Cư sĩ Diệu Âm (Diệu Ngộ) biên soạn
- IV -

Hãnh diện cho phụ nữ, thương cho nam giới
Sau khi xem xong những cuộn phim niệm Phật thất ở chùa Hoằng Pháp, huyện Hốc Môn Việt Nam, và phim Phật thất của các chùa trong lẫn ngoài nước, tôi thật hãnh diện về phụ nữ chúng ta thời nay phi thường, có trí tuệ và can đảm.  Nhìn đâu đâu, dù Phật tử đến chùa hay Phật tử tại gia, phụ nữ chúng ta đã chiếm kỷ lục tới 90/100, còn nam giới chỉ có 10/100.
Thương là thương cho các ông thời nay vẫn còn ôm "cái ta" quá lớn, nhưng lại quên đi trách nhiệm lớn lao của mình, nên phụ nữ chúng tôi thời nay coi chuyện lấy chồng là một gánh nặng phiền phức, là khổ sai chung thân.  Các ông không tự suy xét lại, vội cho phụ nữ chúng tôi thời nay chạy theo phong trào thời thế, đánh mất đi phẩm hạnh và trách nhiệm của một người đàn bà (nếu phụ nữ chúng tôi đánh mất phẩm hạnh, thì đâu chiếm kỷ lục 90/100).
Chúng tôi xưa nay chưa bao giờ đánh mất trách nhiệm.  Không những vậy, chúng tôi còn phải gánh luôn cái gánh nặng của các ông.  Người đời thường ví đàn ông là bóng mát, là cột trụ, là điểm tựa để bảo vệ đất nước, gia đình và vợ con.  Vì vậy mà xưa nay phụ nữ chúng tôi, lúc nào cũng mong lấy được một tấm chồng để mà nương tựa.  Không ngờ sau khi lấy chồng, chúng tôi không được bảo vệ, ngược lại còn mang thêm nhiều gánh nặng phiền phức.  (Xin các ông đừng hiểu lầm cho là tôi quơ đủa cả nắm, lời tôi nói hoàn toàn là sự thật.  Các ông không tin thì đi tìm sự thống kê của thế giới.  Không phải chỉ riêng phụ nữ Việt Nam chúng tôi thời nay sợ lấy chồng, mà là phụ nữ của toàn thế giới, nhưng nước Nhật là trầm trọng nhất.  Nên nhiều năm chính phủ Nhật lo sợ, tương lai nước Nhật sẽ không còn thế hệ trẻ.)
Xưa kia trong thời chiến loạn, các ông vì bảo vệ đất nước, phụ nữ chúng tôi phải chịu mọi đau khổ gánh nặng đa đoan.  Sau khi thời thế thay đổi, các ông không còn gánh nặng bảo vệ đất nước, thì ít ra cũng phải lo bảo vệ cha mẹ, vợ con và gia đình.  Đằng này, một số lại làm ngơ.  Chuyện xã hội, gia đình, con cái, v.v... đều cho chúng tôi gánh lấy.
Rồi hôm nay, thế giới, vũ trụ, loài người đang đối diện với biển lửa tà ma.  Các ông không ủng hộ chung lo, vội cho chúng tôi đàn bà không làm lên cái trò trống gì, suốt ngày chỉ biết tụm  năm tụm ba, tin dị đoan, bỏ bê chuyện nhà, cứ lo tới chùa tung kinh niệm Phật.
Nếu các ông thật sự hiểu thời thế, có trách nhiệm với đất nước, cha mẹ và gia đình, thì các ông đã dẫn dắt cha mẹ già, vợ yếu, con thơ tu niệm Phật ngày đêm, để vượt biên ra khỏi cái thế giới sắp tận thế, do tà ma đang làm chủ.  Các ông hãy nhìn thử xem: đâu đâu cũng là thiên tai, nạn đói, bệnh hoạn ngặt nghèo không thuốc chữa, độc tố tràn lan, tham dâm đầy dẫy, loạn lạc khắp nơi, khủng bố trong ngoài, đạo đức suy đồi, khí độc đầy trời, chúng ma nổi loạn, trong phá ngoại hợp, chúng sanh điên đảo lầm than.  Đạo pháp từ từ bị tiêu diệt, loài người biến thành ma quái.  Thay vì trước kia các ông cầm súng xông pha chiến trường, mỗi một viên đạn là đánh đuổi kẻ thù.  Bây giờ, các ông có thể dụng công niệm Phật, một câu Phật hiệu cứu được vô số chúng sanh.  Cứu gia đình, bản thân và cứu thân bằng quyến thuộc, cùng nhau thoát khỏi biển lửa tà ma, về cõi Tây phương cực lạc vĩnh cửu.  Đây mới là trang nam tử.  (tôi viết bài này với một tâm ý thành khẩn, hoàn toàn không có ý phê bình mong các ông thông cảm).
Điên đảo
Thế gian nội, ngoại, tà ma phá
Con người điên đảo, bởi tiền danh
Tiền, danh, là lối vào ngạ quỷ
Danh, tiền, là địa ngục triền miên.
Tiền, danh, là những tờ giấy lộn
Danh, tiền giả tạm, lắm mùi tanh
Một mai nằm xuống, danh, tiền mất
Thân thành tro bụi, đọa về đâu?
Niệm Phật một câu, đáng ngàn vàng
Xây đài sen báu, cõi Tây phương
Đổi thân giả tạm, thành thân Phật
Sen báu ta ngồi, Tam Thánh ban.
Giả dối
Trước mặt khen đẹp, sang, tốt, quý;
Quay lưng chê xấu, tệ, bần, cùng.
Trước mặt vồn vã, thương, thân thiết,
Quay lưng chửi bới, chẳng chừa chi.
Người đời giả dối, không nhàm chán,
Gạt cả lương tâm, gạt cả người.
Danh, tiền, tình, bạn luôn giả dối,
Thâm tình giả thật, khó biệt phân.
Thế gian giả dối không cùng tận
Đóng kịch đêm ngày, thật đáng thương.
Cần chi trả tiền, xem chiếu bóng
Trước mặt hằng ngày, kịch, hề, phim.
Buồn cho những chuyện bất công
Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần đến ngày giỗ, tôi thấy ba mẹ tôi giết nhiều gà vịt để cúng ông bà.  Lúc đó, tôi không hiểu gì về đạo, nhưng được mẹ hay dạy bảo là không nên sát sanh, vì nếu sát sanh thì sẽ có tội.  Mẹ tôi thì dạy chúng tôi như vậy, nhưng ngày tết hoặc ngày giỗ, thì mẹ tôi lại cắt cổ nhiều gà vịt.  Vấn đề này làm tôi thắc mắc, tôi thấy mẹ tôi làm không đúng, vì mẹ tôi dạy không nên sát sanh, nhưng mẹ tôi lại giết gà vịt để cúng ông bà, vậy đã đi ngược lại lời dạy của người.
Tôi cứ suy nghĩ mãi, nhưng không dám hỏi vì sợ mẹ la rầy.  Nhưng vì bẩm tánh sanh ra là nhiều chuyện, nên không chịu nổi, vì vậy tôi hỏi mẹ tôi.  Tôi hỏi: "Mẹ ơi, tại sao đến ngày giỗ mà mẹ giết nhiều gà vịt như vậy, bộ mẹ không sợ ông bà mình mang tội hay sao?"  Mẹ tôi lúng túng không muốn trả lời câu hỏi của tôi.  Mẹ tôi nói: "Con còn nhỏ, biết gì mà hỏi" rồi mẹ kêu tôi đi chỗ khác, vì mẹ tôi đang bận.  Tôi bỏ đi, nhưng không cam lòng.
Một hôm, thấy mẹ tôi rảnh, tôi lại gần hỏi: "Mẹ ơi, tại sao đến ngày giỗ ông bà, mà mẹ giết nhiều gà vịt, bộ mẹ không sợ ông bà mình mang tội hay sao?"  Mẹ tôi lúng túng, không biết làm sao để trả lời câu hỏi của tôi.  Tôi muốn biết sự thật, nên tôi hỏi tiếp.  Tôi hỏi: "Mẹ thường dạy tụi con không nên sát sanh, dù là những con vật nhỏ như con kiến, con nhện, mẹ đều khuyên không nên giết chúng, nếu tha được thì nên tha.  Nhưng tại sao con gà, con vịt lớn như vậy mà mẹ cắt cổ tụi nó?  Mẹ không sợ bị mang tội hay sao?"
Mẹ tôi xúc động ứa nước mắt, mẹ tôi nói: "Mẹ rất sợ con hỏi mẹ những lời này, vì chính mẹ thấy cũng không đúng.  Nhưng vì từ ngày lấy ba của con, vì bổn phận làm vợ, mẹ phải nghe theo.  Thú thật với con, mẹ rất sợ giết gà giết vịt.  Mỗi lần mẹ làm thịt chúng nó, là đêm về mẹ ngủ không yên.  Nhưng nếu không làm theo ý ba con, thì ba con sẽ đánh mẹ."  Mẹ tôi nói tiếp: "Lỡ sau này mẹ có mất, nếu con có hiếu, thì đừng giết gà vịt để mà cúng mẹ.  Nếu thương mẹ, thì chỉ cúng cho mẹ một con cua luộc và một chén muối tiêu."  (dù cha mẹ dặn dò chúng ta cũng không nên làm theo, chỉ cúng chay là tốt nhất.)
Nghe mẹ tôi nói đến đây, tôi bỏ chạy vì sợ mẹ thấy tôi khóc.  Tôi chạy xuống bờ biển (vì nhà tôi gần biển) tôi vừa khóc vừa hét, cho vơi đi nỗi uất ức ở trong lòng.  Tôi khóc cho sự bất công của mẹ tôi.  Tại sao mẹ tôi lại khổ như vậy?  Vì sợ chồng mà phải sát sanh, phải làm những chuyện mà mình không muốn làm.  Tôi giận ghét ba tôi, vì ba tôi là một người độc tài.  Vì thấy ba hay đánh mẹ, nên từ nhỏ tôi đã chán ghét cảnh vợ chồng; tôi ghét sự bất công (tôi kể chuyện ba tôi cho các bạn nghundefined, không phải là tôi bất hiếu, mà tôi mong các bạn hãy dừng tay lại, đừng gây thêm tội lỗi, vì vũ lực không giải quyết được vấn đề mà chỉ gây thêm đau khổ cho con cháu và tạo thêm ân oán cho kiếp sau).  Từ đó, tôi hay đi tìm hiểu chuyện thế gian và thấy đâu đâu cũng là đau khổ, đâu đâu cũng giết gà vịt, heo bò để cúng tế.
Tuổi đời càng lớn, hiểu biết càng nhiều, đau khổ càng tăng.  Tôi nhìn cảnh đời, không biết nên khóc hay nên cười.  Lúc cha mẹ còn sống, chúng ta không lo tròn chữ hiếu.  Đợi khi cha mẹ chết thì lập bàn thờ cho lớn, đến ngày giỗ thì tựu họp gia đình, bà con, cúng cho thật nhiều để lấy tiếng là ta đây có hiếu.  Sau đó ăn uống, nhậu nhẹt cho thỏa lòng.  Chúng ta vô tình biến ngày giỗ thành ngày ăn mừng và sát sanh.
Chúng ta có bao giờ ngồi suy nghĩ, hay lắng nghe những tiếng khóc than của cha mẹ chúng ta nơi địa ngục, hay tiếng than lạnh lẽo của các hồn ma không được siêu thoát?  Chúng ta nghĩ cha mẹ chết, được chôn mồ mả đàng hoàng là đã tròn chữ hiếu hay sao?
Cũng có một số người có hiếu thật sự, nhưng vì không hiểu đạo, chỉ thấy tổ tiên ông bà làm sao thì làm theo như vậy.  Chúng ta không đi tìm hiểu Phật pháp, không tìm hiểu lý lẽ của lương tâm.  Chúng ta cứ nghĩ ông bà tổ tiên chúng ta là đúng.
Nhưng chúng ta có dám bảo đảm, tổ tiên của chúng ta ai cũng đúng hết không?  Tổ tiên của chúng ta có cái đúng, cũng có cái sai, vì tổ tiên chúng ta cũng là người thường giống như chúng ta.  Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thành tổ tiên của con cháu chúng ta sau này, có phải vậy không?
Nhưng bản thân chúng ta hiện tại đã và đang làm sai, mà chính bản thân chúng ta còn không hay biết.  Vậy chúng ta có cần dùng lý trí, lương tâm để mà suy xét lại không?  Chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm, hầu giúp cho thế hệ con cháu của chúng ta sau này.
Chúng ta cúng cha mẹ là đúng không có sai.  Điều sai là ở chỗ chúng ta năn mặn là chuyện của chúng ta, còn cúng cha mẹ thì xin cúng chay.  Vì khi cúng mặn là chúng ta sát sanh, khiến cho ông bà cha mẹ bị mang tội thêm.  Vậy có khác gì chúng ta làm con bất hiếu?
Còn chuyện này thấy mà đau lòng.  Vì muốn làm ăn phát tài, nên chúng ta cúng ông địa và thần tài.  Chúng ta tưởng làm như vậy, ông địa và thần tài sẽ phù hộ.  Không ngờ chúng ta đang tạo tác mà không hay.
Tại sao lại gọi là tạo tác?  Tại vì chúng ta đang đem chư Phật ra làm trò hề và phỉ báng.  Tại sao?  Vì ông địa và thần tài không phải là  Phật.  Nhưng nếu có ai hỏi, thì đa số chúng ta trả lời là cúng Phật, khiến cho nhiều người ngoại quốc, các tôn giáo khác và con cháu của chúng ta, có cái nhìn ác cảm về đạo Phật.  Vì vậy, vô tình chúng ta đã khiến cho nhiều thế hệ trẻ và con cháu của chúng ta bỏ đạo Phật theo đạo người.
Chúng ta bình tâm mà suy nghĩ lại.  Chúng ta sẽ thấy sự tạo tác, tội lỗi mà chúng ta đang làm.  Chúng ta hằng ngày đang thờ những tượng ông địa và thần tài miệng cười toe toét, cổ thì đeo chuỗi, hai tay ôm thỏi vàng thật lớn giơ lên cao như dụ người ta tham tiền, có tượng còn cầm thuốt hút.  Thậm chí, có người còn bỏ thuốc vào miệng cho ông địa hút.  Hành động phỉ báng này quá trắng trợn, như đem chư Phật ra làm bia và đem thần linh ra làm trò hề.  Nếu cha mẹ của chúng ta đứng trước mặt, làm những hành động mất đạo đức đó; thử hỏi chúng ta có kính phục không, hay là cảm thấy xấu hổ?  Chúng ta là người thường còn không thể chấp nhận được những hành động đó; vậy tại sao chúng ta lại đem chư Phật ra làm bia để cho người ta hiểu lầm?
Có nhiều người ngoại quốc, lẫn giới trẻ Việt Nam và các tôn giáo khác thắc mắc, thường hỏi tôi: "Tại sao Phật lại dạy người ta tham tiền và hút thuốc, trong khi hai thứ này là hại người?  Rồi tại sao Phật lại dạy người ta cúng đủ thứ, có cúng mới có phù hộ?"  Mỗi khi tôi nghe họ hỏi, hay nghe những câu trả lời không hiểu biết của người Việt chúng ta.  Tôi thật là đau lòng vô cùn, vì không có gì đau long bằng, chính người đạo Phật đem chư Phật ra phỉ báng.  Vô tình chúng ta hại không biết bao nhiêu là chúng sanh.  Chúng sanh đó là ai?  Là con cháu của chúng ta.
Chúng ta thờ ông địa và thần tài không có sai; chỉ sai ở chỗ chúng ta không nên thỉnh những hình tượng mất đạo đức đó (vì người đúc tượng chưa hẳn là đúng, họ đang tạo tác mà họ không hay.)  Chúng ta nên thỉnh những hình tượng rõ ràng không được lẫn lộn (nghĩa là: thần ra thần, Phật ra Phật.  Không thể lẫn lộn Phật với thần, vì thần không có đeo chuỗi, còn Phật không có cầm vàng hay cầm thuốc hút.)  Còn cúng thì chỉ cúng trái cây và nước, không nên cúng mặn.  Nếu có ai hỏi chúng ta đang cúng ai, chúng ta trả lời là cúng thần làm ăn.  Chúng ta không nên trả lời là cúng Phật, vì Phật và thần khác xa.  Tại sao?  Vì Phật còn cao hơn thần.
Chúng ta làm ăn nên tin dị đoan vậy thôi, thật ra không có thầ nào phù hộ cả.  Nếu chúng ta muốn làm ăn phát tài, gia đình hạnh phúc, thì nên niệm Phật, bố thí giúp người, chúng ta sẽ có phước đức và công đức.  Thay vì số tiền mua trái cây, heo bò, gà vịt để cúng ông địa và thần tài, chúng ta dành lại bố thí cho những kẻ ăn xin thì phước đức còn nhiều hơn.  Không những có phước đức hơn, mà còn tránh không bị mang tội phỉ báng chư Phật và đụng chạm đến thần linh.
Có một số chúng ta si mê đến mức độ đáng thương, vì muốn làm ăn phát tài nên giết heo bò, gà vịt để cúng trời Phật, tế thần linh.  Chúng ta coi Phật và trời đất không ra gì.  Đến khi làm ăn thất bại không được như ý, thì trách Phật, ông trời và thần chẳng linh.  Như vậy có tội lỗi không?  Không những vậy, mà còn một điều tai hại nữa là, nếu có ai hỏi chúng ta đạo gì?  Thì chúng ta trả lời: tôi đạo Phật.  Như vậy có oan ức cho chư Phật không?  Chúng ta nói chúng ta là đạo Phật, nhưng chẳng hiểu gì về đạo Phật cả.  Nếu là đạo Phật, thì cái căn bản nhỏ nhất chúng ta cũng chẳng hiểu, đó là không nên sát sanh.  Đằng này, chúng ta cúng cả con bò, con heo.  Ai hỏi chúng ta cúng ai?  Thì chúng ta trả lời cúng chư Phật và thần linh.  Như vậy có khác gì chúng ta phỉ báng chư Phật và đụng chạm đến thần linh?
Chúng ta vô tình làm cho các tôn giáo khác nghĩ đạo Phật là tin dị đoan, nghĩ chư Phật là thánh mà còn ăn hối lộ, có cúng mới có phù hộ.  Thử hỏi tội lỗi này, chúng ta gánh có nổi không?  Cho nên trước khi trả lời, chúng ta hãy nhìn lại hành động của chúng ta, có xứng đáng là đệ tử của Phật hay là người của đạo Phật không?  Có nhiều người đạo ông bà mà tưởng lầm mình là đạo Phật, vì đạo Phật không có tin dị đoan.  Đạo Phật là vạn lần chân thật.
Thức tỉnh
Giàu sang, hạnh phúc nhờ tạo phước
Nào phải Phật, thần phù hộ ta!
Khổ sở, bần cùng, tại nghiệp báo
Nào phải Phật, thần trừng phạt ta!
Phật dạy danh, tiền là tạo tác
Sát sanh là nghiệp báo triền miên
Phật nào dạy tham tiền, hút thuốc
Sao bạn đành đem Phật làm bia!
Bạn ơi mau thức tỉnh hồi đầu
Đừng tham đắm, tạo thêm nghiệp oán
Hại bao đời con cháu về sau
Hại thân ta đoạ vào đường ác.