Phần mở đầu
Một cái nhìn tổng quát

Thánh chiến được hiểu như là các cuộc tranh chấp có bạo động mang màu sắc tôn giáo nhằm mục đích bảo vệ tôn giáo hay mượn danh nghĩa tôn giáo để mưu đồ chính trị.
Tín ngưỡng của người Trung Hoa và Việt Nam khởi đầu đi từ mê tín dị đoan đến Lão Giáo và Khổng Giáo. Phật Giáo phát xuất từ Ấn Độ được chính các hoàng đế Trung Hoa thỉnh về. Tục truyền rằng, vua Hán Minh Đế (58-75 ) nằm mộng thấy người vàng cao 6 trượng trán có nhật quang. Có người đoán mộng cho biết có Phật xuất hiện bên xứ Tây Trúc, nhà vua liền cho sứ giả sang thỉnh kinh và tượng đem về thờ. Nhưng về sau Phật Giáo đã bị các nhà Nho và Đạo sĩ công kích mạnh mẽ vì coi tôn giáo này là một thứ đạo ngoại lai.
Người Tàu cai trị Việt Nam từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 931 sau Tây lịch, tức hơn 1.000 năm, đã đem theo vào Việt Nam tất cả tín ngưỡng của người Trung Hoa.
Trong khi các sử gia Mác-xít ở Hà Nội đang cố gắng chứng minh Việt Nam là một trong những "cái nôi" của loài người để tuyên truyền dân tộc Việt Nam là một "dân tộc siêu việt" thì các sử gia Phật Giáo Việt Nam cũng đang nỗ lực chứng minh đạo Phật đã đến Việt Nam trước bằng đường bể rồi truyền qua Trung Hoa để chứng minh đạo Phật là "đạo dân tộc". Những nỗ lực nầy chưa đem lại được bằng chứng trực tiếp nào mà chỉ dùng lối suy luận. Mở đầu bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang (tức Hòa Thượng Nhất Hạnh) cho biết cuốn sách đầu tiên viết về Phật Giáo ờ Việt Nam là cuốn Lý Hoặc Luận do Mâu Tử biên soạn bằng chữ Hán vào hạ bán thế kỷ thứ hai, lúc đó Việt Nam đang bị Bắc thuộc. Mâu Tử là người Trung Hoa theo đạo Lão, sau học đạo Phật. Nguyễn Lang nói rằng Mâu Tử đã "nhập tịch Giao Chỉ". Đây là một sự quyết đoán không chứng minh được vì không có tài liệu lịch sử nào cho thấy thời đó đã có luật quốc tịch. Đến đời Lý Thái Tổ, năm Mậu Ngọ (1018), vua còn sai hai quan Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc qua Trung Hoa thỉnh Kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Hưng.
Nhìn vào lịch sử phát triển của Tam Giáo tại Việt Nam, chúng ta thấy cũng đã có nhiều sự xung đột giữa Nho Giáo và Phật Giáo như ở Trung Hoa. Trương Hán Siêu đã cho khắc vào bia chùa Quang Nghiêm: "Đã gọi là kẻ sĩ phu, nếu không phải đạo vua Nghiêu vua Thuấn thì không nên bày tỏ, nếu không phải đạo thầy Khổng thầy Mạnh thì không nên trứ thuật..." Còn sử gia Ngô Sĩ Liêm phê bình thẳng rằng đạo Tam Muội và đạo Nhất Thừa không phải là đạo trị thế giới của đế vương.
Dưới thời Lý-Trần, Phật Giáo trở thành quốc giáo và được hậu đãi. Các cao tăng được chọn làm Quốc Sư và giới tăng sĩ được hưởng vô số đặc quyền đặc lợi. Nhưng đến thời Hậu Lê, Phật Giáo bị nhà Nho loại ra khỏi chính quyền và trở nên suy đồi. Qua thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ở phần đất phía Bắc thuộc Chúa Trịnh, Phật Giáo ngày càng suy giảm, trong khi ở phần đất phía Nam, Phật Giáo được nhà Nguyễn nâng đỡ. Chính Chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây cất chùa Linh Mụ ở Huế vào năm 1601. Dưới thời Tây Sơn (thế kỷ 18) chế độ biệt đãi Phật Giáo chấm dứt. Nhiều chùa chiền đã bị san bằng, tượng Phật bị đập, đất đai nhà chùa được phân phát cho các làng xã, chỉ giữ lại các chùa lớn. Các tăng sĩ cũng phải thi hành nghĩa vụ quân sự và làm công dịch như những người không xuất gia. Từ thời Gia Long đến Pháp thuộc, các vua nhà Nguyễn đã coi Phật Giáo như một công cụ chính trị. Mãi cho đến khi Pierre Pasquier được cử làm Toàn Quyền Đông Dương lần thứ hai (1928 - 1934), Phật Giáo mới được phục hưng. Nhiều nhà bình luận cho rằng Toàn Quyền Pasquier có chủ trương "Phục hưng Phật Giáo Việt Nam" để ngăn chặn phong trào chống Pháp do các nhà Nho phát động (sẽ nói sau). Nhờ sự dễ dàng của các Toàn Quyền Đông Dương, Phật Giáo vững mạnh dần cho đến tình trạng ngày nay.
Thiên Chúa Giáo được truyền vào Việt Nam năm 1533, dưới thời vua Lê Trang Tôn, nhưng đã bị nhà Nho và các vua chúa chống đối và đàn áp mạnh mẽ. Thiên Chúa Giáo đã bị lên án như một thứ đạo ngoại lai, phản lại phong hóa dân tộc. Thiên Chúa Giáo đã bị cả nhà Nho lẫn triều đình tìm cách tiêu diệt nên phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong khoảng 300 năm dưới thời phong kiến, có khoảng 130.000 tín hữu Thiên Chúa Giáo bị giết, 3.000 giáo xứ đã bị đốt phá.
Nhìn qua các cuộc bài trừ tôn giáo trong lịch sử Việt Nam, người ta thấy các cuộc bài trừ này đều do chính quyền chủ động, đối tượng là Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo, bị coi là đạo ngoại lai. Tôn giáo bao giờ cũng ở thế tự vệ. Trong lịch sử, chúng ta chưa hề thấy có hiện tượng tôn giáo đứng lên đánh phá với ý định cướp chính quyền hay mưu toan triệt hạ các tôn giáo và tập thể khác. Trường hợp của Hòa Thượng Thích Thiên Nhiên, tức Phạm Sư Ôn, nổi loạn chiếm thành Thăng Long năm 1389, chỉ là trường hợp cá biệt.
Nhưng từ năm 1963 đến nay, chúng ta thấy có một hiện tượng trái ngược hẳn: Tôn giáo đã dùng cả bạo lực, thủ đoạn lẫn chiến tranh tâm lý để xách động quần chúng chống chính quyền, chống các tôn giáo hay tổ chức khác không đồng lập trường và đường lối của họ, trấn áp các cơ quan ngôn luận và bất khoan dung đối với các tông phái cùng tôn giáo nhưng không chấp nhận chủ trương của họ, đồng thời đòi địa vị độc tôn. Đây là một hiện tượng bất thường và chắc chắn không phải là chủ trương của các nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính mà chỉ là chủ trương của một tổ chức hay một vài cá nhân muốn lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để mưu đồ chính trị. Những hành động của nhóm nầy đã làm cho tình hình chính trị miền Nam Việt Nam trước đây luôn bị xáo trộn và hiện nay đang gây phân hóa trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại.
Cuộc thánh chiến đầu tiên khởi sự từ tháng 5 năm 1963 và kết thúc sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị cơ quan tình báo Hoa Kỳ lật đổ trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Cuộc thánh chiến lúc đầu nhằm chống lệnh hạn chế việc treo cờ tôn giáo ngoài các cơ sở tôn giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm, được hướng dần vào mục tiêu chống chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ được coi là của Thiên Chúa Giáo.
Cuộc thánh chiến thứ hai được phát động từ đầu tháng 2 năm 1964, sau khi Tướng Nguyễn Khánh làm "chỉnh lý" loại trừ các tướng cầm đầu cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963. Cuộc thánh chiến nầy do một nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung và một số chính khách hoạt đầu phát động, dưới chiêu bài loại trừ các dư đảng Cần Lao, nhưng thật sự nhằm tiến tới cướp chính quyền. Cuộc thánh chiến đó rất dữ dội và có sự chỉ đạo trực tiếp của các đặc công cộng sản nằm vùng, nhưng không thành công vì không được các tông phái Phật Giáo gốc miền Bắc và miền Nam hưởng ứng, và nhất là không được cơ quan tình báo Hoa Kỳ chấp nhận như cuộc thánh chiến 1963, nên đã bị Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, và Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, đánh bại vào cuối tháng 6 năm 1966. Cuộc thánh chiến này bi đát và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến nỗi các "sử gia" Phật giáo ít ai dám mô tả lại đầy đủ. Cuốn Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu công bố ngày 31.12.1993 chỉ mới tiết lộ một phần nhỏ. Tất cả đều chỉ xoay quần chung quanh cuộc thánh chiến thứ nhất.
Cuộc thánh chiến thứ ba mang hình thức một cuộc nội chiến, khởi sự từ khi bắt đầu tranh đấu đòi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm vào tháng 5 năm 1963. Mục tiêu của cuộc nội chiến là tranh dành quyền đại diện duy nhất Phật Giáo Việt Nam và tranh quyền trong nội bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Cuộc nội chiến này vẫn còn kéo dài âm ỉ và ngày nay đã lan ra hải ngoại.
Cuộc thánh chiến thứ tư được phát động từ tháng 6 năm 1992, khi Hòa Thượng Thích Huyền Quang công bố "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992 gởi nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội. Cuộc thánh chiến này bên ngoài nhắm hai mục tiêu cùng một lúc: vừa chống lại việc nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã "quốc doanh hóa" Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tức Giáo Hội Ấn Quang) và bắt bớ các tăng ni, vừa công khai tấn công Thiên Chúa Giáo. Thực chất của cuộc thánh chiến cũng như chiến lược và các chiến thuật xử dụng có nhiều nghi vấn và tranh luận.
Quan sát các cuộc thánh chiến nói trên, người ta thấy các cuộc thánh chiến này đều do một số chính khách hoạt đầu và và một số thành phần Phật Giáo cực đoan người miền Trung gốc Bình-trị-thiên hay Nam-ngãi phát động dưới sự chỉ đạo của các cán bộ cộng sản nằm vùng.
Tại hải ngoại, trong thập niên vừa qua, nhóm này xuất hiện sau lưng cựu Tướng Đỗ Mậu, đưa ra cuốn "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi" và đứng đàng sau Lê Trọng Văn cho ra hai cuốn "Những Bí Ẩn Lịch Sử Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm" và "Lột Mặt Nạ Những Con Thò Lò Chính Trị" ở San Diego. Nay lại xuất hiện thêm nhóm tạp chí Bông Sen của Lý Khôi Việt (tức Lê Hiếu Liêm) ở Danville, San José.
Nhóm Lý Khôi Việt đã dùng tờ Bông Sen để "siêu việt hóa" Phật Giáo, mạ lỵ Công Giáo, kêu gọi mở cuộc thánh chiến chống Thiên Chúa Giáo, ca tụng các thành công của Việt Cộng và ngụy hòa. Bài Dân Tộc & Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ 20 của Lý Khôi Việt đăng trên Bông Sen số 17 có nội dung như vừa nói, cũng được phổ biến trong tờ nguyệt san Hoa Sen số 20 tháng 11 năm 1993 của Thượng Tọa Thích Pháp Châu, xuất bản tại Garden Grove, California.
Trong khi đó, những tờ truyền đơn bươm bướm gởi đi khắp nơi quảng cáo những sách tố cáo "tội ác của Vatican" như "Gia Tô Thực Dân Sử Liệu " của Chu Văn Trình, "Tây Dương Gia Tô Bí Lục" do Việt Cộng cải biến và ấn hành trong nước, v.v... Các truyền đơn này còn ghi thêm câu "Thi ca Cách Mạng Bình Sơn Quảng Ngãi" của Việt Cộng:
Hoàng Thiên hỡi bao giờ tung bão lửa,
Đốt cho thành La Mã cháy ra tro.
Khi chúng tôi đang viết cuốn sách này thì được biết nhóm cực đoan miền Trung nói trên đang soạn một cuốn "hồi ký" cho cựu Tướng Tôn Thất Đính đứng tên giống như cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi. Mục tiêu của cuốn sách này cũng chống Thiên Chúa Giáo dưới chiêu bài chống Cần Lao giống như cuốn sách đứng tên cựu Tướng Đỗ Mậu.
Đa số các nhóm trên đều ở California. Đại lược, lập luận của các nhóm này được đúc kết trong hai tờ Bông Sen số 17 và 18, gồm những điểm chính sau đây:
1.- Thiên Chúa Giáo là một thứ đạo có bản chất độc đoán, bất khoan dung, vong bản và ngoại lai.
2.- Giáo Hội Thiên Chúa Giáo là công cụ của thực dân.
3.- Giáo Hội Thiên Chúa Giáo được hai chế độ Cộng Hòa độc tài và thối nát của miền Nam Việt Nam yểm trợ nên có ưu thế tuyệt đối về chính trị, kinh tế và văn hóa để truyền đạo và lũng đoạn quốc gia. 
4.- Vì các chế độ Cộng Hòa trước đã cấu kết với Thiên Chúa Giáo làm tay sai trung thành cho thực dân và ngoại bang nên đã thất bại, còn Việt Cộng nhân danh dân tộc và truyền thống Việt Nam nên đã đối đầu và đánh thắng cả ba cường quốc lớn: Pháp, Mỹ và Tàu.
5.- Đã có sự cấu kết giữa Công Giáo và Cộng Sản. Bằng chứng được đưa ra là Việt Cộng đã không giải tán Giáo Hội Thiên Chúa Giáo ở Việt Nam mà chỉ giải tán các Giáo Hội Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo và Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (khối Ấn Quang). Rõ ràng đây là một sự thỏa hiệp giữa Tòa Thánh Vatican và nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trên căn bản "hai bên cùng có lợi".
6.- Chính trị Việt Nam suốt 100 năm này, đã dành một số phận đen tối, khắc nghiệt nhất cho những đứa con Việt Nam ưu tú, gương mẫu nhất (tức Phật Giáo) và dành một chỗ ngồi ưu đãi nhất cho những đứa con phản bội xấu xa (tức Thiên Chúa Giáo) (nguyên văn)
7.- Trong 5, 7 năm nữa, chính quyền hiện tại (Việt Cộng) vẫn nắm ưu thế về chính trị do những thành công lạ lùng, không ai ngờ trong lãnh vực kinh tế những năm qua (nguyên văn).
8.- Do Thái với Do Thái Giáo và Palestin theo Hồi Giáo mà còn có thể đối thoại, hòa giải và sống chung với nhau thì không lý do gì trong lòng dân tộc và đất nước VN vẫn tiếp tục một cuộc nội chiến, nồi da xáo thịt? (nguyên văn).
9.- Phật Giáo mới là đạo dân tộc. Dân tộc là Phật Giáo. Dưới các thời đại Ngô, Đinh, Lý, Trần vì Phật Giáo là quốc giáo nên Phật Giáo đã giúp chính quyền tạo nên một thời đại vinh quang, huy hoàng nhất cho Việt Nam. Do đó cần phải quay trờ lại thời đại Ngô, Đinh, Lý, Trần, đưa Phật Giáo lên quốc giáo và dẹp bỏ Thiên Chúa Giáo mới xây dựng lại được văn hóa dân tộc. 
10.- Việt Nam hiện nay mà phục hưng được chánh pháp, chính quyền biết lãnh đạo quốc gia trong tinh thần từ bi, bao dung, khai phóng của đạo Phật thì chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển thần kỳ như những con rồng khác tại Á Châu... (nguyên văn)
11.- Đến một mức tiến hóa nào đó thì những chủ nghĩa như Phát-xít, Cộng Sản phải bị đào thải, cũng vậy, đến một mức tiến hóa nào đó, các tôn giáo cực đoan như Thiên Chúa Giáo hay Hồi Giáo cũng sẽ bị đào thải (nguyên văn). Chỉ có Phật Giáo là bất diệt và Phật Giáo là đạo dân tộc.
Sau khi nhận định lạ lùng như trên, nhóm Bông Sen đã tiếp tay với nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội kêu gọi "những người Việt Nam Thiên Chúa Giáo yêu nước" bỏ "chủ nghĩa giáo điều", tách rời khỏi Tòa Thánh Vatican, cùng nhau "thực hiện hòa giải dân tộc thật sự, đại đoàn kết dân tộc thật sự" đế tránh hiểm họa Trung Quốc và giúp đất nước phát triển nhanh chóng!
Đọc các bài "hịch" trên tờ Bông Sen số 17, chúng ta có cảm tưởng như đang nghe lại các bài "hịch" của Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc và Lực Lượng Tranh Thủ Cách Mạng ở miền Trung từ 1964 đến 1966.
Ai cũng biết rằng, cả cựu Tướng Đỗ Mậu lẫn Lê Trọng Văn đều không có đủ trình độ kiến thức và khả năng để viết các cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi hay Những Bí Ẩn Lịch Sử Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm, v.v... Trong cuốn Việt Nam Chính Sử, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1992, Luật Sư Nguyễn Văn Chức đã trích một đoạn trong thư ngỏ đề ngày 1.6.1987 do cựu Tướng Đỗ Mậu viết tay đăng trên tờ Tia Sáng ở Houston số 18 ngày 16.10.1987 nói về cuốn hồi ký của ông và kết luận rằng trình độ của những kẻ viết cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi là trình độ của những kẻ đã học hết đại học, còn trình độ của người viết lá thư ngỏ này (tức Tướng Đỗ Mậu) chỉ là trình độ của những kẻ mới bước qua ngưỡng cửa trung học đệ nhất cấp. Nhưng những người hiểu rõ cuộc đời của cựu Tướng Đỗ Mậu từ nhỏ đã cho rằng sự đánh giá của Luật Sư Nguyễn Văn Chức còn hơi quá cao.
Sau đây là nguyên văn đoạn cuối trong bức thư nói trên của cựu Tướng Đỗ Mậu:
"Dù đã được đại đa số độc giả viết báo và gửi thư riêng đến tỏ mối cảm thông nhiệt tình nhưng tôi vẫn phải viết lá thư này để giải tỏa thắc mắc những đồng bào nào chưa đọc sách của tôi mà vấn đề ông Nhị Lang có tầm vóc làm nguy hại đến cá nhân tôi và lập trường chính trị của tôi đã ôm ấp từ 1942 đến nay không hề lay chuyển."
Nhiều người cho biết những người nấp sau lưng cựu Tướng Đỗ Mậu và Lê Trọng Văn, viết các cuốn sách nói trên đều là đệ tử của Thượng Tọa Thích Trí Quang trước đây.
Nhóm Bông Sen gồm có Lê Hiếu Liêm (bí danh Lý Khôi Việt), Phan Quốc Độ, Nguyễn Tâm, Trần Văn Kha, v.v... Các bài trong Bông Sen chống Thiên Chúa Giáo đều do chính nhóm này viết ra. Một đôi khi Lê Hiếu Liêm có ghi thêm dưới tên mình là "Tiến sĩ Luật Khoa" nhưng người Pháp nói rằng "Chiếc áo không làm nên thầy tu" (L'habit ne fait pas le moine). So với nhóm viết hồi ký của cựu Tướng Đỗ Mậu, nhóm Hồng Quang, Trần Quang Thuận, Bùi Ngọc Đường, Bùi Nhật Tiến, v.v... nhóm này viết với tầm hiểu biết non kém hơn nhiều. Một đoạn ngắn sau đây do Lý Khôi Việt viết trong bài Dân Tộc & Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ 20, đủ chứng minh điều đó:
"Với sự phục hưng của Phật Giáo về văn hóa, với chế độ chính trị "độc tài pháp trị " mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, với nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển ở mức độ mau chóng, với khả năng thích nghi cao độ và bắt chước mau lẹ của người VN, Việt Nam năm 2.000 có hy vọng trở thành một cường quốc kinh tế đầy triển vọng và sau đó sẽ hội đủ những yếu tố cần thiết, căn bản của một chế độ dân chủ lưỡng đảng trong thập niên tới." (1)
Những ý tưởng mơ hồ, võ đoán, thường là không tưởng như trên, tràn đầy trong trong Bông Sen số 17 cho thấy trình độ hiểu biết chưa đến nơi đến chốn của người viết.
Trong những năm qua, các tôn giáo, trong đó có Phật Giáo, đã cùng nhau đến tham dự Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Việt Nam được tổ chức tại Roma tháng 10 năm 1992, cùng ký tên chung vào bản Bạch Thư tố cáo nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội vi phạm quyền tự do tôn giáo, thành lập Hội Đồng Hợp Tác Tôn Giáo để cùng hợp tác với nhau đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trên quê hương, v.v... Chúng tôi cũng đã đọc Quyết Nghị của Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ công bố tại San José ngày 27.9.1992 cũng như "Đường Hướng của Phật Giáo Việt Nam" của Hòa Thượng Nhất Hạnh. Không bao giờ chúng ta thấy các Giáo Hội Phật Giáo, kể cả Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh ở trong nước, có những chủ trương quái lạ như trên. Tất cả đều kêu gọi đối thoại và hợp tác... Do đó, chúng tôi tin chắc đây chỉ là chủ trương của một thiểu số cực đoan miền Trung hay chỉ là cánh tay nối dài của cơ quan phản gián của Cộng Sản Việt Nam.
Bác bỏ những lập luận mà các nhóm này đưa ra không có gì khó khăn. Nhưng vấn đề không phải là tranh luận nhau từng chữ, từng câu hay từng điểm mà là phải lật lên con tẩy mà nhóm chính khách hoạt đầu và Phật Giáo cực đoan miền Trung đang úp ở dưới chiêu bài Phật Giáo.
Để làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau các cuộc phát động thánh chiến đã nói trên, trước tiên chúng tôi xin trình bày một vài nét đại cương về lý do đưa tới các cuộc phát động thánh chiến từ 1963 - 1966 và hiện nay, chiến thuật đã và đang được xử dụng. Sau đó chúng tôi sẽ đề cập đến tương quan giữa Phật Giáo Ấn Quang với Cộng Sản Việt Nam, tương quan giữa các Giáo Hội Công Giáo, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo với Cộng Sản Việt Nam, các cuộc thánh chiến đã và đang được phát động. Cuối cùng, chúng tôi sẽ trình bày đường hướng của các tôn giáo lớn Việt Nam và Phật Giáo trong giai đoạn lịch sử đang đến.