Dịch giả: Mỹ Thanh
- 3 -
Bổn phận của con cái

Con cái khi làm ra tiền, phải nên phụng dưỡng cha mẹ; phải giữ gìn truyền thống của dòng họ, phải hết lòng kính trọng cha mẹ và khi cha mẹ qua đời, con cái phải bố thí và hồi hướng công đức cho cha mẹ.
Tình thương của bậc cha mẹ tốt thật là vô bờ bến, họ lo lắng cho con cái với tình âu yếm và lo cho con ăn học thành tài. Vì thế, cha mẹ xứng đáng được con cái kính trọng, nhớ ơn, vâng lời và chăm sóc lúc họ già yếu. Từ khi mang thai đến lúc cho ra đời một đứa trẻ, cha mẹ vui vẻ săn sóc, làm lụng cực nhọc để nuôi con, và hy sinh tất cả vì con. Cha mẹ không bao giờ phàn nàn về việc chăm sóc con mình lúc con còn nhỏ dại. Lúc nào cũng cố gắng lo cho con mình đầy đủ về mặt tinh thần cũng như vật chất. Cha mẹ luôn sẵn sàng hy sinh thân mạng, tiền của, sức khỏe của mình vì con. Tình thương và lòng hy sinh của cha mẹ thật không kể xiết, và khó có thể được đền bù xứng đáng.
Trong thời gian Ðức Phật còn tại thế, có một vị vua ở Ấn Ðộ tên là 'Ajatasattu', có nghĩa là ' kẻ thù của cha trước khi được sanh ra' bởi vì khi mẹ của ông đang mang thai ông, bà thèm được uống máu của chồng, tức là cha của ông. Và cha của ông liền lấy dao đâm xuyên qua cánh tay mình để lấy máu đưa cho vợ uống. Một nhà tiên tri trong hoàng cung mới nói rằng, 'Ðưá nhỏ sau nầy sẽ giết cha của nó'. Khi nghe như thế, người mẹ có ý định hủy cái bào thai, nhưng chồng bà ngăn lại và nhất định không cho bà thực hiện ý định dù biết rằng mạng sống của ông sẽ bị đe dọa.
Khi Ajatasattu lớn lên, lại hiệp lực với Devadatta, một tăng sĩ có ác tâm. Nghe lời Devadatta xúi dục, Ajatasutta giết cha để chiếm lấy ngôi hoàng đế.
Ajatasutta ra lệnh cho bắt vua cha giam lại,và bỏ đói vua cha cho đến chết.
Cùng lúc, vợ của Ajatasutta vừa cho ra đời một đứa con. Khi Ajatasutta nghe tin mình có đứa con thì tình thương con dào dạt dâng lên trong lòng và Vua liền nghĩ đến vua cha đã chết. Vua nghĩ chắc cha mình cũng thương mình như thế, và rồi Vua đi tìm mẹ để hỏi xem cha mình có thương mình không.
Mẹ vua bảo rằng, ' Cha con thương con lắm, cha biết rằng sau nầy con sẽ giết cha, nhưng cha cấm không ai được làm hại con. Lúc nhỏ, con bị chín mé ( y học - một mụt nhọt có mủ sưng lên ở ngón tay hay ngón chân ). Ngày đó, con đau quá nên ngủ không được, và khóc cả đêm. Cha con mới ôm con vào lòng và ru cho con ngủ. Con đã đặt ngón tay sưng vào miệng cha để cho bớt đau, và rồi con ngủ thiếp đi. Trong lúc đó, mụt nhọt bể, mủ chảy ra, nhưng cha nuốt mủ vào bụng, không dám nhổ ra vì sợ con bị đánh thức.'
Khi Ajatasutta nghe mẹ kể xong thì ông rất hối hận về việc mình xử chết vua cha. Từ lúc đó, ông không bao giờ ngủ yên giấc vì toàn gặp ác mộng
(DA Samannaphala Sutta ).
Con cái khi còn nhỏ, ít khi nào hiểu được tình thương của cha mẹ dành cho mình. Nhưng khi chính những đứa con nầy lớn lên, có gia đình, có con, họ mới hiểu được thế nào là tình thương của bậc cha mẹ. Có những người trẻ nghĩ một cách sai lầm là, mình được sanh ra vì dục tính của cha mẹ, và vì vậy cha mẹ phải có bổn phận lo cho mình: bởi thế, đâu cần phải nhớ ơn cho cha mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta được sanh ra bởi luật tự nhiên hay vì dục tính của cha mẹ, thì chúng ta cũng phải mang ơn hai bậc sanh thành, vì cha mẹ lo lắng cho chúng ta từ lúc sơ sinh cho đến lúc trưởng thành. Nhớ ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, con cái phải giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà, và lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ bệnh hoạn.
Dù không giúp đỡ được cha mẹ bằng vật chất, con cái vẫn có thể lo cho cha mẹ về mặt tâm linh, hoặc là vâng lời, hiếu kính với cha mẹ, để cho cha mẹ có thể sống vui, hạnh phúc trong những ngày còn lại. Trong gia đình mà được như vậy, thì hạnh phúc, an lạc, hài hòa sẽ hiện diện.
Ðể tránh những xung đột và phiền toái trong gia đình, những cặp vợ chồng thích sống riêng, và để cha mẹ sống riêng một nơi khác. Ðiều nầy dường như là rất tốt cho cả đôi bên. Khi cha mẹ còn sức khỏe và có thể tự lo thì không thành vấn đề. Nhưng khi lớn tuổi hơn, thì họ cần sự giúp đỡ của những người khác. Thật là tội nghiệp khi thấy những người già ở một mình,ít bạn, không thân nhân bên cạnh, phải đi chợ một mình. Cho dù những người già có tiền dành dụm để tự lo, họ vẫn không thể nào nhận được sự thương yêu lo lắng do nhân viên xã hội mang lại. Vì vậy, ít nhất phải có một đứa con, trai hoặc gái, dọn về ở chung để săn sóc và an ủi cha mẹ già.
Con cái khi thành tài, thành danh nên giúp đỡ cha mẹ già. Cha mẹ hy sinh, lo lắng, bảo bọc cho con từ lúc sơ sinh cho đến lúc trưởng thành. Họ không mong gì hơn là con họ có chân đứng trong xã hội, và họ rất hãnh diện về điều nầy. Cha mẹ tốt không bao giờ mong đợi con cái trả ơn, hoặc mong hưởng lợi từ tài danh của con mình. Vì thế, con cái không nên do dự, nên sẵn lòng chăm sóc mẹ cha và lo lắng cho họ khi mình có đủ khả năng.
Một vấn đề thường xảy ra trong gia đình đông con. Cha mẹ có khuynh hướng thương đứa con trai hoặc đứa con gái nầy, vì nó làm vừa lòng mình hơn. Trong trường hợp nầy, những đứa con khác sẽ nghĩ rằng cha mẹ thiên vị. Mặc dù họ có thể không lo lắng cho cha mẹ, nhưng họ vẫn ganh tỵ và ghét cha mẹ. Họ lơ là bổn phận làm con nhưng vẫn ganh ghét anh chị em nào đang giúp đỡ cha mẹ.
Cha mẹ phải chia gia tài cho con cái đúng thời, đúng lúc. Có những trường hợp sau khi chia gia tài xong, thì con cái mạnh ai nấy lo phần mình, bỏ cha mẹ trơ trọi. Vì vậy, cha mẹ cần phải thận trọng trong lúc nầy.
Trường hợp nầy đã xảy ra trong lúc Ðức Phật còn tại thế, có một ông trưởng giả giàu có bốn người con trai. Khi bốn người con trai lấy vợ, ông chia cho mỗi đứa con bốn trăm ngàn đồng tiền vàng để làm vốn. Sau đó ít lâu, vợ ông chết, bốn đứa con sợ rằng cha mình sẽ lấy vợ khác, thì tài sản sẽ phải chia cho những anh em cùng cha khác mẹ. Vì vậy họ bàn với nhau, phải nên chăm sóc lo lắng cho ông hết sức tốt đẹp, và rồi thì họ năn nỉ, khuyến dụ ông chia tất cả gia tài cho họ. Khi thấy các con chăm sóc mình chu đáo, ông trưởng giả đồng ý chia hết toàn bộ gia tài, chỉ để lại cho mình một bộ đồ.
Sau đó, thì ông đến nhà người con lớn để ở, nhưng cũng không bao lâu, người con nghe lời vợ, bảo ông đến nhà người em ở. Cứ thế cho đến lúc ông không ở được với người con nào, ông đành lang thang đi ăn xin sống qua ngày. Tuổi già sức yếu, phải rày đây mai đó, ông mới tìm đến Ðức Phật xin giúp đỡ. Ðức Phật dạy ông một bài vè đại khái như sau, ' Tôi rất vui mừng khi các con tôi ra đời. Tôi chỉ mong chúng thành công, nhưng vì nghe theo vợ, chúng đã đuổi tôi ra khỏi nhà như chó đuổi lợn. Chúng gọi tôi 'Cha thương yêu, cha thương yêu' nhưng chúng bỏ tôi khi tôi già yếu. Như ngựa già yếu, vô dụng bị chủ bỏ rơi. Một người cha bị con cái bỏ rơi, phải đi ăn xin từng nhà. Cây gậy dẫn đường vẫn có ích hơn những đứa con bỏ rơi cha mẹ. Cây gậy có thể xua đuổi chó và trâu rừng, giúp người già dò đường trong bóng đêm hay tránh những vũng nước. Với cây gậy nầy, người yếu có thể giữ thăng bằng khi sắp té.' Ông trưởng giả học thuộc và đi xin ăn bằng bài vè đó. Sau đó ông đến pháp hội của Ðức Phật và hát bài nầy, bao người nghe đều bất mãn và họ đòi phải trừng trị những đứa con bất hiếu nầy. Thời bấy giờ luật xã hội sẽ tử hình những người con không chăm sóc cha mẹ. Vì thế, những đứa con của ông trưởng già quỳ xuống xin cha tha tội cho chúng.
Và họ đem cha già về phụng dưỡng hết lòng. Ông trưởng giả sống an vui và cảm ơn Ðức Phật đã dạy ông bài vè ấy. (DhA. v 324)