Vài lời phi lộ

Đến nay, những người đã sống trong thập niên 1960 vẫn chưa quên được những biến cố đau thương mà các cuộc thánh chiến đã gây ra cho đất nước. Các cuộc thánh chiến này vẫn đang tiếp tục, có khi náo động, có khi âm ỉ với những hậu quả chưa có thể lường được. Tìm hiểu sâu xa hơn, nhiều người đã đồng ý các cuộc thánh chiến do những kẻ lợi dụng tôn giáo phát động cũng là một trong những nguyên nhân đưa miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Ngày 1.11.1963, khi các tướng lãnh Việt Nam được Hoa Kỳ thuê làm đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thì tôi còn là một sinh viên Luật Khoa và làm nghề viết báo để kiếm thêm tiền. Cũng như các ký giả khác, tôi lục lọi khắp nơi để săn tin. Ngày 2.11.1963, khi tiếng súng từ Dinh Gia Long vừa dứt, tôi cố nhờ người đôn lên để quan sát phía bên trong và chụp hình. Một nguồn tin của Phật Giáo cho biết ông Diệm và ông Nhu đã trốn ra khỏi Dinh Gia Long bằng một con đường hầm bí mật. Tôi cố gắng kiểm chứng tin này. Vài hôm sau, tôi may mắn được nói chuyện với Thiếu Tá Hoàng Văn Tình, Trưởng phòng An Ninh Phủ Tổng Thống. Ông lắc đầu chán nản và cho tôi biết chính ông đã lo liệu cho ông Diệm và ông Nhu ra đi vào Chợ Lớn lúc 7 giờ tối ngày 1.11.1963 bằng một chiếc xe fourgonnette hiệu Citroen. Người lái xe là Trung Tá Hưng. Ông quả quyết trong Dinh Gia Long không có đường hầm bí mật nào cả. Một tuần sau, tôi được một Thiếu Tá khác dẫn vào Dinh Gia Long quan sát. Tôi cũng không thấy có đường hầm bí mật nào hết. Tôi viết bài tường thuật về những sự thật mà tôi đã điều tra và đem tới tòa soạn, nhưng sau khi họp bàn, anh em đã quyết định không đăng. Anh em nhìn nhận tôi viết hoàn toàn đúng sự thật nhưng nếu đăng lên, tờ báo có thể bị tố cáo là
"tay sai của dư đảng Cần Lao" và sẽ bị đốt. Cho đến nay, các sử gia Phật Giáo như Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và những người khác cũng vẫn tiếp tục viết trong Dinh Gia Long có đường hầm bí mật và hai ông Diệm, Nhu đã trốn ra bằng con đường đó!
Trong vụ nổ trước đài phát thanh Huế đêm 8.5.1963, có 7 người chết và 1 người bị thương, nhóm Phật Giáo miền Trung quả quyết Thiếu Tá Đặng Sĩ đã xả súng bắn, ném lựu đạn tấn công, cho xe tăng chạy ngang qua cán nát đầu các Phật tử và nhất định đòi phải xử bắn Thiếu Tá Đặng Sĩ. Luật sư Nguyễn Khắc Tân, người biện hộ cho Thiếu Tá Đặng Sĩ, và tôi đã xem hồ sơ của tòa án bản cáo trạng, y chứng thư của Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, biên bản kiểm tra của các chuyên viên võ khí v.v. Tất cả đều ghi rằng các nạn nhân bị chết do một chất nổ plastic cực mạnh. Chất nổ này vào thời đó, Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa chưa hề được Mỹ cung cấp. Bản phúc trình của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc đến điều tra tại chỗ cũng đã ghi như thế. Nhưng các sử gia Phật Giáo nhất quyết viết Thiếu Tá Đặng Sĩ đã xả súng bắn vào Phật tử, ném lựu đạn nổ và cho xe tăng cán qua đầu các nạn nhân!
Lời các lãnh tụ Phật Giáo tranh đấu miền Trung phải được coi là kinh Coran, không ai được viết khác đi. Viết khác những lời tuyên bố đó là "tay sai của dư đảng Cần Lao"!
Đọc cuốn Lịch sử tranh đấu Phật Giáo Việt Nam của Kiêm Đạt thấy ghi Thượng Tọa Thích Trí Quang có người em tên là Phạm Chánh, một trong những lãnh tụ kháng chiến, chết vào ngày 4.6.1947, tôi cảm thấy tức cười. Tôi biết anh này quá rõ. Năm 1946 anh ta chỉ mới 20 tuổi, đi bộ đội, chiều nào cũng ra tập dượt ớ cánh đồng bên làng tôi và hay bị con nít nhái giọng chọc tức, vì dân làng Diêm Điền có giọng nói hơi ngọng (Thích Trí Quang cũng thế). Đến năm 1947 anh dẫn một tiểu đội du kích quấy phá vùng Đức Phổ, phía Tây thành phố Đồng Hới, bị Tây bắn chết. Ấy thế mà bây giờ đã được các "sử gia" cho trở thành "một trong những lãnh tụ kháng chiến"!
Trong suốt 20 năm qua, lịch sử của các cuộc thánh chiến tại Việt Nam đã được viết một chiều với những câu chuyện bịa đặt như thế được chép đi chép lại trong hàng chục cuốn sách. Những tài liệu ngoại quốc liên quan đến các cuộc thánh chiến tại Việt Nam được viết trước khi Ngũ Giác Đài công bố những tài liệu mật về sự liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, tuy đã quá lỗi thời, nhưng vẫn được xử dụng tối đa để biện minh cho những sai lầm. Những người đã chứng kiến những ngày kinh hoàng do các cuộc thánh chiến gây ra từ 1963 đến 1966 đều lắc đầu ngao ngán. Nhưng những thế hệ sau có thể sẽ bị đánh lừa.
Trước những chuyện nhảm nhí như thế, tôi đã cố gắng thu thập những tài liệu liên quan đến các cuộc thánh chiến tại Việt Nam và dự tính sẽ công bố khi tình hình thuận tiện. Thời gian từ 1964 - 1967 mà công bố những tài liệu này, các nhóm tranh đấu cho "tự do, dân chủ và nhân quyền" sẽ đốt tòa báo, đốt nhà in và nhà xuất bản. Người viết có thể bị ám sát. Sự kiện lịch sử phải viết đúng như họ muốn, viết khác đi là "tay sai của dư Đảng Cần Lao".
Sau này, khi gia nhập vào ngành tư pháp, tôi có cơ hội để biết thêm nhiều bí mật liên quan đến các cuộc thánh chiến như các vụ Thích Minh Châu với Đại Học Vạn Hạnh, vụ Thích Hộ Giác trong chức vụ Phó Giám Đốc Nha Tuyên úy Phật Giáo, vụ Võ Đình Cường, Nguyễn Trực, Tống Hòa Cầm v.v. Nơi nào không xử dụng thẻ ký giả được, tôi dùng quan hệ tư pháp để tìm tài liệu. Khi một Chánh án hay Biện Lý địa phương giới thiệu tôi ít khi bị các cơ quan từ chối. Trong các vụ biến động tại miền Trung, tôi phải bay đi bay về giữa Huế, Đà Nẵng và Saigon không biết bao nhiêu lần nên nắm trong tay các dữ kiện khá chính xác.
Rất tiếc biến cố ngày 30.4.1975 đã làm mất đi khá nhiều tài liệu mà tôi đã kiếm được. Khi tôi đi cải tạo về, nhà đã bị Việt Cộng tịch thu, anh em chỉ giữ lại cho được một số ít. Tuy nhiên, những gì tôi đã chứng kiến tận mắt hay đã phỏng vấn, tôi không quên được. Về ngày tháng và tên tuổi tôi phải kiểm chứng lại qua các tài liệu hay những người liên hệ. Tôi vẫn tiếc nguyên văn bản Cáo Trạng của Tòa Án Cách Mạng xử vụ Đặng Sĩ. Tôi biết Việt Cộng đang còn giữ lại hồ sơ các vụ án tại miền Nam trước đây, nhưng không biết họ đã cất vào chỗ nào nên không thể thuê tìm được. Lần mò theo các tài liệu do Việt Cộng công bố sau ngày 30.4.1975, tôi khám phá ra được nhiều sự kiện mới như Đảng Cộng Sản Đông Dương lên án chính sách "Phật Giáo hóa Đông Dương" của Toàn quyền Pierre Pasquier, vụ Khu ủy Khu Trị - Thiên - Huế điều khiển các cuộc thánh chiến từ 1963 đến 1967, tên tuổi nhiều cán bộ Cộng Sản nằm vùng trong các cuộc đấu tranh miền Trung v.v.
Lịch sử sắp sang trang nhưng một số "sử gia" vẫn tiếp tục dùng "phịa sử" để đánh lừa dư luận và lộng giả thành chân, nhằm theo đuổi những mục tiêu chính trị phiêu lưu. Lúc đầu tôi định chỉ công bố một số tài liệu và dành quyền phê phán cho các sử gia chân chính. Nhưng hôm 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã công bố cuốn Bạch Thư về vấn đề chia rẽ của Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự, tôi đã hay đổi quyết định lúc đầu. Tuy tài liệu của Hòa Thượng Tâm Châu chỉ mới cho thấy một khía cạnh bi thảm nhỏ đàng sau các cuộc thánh chiến, nhưng đó là tài liệu của người trong cuộc, nó mang một giá trị đặc biệt. Khi người trong cuộc đã phải đau lòng lên tiếng để hóa giải những chuyện lộng giả thành chân thì chúng ta cũng có bổn phận phải làm sáng tỏ những vấn đề nguy hại cho đất nước đang được cố tình ngụy tạo để che đậy và tiếp tục lừa phỉnh dư luận. Tôi đã viết lại cuốn này với tư thế của một người nghiên cứu và phân tích các sự kiện lịch sử liên quan đến các cuộc thánh chiến.
Sách Cổ Học Tinh Hoa có kể lại chuyện Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu, lúc đã say thì đèn tắt. Một viên quan thừa cơ kéo áo một cung nữ. Người cung nữ ấy nắm lấy rồi giựt đứt giải mũ và tâu cho Trang Vương biết. Trang Vương liền ra lệnh các quan viên phải dứt giải mũ hết, nhờ vậy buổi tiệc hôm đó tiếp tục vui đến sáng, không ai lo bị trị tội cả. Trang Vương là một nhà chính trị, ông không dùng lý mà dùng trí để cư xử khiến mọi việc êm đẹp.
Năm 1965, Thượng Tọa Thích Quảng Liên lập Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình để tuyên truyền cho Việt Cộng. Những người hoạt động cho Phong Trào này đều bị Chính Phủ Phan Huy Quát ra lệnh bắt đưa ra tòa xét xử, 3 người bị trục xuất ra miền Bắc, nhiều người bị phạm khổ sai, nhưng Phan Huy Quát không cho bắt Thượng Tọa Thích Quảng Liên. Phan Huy Quát là một nhà chính trị, ông dùng trí để hành động nên mới có chuyện phi lý như vậy.
Nhiều người đã can gián chúng tôi khi quyết định công bố và phân tích các tài liệu liên quan đến các cuộc thánh chiến tại Việt Nam. Họ yêu cầu chúng tôi xem lại những lợi và hại của sự công bố đó trong giai đoạn hiện tại. Họ muốn chúng tôi hành động theo kiểu những nhà chính trị như Trang Vương hay Phan Huy Quát.
Nhà chính trị cần dùng trí khi hành động để bảo vệ những lợi ích nhất thời. Trong đoản kỳ, những sự tránh né đó được coi là khôn ngoan, nhưng trong trường kỳ, những sự tránh né như vậy nhiều khi đã đem lại những hậu quả trầm trọng. Trường hợp chính phủ Phan Huy Quát dung tha cho Thượng Tọa Thích Quảng Liên là một thí dụ điển hình. Chính vì sự dung tha này, một số tăng sĩ Phật Giáo đã lầm tưởng họ là những con người bất khả xâm phạm, nên sau đó họ đã ngang nhiên vào mật khu họp với các cán bộ Việt Cộng và nhận chỉ thị về thi hành mà không sợ ai cả.
 Jorge Luis Borges nói rằng "Tử vì đạo dễ hơn sống đúng theo tinh thần của đạo", còn Shakespeare đã cảnh cáo: "Con quỷ cũng có thể viện dẫn Thánh Kinh cho mục tiêu của nó". Lịch sử cho thấy kích động lòng cuồng tín tôn giáo để đạt mục tiêu chính trị bao giờ cũng gây thảm họa. Để loại trừ thảm họa này, chúng tôi chọn làm công việc của một người công bố và phân tích một số sự kiện lịch sử chứ không muốn làm công việc của một nhà chính trị. Lợi ích mà chúng tôi nhắm là để cho những thế hệ tới đừng vì những sự lừa gạt mà đi vào vết xe cũ, gây thảm họa do đất nước.
Trong hiện tại, sự công bố và phân tích các tài liệu này có thể đưa tới những sự bất bình, nhất là đối với những người trong cuộc. Nhưng tục ngữ Latin có câu: "Fiat justilia et ruant caeli". Phải tuân hành công lý, cho dù tầng trời có sụp đổ. Chúng tôi tin sau khi công bố cuốn tài liệu này, tầng trời sẽ không sụp đổ mà trái lại sự công bố sẽ giúp cho lịch sử được sang trang một cách tốt đẹp hơn.
Còn rất nhiều tài liệu khác đang được chúng tôi kiểm chứng hay điều tra thêm và sẽ công bố sau. Chúng tôi chân thành cám ơn tất cả những bạn bè, thân hữu và những người chưa hề quen biết đã sẵn lòng cung cấp tài liệu hay trả lời những câu hỏi của chúng tôi và giúp đỡ cho cuốn sách này được phát hành nhanh chóng.
Tuy đã được kiểm chứng nhiều lần qua nhiều nguồn tin khác nhau, các tài liệu được công bố cũng khó tránh khỏi một số sơ sót. Phần phân tích và phê bình một đôi khi cũng chưa thoát được tính chủ quan. Chúng tôi ước mong được tiếp nhận ý kiến của những vị am hiểu vấn đề để khi tái bản quyển sách này được hoàn hảo và phong phú hơn.
 
California, ngày 9 tháng 3 năm 1994
Lữ Giang