Chương 8
Chú út Nghĩa và bạn

Sáng ngày 23 tháng 5, sau một đêm hoan lạc man dại và rã rời với Khánh Loan, Mạnh Cường lẻn ra ngoài thành phố đón xe trên quốc lộ ra Huế. Xe qua mấy trạm gác nhưng không lính gác nào thắc mắc việc một học sinh chạy loạn ra khỏi thành phố. Cũng sáng đó, dù xương háng bị ê ẩm và dư vị lạc thù còn làm tê dại toàn thân, Khánh Loan đã len lỏi đến trường Bồ Đề để tham gia nhóm phụ nữ phản chiến.
Đang ngồi gà gật trên băng xe, Mạnh Cường bỗng chú ý một đôi thanh niên ngồi phía trước cách hai băng ghế và chàng đã không lầm. Đó là Huy Khang đi với Khả Thúy, nay đã là người yêu của Khang, đã hiến thân mình cho Khang từ mấy tháng nay. Họ được lệnh của Võ Tấm từ làng Rí ra Huế để động viên và tham gia nổi loạn ở Huế sẽ nổ ra như ở Đà Nẵng. Qua khỏi đèo Hải Vân, Mạnh Cường bước giữa hai hàng ghế để hỏi han em họ con dì Đông của chàng. Hai anh em vừa vui mừng vừa bất ngờ. Mạnh Cường cũng được Huy Khang giới thiệu Khả Thúy là bạn đồng hành. Mạnh Cường nhận thấy lúc này Khả Thúy đẹp hơn trước, thân thể nẩy nở hơn nhờ có hơi hướm của đàn ông. Rồi Mạnh Cường trở lại chỗ ngồi chờ đến bến xe thành nội để tiếp tục câu chuyện không tiện nói trên xe. Khi xe qua khỏi núi Bạch Mã, Khả Thúy ngả đầu vào vai Huy Khang ngủ gật, đôi lông mi dài khép lại, mái tóc rối tung trong gió, vẻ mặt trông rất man dại. 
Một giờ sau xe vào bến đỗ, ba người tìm một quán vắng có vườn cây để nói chuyện. Huy Khang nói:
“Chú Võ Tấm sai tụi em đi Huế để tham gia cuộc tranh đấu trong hàng ngũ Phật giáo không ngờ gặp anh ở đây. Còn anh ra Huế có việc gì không, có phải anh đi thăm Khánh Dung không, hình như chị ấy đã yêu anh.”
“Không, mặc dù anh rất muốn: lúc này anh tạm gác việc đó qua bên,” Mạnh Cường đáp trong lúc tự nhủ, “Chà hoa thơm đánh cả cụm, cả em lẫn chị, cũng tốt đấy chứ,” rồi nói tiếp, “Sư thầy cũng sai anh ra hỗ trợ cho Phật tử ở Huế trong cuộc đấu tranh rồi đây cũng sẽ nổ ra.”
“Sao anh vẫn ăn mặc như người thường?”
Khả Thúy nãy giờ ngồi kế bên Huy Khang, thỉnh thoảng nghiêng người nắm lấy cánh tay của Huy Khang nhìn anh này say đắm, cô nói chen vào:
“Nhìn anh Cường không ai biết anh là nhà sư. Người ta sẽ nói anh là kép độc trong cải lương. ”
“Không, em nói bậy rồi, anh sẽ đấu tranh với tư cách một nhà sư. Tối nay anh sẽ cạo trọc đầu và mặc áo tăng. Sư thầy nói mặc áo tăng sĩ, đi xe đò trong lúc này dễ bị lính quốc gia ở Đà Nẵng giữ lại.”
“Nhưng anh phải luôn ý thức rằng mình không phải là người của Giáo hội Phật giáo. Trước khi đi chú Võ Tấm đã phân tích tình hình rất rõ cho em nghe,” Huy Khang nói.
“Chú ấy phân tích như thế nào?” Mạnh Cường hỏi.
“Chú ấy nói tham vọng của Phật giáo trong tay nhà sư Trí Quang lúc này là muốn dành lại cho Phật giáo vai trò lãnh đạo miền Nam mà từ ngày ông Diệm về nước chấp chính đã lọt vào tay công giáo (tức ‘tả đạo’?!) Ít nhất với cuộc đấu tranh hiện nay, Phật giáo sẽ giành được một thế chân vạc giữa Sàigòn và Hà Nội để đại diện tiếng nói của toàn dân tộc (theo cách hiểu của PG, với 98% là Phật tử) trong việc tìm kiếm và tái lập hòa bình, buộc Sài-gòn và Miền Bắc phải thương thảo với nhau. Phật giáo có sự tự tin ấy vì vô thức văn hóa đã mách bảo rằng tiếng nói của họ sẽ được đa số dân chúng miền Nam đồng tình, trong lúc họ không nhìn thấy một động lực mạnh mẽ hơn là họ có cùng phả hệ với ý thức hệ CS. Một khi hòa bình tái lập với vị thế đó, PG sẽ chủ động chọn đường lối chính trị sau này cho dân tộc – có lẽ không CS cũng không tư bản – vì PG đều coi đường lối chính trị miền Nam và miền Bắc đều là ngoại lai, nhất là Sàigòn là tay sai của cả hai đế quốc Mỹ và Vaticăn, trong khi Hà Nội tuy theo ý thức hệ của Trung Cộng và Nga sô nhưng luôn bảo vệ chủ nghĩa yêu nước (?!) và hai nước đàn anh đều là bạn hữu tốt của miền Bắc (?!).
“Sự tự tin này của Phật giáo hơi quá đáng và rất chủ quan vì tập đoàn lãnh đạo miền Bắc phần lớn là con cháu Văn Thân thế mà bây giờ họ đã cho đập phá đình chùa miếu mạo ngoài đó theo đúng chủ nghĩa Mác-lê thì dân tộc và Phật giáo đáng xá gì với họ. Chú Võ Tấm cho rằng cách suy nghĩ đó của Phật giáo là rất trịch thượng, kiêu căng với cả Hà Nội nên chú ấy gọi mấy ông sư tranh đấu là bọn ‘kiêu binh đầu trọc’. Tuy nhiên chú ấy lại nói, ‘Lúc này bọn kiêu binh ấy cũng làm được nhiều việc cho đảng ta.’
“Nhưng khi tạo ra một thế chân vạc mới,” Huy Khang kể tiếp lời giảng giải của Văn Tấm, “mà PG gọi là thành phần thứ ba hoặc một danh xưng nào khác, thực tế họ phải rút bớt nội lực của miền Nam và làm miền Nam suy yếu: Đảng ta chỉ tranh thủ điều này nhưng dứt khoát không cho PG trở thành một lực lượng chi phối đường lối của đảng. Mục tiêu của đảng vẫn là mở rộng biên địa của chủ nghĩa CS từ Mạc Tư Khoa qua Bắc Kinh đến Hà Nội vào Nam, nghĩa là vẫn phải chiếm trọn miền Nam để thống nhất và đảng sẽ lãnh đạo cả hai miền Nam-Bắc, kết thành một chuỗi với hai nước đàn anh bao vây chủ nghĩa đế quốc tư bản toàn cầu”
“Vậy phải chăng anh em mình giúp PG đấu tranh trở thành một thế lực lãnh đạo trong Nam chủ yếu là để làm suy yếu miền Nam nhưng dứt khoát ta không làm cho PG lớn mạnh đủ để chống lại hoặc chi phối đảng ta?” Mạnh Cường hỏi.
“Đúng, chú Võ Tấm có dùng hình ảnh Sàigòn là một cái cây to chắc, ta giúp cho một cây cổ-thụ-tầm-gửi khác được mọc sát bên, vừa chia bớt chất nuôi cây trong đất, vừa hút bớt nhựa non của cây-Saigon để cây-Sàigòn bị teo tóp, đó là chưa nói vô số con sâu ‘phản chiến’, ‘chủ bại’, ‘quy hàng’, ‘yếm thế’, ‘hưởng lạc’ từ cây tầm gửi sẽ bò qua cây-Sàigòn kia cắn phá, lúc đó ta sẽ dễ dàng cưa nó thậm chí với cái cưa cùn nó cũng đổ. Để kéo cây về làm củi ta cũng sẽ chặt luôn cây tầm gửi. Lúc đó giấc mộng chi phối toàn Miền Nam của Phật giáo để thương thuyết với Hà Nội sẽ tan thành mây khói.”
“Chú Võ Tấm còn nói thêm gì không?” Mạnh Cường hỏi.
“Chú ấy nói phong trào Phật giáo nổ ra đúng lúc, vì ta đang thất thế ở khắp các mặt trận. Nhờ có PG nổi lên vì tham vọng muốn lãnh đạo Miền Nam mà lực lượng của ta sẽ gượng dậy và sẽ chiến thắng. Chú ấy kết luận mệnh trời đang phù hộ cho đảng ta vì với Phật giáo nổi dậy, miền Nam đang tự đào hố chôn mình. Và anh em chúng ta phải nhớ mình đang chiến đấu cho đảng chứ không phải cho Phật giáo”
Lúc ấy có một con chim bồ câu vỗ cánh bay ngang qua quán kêu lên mấy tiếng như muốn góp lời, “Không phải là mệnh trời đâu, mệnh quỷ đấy. Các người đang ngạo nghễ thách thức Đấng Tối Cao khi giờ Ngài chưa đến,” cùng lúc, nó ỉa trên mặt bàn một bãi phân to bằng hạt bắp nửa trằng nửa đen, trong khi Khả Thúy hỏi:
“Sau này khi đảng ta chiến thằng, hẳn anh sẽ trở thành một Hòa thượng phục vụ cho đảng?”
Mạnh Cường khẳng định với giọng điệu đại ngôn và hoang tưởng:
“Không hẳn thế đâu, các em cứ yên chí đi, anh không tin vào ông Phật huống hồ là Giáo hội rất tự mãn bởi bề dày truyền thống của nó ở Việt Nam. Tới ngày đó, các em sẽ thấy anh sẽ mặc áo bốn túi, phì phà điếu thuốc xì-gà Cuba hoặc nhâm nhi ly rượu Vokka bên cạnh chị-Dung-của-hai-em.”
Mạnh Cường cười đắc ý vì đây là lần thứ hai anh chàng biết được Khánh Dung đã thầm yêu mình trước ngày ra Huế trọ học. Mạnh Cường nói tiếp trong lúc Khả Thúy và Huy Khang cùng nhìn nhau cười duyên:
“Trong chùa anh biết sư trụ trì không bao giờ tiếp người nghèo, ông chỉ tiếp người giàu sang phú quý. Có lần anh lân la đến gần hai chú tiểu quanh năm ở nhà bếp và nhà kho làm việc quần quật ít khi được nghe thầy giảng kinh để hỏi lý do sư trụ trì xa lánh người nghèo. Một chú tên Giải nói:
“Sự đời cũng thế, người ta ‘Phù thịnh chứ mấy ai chịu phù suy’, nếu gia đình tụi em giàu có, thăm viếng quà cáp cho sư thầy nhiều, tụi em đâu vất vả như vầy.”
Chú kia tên Đãi nói:
“Nhưng thầy cũng theo đúng Phật pháp chứ bộ…” hai chú tiểu Giải và Đãi quên sự có mặt của anh quay ra cãi nhau.
“Sao gọi là đúng?”.
“Này nhé: Giàu sang thiện nghiệp có dư/ Nghèo hèn ác nghiệp khư khư theo mình, Chú Đãi nói, còn nếu lấy lẽ sắc-không mà nói thì người giàu sang là sắc sắc, không không, SẮC; còn người nghèo khó là không không, sắc sắc, KHÔNG. Chú thấy chưa, người giàu sang thì sắc tiền, sắc bạc lấp lánh, còn người nghèo là không có gì hết hoặc có không-tính-đen-thui như nhọ nồi đừng hòng diện kiến sư thầy.”
“Phật pháp đâu phải vậy chú,” chú Giải nói.
“Phật pháp không phải vậy mà thực tế là như vậy,” rồi chú Đãi ngâm mấy câu thơ khẩu khí:
Sư nghèo không kiến bích toạ thiền
Bếp núc nhà chùa nấu với chiên;
Tất bật nhọ nồi thành râu rậm,
Mới hay không tính đã hiện tiền
Nghe Mạnh Cường kể lại chuyện trong chùa, Khả Thúy và Huy Khang đều nhăn mặt cười hỏi:
“Làm sao anh thuộc bài thơ này vậy.”
“À, anh mượn cuốn vở đầu tiên của thi phẩm Loạn thiền thi tập của chú Đãi chép lại mấy bài để đọc chơi nên thuộc. Nhiều bài cũng có ý vị mỉa mai và thâm trầm lắm.” 
Cuối cùng, Huy Khang thông tin một vài chuyện gia đình cho anh họ: Võ Tấm đã chính thức lấy dì Mỹ Xuân làm chồng thứ ba của dì. Trước đó họ đã ăn nằm với nhau mà Huy Khang thường bắt gặp. Những lần như thế, cảm xúc ghen tương làm Huy Khang lồng lộn ra sau vườn tự đập đầu vào một thân cây cau để hành xác.
Trong số các khách mời đám cưới có mấy người hoa kiều, buôn bán ở chợ huyện. Thì ra Võ Tấm gốc người Hoa ở tỉnh Phúc Kiến. Chú ấy có một người anh ruột theo Mao Trạch Đông, xếp thứ 49 trong số 50 người đứng đầu đảng CS Trung quốc. Võ Tấm không sợ dì Mỹ Xuân sát phu vì chú ấy khoe rằng mình biết cách dùng dịch lý để hóa giải cái độc chiêu của dì. Từ ngày đám cưới, dì Xuân không còn buồn rầu nữa. Lạ một điều là mẹ của Khánh Dung cũng từ giả nỗi buồn. Dì Mỹ Xuân nói bạn Ngọc Thu của dì ấy cũng đã gá nghĩa với một cán binh ngoài Bắc nào đó trong cứ trên núi đẹp trai và chưa vợ, đúng là tình Bắc duyên Nam. Dĩ nhiên cái tin rỉ tai ấy không đúng, bởi không ai nghĩ một anh khờ như Đức Lai lại có được một tình yêu kỳ ngộ.
Rồi họ chia tay, Huy Khang và Khả Thúy đi về hướng Đông Ba, còn Mạnh Cường đi về chùa Từ Quang.
Ba ngày sau trong một cuộc họp đại trà ở một nơi bí mật của đội “Phật tử Quyết tử” do Nguyễn Đắc Xuân thành lập, Huy Khang và Khả Thúy gặp lại Mạnh Cường trong bộ áo tăng sĩ, đầu cạo láng bóng, nhưng họ làm như không quen biết trước. Hôm đó Khánh Dung từ trường sư phạm cũng đến dự họp với một bạn trai. Trong giờ giải lao, Khánh Dung đến gặp Huy Khang và Khả Thúy nhưng chỉ để hỏi thăm tin nhà. Có một lúc Khánh Dung nhìn Khả Thúy với ánh mắt khó hiểu. Hình như ánh mắt đó biểu lộ sự ghen tương và khinh bỉ. Nàng không nhận ra Mạnh Cường với cái đầu trọc. Khi được Huy Khang cho biết điều đó, nàng cũng không buồn đến chào anh ta, nhưng luôn theo sát người bạn trai đồng hành.
Buổi họp hôm ấy có đủ những gương mặt Phật giáo ‘tả khuynh’ như Lê Tuyên, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, H.P. Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Khiêu, Nguyễn Thị Đoan Trinh con thầy giáo Nguyễn Đoá dạy trường Bồ Đề. Thật ra họ đã giết chết Phật (Phật tử/ tử=chết) trước, rồi mới quyết tử sau (quyết tử: định cho người khác phải chết). Hai năm sau đó chính họ sẽ là con cờ, kẻ chỉ điểm hay kẻ mượn tay VC tàn sát hơn 6.000 người dân Huế vô tội trong Tết Mậu Thân, và một cách gián tiếp họ cũng đã nhúng tay vào máu dân lành. Thái độ của họ giống những kẻ giây máu ăn phần: họ là những trí thức (đúng hơn là ‘vô trí’) lưu manh mang danh Phật tử nhưng đã bán linh hồn cho kẻ dữ.
Trở lại cuộc nổi loạn ở Huế, nó nổ ra đúng này 1 tháng 6 năm 1966.
Trong lúc đó, cuộc nổi dậy ở Đà Nẵng vẫn tiếp tục. Kỳ nghỉ hè cuối năm học Khánh Dung và Khánh Loan không về làng Rí, Ngọc Thu biết hai con mình tham gia phong trào Phật giáo. Lúc đầu nàng phấn khởi nhưng khi nghĩ đến câu chuyện mà Đức Lai nói với nàng những lúc họ gần nhau, nàng bỗng lo sợ cho hai con. Nếu mà chúng có mệnh hệ nào thì sao, chắc hẳn chúng cũng chỉ là những viên gạch lót đường cho một giai đoạn lịch sử. Đức Lai đã nói với nàng đảng ấy tài giỏi lắm, nhưng bá đạo như thảo khấu: thứ nhất là cướp chính quyền mà chính Đảng cũng đã công nhận, kế đó là cướp của người nhà giàu nhưng không chia cho nhà nghèo như đảng rêu rao, sau cùng là cướp của nhà nghèo để một mình Đảng giàu trên nỗi đau khổ của lê dân như đảng làm mà không nói. Một ngày nào đó Đảng này sẽ cướp cả nhân loại và cả địa cầu như câu thơ của một nhà thơ CS xứ Huế: Nhìn lại ngàn xưa, nhìn đến mai sau/ Trông trước trông sau trông cả địa cầu. Vâng, hành tinh xanh nhỏ bé này trong vũ trụ bao la sẽ nhờ đảng mà sau cùng sẽ trở thành một hành tinh đỏ. Hãy đợi đấy.
Ngọc Thu nhớ đến từng lời mà Đức Lai nói, “Khi một đảng trưởng đảng cướp lấy được hòm vàng của bọn nhà giàu, hắn sẽ chia cho người nghèo chăng? Không, hắn chia cho đám lâu la trước và khi đến lượt vài thằng lâu la cuối cùng chưa nhận phần mình mà hòm vàng sạch bách, hắn sẽ bớt phần của mình và của đồng bọn để chia cho mấy thằng cuối cùng ấy chăng? Không, lần này đảng trưởng sẽ ra lệnh vơ vét của dân nghèo.” Nàng luôn nhớ từng lời mà Đức Lai nói. Chàng đã mở ra cho nàng thấy được mặt trái của nhiều điều và nàng đã yêu chàng bằng con người mới của nàng. Nàng thấy mình yêu chàng hơn ai hết, mà trời ạ, chàng đã từng bị gọi nhầm là Thằng Khờ hoặc Thằng Ngốc.
Nàng nhớ lại ngày xưa khi còn là thiếu nữ, có lần khi Ngọc Thu qua rủ Mỹ Xuân, Mỹ Đông đi cấy lúa gặp Đức Lai giữa đường. Thấy có bóng con gái sắp đi qua nó leo tuốt lên cây xoài để tránh mặt. Ngọc Thu kể lại Mỹ Xuân sự việc đó, chị cậu ta nói: “Nó khờ và ngốc lắm Thu ạ, nhiều lúc mình thấy tội nghiệp cho em mình.” Bây giờ khi đã yêu nhau, nàng hỏi anh chàng tại sao đã làm thế. Anh chàng nói: “Lúc đầu anh úp mặt vào thân cây như con cù lần, nhưng khi em đi qua gốc cây, anh lại nhìn theo em miết như con diều hâu, cho đến khi không còn thấy bóng dáng kiều diễm của em nữa”. Thế đấy và nàng đã yêu chàng vì ngoài  tình yêu, họ còn trao nhau sự an ủi trong tình cảnh bế tắc bị lừa phỉnh, tình cảnh mà chàng đã gọi là: trao duyên lầm tướng cướp. Tâm cảnh nàng đầy ắp chàng và đầy nỗi nhớ mong: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
Hai mươi ba ngày sau tính từ ngày đổ bộ xuống Đà Nẵng, lực lượng chính phủ đã đập tan cuộc nổi loạn ở Đà Nẵng; những biến động ở đây đã chấm dứt nhưng cái giá phải trả khá cao: 150 người Việt Nam tử thương, cùng với 700 người bị thương và 23 người Mỹ bị thương. Có lẽ nhờ lời cầu trời của Ngọc Thu mà qua ba tuần biến loạn ấy, Khánh Loan vô sự nhưng cô bị bắt giam trong tiểu khu Đà Nẵng. Sau đó khoảng mười một ngày tức là ngày 19 tháng 6, thành phố Huế cũng được bình định. Theo những tin tức mà Ngọc Thu nhận được, Khánh Dung đã cùng một số sinh viên và giáo sư đấu tranh đã nhanh chân chạy trốn vào cứ, hình như có cả Mạnh Cường con của Mỹ Xuân.
Để giải thích sự vắng mặt của Huy Khang với những người tò mò trong làng, Mỹ Xuân theo gợi ý của Võ Tấm nói dối cháu nàng đã vào Nha Trang học luyện thi và trốn lính trong lúc Võ Tấm chạy giấy tờ hoãn dịch gia cảnh giả cho Khang để khoảng tháng tám Khang sẽ thi lại bằng trung học.
Đó đúng là dự định ban đầu của Võ Tấm và trong lúc hắn đã nhận được giấy hoãn dịch gia cảnh của Khang trong tay thì hắn không ngờ Huy Khang và bạn gái Khả Thúy không trốn về làng Rí khi phong trào bị dẹp tan, như lời hắn căn dặn mà đã chạy vào cứ theo mấy giáo sư thân cộng. Võ Tấm không nhận ra rằng sau này Huy Khang không còn tha thiết với việc học lại nữa và rất muốn thoát ly theo cha và cậu Đức Lai. Hắn không biết rằng từ ngày Võ Tấm đến xum xoe, quyến rũ Mỹ Xuân, người phụ nữ duy nhất trong nhà, Huy Khang rất khó chịu vì cảm thấy ghen tức hờn dỗi chỉ muốn bỏ đi.
Sau ngày đám cưới của họ tâm trạng của Huy Khang càng tệ hại. Chính Huy Khang cũng không biết tại sao mình lại ghen tức với Võ Tấm, chỉ biết rằng từ ngày mẹ mình chết, dì Mỹ Xuân là người mẹ thứ hai của mình và Huy Khang không muốn mẹ-Xuân rơi vào tay người khác. Có lần giữa trưa hè khi quay về nhà, Huy Khang định  cùng Khả Thúy lấy sách ra sau vườn nhãn học bài, anh chàng lại bắt gặp họ quần thảo trong buồng giữa cuộc âm dương giao chiến. Lần đó Huy Khang chạy ngay ra vườn kéo Khả Thúy vào phòng mình làm tình. Khả Thúy chiều theo ngay vì từ lâu đã muốn hiến thân cho người yêu. Huy Khang nhún nhẩy trên người yêu lõa thể nhưng đồng thời vẫn như đang nhìn thấy cảnh Văn Tấm cùng dì Mỹ Xuân hành lạc…
Huy Khang đã quan hệ tình dục với Khả Thúy một cách dũng mãnh và lịch lãm kể từ ngày đó. Buổi chiều khi thấy Võ Tấm nằm ngủ như chết trên võng bên hiên nhà, bèo nhèo như một cái mền rách không còn phong độ của một cán bộ tuyên huấn nằm vùng trong làng, trong lúc dì Mỹ Xuân vẫn cứ phơi phới trong bộ áo soie vừa mỏng vừa mát, Huy Khang lại thấy tội nghiệp chú Võ Tấm. Anh chàng thở dài tự nhủ, “Thế này thì dì Xuân của mình võ nghệ cao cường hơn hắn, trước sau gì hắn cũng đi theo dượng Văn Cám. Nhưng cũng đáng đời cho hắn đã cướp đoạt người dì khả ái của mình”
Tháng 9 năm đó, thiếu úy Huỳnh Hiển được điều về tiểu khu Đà Nẵng, phụ trách phòng tâm lý chiến cùng với một sĩ quan khác cựu học viên học trường Chiến tranh Chính trị Đà Lạt. Phần Tuấn Nghĩa được điều về Huế nơi Thanh Hiên, vị hôn thê của chàng học năm cuối cao đẳng sư phạm. Họ và gia tộc đôi bên đã định cuối năm ấy nhân kỳ nghỉ Tết họ sẽ về Đà Nẵng làm đám cưới và sau đó Thanh Hiên sẽ theo chồng ra lại Huế để dạy học.
Trong tuần lễ về nhà nghỉ trước khi ra Huế nhận nhiệm vụ, Tuấn Nghĩa nhận được hai tin buồn: anh Tuấn Nhơn chết trong chiến khu và cháu gái Phương Loan đã bị bắt giam tại tiểu khu vì tham gia Phật giáo tranh đấu. Chàng vô cùng tức giận nói với mẹ và các chị:
“ Tại sao mẹ và các chị không ngăn cháu Khánh Loan, để cháu bị những kẻ mượn danh Phật giáo làm chính trị lợi dụng.”
“Nếu chính trị đó nhắm đem lại cho dân điều tốt đẹp mẹ đâu thể ngăn nó được.”
“Bây giờ mẹ đã thấy nó tốt đẹp như thế chưa, nhưng cháu mẹ đang bị giam giữ, may mà nó cũng được lên lớp đệ nhị. Ngày trước anh Tuấn Nhơn tham gia Việt Minh, cha đã muốn ngăn anh ấy mà không được vì lúc đó anh ấy không muốn rời xa chị Ngọc Thu. Đến ngày cha chết, cha cũng không yên lòng. Nay anh ấy đã chết trong chiến khu, con mong rằng từ nay gia đình mình đừng dây dưa với phong trào sắt máu ấy.”
“Vậy ra con ghét anh hai con đến thế sao?”
“Trái lại con rất thương anh ấy. Nhưng con thử hỏi mẹ miền Nam có cần miền Bắc giải phóng không khi bản thân miền Bắc đã là một kẻ nô lệ một tay sai cho Nga Tàu. Còn nữa đáng lý ra con đã đi bộ binh hoặc không quân là những ngành mà con rất thích nhưng con sợ khi lâm trận, con và ảnh không thể không bắn nhau, nên con đã gia nhập ngành chiến tranh chính trị. Bây giờ sự lo xa của con trở nên vô ích.”
“Nhưng dù sao con và anh con cũng đã trở thành kẻ thù của nhau…”
“Vậy mà cha mày không hề nói gì với tao…” Bà mẹ nói.
“Mẹ quên lúc đó mẹ đang đau lại còn buồn vì nhớ thương anh ấy sao?”
“Ừ mẹ quên, lúc đó mẹ tưởng mẹ về với tổ tiên trước ổng, hóa ra …”
“Khi con đậu xong tú tài, con đã định xin nhập ngũ ngay vì con sợ chị Ngọc Thu sẽ tuyên truyền lôi kéo con vào bưng với ảnh, nhưng con không gặp chị ấy mà chỉ gặp mấy sinh viên nằm vùng rỉ tai lôi kéo. Lúc đó con đã yêu Thanh Hiên, con nghĩ bụng nếu con chịu theo đạo thì ngay lập tức bọn sinh viên đỏ sẽ ngãng con ra. Và sau này khi con nhập ngũ dù có bị bọn chúng tố giác với trường sĩ quan con có anh là VC thì với tư cách là một kitô hữu con có cách minh oan cho mình.”
“Thì ra con theo đạo không phải vì Chúa, cũng không phải là theo đạo vợ, mà muốn bày tỏ một thái độ chính trị.”
“Không phải thế đâu mẹ. Bề ngoài có vẻ là thế nhưng con theo đạo hoàn toàn là vì Chúa bởi lẽ hoàn cảnh của mình cũng do Chúa an bài nhưng khi theo Ngài, trở nên con của Ngài thì đức tin sẽ mở ra chân trời giải phóng nó giúp chúng ta thoát khỏi sự khống chế của bóng tối và của những sự trói buộc tinh vi, những nhà tù vô hình của ma quỷ. Đó là trường hợp của con; thế nên lúc đó con đi gặp bạn con Huỳnh Hiển. Bạn ấy tán thành ngay và dẫn con đến cha Tây dạy dỗ cho con vào đạo. Sau khi trở thành ki-tô hữu, con mới mạnh dạn rủ Hùynh Hiển thi vào trường Chiến Tranh chính trị đó mẹ.”
Đến đây bà mẹ cúi đầu như đã thấy mình có lỗi, bà nói:
“Bây giờ mẹ mới hiểu con và thấy mình sai trong việc cháu Khánh Loan. Mẹ cứ nghĩ con theo đạo Chúa là bỏ tổ tiên, dân tộc. Chí ít khi theo đạo, con đã phục vụ cho người khác bằng việc nêu cao điều thiện hảo để thức tỉnh lương tâm chưa nói việc bác ái phải làm. Còn cháu Khánh Loan, con làm sao cho cháu được thả về để đi học lại, mẹ mới yên tâm. Về phần cháu Khánh Dung, từ ngày nó ra Huế, nó không viết cho mẹ nó và cho bà nội một bức thư nào, mẹ cũng lo lắng việc này lắm.”
Lúc đó, Tuấn Nghĩa cầm tay mẹ già nhìn vào đôi mắt ướt lệ của bà nói:
“Con sẽ nhờ Huỳnh Hiển giả làm người đã hứa hôn với Khánh Loan bảo lãnh cho nó về vì Hiển được điều về làm trong tiểu khu. Phần con hết tuần này con ra Huế, con sẽ đi tìm cháu Khánh Dung để nói nó về thăm bà nội và mẹ và các cô. Nó cũng tệ thật, ra khỏi nhà chưa đầy một năm mà đã lạnh nhạt hơn cả người dưng.”
“Con đừng vội trách nó. Mẹ nó nói nói ngoan và chăm nhất nhà.”
“Con không trách nó đâu, nhưng chỉ sợ nó khờ dại mà làm chuyện không hay. Thôi bây giờ mẹ nghỉ đi, con đi gặp bạn Huỳnh Hiển để nhờ chuyện bảo lãnh Khánh Loan. Sang tuần khi con ra Huế có tin tức gì, bạn con sẽ ghé nhà mình báo cho mẹ biết.”
“Phải đó, nhưng sau đám cưới của con với Thanh Hiên, con phải gọi Hiển bằng cậu đàng hoàng nghe con.”
“Vâng con sẽ làm như mẹ dạy chí ít là khi trước mặt mình có một người thân bên họ nội hay họ ngoại. Còn khi chỉ có hai đứa như trong đơn vị tụi con cũng mày-tao tuốt luốt.”
“Như vậy không được đâu con.”
“Được chứ mẹ”
Nói xong Tuấn Nghĩa cười to rồi bỏ đi nhưng còn nghe thấy sau lưng tiếng mẹ càu nhàu, “Cái thằng này tức cười quá…”
Tuy nói thế nhưng bà biết rõ Út Nghĩa giống tính Thầy Trình, chồng quá cố của bà nhiều nhất. Nếu tính khí của Tuấn Nhơn khô khan và khắc nghiệt quá đôi khi lại rất hiếu thắng đến độ nhẫn tâm, thì Tuấn Nghĩa luôn điềm đạm, thận trọng và quảng đại. Đó là sự khác nhau giữa trưởng nam và người con út. Trưởng nam nhìn về quá khứ để duy trì truyền thống cũ mòn. Người con út nhìn về tương lai, cái viễn cảnh rộng lớn đến vô cùng vượt khỏi biên địa chật hẹp của “những thời xa xưa ấy”.
Hôm trước ngày Tuấn Nghĩa ra Huế, trong bữa cơm gia đình, chàng có mời Huỳnh Hiển đến dự. Ăn xong mẹ chàng và chị Tư rút lui. Hai người bạn ngồi uống nước trà và trò chuyện, Tuấn Nghĩa nói:
“Định mệnh lịch sử đã đặt gia đình mình lọt thỏm vào giữa hai chiến tuyến. Anh mình thì theo con cáo già chính hiệu, còn mình làm người chiến sĩ bảo vệ tự do và dân chủ. Như thể những di hại của cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh ngày xưa còn kéo dài đến bây giờ trong gia đình mình.”
“Có khác chứ, ” Huỳnh Hiển ngắt lời.
“Phải, nếu ngày xưa là tham vọng của cả hai chúa, ngày nay chỉ có tham vọng của khối CS muốn bành trướng khắp vùng Nam Á mà bản thân Hà Nội chỉ là một anh lính khinh binh mở đường và toàn dân bị bắt làm nô lệ phục vụ cho tham vọng ấy của khối CS. Buồn nhất là nhiều người trong Nam kể cả trí thức và Phật tử không thấy sứ mạng cao cả của mình mà lúc nào cũng chỉ ‘vọng phu’ phương Bắc.”
“Điều đó có thể hiểu được vì họ vừa bị lừa vừa bị lầm. Họ lầm tưởng CS Việt Nam dùng Mác-xít phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc nhưng sự thật thì ngược lại, họ đã dùng chủ nghĩa dân tộc để phục vụ cho Mát-xít toàn cầu.”
“Và đó cũng là cái lầm của phong trào Phật giáo…” rồi Tuấn Nghĩa nói tiếp, “Vì thế mình cũng không thể ghét bỏ chị dâu và hai cháu gái mình. Mình mong bạn thình thoảng ghé lại nhà mình đả thông tư tưởng cho cháu Loan và an ủi Mẹ và hai chị, chị Ba và chị Tư của mình, mình rất cám ơn.” 
“Như vậy bạn giúp cho mình thân mật với Chúa Thánh Thần hơn…”
“Sao vậy?”
“Vì Ngài là Đấng dạy bảo sự khôn ngoan cho các tiên tri và các thánh. Vả lại trong tình trạng trắng đen lẫn lộn của đất nước này, không có Ngài soi sáng chúng ta dễ mắc sai lầm lắm nhất là trước những vấn đề quá lớn đối với chúng ta như sự vận hành và hướng đi của lịch sử. Con người nhỏ bé dễ mắc sai lầm mà những sai lầm chết người như trường hợp anh Tuấn Nhơn của bạn không phải là hiếm có.”
“Bạn nói thật chí lý. Mình sẽ cầu nguyện Chúa Thánh Thần cho chị dâu và hai cháu của mình.”
Gần tám giờ tối hai người bạn mới chia tay và Huỳnh Hiển về lại nhà chị ruột Kim Thản trong nội thị.
Ngày hôm sau, đơn xin bảo lãnh của Hiển gởi đến ông phó tỉnh trưởng nội an. Trong khi chờ đợi cứu xét, Huỳnh Hiển có vào thăm Khánh Loan. Trong bộ đồ tù, Khánh Loan ngồi đối diện với Huỳnh Hiển qua một cái bàn sắt trước mắt anh lính coi tù. Tóc dợn sóng và xỏa dài quanh khuôn mặt ủ rũ, Chàng nhìn cô thương cảm và nói:
“Chú Tuấn Nghĩa nhờ tôi đứng ra bảo lãnh cho em về, dĩ nhiên lý do trong đơn chỉ là cái cớ. Tôi đã làm đứng theo yêu cầu của chú em, chỉ xin cô đừng phản đối cho được việc. Ra ngoài rồi em trở về với bà nội và đi học lại. Còn tôi có công việc của tôi.”
“Vâng hôm kia cô Tư có vào báo trước và dặn em phải làm những gì để được ra. Em rất cám ơn anh và chú Tuấn Nghĩa nhưng em cũng nói trước sau này lý tưởng của ai người đó giữ cho mình.”
Khánh Loan nói giọng chua chát trong lúc Huỳnh Hiển nhận ra nơi Khánh Loan  những nét đẹp của dì Ngọc Thu hồi con gái. Chàng suýt cười nhạo vì hai tiếng “lý tưởng” mà cô nói, ảo tưởng thì có, nhưng chàng vẫn điềm đạm đáp lại:
“Như thế cũng tốt thôi. Một người Phật tử như em đâu có gì đáng trách.”
Sau đó chàng về. Chàng nghĩ mình đã biết kềm chế khi chỉ nói phương diện Phật tử của Khánh Loan, mặc dù chàng biết rõ cha nàng là VC và cả mẹ nàng nữa như lời Tuấn Nghĩa đã kể lại cho bạn thân của mình.
Đầu tuần sau, Khánh Loan được tha về và học tiếp lớp đệ nhị. Qua tuần sau Tuấn Nghĩa từ Huế gọi điện vào cho Huỳnh Hiển biết, nhờ báo lại cho mẹ và các chị của Nghĩa. Qua sự dò hỏi bên phòng nhì tiểu khu và những giáo sinh, bạn học của Khánh Dung, Tuấn Nghĩa biết chắc rằng Khánh Loan đã chạy vào rừng cùng với một bạn trai cùng trường và những sinh viên Phật tử thân cộng khác. Tin này làm bà nội và các cô của Khánh Dung buồn vô hạn bởi vì giờ đây dù tâm trạng vẫn luôn thụ động trước thời cuộc, họ biết bên nào nằm trong bóng tối và bên nào ở trong ánh sáng.
Trước đó, ngay khi về được hai ngày và đi học lại, Khánh Loan đã ghé lại chùa Phổ Quang để hỏi thăm tin tức của Mạnh Cường. Sư thầy nhận ra nàng là bạn gái của nhà sư trẻ, ông nói không nhận được tin tức gì từ Huế và ông cũng đoán rằng có lẽ Mạnh Cường đã chạy vào cứ. Trước khi ra về nàng còn tha thẩn trong vườn nhãn sau chùa lúc trời chiều bóng xế.
Nàng hồi tưởng lại như mới hôm qua nàng và Mạnh Cường mới nói lời yêu nhau, giữa vườn cây im ắng. Phải, tình yêu đầu đời trong cảnh chiều hôm ngọt ngào cùng nụ hôn nồng cháy, ngọt ngào như bàn tay chàng dạo chơi trên tấm lưng thon và đôi mông mới lớn của nàng. Rồi cái đêm hôm nàng bị bóng đè… và dư vị của mấy đêm nàng đắm mình trong khoái cảm làm nàng tê tái. Bất chợt nàng gục đầu vào thân một cây nhãn cổ thụ mà nàng tưởng là nơi họ đã đứng và lần đầu tiên đã nói lời yêu. Nàng kêu cầu Trời Phật phù hộ cho mối duyên lành của hai người rồi nàng tự nhủ, “Ngày mai trời lại sáng và trong đêm tối này, em sẽ đợi chờ anh mặc cho những lời đường mật của kẻ thù…” nhưng liệu ngày mai ấy có thật sự đến hay không khi chính họ đang tiến bước trên con đường-đi-không-đến, vì chỗ đến chính là chủ nghĩa hư vô. Có những đêm nàng tưởng mình bị mộc đè. Nhưng không, vì hình ảnh mờ ảo của Mạnh Cường đã hiện ra đưa nàng vào cơn mơ đẹp.
Lúc đó trời đã hoàn toàn tắt nắng, nàng định quay lại chào sư thầy một lần nữa nhưng khi thấy có một nữ thiện tín ngoài ba mươi tuổi khuôn mặt xinh đẹp, ăn mặc sang trọng bước vào phòng thầy, sau đó cánh cửa phòng nhà sư khép lại. Cái nón vải màu tím có chạy đường chân mũ màu hồng nhạt thắt thành một cái nơ của người khách nữ ấy làm Khánh Loan nhận ra nàng đã làm rơi cái nón vải của mình trong khu vườn nhãn. Nàng quay lại, khu vườn đã tối đen. Đang ngần ngừ tính bỏ không tìm, nàng gặp ngay hai nhà sư trong nhà bếp đi ngang qua một người có cầm đèn. Một nhà sư tên Đãi cầm đèn bão hỏi:
“Thiện nữ định tìm chi?”
“Con làm rơi cái nón trong vườn nhãn.”
“Được để thầy cầm đèn cho con đi tìm.”
Rồi trong lúc sư kia lui về nhà bếp, sư Đãi đi trước Khánh Loan cầm đèn ngâm một bài thơ hoặc bài kệ mà nàng cho là vô nghĩa:
Tối dâng Trống Rỗng nở hoa
Cho sáng Huyền Có vào ra cung hồng.
Tìm đâu xa một Niết trường
Tay thầy cột giữ nỏn nường nhụy hoa.
Đốn thời võ trụ sen tòa
Sợi oan gốc phước nhập nhòa đổi vai.
Thì ra nhanh gặp phải hai,
Còn như chậm gặp dài dài hiền nhân.
Không nơi đến cũng đường âm
Đi không đến rắn múa thì rùa mai.
Khánh Loan tìm thấy ngay cái nón vải, cách gốc cây nhãn mà lúc nãy nàng gục đầu vài bước. Nàng cám ơn sư Đãi rồi về. Khi đi ngang phòng sư trụ trì, nàng nghe có tiếng rên khe khẻ bên trong như có ai bị mộc đè … và nàng hiểu chuyện gì đang xảy ra bên trong đồng thời cũng chợt hiểu rằng bài thơ của sư Đãi nghêu ngao lúc xách đèn soi sáng trong vườn không hoàn toàn vô nghĩa. Kể từ đó nàng không còn đến ngôi chùa ấy nữa vì kinh sợ sự ô uế và phàm tục của nó.
Mấy ngày sau kể từ hôm cho gia đình mẹ Tuấn Nghĩa biết tin mới nhất của Khánh Dung ở Huế, Huỳnh Hiển quay lại với một bịt trái lòn-bon làm quà cho bà Trình. Chàng ngồi nói chuyện và trấn an bà một lúc, sau đó rủ Khánh Loan đi dạo. Trên đường đi chàng nói:
“Anh chỉ sợ bà nội em buồn về việc Khánh Dung đã bỏ học vào khu.”
“Lẽ ra bà và mấy cô phải vui vì chị ấy đã chọn con đường đúng.” Khánh Loan xẵng giọng đáp.
“Dĩ nhiên chị em cho như thế là đúng, nhưng với bà nội em và các cô thì khác.”
“Họ có bao giờ yêu thương ba em và chúng em đâu!”
“Sao em nói vậy, dù đúng hay sai gia đình đều yêu thương ba em nhất nhà trong khi chú út em bị ghét bỏ một thời gian dài sau khi theo đạo Chúa” rồi chàng nói tiếp khi thấy Khánh Loan cúi đầu cảm động, “Em biết lịch sử hôm nay không thể hiểu đúng một cách đơn giản được. Ngày xưa chúa Trịnh chúa Nguyễn đánh nhau chí chóe cũng chỉ là việc tranh giành nội bộ của một nước nhỏ, ngày nay có những phong trào toàn cầu như phong trào thực dân, phong trào Mác-xít, nên khi đánh giá lịch sử nước mình, mình phải tính đến ảnh hưởng của chúng và mức độ độc lập của mình đối với các phong trào đó. Độc lập địa dư chỉ là một khía cạnh và sẽ chẳng có ý nghĩa nhiều nếu ta nô lệ về ý thức hệ. Vì thế người chiến thắng một cuộc chiến chưa hẳn người đó đương nhiên có chính nghĩa buộc người dân phải tuân phục mình như chúa Trịnh chúa Nguyễn ngày xưa, nếu người dân không được tự do và dân chủ chọn kẻ chiến thắng làm chính quyền của mình…”
“Anh định thuyết phục em để em không đấu tranh cho phong trào Phật giáo phải không?”
“Không, anh chỉ thuyết phục để em chú tâm vào một việc học mà thôi cho bà nội, các cô và mẹ em yên lòng.”
“Vâng bây giờ em sẽ làm theo lời anh khuyên nhưng về lâu dài thì em không dám hứa.” Nàng bướng bỉnh trả lời.
Huỳnh Hiển biết phải có thời gian để nàng quên việc nàng là con gái của một VC tử trận. Thù hận là điều rất khó quên, càng khó quên hơn khi trong vô thức của nàng cũng có di căn mối thù Trịnh –Nguyễn. Lúc đó Huỳnh Hiển đưa nàng vào một quán phở bò và hai người nói sang việc học. Chàng rất thích thú ngắm nàng ăn một cách ngon lành, mặt và môi nàng đỏ hồng lên hình như ăn trúng một miếng ớt cay. Nàng ngây thơ quá làm sau đủ bản lãnh để hiểu rõ mặt trái của các phong trào chống đối.
Sau đó hai người ra bờ kè sông Hàn ngồi hóng mát. Huỳnh Hiển xúc động khi ngắm nét mặt nhìn nghiêng đôi chân dài và đôi mông tròn trịa của nàng đặt trên gộp đá. Chàng nói:
“Anh không ngờ bạn anh có cô cháu gái xinh đẹp như em. Hồi gia đình anh còn ở làng Rí, mẹ em có thể nói là đẹp nhất làng, kế đến là cô Mỹ Xuân...”
“Chứ không phải bà chị Kim Thản của anh sao?”
“Mẹ em nhỉnh hơn một tí. Vả lại gia đình đình anh thuộc về làng chài… Nhưng đối với anh bây giờ em là người đẹp nhất. Không kể ‘lý tưởng’ đúng sai, em chỉ cho anh biết phải thuyết phục em cách nào để …”
“Để sao nào?”
“Để em yêu anh như anh đã yêu em.”
Khánh Loan xúc động với câu nói này của Huỳnh Hiển nhưng hình ảnh hay đúng hơn cái bóng-đè của Mạnh Cường chợt hiện đến trong tâm tưởng nàng và đó là tình yêu duy nhất của nàng. Vả lại đâu chỉ có cái bóng chàng nhưng chàng đã đưa vào nàng một phần thân thể của chàng. Ngoài cái đà tiến của phả hệ, chàng đã tháp nhập vào nàng cái “dương tố” và chính cái dương tố ấy còn ở lại trong nàng đã làm thân thể nàng nở nang, mẩy mượt. Vậy nên nàng lạnh lùng đáp:
“Đó là việc của anh, đâu phải việc của em. Vả lại nếu em có yêu anh, em cũng không thể lấy anh.”
“Sao vậy?”
“Vì em còn phải giữ lời khuyên của anh chỉ lo học mà thôi. Chỉ khi nào em bỏ học luôn thì…” nàng ranh mảnh đáp lại.
“Anh hiểu rồi; dù sao anh thấy mình vẫn còn cơ hội.” chàng nhẫn nại nói.
Nói xong chàng nắm lấy tay nàng và nàng để yên nhưng trong bụng thầm nghĩ, “Chẳng ích lợi gì đâu, tim mình từ ngày yêu Mạnh Cường không còn chỗ cho ai khác, xá gì anh chàng theo đạo Tây này, dù anh ta không có gì đáng ghét. Nếu không có Mạnh Cường hẳn mình đã ngã lòng vì anh ta”
Lúc đó trên sông Hàn, ba chiếc thuyền chạy máy đuôi tôm ầm ì rẽ sóng lướt qua đẩy nước sóng đánh vào bờ kè rào rạt bắt họ phải im lặng mấy giây và cũng bắt họ đổi sang đề tài khác sau đó cho tới lúc ra về, khi đèn đường nội thị bên kia sông đã thắp sáng, cùng với ánh đèn của các cửa hàng và xe cộ. Trên đường về có lúc nàng tinh quái, ngã ngớn đi thật sát vào người chàng, trong khi chàng tự nhủ, “Mình vẫn còn hy vọng nếu biết đợi chờ, mấy năm cũng được. Chẳng phải có lần mình đã quyết định sống độc thân dù khá đẹp trai, thậm chí còn muốn vào dòng tu muộn nữa là …Nhưng buổi tối này mình đã kéo cô ấy ra cái mớ bung xung đấu tranh này nọ.” Và cả hai đều vui vẻ, hài lòng trong phút chia tay.
Nàng vui vẻ vì đã làm cho thái độ mơ hồ của mình thành niềm hy vọng không tưởng nơi Huỳnh Hiển: nàng đang đùa bởn với thiện ý của chàng khi cố cường điệu tình cảm mới quen thành một tình yêu giả ảo. Còn chàng vui vì ít nhất đã kéo nàng về với những bổn phận nhỏ bé đời thường nhưng thiết yếu và luôn đúng, nó không có gì to tát vĩ đại bằng cuộc đấu tranh vừa qua của Phật giáo nhưng chắc gì đã đúng.
Cho tới cuối năm đó, chừng vài ba tuần Huỳnh Hiển lại đến thăm gia đình bà Trình và trò chuyện hoặc đi dạo với Khánh Loan. Trong cuộc dạo chơi đêm Nô-en năm đó, chàng nói với Khánh Loan:
“Dù em còn bỏ lửng câu trả lời của em cho tới khi em thôi học như lời em nói, có thể tới khi em đã đậu tú tài hoặc sau khi xong đại học, nhưng anh xin em được thỉnh thoảng nói một lời yêu em để lập lại hay để xác nhận với chính mình tình cảm chân thành ấy, em đồng ý không?”
“Em đâu có lý do gì để không đồng ý,” nàng nói với tất cả sự từ tốn nhưng không chút khiêm nhường vì nàng nghĩ thầm, “Điều này có vẻ là một thách thức đối với mình nhưng mình có đủ tự tin”. Không chỉ của bản thân mà của một tập thể với những bóng người chập chờn như những bóng ma màu đỏ sau lưng nàng. Ngày chiến thắng của cách mạng thế giới sắp đến rồi (!?)
Dù vậy cái se lạnh của trời đêm, tiếng thánh thót của những bài thánh ca, sự hân hoan của lễ hội với rất nhiều đèn ngôi sao trên các hang đá chưng các tượng Chúa Hài Đồng nằm giữa tượng các gia súc như trâu bò chiên lừa và những đôi nam thanh nữ tú nắm tay nhau tha thẩn đến các nhà thờ hoặc các nơi vui chơi làm Khánh Loan cảm thấy lòng mình chùng xuống. Một nỗi cô đơn đã len lén đi vào tâm hồn nàng, nên khi chia tay và khi Huỳnh Hiển lặp lại một lời yêu:
“Khánh Loan, anh yêu em, chúc em có nhiều giấc mơ đẹp trong đêm Chúa đến.”
Nàng đáp lại:
“Anh cũng vậy,” rồi dù chưa nói lời yêu, nàng ôm chầm lấy chàng để nhận từ chàng một cái hôn ở giữa trán và một bên má trước lúc chàng bịn rịn lui gót. Lúc đó nàng tiên cảm sự tái ngộ của nàng và Mạnh Cường sẽ còn khó khăn hơn nàng tưởng nếu không nói là mong manh. Vâng, đêm Nô-en, đêm của Tình yêu Thiên-Chúa-làm-người đã đánh thức nàng ra khỏi giấc ngủ đông của Bà Chúa Tuyết có tên là Hồ Xú Phụ. Tuy nhiên nàng cho rằng nàng phải vượt qua cảm xúc nhất thời của buổi tối này mà nàng quả quyết đó không phải là tình yêu, để luôn chung thủy với thần-mộc Mạnh Cường của nàng.