Giới thiệu và chú dịch: Nguyễn Hiến Lê
PHỤ LỤC

Phụ lục I: Những biến cố lớn xảy ra trong đời Trang tử[1]
 
-362: Tần Hiếu công lên ngôi.
 
-360: Trang tử sinh.
 
-359: Tần Hiếu công dùng Vệ Ưởng để biến pháp.
 
-350: Tần Hiếu công dời đô lại Hàm Dương, bỏ chính sách tỉnh điền.
 
-343: Tần Hiếu công xưng bá.
 
-338: Tần Hiếu công chết, Huệ Văn vương nối ngôi, giết Vệ Ưởng.
 
-334: Tề, Nguỵ xưng vương. Sở diệt Việt.
 
-333: Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ, Tề, Sở hợp tung để chống Tần. Tô Tần làm tung trưởng.
 
-332: Tô Tần bỏ Triệu, phe hợp tung tan.
 
-325: Tần xưng vương.
 
-323: Trương Nghi làm tướng quốc Nguỵ. Hàn, Yên đều xưng vương.
 
-317: Tần đại thắng Hàn ở Tu Ngư. Tề giết Tô Tần. Trương Nghi làm tướng quốc Tần.
 
-316: Tần chiếm đất Thục.
 
-314: Tề Tuyên vương diệt Yên.
 
-312: Sở đánh Tần, thua to, Tần chiếm được Hán Trung.
 
-311: Trương Nghi đề xướng thuyết liên hoành.
 
-299: Tần giam cầm Sở Hoài vương.
 
-298: Tề, Hàn, Nguỵ hợp lực phá quân Tần ở Hàm Cốc.
 
-295: Triệu diệt Trung Sơn.
 
-293: Nguỵ, Hàn đánh Tần, tướng Tần là Bạch Khởi đại thắng.
 
-280: Trang tử chết.
 
-256: Chu dâng hết đất cho Tần.
 

°

° °

 
Phụ lục II: Các bài trong bộ Liệt tử tương ứng với các cụ Nguyễn Hiến Lê lược bỏ, không dịch lại trong bộ Trang tử.
 
Trong sách Trang tử có khá nhiều bài mà cụ Nguyễn Hiến Lê cho là tác giả những bài đó đã chép lại từ sách Liệt tử. Vì bộ Liệt tử và Dương tử (gọi tắt là bộ Liệt tử) đã được cụ dịch và cho xuất bản rồi (Lá Bối – 1972) nên cụ không dịch lại mà cũng không chép lại vào bộ Trang tử & Nam Hoa kinh (gọi tắt là bộ Trang tử). Đó là các bài:
 

 
 

°

° °

THUẬT BẮT VE (II.10)

(Trọng Ni thích Sở)

 
Trên đường qua nước Sở, ra khỏi một khu rừng, Trọng Ni thấy một người bắt ve sầu dễ dàng như nhặt vậy. Trọng Ni hỏi người đó:
 
- Ông bắt tài quá, có đạo (thuật) gì không?
 
Đáp:
 
- Có, tôi có đạo bắt ve sầu. Trong năm sáu tháng, tôi tập giữ sao cho hai viên đạn đặt trên đầu gậy không rớt xuống, lúc đó ít con ve sầu nào thoát được tôi[2]. Khi để ba viên đạn trên đầu gậy mà không rớt thì mười con chỉ bắt hụt một con. Khi để năm viên đạn mà không rớt thì bắt chúng dễ như nhặt vậy. Tôi giữ thân thể trơ trơ như khúc cây, cánh tay như một cành khô; chung quanh trời đất mênh mông, có biết bao nhiêu là vật mà tôi chỉ thấy cánh ve sầu thôi; tôi không nhút nhích một chút, có ai đòi đổi mọi vật để lấy cánh ve sầu, tôi cũng không đổi. Như vậy làm sao không bắt được chúng?
 
Khổng Tử quay lại bảo học trò:
 
- Tập trung tinh thần đừng cho phân tán thì không khác gì bậc thần, tức như ông lão này vậy[3].
 
Ông lão đó bảo:
 
- Thầy là hạng (quần dài) áo rộng[4], biết gì mà nói vậy? Hãy sửa cái đạo (dùng nhân nghĩa) của thầy đi, (cho nó trở về đạo tự nhiên) rồi hãy nói như vậy.

°

° °

 

THUẬT LỘI TRONG NƯỚC (II.9)

 (Khổng Tử quan ư Lữ Lương)

 
 
Khổng Tử ngắm thác nước ở Lữ Lương từ trên cao ba mươi “nhẫn”[5] đổ xuống, cuồn cuộn nổi bọt lên tới ba mươi dậm, ngay đến loài giải, ba ba, cá, kì đà cũng không lội trong dòng đó được. Bỗng ông thấy một người đàn ông lội trong dòng, tưởng người đó có nỗi khổ tâm mà muốn tự tử, bèn sai học trò đi dọc theo bờ thác mà vớt. Nhưng thấy cách chỗ đó vài trăm thước, người đó nhoi lên bờ, vuốt tóc lại, vừa đi vừa hát ở chân đê.
 
Khổng Tử đuổi kịp người đó hỏi:
 
- Thác Lữ Lương từ trên cao ba chục “nhẫn” đổ xuống cuồn cuộn lên tới ba mươi dậm, ngay loài giải, ba ba, cá kì đà cũng không lội trong dòng đó được. Mới đầu tôi thấy chú lội ở trong thác, tưởng chú có nỗi khổ tâm mà muốn tự tử, sai học trò của tôi đi theo bờ mà vớt chú. Rồi chú nhoi lên, vuốt tóc lại, vừa đi vừa hát, ngỡ chú là ma quỉ, lại gần coi kĩ thì thấy chú là người. Xin chú cho biết cái “đạo” (thuật) gì để lội trong nước không?
 
Người đó đáp:
 
- Không, tôi chẳng có đạo lội nước nào cả. Mới đầu tôi tập lội, lớn lên thành một bản tính, cuối cùng thành ra tự nhiên, gặp nước xoáy thì để cho nó cuốn vô rồi lại để nó đưa mình nổi lên, cứ theo cái “đạo” của nước, chứ không theo ý riêng của mình. Nhờ vậy tôi bơi lội dễ dàng trong thác được.
 
Khổng Tử hỏi:
 
- Chú nói: “Mới đầu tôi tập lội, lớn lên thành một bản tính, cuối cùng thành ra tự nhiên” là nghĩa làm sao?
 
Đáp:
 
- Tôi sinh ra ở trên đất cao, thấy yên ổn ở trên đất, đó là bước đầu. Rồi lớn lên ở trong nước, thấy yên ổn ở trong nước. Sau cùng tới lúc tôi không biết tại sao lại như vậy nữa, mà cho nó là điều tự nhiên[6].

 

°

° °

ĐỪNG TỰ PHỤ (II.16)

(Dương Chu quá Tống)

 
Dương Chu qua nước Tống, vô nghỉ một quán trọ ở phía Đông nước đó. Chủ quán có hai người vợ, một người đẹp, một người xấu, quí người vợ xấu mà ghét người vợ đẹp. Dương Chu hỏi tại sao, chủ quán đáp:
 
- Con vợ đẹp của tôi tự cho mình là đẹp cho nên tôi không thấy nó đẹp; con vợ xấu của tôi tự cho mình là xấu, nên tôi không thấy nó xấu.
 
Dương Chu bảo các đệ tử:
 
- Các con nên nhớ điều đó. Hành động như hiền nhân, mà đừng có thái độ tự cho mình là bậc hiền nhân, thì đi tới đâu mà chẳng được người ta quí[7].

°

° °

 

SỐNG LÀ GỞI (I.12)

(Thuấn vấn Chưng viết)

 
Ông Thuấn hỏi ông Chưng[8]:
 
- Có thể đạt được, nắm được đạo không?
 
Đáp:
 
- Ngay cái thân anh cũng không phải của anh, thì anh làm sao nắm được đạo?
 
Lại hỏi:
 
- Thân của tôi không phải là của tôi thì là của ai?
 
Đáp:
 
- Đó là cái hình hài trời đất giao cho anh đấy. Đời sống không phải là của anh, nó là sự điều hoà của trời đất giao cho anh đấy. Tính mệnh không phải là của anh, nó là sự kết hợp của trời đất giao cho anh đấy. Con cháu không phải là của anh, chúng là sự lột xác của trời đất giao cho anh đấy. Cho nên khi đi, chúng ta không biết đi đâu, khi ở, không biết ở đâu, khi ăn, không biết ăn gì[9]. Trời đất là cái khí nó vận động. Làm sao nắm được làm của mình?[10]

°

° °

 

CÁI THẾ KHÔNG THỂ KHÁC ĐƯỢC (VI.3)

 
Chúng tôi bỏ phần đầu tình tri kỉ của Quản Di Ngô (tức Quản Trọng) với Bão Thúc Nha mà nhiều độc giả đã biết và Tư Mã Thiên đã chép trong bộ Sử kí (trang 335-337 bản dịch của nhà Lá Bối).
 
Dưới đây chúng tôi chỉ dịch từ: Thử thế xưng Quản, Bão thiện giao giả.

°

° °

 
Người đời khen Quản Trọng và Bão Thúc Nha là những bạn tốt và Công tử Tiểu Bạch biết dùng người tài năng. Nhưng thực ra không phải vậy (…) Bão Thúc không phải có cái đức đề cử người hiền (tức Quản Trọng), ông ta không thể không đề cử người hiền được. Công tử Tiểu Bạch không phải có cái đức dùng kẻ thù của mình (tức Quản Trọng), ông ta không thể không dùng kẻ thù của mình được[11].
 
Đến khi Quản Di Ngô đau, Tiểu Bạch[12] hỏi:
 
- Trọng phụ đau nhiều, phải nói thẳng như vậy[13]. Nếu trọng phụ không qua khỏi thì quả nhân biết giao việc nước cho ai?
 
Di Ngô hỏi lại:
 
- Nhà vua muốn giao cho ai?
 
Tiểu Bạch đáp:
 
- Giao cho Bão Thúc Nha được không?
 
- Không được. Ông ấy là bậc sĩ hiền và liêm khiết. Những người nào không được như ông ấy thì ông ấy coi như không phải là người; nghe thấy ai có lỗi thì suốt đời không quên; nếu giao việc nước cho ông ấy thì ở trên gây khó khăn cho vua, ở dưới làm cho dân bất bình, thế nào cũng mang tội với vua, không bền đâu[14].
 
Tiểu Bạch hỏi:
 
- Vậy thì lựa ai?
 
- Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng. Ông ấy ở chức cao mà quên mình ở chức cao cho nên người dưới không chống đối, thẹn rằng mình không có đức bằng vua Hoàng Đế mà thương những người không bằng mình. Đem cái đức của mình chia sẻ với người khác[15] thì gọi là thánh nhân; đem tiền của mà chia sẻ với người khác thì gọi là hiền nhân. Cho rằng mình minh triết hơn người thì không bao giờ được lòng người; cho rằng mình minh triết kém người thì không bao giờ không được lòng người. Ở trong nước cũng như ở trong nhà, ông ấy không muốn nghe thấy, trông thấy mọi điều[16]. Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng.
 
Như vậy Quản Di Ngô không phải bạc tình với Bảo Thúc, (cái thế) không thể không bạc tình được; cũng không phải là có hậu tình với Thấp Bằng, (cái thế) không thể không hậu tình được. Có người lúc đầu mình quí trọng rồi sau lơ là; có người lúc đầu lơ là rồi sau quí trọng. Quí trọng hay lơ là lúc vầy lúc khác, cái đó không tuỳ thuộc ta[17].

°

° °

NÊN NHŨN (II.5)

(Dương Chu nam chi Bái)

 
Dương Chu đi xuống phía nam, lại đất Bái; Lão Đam đi qua tây nước Tần[18], Dương Chu tới nước Lương[19] thì gặp Lão tử[20]. Lão tử đứng giữa đường, ngửa mặt lên trời, than:
 
- Trước kia ta tưởng có thể dạy anh được, nay thấy là vô phương.
 
Dương tử làm thinh.
 
Họ tới quán trọ. Khi đã tắm rửa, xúc miệng, chải đầu, lau mình rồi, Dương tử tụt dép ở ngoài cửa, quì mà lết lại gần Lão tử, thưa:
 
- Lúc nảy thầy ngửa mặt lên trời than rằng: “Trước kia ta tưởng có thể dạy anh được, nay thấy là vô phương”. Con muốn thỉnh giáo, nhưng thầy mãi từ từ đi, nên con không dám. Nay thầy nhàn rỗi, xin thầy chỉ cho con biết lỗi của con.
 
Lão tử đáp:
 
- Anh có vẻ tự mãn, khoa trương thì ai mà muốn ở gần anh. Trắng bong thì coi như có tì vết, đức mà đầy đủ thì có vẻ như thiếu thốn.
 
Dương tử ngượng nghịu, biến sắc, thưa:
 
- Con xin vâng lời.
 
Khi Dương tử tới quán trọ, chủ quán ra đón, ông già chủ quán giải chiếu mời, vợ chủ quán dâng khăn và lược, và khách trọ nhường chỗ tốt cho, người đầu bếp nhường chỗ ăn cho. Bây giờ (sau khi Dương tử nghe lời khuyên của Lão tử), các người khách trọ tranh nhau chỗ với Dương tử.[21] 

°

° °

THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI (VIII.6)

(Tử Liệt tử cùng, dung mạo hữu cơ sắc)

 

 
Thầy Liệt tử nghèo khổ, mặt xanh xao vì đói, một người khách[22] cho Tử Dương nước Trịnh hay[23]
 
- Liệt Ngự Khấu là bậc sĩ đạt đạo, ở nước ông mà phải nghèo khổ, vậy ra ông không quí kẻ sĩ sao?
 
Tử Dương tức thì sai một ông quan đem lúa lại tặng Liệt tử. Liệt tử ra tiếp, vái hai vái mà từ chối. Sứ giả về rồi, Liệt tử trở vô. Bà vợ lườm ông, đập vào ngực, bảo:
 
- Thiếp nghe nói vợ con một người đạt đạo thì được vui vẻ sung sướng. Nay cả nhà đều đói, được tướng quốc biết mà cho lúa, thầy không nhận, thế không phải là làm trái với số mệnh sao?
 
Thầy Liệt tử cười mà đáp:
 
- Tướng quốc đâu phải tự biết ta. Vì nghe lời người khác mà cho ta lúa, rồi thì cũng sẽ nghe người khác mà bắt tội ta[24]. Vì vậy mà ta không nhận[25].
 
Rồi đột nhiên, dân trong nước nổi loạn, giết Tử Dương[26].
 
 
 
 
 
Chú thích
 
[1] Trong cuốn Mạnh tử (Nxb Văn hoá, 1996, trang 17-18), cụ Nguyễn Hiến Lê có lập bảng kê “những biến cố lớn xảy ra trong đời Mạnh tử”; ở đây tôi chép lại và thay đổi đôi chỗ cho thích hợp. Năm sinh và năm mất của Trang tử tôi ghi theo Vũ Đồng (theo trích dẫn của Nguyễn Hiến Lê). [Goldfish]
 
[2] Người ta dùng nhựa dính bôi vào đầu gậy, chấm vào cánh ve sầu là bắt được nó.
[3] Truyện này có chép trong thiên Đạt sinh của Trang tử.
[4] Ý nói bọn nhà Nho, như ta nói bọn thầy Đồ.
[5] Coi chú thích V.3 [tức: Mỗi nhẫn là tám thước thời đó, mỗi thước khoảng một gang tay. (Goldfish)].
[6] Truyện này có chép trong thiên Đạt sinh của Trang tử. Như chúng tôi đã nói trong thiên II phần I, truyện này được chép lại trong bài VIII.10, chỉ đoạn kết là thay đổi.
[7] Nguyên văn: An vãng như bất ái tai? Không hiểu B.G theo bản nào mà dịch là: Cứ vui vẻ theo đường đó, đừng miễn cưỡng. Bài này có trong Nam Hoa kinh, thiên Sơn mộc.
[8] Thuấn là vua Thuấn, minh quân thời cổ (-2255-2206). Chưng không rõ là ai. Có lẽ đây chỉ là một một chuyện bịa làm ngụ ngôn.
[9] B.G dịch là: Không biết ăn ra sao. [B.G. tức là Benedykt Grynpas. (Goldfish)]
[10] Truyện này có chép trong thiên Trí Bắc du.
[11] Ý nói hành động đó do hoàn cảnh hay số phận đã quyết định rồi, Bão Thúc, Tiểu Bạch, cũng như mọi người khác không có ý chí tự do. 
[12] Tiểu Bạch đã lên ngôi, tức Tề Hoàn Công.
[13] Nguyên văn: Bất khả huý văn. Trương Trầm giải nghĩa là không cần kiêng mà không nói thẳng ra. B.G dịch là: nhưng không có gì đáng lo. 
[14] Trong Cổ học tinh hoa, bài Tri kỷ chép theo Thuyết Uyển: “Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo…”, nghĩa là Bảo Thúc Nha chết trước Quản Trọng. (Goldfish).
[15] Nghĩa là mình cải thiện người khác, khiến họ cũng có đức như mình.
[16] Đoạn này có trong Nam Hoa kinh. [tức từ “Đến khi Quản Di Ngô đau…” đến “…nghe thấy, trông thấy mọi điều.”, nhưng có bản Nam Hoa kinh cũng lại chép đoạn này và cả câu tiếp theo: “Không có ai khác thì lựa Thấp Bằng”. (Goldfish)].
[17] Ý nói: Sự thể khiến như vậy, ta không thể hành động khác được.
[18] Chúng tôi không hiểu ba chữ “Yên ư giao” (được mời đón ở ngoài thành) có nghĩa là gì. B.G dịch là: hỏi đường.
[19] Lương là kinh đô nước Nguỵ, cũng trỏ nước Nguỵ.
[20] Bài này chỉ là một ngụ ngôn.
[21] Vì Dương tử hết vẻ tự mãn, kiêu căng, mà đồng hoà với các người khác, nên các người khác coi ông ta như họ. Bài này có chép trong thiên Ngụ ngôn của Trang tử.
[22] Một người không nhận chức ở triều đình, được vua đãi như khách.
[23] Tử Dương trong Sử kí của Tư Mã Thiên gọi là Tứ Tử Dương, tướng quốc nước Trịnh.
[24] B.G. dịch khác: Vì nghe lời người khác mà cho ta lúa, là xúc phạm tới ta, lại thêm các lỗi tin lời người khác nữa.
[25] Không rõ trong Cổ học tinh hoa quyển II, trang 81 (Vĩnh Thịnh – 1951) Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, theo bản nào mà thêm: “Vả chăng chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc nạn, không liều chết giúp người ta là bất nghĩa. Mà liều chết giúp kẻ vô đạo thì còn gọi là nghĩa thế nào được”. [Tức bài cùng tên trong Cổ học tinh hoa. Tương tự, trong bài Không chết vì kẻ không biết mình trong Cái cười của Thánh nhân của Nguyễn Duy Cần cũng có câu gần giống hệt như vậy: “Vả chăng, chịu bổng lộc của người, hoặc khi người mắc hạn, không liều chết giúp người là vô nghĩa. Mà nếu liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn nghĩa lý gì nữa”. Ngoài ra, trong hai bài đó đều bảo Tử Dương là vua nước Trịnh. (Goldfish)].
[26] Truyện này có chép trong thiên Nhượng vương của Trang tử.

Xem Tiếp: ----