- 4 -

Chị Giang comment một bài thơ rất phá cách của một nhà thơ nữ, hiện đại và tiêu biểu lên blog:
Đêm khỏa thân trong chăn
Thèm chồng, thèm chồng
Thèm có chồng gối đầu lên đùi…
 
Thực sự Tú không thể nhớ hết những câu thơ đượm màu xác thịt ấy. Blog là một kiểu nhật ký cá nhân, đại loại là như thế. Nhưng gã nghĩ không có kiểu nhật ký nào hổ lốn và thập cẩm như blog. Cái gì người ta cũng có thể trưng lên blog: ảnh tắm biển, nụ hôn đầu đời, bức họa chụp tại phòng tranh… thơ tình, truyện ngắn yêu thích…
Chị Giang thích mọi người quân tâm đến mình. Những suy nghĩ của chị mọi người củng phải biết. Chị thích là người của công chúng nên trong đầu chị lúc nào cũng có thần tượng này, thần tượng kia. Bây giờ cái gì cũng mang hơi thở mới.
Thơ phải hiện đại. Truyện phải cách tân. Phim phải có cảnh nóng và báo phải … lá cải thì mới câu khách.
Tất cả những mô típ ấy là sự bắt chước vụng về của nước ngoài. Những người làm nghệ thuật trong nước kêu phát sốt, phát rét vì giới trẻ bây giờ ham hố những điều mới lạ.
Người yêu chị Giang là một đạo diễn. Trên người anh có ít nhất bảy hình xăm. Chị Giang còn khoe, có những hình xăm là đỉnh cao nghệ thuật, anh ấy phải chịu đau đớn mới hoàn thành công trình ấy.
Mẹ gã nhìn chị Giang lo lắng.
Bố gã im lặng uống nước trà suy tư.
Có lẽ hôm nay bố mẹ gã mới nhận ra chị Giang không còn bé nhỏ nữa. Bố gã, một chuyên gia tư vấn về tài chính, thương trườg bầm dập, tiền bạc, ái tình, sự nghiệp ông đều đã nếm trải. Trước khi đến với mẹ, bố có gia đình với người phụ nữ khác. Người phụ nữ ấy đã lấy đi tất cả của bố trong một đêm. Bà ta đem tài liệu, chứng từ quan trọng gây bất lợi cho bố trong vụ kiện tụng về gian lận tài chính đem bán cho đối thủ. Bố thua, suýt vào tù và mất hết niềm tin vào tất cả.
Chuyện của bố gã có thể viết thành tiểu thuyết được. Nhưng bố đã cố gắng làm lại cuộc đời và dành những chương bình yên nhất cho hai chị em gã.
Chị Giang không hiểu được điều ấy, chị quá ngây thơ và ngốc nghếch. Ngây thơ không có tội, nhưng ngốc nghếch có tội. Gã muốn hét vào đôi mắt lúc nào cũng thấy màu hồng của chị để kết luận.
Nhưng gã không đọc được một điều gì đó ở chị Giang. Hay chăng đó là cuốn sách ỉ ôi, đọc chương một đã biết nội dung của chương cuối cùng.
Một sự nhàm chán đang rung chuông gió…

*

Một cuộc gặp gỡ không hẹn trước. Tú gặp Hạnh. Có giọng nói dịu dàng nhưng cá tính khủng khiếp, Hạnh là chuyên gia thiết kế thời trang dạ hội. Hắn là nhà báo mới vào nghề, thu nhập bằng một phần mười. Nhưng có điểm chung là cá tính.
- Đi uống rượu không?
- Sao lại không?
- Nhà báo cũng là đàn ông đấy nhé!
- Không hẳn. Nhưng nhỡ không kiềm chế được thì sao?
- Lúc ấy hẵng hay…
Đó là cuộc đối thoại trôi chảy giữa gã và Hạnh designer. “Uống rượu là một thói quen để cười với sự cô đơn”.
- Thật à?
- Ừ! Tú nhìn những vì sao kia mà xem? Những vì sao kia cô đơn như đứa trẻ lạc mẹ. Rựơu làm mình có cảm giác những vì sao kia xích lại gần nhau hơn.
- Tú nhiều đàn bà không?
Hạnh hỏi Tú một câu thẳng như đường chỉ may. Ánh mắt tinh nghịch, điều thuốc lá hiệu Malboro cháy để lại một đoạn tàn dài gần một đốt ngón tay. Thuốc lá và rượu Whisky giúp Hạnh thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật. Tú từ ngỡ ngàng đến cảm mến Hạnh bởi cái vẻ ngang tàng bướng bỉnh. Chiếc váy Hạnh mặc để lộ vệt đồ lót mỏng manh, Tú cố rũ bỏ sự ngẩn ngơ của một chàng trai mới lớn trước sự gợi cảm của Hạnh.
- Không nhiều mà cũng không ít. – Tú trả lời.
Hạnh phá lên cười. Nụ cười nhạo báng cái sự nửa vời. Gã rùng mình, chỉ sợ Hạnh khinh.
- Đừng khinh tôi, mắng chửi tôi một trận nhưng đừng khinh tôi, - môi Tú run run khẽ bật lên mấy câu nói thầm.
Một lần, gã đi phỏng vấn một bà chủ doanh nghiệp vàng bạc uy tín bậc nhất Hà Thành. Gã bị muối mặt. Chỉ vì cảm giác của gã về người phụ nữ gã gặp sẽ trẻ hơn hoặc già hơn thế rất nhiều. Nhưng người phụ nữ đó chỉ bằng tuổi gã. Do chưa va chạm nhiều với giới quý tộc thượng lưu, nên gã cứ quen cách xưng hô thời sinh viên: “cậu” và “tớ”. Ngay lập tức, “bà chủ” mặt lạnh như thóc ngâm, bảo gã: “Lần sau anh không được xưng hô cậu – tớ khi đi làm việc. Tôi cho anh điểm không về giao tiếp, mời anh về.”
Mặt gã đỏ gay, cố nhìn cô gái con nhà giàu. Son nhiều, phấn nhiều, mùi nước hoa nhiều nhưng ngực lép, mông lép và thiếu sự dịu dàng.
Hạnh bảo:
- Cái vụ này phải đi uống rượu mình nhỉ? Xem ra sự việc nóng bỏng và day dứt ông bạn lắm rồi? Đi ăn thịt chó cuối tháng giải đen nhé?
Gã đành ngoan ngõan nghe theo sự sắp xếp của Hạnh. Thịt chó giải đen vốn là quan niệm hệ lụy của người dân Việt Nam từ xa xưa đến giờ. Có lẽ vì vậy mà cái chuyện hai năm rõ mười là mùng một đến mùng mười, hàng cháo lòng, tiết canh lục đục từ sáng sớm. Khách đông nườm nượp. Hàng thịt chó Kim Liên từ mùng mười đến cuối tháng là tấp nập kẻ mua người bán. Người kinh doanh muốn giải đen, cuối cùng là người làm thuê cuốc mướn cũng có bỏ ra 20 ngàn đồng một đĩa chó chặt để cả nhà mỗi người nếm một miếng, vừa bùi vừa ngậy.
Khu phố bé nhỏ của hai gia đình Sang và Tú cùng khỏang hai trăm hộ dân trong phường X. Có đường cao tốc chạy qua và nghiễm nhiên trở thành nhà mặt phố. Với gia đình Tú, điều ấy thật là phiền toái vì tiếng ồn của xe cộ và độ an tòan của khối tài sản mà mẹ gã để trong két sắt, sẽ có ngày không cánh mà bay. Không tin vào lũ trẻ thiếu giáo dục, mẹ đem ra ngân hàng gửi. Mẹ gã bảo cứ tiết kiệm để đấy, được bao nhiêu sau này chia đôi, chị Giang nửa, gã nửa. Gia đình gã coi trọng nam nữ bình đẳng, thậm chí có khi chị Giang còn được ưu ái hơn gã. Việc chị Giang đưa người yêu về nhà cả ngày, mẹ chỉ nhắc nhở qua loa.
- Yêu bao giờ? Bố mẹ nó khá không? ở đâu thế? – mẹ hỏi từng ấy câu.
- Kệ con. Chưa có gì mẹ à. – Chị Giang thờ ơ trả lời.
Vậy là hết chuyện.
Nhưng hễ chỉ nghe đồn gã để ý tới bóng hồng nào là mẹ xoay gã như chong chóng, chất vấn cả ngày không tha. Đến khi gã khai nhận là gã có thích, nhưng chưa đi đến đâu, mẹ mới cho hưởng “án treo”.
Hằng ngày, gã ngồi lướt web, thấy trang nào cũng đưa tin về cô vợ tắc kè hoa của danh thủ David Beckham với những bộ thời trang kỳ cục, rồi những phát ngôn gây sốc của mấy nàng Diva âm nhạc đang ở độ tuổi chín muồi.
Thế là hết một ngày. Một ngày rong chơi buồn bã.
Tú đang ngáp chết ruồi thì Sang gọi điện. Giọng nghe khang khác hẳn. Hắn bảo:
- Tao bị đàn bà lừa rồi.
Gã chép miệng, bĩu môi nói bằng chất giọng lè nhè:
- Mày cứ làm như mày là con cò bé bé ấy mà bị lừa. Lạy mày! Chúa vẫn còn thức đấy.
- Tao không đùa. – Sang phân trần, - mày ra quán rượu cổ điển 26 Quán Sứ. Cho mày cả thảy 20 phút để thay đồ và dắt xe.
Chỉ cần 10 phút, Tú đã có ở chỗ hẹn. Sang xuất hiện đầu bù tóc rối. Gương mặt như đi khỏi trần gian một tháng rồi. Có nét gì xa lạ, âm u.
Quán rượu xây theo kiến trúc cổ. Không biết bà chủ quán tinh ý kiếm ở đâu ra cái nóc nhà cổ của người Nam Bộ có niêm đại 100 năm. Bốn trụ bằng gỗ lim, ở giữa và xung quanh là hàng chục cái sập. Trên mỗi sập có bày khỏang năm cái chén hạt mít, một chai rượu Sán Lùng, một hóa đơn có ghi giá của từng lọai rượu và đồ nhắm. Hàng chục em tiếp viên, quần bò, áo đồng phục màu mận chín. Bà chủ béo phây phây, cười tít, hài lòng với thượng khách quen đủ chật mười cái sập, từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
- Nói đi ông bạn, bị đàn bà lừa như thế nào? – Tú nheo mắt như thể vẫn chưa tin vào câu chuyện thằng Sang nói.
- Vào bẫy rồi, nó chửa với thằng chó chết nào rồi overnight với tao có một lần. Bây giờ đổ vạ cho tao. – Sang đưa tay vò đầu bứt tai, vẻ bế tắc, không lối thoát.
- Vớ vẩn! – Tú hoài nghi nhìn chằm chằm vào Sang, sửng sốt!
- Thật như đếm luôn! Con bé đó tao quen lần sinh nhật anh bạn cùng phòng. Nó là con của bà trưởng phòng, nhục thế! Bà trưởng phòng là chị vợ của ông sếp người Nhật.
- À! – Tú gật gù.
- Mày tin chưa?
- Tin. Nhưng tao thấy anh em nhà mày vất vả thật. Con Như lấy được tấm chồng, chưa kịp yên bề gia thất đã tan đàn xẻ nghé. Mày thì thấy tan vỡ trước khi kết hôn.
- Tao cần mày sẻ chia hơn là ôn lại kỉ niệm cũ.
- Mày không thể bỏ ông sếp người Nhật hay không thể bỏ “đứa con” mà mày bị đổ vỏ?
Hai mươi lăm tuổi mà nhiều đắng cay.
Muốn liều với con số hai lăm.
Ngày nào Tú cũng đi qua con đường Láng, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng hàng chục lần. Nghề báo đòi hỏi một sự dẻo dai và sáng tạo. Nhiều phóng viên mới vào nghề bị cái mẽ nhà báo sang trọng làm cho hào hứng và say mê. Nhưng bắt tay vào việc, làm cho tờ nguyệt san còn đỡ, chứ nếu làm cho nhật báo thì vô cùng vất vả, có trụ được với nghề này haykhông là phụ thuộc ở bản lĩnh.
Nhiều phóng viên cứ chăm chăm vào chuyên mục văn học, thời trang vốn là chuyên mục nhỏ trong mảng văn hóa. Cạn vốn, qua thời gian thử việc, cũng là lúc các cô cậu ngậm ngùi trở về với công việc của cộng tác viên. Vì không có tờ báo nào nuôi phóng viên ngồi nghển cổ chờ phân công đi viết tin này, tin kia, dự cuộc họp này, cuộc họp nọ.
Nghề báo dạy cho Tú sự bạo dạn.
Nghề báo khiến Tú tự tin và sống thực tế hơn.
Gã nhìn cuộc đời 25 của mình bằng ống kính phóng viên. Mẹ gã bảo: “Thu nhập không bằng một nửa của bố, xấp xỉ bằng mẹ, nhưng lúc nào cũng phơi phới…”
Nghề báo cho gã sự phơi phới. Gã tin vào những gì mình đang làm.
Cây xăng lớn nhất thành phố cháy! Nhóm phóng viên xã hội lao ra khỏi phòng như cảnh sát cơ động. “Lửa lan và gây tiếng nổ dữ dội”, những người dân khu buôn bán gần đó kể lại. Không ai chết nhưng bị thương khỏang 20 người.
Nguyên nhân là do một gã thanh niên mang con số 25 thèm thuốc lá. Điếu Vinataba cháy gần nửa. xăng đang rót vào bình. Cháy!
Gã sợ lửa và đám cháy lớn.
Gã sợ nước và ghét ra biển. biển mênh mông sẽ nuốt chửng gã như con cá mập khổng lồ nuốt chiếc thuyền thúng của ngư dân.
Tuổi 25 thiếu suy nghĩ. Gã luôn có nỗi ám ảnh khủng khiếp khi đổ xăng xe. Gã nghe cảnh báo về sóng điện thoại di động, xe máy nổ thẳng vào chỗ đổ xăng. Gã sợ sẽ gặp nhiều anh chàng 25, 24 vô thức, gã cho rằng mình còn trẻ con cái tuổi 25 rất nhiều. nghề báo cần những phóng viên đam mê công việc như gã cống hiến.
Chết là vô nghĩa.
Em gái Sang lấy chồng lần thứ hai. Hai tuần nữa sẽ cưới. Chồng Như là một người đàn ông trạc tuổi mẹ Sang, khỏang bốn lăm, năm mươi gì đó.
Với giới trẻ, chồng già là mốt.
Người lỡ thì, chồng già là điểm tựa vững chắc.
Chồng Như hơn nó 26 tuổi.
Sang không phản ứng gì. Chồng Như làm mô giới bất động sản, giàu và có xe hơi, cần một người phụ nữ trải qua cái khổ, muốn vun vén cho gia đình, sinh con đẻ cái, không ghen tuông.
Đám cưới sẽ tổ chức ở khách sạn. Nhà trai và nhà gái không phải lịch kịch làm cỗ, dọn mâm. Mọi người chỉ việc đến ăn rồi ai về nhà nấy.
Bố mẹ nhà trai được thuê vì ông bà đều đã mất cả, họ hàng ở xa không đến được. Đây là cuộc hôn nhân kiểu mới ở Hà Thành, nơi văn hóa truyền thống vẫn được đặt lên hàng đầu.
- Em rể mày sẽ xưng hô với mày thế nào? – Giọng Tú dí dỏm pha chút hài hước.
- Anh Sang! Lấy em tao thì phải chịu thế rồi. – Tâm trạng Sang có chút phấn chấn. – Nhưng lão già này mafia lắm, ông ta tránh từ “anh”, gọi tao là “bác”, nghe buồn cười đến lạ.
Hy vọng Như sẽ bình yên. Thằng chồng nó đã bíêt chuyện con Như bị chồng cũ bỏ. Gã tỏ ra thông cảm và chấp nhận. Nghe đâu hắn cũng có cảnh ngộ giống Như. Vợ hắn bỏ hắn theo một người đàn ông khác, chỉ vì gã bị phá sản. Tay trắng, không tiền, không con cái, bị phụ tình, không người thân, hắn lao vào kiếm tiền để lấy một người vợ tử tế, biết chấp nhận gian khổ.
Như mặc chiếc áo cưới màu đỏ, đầu vấn khăn truyền thống. Trông cô già hơn cái tuổi 24. Nghe đâu Như bưng bê phục vụ ở một khách sạn, gặp người đàn ông này, say rượu, nôn thốc nôn tháo. Như nhiệt tình giúp, lắc đầu với mấy đồng tiền boa.
Lần đầu tiên ông ta gặp một người không nhận tiền boa.
Đám cưới Như đắt khủng khiếp. Một trăm mâm. Mỗi mâm cỗ tiền triệu, chưa kể giá dịch vụ thuê xe cưới, khách sạn…
Một chuyến đi nghỉ tuần trăng mật tại Đà Lạt hai mươi ngày.
Một phút lên tiên!
Gia đình Tú luôn duy trì cuộc nói chuyện kiểu truyền thống bên ấm trà sau mỗi bữa cơm. Mấy câu chuyện muôn thuở của mẹ, sự than phiền ỉ ôi của chị Giang, kế họach mua đất làm biệt thự vườn của bố. Tất cả ai cũng có dự định riêng của mình. Với gã, những giây phút gia đình ngối quây quần tâm tình vẫn cho gã cảm giác vững chãi nhất. Gã học cách là người đàn ông trong gia đình của bố, học sự chỉn chu trong cư xử của mẹ, và học cách nũng nịu người tình của chị Giang.
Trái lại, nhà Sang thì lúc nào cũng ưu phiền. Từ bận hắn bị sảy thai, sức khỏe giảm đi tám phần, gánh nặng trút lên bố con Sang. Bố hắn trở nên nát rượu, uống chén nào là biết ngay chén nấy. Ngày nào người dân trong khu phố cũng túm năm tụm ba bàn tán về sự thay đổi của ông Vu. Họ bảo nhà Vu bị ma ám thì mới như thế, cứ được đồng nào vào là người là phải ưu tiên rượu trước.
Bố Sang, cãi nhau với bất cứ ai gặp trên đường. Có người khuyên bố hắn đừng uống rượu, tiết kiệm tiền chăm sóc vợ con, chỉ vậy thôi mà bị một cuộc tổng sỉ vả gần một tiếng đồng hồ, nên chẳng ai dám khuyên nữa. Lúc tỉnh bố hắn trách đời, lúc say thì trách ông trời và bất cứ đi qua mặt bố hắn mà không chào hỏi tử tế…
Sang là người đàn ông trụ cột trong nhà ngay từ cuối năm thứ nhất đại học. Bố hắn tuyên bố không thể thiếu nửa lít rượu mỗi bữa cơm. Như vậy, nghĩa là sẽ không có tiền tiết kiệm cho hắn ăn học. Mẹ hắn ngồi bặm môi, tứa máu, nhìn thằng con có ý chí mà không còn nước mắt để khóc. Ngoài việc kiếm tiền trang trải học phí, thằng Sang phải kiếm đủ tiền để lo chữa trị, thuốc thang cho mẹ, lại thêm phần thức ăn và rượu cho bố.
Gương mặt Sang lúc nào cũng vậy, mệt mỏi đến quên cả chào Tú mỗi khi gặp nhau.
Gã tôn trọng và nể thằng Sang vì sự hy sinh và tình yêu với người phụ nữ là mẹ nó. Lúc mẹ nó sảy, sức khỏe suy kiệt, nó cõng mẹ trên lưng về tận nhà, gần một cây số, qua hết ngõ này, ngõ khác, qua bao nhiêu nhà các cô gái phổ thông, mặt lầm lỳ như một câu thơ không dấu, không vần…
Tú về quê Nga chơi. Nga là cô phóng viên thử việc cùng cơ quan, tìm thấy ở Nga điểm tương đồng trong nhiệt huyết với nghề nên gã đồng ý về nhà Nga với tư cách đồng nghiệp. Như vậy sẽ tốt cho gã và “kiêu hãnh” cho Nga vì mọi người trong xóm sẽ không còn nhìn vô như cô bé cún con, thỏ bông, mít ướt hay mè nheo nữa.
Chuyến xe buýt 54 dừng ở bưu điện Lim lúc mười giờ trưa. Nga là cô gái miền quan họ.
Trai cầu vồng Yên Thế, gái Nội Duệ cầu Lim.
Nga có sống mũi dọc dừa, môi hơi dày, hàm răng trắng muốt như cô gái quảng cáo kem đánh răng Close Up. Dáng người nàng nhỏ nhắn, năng động và đặc biệt là đôi mắt đen láy lúc nào cũng lung linh như chờ đợi và hy vọng một điều gì đó ở người đối diện. Nàng đi đôi bốt rẻ tiền made in Trung Quốc, nhưng phải nói cặp giò của nàng đẹp và thẳng tắp như những người mẫu chuyên nghiệp trên sàn catwalk. Qua cách ăn mặc của Nga, đủ thấy cô sinh ra trong một gia đình có mức thu nhập trung bình. Và cô cố gắng vươn lên trong cuộc sống bằng niềm đam mê nghề báo.
Gã tự nhủ rằng mình không thể làm vấy bẩn Nga bởi thằng đàn ông trong cơ thể gã đôi khi chợt thức khi bắt gặp cái nhìn ngây thơ, trong veo của Nga. Đôi mắt ấy giống giống Hồng Nguyên, lại khác Hồng Nguyên. Đôi mắt ấy sẽ không nhận bó hoa trị giá gần 500 ngàn cùng những món đồ trang sức tiền triệu từ tay các đại gia.
Mẹ Nga mất sớm. Bàn thờ đặt giữa nhà lạnh tanh. Gương mặt trên bàn thờ còn mới nguyên như thể gã đã từng gặp gương mặt ấy trong ánh mắt, nụ cười, và bờ môi dày hút hồn của Nga hay trong chính tình yêu thương con cái bất tận của mẹ gã?
- Mẹ em mất năm em 12 tuổi, - Nga thủ thỉ, - từ khi mẹ em mất, em nhút nhát và tự ti. Em sợ đứng cạnh bờ tường vì lúc nào cũng lo bờ tường sẽ đổ ụp xuống và em không thể chạy thoát… Những giá trị tình cảm đang tồn tại bên cạnh em đều rất mong manh.
Mười hai tuổi! Năm ấy gã còn được mẹ đút cơm chỉ vì leo lên cột điện bị ngã gãy tay. Đó là một năm mẹ gã không cho gã trèo bất cứ chỗ nào dù chỗ ấy chỉ thấp đến cổ cậu học sinh lớp Sáu.
Trầm ngâm một lát, Nga kể tiếp bằng cái giọng buồn buồn phiêu lãng.
- Mười hai tuổi, em phải học cách tắm, gội và giặt giũ một mình. Đầu em nhiều chấy lắm. Con nào cũng to, cắn ngứa lộn cả óc. Quần áo em cứ mặt mót hết người này đến người khác. Anh nhìn bàn tay em này!
Vừa nói Nga vừa đưa bàn tay cho gã xem. Mềm nhưng gan bàn tay có nhiều vết chai sần. Bố Nga ngồi lặng thinh giữa nhà, ngòai sân là người đàn bà chừng 50 tuổi. Lảng tránh cái nhìn của gã.
Nga giới thiệu gã với mẹ kế, với bố và đứa em gái học lớp Năm. Gia đình Nga chỉ có vậy. Trông bố Nga hao hao giống bố Sang. Duy chỉ có điều bố Nga là bệnh binh. Ông không hút thuốc lá, không uống rượu. Gã nhìn Nga cảm thông.
- Sao em lại chọn nghề báo?
Nga cười, nụ cười nhiều ẩn ý.
Chuyến xe chở hai người về Hà Nội. Vẫn là Hà Nội, gần mà xa. Nga và gã ngồi chung một xe ôm để ra bến xe buýt.
- Mười lăm ngàn hai người? – lão xe ôm mắt hùm hụp nhìn đôi chăn thẳng tắp của Nga. Lòng tự trọng của người đàn ông đang hình thành cú đấm, gã quyết định ngồi giữa để Nga ngồi ngoài. Nga người ý nhị. Lão xe ôm thật bặm trợn, thi thỏang lại phanh gấp rồi lao vọt vào ổ gà. Ngực Nga tròn lẳn, rắn và âm ấm. Chiếc áo sơ mi màu trắng tinh khôi không giữ được sự nóng hổi của lồng ngực đôi mươi.
Chỗ ấy của gã lại nhưng nhức. Sự khát thèm mời gọi. Nga trong sáng và tinh khiết quá. Còn gã, trong đời gã có khá nhiều người tình, chưa kể những chuyến tàu nhanh không để lai dư âm. Trả tiền cuốc xe ôm, hai đứa đi ra xe buýt, đôi bốt made in Trung Quốc của Nga vấp phải một hòn sỏi, ngã chổng quèo. Gã đỡ Nga dậy. Đế giày bung ra, mặt Nga đỏ lựng vì xấu hổ. Tiết trời mùa đông se lạnh, cời giày đi chân đất trông rất khó coi. Mà đi vào thì như bị thọt. Gã đưa bàn tay cho Nga bíu vào, cả hai cùng lên xe búyt về Hà Nội.
Bữa cơm trưa nãy ở nhà Nga, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Nhưng bằng con mắt của một nhà báo, gã liếc nhìn xung quanh và nhận thấy sự khách sáo, thận trọng của bố Nga, sự không đi khỏi lũy tre làng của người mẹ kế, sự ấm cúng hiếm hoi khi nụ cười của Nga đang phát sáng.