Chương 7
Đạo - đời lem luốc

Mười ngày sau khi rời khỏi chòi Đức Lai về lại làng Rí, Ngọc Thu đưa hai con ra Đà Nẵng ở chơi nhà bà nội của hai con ít hôm. Nàng gặp mẹ chồng và hai cô em chồng, chị của chú út Tuấn Nghĩa, hai cô này hiện đang chung vốn buôn bán ở chợ Đà Nẵng, một cô đã lấy chồng sớm và có nhà gần đó ở hữu ngạn sông Hàn. Dĩ nhiên Khánh Loan sẽ ở với bà nội khi đi học trung học đệ nhị cấp ở trường Phan Chu Trinh còn Khánh Dung ra Huế học tại trường sư phạm sau khi được trúng tuyển. Cô này trọ học trong đại học xá dành cho các giáo sinh ở xa. Chú Tuấn Nghĩa không có ở nhà. Chú út và bạn là Huỳnh Hiển em trai của Kim Thản đã tình nguyện gia nhập quân đội cộng hòa sau mấy năm học đại học. Trong thời gian học đại học ở Huế họ nhận làm gia sư cho mấy nhà giàu có để tự túc không phải bắt gia đình trợ cấp. Hiện nay họ học năm cuối trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, và giữa năm sau sẽ ra trường với quân hàm thiếu úy.
Thật là một tình huống phân ly nghiệt ngã trong một gia đình, nhưng biết làm sao được. Trước khi về Đà Nẵng, Thầy Trình đã khuyên con trai trưởng từ bỏ tổ chức Việt Minh vì ông đã thấy trước những điềm xấu nhưng Tuấn Nhơn đã không nghe vì lúc đó chàng không muốn rời xa Ngọc Thu. Ngọn lửa đam mê nàng đã tôi luyện chàng thành thép cứng cho đảng. Ngày hôm nay em chồng Tuấn Nghĩa đã chọn phục vụ cho kẻ thù của anh mình với tất cả xác tín về dân chủ và tự do, còn nàng thì đang dần dần tỉnh giấc Nam Kha từ ngày gặp gỡ và yêu Đức Lai nhỏ hơn mình sáu tuổi.
Khi hai con nàng đến chào bà nội đang ngồi ăn trầu trên kỷ lui ra, Ngọc Thu ôm lấy đầu gối mẹ chồng khóc nức nở. Bà mẹ sững sờ hỏi sau khi nhổ vội miếng trầu đang ăn vào một cái bô nhôm nhỏ xíu:
“Có gì không Thu mà sao con khóc sầu thảm như thế?” bà mẹ hỏi.
“Mẹ ơi, anh Tuấn Nhơn của con đã tử trận rồi…”
“Trời ơi, con tôi …” bà mẹ lặng lẽ khóc, “Sao con lại bỏ mẹ mà đi vội thế này…”
Mẹ chồng, con dâu đều khóc lóc, một lúc sau bà mẹ nghẹn ngào nói:
“Trước đây cha và mẹ, rồi sau này một mình mẹ vẫn luôn lo sợ cho nó. Hơn một năm nay mẹ nguôi ngoai chút ít. Bây giờ lại nghe tin nó chết.”
“Không ai ngờ mẹ ạ.”
“Con có cho hai cháu gái của mẹ biết chưa?”
“Dạ có, hôm qua trước khi đưa hai cháu ra đây, con có cúng cơm cho cha chúng trước bàn thờ rồi ba mẹ con vừa khóc vừa ăn giỗ, không cho một ai biết.”
“Ý trời đã định, biết làm sao bây giờ. Con buồn thì chồng con cũng không thể sống lại. Ngày mai nhà mình sẽ cúng cơm cho nó, rồi sau đó cố mà nguôi ngoai đi, để còn lo cho tương lai hai cháu.”
“Vâng mẹ nói rất phải.”
Im lặng một lúc, nhìn nhan sắc con dâu cũng còn tươi thắm, bà mẹ nói tiếp:
“Sau này nếu con có đi bước nữa thì tìm một người dân thường thôi không liên quan đến cuộc chiến này.”
“Con chưa nghĩ đến chuyện đó mẹ ạ, xin mẹ đừng nói đến nghe mẹ.” Nàng giấu việc nàng đã yêu Đức Lai, một người bạn chiến đấu của Tuấn Nhơn.
“Ừ, mẹ thấy con còn trẻ quá mẹ thương …”
Ngọc Thu ở lại với gia đình chồng thêm hai ngày rồi về lại làng Rí. Trong thời gian ấy nàng biết được mấy việc liên quan đến hoàn cảnh gia đình của chồng quá cố. Cuối năm đó khi ra trường Chiến Tranh Chính trị Đà Lạt, Tuấn Nghĩa sẽ làm lễ cưới với Thanh Hiên, con gái đầu lòng của Kim Thản. Vì trước khi nhập ngũ, Tuấn Nghĩa đã từng làm gia sư cho Thanh Hiên qua sự giới thiệu của bạn chàng là Huỳnh Hiển, cậu của Thanh Hiên. Và chàng gia sư và cô học trò nhỏ đã yêu nhau. Khi Thanh Hiên thi xong bằng tú tài, hai người sẽ làm lễ hỏi. Lễ cưới sẽ được tổ chức sau hai năm nghĩa là khi Thanh Hiên đã trở thành cô giáo tiểu học. Vì gia đình Kim Thản đã theo đạo Chúa sau ngày ông Ngô Đình Diệm về chấp chính vài năm nên Tuấn Nghĩa đã tòng giáo với sự động viên của bạn. Hôn lễ tôn giáo sẽ tổ chức tại nhà thờ giáo xứ do một ông cha Tây coi sóc.
Việc gia đình Kim Thản theo Thiên Chúa giáo đơn giản đến độ khó tin. Khoảng năm 1955, các ty, sở ở tỉnh Quảng Nam đang tuyển những nhân viên, cán sự và lao công để hoàn thiện bộ máy hành chính của tỉnh. Lúc ấy Lê Bát đã ngán đến tận cổ việc phụ bán với vợ và giữ con vì sau Thanh Hiên, họ có thêm một trai và một gái nữa. Vả lại cũng có tin đồn rằng người nào có đạo Chúa sẽ được mau chóng xét tuyển vì việc sưu tra lý lịch tốn ít thời gian hơn, mặt khác những giáo dân trong Giáo Hội công giáo thuộc về một phả hệ khó chấp nhận CS hơn ai hết. Lê Bát muốn xin vào ty nông nghiệp làm nhân viên theo dõi và hướng dẫn nông dân canh tác theo lối mới với những giống lúa lai tạo mới nên quyết định xin cho cả nhà được theo đạo.
Kim Thản lúc đó cũng không có ý kiến gì mà chỉ theo ý chồng; nàng nói một cách chung chung rằng đạo nào cũng tốt. Không ai ngờ sau khi đã thành tín hữu, nàng trở nên rất mộ đạo. Có người hỏi tại sao, thì nàng chỉ nói một câu trong Kinh Thánh, “Vì Chúa đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu, danh Người thật chí thánh, chí tôn.” Bao điều kỳ diệu nào? Sự sung túc chăng, đời sống gia đình êm ấm, chồng siêng năng con ngoan ngoản chăng? Không hẳn thế mà chính là sự bình an trong tâm hồn.
Nàng luôn cảm thấy có Chúa khoan dung, đại độ đồng hành cùng nàng trong mỗi bước đi của đời sống, giữa những lo toan, vất vả và bề bộn. Điều đó giúp nàng chịu đựng sự cọc cằn của Lê Bát khi đem những bực dọc trong cơ quan về nhà nhưng không làm nàng giảm bớt sự yêu quý chồng mình. Với nàng, đức tin là một suy nghĩ đúng nhưng còn là một cảm nghiệm sống cao thượng và một sự thực hành ý Chúa muốn qua những việc bác ái nàng làm.
Sau khi ông Diệm mất, 99% những người theo đạo để dễ tìm việc làm đã mau chóng bỏ đạo để trở lại cái nếp của truyền thống. Họ dẹp bàn thờ Chúa cho vào sọt rác hoặc vứt xuống sông, rồi biến bàn thờ thành chỗ thờ ông bà và thờ Phật. Họ theo đạo Chúa như mặc một cái áo, bây giờ không cần nữa, họ lại cởi ra bỏ đi, mặc vào áo khác. Hai chữ “tả đạo” của Văn Thân như còn trong vô thức và ám ảnh họ, ngăn cản mọi tiếp thu và mau chóng thúc đẩy họ trở về với những giá trị truyền thống.
Trong số họ, phần lớn đều nói, “Mình sợ có tội bất hiếu với tổ tiên (vì họ tưởng lầm kitô hữu không giữ chữ hiếu), với lại mình sợ người lương xa lánh mình, điều này khó chịu lắm,” nghĩa là một mặc cảm tội lỗi với tổ tiên và với đồng bào khi làm trái lời Văn Thân đã chủ tâm bôi bác đạo. Một số rất ít người thật lòng hơn lại nói, “Đạo Chúa-trời-đất khó quá vì nó siêu nhiên, mình theo không nổi, ngay cả những người đạo dòng còn theo trầy trật và làm gương xấu. Trong Giáo hội bồ câu trắng bồ câu đen lẫn lộn và xem ra bồ câu đen cũng nhiều. Mình về lại đạo truyền thống có sai cũng không bị số đông chê trách. Có bầy quạ nào chê một con trong đàn là đen lông đâu.”
Lê Bát cũng nói với Kim Thản:
“Tôi sẽ dẹp bỏ bàn thờ Chúa và nhà mình sẽ lại theo đạo thờ cúng ông bà và đạo Phật. Từ hôm nay không đi lễ nhà thờ nữa, em hãy bảo các con như thế.”
Không cần suy nghĩ nhiều, Kim Thản phản đối chồng:
“Em không đồng ý việc này. Trái lại em thấy anh không thành tín và vô ơn với Chúa giống như vua Gia Long đã hành xử với Bá Đa Lộc. Bảy năm qua gia đình mình nhận được biết bao ơn Chúa ban cho sao anh vội quên như thế.”
“Bà im đi: một người mê tín như bà thì biết gì. Bà ra khỏi nhà này để giữ đạo. Một mình bà thôi.”
“Được rồi tôi sẽ ra khỏi nhà này sau khi bán nhà lấy đủ tiền trả nợ cho người bà con của cha mẹ tôi. Tôi sẽ đưa ba đứa con tôi đi nơi khác làm ăn. À con Thanh Hiên còn phải từ hôn với thằng Tuấn Nghĩa mặc dù thằng Nghĩa đã chịu theo đạo để kết hôn trong lúc nó bị mẹ và các chị nó phản đối.”
“Ừ bà đi đi, nhưng chuyện phân chia của cải thì tôi phải tính lại, bà đừng ép tôi.”
“Tôi không ép ông mà ông ép tôi. Tôi không thể mang công mắc nợ vì một người bất nghĩa như ông.”
Tuy Lê Bát nói mạnh cho đỡ quê, nhưng thật sự Kim Thản đã đưa ra cho chồng một bài toán hóc búa và có lẽ ông phải nhượng bộ thôi. Đã vậy bà ta còn lải nhải tiếp:
“Tôi sẽ nói việc này cho cha ông. Lúc đó ổng sẽ chửi ông muốn bỏ tôi để lấy gái tơ cho ông muối mặt. Bỏ đạo Chúa, ông lấy mấy vợ mà không được. Rồi ông coi tôi và ông ai còn nhan sắc và sự quyến rũ hơn ai.”
“Im ngay đồ quỷ cái.” Lê Bát tức giận hét lớn và bỏ đi.
Mặc dù suy nghĩ nhiều nhưng Lê Bát không tìm ra đáp án cho bài toán mà vợ ông đưa ra. Ông tự nhủ, “Vợ mình nó thành chằn tinh từ lúc nào vậy. Mà nhan sắc của nó vẫn còn mượt mà dù làm ăn vất vả, ban đêm còn chiều mình hết mức, trong khi mình lại mau già quá.”
Sau đó ông lại tự nhủ, “Nhưng mình cũng chưa biết mô tê về đạo Phật. Hình như ông Phật là con một ông vua Thái Lan nhường ngôi cho em trai ở Băng-cốc và vào rừng gần biên giới nước Lèo để tu hành, sau thành Phật.” Sau cùng ông nói, “Thôi có lẽ mình phải năn nỉ nó bỏ qua việc này cho gia đình êm ấm.”
Sau đó hai ngày, thánh lễ buổi chiều vừa kết thúc, Kim Thản vội ra về thì gặp ngay cha Tây chính xứ ở khuôn viên trước nhà thờ. Ông này người Tây Ban Nha râu tóc đều bạc và dợn sóng nhưng nói tiếng Việt rất sõi: ông đã coi sóc giáo xứ này mười lăm năm nay. Ông chào Kim Thản:
“Cha chào con.”
“Dạ con chào cha.”
“Con có chuyện nói với cha mà sao con vội thế?”
“À dạ, không biết con có nên quấy rầy cha không.” Kim Thản ngạc nhiên vì không hiểu tại sao cha xứ biết mình có điều nghĩ ngợi.
“Không, cha muốn nghe con nói những gì làm con lo lắng. Ta vào phòng khách đi.”
Bà chậm chạp theo cha bước vào phòng khách treo một tượng Chúa chuộc tội trên tường và kế đó là một kệ sách nhỏ. Sau khi chủ khách ngồi xuống bộ ghế gõ không nệm, cha xứ nói:
“Cha nghe đây; con nói đi.”
“Dạ thưa cha, gia đình con có chuyện bất hòa. Chồng con thấy ông Diệm bị sát hại nên muốn cả nhà bỏ đạo.”
“Có vậy sao,” cha xứ ngừng lại một lúc rồi nói “Dĩ nhiên cái chết của ông Diệm có điều gì đó giống như tử đạo khiến nhiều tín hữu lo lắng. Trong số những người hại ông ấy, ngoài các kẻ thù có những người đã từng thọ ơn ông ấy, trong số đó có không ít các giáo sĩ và tín hữu công giáo miền Bắc di cư vào Nam … Nhưng thôi cha không nói nhiều về việc đó, cha chỉ hỏi con định thế nào về việc chồng con?”
“Dạ thưa cha, con không đồng ý bỏ đạo nên hai vợ chồng chúng con đã gây gỗ”
“Đúng, mình theo đạo là theo Chúa để phục vụ và yêu thương mọi người chứ không theo ông Diệm hay kẻ thù của ông ấy, cũng không ngại cái chết.”
“Chồng con nói sẽ bỏ con nếu con giữ đạo.” Kim Thản ứa lệ nói tiếp.
“Điều này thì không đúng rồi,” cha xứ vuốt bộ râu cằm, cau đôi mắt có tròng màu nâu nhạt nói, “Khi các con đến với Chúa hay các con từ bỏ Chúa, các con phải hành động một cách tự do. Việc trở lại đạo giống như khi mình bước vào tình yêu, không thể ép uổng được. Ví dụ nếu chồng con đã quyết bỏ đạo thì cha cũng không thể lấy quyền gì để cưỡng ép được ngoài việc khuyên bảo. Ngược lại chồng con cũng không thể ép con bỏ đạo vì cha coi việc theo Chúa là một hành động tự do và cha tôn trọng sự tự do ấy. Vả lại sự cứu độ của Chúa cũng là sự giải phóng, nên Chúa cũng không phạm đến tự do của thụ tạo nào dù tự do đó không tốt và trái ngược ý Chúa.”
“Chồng con ngang ngược và hay cau có lại thường ép buộc vợ con phải theo ý của anh ấy.”
“Vậy con nghĩ sao, con có định theo ý chồng con không?” Cha xứ lo lắng hỏi.
“Không cha ạ, vì con cần đến lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa, mặt khác vì con luôn ý thức mình có tội.”
“Con không bị mặc cảm tội lỗi đấy chứ.”
“Không cha ạ, con nói chuyện trước kia, khi đó Việt Minh mới nổi lên ở quê con, con đã có hành động ích kỷ và dâm loạn, con đã phạm tội tà dâm lúc chồng con bị bắt.”
“Rồi sao nữa.”
“Sau đó lương tâm con luôn ray rứt dù con đã tha thứ, không muốn trách móc người đã cưỡng dâm con. Cho đến khi con vào đạo con mới thanh thản tâm hồn vì con biết có Chúa tha thứ cho con. Ngài đã cất bỏ gánh nặng tội lỗi trong con và con biết trong thánh giá Ngài vác lên núi Sọ có một phần tội lỗi của con. Từ đó con luôn cảm thấy Ngài ở bên con để tha thứ, an ủi, đỡ nâng. Bây giờ làm sao con có thể bỏ Ngài được.”
Cha xứ cúi đầu lắng nghe, rồi ông thở dài nói:
“Có những tội lỗi nặng nề mà loài người không biết hoặc khi biết thì không thể tự giải thoát cho mình, nên ông thánh Phaolô đã nói về chính mình, ‘Khốn cho thân tôi, có những điều tôi biết là tốt mà tôi không làm, có những điều tôi biết là xấu mà tôi vẫn cứ làm’. Trường hợp của con làm cha nhớ đến câu Félix culpa trong sách thánh. Con đã được Chúa chúc lành khi biết mình có tội.”
“Con phải làm sao bây giờ vậy cha?”
“Như cha nói hồi nãy, con hãy nhẫn nại và khuyên bảo chồng con, đừng gây gỗ căng thẳng nữa. Cùng với những lời khuyên bảo, con hãy bày tỏ tình yêu sâu đậm của con với chồng. Con đừng thách thức mà hãy yêu thương như lời ông thánh Gioan Thánh giá, Tình yêu chỉ được đáp trả bởi tình yêu. Khi nào thấy chồng con có biến chuyển tốt, con đến nói với cha, cha sẽ ghé thăm gia đình con và tìm cách củng cố đức tin cho ông ấy.”
“Và từ hôm nay cha nhớ cầu nguyện cho gia đình con.”
“Dĩ nhiên rồi, và cha sẽ đặc biệt kêu cầu Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí của hai con trong hoàn cảnh khó khăn này.”
“Con cám ơn cha nhiều lắm.”
Lúc đó Kim Thản cáo lui; khi bà khách ra khỏi cổng nhà thờ, cha xứ ngâm nga mấy câu thơ mà ông vừa ứng tác. Có lẽ Thánh Thần Thiên Chúa đã cảm hứng cho ông:
Chúa cho con vấp ngã
Để con níu lấy Ngài
Và để con chợt hiểu
Trên đường về, Kim Thản tưởng mình bước đi trên gió. Vâng có ngọn gió Thần Khí trong lòng bà. Ba tuần sau, Lê Bát không còn nói đến chuyện bỏ đạo nữa, ông lại còn trách mình, “Thì ra đức tin của mình non yếu quá so với bề dày truyền thống tự nhiên tồn tại trong lòng mình luôn lấn át đức tin đó vì không cùng một bình diện và phả hệ. Mình chỉ có một đức tin thờ ơ, bị định hình trong khuôn khổ của những giá trị văn hóa truyền thống và do đó không tiếp nhận được gì mới mẻ mà Đức Giêsu mang lại để đổi mới lòng mình.”
Kim Thản đã chọn lựa đúng: giữa sự xung đột gay gắt của các giá trị, giữa đêm tối của cuộc chiến tranh ý thức hệ tàn khốc này, giữa lúc con rồng đỏ bảy đầu mười sừng vươn vai thức dậy, giờ đây bà không tìm cách bảo vệ ruộng vườn của chồng, tiền bạc của mình, và hạnh phúc với chồng con một cách ích kỷ, trí trá, trái lại bà bảo vệ đức tin để chờ vị Hôn Phu của bà trở lại: Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến! Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến. 
Bốn người bạn trẻ Dung, Loan, Cường, Khang từ làng quê ra thành phố với tâm thức bị trói buộc trong một ý thức hệ, và chính Võ Tấm đã hình thành cái tâm thức ấy như một khuôn khổ hoặc cái nếp tiếp nhận mọi kiến thức. Cái khuôn khổ ấy từ chối mọi kiến thức loại sử học và văn học do các thầy cô ở trường truyền dạy. Vì thế không lạ gì khi một người có thể quên hết kiến thức của một nền văn hóa, nhưng nhờ cái khuôn khổ tư duy và cảm nhận mà kiến thức trước đây còn để lại và tồn tại lâu dài nên người ấy vẫn tiếp tục cảm nhận và tư duy trong khuôn khổ của văn hóa ấy hay trong phả hệ ấy. Cho nên có người nói rằng: “Văn hóa là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên hết tất cả.” Và bốn người bạn trẻ của chúng ta cũng suy nghĩ và hành động như thế.
“Cháu đi sinh hoạt gia đình Phật tử ở chùa Phổ Đà nơi có Phật học viện Trung Phần, v.v.”
Cả nhà bà nội cô không ngăn cản mà còn khuyến khích cô sinh hoạt đoàn thể Phật tử vì họ chưa nguôi bực tức chuyện chú út Tuấn Nghĩa theo đạo vợ. Mặc dù chú Tuấn Nghĩa có đưa ra trường hợp của Huỳnh Hiển, bạn chàng, theo đạo chỉ vì thấy đó là chân lý sau một lời khuyên bảo nhẹ nhàng của người chị, bà nội cô cũng không vì thế mà bằng lòng. Sau cùng chú Tuấn Nghĩa phải lén lút học đạo.
Vì thế gia đình bà nội Khánh Loan đã lấy việc hoạt động của cô cho giáo hội Phật giáo làm một lời đáp trả cho việc làm ‘sai trái’ của chú Tuấn Nghĩa. Dĩ nhiên Khánh Loan được phép đi về trễ những ngày đi học và đi họp những ngày nghỉ học. Điều đáng mừng là cô luôn là học sinh khá và lễ phép trong lớp. Cô đi thưa về trình khi dự họp, có lúc ở chùa Phổ Đà, có lúc ở chùa Pháp Lâm là chùa tỉnh hội Quảng Nam Đà Nẵng, có lúc ở trường trung học Bồ Đề.
Trong những lần họp ấy, Khánh Loan đều có gặp Mạnh Cường đến tham gia. Anh này hiện học chung trường với cô nhưng khác lớp và từ khi về Đà Nẵng anh ấy trọ học trong ngôi chùa Phổ Quang để học thêm Phật pháp. Khi về đến chùa nhà, anh chàng cởi bỏ đồng phục học sinh, mặc bộ áo lam hoặc áo nâu, tóc chưa cạo trọc. Theo lời anh nói, có lẽ giữa năm sau anh sẽ chính thức quy y và xuống tóc.
Thật ra Khánh Loan cũng biết đó là một vở tuồng do Văn Tấm dàn dựng. Một tháng trước đó Văn Tấm đã chính thức là chồng thứ ba của Mỹ Xuân, bất chấp lời can ngăn của cha anh ta là cô ấy tuy còn xuân sắc ở tuổi đó, nhưng bị nghi ngờ có tướng sát phu.
Buổi tối đó, Mạnh Cường đưa Khánh Loan đến chùa nhà để biết chỗ khi cần sẽ liên lạc, vì tình hình sẽ còn căng thẳng giữa chính quyền và Phật giáo và cuộc đấu tranh của Phật giáo đã từng giúp lật đổ và sát hại ông Diệm sẽ có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Chính quyền mị Phật giáo của Nguyễn Khánh không thể thỏa mãn hết mọi yêu sách của nhà sư đỏ Trí Quang và đồng sự vì đàng sau ông Khánh còn có Hội Đồng Quân Lực và người Mỹ. Người Mỹ có vẻ tán thành việc Phật giáo đòi dân chủ nhưng Hà Nội đã mau chóng coi phong trào dân chủ ở miền Nam không phải là một cuộc đấu tranh biệt lập nhưng là một làn sóng trong ba làn sóng cách mạng theo quan niệm của Lênin mà Lê Duẫn đã nhấn mạnh trong một cuốn sách tuyên huấn của ông ta.
Vào chùa trước hết Khánh Loan bước vào chánh điện, thắp hương trước tượng Phật đặt trên bệ cao giữa nhiều câu đối chữ nho, và nàng chỉ đọc được một câu đối bằng chữ Việt:
Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội,
Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên.
Hai chữ “nên duyên” sau cùng đã gây ấn tượng mạnh trong nàng. Phải  chăng đó là một câu tiên tri dành cho nàng, nhưng với ai? Nàng tự hỏi. Sau đó, Mạnh Cường dẫn nàng đi dọc theo một hành lang đến dãy nhà trọ và nhà khách gồm hai cánh với số phòng đều nhau và vuông góc nhau. Nàng không ngồi lại lâu trong căn phòng nhỏ gồm một giường gỗ và một bàn học, vì Mạnh Cường đề nghị ra sau hậu viên cho mát mẻ. Họ ngồi xuống hai đầu một ghế đá nhìn nhau trong khi màn đêm từ từ buông xuống.
Lúc đó tiếng chuông chùa thu không vang lên buồn bã. Lần đầu tiên nghe tiếng chuông ở gần, nàng khẻ rùng mình. Âm thanh từ đại hồng chung trào ra như những đợt sóng vô hình làm nàng mềm nhũn, tan ra, trôi đi, tỏa lan trong một không gian vô hạn, nhỏ dần mỏng dần và sau cùng tan biến trong cái tự nhiên vô hạn của vũ trụ này như hư vô, như vực thẳm màu xám của một ngày tàn không bờ bến và nàng thấy mình thôi tồn tại. Ngay sau đó nàng thấy mình lại ngưng tụ, như đã qua một kiếp phù sinh và lại ngồi đối diện với Mạnh Cường. Lúc đó một sự sợ hãi vô cớ xâm chiếm tâm hồn nàng, khiến nàng phải ngồi xích lại chàng hơn. Và để phá tan cái vô thanh và im lặng trống rỗng sau hồi chuông, nàng hỏi một câu về người mà nàng hằng nhung nhớ:
“Năm nay chắc Huy Khang sẽ học lại đệ tứ phải không Cường?”
“Có lẽ thế, nhưng anh nghe chú Võ Tấm nói sẽ đưa Huy Khang cùng với nhỏ Khả Thúy, người yêu mới của Khang vào cứ để huấn luyện một thời gian. Khi gần thi sẽ cho ra ngoài này học luyện thi.”
“Sao lại người yêu mới hở anh?” nàng bàng hòang và thắc mắc hỏi.
“Anh chỉ nghe Huy Khang nói thế vì hình như trước đó Huy Khang định yêu một người khác nhưng vì mặc cảm thi rớt nên thôi.”
Khánh Loan thở dài và cay đắng trong lòng vì thời gian qua nàng vẫn nuôi hy vọng Huy Khang sẽ chờ gặp lại nàng khi năm tới Huy Khang thi đậu và cùng ra Đà Nẵng học tiếp như nàng hiện nay. Nàng không ngờ mối tình nàng ấp ủ giờ đây tan vỡ. Tình yêu đơn phương ấy nàng ấp ủ đã lâu chưa nhỉ? Mới nửa năm nay hay đã qua nhiều kiếp? Nàng tự hỏi vì tiếng chuông thu không vừa rồi đã xóa bỏ ý thức của nàng về thời gian. Và hiện tại hay kiếp này chỉ có Mạnh Cường đang hiện diện trước mặt nàng.
Nhưng để tự an ủi, nàng nhớ lại câu mẹ nàng thường nói mỗi lần Huy Khang phá phách hai chị em, “Hai con đừng thèm chơi với thằng Khang xấu nết đó. Đừng bao giờ thèm nhìn mặt nó, bây giờ cũng như sau này, nhớ đấy…” Mẹ nàng nói với vẻ mặt rất nghiêm trọng vừa đủ để truyền lại cho hai con gái mình thái độ thù ghét và xa lánh anh ta. Và không hiểu sao bất chợt nàng hỏi Mạnh Cường:
“Lâu nay chị Dung em có gởi thư cho anh không?”
“Không, nhưng tại sao lại phải gửi thư cho riêng anh?”
“À, em chỉ hỏi vậy thôi vì thấy chị ấy rất quý bạn bè.”
“Nhiều khi chị Dung còn phải tập trung vào việc học. Chị ấy có tiếng là chuyên cần.” Mạnh Cường đáp lại, cố ý gọi Khánh Dung bằng chị.
Bây giờ hai người đã đi qua cái cổng nhỏ bằng gỗ nối liền hậu viên với một vườn nhãn. Mặt trăng trước rằm đã mọc và soi bóng hai người. Qua cổng được mười bước, Khánh Loan hỏi:
“Đàn ông dễ có người yêu mới quá hả anh?”
“Việc đó còn tùy người, không phải tất cả đều như thế. Sự chung thủy là một việc quan trọng trong hôn nhân.” Mạnh Cường lặp lại một công thức có sẵn.
“Vậy anh sẽ chung thủy với người anh yêu chứ?”
“Anh quyết chung thủy với người ấy…Và anh cũng muốn nói với người ấy như thế.”
“Người ấy là ai vậy anh, cho em biết đi?”
“Không được đâu, điều tối mật…”
“Em xin anh đấy, không em giận anh luôn.”
“Thôi được, người ấy chính là em.”
“Anh nói gì?”
“Anh nói anh yêu em từ lâu nhất là khi gặp nhau ở đây và chiến đấu bên nhau cho một mục đích chung của phong trào Phật giáo. Nhưng có vẻ em không yêu anh?”
“Em cũng yêu anh từ lúc anh và em sát cánh bên nhau vì đại cuộc.” Khánh Loan nói luôn không cần suy nghĩ nhiều và nói theo cảm xúc mới phát sinh hiện tại, trong kiếp này, ở giữa lòng mình vì nàng nghĩ rằng Mạnh Cường chân thật; chuyện chị nàng yêu chàng chỉ là tình cảm một chiều. Vả lại, nàng nghĩ với nhan sắc của chị Dung, hẳn chị ấy sẽ mau chóng có một bạn trai khác trong hai năm học ở Huế. Nàng nghe nói trai Huế cũng đa tình không thua gái Huế. Nàng nói tiếp:
“Em chỉ hơi ngần ngại vì biết đâu một lúc nào đó, anh lại nói sắc sắc không không như trong kinh Phật, lúc đó em có mà cũng như không có và cũng chẳng còn chỗ đứng nào trong trái tim anh.”
“Trời ạ, việc anh tu hành này chỉ để làm công tác chính trị chứ đâu phải để theo chánh pháp diệt dục, xa lìa nhân thế và quên cả việc yêu em. Anh xin hứa lại một lần nữa sẽ luôn yêu em. Đến ngày chiến thắng anh sẽ cởi chiếc áo nhà sư để chính thức cưới em làm vợ. Em tin anh chứ?”
“Vâng em tin anh và em chờ đợi vì em cũng rất yêu anh.”
Rồi họ dừng lại dưới một gốc cây rậm rạp vuốt ve và hôn nhau. Đôi mắt lá răm của nàng khép lại để đôi cánh mi hạ thấp khi đôi môi chàng nút lấy môi hình trái tim của nàng. Nàng phải tỏ ra đã yêu chàng từ lâu; nàng nghiêng người trong vòng tay chàng ghì chặt như ngọn lửa nghiêng  theo chiều gió. Lúc đó một bàn tay chàng đặt ngang eo còn bàn tay kia bấu lấy mông nàng. Cảm xúc này dường như đã đánh thức niềm khoái cảm rất mạnh trong lòng nàng. Sau đó hai người nói thêm một vài  câu chuyện rồi trở lại chùa. Khi về đến nhà bà nội, Khánh Loan thấy đồng hồ chỉ mười giờ tối.
Khoảng tháng 3 năm 1966, những cuộc biểu tình của Phật giáo bắt đầu nổ ra ở Đà Nẵng. Một bầu không khí sôi sục khắp thành phố, lần này cuộc đấu tranh có sự tham gia của một số lực lượng quân đội cộng hòa trong thành phố. Mặt khác các lực lượng của Mỹ đóng tại Đà Nẵng phần lớn là thủy quân lục chiến cảm thấy mình bị đe dọa vì biểu tình có thể ngăn cản kế hoạch hành quân của họ. Vả lại lực lượng này đã bị dân chúng chống đối ngay khi đổ bộ vào Đà Nẵng.
Ngoài ra một vài sĩ quan trong MACV (Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại VN) cho rằng VC có thể lợi dụng sự biểu tình để phá hỏng những chiến thuật mới nhằm đương đầu hữu hiệu hơn với các đơn vị của Mỹ. Ở Sàigòn, tướng Kỳ cương quyết dùng quân đội để dẹp biểu tình ở Đà Nẵng và ở Huế, trong lúc tướng Westmoreland ủng hộ việc tướng Kỳ ổn định tình hình ở Đà Nẵng và ở Huế để bảo đảm kế hoạch tiêu diệt địch ở tiền tuyền và bình định nông thôn..
Những ngày sôi sục ấy, Khánh Loan luôn sát cánh bên Mạnh Cường. Phần nàng luôn mặc hai áo đem theo nước, khăn ướt, chanh vì có thể chống lại khói cay. Họ cầm biểu ngữ tiến lên, vung nắm tay hô to khẩu hiệu. Tình yêu tuổi trẻ đã liên kết họ trong cuộc đấu tranh này và tăng cường sức mạnh cho họ. Những khẩu hiệu đòi các tướng lãnh phải từ chức nhường chỗ cho một chính quyền dân sự, tự do tôn giáo cho đạo Phật, và ngừng chiến để tìm kiếm hòa bình v.v…
Hầu như các chùa, các chốt giao thông đều có Phật tử và học sinh trấn giữ, họ hô khẩu hiệu và phát ra những lời kêu gọi. Khí thế rất mãnh liệt, rất thần thánh mà một tập thể và một lý tưởng có thể nâng họ lên cao như thế. Sức mạnh đó còn được nhân lên bởi cả một phả hệ trong truyền thống, khi các phần tử tham gia đấu tranh đã đưa cả bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật xuống ngăn chận và phong tỏa các con đường. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai hãy coi chừng. Liệu hồn thì cút mau cho rảnh.
Trong một phút xuất thần, Khánh Loan đã cảm thán như thế và mắt nàng nhòa lệ bởi hạnh phúc sắp đến cho toàn thể nhân loại làm hình ảnh của Mạnh Cường trong mắt nàng nhòa tan trong một thứ hào quang thần bí.
Sáng ngày 15 tháng 5 năm 1966, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Quân lực VNCH cùng hai tiểu đoàn nhảy dù tức các lực lượng tinh nhuệ của quân đội nhảy xuống phi trường Đà Nẵng, tức tốc phân tán ra toàn thành phố. Họ dẹp các bàn thờ lên lề đường, chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn I và nhiều địa điểm chiến lược trong thành phố. Vì không chắc tuớng Đính có trung thành hay không nên ông Kỳ đã cho Trung tướng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên lần này đứng chỉ huy dẹp yên cuộc nổi dậy của Phật giáo.
Các đơn vị dẹp loạn được đưa từ Vùng 2 đến xâm nhập thành phố và hiệp đồng cùng các đơn vị và đảng phái còn trung thành với chính phủ đã khiến cho có một số vụ chạm súng ở nhiều nơi. Lực lượng nổi dậy chống trả bằng súng hoặc bằng lựu đạn.
Hình như lực lượng của Mỹ tại Đà Nẵng cho rằng người dân biểu tình đòi dân chủ là chính đáng và họ không can thiệp chỉ muốn tình hình ổn định để thực hiện chiến lược tiêu diệt VC và bình định nông thôn của họ. Thế nhưng sau cùng họ bị kẹt làm trái độn giữa hai phe ủng hộ biểu tình và chống biểu tình.
Ngày 18 tháng 5 chốt chận đề kháng của Mạnh Cường và Khánh Loan bị dẹp tan. Một viên đạn sượt vào vai của Mạnh Cường làm rướm máu. Hai người phải bỏ chạy băng đồng vào vườn nhãn và trở lại chùa qua lối hậu viên. Sau khi hội ý với sư trụ trì, họ ở lại chùa đến ngày 23, Mạnh Cường sẽ đến chiến đấu trong một lực lượng quân sự thuộc tiểu khu và sẽ được võ trang, sau đó cùng một vài anh em khác ra Huế hỗ trợ cuộc chiến đấu tại Huế mà theo dự đoán chắc chắn sẽ xảy ra. Phần Khánh Loan sẽ nhập vào lực lượng các chị em Phật tử ở trường Bồ đề làm công tác tuyên truyền và hậu cần. Mạnh Cường nhường phòng cho Khánh Loan và ra ngoài ngủ tạm ở hai bên chánh điện.
Tối ngày 19 tháng 5 trong giờ tụng kinh buổi tối có thêm phần cầu an cho “Bồ Tát Cứu Tinh dân tộc”. Khánh Loan mặc áo dài màu lam, Mạnh Cường mặc áo nâu tu sĩ ngồi bán kiết trì tụng trong cuốn kinh đang để trước mặt họ theo tiếng mỏ, tiếng chuông, tiếng khánh của một nhà sư. Trước giờ đi ngủ sư trụ trì cho kêu Mạnh Cường vào phòng ông. Sau khi Mạnh Cường ngồi xuống ghế gỗ, sư nói:
“Chú vào đây ăn cốm uống trà với sư.” Ông gọi Mạnh Cường bằng chú nghĩa là chú tiểu – một chú tiểu tu muộn.
“Vâng, con thỉnh giáo thầy.” Mạnh Cường nhập vai tu hành nói.
“Chú có biết ‘Bồ tát cứu tinh dân tộc’ mà hôm nay chùa làm lễ cầu an là ai không?”
“Đúng, hôm nay là sinh nhật của người nên sư có làm bài thơ đưa chú xem thử,” nói xong nhà sư đưa cho Mạnh Cường tờ giấy viết bốn câu thơ:
Người từ Phật pháp bao la,
Hóa thân cứu khổ Ta bà chúng sinh.
Tay người dẫn dắt toàn dân
Bình Tây sát tả, đạo vàng trổ hoa.
“Sư thầy làm thơ hay quá,” Mạnh Cường nói, “Chỉ trong bốn câu đã gói ghém hết mọi sự nghiệp vĩ đại của người cho đời và cho đạo.”
Hai người “tu hành” sau đó vừa tiếp tục câu chuyện, vừa ăn cốm uống trà. Thỉnh thoảng Mạnh Cường nhai trúng miếng gừng trong cốm vừa cay vừa ngọt thì thích thú lắm. Họ đề cập đến một nhân vật mà họ không chỉ đích danh giống như những kẻ mê tín sợ nói ra điều cấm kỵ, như khi người ta tránh nói cái chết và thay bằng chữ ví dụ như “ly trần”, như “mệnh một” v.v. Và như một đồ hàng mã bên trong làm bằng tre đan, bên ngoài phất giấy, con người thật của nhân vật ấy khá lắm có lẽ chỉ là khung tre, còn những giấy màu tươi đẹp dán ở bên ngoài chính là những ước mơ đầy tính hoang tưởng của họ. Trong những  hoang tưởng ấy của nhà sư trụ trì, luôn luôn có ước mơ tái lập thời đại Lý Trần với Phật quyền và thế quyền là một (Đạo vàng trổ hoa) … Liệu có được không trong một xã hội đã ngày càng bị tục hoá nhất là những xã hội Tây phương và xu hướng toàn cầu hóa bắt đầu trỗi dậy?
Rồi nhân nói về thi ca, sư trụ trì nói:
“Thầy sở dĩ làm thơ hay là nhờ đã đọc thuộc lòng gần hết Truyện Kiều của ‘thiền sư’ Nguyễn Du. Cụ quả là một kỳ tài thi ca lại có Phật hạnh viên mãn.”
“Có một điều con thắc mắc là tại sao Thằng bán tơ hại gia đình Vương viên ngoại một cách độc ác như thế mà lại không có danh tính gì cả và lời vu cáo hại người ấy lại được quan án sát coi là đúng. Mặt khác Thằng bán tơ ấy lại không có trong danh sách ngày nàng Kiều mượn tay Từ Hải để trả oán?”
“Chú thắc mắc rất hay, nhưng qua điều này mới thấy Nguyễn Du thấm nhuần Phật pháp đến chỗ thượng thừa.”
Sư trụ trì ngừng lại, hớp chậm rãi một ngụm trà sen, đặt tách vào đĩa lót tách rồi nói tiếp:
“Thằng bán tơ vô danh vì hắn chỉ là thủ phạm thừa hành. Thủ phạm chính hay thủ phạm tác hành trong vụ bắt giam và tra tấn Vương ông chính là nghiệp báo gồm hai phần cộng nghiệp và tự nghiệp của Vương ông và của nàng Kiều. Vì thế nếu Kiều trả oán hắn không phải là trả oán chính mình sao. Ngay cả việc nàng Kiều trả oán Tú bà, Bạc bà Bạc Hạnh … cũng khiến nàng mắc thêm nghiệp xấu mà mãi đến sông Tiền Đường mới gột sạch.”
Mặc dù không chấp nhận cái vô lý và vô trách nhiệm ấy của nghiệp báo, nhưng vốn cho rằng niềm tin trong Phật giáo là tin-theo trên nền tảng một định đề: “Các giá trị truyền thống luôn luôn đúng” mà không cần suy nghĩ vì suy nghĩ là còn lẫn quẫn trong tục đế, chưa đạt đến chân đế nên Mạnh Cường tán thán:
“Hôm nay con mới thấy chủ ý và dụng công của cụ Nguyễn Du thật tuyệt vời và chỉ có bậc thiên tài như cụ mới đạt đến trình độ nghệ thuật và pháp hạnh như thế.”
“Phải, pháp hạnh ấy của cụ tỏa sáng giữa một thời buổi nho giáo suy tàn từ sau thời Hậu Lê. Ba cái nhân-trí-dũng của nhà nho đều không được cả ba: nhân thì bất trí, trí thì bất nhân, và dũng thì thành liều lĩnh. Còn trong cuộc sống bình thường hàng ngày, biểu hiện của liều lĩnh là cố chấp nơi kẻ sĩ và ngoan cố nơi kẻ vũ phu…”
Có một phút, Mạnh Cường tưởng sư trụ trì đang nói câu này về chính ông ta thì đúng hơn: một nhà sư bảo thủ và ngoan cố chứ không phải về nho giáo suy tàn. Trong lúc nhà sư nói tiếp,
“Thôi chú về nghỉ và hãy luôn nhớ rằng Phật giáo hôm nay tranh đấu để vực dậy đạo đức dân tộc, xây dựng lại một thời đại thái bình an lạc, có từ bi có trí huệ. Lúc đó Phật trị chứ không phải nhân trị như hiện nay.”
“Dạ con xin phép sư thầy về nghỉ.”
Nói xong Mạnh Cường cúi người đi ra thụt lùi theo đúng phép tắc. Rồi chàng đi qua hành lang đến nhà kho lấy chiếu mền để về chính điện ngủ nghê. Bên ngoài trời đã tối đen mờ ảo; ánh trăng non gợi trong lòng chàng một mối u hoài xa vắng, có một phút chàng cảm thấy lòng mình nặng trĩu như một nghiệp lực vô hình đè xuống tâm can. Trong nghiệp lực ấy có cả cộng nghiệp của “Bồ tát cứu tinh dân tộc” và “Pháp hạnh thượng thừa” của Nguyễn Du. Rồi như một tia chớp lóe lên trong đêm vần vũ, Mạnh Cường tự nhủ, “Những kiến giải tối nay của sư trụ trì là do đâu: vô minh hay trí huệ?” trong lúc chàng vẫn nặng nề bước đi trong bóng tối.
Phần Khánh Loan trước khi về phòng nàng đã đi tìm Mạnh Cường để trao đổi một vài câu chuyện, một chú tiểu để tóc ba vá cho nàng biết chàng đang hầu trà sư trụ trì nên quay về giường nằm đợi. Trong lúc đầu óc lơ mơ sắp đi vào giấc ngủ nàng thấy có bóng ai đẩy cửa bước vào. Cái bóng ấy mờ ảo như khói sương, nhưng nàng cũng nhận ra một lão già có râu, mặt như mặt cáo áo cởi nút để lộ bộ ngực, và nếu nàng không lầm phía sau vạt ló ra một cái đuôi chồn vừa dài vừa dầy lông.
Mọi vật trở lại im lặng và một nỗi sợ hãi như một luồng điện lạnh chạy dọc theo sống lưng, thế nhưng nàng vẫn tự hỏi để trấn an:
“Làm gì có ma quỷ trong chốn không môn này. Trước cửa chùa đã có hai vị hộ pháp trấn giữ còn ma quỷ nào dám bén mảng vào đây.”
Nhưng nàng quên một điều là khi loài người không còn kính ngưỡng thần minh, thì ma quỷ cũng không còn sợ cửa thiền. Vả lại bọn chúng rất thích đến những nơi trống rỗng và sạch sẽ như chốn không môn này. Bỗng nàng thấy có vật gì rất nặng như một khối gỗ to đè lên người nàng cùng với một âm thanh của một lão già xa xăm và ma quái:
Lúc đó chân tay nàng tê cứng không thể vùng vẫy để xô khối nặng vô hình ra khỏi người nàng. Mồ hôi nàng toát ra như tắm, miệng nàng ú ớ không nói được câu nàng định nói: “Buông tôi ra đừng dâm loạn như thế.” Nàng tiếp tục ú ớ trong lúc khúc gỗ tiếp tục đè nàng.
“Nếu nói như cô em thì các vua chúa Á Đông đâu cần đến đều tam cung lục viện. Vả lại ta là cốt-tinh của một lãnh tụ xứ này. Hôm nay đến dự lễ cầu an, thấy em mỹ miều, ta không thể bỏ đi mà không có chút kỷ niệm về em.”
“Ông im đi …ông tha tôi đi,” sau mấy tiếng đó Khánh Loan lại ú ớ, không thốt thành lời.
Lúc đó Mạnh Cường đi ngang qua cửa phòng nghe thấy tiếng Khánh Loan ú ớ, anh tò mò bước vào vì thấy cửa mở. Khi vặn ngọn đèn dầu lên chàng biết ngay Khánh Loan đã bị mộc đè. Chàng ngồi xuống cạnh giường, gọi tên nàng và lay mạnh vai nàng đồng trời lau những giọt mồ hôi trên trán. Mấy giây sau miệng nàng hết cứng, nàng thều thào mấy tiếng: “Em bị ma đè.” Chàng gật đầu và nói, “Anh đã biết rồi.” Sau đó chàng rót nước nấu chín từ chai thủy tinh ra ly, đỡ nàng ngồi dậy uống. Nàng lại nói:
“Em sợ quá, hay là anh ở lại với em đêm nay và mai xin nhà chùa cho em đổi sang phòng khác.”
“Ừ cũng được anh sẽ ngủ tạm dưới đất, cạnh giường này.”
Nói xong Mạnh Cường quay ra lấy gối mền mà chàng đã để trước cửa khi bước vào phòng. Rồi chàng chợt nhớ ra rằng bóng đè hay mộc đè có khi chỉ là ảo giác lúc sự lưu thông của máu bị cản trở. Sau khi trải xong chiếc chiếu dưới sàn nhà, chàng đề nghị xoa bóp hai tay và hai chân nàng từ giữa đùi xuống bàn chân. Nửa giờ sau một người nằm trên giường một người nằm dưới đất chờ giấc ngủ đến.
Thế nhưng Khánh Loan giờ đây cảm thấy phấn chấn và sung mãn vì máu huyết đã lưu thông. Nàng cảm thấy một nỗi xúc động căng thẳng và bất an. Cùng với nỗi bất an ấy, nỗi sợ hãi lại hiện ra. Nàng tuột xuống khỏi giường nằm cạnh chàng nói nhỏ trong hơi thở gấp:
“Anh ôm em ngủ em mới hết sợ.”
Mạnh Cường cũng đã xúc động từ lúc xoa bóp đôi chân thon dài và đẹp như trụ ngọc của nàng, thì thầm đáp lại:
“Ừ để anh ôm em.”
Bộ ngực dậy thì của nàng chạm vào người chàng và bờ hông nàng áp sát vào hông chàng. Sự gợi dục này rất tự nhiên và cũng rất hiệu quả. Bàn tay chàng bắt đầu dạo chơi trên thân thể nàng từ bờ vai thanh mảnh tới đôi mông tròn mẫy rồi từ từ tiến ra phía trước háng. Một lúc sau, Mạnh Cường đóng vai ‘cái bóng’ đè lên người nàng lúc họ đã trần trụi, chàng đi sâu vào nàng ở nơi ấm áp và ẩm ướt giữa háng. Môi chàng nhẩn nha hôn hít môi nàng rồi kéo dài xuống cái cổ thon dài và hớp lấy bộ ngực như hai quả núi sinh đôi vừa săn chắc vừa mềm mại, trong lúc vẫn nhịp nhàng với động tác ngựa phi, cả hai cùng rên rỉ theo động tác ấy, giữa cảnh chùa đêm tịch mịch. Tàn cuộc họ nằm trần trụi ôm ấp nhau. Bấy giờ cái bóng ma của lão già ma mộc mới đến nằm phía dưới bốn bàn chân sau khi tách rời thân xác của Mạnh Cường như một âm bản phim, khuôn mặt hân hoan không có vẻ gì  giận dỗi. Lão còn tự nhủ:
“Cặp này cùng phả hệ với mình nên mình tranh thủ được. Con nhỏ đó bày đặt này nọ, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Đã thật! con nhỏ này hôm qua còn trinh, hôm nay hết rồi.”
Ba hôm sau, hai bạn trẻ đêm nào cũng lại gặp nhau trong phòng ấy để quần thảo và trao cho nhau niềm hạnh phúc cuồng say mà họ nếm hưởng như hình bóng và tiền vị của hạnh phúc họ nghĩ sẽ đem đến cho mọi người qua cuộc đấu tranh của họ. Riêng Mạnh Cường tự cho mình được sự hưởng thụ tuyệt vời ấy là do một thiện nghiệp nào đó của chàng trong kiếp trước, một món nợ mà kiếp trước Khánh Loan đã vay chàng nên ngày nay phải trả. Tóm lại chỉ có nghiệp báo và khoái cảm mà không có chỗ cho ngã vị và tình yêu. Cả ba đêm đều có lão ‘ma mộc’ là ‘con Hồ Ly’ đến tham gia về phía Mạnh Cường trong cuộc chơi ấy nhưng cả Mạnh Cường và Khánh Loan đều không hay biết.