Khóc Mướn

Mụ ngồi xuống bên một người đàn bà vừa mới chết. Từ nơi cổ mụ chợt bật ra tiếng khục khặc nghẽn nghẹn như tiếng của một người nấc cụt rồi âm thanh ấy bỗng vọt lên thành một tiếng rú dài như tiếng hú của một con sói. Tiếng hú vừa đủ cho những người ở gần đó nghe. Thỉnh thoảng mụ ngưng lại rồi khọt khẹt trong cổ, nấc lên vài cái, chíp miệng và thở ra. Mụ làm như vậy được một lúc thì mắt mũi mụ lòa lợm nước giải. Khi biết nước mắt, nước mũi đã chảy ra, mụ quệt cho nhòa nhợm cái mặt có vẻ đau xót của mụ. Mụ liếc nhìn ông bác sĩ - con của cụ bà mới chết - để dò xét. Vợ ông bác sĩ thì đã để ý đến mụ. Còn ông thì vẫn dửng dưng. Nhưng những gì mụ đang làm là muốn ông động lòng. Động lòng cho mụ chứ không phải cho cái bà già đã chết kia. Mụ bắt đầu đổi kiểu khóc. Tiếng khóc của mụ bây giờ xen lẫn cả tiếng thở khò khè của người lên cơn suyễn. Mụ nất lên, nất lên như người sắp trút hơi thở rồi khọt khẹt như bị cảm nghẹt mũi. Và rõ ràng là mụ bị đuối sức vì cái khóc giả tạo kia. Nhưng mụ vẫn liếc nhìn ông và lấy làm sung sướng khi thấy ông đã chú ý đến mụ.
Thằng cu lượm vừa thấy bóng ông đi ra là nó phóng một cái qua bên lề đường ngồi núp sau cái ghế đá. Nó cũng đã biết ông rất quyền thế trong cái bệnh viện mà mẹ nó và nó bám để sống qua ngày. Nhưng nó chẳng hiểu vì sao thường ngày ông cho người đuổi mẹ nó và nó gay gắt như thế còn bây giờ thì lại mời mẹ nó vào nhà để khóc. Bỗng nó chợt sợ rằng liệu ông có giả bộ như thế để bắt mẹ nó đi luôn không. Mới nghĩ đến như thế mà mắt nó rơm rớm hai giòng lệ. Nó lại chạy vào lấp ló trước cổng nhà ông để xem mẹ nó đang ở đâu.
Ông vừa thấy nó lấp ló trước cổng thì tức giận quát vào mụ: “ Mụ ra đuổi nó về đi còn không thì tôi không cho mụ khóc nữa! Thằng con mụ quậy phá lắm mà hễ hở cái gì thì chôm cái đó à!” “Hắn còn nhỏ thì tui đi đâu nó lẽo đẽo theo đó thôi. Nó cũng biết tui bị ung thư, lỡ khi chết bất thình lình thì cũng còn thấy mặt tui đó chứ!” Nghe đến đó ông bỗng giật mình, vì hành vi, thần sắc của mụ nãy giờ trước mắt ông cho thấy sức khỏe của mụ có vấn đề.  Ông móc túi lấy 50 chục ngàn đồng đưa cho mụ rồi vội đẩy mụ ra khỏi cửa. “ Cho tui khóc thêm đi! Tui cần thêm tiền cho thằng cu Lượm…” “ Thôi thôi..mụ đi ra dùm…”
Mụ vui mừng khi thấy mình lại có tiền để mua  cho thằng cu Lượm một bộ áo quần mới. Nhưng sau khi rời khỏi nhà ông bác sĩ, cu Lượm lại đòi mua cho nó một chiếc xe hơi đồ chơi.
Mụ nghẽn ngẹn từng hơi trong cổ. Tuy mụ đã căn phồng hai cái lổ mũi lên mà dường như cũng không đủ không khí cho mụ thở. Mụ lờ đờ mở mắt. Tiếng rên rỉ của mụ nghe như ở đâu đâu trong óc. Mụ hớp hớp từng hơi thở vào như cố đẩy nỗi đau đớn đang giằng xé tâm can của mụ ra. Thế mà trên gương mặt co quắp, trên đôi mắt buồn tủi  của mụ chỉ rơm rớm một giọt nước mắt. Tiếng khóc của mụ không thể bật lên thành tiếng mà âm ỉ như vọng ra từ đâu đó trong cõi âm u của tâm hồn mụ. Mụ chẳng cần ai hiểu mụ nói gì nhưng mụ cần phải cho thằng cu Lượm biết tuy nó không phải là con ruột của mụ mà mụ cũng thương nó còn hơn cả bản thân mụ. Kể từ khi ai đó bỏ nó ở trong một thùng rác ở ngoài bệnh viện để mụ thấy xót xa tội nghiệp mang về nuôi cho đến nay, mụ thấy đời mụ gắn bó và có trách nhiệm với đời nó như mẹ với con. Mụ đặt cho nó tên Lượm cũng chỉ vì mụ coi như lượm được nó là một sự may mắn cho cả mụ và nó. Tuy hai năm nay mụ lo lắng khổ cực nhiều vì nó nhưng mụ sung sướng vì có một tình thương, một trách nhiệm, một sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nó. Nay thì không còn ai để nuôi nấng nó nữa. Nghĩ đến đó lòng dạ mụ quặn thắt và tim mụ ngưng đập từ lúc nào. Thằng cu Lượm ngồi bên cạnh mụ cứ đẩy lui đẩy tới chiếc xe hơi đồ chơi một cách thích thú… 
Trung Kim