Vận hạn

 
Tôi mang một ba lô đầy xoài và măng rừng về nhà, vợ tôi mừng quá đỡ lấy ba lô, nói:
- Thế là mình có đồ ăn rồi hén! 
Tôi gật đầu mà lòng thấy nhói đau. Vợ tôi đã mang thai ba tháng cần có những thức ăn cần thiết để cho cô ấy và cả con tôi khỏe mạnh. Nhưng thời điểm này khoai mì độn với bo bo còn không có mà ăn thì giữ cho người khỏi bệnh tật là may lắm rồi. Chúng tôi đều là sinh viên văn khoa, sau giải phóng thì thất học rồi buồn quá lấy nhau cho vui, cho xong phận người. Lấy nhau rồi mới biết không có gì ăn mà bày đặt lập gia đình. Thế là dìu nhau lên cái xứ được tiếng là đất đai màu mỡ Daklak này để lập nghiệp. Nhờ vợ tôi có dính một chút bà con với vợ chồng người anh họ con dì nên họ thương tình giúp đỡ hướng dẫn cho lên rừng chặt cây, cắt tranh về làm cái chòi ở cạnh nhà họ sau khi chúng tôi đồng ý đổi hai chiếc nhẫn cưới của chúng tôi lại một cặp heo con rồi để lại cho họ nuôi rẹ°. Thật ra thì cuộc sống của họ không hơn gì chúng tôi. Chẳng qua là họ đến đây lập nghiệp sớm hơn chúng tôi mà thôi.
Chẳng hiểu có thai thèm đồ chua hay vì trong dạ dày trống rỗng mà vợ tôi ăn hết nửa ba lô xoài rừng - những trái xoài chua lét, chua le, chỉ lớn hơn gấp đôi trái bàng một chút. Khi hết xoài, vợ tôi lại chuyển qua cắt măng để luộc lên chắm muối ăn. Mới cắt hết mấy bụt thì vợ chồng người em họ qua với bộ mặt nghiêm trọng, nói:
 - Hai vợ chồng đang định làm gì với măng này?
- Vậy làm gì ăn cho khỏi ngán?  Nghe anh ấy nói, anh hái xoài và cắt măng được nhiều gấp đôi mà.
- Cặp heo chết rồi em ạ! – Anh họ nói  - Chẳng hiểu vì sao, có lẽ bị bệnh.
Tôi thất vọng, vì như thế là chúng tôi chẳng còn cái gì để sống. Nhưng vợ tôi thì lại reo lên:
- A..vậy là có thịt để nấu với măng rồi! 
Đúng là tối hôm đó, cả hai gia đình chúng tôi có một bữa no nê măng, thịt. Nhưng đến nửa đêm thì chúng tôi lên cơn sốt. Sáng lại thì vợ tôi xụi lơ và mê man không còn biết gì nữa. Thật ra thì tôi cũng sốt buốt tới xương nhưng có lẽ vợ tôi đang mang thai nên trầm trọng hơn. Tôi ráng đi qua nhà vợ chồng ông anh để nhờ họ đưa vợ tôi xuống trạm xá. Thật bất ngờ, bà vợ cũng đã đưa ông chồng xuống cấp cứu dưới trạm xa rồi. May là khi nghe tin này thì tôi tự nhiên  hết sốt. Thế là tôi cố gắng cõng vợ tôi xuống trạm xá. Cách một ngày sau thì ông anh họ chết còn vợ tôi thì hư thai. Sau khi hư thai, vợ tôi càng nguy kịch hơn. Tôi cũng sốt nặng hơn. Thế là chúng tôi được chuyển cấp cứu lên bệnh viện tỉnh. Cả hai chúng tôi được đưa vào phòng cấp cứu nhưng chỉ một ngày sau tôi được ra khu điều trị. 
Tôi đang lên cơn sốt, bác sĩ bóp nắn gì vào người tôi rồi đặt ống nghe và cặp nhiệt. Kế đến, cô y tá đặt vào tay tôi khoảng hơn chục viên thuốc. Tôi nghe loáng thoáng cô ấy nói: “Ăn rồi uống nha!”. Khi bà cấp dưỡng đẩy xe cháo đi phân phát thì tôi cũng dứt cơn sốt. Tôi ăn hết một gà men cháo rồi thấy khỏe lạ kì. Thật sự tôi đã muốn ăn cơm mà bác sĩ chưa cho. Nhưng dù sao cũng còn hơn ở nhà suốt cả tháng trời chưa thấy hột gạo. Ở đây người ta phát cơm, cháo một ngày ba lần. Chưa kịp rửa chén bát bữa trưa thì cấp dưỡng đã phân phát cơm nước bữa tối. Tôi chợt ước bệnh tôi chữa hoài không lành để được nằm ở đây mãi. Chợt nhớ lời cô y tá, tôi rót một ly nước đầy và bỏ vào miệng hơn chục viên thuốc sốt rét. Chưa đầy 15 phút sau, mặt mày tôi choáng váng, môi má tôi lùng bùng, bụng dạ tôi sôi sục quặn đau, toàn thân tôi nóng như lửa đốt và hơi thở tôi đứt  đoạn. Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng tôi nghĩ là tôi sắp chết. Thế là tôi lên giường nằm duỗi thẳng chân và đôi tay chắp lại trước bụng như an phận ra đi. Rồi tôi thiếp đi không còn biết gì nữa.
 
Tôi chợt tỉnh khi bà cấp dưỡng quát bên tai tôi:
- Dậy mà lấy đồ ăn! Cơm hay cháo? Bác sĩ cho ăn cơm chưa? 
Tôi nói dối để được ăn cơm. Bởi sao lúc này tôi thèm cơm chi lạ. Người tôi tự nhiên tỉnh táo và khỏe mạnh chưa từng thấy. Bà cấp dưỡng thấy tôi ăn khỏe quá thì cho thêm một phần cơm của ai đó mới chết nữa. Ăn xong, tôi nhanh chân đi tìm vợ tôi đang nằm ở phòng cấp cứu. Vợ tôi tuy chưa ngồi dậy được nhưng cũng biết nở nụ cười an ủi rồi. Nhìn cái cảm xúc chia sẻ của vợ tôi mà tôi thầm cám ơn ông trời đã cho tôi bệnh cùng một lần với vợ tôi để tôi có điều kiện mà chăm sóc cho cô ấy. Thú thật, nếu chỉ có vợ tôi bệnh, thì tiền đâu tôi ăn uống cho đủ sức để lo cho cô ấy. Tôi cũng mừng là ngay thời điểm đói kém này mà mang bệnh nặng như thế là một may mắn cho chúng tôi. Dễ dầu gì người dân khỏe mạnh lúc này kiếm ra được chén cơm. Chờ đến mùa màng thì còn đến bốn năm tháng nữa. Mà đến mùa màng thì chưa chắc đã có lúa. Kiểu làm lúa theo tập đoàn, tập thể, đánh kẻng thì lên rẫy, điểm danh chấm công, cạnh nanh nhau bởi tôi ra sức nhiều còn bà thì yếu ớt quá, làm lấy lệ mong hết giờ về. Thêm nữa, rải lúa trên đất xong để đó chờ ngày thu hoạch mà chẳng có phân bón gì thì mai mốt chỉ có chia rơm mà ăn. 
Qua sáng hôm sau, đáng lẽ giờ làm việc thì tôi bắt đầu lên cơn sốt. Căn bệnh sốt rét một cộng một  trừ của tôi như là bệnh giả đò. Nó sốt đúng vào lúc bác sĩ đi khám cho bệnh nhân. Nhưng sáng nay tôi tỉnh như sáo và khỏe khoắn lạ kì. Bác sĩ cặp nhiệt, đo mạch, banh mắt và kéo lưỡi tôi ra rồi kinh ngạc:
- Hôm qua sốt nặng lắm sao hôm nay có gì đâu! Có uống hoặc chích thuốc gì khác không?
- Dạ không! Bác sĩ cho uống một lần thì chỉ uống một lần ngày hôm qua đó thôi.
- Cái gì..uống một lần à?
- Dạ…
Ông bác sĩ hoảng hốt quay nhìn cô y tá.
- Tôi đã bảo chia uống ba lần mà!
- Thế ngày hôm qua chẳng có chuyện gì xảy ra với anh sao?
- Dạ tôi thiếp đi nên chẳng biết gì.
- Chưa chết là may đấy. Thôi lành rồi ngày mai về nhé!
- Dạ..dạ..chưa lành mà bác sĩ! Tôi..tôi còn sốt…
Cả ông bác sĩ và cô y tá bật cười. Bác sĩ nói:
-Tôi là bác sĩ hay anh là bác sĩ. Bây giờ tôi cho anh đi thử máu một lần nữa cho chắc. Nếu hết bệnh rồi thì ngày mai về!
- Dạ bác sĩ cho tôi ở lại thêm…vì..vì tôi còn phải lo cho vợ tôi đang nằm ở phòng cấp cứu nữa…
- Ô hay..sao bệnh nhân ở cái bệnh viện này kì ghê nha! Đáng lẽ nghe xuất viện hết bệnh rồi thì mừng, đằng này thì ngược lại, ai cũng buồn và xin xỏ ở lại là sao. Vợ đang nằm phòng cấp cứu thì anh xuất viện qua chăm sóc cho cô ấy tiện hơn chứ sao. 
Tôi lặng nghẹn. Ông bác sĩ đâu có hiểu hoàn cảnh của tôi, của chúng tôi. 
Qua ngày hôm sau tôi xuất viện thì vợ tôi cũng được chuyển ra khu điều trị. Tuy có khỏe khoắn đôi chút nhưng bác sĩ vẫn còn bắt vợ tôi ăn cháo. Sức khỏe của vợ tôi có hồi phục hay không chỉ còn nhờ vào một ngày ba gà men cháo thịt bằm đó thôi. Nhưng cơ thể đang hồi sức thì chừng đó chẳng ăn thua gì  với vợ tôi cả. Nhìn cô ấy ăn mà tôi thấy xót xa. Đáng lý lúc này, vợ tôi phải được bồi dưỡng nhiều hơn thế.
- Vậy là người ta không phát cơm cho anh nữa à?
Tôi gật đầu. Vợ tôi bưng gà men cháo lên:
- Em một nửa, anh một nửa!
- Em phải cần ăn cho có sức.
-Thì anh cũng vậy mà!
Bụng tôi chợt sôi lên khi thấy cháo, tôi đứng dậy đi để tránh cho vợ tôi khỏi nghe.
- Anh đi ăn đây!
- Ở đâu có cho anh ăn?
- Đừng lo, có mà!
Nói để trấn an vợ tôi thế chứ tôi lấy gì ăn. Tôi chỉ mong sao vợ tôi có cái  ăn là tôi mừng rồi. Cô ấy yếu như thế mà về nhà lúc này thì chỉ có chết. 
Hai ngày sau, bà cấp dưỡng thấy tôi đã xuất viện rồi sao vẫn còn lân la trong bệnh viện. Rồi bà cũng biết tôi còn ở lại là để nuôi vợ. Và bà cũng tinh mắt khi thấy tôi chẳng ăn uống gì cả. Bà chợt nhớ trước đây bà có cho tôi một phần ăn của người mới chết mà tôi ăn ngon lành. Thế là nhờ vậy, bữa nào có người chết thì tôi được ăn. Ăn riết rồi tôi cầu cho ngày nào cũng có người chết. 
Một tháng sau, vợ tôi đã lành nhưng vẫn còn yếu. Chúng tôi biết rồi thế nào bác sĩ cũng cho xuất viện. Nhưng khi bác sĩ phán cho xuất viện thì vợ tôi bật khóc. Tôi hiểu vợ tôi đang lo sợ về nhà thì cuộc sống sẽ ra sao. Lấy gì để ăn trong lúc chúng tôi mới vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh.
° Nuôi rẹ: Người bỏ công, kẻ bỏ của. Khi vật nuôi sinh lợi thì chia hai.
Trung Kim