Chương kết

Khôi cố giải thích:
- Em đoán chắc là anh ấy vừa ở đây, ngay chỗ có chiếc khăn này…Việt ngã xuống hố, bị thương ở bắp chân. Chính em trải cái chăn này cho hắn nằm, rồi kêu các ông lại. Bây giờ không hiểu tại sao hắn lại biến đâu mất…
Người y tá đi cùng linh mục theo Khôi đều không hiểu nổi điều gì đã xảy ra.
Ông y tá tỏ vẻ bất mãn, càu nhàu:
- Chuyện gì mà kỳ cục vậy! Mấy cậu trẻ tuổi chỉ hay bày đặt, đêm hôm đi đánh thức người ta dậy, lặn lội hàng cây số tới đây để chỉ thấy có cái chăn, không thấy nạn nhân đâu cả!
Vị linh mục chợt cúi xuống nói:
- Ô này, có một bình nước và cái ly bằng nhôm. Chắc cậu đã đem những thứ này ra đây phải không?
Khôi đáp:
- Dạ, thưa phải. Em đem nước và thuốc Aspirine ra cho hắn uống.
Ông y tá gắt:
- Cậu nói bạn cậu bị thương ở chân. Không lẽ bây giờ cậu ta trở dậy được và đi chơi một vòng?
Khôi ấp úng:
- Thưa, em cam đoan với ông mà… Chắc đã có chuyện gì đây… Hay là hắn bị bọn buôn lậu bắt đi rồi…
Ông y tá lắc đầu:
- Lại chuyện tưởng tượng…
Và quay sang vị linh mục ông ta tiếp:
- Linh mục có tin truyện bắt cóc trẻ con không?
Vị linh mục điềm đạm nói:
- Tôi chưa hiểu ra sao. Tôi có biết tiếng Tư Muôn, mà cậu này nói là đã giam giữ một viên đội thương chánh. Tôi nghe Tư Muôn là một tay buôn lậu, nhưng không chắc rằng hắn lại dám liều lĩnh bắt cóc người ta để phi tang nhân chứng. Chắc hẳn cũng có điều rắc rối chi đây…
Khôi nài nỉ:
- Em xin linh mục và ông y tá theo em lại nhà Tư Muôn, xem có bạn em ở đấy không? Xin hai vị giúp em với… Em không thể bỏ bạn em được…
Nước mắt Khôi rưng rưng chảy. Trước mặt hai người không tin ở lời mình nói, Khôi mất cả tự chủ. Anh bật khóc nức nở…
Lời nói khẩn khoản và nước mắt của Khôi làm vị linh mục ái ngại. Ông đặt tay lên vai Khôi:
- Con có chắc không? Có thật Tư Muôn hiện giấu giữ viên đội thương chánh và bắt cóc luôn cả bạn con nữa? Nếu như con nói sai thì sẽ phiền phức lắm đó.
Khôi chưa dám trả lời. Anh không mê ngủ, dĩ nhiên rồi! Vì rõ ràng anh đã thấy viên đội thương chánh bị trói chặt dưới hầm nhà Tư Muôn. Còn Việt, người bạn chí thiết của anh, thật tình anh chưa biết rõ ra sao cả.
Viên y tá đứng lặng chờ câu trả lời của Khôi. Ông ta lắc lắc chiếc túi đựng thuốc mà ông xách vội theo, với vẻ sốt ruột.
Khôi nghẹn ngào nói:
- Xin linh mục tin con, viên đội thương chánh bị giam ở trong hầm nhà Tư Muôn… còn Việt bạn con, thì hắn mới vừa ở đây…
Nói rồi Khôi ngồi bệt xuống chiếc khăn trải trên cỏ, nơi Việt vừa nằm, bưng lấy mặt khóc.
Vị linh mục nhẹ nhàng kéo Khôi dậy:
- Đứng lên… con đừng vội thất vọng. Chúng ta cùng lên nhà Tư Muôn xem sao. Vả lại ông xã trưởng đã được loan báo và chắc ông cũng đã tin cho đồn thương chánh biết rồi. Có thể chúng ta sẽ gặp họ trên đường. Nào đi…
Viên y tá lặng lẽ đi theo. Cả ba men sườn núi trèo lên con đường dốc. Ngôi nhà Tư Muôn im lìm ẩn bóng sau mấy bóng cây, phía trên đầu họ.
Chợt ông y tá reo lên:
- Ồ, có một cái áo!
Khôi giật mình nhìn chiếc áo lẩm bẩm:
- Áo này của em đây. Sao lại rơi ở chỗ này được?
Một ý nghĩ bỗng loé sáng trong óc Khôi:
- Thôi đúng rồi. Chiếc áo này em đã đắp cho Việt khỏi lạnh. Chắc hắn cố ý để rơi ở đây để làm dấu cho em tìm hắn…
Viên y tá hoài nghi nhìn Khôi, thầm nhủ rằng Khôi lại bày đặt thêm cho câu chuyện bắt cóc có vẻ xác thật. Triền núi dốc này, người khoẻ mạnh trèo lên còn vất vả thay. Huống hồ còn khiêng theo một người bị thương nữa, làm sao leo cho nổi?
Ông y tá chưa kịp nói ý nghĩ ấy ra, thì một tiếng súng nổ chát chúa vang lên. Tiếp đến tiếng kêu chói lói…
Vị linh mục và ông y tá trèo vội theo Khôi, nhảy lên mặt đường. Từ chỗ ấy đến nhà Tư Muôn còn cách chừng một trăm thước. Khôi cắm cổ chạy tới, và đứng sững người nhìn những hoạt cảnh diễn ra trong bóng tối như một giấc mơ…
Hai bóng người vừa chạy vừa khó nhọc khiêng một vác nặng. Tiếng kêu lại nổi lên:
- Cứu tôi! Cứu tôi với!!
Khôi hiểu ngay: bọn buôn lậu đang đưa người đội thương chánh đi… Chúng lẳng ông ta vào trong xe, chỗ chở hàng, rồi leo lên mở máy phóng hút vào đêm tối.
Vừa lúc ấy, lại nghe có tiếng xe hơi tiến đến, thứ xe của nhà binh rồi nhiều người xuất hiện, lặng lẽ bao vây nhà Tư Muôn. Họ có chừng mươi người, do một sĩ quan chỉ huy đang ra lệnh bằng những hiệu tay.
Khôi có cảm tưởng như mình đang nằm mơ thực… Tại sao những đội viên thương chánh này lại không cứu đồng nghiệp của họ? Tại sao họ không đuổi theo, bắn vào chiếc xe vừa tẩu thoát? Hay họ ngại nếu bắn nhỡ trúng nhằm bạn của họ? Hoặc họ đã có một kế hoạch sẵn rồi?...
Từng ấy câu hỏi cứ rồn rập trong óc Khôi. Anh tiến lại nhà Tư Muôn và lọt vào bên trong. Dưới ánh đèn dầu, anh thấy Tư Muôn và một người lạ nữa, lấm lét đứng cạnh chiếc tủ, có hai đội viên thương chánh cầm súng lục canh hai bên.
Tư Muôn không buồn nhìn Khôi khi anh bước vào nhà. Tên đồng loã của hắn hoàn toàn lạ mặt.
Thanh ngồi khóc sụt sịt trên một chiếc ghế gần đó. Khôi ái ngại muốn tới gần an ủi, nhưng lại không dám. Cùng lúc ấy anh thấy trong góc phòng một bóng người nằm dài trên chiếc chõng tre, mặt tái xanh như một xác chết. Người ấy là Việt.
Khôi chạy lại:
- Việt, trời ơi, Việt!
Anh quỳ xuống chân bạn khóc ròng.
- Việt, trả lời Khôi đi. Việt còn sống đấy chứ?
Không ai trả lời.
Khôi ngước mắt nhìn viên y tá, lúc ấy đã tới gần bên, hỏi:
- Bạn tôi có chết được không ông?
Ông y tá lắc đầu:
- Không! Cậu ấy ngất đi đấy. Chẳng sao đâu. Để tôi chích cho cậu ấy một mũi thuốc. Và cứ để cho cậu ấy nằm nghỉ. Tôi sẽ săn sóc luôn cả chỗ vết thương…
- Vết thương có nặng không ông?
- Chỉ bị rách thịt thôi… chưa hề gì.
Ông vỗ vai Khôi mỉm cười:
- Sẽ có một vết sẹo dài để làm kỷ niệm!
Khôi thở phào, nhẹ nhõm. Anh tiến lại vị linh mục thì thầm ;
- Xin linh mục săn sóc cho cô bé kia. Cô ta tên là Thanh, và hoàn cảnh rất đáng thương.
Bên ngoài có tiếng còi, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng động cơ xe hơi nổ, và tiếng ra lệnh sắc gọn của viên chỉ huy. Tất cả xáo động một cách cấp bách.
Viên sĩ quan bước vào hỏi Khôi:
- Phải cậu là người khám phá ra ổ buôn lậu này không? Theo tôi, mau lên…
Chưa hiểu rõ tình thế ra sao, Khôi cũng vâng lời theo sau viên sĩ quan, leo lên chiếc xe “jeep” đậu bên ngoài. Chiếc xe lao xuống con đường dốc, lắc đảo dữ dội, khiến nhiều lần Khôi tưởng đã văng ra ngoài. Nhưng người lái xe là một tay cừ khôi. Xe vẫn phóng như bay trong đêm tối. Gió đêm quất ngược vào mui vải phần phật, và làm bạt hơi thở của bốn người ngồi trên xe: người tài xế hai tay ghì chặt vào bánh lái; một đội viên cầm khẩu tiểu liên chĩa về phía trước, hướng đào tẩu của bọn đồng loã Tư Muôn; và viên sĩ quan chỉ huy, với Khôi ngồi bàng hoàng không hiểu đang sống thực hay mộng. Viên sĩ quan hét vào tai Khôi:
- Tôi có lời khen các cậu…
Khôi giật mình, như người chợt tỉnh một giấc mộng du, quay lại nhìn viên sĩ quan. Ông ta tiếp:
- Bạn cậu thiệt là can đảm và khôn lanh. Nhờ có cậu ấy lập kế nằm lăn giữa đường nên bọn buôn lậu phải khiêng cậu ấy vào trong nhà và nhờ thế, đã đủ thì giờ cho chúng tôi đến kịp. Mặc dầu vậy, có hai tên đã mang được anh Giang, một đội viên thuộc đoàn XXII của chúng tôi ra xe chuồn mất. Chúng hiện tìm cách qua biên giới, nhưng chúng ta sẽ đuổi kịp.
Lời nói của viên sĩ quan làm Khôi phấn khởi. Anh thầm nghĩ:
- Như vậy, kể cũng không đến nỗi uổng công. Chỉ mong sao cứu được kịp thời viên đội thương chánh là khỏi còn ân hận gì nữa…
Người lính ngồi phía trước quay lại báo cáo:
- Bọn chúng đã bỏ xe. Chúng biết bị đuổi theo nên lủi chạy vào rừng.
Khôi cố nhìn xem bóng bọn buôn lậu chạy trốn, qua tấm kính chắn gió. Nhưng anh không thấy gì. Chiếc xe “jeep” bỏ đường thẳng chạy rẽ xuống đồng cỏ… Viên sĩ quan ra lệnh:
- Cẩn thận! Chúng ta sẽ bắt được chúng. Vì muốn vượt biên giới chúng còn phải băng qua một vũng lầy và nhiều suối nhỏ. Báo cho toán tuần cảnh ở phía này biết…
Khôi để ý thấy người lái xe nhận một nút bấm trên chiếc máy nhỏ gần tay lái, lắp ống nghe vào tai…
Viên sĩ quan tiếp:
- Nói với họ phục sẵn bên kia rừng, án ngữ đường qua biên giới và không được nổ súng trước khi có lệnh…
Người tài xế truyền lệnh đó đi. Chiếc “jeep” ngừng lại trên một đám đất ẩm. Phía trước là bãi lầy, cỏ nước mọc um tùm. Chiếc xe của bọn buôn lậu nằm lủi đầu vào đám cỏ. Khôi vừa chỉ tay về phía đó cho viên sĩ quan thấy, thì một ngọn lửa bùng lên…
Người lái xe kêu:
- Chúng đốt xe!
Bọn đồng loã của Tư Muôn đốt xe thật. Chúng định tiêu hủy tất cả trước khi bỏ trốn. Khôi thấy bóng chúng đang chạy. Viên sĩ quan bắn một phát chỉ thiên.
Lửa cháy ở chiếc xe mỗi lúc một lan rộng vì xăng ở bình chứa chảy ra.
Khôi bỗng chợt nhớ đến người đội thương chánh, nạn nhân của bọn buôn lậu, hiện còn bị trói ở trong xe. Nếu không cứu gấp, tất ông ta bị thiêu sống.
Khôi nghĩ:
- Phải đi ngay mới được. Đó là bổn phận của mình…
Và anh phóng mình vào đám đất lầy, bất chấp lời gọi của viên sĩ quan và người tài xế. Lúc này không gì cản trở Khôi được. Anh chạy như bay, nhảy qua từng vũng nước, từng mô đá, và đến gần chiếc xe đang cháy. Lửa nổ lép bép dưới sàn xe sắp lan tới đầu máy. Trong thùng xe phía sau, Khôi thấy viên đội thương chánh bị trói đang cố sức dãy dụa.Anh xông vào giữa đám khói mù mịt, nắm áo ông ta và cố sức kéo trở lui.
Quanh Khôi, lửa nóng hừng hực. Kéo được nạn nhân ra khỏi đám cháy, tới một khoảng đất khô, Khôi đặt xuống, nâng đầu ông ta lên.
Viên đội thương chánh mở mắt, nhận ra được Khôi đang cúi xuống nhìn mình, gắng gượng thều thào:
- Cám ơn em. Em vừa cứu sống anh đó…
Rồi ông ta lả người, ngất lịm…
Viên sĩ quan và tuỳ thuộc của ông hấp tấp chạy tới. Họ dìu cả hai người ra xe, vì Khôi lúc ấy cũng mệt muốn đứt hơi, đứng không vững.
Lúc ấy đã vào khoảng 4 giờ sáng. Phía chân trời ánh hồng dương đã lờ mờ tỏ hiện.
Khôi nhắm mắt lại. Những hình ảnh hiện ra trong óc anh, gợi lại tất cả những sự việc xảy ra trong vòng mấy ngày nay. Anh nghĩ tới Việt bị thương nằm dài trên chiếc chõng ở nhà Tư Muôn; đến Thanh, cô gái bé bỏng đáng thương, đang khóc nức nở. Cũng may, còn có vị linh mục ở đó. Ngài sẽ săn sóc lo liệu cho nàng. Rồi anh lại nghĩ đến các bạn ở đô thành. Mai đây, anh sẽ cùng Việt trở về với căn nhà ấm cúng của gia đình, tìm lại bầu không khí yên ổn của phòng học, sống lại cuộc đời đèn sách của một học sinh chăm chỉ.
Chiếc “jeep” rú lên, quay mũi vượt lên đường. Khôi mở mắt, nhìn lại lần cuối cảnh núi non chập chùng, đồng cỏ bao la miền biên giới đang dần dần thức tỉnh dưới ánh bình minh và cảm thấy tâm hồn thư thái, sau những giờ phút sôi động vừa qua.
Nguyễn Trường Sơn
1964

Xem Tiếp: ----