Chương bốn
Tìm dấu quân gian

Nghe tin bà Hương bị mất trộm, Khôi, Việt đều sửng sốt, đặt nhiều câu hỏi làm dượng Tư chẳng biết đường nào trả lời.
Dượng chỉ biết đại khái là sáng nay, khi trở dậy, bà Hương không thấy chiếc đồng hồ treo trên tường. Bà giật mình nhìn sang mặt tủ, dãy cúp bạc cũng mất luôn, nên bà hô hoán ầm ỹ.
Và dượng Tư kết luận:
- Cũng tại bà không cẩn thận đem bày những thứ đó ra khiến quân gian để ý. Thiệt thằng ăn trộm nào khốn nạn quá. Nó nhè lấy những thứ đó của bà Hương mới tội nghiệp cho bả.
Đó cũng là ý nghĩ của Khôi, Việt. Đôi bạn lặng lẽ ăn vội cho xong bữa cơm trưa, rồi xin dì Hạnh lên quận Nhà Bè.
Khôi nói:
- Chúng cháu xin dì dượng cho phép lên thăm bà Hương. Chúng cháu đi bằng xe đạp nên sẽ về sớm.
Dì Hạnh lưỡng lự:
- Chắc gì bà Hương có thì giờ tiếp các cháu. Bà còn mắc khai báo với nhà chức trách.
Việt nài thêm:
- Dạ, nếu như bà bận thì thôi. Chúng cháu cũng chỉ hỏi thăm, an ủi bà một chút…
Dượng Tư gật gù:
- Phải đó. Bà Hương với nhà mình là chỗ thân tình, nên để cho hai cháu đi…
Được phép rồi, Khôi Việt chạy xuống dưới nhà ngang kiếm xe đạp. Dưới này, vắng người nên cả hai tha hồ bàn cãi. Khôi bảo:
- Việt này, cậu nghĩ thế nào về thằng Chín Đầu Bò, và người đàn ông lạ mặt tụi mình gặp tối hôm qua?
- Tớ biết cậu muốn nói gì rồi! Có phải cậu để ý đến chiếc bao bố mà họ nói với nhau không?
- Đúng đấy, tớ chắc thằng Chín nói láo, bảo là đi đơm cá, nhưng thực ra thì nó có dúng tay trong vụ này.
Việt ngồi trên chiếc thùng gỗ, chống tay suy nghĩ.
- Không lẽ thằng Chín Đầu Bò dám cả gan lẻn vô nhà bà Hương khuân trộm từng ấy thứ?
- Biết đâu được! Thế tối qua chúng mình chả gặp nó là gì?
- Nhưng mình cũng gặp cả Lê Vinh nữa chứ! Bây giờ tớ mới nhớ ra là lúc ấy, lúc anh ta ra can thiệp, anh ta cũng chưa ngủ, vì còn mặc nguyên cả quần áo.
Khôi mở mắt to nhìn Việt:
- Ừ nhỉ! Thế mà không để ý. Lúc ấy Lê Vinh làm gì?
- Đối với Lê Vinh tớ thấy có điều gì hết sức bí mật. Nhưng không phải vì thế mà gán anh ta vào vụ trộm nhà bà Hương được. Cả thằng Chín cũng thế dù tối qua nó đi với một người lạ mặt. Có thể họ đi đơm cá thật đấy.
Thế tại sao người đàn ông kia lại doạ vặn cổ thằng Chín nếu nó mở chiếc bao ra? Nếu bây giờ chúng ta tìm được chiếc bao ấy, chúng ta sẽ tìm ra manh mối.
- Ừ, nhưng tìm ở đâu?
Suy nghĩ, rồi Khôi vỗ đùi nói:
- Tớ biết phải tìm chiếc bao ấy ở đâu rồi! Thằng Chín hiện làm công cho nhà Tuấn. Mà tối hôm qua chúng mình bắt gặp nó lảng vảng ở đấy. Cậu có hiểu tớ định nói gì kkhông?
- Có. Nghĩa là cậu nghi thằng Chín dấu chiếc bao ở trong nhà, hay ở trong vườn nhà Tuấn chớ gì!
- Ừ, chúng mình sẽ bắt đầu tìm ở đó. Mình sẽ nhờ Tuấn giúp vì Tuấn bây giờ là bạn chúng mình rồi.
Việt thấy phấn kkhởi vô cùng. Anh hăng hái bảo bạn:
- Chúng mình phải hành động ngay. Nếu cần thì báo ngay cho cả Dũng và Bạch Liên trợ lực vào nữa. Chúng ta nhất định tìm cho ra những chiếc cúp bạc của bà Hương.
- Đành rồi, – Khôi đáp – nhưng còn phải “bí mật quân sự” mới dược. Chúng ta chưa có bằng chứng gì đích xác cả.
- Ừ.
Khôi tiếp:
- Bây giờ tụi mình lên quận thăm bà Hương cái đã. Và cố tìm ra một vài dấu vết tại chỗ.
Cả hai đem xe đạp, phóng thẳng lên quận. Tới nơi, Khôi, Việt dựa xe ngoài cửa, bước vào. Thấy hai trẻ, bà Hương càu nhàu:
- Giữa trưa, trời nắng thế này mà các cháu đi đâu vậy? Cần mua thức gì bây giờ?
Khôi lễ phép thưa:
- Chúng cháu không cần mua gì cả. Nghe tin bà mất trộm nên chúng cháu lên thăm…
Việt tiếp:
- Nghe tin ấy chúng cháu ái ngại hết sức. Chúng cháu lên đây xem có thể giúp bà được việc gì không…
Bà Hương cảm động nói:
- Cám ơn hai cháu có lòng tốt, nhưng hai cháu giúp gì bác được. Vụ này đã có nhà chức trách lo. Bác đã trình quận rồi, và ông quận có phái thầy Bách tới điều tra. Cả buổi sáng này, thầy Bách vào đây hỏi bác đủ điều. Hai cháu biết thầy Bách chứ? Thầy ấy là công an điều tra ở quận.
Khôi hỏi:
- Thầy ấy có nói gì không thưa bác?
- Thầy chỉ bảo: Tên trộm là người quen trong vùng nên biết rõ địa thế trong nhà. Bác mong cho điều ấy không trúng, vì người trong quận với nhau ai nỡ lấy của bác đâu!
- Thưa, trộm vào nhà bằng lối nào?
- Bằng lối sân sau. Bác nhớ bác có đóng cửa ra sân trước khi đi ngủ. Cả ba chục năm nay chưa bao giờ bác sơ sót, thế mà sáng nay trở dậy, bác thấy cửa đó mở toang. Nhìn lên tường thấy mất chiếc đồng hồ, bác biết ngay là có trộm. Quả nhiên, xem đến mặt tủ thì bao nhiêu kỷ vật của Long đều biến mất.
Tuy bà Hương nói những lời ấy bằng một giọng bình thản, song Việt để ý thấy cặp mắt của bà long lanh ngấn lệ.
Anh bật nói:
- Cháu mà vớ được tên trộm này thì hắn… ở tù!
Bà Hương thở dài:
- Bác chẳng mong gì hơn là tìm thấy của đã mất.
Khôi hăng hái:
- Chúng cháu sẽ tìm lại cho bác!
Bà Hương mỉm cười:
- Bác biết hai cháu thương bác lắm. Đến hỏi thăm bác thế này là quí rồi.
Bà ra quầy hàng vốc một nắm kẹo đem vào:
- Có ít kẹo ngon, hai cháu ăn đi.
Khôi đang mải suy xét nên không để ý. Anh lẩm bẩm:
- Không biết tên trộm vào trong sân bằng lối nào?
Bà Hương đáp:
- Nó trèo qua bức tường ngăn phía sau. Dấu chân hắn còn để lại dưới chân tường.
- Ồ, nếu vậy xin phép bác để cháu ra xem.
Bà Hương dẫn Khôi, Việt ra sân sau. Trong sân có trồng nhiều cây kiểng khá đẹp. Cuối sân có một tường ngăn. Phía ngoài tường là lối đi. Tên trộm ở ngoài đã trèo qua bức tường này để vào sân. Bà Hương trỏ bức tường bảo:
- Sáng nay, thầy Bách cũng ra đây xem xét kỹ lắm. Thầy còn lấy thước ra đo, chẳng hiểu để làm cái trò gì!
Chỗ chân tường hằn rõ vài ba dấu chân. Khôi, Việt cúi xuống xem xét. Ngoài dấu chân khá to, họ không thấy có gì đáng chú ý. Sau khi vói tay đo xem bề cao của bức tường, Khôi xin phép trở vào trong nhà. Anh đi vòng một lượt, xem xét tỉ mỉ rồi hỏi bà Hương:
- Thưa bác, đêm qua bác có nghe tiếng động gì khả nghi không?
- Không. Bác ngủ say lắm.
- Chừng mấy giờ bác đi ngủ?
- Cứ thói quen của bác là 9 giờ.
- Trước đó bác có thấy ai lảng vảng phía ngoài không?
Bà Hương bật cười nhìn Khôi:
- Ủa, thằng nhỏ này mới kỳ chớ! Sao cháu hỏi bác những câu y như thầy Bách hỏi hồi sáng vậy! Không, bác không thấy có gì khả nghi cả.
- Và bác cũng không ngờ cho ai ở quận này chứ ạ?
- Bác chẳng ngờ cho ai hết. Ở đây có ai muốn hại bác đâu.
- Dạ, như vậy là đủ. Cháu xin cảm ơn bác. Và xin phép bác cho chúng cháu về.
Việt tiếp:
- Cám ơn bác đã cho chúng cháu kẹo nữa. Hôm khác chúng cháu lại lên thăm bác… Và nếu có gì lạ cháu sẽ báo tin cho bác biết ngay.
Ra khỏi cửa Khôi chạy vòng về phía sau nhà bà Hương xem qua con đường nằm sát vách tường, rồi lên xe gọi Việt:
- Tụi mình về thôi.
Việt đạp xe theo bạn. Cả hai phóng thật nhanh trên đường về. Tới chiếc cầu gỗ bắc qua lạch nước, Khôi xuống xe:
- Tụi mình sang kia chơi một lát.
- Đâu?
- Sang bên nhà Tuấn.
Dựng xe vào một hàng rào, cả hai thả bộ qua cầu. Khôi trầm ngâm hỏi bạn:
- Cậu có ý kiến gì không?
Việt đáp:
- Tớ nhận thấy một điều: Vết chân ở nhà bà Hương không phải của thằng Chín Đầu Bò, vì lớn quá.
Khôi gật đầu:
- Đúng và theo tớ thì những vết chân đó cũng không phải của người vùng này. Phần đông người ở đây đều đi chân không, hoặc đi dép cao su. Mà đây là dấu giày hẳn hoi.
Việt không để ý đến điểm đó, và phục sự tinh ranh của bạn.
Tuy nhiên anh cũng nêu ra một thắc mắc:
- Nếu tên trộm không phải là người vùng này, làm sao hắn biết nhà bà Hương có những chiếc cúp bạc, và thông tỏ đường lối để vào lấy cắp? Ai đã chỉ vẽ cho hắn?
Khôi đáp:
- Rất có thể là thằng Chín Đầu Bò.
Giữa lúc ấy thì Chín Đầu Bò hiện ra. Hắn từ con đường mòn nhô khỏi bụi cây, và tiến ngược chiều về phía Khôi, Việt. Hình như hắn tới trại của Tuấn. Thấy Khôi, Việt, hắn vờ nhìn đi chỗ khác.
Khôi cười gằn, nói:
- Ê, Chín, đêm qua có đơm được nhiếu cá không?
Chín Đầu Bò không thèm trả lời, quắc mắc nhìn lại, rồi đi thẳng.
Khôi nhún vai bảo bạn:
- Nó cay tụi mình lắm đấy. Không may nó lại gặp phải bọn mình. Nếu nó là người đưa đường chỉ lối cho người đàn ông lạ mặt vào lấy trộm trong nhà bà Hương, thì khi lấy được rồi tên trộm đã giao bao đồ cho nó giữ.
- Tại sao?
- Để nó giấu kỹ một chỗ trước khi tẩu tán. Và để tên kia đi làm ăn đám khác.
- Cậu có chắc thế không hay đó mới chỉ là…
- Là một giả thuyết như người ta thường nói chứ gì? Trong các vụ điều tra, luôn luôn phải đặt ra những giả thuyết chứ!
- Biết đâu trong chiếc bao ấy chỉ toàn những trái cây!
Khôi nhìn Việt với ánh mắt giận dữ:
- Cậu ngu lắm. Thôi được rồi, hãy cứ tìm cho ra cái bao đó đã, rồi cậu sẽ thấy! Bây giờ phải gặp Tuấn đã và nói cho hắn biết rõ ý mình.
- Tối mai mình mới gặp Tuấn được.
- Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi! Cần gặp bây giờ thì phải tìm cách mà gặp nó chứ. Mình thử coi nó có trong vườn thì kêu nó lại sát hàng rào mà nói chuyện không được sao?
Cả hai bước nhanh lại phía nhà Tuấn. Việt chợt kêu:
- Ủa, chiếc xe của Lê Vinh không còn đây nữa.
Khôi nhìn quanh, gật đầu:
- Ừ nhỉ! Anh ta có nói hôm nay anh ta đi mà.
- Phải nhưng cũng lạ chứ!...
- Sao?
- Lạ, vì anh ta đi ngay sau vụ trộm. Anh ta lại không chịu nói cho biết đi đâu. Và tối qua khi gặp bọn mình anh còn mặc nguyên quần áo.
Khôi cau mày:
- Như thế là cậu vừa đặt thêm một giả thuyết nữa đấy. Ừ biết đâu chẳng phải là Lê Vinh?
Việt vội đáp:
- Tớ mong giả thuyết này không đúng, vì tớ thấy Lê Vinh rất có cảm tình.
Tới nhà Tuấn, đôi bạn men theo phía hàng rào tìm chỗ hổng mà tối qua Tuấn đã dùng để chui vào trong vườn. Lúc ấy Khôi lách nửa người vào, Việt bám theo sau, nhìn qua vai bạn.
Vườn nhà Tuấn trái với các trang trại khác, trồng toàn hoa đẹp. Vườn đầy hoa, nhưng trông vẫn quạnh quẽ buồn thiu. Ngôi nhà rộng rãi, kiểu biệt thự đứng giữa khu vườn vắng lặng đó càng thấy buồn tẻ hơn nữa.
Không có bóng ai bên trong cả. Đôi bạn phải chờ khá lâu mới thấy Tuấn cầm một cuốn sách bước ra vườn, đầu cúi nhìn xuống đất, dáng điệu như đang trầm ngâm suy nghĩ.
Khôi nhặt một hòn sỏi, ném về phía Tuấn đang đi, khẽ gọi:
- Tuấn!
Tuấn ngửng lên, nhìn về phía hàng rào. Nét mặt Tuấn rạng rỡ, khi thấy Khôi việt. Anh lấm lét nhìn vào trong nhà, rồi nhẹ nhàng đi tới thầm bảo:
- Gặp các anh vui mừng quá.
Khôi nói:
- Chúng tớ cũng đang mong gặp cậu để nhờ cậu một việc.
- Tôi có một chuyện rất lạ muốn kể lại các anh nghe. Đêm qua, lúc tôi vừa chui vào trong vườn thì…
Khôi cắt ngang:
- Khoan đã, chúng tớ muốn nhờ cậu điều này là…
Tuấn tiếp:
- Nhưng để tôi nói rõ cho anh nghe đã…
Cả Khôi lẫn Tuấn đều tranh nhau bộc lộ ý muốn mình nên cùng không để ý đến lời nói của nhau. Chưa kịp phân bày thì cánh cửa sổ trên lầu biệt thự đã mở ra và có tiếng gọi:
- Tuấn!
Tuấn quay lại, còn Khôi, Việt vội nép vào hàng rào.
Trên cửa sổ hiện ra một ông già tóc hoa râm. Ông nghiêng mình trên khuôn cửa, gọi xuống:
- Tuấn, vào học thôi chứ! Đến giờ rồi…
- Dạ, một lát nữa rồi con vào. Chỉ mấy phút nữa thôi ạ.
- Không được! Vào ngay.
Cánh cửa sổ đóng sập lại.
Tuấn lắc đầu chép miệng bảo bạn:
- Thôi để đến chiều mai vậy. Nếu có cơ hội tôi sẽ gặp các anh.
Tuấn quay vào. Khôi Việt trở về đường cũ. Khôi lẩm bẩm:
- Giận thật.
Và dẫm nát một đám cỏ, Khôi cáu kỉnh tiếp:
- Chúng mình đành phải tìm lấy cái bao bố ấy vậy. Chắc ở đây thôi!