Tiếng rao Sài Gòn

“Xôi dzò.. ò! Xôi dzò.. ò! Xôi dzò.. ò!”
“Dzô đây tui dzò.. ò!”
“Xôi dzò.. ò!”
“Dzô đây tui dzò.. ò!” 
 Tiếng rao nhỏ nhẻ, êm ái, chầm chậm, ngọt ngào và vừa đủ nghe trong khoảng cách 20 mét của một cô gái bán xôi vò như ru ngủ người nghe trong đêm khiến cho một người đàn ông ngồi trong nhà không kiềm được cảm xúc bật lên tiếng rao trêu ghẹo trên. Và có một đêm, cũng vì tiếng rao quyến rũ này khiến cho một ông “ dê xồm” nào đó chỉ mua một gói xôi ba ngàn đồng mà “dzò” cô gái đến lòa lợm nước mắt vì tức tối.Tôi bật cười và chợt nảy ra ý tưởng viết về những tiếng rao hằng ngày và những ấn tượng của nó ở trong cái thành phố phồn vinh náo nhiệt này.
 
Giữa trưa, không khí yên ắng nghỉ ngơi của mọi người trong con hẻm phố bỗng bị chát chúa bởi một tiếng rao thật to, chắc, dằn mạnh từng tiếng như đe dọa người nghe của một người đàn ông mài dao kéo: “ Mài. ài..dao, mài.. ài..kéo đây! Mài.. ài dao, mài.. ài..kéo đây! Mài.. ài dao, mài.. ài kéo đây!” Thỉnh thoảng, tiếng rao im bặt một lúc rồi bất thần quát mạnh và to lên như sét đánh ngang tai khiến người ta giật thót. Ai cũng bực mình nhưng không ai dám nói. Bởi chỉ nghe cái giọng rao “giang hồ” đi liền với cái công cụ lạnh tanh ấy thì người ta đã sợ rồi. Nhưng trưa nào cũng thế thì không ai chịu nổi. Một hôm có anh chàng thợ sửa xe trong xóm tức quá, quát lại “Ông làm cái gì mà trưa nào cũng đi khủng bố người ta vậy?” “ Tôi mài dao, mài kéo ạ?” “Ông ỷ ông làm nghề mài dao rồi trưa nào cũng đi hù dọa người ta hả?” Tưởng ông sẽ hùng hổ như cái giọng điệu dữ tợn của ông. Ai ngờ ông chỉ nhoẻn miệng cười một cách hiền từ.
 
“ Bánh chưng, bánh giò đây! Bánh chưng, bánh giò đây!” Tiếng rao vội vàng, dứt khoát và đều đều mà văng vẳng như từ ở dưới đáy giếng rao lên vài câu thì đã tắt ngủm. Có một người phụ nữ bật cửa chạy nhanh ra gọi theo hướng mà bà vừa nghe rao, gọi lớn “ Bánh giò! Banh giò!”. Thế rồi bà nhìn quanh mà chẳng thấy người phụ nữ bán bánh giò đâu cả: “ Cái con bán bánh giò này lúc nào cũng thế cả. Vừa rao xong là biến mất. Ngặt nổi là bánh của nó thì ngon, cho trẻ con ăn thay cháo được mới tức chứ!” Đúng vậy! Cái chị bán bánh giò này đi bán bánh giò trên một chiếc xe đạp sườn ngang giống xe đạp đua. Cái đặt biệt của chị là:  Rao bánh đằng đông nhưng bán bánh đằng tây. Bởi thế khi nghe tiếng rao của chị ở chợ Bến Thành thì phải đón mua bánh của chị ở Chợ Lớn.
 
“ Ti vi, tủ lạnh, radio, cát xét, máy giặt, âm li hư cũ nát tan ben bán không? Nát tan ben, nát tan bành, nát không còn chỗ nào nát thêm được nữa đem ra bán cũng mua! Hư cỡ nào cũng mua! Cũ cỡ nào cũng mua! Cũ như thời Bảo Đại ở truồng cũng mua! Hư tả tơi như cái mền rách cũng mua! Còn nếu chưa hư thì phá cho hư rồi đem ra bán cũng mua! Nếu còn mới thì chà cho cũ đem ra bán cũng mua! Nếu chưa nát thì đập tan tành cho loài sexy rồi đem ra bán cũng mua luôn!” Đây là lời rao của một người đàn ông trung niên thường xuất hiện vào khoảng chín mười giờ vào mỗi buổi sáng trong khu phố tôi. Thế mà cũng có người vì thiếu “ thuốc” đã cắt hết dây điện hoặc làm cho hư một bộ phận nào đó trong máy móc của nhà mình để cha mẹ tưởng hư rồi cho bán.
 
“Dzú, sữa, đây.. ây! Dzú, sữa, đây.. ây! Dzú, dzú dzú, sữa đây.. ây!” Tiếng rao cách điệu lồng trong tiếng máy xe nổ bành bạch của một người thanh niên đi xe honda dame chở theo theo sau một cần xé trái vú sữa nghe rối loạn cả khu phố. Người phụ nữ bực mình vì đứa con nhỏ mới sinh của chị giật mình khóc thét lên. Chị tức quá chạy nhanh ra nói lớn với người thanh niên: “ Dzú chẳng có sữa gì cả mà ngày nào cũng dzú sữa, dzú sữa, dzú sữa!” Người thanh niên chẳng biết vô tình hay cố ý, vừa liếc trộm một cái vào đôi gò bồng căng tròn đang phơi bày nửa kín nửa hở vừa nói “ Dzú dzậy mà không có sữa hả cô!” người phụ nữ bắt gặp ánh mắt liếc trộm ấy vừa bẽn lẽn đi vào vừa nói “ Sữa đâu mà sữa. Còn gần cả chục trái kìa. Trả lại cho anh đấy!
 
“ Viện Công Nghệ Hóa Màu vừa cho ra đời một loại keo diệt chuột, ruồi muỗi và các loại côn trùng khác mà không có một loại thuốc nào có thể so sánh được…” Một người đàn ông đã từng vì keo diệt chuột này mà làm hư cả tập tài liệu của ông, bởi chẳng những không dính được những con chuột cống, ngược lại, do vướng chân tay của nó khiến nó tức giận tha luôn cả mình mẩy trết đầy keo của nó lên bàn làm việc của ông và vừa trết keo vừa cắn nát giấy tờ của ông. Đã thế, bây giờ, tiếng loa cứ phát đi phát lại ra rả trước mặt nhà ông: “ Viện Công Nghệ Hóa Màu…” khiến ông điếc tai không thể chịu đựng nổi liền quát lên “ Xạo bỏ mẹ! Chỉ diệt được mấy con chuột nhắt. Còn chuột cống ăn hại đến sập cả tiền đồ thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ”
 
“ Tiền đồng, tiền xu, tiền kẽm, tiền bạc, tiền trự, tiền xâu, tiền lổ, tiền cắc, tiền Bảo Đại, tiền Diệm Nhu, tiền Lê Văn Duyệt, tiền Vua Quan, tiền Đông Dương, tiền Pháp thuộc, tiền rách nát, tiền hư cũ, tiền thời đồ đá, tiền thời khủng long, tiền thời tiền sử, tiền xưa như trái đất, rách nát như cái mền rách, thậm chí chỉ thấy dẹp dẹp, tròn tròn, đen đen chỉ còn một cái lỗ méo méo, tiền… cũng đều mua hết tất tần tật nghe! Ai có nhiều bán nhiều, ai có ít bán ít nghe!” Tiếng rao của người đàn ông này dài từ đầu hẻm cho đến cuối hẻm vẫn chưa hết những thứ mà ông ta muốn mua.
 
“ Cóc ma ru đây.. ây! Cóc ma ru đây.. ây! Cóc ma ru đây.. ây!” Tiếng rao the thé của một anh chàng đen thù lù đẩy chiếc ba bánh chở một xe trái cóc vào hẻm phố. Người ta đã quen tai với tiếng rao đảo ngược gây sự chú ý này của anh ta nên khi nghe tiếng rao như thế thì xóm làng biết là anh ta đang rao bán trái cóc. Nhưng như tiếng rao thì anh chàng này bán CU MA RỐC chứ đâu phải bán trái cóc. 
 
“ 5 ngàn 2 nải chuối sáp..5 ngàn!”
 
“ 5 ngàn 2 nảii chuối sáp dẻo luộc..5 ngàn!”
 “ 1 ngàn 1 trái chuối voi dài..1 ngàn!”
 “ 1 ngàn 1 trái chuối chín cây cứng ngắt..1 ngàn!”
Tiếng rao của đôi trai gái chẳng biết có phải là vợ chồng hay không nhưng cứ nữ rao một tiếng thì nam rao một tiếng như đôi song ca đang trình diễn văn nghệ. Mỗi lần có cặp nam nữ này đẩy xe chuối vào khu phố bán là lũ trẻ dừng mọi thứ vui chơi lại để vểnh tai lên nghe, nhìn.
 
 
“Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười, bóp một cái kêu đau đây!  Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười, bóp một cái kêu đau đây!” Chẳng hiểu anh ta bán cái thứ gì mà rao như thế? Hóa ra anh ta bán một loại đồ chơi búp bê của TQ. Hể đứng thì im re, đi thì cái miệng nhóp nhép, ngồi xuống thì há miệng cười và bóp vào một cái nơi bụng thì kêu lên một tiếng. 
“Đài chính, đài phụ đây.. ây..y! Long An, Thành Phố, Đồng Nai đây.. ây..y!” Tiếng rao ọng ẹo của một “ em” “ hai phai” cầm xấp vé số vừa đi vừa nhún nhẩy chìa hết cho người này đến người khác bất kể người ta đang làm gì. Có ông Việt kiều về thăm quê hương đang đứng ngắm giàn hoa sau canh cổng đóng kín. “Em hai phai” trong thấy ông ta qua khung cửa nhỏ của cánh cổng liền áp mặt vào hỏi “ Mua Long An không anh ơi..i, số đẹp, con dê.. ê!” “ Dê gì?” “ Dê nhỏ, số đẹp, 35!” Ông Việt kiều chẳng hiểu ất giáp gì nhưng vẫn lắc đầu “ Vậy thì mua con đĩ nghe anh? Đài phụ, Đồng Nai!” Ông Việt kiều vẫn lắc đầu. Đến lúc này dường như ông đã hiểu. “ Làm gì mà lắc lắc cái đầu mào hoài thấy ghét quá hà! Thôi mua em nè.. è!”
 
 
Có một tiếng rao rất ư là..nghệ thuật. Đó là rao bán kẹo kéo thời “ hiện đại”. Xưa kia, người ta treo một cái chuông ở ghi đông xe đạp rồi rung lên. Bây giờ người ta làm một giàn loa âm li lớn, đậu lại một đoạn đường nào đó rộng rồi mở nhạc đệm cho “ca sỹ” biểu diễn ngay giữa đường phố. Còn những người khác trong nhóm thì cầm kẹo kéo đi mời người xem mua. Nhiều người nghe giọng hát không thua gì ca sỹ chuyên nghiệp nhưng cuối cùng họ cũng vỡ lẽ ra rằng “ca sỹ” dỏm này chỉ nhép miệng theo máy của một ca sỹ chuyên nghiệp nào đó mà thôi.
 
“ Dze chai..ai! Dze chai..ai! Dze chai..ai!” Tiếng rao nhỏ nhẹ của một người đàn bà chừng trên 50 tuổi nghe dịu dàng mà nếu chưa nhìn thấy bà thì cứ nghĩ  người rao chỉ khoảng chừng tuổi đôi mươi là cùng. Nhưng hầu như ai cũng thương và kính phục bà. Bà mua bán giấy báo, chai lọ, đồng nhôm, nhựa…đã bao năm nay nên người ta đã quen mặt bà rồi. Thường bà hay dừng chân nghĩ trưa ở bên mái hiên của một chung cư. Sau khi ăn một gói xôi hoặc một củ khoai mì thì bà lật đật xếp gọn lại những thứ đã mua vào đôi gánh cho cân bằng, dễ gánh. Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo bạc màu thế ai cũng thương xót. Nhưng bà không hề than thở một điều gì mà trái lại, nét mặt bà luôn hiện lên một niềm hãnh diện và hạnh phúc bởi hai đưa con trai học đại học Bách Khoa sắp trở thành Kỹ sư của mình.
 
“ Rau nhút, rau lang, rau muống, rau bồng tơi đây!” “ Rau nhút, rau lang, rau muống, rau bồng tơi đây!” Dân trong khu phố này, sáng sớm khỏi cần phải canh chừng đồng hồ để đi làm mà chỉ cần đến khi nghe tiếng rao giọng Thái Bình của một người đàn ông trung niên cất lên thì biết là khoảng 7 giờ rồi. Người đàn ông bán đủ thứ loại rau trên một chiếc xe đạp rảo vào khu phố tôi và chưa một lần nào trễ nhiều hơn hoặc sớm nhiều hơn 7 giờ. Người ta tự hỏi: Làm sao mà ông ta đúng giờ như thế khi mà ông không thể làm chủ được thời gian trong việc mua bán với khách hàng. Nghĩ mà thấy cũng buồn cười. Với một người bần cùng làm lụng vất vả để có miếng ăn mà có một phong cách mẫu mực như thế trong lúc có nhiều người tự cho mình là kẻ bề trên nên thường đến trễ trong những cuộc hội họp hoặc tiệc tùng.
 
Có những tiếng rao đồng loạt, chớp nhoáng trong vòng mười phút và chỉ xảy ra đúng 5 giờ kém 10 mỗi chiều nhưng tiếng rao ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là dân chơi số đề suốt thời gian sau đó. Hàng chục đưa bé chạy cấp tập tỏa ra các hẻm bất kể xe cộ lưu thông trên đường để rao: “ Giấy dò đây! Giấy dò đây!” Người đón mua cũng có vẻ như sốt ruột chờ đợi những tờ giấy dò đó. Có người còn chạy nhanh theo đứa bé để kịp mua cho được tờ giấy dò. Và thường sau những tiếng rao bán giấy dò đó là những cuộc cãi cọ hoặc những buổi nhậu nhẹt, thậm chí đâm chém nhau do trúng hoặc thua số. Có một cặp vợ chồng tối ngày lo bàn chuyện đánh số đề. Hễ sáng sớm, ông chồng đẩy xe xích lô ra mà bắt gặp điều gì trước tiên là ông luận cho ra một con số. Bà vợ thì vấp hoặc đạp phải cái gì là lập tức cũng hiện ra một con số trong đầu. Những thứ mà trong làng đề có sẵn như: Con dê: 35, 37; Cái hòm: 22, 62; Con khỉ nhỏ: 23, khỉ lớn: 63; Chó nhỏ: 11, chó lớn: 51;  Vú nhỏ: 04, vú lớn: 44; Cứt nhỏ: 36, cứt lớn: 34; L. nhỏ ( bộ phận sinh dục nữ): 02, L. vừa: 42, L. lớn: 82; C. nhỏ ( bộ phận sinh dục nam): 31, C. lớn: 71…thì bàn ít. Những gì chưa có số thì hai vợ chồng bàn luận cả ngày. Nhưng đến chiều lại, sau khi ngóng tiếng rao dò số trong tâm trạng hy vọng thì một cuộc đấm đá, cãi cọ xảy ra giữa hai vợ chồng. Chồng thì: “ Tại mày mê con C. lớn nên xúi tao mua 71!” Vợ thì: “ Tại mày thèm cái L. nhỏ nên buộc tao phải mua 02!”. Và một năm 365 ngày thì hiếm lắm mới có một ngày: “ Nhờ em đạp cục cứt chó mà vợ chồng mình tối nay mát trời ông địa luôn!”
 
Có một tiếng rao không bằng môi miệng giọng điệu mà bằng một xâu đồng xu. Đó là anh chàng đấm bóp giác hơi. Cứ đêm đêm có một anh thanh niên cọc cạch trên chiếc xe đạp, tay cứ lóc xóc xâu đồng xu kêu lích xích, lích xích nghe rất vui tai.  Nhưng chẳng biết có phải vì anh ta thấy có người thích tiếng lích xích ấy hay không mà cứ tới ở một góc phố bên hông nhà của một người phụ nữ có chồng làm việc ngoài Hà Nội lâu lâu mới về một lần thì dừng lại và xóc miết. Có lẽ quá thích tiếng rao lích xích mà chỉ một lúc, người phụ nữ mở cửa sau mời chàng vào đấm bóp giác hơi cho tới tờ mờ sáng. Và có ai ngờ không? Chàng đấm bóp giác hơi trên chiếc xe đạp cà tàng vào ban đêm này, thì ban ngày hiện hình là một chàng công tử bô trai cưỡi xe Dilan láng cón lả lướt trên phố. 
 
Thôi..mệt rồi! Tiếng rao Sài Gòn thì nhiều vô số, nào là: Nghêu, sò, ốc, hến; Nào là  chôm chôm, bìm bịp; Nào là sầu riêng, mít ướt; Nào là hột vịt, hột gà…Hẹn một dịp khác!