làm bếp, Ngọc Thu đánh giá lại con người của Huy Phụng, một kẻ hèn hạ và bất trắc, lang chạ với những cô gái dân quân và để biện minh, anh ta nói mình cô đơn cần có một người đàn bà an ủi. Nàng đã thấy điều này khi Tuấn Nhơn còn sống nhưng nàng không ngờ Huy Phụng tệ hại đến thế. Cảm nhận này còn trầm trọng, ray rứt hơn bởi mặc cảm phạm tội với Tuấn Nhơn khi nàng không còn trinh tiết trong ngày tân hôn. Rồi nàng lại thương hại cho Mỹ Đông quá cố. Sau cùng nàng mím môi tự nhủ, “mình đã quyết định đúng khi không nghe lời năn nỉ đường mật của hắn, phải đoạn tuyệt một lần này và mãi mãi…” Trong lúc nàng làm cá, thỉnh thoảng nàng liếc mắt nhìn Đức Lai ngồi canh bếp phụ nàng, nàng chợt thấy lòng se lại vì nàng như gặp lại hình ảnh nhiều nữ tính của cậu bé học chung lớp nhất với nàng ngày xưa. Nàng nhớ lại thời kỳ Đức Lai xách súng theo nàng làm công tác tuyên truyền, nhưng cậu ta không hề trò chuyện một lời vì e thẹn. Mà lạ thật lúc đó nàng là gái đã có chồng thế mà nàng cũng e thẹn như cậu ta. Còn bây giờ, Đức Lai đáng được nàng gọi bằng một tiếng “Anh “ khả kính.
Từ lúc đó hình ảnh của Đức Lai không rời khỏi tâm trí nàng cả trong giấc mơ nàng thấy giấc ngủ ngắn ngủi đêm hôm đó. Hình ảnh một con người hiền lành – quá hiền lành thành khờ khạo, và chân thật – quá chân thật thành ngốc nghếch trong mọi lúc dù phải sống ở giữa những điều dối trá hoặc muộn màng biết đó là những điều dối trá.
Trong bữa ăn sau đó và ngồi đối diện nhau, ngọc Thu tò mò hỏi:
“Hồi chiều, anh và Kim Đợi nói những chuyện gì mà cô ta cười to thế?”
“À, nói chuyện chơi ấy mà vì cô ấy nói gia đình cô ấy ngoài Bắc có nhiều cái nhất như nghèo nhất làng, đông con gái đẹp nhất làng, cấy giỏi nhất làng, ăn nói táo tợn nhất làng và nhiều cái nhất khác nên anh mới kể cho cô ấy một câu chuyện tiếu lâm để đáp lại. Nghe xong cô ấy cười giòn như pháo nổ.”
“Anh kể lại cho Thu nghe đi.”
“Anh kể chuyện một chuyên cơ chở một nhà ngoại giao Mỹ thuộc đảng CS và một nhà ngoại giao Nhật thuộc đảng xã hội cùng mấy anh cán bộ ngoại giao lão thành của ta. Khi sắp đến phi trường Gia Lâm, Hà Nội thì máy bay gặp sự cố. Phi công bảo phải bỏ bớt hành lý, máy bay mới đáp xuống được. Ông Mỹ thảy một xách tay đầy đô la và nói, ‘Bên nước tôi, thứ này có rất nhiều’. Đến ông người Nhật thảy xuống một cái xách tay đầy kim cương và nói, ‘Bên nước tôi, thứ này có rất nhiều’. Bấy giờ cán bộ lão thành ta đạp hai nhà ngoại giao Mỹ và Nhật rơi khỏi máy bay và nói, “Ở nước tôi, thứ ăn tục nói phét như hai ông có rất nhiều.” Phi cơ sau đó đáp xuống an toàn. Cán bộ lão thành tuyên bố tại sân bay, “Ta vừa có một thắng lợi nữa trên mặt trận ngoại giao”.
Lúc đầu Ngọc Thu cười ngất nhưng cô chợt tỉnh, nghiêm mặt nói:
“Anh đang nói xấu đảng và miền Bắc xã hội chủ nghĩa đấy.”
Đức Lai mới nói cho nàng biết từ ngày có tiểu đoàn Bắc Việt vào đóng quân ở đây, anh đã âm thầm tìm hiểu tính “ưu việt” của chế độ và xã hội miền Bắc qua mấy cô dân quân, mấy cô hộ lý và anh đi từ thất vọng này qua thất vọng khác. Bản thân Kim Đợi và Hồng Liên cũng phải đi bộ đội vào B (chiến trường Miền Nam) để gia đình không bị cắt phần gạo tiêu chuẩn và bị tịch biên tài sản trừ thuế, nhiều cán bộ đã trở thành sâu dân mọt nước. Anh tự hỏi phải chăng giai cấp công nông đã trở thành giai cấp nô lệ và chính nghĩa giải phóng và độc lập chỉ là cái cớ dối trá để người dân phải chịu nhận sự cưỡng bách, đàn áp bằng kinh tế và bằng bao tử của một tập đoàn đảng trị. Lúc đó Ngọc Thu ngắt lời:
“Thu không nghĩ họ hay chúng mình bị mắc lừa.”
“Thế đấy, những cô Kim Đợi và Hồng Liên dù bị đàn áp, bị buộc phải ra chiến trường nhưng luôn xác tín mình chiến đấu cho dân cho nước mà không nghĩ mình chiến đấu cho một tập đoàn đảng trị và tham vọng nhuộm đỏ toàn cầu theo đường lối tằm ăn dâu của chủ nghĩa Mác-Lê. Họ không bao giờ hiểu dân tộc mà đảng nói chỉ là một chiêu bài trong các chiêu bài khác.”
“Nghĩa là sao anh?” Ngọc Thu hỏi nhưng không khỏi thán phục anh chàng khờ này chưa học hết trung học mà đã tự học và tự suy nghĩ những điều rất là ‘đại sự’.
“Nghĩa là họ bị sự tuyên truyền lừa bịp nên bị lầm, sau đó họ và nhiều người dân khác lại tiếp tục bị lừa và bị lậm. Anh và em cũng thế, mình đã trao duyên nhầm tướng cướp và rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như người bị rơi vào cạm bẫy.”
Ngọc Thu biết Đức Lai nói đúng, vì nàng đã có thời gian làm công tác tuyên truyền. Nhưng bây giờ nàng nhận ra mình đã bị mắc bẫy tuyên truyền trước khi đi tuyên truyền cho người khác: kẻ bị lừa trước sau đó đi lừa người khác. Thế nên nàng hoảng hốt hỏi:
“Có cách gì để cho các cô ấy biết mình bị tuyên truyền lừa gạt không?”
“Phải nói cho họ biết sự thật và phải nhẫn nại để đẩy lui bóng tối dối trá bấu chặt tâm hồn họ như bầy dơi bám kín trong hang đá… Nhưng anh thấy rồi đây lịch sử sẽ phanh phui ra ánh sáng ngay sau khi cuộc chiến này kết thúc và sẽ không lâu đâu.”
Rồi Đức Lai nhìn vẻ mặt hoảng hốt của Ngọc Thu, hối tiếc đã làm vẫn đục niềm vui của nàng trong chính lần gặp nhau riêng rẻ và tình cờ này. Anh thở dài, và miếng cơm cuối cùng trong chén mình, cố gắng nuốt rồi nói tiếp:
“Trong lúc lo buồn vì đêm tối hiện nay của lịch sử, anh chợt nhớ lại câu chuyện Từ Thứ trong Tam Quốc Chí. Ông này là bề tôi của Lưu Bị phải bỏ Lưu Bị về với Tào Tháo vì gian hùng Tào Tháo cho bắt giữ mẹ Từ Thứ với lời đe dọa nếu Từ Thứ không về với ông ta, ông ta sẽ giết mẹ Từ Thứ.”
“Câu chuyện lịch sử ấy Thu có biết. Nhưng ý anh là sao?”
“Anh nghĩ từ nay anh phải sống bài học của Từ Thứ. Nếu sau này đảng chiếm được miền Nam và lại tiếp tục cai trị dân theo bá đạo tức là bằng bàn tay sắt đẫm máu và cái miệng dối trá đánh lừa và nếu lúc đó anh buộc phải sống chung với họ thì anh sẽ như Từ Thứ dứt khoát không sống vì họ, không bận tâm về họ nữa, giữ chặt tâm hồn mình không để họ làm mình tha hóa. Anh nguyện giữ lương tâm luôn trong sáng, không tàn bạo, không dối trá nhưng luôn trung thực để sống chân thành với bạn bè, gia đình và với đấng Tối Cao mà nhà nho gọi là Thiên Đế và đôi khi anh cảm nhận sự hiện diện của ngài.”
Trong lúc Ngọc Thu cúi đầu bối rối, Đức Lai nói tiếp:
“Em nhớ về sau mẹ Từ Thứ ra sao không?”
“Bà ấy được tha nhưng bà ấy đã tự sát.” Ngọc Thu đáp.
“Đúng, bà ấy không thèm cái tự do giả dối mà Tào Tháo ban cho, nhưng chọn tự do chống lại bạo quyền bằng tự sát.”
Sau đó hai người im lặng, một sự im lặng nặng nề trong tiếng mưa còn rơi ngoài trời chiếm lĩnh cả khu rừng chìm trong tăm tối. Uống nước xong họ lặng lẽ về chỗ nằm chờ giấc ngủ ở hai nơi tách biệt trong ánh đèn dầu le lói.
Sau một buổi bị lạc đường mệt nhọc, Ngọc Thu mau chóng đi vào giấc ngủ. Nàng thấy mình đang lang thang trong một nơi hoang sơ có nhiều cây cao bóng mát trong làng gần bờ sông Nghiệt mà nàng chưa từng thấy. Đức Lai theo sau một khoảng cách khá xa. Bỗng nàng gặp một phu nhân xinh đẹp ăn mặc theo lối cổ, váy lĩnh thâm, áo tứ thân màu hồng với thắt lưng xanh chuối. Nàng ngạc nhiên thấy vẻ mặt quen quen, mãi một phút sau nàng mới nhận ra đó là người đàn bà chỉ đường cho nàng đến chòi của Đức Lai tránh mưa. Vị phu nhân ấy nói:
“Em lại đây với chị, chị và em có duyên với nhau. Sau này mình sẽ còn lâu dài bên nhau nữa.”
“Nhưng chị là ai?” Ngọc Thu ngỡ ngàng hỏi.
“Chị là Châu phu nhân, để có dịp thong thả chị sẽ kể em nghe. Chị em mình ra bờ sông cho mát đi. Trong người em nhiều hành thủy nhưng hành hỏa cũng vượng lắm đôi khi nó làm em bất an, đúng không?”
“Vâng chị nói rất đúng.”
Ngồi ở bờ sông chưa nóng chỗ, Châu phu nhân bước xuống nước nói:
“Xuống dưới này đi em mát lắm. Em sẽ thấy ngọn lửa bên trong và cái nóng bên ngoài dày vò em sẽ bị chế ngự. ”
Lúc ấy có tiếng Đức Lai từ sau kêu nàng quay trở lại nhưng nàng không muốn nghe. Sau đó nàng và phu nhân đi dần ra giữa lòng sông, xuyên qua nước xuống thủy cung đến lâu đài của Châu phu nhân. Ngọc Thu tưởng mình đang bay giữa nước, cũng rất thoải mái như mấy con cá chép, cá trào, có cả một đàn cá lòng tong đang bơi lội xung quanh nàng. Đến nơi nàng bước vào lâu đài lóng lánh xà cừ của vỏ ốc, lung linh một ánh sáng xanh huyền ảo. Châu phu nhân chỉ vào một cái khối chữ nhật màu nâu nói:
“Em nằm giường này nghỉ một chút rồi chị em mình đi dạo một vòng thủy cung.”
Nàng ngã lưng xuống giường, những lá rong mềm mại đỡ lấy lưng nàng, lay động phất phơ như những ngón tay vuốt ve người khách quý. Bỗng nàng nghe có tiếng rên khe khẻ chợt giật mình ra khỏi cơn mơ.
Khi tỉnh dậy Ngọc Thu rùng mình sợ hãi. Hoá ra chiều nay nàng đã gặp ma. Nàng ra khỏi giường đến nóp của Đức Lai. Trong ánh đèn tù mù, Đức Lai đã chui ra và ngồi trên tấm nóp rên khẻ. Một vài mảnh đạn còn sót trong người làm chàng đau nhức. Ngọc Thu ngồi bên chàng cố trấn tĩnh nỗi sợ, mấy phút sau nàng hỏi:
“Anh có sao không?”
“Không sao, những khi trời trở lạnh làm vết thương đau nhức.”
“Có phải uống thuốc gì không?”
Lúc đó nàng vuốt mái tóc ướt mồ hôi của chàng, để chàng tựa lưng vào người nàng âu yếm như một y tá tận tâm. Rồi nàng chợt nhớ rượu thuốc của Tuấn Nhơn trong bầu, liền hỏi:
“Trong bầu của Tuấn Nhơn vẫn còn rượu chứ.”
“Vẫn còn nguyên đấy.”
“Rượu ấy có thể giữ ấm và giảm đau, để Thu đi lấy.”
Cho đến lúc này nàng không biết đó là rượu tăng lực mà việc giữ ấm và giảm đau chỉ là tác dụng phụ theo sau. Tuấn Nhơn đã không cho nàng biết điều đó mà chỉ cho nàng hưởng hiệu quả của rượu đã làm thỏa mãn ái dục của nàng. Khi cầm bầu rượu và ly đất trong tay, Đức Lai ngừng lại nói:
“Anh có việc này quan trọng muốn nói với em...”
“Việc gì?”
“Anh đã một lần ôm eo em…”
“Rồi thì sao nào?”
“Rồi từ đó, anh nhớ em và sau cùng biết rằng anh đã yêu em, nhất là những lúc…”
“Anh nhìn dòng sông chảy lững lờ in bóng con đò ngang chứ gì?”
“Không, những lúc anh đau đớn như thế này...”
“Thu hiểu rồi, nhưng anh uống đi rồi hãy nói tiếp.”
Hớp ngụm rượu thơm mùi thảo dã, Đức Lai lại nói:
“Vậy Thu có nghĩ gì về anh không, có thấy anh khờ và ngốc không?”
“Không, trái lại Thu thấy anh tinh tế và đa cảm.”
“Vậy anh là người mơ mộng hảo huyền?”
“Không phải thế, nên bây giờ em thấy mến thương anh,” nàng nói dịu dàng.
Rồi nàng hôn vào gáy chàng và tì cằm vào vai chàng, tưởng tượng cảnh Huy Phụng và Kim Đợi đang quần thảo nhau trong lạc thú. Ngọn lửa tình trong lòng nàng được lòng ganh tị và thù ghét kích thích đã thức dậy và từ từ bốc cao như hơi rượu. Lúc đó chàng rót thêm ly rượu thứ hai và nói:
“Vậy mà trước giờ anh cứ tưởng đó là rượu thuốc trị sốt rét hay đường ruột nên có bao giờ đụng đến đâu…”
Nửa giờ sau, Đức Lai cảm thấy cơn đau biến mất, trong lúc lòng Ngọc Thu đã nóng bỏng ngọn lửa khát vọng yêu đương. Nàng không muốn cưỡng lại và ngoan ngoản đi theo khi chàng kéo nàng trở lại giường tre. Lúc đó, chàng quay lại vách lá lấy một cái hoa giắt sẵn ở đó giống cái hoa mà nàng định hái lúc lạc đường và đưa tặng nàng và nói, “Anh thường hái hoa để ngắm và nhớ đến em”.
Nàng ngắm hoa lung linh trong ánh sáng tù mù, sau đó nàng buông hoa rơi xuống và ôm lấy lưng chàng ấm nóng vì những cảm xúc gợi hứng đã bắt đầu làm nàng thích thú. Chàng đã khai mạc cuộc chơi của tình yêu và lạc thú. Có những lúc ‘chị’ Thu thấy chàng có vẻ lúng túng trong việc cỡi ngựa trên người nàng nên đã thì thầm ‘nhắc tuồng’ cho ‘cậu’ Lai, thì thầm như nàng đang nói với chính mình: hôn đi, làm vậy đi, làm kia đi… Rồi hai người cũng hoàn toàn khớp vào nhau cùng với một cảm giác đê mê như luồng điện chạy khắp thân thể họ mỗi lần chàng ấn sâu vào nàng. Sau cùng họ rên rỉ bởi khoái cảm tuyệt vời mà họ cùng trao ban và tận hưởng. Âm thanh hạnh phúc của họ lan tỏa ra ngoài, len lỏi giữa những hạt mưa đêm đang làm mọi vật tan loãng ra và hòa nhập vào nhau.
Ngọc Thu đã chọn Đức Lai và yêu chàng vì tính tình chàng luôn trung thực, và đã chân thật yêu nàng. Đồng thời nàng cũng hiểu bởi tính trung thực ấy, chàng đã mau chóng phát hiện mình sai lầm để thất vọng và đắng cay với những gì đảng nói và làm. Nhưng ngay sau đó tìm cách giữ cho mình không rơi vào tuyệt vọng. Mặt khác nàng cũng biết Huy Phụng không sống chân thành và cũng không thật sự cần đến tình yêu của nàng nữa. Sáng hôm sau, nàng thấy bông hoa trong đêm đã được tấm lưng trần của nàng ép dẹp. Nàng giữ lại để ép vào một cuốn sách lịch cũ bằng chữ nho ở nhà để nhớ đến chàng. Một kỷ niệm đầu của một tình yêu cuối.
Từ đó, mỗi khi vào cứ, Ngọc Thu đi thẳng đến chòi của Đức Lai ở lại dăm ba ngày để săn sóc chàng rồi nhờ Đức Lai đưa báo cáo lại cho Huy Phụng. Nàng không quên đem vào cho chàng những thuốc giảm đau mà có khi nàng phải nhờ mấy người giao hàng mua trong các tiệm thuốc Tây ở Đà Nẵng. Nàng cũng đem vào vài cuốn sách truyện xưa và một cuốn Kinh Tân Ước theo yêu cầu của chàng.
Huy Phụng không thắc mắc tại sao có sự trung gian này, cả khi sau đó Phụng biết được chuyện tình của họ vì so với các nữ dân quân, hẳn Ngọc Thu không nóng bỏng và chủ động như họ khi hiến dâng cho Huy Phụng: sinh ra và lớn lên trong môi trường tàn bạo, các cô đã mang trong mình những mầm mống của sự khổ dâm.
Chứng khổ dâm nơi Kim Đợi và Hồng Liên có lẽ còn do mặc cảm tội lỗi với vị lãnh tụ khả kính của họ. Người ta đã chẳng ví ông ta như hoa sen vô nhiễm của đất Tháp Mười hay sao (Tháp mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên ‘cáo già’). Thế nên họ phải tự trừng phạt những lạc thú của họ trước một lãnh tụ ‘trong trắng’ như một Bồ Tát vì cả đời mãi miết hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, không biết đến chuyện vợ chồng! (và hiện diện khắp mọi nơi như một đấng thiêng liêng!). Có lẽ một ngày nào đó các cô sẽ hóa điên khi thần tượng của họ sụp đổ, và ai mà biết được cơn điên ấy sẽ còn hủy hoại họ đến mức nào. Trong trường hợp này thà họ không biết rõ mặt trái của thần tượng họ vẫn hơn. Lạy Trời, xin cho họ đừng biết lịch sử tình dục của lãnh tụ mà họ được dạy gọi bằng những từ ngữ thân thương tôn kính: ‘Bác ơi’ hoặc ‘Cha già dân tộc’ v.v. Nhưng bây giờ họ phải để mình bị trừng phạt tội dâm bôn bởi bàn tay ‘xứng đáng’ của đảng viên Huy Phụng, sự nối dài của bàn tay lãnh tụ.
Đêm hôm đó, khi Kim Đợi thỏa mãn với đủ hai khoản hành xác và hành lạc rồi bỏ đi thì chưa đầy một giờ sau Hồng Liên đến. Trong ánh đèn tù mù, khi roi mây dài trên tay Huy Phụng vụt xuống, Hồng Liên kêu lên, “Bác ơi, xin bác tinh tuyền như pha lê hãy trừng phạt cháu gái cái tội dâm ô này.” Nghe vậy Huy Phụng định vứt roi xuống, nhưng Hồng Liên trần truồng, uốn éo như múa rắn vẫn thúc giục, “Anh Ba đánh Liên thật đau đi rồi Liên mới cho anh chiếm đoạt thân thể phổng phao mượt mà của Liên.” Anh Ba, tên gọi trong khu của Huy Phụng, nghe thế liền tiếp tục việc hành xác cô trước khi hành lạc. Sáng hôm sau những lằn roi đỏ ửng trên lưng và trên đùi Hồng Liên làm cô liên tưởng đến màu cánh sen mọc rất nhiều trên hồ sen trước ngôi chùa cổ nay được cải tạo thành hồ nuôi cá của hợp tác xã quê cô. 
Còn với Huy Phụng, anh ta được dịp đổi mới việc hành xác hai cô ấy trong mỗi lần hành lạc: Khi thì anh ta dùng roi mây, khi thì dây dù, dây nịch, khi thì cấu véo. Nó giúp anh ta bộc lộ tính hung ác của mình, cùng lúc làm vơi nhẹ nỗi sợ hãi chết chóc trong chiến tranh và nỗi ám ảnh về vai trò bị đánh mất từ khi quân đội chính quy Bắc Việt ồ ạt vào Nam và nắm lấy mọi quyết định về chiến thuật trong cuộc chiến này, điều mà trước đây thuộc về các cán bộ miền Nam như anh ta vẫn nói, “Đây là cuộc chiến của miền Nam trong đó có tôi.”