Dịch giả: Mỹ Thanh
- 2 -
Trách nhiệm của bậc cha mẹ

Ðức Phật trình bày về nhiệm vụ của cha mẹ đối với con cái như sau; cha mẹ phải khuyên răn con tránh điều ác, khuyến khích con làm việc lành, cho con học chữ hoặc nghề, lo việc hôn nhân cho con và để gia tài lại cho con đúng thời, đúng lúc.
Cha mẹ là những người thầy quan trọng đầu tiên cho con cái. Khi còn nhỏ, con cái sống với cha mẹ và học hỏi nhiều điều nơi cha mẹ và kế đó chúng mới thu thập kiến thức nơi thầy cô giáo. Khi còn nhỏ dại, sự hiểu biết của chúng chưa trưởng thành. Tâm trí chúng của chúng thường do dự giữa tốt và xấu, và thường dễ nghiêng về những thói quen xấu. Tâm trí của chúng giống như đất sét hay sáp đèn vậy, dễ bị uốn nắn. Và như vậy, muốn được những hình tượng đẹp thì phải nhờ vào 'tay nghề' của thợ đúc tượng. Cũng như vậy, bước đầu huấn luyện con cái rất quan trọng và nương dựa rất nhiều về việc dạy dỗ của cha mẹ. Trong lúc nầy, cha mẹ hiểu biết sẽ dùng mọi cách thích hợp để răn dạy con cái về những bài học đạo đức cũng như những hiểu biết căn bản. Cha mẹ còn phải quan tâm con cái bằng cách đừng cho con giao du với những thành phần bất hảo để tránh cho con cái mình những ảnh hưởng xấu, có hại.
Những đứa con được nuôi nấng, dạy dỗ tử tế, sẽ là những công dân tốt trong xã hội. Vì vậy cha mẹ cần phải cố gắng sao cho con cái mình nhận được sự dạy dỗ tốt. Có những cha mẹ hiểu biết, dù phận nghèo, vẫn cố gắng hy sinh, cho con ăn học thành tài. Có những bậc cha mẹ làm ăn phi pháp để có tiền lo cho gia đình, nuôi con, nhưng không để con mình tham dự vào việc làm phi pháp của mình. Có bậc cha mẹ, rất tệ, dùng con cái vào việc làm ăn phi pháp của mình. Họ không lo lắng cho con, lại còn hành hạ và lạm dụng chúng thay vì phải thương yêu chúng. Những đứa trẻ bị hành hạ bởi cha mẹ; lúc lớn lên và hiểu biết chúng rất oán ghét cha mẹ chúng. Ðôi lúc chúng tự làm khổ chúng chỉ vì oán ghét sự ác độc nơi cha mẹ. Vì thế, cha mẹ cần phải tránh những hành động tàn ác và làm gương xấu cho con.
Cha mẹ có thể nghĩ rằng những hành động tốt sẽ tự động phát triển khi mà những điều xấu dở bị cấm đoán. Nhưng họ cũng nên biết rằng con cái họ hay do dự khi phải làm những điều tốt. Thí dụ, có những đứa con tự nó không phải dở, nhưng chúng không thích học hành. Trong trường hợp nầy, cha mẹ cần phải thuyết phục chúng gắng lo học. Cha mẹ nên hết lòng giúp đỡ chúng bằng cách tìm hiểu những yếu điểm của chúng về thân cũng như tâm.
Nếu cha mẹ vì quá thương yêu con cái, để cho con cái mình tự do, muốn làm gì thì làm, mà không một lời răn dạy thì đây không phải là bậc cha mẹ tốt.
Một câu ngạn ngữ Anh nói, ' Dẹp cái roi, làm con hư'. Thêm vào đó, con cái có thể trở thành thù địch của cha mẹ. Khi mà chúng không thể kiếm đủ tiền bằng phương tiện chân chánh, vì thiếu hiểu biết, chúng đi theo những kẻ xấu và kiếm tiền một cách phi pháp, hoặc giả chúng có thể phung phí tiền bạc cha mẹ làm ra, hoặc đánh cắp tiền của trong nhà. Trong trường hợp nầy, điều phiền muộn do con cái gây ra có thể kéo theo những phiền toái khác. Ðể tránh gặp phải trường hợp nầy, cha mẹ cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với con cái.
Cha mẹ cũng đừng quên giảng dạy cho con những hiểu biết về tôn giáo, vì mọi tôn giáo trực tiếp hay gián tiếp đều dũa mài và làm giàu thêm cho con người về mặt đạo đức, hạnh kiểm, tánh tình, v...v... Hấp thụ giáo lý tôn giáo đối với giới trẻ thật là khó. Cha mẹ nên truyền lại cho con cái gia tài tôn giáo mà họ đang có. Muốn được như vậy, cha mẹ phải là người ngoan đạo sáng suốt, ham học hỏi giáo lý, và biết chọn cho mình một tôn giáo thích hợp để mà thực tập. Ngược lại, cha mẹ sẽ khó mà giải thích tại sao mình theo tôn giáo đó, vì sao họ lại thực tập giáo lý đó, và giáo lý đó đã đem lại lợi ích gì cho cuộc sống hiện tại của họ, v...v... và để noi gương cha mẹ, con cái miễn cưỡng thực hành theo. Sau đây là một thí dụ cho trường hợp nầy.
Thời Ðức Phật còn tại thế, có một ông trưởng gỉa rất thành tâm, tên là Anathapindika. Con trai ông, Kala, thì không có thích viếng Phật và nghe pháp. Kala không bao giờ nghe lời cha để đi nghe Phật thuyết pháp. Ông trưởng giả mới nghĩ rằng, 'Nếu con mình không biết tu tập, thì tương lai nó sẽ phải đi những đường xấu. Hiện nay, không một ai mà không bị ảnh hưởng bởi tiền bạc; vậy ta sẽ thuyết phục nó bằng cách nầy vậy.' Nói rồi, ông gọi con trai đến và nói rằng, ' Nầy con thân yêu, hãy đến thiền viện, thọ giới và nghe pháp trong một buổi. Khi về, cha sẽ cho con một trăm đồng tiền vàng.'
Kala bằng lòng và đi đến thiền viện. Nhưng chàng đâu muốn nghe pháp, nên tìm một chỗ để ngủ và trở về nhà rất sớm. Ông trưởng giả rất vui lòng và bảo người ở dọn bàn cho Kala ăn. Kala bảo phải đưa tiền thưởng trước xong chàng mới ăn, vì sợ cha cho ăn rồi không đưa tiền.
Ngày hôm sau, ông trưởng giả lại nói với con mình rằng, ' Con thương, cha sẽ cho con một ngàn đồng tiền vàng nếu con đến viếng Phật và hiểu được một bài kệ.' Như đã giao ước, Kala đến thiền viện và ngồi trước mặt Phật. Chàng chỉ cần hiểu được một câu kinh là sẽ rời thiền viện tức khắc. Ðức Phật bèn làm cho chàng hiểu sai nghĩa. Kala bèn nghĩ, ' Ta sẽ ráng nhớ câu kế tiếp vậy.' Thế rồi, chàng ngồi lại và cuối cùng thì nghe trọn vẹn bài pháp, và như vậy Kala đã bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của giải thoát với sự thấu hiểu sâu sắc.
Ngày kế tiếp, chàng theo phái đoàn tăng sĩ, dẫn đầu là Ðức Phật đến nhà cha của mình. Khi thấy Kala cùng Phật và các tăng sĩ đến, ông trưởng giả nhìn con tự nói, ' bữa nay thái độ của con ta thật làm ta vui quá.', và ngay khi đó, Kala nghĩ, ' Mong rằng cha ta sẽ không đưa tiền thưởng cho ta trước mặt Ðức Phật. Mong rằng cha ta sẽ dấu chuyện ta đi nghe pháp vì tiền thưởng.' Ông trưởng giả mời Phật cùng các tăng sĩ thọ trai. Kala cũng ngồi xuống dùng bữa. Khi Ðức Phật thọ trai xong, ông trưởng giả đặt lên bàn một túi đựng một ngàn đồng tiền vàng trước mặt con trai và nói, ' Con thương, con đã học và hiểu được bài kệ, như đã hứa, đây là tiền thưởng của con.' Kala rất là mắc cỡ và nói, ' Con không cần tiền đâu', va nhất định từ chối đụng vào tiền đó.
Ông trưởng giả bèn hỏi Phật về thái độ của con mình. Ðức Phật đáp, ' Con ông đang bước vào ngưỡng cửa giải thoát, vì thế hắn không muốn lấy tiền của ông đâu.' Mặc dầu ông trưởng giả biết là con mình có thay đổi, nhưng ông muốn Phật xác định điều đó. (Dha, v 178).
Cha mẹ không cần phải ép buộc con cái theo đạo. Chỉ cần nói về đạo và rồi đưa sách cho chúng đọc trong những giờ rảnh rỗi. Chỉ cần như vậy là cha mẹ có thể khiến chúng thích tìm hiểu về tôn giáo.
Khi con cái học kém và không thể học lên cao, thì cha mẹ cần phải cho con một số vốn làm ăn hoặc cho con đi học nghề để có thể tự kiếm sống. Khi mà con cái có một nghề chuyên môn thì chúng sinh sống nơi nào cũng không lo. Tiền của có thể bị mất khi gặp hỏa hoạn, lụt lội, trộm cướp, kẻ thù, hay chính quyền thối nát, hoặc vì con cái ngu si không biết gìn giữ. Vì vậy tốt nhất là dạy cho chúng một nghề, hoặc nhờ vào học vấn mà có thể tự kiếm sống.
Ngày xưa, cha mẹ quyết định sự hôn nhân cho con cái, và người con chỉ vâng lời tuân theo. Ngày nay, tập tục nầy đang dần biến mất. Con cái muốn được tự do lựa chọn người phối ngẫu, và cha mẹ không can dự vào quyết định nầy.
Thật ra, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm trong đời sống hôn nhân. Vì thế, họ muốn chọn một người thích hợp cho con họ để con họ sau nầy tránh được những phiền muộn trong hôn nhân, và họ muốn cho con ý kiến của mình.
Vài cặp vợ chồng nghĩ là không phải phận sự của họ săn sóc cha mẹ chồng, hay cha mẹ vợ, bởi vì họ dọn ra ở riêng sau khi thành hôn. Nhưng dù cho họ có ở với cha mẹ chồng / vợ hay không, nếu họ không quên bổn phận của họ đối với cha mẹ, thì lòng tử tế cũng thấm nhuần nơi gia đình và như vậy họ có thể sống chung một cách hạnh phúc. Cha mẹ chồng / vợ cũng có thể giúp đỡ con dâu hay con rễ tùy theo khả năng của mình. Khi một cặp vợ chồng sống chung với cha mẹ chồng / vợ, họ chỉ cần kính trọng cha mẹ, đừng ganh tỵ, thì sẽ không có chuyện gì. Nếu không, thì sự bực bội, chán ghét và đối đầu là điều sẽ không tránh khỏi.