- 29 -
BÀ HOÀNG HẬU CUỐI CÙNG CỦA
VIỆT NAM ĐƯỢC CHỌN NHƯ THẾ NÀO

Sau ngày ngự giá hồi loan (9-1932),tôi phải đảm trách nhiệm vụ bảo vệ nghi lễ.Tôi cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc.Hằng ngày phải thi lễ trước bàn thờ liệt thánh và không quên ra vùng ngoại ô yên tĩnh và đẹp đẽ ngoài Kinh Thành để cung nghiêm các tôn lăng.
Cùng trong cách thức ấy, sau khi nắm được quyền hành ở triều đình,tôi ban sắc phong tặng cho mẹ tôi làm Hoàng thái hậu.
Thế rồi đã có một sự kiện quan trọng đã diễn ra thay đổi cơ bản cuộc đời tôi.
Từ ngày tôi trở về nước trong Nội có một cuộc tranh giành chuyện nạp phi cho tôi.Hoàng thái hậu,các đại thần mỗi người có một “dự tuyển” của mình.Tôi gặp thoáng qua người này một chút,người kia một chút chứ chưa có chủ tâm với cô nào.Tôi biết vấn đề lựa chọn phi tần của một vị hoàng đế tuỳ thuộc vào quyết định của đinh thần,tôi chờ người ta giới thiệu với tôi những người chính thức.
Nhân bàn đến chuyện nạp phi,tôi tuyên bố thẳng:tôi phá bỏ cái tục đa thê của người Việt Nam.Ông bà Charles – ân nhân của tôi,cũng bận tâm tìm cho tôi một người vợ.Họ mong muốn tìm được một người có một nền giáo dục như tôi.
Thế rồi cuối năm ấy(1933) tôi đi Đà-Lạt,  trong một buổi tiếp tân ở phòng khách Palace,có cả toàn quyền Pasquier,người ta giới thiệu với tôi cô Nguyễn Hữu Thị Lan – con gái một hào phú theo đạo Thiên chúa ở Nam Bộ. Cô Lan ở tuổi 18, vừa học xong trường Couvent des Oiseaux ở Pháp.
Sau buổi gặp mặt ấy, chúng tôi đi lại thăm nhau nhiều lần.Nguyễn Thị Hữu Lan đã rất nổi tiếng ở Pháp. Cũng giống như tôi, cô chơi thể thao và thích âm nhạc… Cô Lan có cái vẻ quyến rũ của con gái miền Nam. Triều Nguyễn có tập quán chọn phi  tần cho các vị Hoàng đế ở Nam Bộ. Đối với Trung Bộ, hay cả Bắc Bộ,Nam Bộ luôn là một “vùng đất hứa”.
Sau nhiều lần gặp gỡ tình cảm yêu thương nhen nhóm giữa chúng tôi. Chúng tôi cầu mong được sống bên nhau.
Sau đó về lại Huế, tôi bẩm với mẹ về chuyện gặp gỡ cô Nguyễn Thị Hữu Lan và những dự định của tôi.Nghe tôi thưa chuyện,mẹ tôi không thể giấu được sự lo lắng,nhất là khi bà nghe cô Lan là con nhà Thiên chúa giáo và lớn lên trong lối sống của châu Âu.Mẹ tôi lâu nay chỉ ước mong tôi có một người vợ sống trong khuôn phép lễ giáo Việt Nam mà thôi.Lại còn vấn đề giáo dục con cái về tôn giáo cũng làm cho mẹ tôi bận tâm.Thật vậy,đó không những là việc tín ngưỡng mà còn là việc sơn hà xã tắc.Con cái chúng tôi theo Thiên chúa giáo,khi được phong hoàng thế tử rồi thì làm sao đứng cử hành việc thờ cúng liệt thánh hay lễ Tế Giao.Đình thần cũng có những lo lắng đó.Các quan bàn thảo sôi nổi. Trong lần gặp sau đó tôi đã nói thẳng với Nguyễn Thị Hữu Lan,tôi muốn cưới cô làm vợ.Bất chấp mọi hình thức lễ nghi,tôi thông báo quyết định của tôi với đình thần.
Ngày cưới của tôi được ấn định vào ngày 20-3-1934.Lễ cưới được tổ chức trước sự hiện diện của đình thần và đại diện nước Pháp.Đây là một lễ cưới đổi mới trước kia chưa từng có trong cung đình.Tôi cũng quyết định sau khi cưới tôi sẽ tấn phong cho vợ tôi làm hoàng hậu – danh hiệu hoàng hậu trước đó chỉ phong cho thái hậu khi vị hoàng đế qua đời.
Tôi chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới,từ đó gọ bà là Nam Phương – Nam Phương có nghĩa là “hương thơm của Miền Nam”.và tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục trang sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng đế.
Lễ cưới được tổ chức ngay trong phòng tiếp tân của điện Cần Chánh.Cũng giống như lễ đăng quang,triều thần đứng sắp hàng dọc theo một tấm thảm đỏ và vàng dành riêng cho hoàng đế.Lần đầu tiên trong lịch sử triều Nguyễn có một người phụ nữ xuất hiện giữa triều đình.Bà Nam Phương mặc một chiếc áo rộng thùng thình,chân đi hài mũi cong,đầu đội vương miện có đính vàng bạc châu báu óng ánh.Bà đi một mình đến giữa tấm thảm,tất cả triều thần cúi chào.Với một vẻ đẹp tuyệt vời bà đi thằng vào các phòng lớn,tôi đang ngồi chờ bà trên một cái ngai thấp ở đó.Bà đến trước mặt tôi,cúi đầu chào tôi ba lần rồi vào ngồi ở cái chái bên phải của tôi.Chúng tôi sánh vai nhau bước đi trong tiếng nhạc mừng qua Tử Cấm Thành và điện Kiến Trung – nơi ở và làm việc chính của chúng tôi.
Lời nguyện ước ở bên nhau của chúng tôi trên cao nguyên Đà-Lạt, nay đã thành sự thật.
 
(Theo lời tự thuật của vua Bảo Đại trong Con Rồng An Nam)

HẾT