Dịch giả: Sa môn Thích Huyền Dung
- 2 -
Pháp Từ Bi Thủy Sám
(quyển trung)

Tất cả chư Phật vì thương xót chúng sinh mới nói pháp đạo tràng Thủy Sám.  Ngày nay chúg con xin kính lễ chư Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam mô Long Tự Tại Vương Phật
Nam mô Bảo Thắng Phật
Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát
Đảnh lễ chư Phật rồi kế lại sám hối.  Đến nay thâm tâm chúng con được yên tịnh, trong không bị phiền não dối gạt, ngoài không bị chướng nạn ngăn trở, chính là lúc sinh thiện diệt ác, lại phải thực hành bốn món quán hạnh, để làm phương tiện dứt tội.
Bốn món quán hạnh là:
1. Quan sát nhân duyên
2. Quan sát quả báo
3. Quan sát thân mình
4. Quan sát thân Như Lai.
Thứ nhất quan sát nhân duyên: biết mình có tội, do vô minh suy nghĩ xằng bậy, không sức chính quán, không biết tội lỗi, xa lìa bạn tốt, xa lìa chư Phật, Bồ Tát, theo dõi đường ma lối hiểm, như cá nuốt câu không biết tai họa, như tầm làm kén tự ràng buộc mình, như co thiêu thân đâm đầu vào lửa tự thiêu đốt mình, do nhân duyên ấy không thể giải thoát.
Thứ hai quan sát quả báo: vì những ác nghiệp nên phải luân chuyển mãi trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) chịu quả khổ vô cùng, chìm đắm trong đêm dài, biển lớn, bị lũ quỉ la sát phiền não ăn thịt, sự sinh tử sau này mênh mang không bờ bến.  Dầu cho phúc báo được làm đến Chuyển Luân thánh vương, thống trị bốn châu thiên hạ, bay đi tự tại, đủ các thất bảo, sau khi chết cũng không khỏi đường ác, dầu được hưởng quả báo tứ không thiên, cao nhất trong ba cõi, khi phúc báo hết rồi, còn phải trở lại làm trùng trong yếm trâu, huống những kẻ không phúc đức gì lại giải đãi không siêng năng sám hối, thế chẳng khác chi ôm đá gieo mình xuống vực sâu, khó mong ra khỏi.
Thứ ba quan sát thân ta: tuy có chính nhân giác tính, nhưng bị phiền não hắc ám che lấp, không có sức liễu nhân, thành ra bản tính vốn sáng suốt kia, không tỏ rõ được.
Ngày nay cần phải phát tâm thù thắng phá tan màn vô minh, dẹp hết chướng ngại điên đảo, diệt trừ nguyên nhân hư ngụy của sinh tử, làm sáng tỏ trí tuệ sáng suốt của Như Lai, đặng gây dựng quả niết bàn vô thượng.
Thứ tư quan sát thân Như Lai: vô vi tịch chiếu, xa bốn câu, bặt trăm lỗi, đầy đủ các đức trạm nhiên thường trú, dầu phương tiện vào diệt độ, nhưng lòng từ bi cứu vớt chúng sinh không hề tạm nghỉ. 
Khởi tâm quan sát như thế, tức là bến lành để diệt tội, là hạnh cốt yếu để trừ nghiệp chướng.  Vì vậy, ngày nay chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay,  chúng con nuôi thêm phiền não ngày càng sâu dày, càng nảy nở, che đậy tuệ nhãn không thấy được lẽ chân ngụy, dứt trừ mọi việc lành  không cho nối tiếp nhau, khởi phiền não làm trở ngại không được thấy Phật, không nghe chính pháp, không gặp thánh tăng; khởi phiền não làm trở ngại không thấy được nghiệp lành nghiệp dữ trong đời quá khứ, hiện tại và vị lai và pháp xuất ly; khởi phiền não làm trở ngại không được địa vị tôn quí ở cõi trời, người; khởi phiền não làm trở ngại không được sinh vào cõi sắc, cõi vô sắc để hưởng phúc báo yên vui thiền định; khởi phiền não làm trở ngjai không được phép thần thông tự tại, bay, đi, ẩn, hiện đến khắp các cõi Phật trong mười phương để nghe pháp; khởi phiền não làm trở ngại không học được phép quán đếm hơi thở để tâm khỏi tán loạn, phép quán về bất tịnh để ngăn ngừa tâm ham muốn, phép quán về nhân duyên để dứt bỏ tâm si mê; khởi phiền não làm trở ngại không học được phép noãn, đảnh, nhẫn, đệ nhất, bảy phép phương tiện; khởi phiền não làm trở ngại không học được những phép từ, bi, hỉ, xả, văn, tư, tu; khởi phiền não làm trở ngại sự hiểu biết và quán hạnh của ba món không, bình đẳng, trung đạo; khởi phiền não làm trở ngại không học những phẩm trợ đạo, niệm xứ, chính cần, căn, lực và như ý túc; khởi phiền não làm trở ngại không học đạo bát chính chỉ rõ về phần tướng; khởi phiền não làm trở ngại sự học đạo thất giác chi không chỉ về hình tướng; khởi phiền não làm trở ngại không học đạo bát giải thoát cứu không định; khởi phiền não làm trở ngại sự học các phép thập trí, tam tam muội; khởi phiền não làm trở ngại sự học những phép tam minh, lục thông, tứ vô ngại; khởi phiền não làm trở ngại sự học những phép lục độ, tứ đẳng; khởi phiền não làm trở ngại sự học những phép tứ nhiếp để giáo hóa khắp chúng sinh; khởi phiền não làm trở ngại sự học bốn hoằng thệ của Đại Thừa tâm; khởi phiền não làm trở ngại sự học những phép thập minh, thập hạnh; khởi phiền não làm trở ngại sự học phép thập hồi hướng, thập nguyện; khởi phiền não làm trở ngại sự học minh giải của các ngôi sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa; khởi phiền não làm trở ngại sự học những điều tri kiến của các ngôi ngũ đia, lục đia, thất địa; khởi phiền não làm trở ngại sự học phép song chiếu của các ngôi bát địa, cửu đia, thập địa; khởi phiền não làm trở ngại sự học những hạnh tu trong trăm vạn a tăng kỳ kiếp.
Những chướng ngại sự tu hành ấy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con hết lòng thành khẩn hướng lên mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng, hết sức hổ thẹn cầu xin sám hối, nguyện đều dứt sạch.
Nguyện nhờ công đức sám hối tất cả các phiền não làm trở ngại sự tu hành, chúng con được thụ sinh tự tại, khắp nơi khắp chốn muốn được ở, không bị nghiệp cảm chất chứa xoay chuyển, lại còn dùng phép thần thông như ý, trong khoảnh khắc đã dạo khắp mười phương, vừa trang nghiêm thanh tịnh các cõi Phật, vừa nhiếp hóa tất cả chúng sanh.  Những cảnh giới thiền định rất cao thâm, cùng những sự thấy biết của chư Phật, chúng con nguyện hiểu thấu một cách vô ngại, tâm thường bao quát tất cả các pháp tự tại diễn nói không bị nhiễm trước, được tâm tự tại pháp tự tại, phương tiện tự tại, khiến những phiền não ngu dốt, kếp tập lâu đời, đều được dứt hẳn, không còn tiếp nối, để chứng được đạo thánh vô lậu sáng chói như mặt trời.
Phát nguyện rồi xin đem cả thân mệnh kính lễ chư Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam mô Long Tự Tại Vương Phật
Nam mô Bảo Thắng Phật
Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam mô Đại Trang Nghiêm Bồ Tát
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát
Đảnh lễ chư Phật rồi, kế đến sám hối.
Chúng con... đã lược sám những phiền não chướng, giờ xin theo thứ lớp sám hối những nghiệp chướng.  Nghiệp lực tô bồi các nẻo, bất cứ chỗ nào cũng bị đắm nhiễm, không chịu suy nghĩ để mong cầu giải thoát.  Bởi vậy nên quả báo trong sáu đường không đồng nhau, hình thể mỗi loài một khác.  Thế mới biêt đó do nghiệp lực gây ra.  Trong mười lực của Phật, nghiệp lực sâu thẳm hơn hết.
Kẻ phàm phu phần nhiều sinh lòng nghi hoặc.  Vì thấy ở đời người làm lành lại gặp nhiều trắc trở, kẻ làm ác mà được mọi sự an hòa, mới cho rằng việc lành dữ không có phân minh, người chấp như thế bởi không đạt thấu lý sâu xa nghiệp báo.  Kinh nói có ba thứ nghiệp báo.
Một là hiẹn báo, hai là sinh báo, ba la hậu báo.  Hiện báo tức là trong đời nay làm việc thiện ác thì ngay thân này chịu quả báo.  Sinh báo tức là trong đời này làm việc thiện ác, qua đời sau mới chịu quả báo.  Hậu báo tức là trong vô lượng kiếp về quá khứ đã làm việc thiện ác, đến đời này hoặc vô lượng kiếp vều sau mới chịu quả báo.
Còn người bây giờ làm ác mà gặp may mắn bởi do những nghiệp lành sinh báo, hậu báo thuần thục trong kiếp quá khứ, nên mới hưởng quả tốt đẹp.  Như thế không phải trong đời này làm ác mà được quả báo tốt.  Những người bây giờ làm lành lại bị khổ sở, bởi do những nghiệp ác sinh báo, hậu báo đã thuần thục trong kiếp quá khứ, nên những mầm thiện ngày nay sức yếu không thể ngăn dẹp những nghiệp ác ấy, nên phải chịu quả khổ.  Đâu phải trong đời này làm lành mà chịu ác báo.  Lại thấy trong đời những kẻ làm lành, được người khen ngợi kính trọng, nên biết ngày sau ắt được hưởng quả vui sướng.  Chúng ta về quá khứ đã có những nghiệp ác như thế, nên chư Phật, Bồ Tát dạy phải gần gũi bạn lành, cùng làm phép sám hối.  Gặp được bậc thiện tri thức là điều lợi lớn cho sự tu hành đắc đạo.  Vì thế ngày nay chúng con xin chí thành quy y Phật.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con chất chứa ác nhiều như cát sông Hằng, gây tội lỗi đầy cả đại địa, hết bỏ thân này lại thụ thân khác không hay, không biết, hoặc phạm tội ngũ nghịch sâu dày, trói buộc nặng nề gây nên tội vô gián, hoặc gây nên tội xiển đề, thành nghiệp bỏ mất căn lành, khinh chê lời Phật dạy thành nghiệp báng bổ kinh điển Đại thừa, phá diệt Tam Bảo thành nghiệp hủy hoại chính pháp, không tin tội phúc thành nghiệp thập ác, hiểu lầm chân lý làm trái chính pháp thành nghiệp si mê, bất hiếu cha mẹ thành nghiệp ngang trái, khinh mạn sư trưởng thành nghiệp không kính lễ, thất tín bạn bè thành nghiệp bất nghĩa, phạm tội tứ trọng bát trọng thành nghiệp làm trở ngại thánh đạo, hủy phạm năm điều răn cấm thành nghiệp phá giới bát quan trai, phạm ngũ thiên thất tụ thành nghiệp nhiều phạm giới, phạm giới ưu bà tắc thành nghiệp khinh trọng cấu, hoặc gây ra nghiệp thọ giới Bồ Tát mà không được thanh tịnh, như thuyết tu hành, hoặc gây ra nghiệp trước khi thọ giới sau khi thọ giới làm nhiễm ô phạm hạnh, mỗi tháng không ăn chay sáu ngày thành nghiệp giải đãi, mỗi năm không ăn chay luôn ba tháng thàng nghiệp tu không thường, không giữ gìn ba nghìn uy nghi thành nghiệp không đúng giới pháp, không giữ gìn tám vạn luật nghi thành nghiệp vi tế tội, hoặc gây ra nghiệp không tu thân giới, tâm tuệ, hoặc gây nên nghiệp tám ngày vượng xuân thu tạo các tội lỗi, hoặc gây nên nghiệp làm mười sáu món ác luật nghi, hoặc gây nên nghiệp đối với chúng sinh không lòng thương xót, gây nên nghiệp không lân mẫn, không cứu giúp, ôm lòng đố kỵ thành ra nghiệp không cứu độ mọi loài, còn có chỗ oán thân thành ra nghiệp không bình đẳng, say đắm ngũ dục thành ra nghiệp không nhàm lìa, hoặc vì cơm áo, vườn, rừng, ao hồ, thành ra nghiệp phóng đãng dâm dật, hoặc vì tuổi trẻ phóng túng dục tình tạo các tội lỗi, hoặc tạo nghiệp lành hữu lậu để hồi hướng cầu sinh trong ba cõi thành nghiệp ngăn ngại pháp xuất thế.
Những tội lỗi ấy vô lượng vô biên, ngày nay chúng con hướng về mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng xin giải bày sám hối.
Nhờ phúc lành sám hối các tội lỗi vô minh, ác nghiệp dứt sạch, được sinh phúc lành, nguyện chúng con đời đời kiếp kiếp diệt được tội ngũ nghịch, trừ hoặc nghiệp xiển đề.  Tất cả nghiệp ác vừa nặng vừa nhẹ, từ nay trở đi đến khi thành Phật, thề không dám phạm.  Chúng con nguyện thường chăm lo tu tập những thiện pháp xuất thế thanh tịnh, chuyên trì giới luật tinh nghiêm, giữ gìn uy nghi, như người qua biển mến tiếc phao nổi.  Những pháp lục độ tứ đẳng tâm (từ, bi, hỉ, xả) thường nêu trước cả muôn hạnh, những phẩm giới, định, tuệ càng thêm sáng tỏ, mau thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười lực, bốn vô úy, ba niệm đại bi, diệu trí thường lạc, tám món tự tại của đức Như Lai.  Chúng con... nguyện quy y chư Phật, xin dũ lòng từ bi hộ niệm.
Trước chúng con đã sám hối chung cả các nghiệp, nay lại xin theo thứ lớp sám hối riêng từng tội một.  Những tội lỗi ấy hoặc chung (tội do ba nghiệp gây ra), hoặc riêng (tội do một trong sáu căn gây ra), hoặc to (tội do thân gây ra), hoặc nhỏ (tội do ý gây ra), hoặc nặng (tội do cố ý gây ra), hoặc nói (thứ tội ai cũng biết), hoặc không (tội do một mình mình làm một mình mình biết), có từng phẩm loại chúng con nguyện đều dứt hết.  Sám hối riêng từng tội, trước sám hối ba nghiệp của thân, sau sám hối bốn nghiệp của miệng, còn lại những nghiệp chướng khác, lần lượt xin cúi đầu sám hối tất cả.
Ba nghiệp của thân, thứ nhất là nghiệp giết hại, như kinh đã nói: "dung thứ kẻ khác như dung thứ mình, chớ giết chớ đánh."  Tuy loài cầm thú cũng biết bảo tồn thân mệnh sợ chết như mình.  Nếu tìm xét kỹ thì các chúng sinh từ vô thỉ lại, hoặc đã là cha mẹ, anh em, hoặc đã là bà con quyến thuộc, nhưng bởi nhân duyên nghiệp báo, nên phải luân hồi sáu nẻo, ra vào đường sinh tử thay hình đổi dạng không còn nhận biết lẫn nhau.  Nay chúng ta đang tâm giết hại ăn thịt, như thế rất tổn hại lòng từ bi.  Vì thế Phật dạy: "Giả sử được ăn các món rau quả còn tưởng như trong đời đói khát phải ăn thịt con, huống là ăn cá thịt."  Phật lại dạy: "Vì lợi giết chúng sinh, lấy tiền mua thịt cá, cả hai đều là ác nghiệp, sau chết đoạ vào địa ngục rên siết".  Vì thế nên biết giét hại loài vật và lấy thịt ăn, tội sâu như sông biển, nặng như gò núi.  Song từ vô thỉ đến nay, chúng ocn gì không gặp được bạn lành nên mới tạo những nghiệp ấy.  Kinh dạy: "Tội giết hại thường làm chúng sinh đoạ địa ngục, ngạ quỷ để chịu khổ báo.  Nếu đầu thai trong loài súc sinh, phải chịu làm thân hùm, beo, chó sói, bồ cắt, hoặc làm thân rắn độc, rết độc, ôm lòng hiểm ác, hoặc làm thân hưu, nai, thỏ, beo luôn luôn sợ hãi.  Nếu được làm người, mắc phải hai thứ quả báo: một là nhiều bịnh, hai là chết yểu.
Sự giết hại loài vật ăn thịt, đã gây biết bao ác báo như thế, ngày nay chúng con chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, khi có tâm thức này, thường ôm lòng tham độc, không dạ xót thương, hoặc vì tham lam mà giết, hoặc vì giận dữ si mê khinh mạn mà giết, hoặc dùng phương tiện độc ác mà giết, hoặc thề giết, nguyền giết, dùng phù chú giết, v.v... hoặc phá hồ tháo nước, thiêu đốt núi rừng, săn bắn chài lưới, hoặc nhân khi gió phóng lửa, hoặc thả chim săn, chó săn làm não hại tất cả mọi loài.  Những tội như thế, ngày nay chúng con đều xin sám hối. Hoặc dùng cạm bẫy hầm hố, câu liêm, kích, cung nỏ, bắn giết những loài chim bay thú chạy, hoặc dùng lưới rập, thả câu để đơm bắt những loài dưới nước làm cho tất cả những giống ở nước: cá, ba ba, trạnh, dọp, ốc, tôm, hến, v... ở mặt đất, ở trên không, chẳng còn chỗ nào trốn núp.  Hoặc nuôi gà, heo, trâu, dê, chó, ngỗng, vịt để tự mình giết ăn, hoặc mượn người làm thịt, khiến tiếng kêu thương của chúng chưa dứt mà lông cánh đã rơi rụng, mai vảy đã tan nát, đầu một nơi thân một ngả, xương thịt tiêu tan, lột, xé, mổ, cắt, đốt, thui, nấu, nướng đau đớn biết dường nào.
Ôi thôi!  Ỷ sức mạnh giết hại loài vô tội ăn thịt, chỉ sướng miệng một lúc, được chút vị ngon, bất quá vì ba tấc lưỡi mà phải mang lấy tội báo kiếp kiếp đời đời.  Những tội ác như thế, ngày nay chúng con xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc khởi binh đánh nhau, giao tranh nơi biên trường, hai bên giáp mặt, giết hại lẫn nhau, hoặc tự mình giết, hoặc sai người giết, hoặc nghe ai giết sinh tâm vui mừng, hoặc tập làm nghề mổ heo, bò, đi làm thịt mướn, xẻ nấu thân xác loài vật, gây nhiều việc bất nhẫn, hoặc giận dữ khoa mác múa dao, hoặc chém, hoặc đâm, hoặc xô xuống hầm hố, hoặc nhận chìm dưới nước, hoặc lấp hang phá ổ, hoặc lấy đất đá ngăn lấp, hoặc dùng xe, ngựa lăn cán dầy đạp tất cả chúng sinh.  Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin giải bày sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc phá thai, đạp trứng, dùng trùng độc, thuốc độc giết hại chúng sinh, hoặc khai khẩn đất cát, trồng cấy vườn ruộng, nuôi tằm, ươm kén, giết hại càng nhiều; hoặc đập đuổi ruồi muỗi, nhấm cắn chí rận, hoặc đốt rát dơ bẩn, khai thác ngòi rãnh giết hại loài vật, hoặc ăn trái cây, dùng thóc gạo, rau dưa, phải giết càn chúng sinh; hoặc đốt củi thắp đèn đuốc, thiêu chết các loài côn trùng; hoặc lấy tương dấm không khuấy động trên mặt; hoặc đổ nước sôi làm chết sâu kiến cho đến những khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng thường giết hại chúng sinh nhỏ nhít bay trên không bám dưới đất.  Bởi phàm phu tâm thức tối tăm không hay biết mới phạm phải các tội, ngay nay đều xin giải bày sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, đối với chúng sinh, hoặc dùng roi, gậy, gông, xiềng, hoặc dùng kềm kẹp tra khảo, đánh vật, thoi, đạp, lấy giây trói buộc giam cùm, tuyệt hẳn cơm nước, dùng những cách độc ác làm khổ não chúng sinh, ngày nay chí thành hướng về mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng, cầu xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội giết hại ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp được thân hình bền chắc như kim cương sống lâu vô cùng, xa lìa oán ghét, không còn nghĩ đến những việc giết hại.  Đối với chúng sinh coi như con một.  Nếu thấy bị tai nạn nguy cấp thì trước tùy phương tiện giải cứu, không lẫn tiếc thân mệnh, rồi sau mới đem chính pháp nhiệm màu nói cho, khiến chúng sinh thấy hình thấy bóng đều được an vui, nghe tên nghe tiếng liền hết sợ hãi.
Vì thế ngày nay chúng con sin cúi đầu quy y theo Phật.
Nam mô Tỳ Lô Giá Na Phật
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam mô Long Tự Tại Vương Phật
Nam mô Bảo Thắng Phật
Nam mô Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật
Nam mô Ca Sa Tràng Phật
Nam mô Sư Tử Hống Phật
Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam mô Địa Trang Nghiêm Bồ Tát
Nam mô Quán Tự Tại Bồ Tát
Đảnh lễ chư Phật rồi, kế đến sám hối nghiệp trộm cướp.  Trong kinh nói: "Vật của người khác thì người đó giữ.  Dầu một lá rau, cộng cỏ mà không cho cũng không lấy, huống chi trộm cướp."  Nhưng vì chúng sinh chỉ thấy lợi trước mắt nên lấy một cách trái đạo, đến nỗi sau này phải chịu tai ương.  Bởi vậy kinh nói: "Tội trộm cướp làm chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỉ, chịu khổ vô cùng."  Nếu đầu thai trong đường súc sinh, phải chịu làm thân trâu, ngựa, la, lừa, lạc đà, v.v... đem thân máu thịt của mình trả nợ kiếp trước cho người.  Nếu được làm người, phải chịu làm thân tôi mọi kẻ khác, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa, bần cùng khốn khổ, lẽ sống của con người hầu như không còn gì nữa.
Sự trộm cướp đã có khổ báo như thế, ngày nay chúng con chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc trộm tiền tài, bảo vật kể khác, hoặc cầm dao cưỡng đoạt, hoặc tự mình xông đến bức người lấy của, hoặc cậy quyền nương vào thế lực, dùng kìm to kẹp lớn ép chế oan người lương thiện, hoặc thâu tiền đút lót của bọn gian, đánh khảo người ngay buộc cho là tà vạy, vì những nguyên nhân ấy khiến họ sa vào lưới pháp luật, hoặc ăn tiền của kẻ dưới để dung túng họ làm bậy, hoặc lấy của công làm lợi riêng, lấy của riêng vào việc công, làm tổn hại người kia để đem lợi cho người này, làm tổn hại người này để đem lợi cho người kia, lấy bớt của kẻ khác để làm lợi ích cho mình; miệng hay nói bố thí mà tâm thì bỏn sẻn, trốn thuế đò ải, bớt của công để dùng vào việc riêng, dấu sưu dịch để sai làm việc mình.  Những tội như thế ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc những vật của Phật, Pháp, Tăng không cho mà lấy, hoặc vật thuộc về kinh tượng, hoặc vật dùng để cất chùa, xây tháp, hoặc vật dùng để cúng dường thường trụ Tăng hay chư Tăng tại chùa, hoặc trộm cắp lấy lầm, cậy thế không trả lại, hoặc tự mình vay mượn, hoặc cho người khác vay mượn mà quên sót, hoặc đem của Tam Bảo dùng không phải chỗ, tiêu pha lãng phí, hoặc lấy những vật như thóc, gạo, củi, rác, muối, đậu, tương, dấm, rau, dưa, hoa, quả, tiền, vải, tre, gỗ, lụa là, phan lọng, hương hoa, dầu đèn tùy tình mặc ý tự mình lấy dùng, hay cho người khác dùng; hoặc trích hoa quả cúng Phật, hay dùng đồ vật chúng tăng, hoặc lấy của Tam Bảo làm của riêng mình. Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay chúng con hổ thẹn, đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc chỗ bạn bè qua lại, sư tăng đồng học, hay cha mẹ anh em, bà con quyến thuộc cùng chung ở nhau, mà trăm món cần dùng lừa dối gạt gẫm nhau, hoặc đối xóm giềng gần gũi dời rào, xê tường, xâm lấn đất nhà người khác, đổi mốc, thay nêu, cướp giựt tiền của, bao  chiếm ruộng vườn, mượn tiếng việc công để làm lợi riêng, sang đoạt hàng quán rẫy bái của người.  Những tội như thế, ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc đánh phá thành ấp, đốt làng phá dậu (hàng rào) buôn bán lương dân, dụ dỗ tôi tớ của người, hoặc áp chế oan những kẻ vô tội, hoặc bị đâm chém máu rơi thịt nát, thân bị đầy ải, gia sản tan nát, cốt nhục chia lìa, mỗi người một cõi, sống chết cách tuyệt.  Những tội như thế vô lượng vô biên, ngày nay đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, buôn bán hàng hóa, tạp quán đổi chác đồ vật, dùng cân non, đấu nhỏ, giảm bớt thước tấ, xén lấn phân thù lường gạt từng ly, đem của xấu đổi của tốt, đem thứ ngắn đổi thứ dài, giả dối trăm chiều để mong cầu chút lợi.  Những tội như thế, ngày nay chúng con đều xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, hoặc khoét vách đào tường, chận đường cướp đoạt, hoặc trốn nợ, xén bớt tài lợi, hoặc phụ tình trái hẹn, ngoài mặt lừa dối, trong lòng mưu  toan, hoặc cướp giứt trái đạo, đồ vật của quỉ thần, cầm thú, chúng sinh, hoặc mượn cớ coi quẻ coi tướng để gạt lấy tài sản của người như thế cho đến đem lợi cầu lợi, cầu cách vô đạo, cầu cách tham lam, không biết chán, không biết đủ.  Những tội như thế vô lượng vô biên, không thể nói hết, ngày nay chúng con chí thành, hướng về mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng, đều xin sám hối.
Nguyện do công đức sám hối những tội trộm cướp ấy, chúng con đời đời kiếp kiếp được ngọc như ý, thường xuất sinh bảy món trân bảo, y phục cực đẹp, đồ ăn đủ vị, đủ các thứ thuốc men, tùy ý muốn vật chi tức có liền vật ấy, lại nguyện cho tất cả chúng sinh không ai còn tưởng đến sự trộm cướp, ít ham muốn, biết vừa đủ, không đắm nhiễm, thường vui lòng bố thí, thực hành đạo cứu tế, bỏ đầu, mắt, tủy, não như đã bỏ đờm dãi, để mong thành tựu bố thí ba la mật.
Kế đến chúng con... xin sám hối tội tham ái.  Trong kinh nói: "Chỉ vì tham dục nên bị giam hãm trong ngục si mê, chìm đắm trong vòng sinh tử, không biết ngã ra."  Chúng sinh vì say đắm ngũ dục, nên từ xưa nay bị lưu chuyển mãi trong đường sinh tử.  Giả như lấy xương chúng sinh trong muôn vạn kiếp chất đống lại thì bằng núi Tỳ phú na ở thành Vương xá, sữa mẹ cho bú nhiều như nước bốn biển, máu huyết trong mình chảy ra còn hơn thế nữa, nước mắt cha mẹ anh em bà con quyến thuộc thương khóc khi lâm chung cũng nhiều như nước bốn biển.  Vì thế nên nói: còn tham ái thì còn sinh tử, hết tham ái thì sinh tử diệt.  Thế mới biết tham ái là gốc sinh tử.  Trong kinh nói: "Tội dâm dục hay khiến chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỉ, chịu khổ vô cùng."  Nếu ở trong loài súc sinh phải làm chim bồ câu, chim sẻ, chim uyên ương.  Nếu sinh trong loài người thì gặp phải vợ (hay chồng) phụ bạc, bà con toàn với những người trái ý.  Sự dâm dục có quả báo xấu xa như thế, nên ngày nay chúng con chí thành cầu xin sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, chúng con hoặc quyến rũ thê thiếp, chiếm đoạt vợ con của người, hoặc làm ô nhục ni cô, phá phạm hạnh người khác, hiếp bức một cách vô đạo, đem tâm bất chính xem ngó lẳng lơ, nói cười bỡn cợt, hoặc làm nhơ tiếng tốt của người, hoặc làm hạnh bất tịnh với năm hạng người bán nam bán nữ.  Những tội như thế thật vô lượng vô biên, ngày nay chúng con, đều xin chí thành sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối những tội dâm dục ấy, đời đời kiếp kiếp được tự nhiên hóa sinh, không do bào thai, được thanh khiết sáng sủa, tướng mạo quang minh, sáu căn tỏ rõ, thông minh lanh lợi, hiểu rõ ái ân là cùm xích bó buộc, xét kỹ sáu trần là trò huyễn hóa, mà quyết định xa lìa cảnh ngũ dục, cả đến trong giấc mơ cũng không nghĩ điều bất chính, những điều mê hoặc ở trong ở ngoài, không thể động tâm.
Sám hối phát nguyện rồi, chúng con xin đem hết thân mệnh kính lễ Tam Bảo.
Chúng con trước đã sám hối ba nghiệp ác của thân, nay xin theo thứ lớp sám hối bốn nghiệp của miệng.
Trong kinh nói: "Những tội nghiệp do miệng gây ra, thường làm chúng sinh bị đoạ vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh chịu khổ sở vô cùng."  Nếu đầu thai vào loài súc sinh phải làm thân chim cú, chim mèo, tiếng kêu đáng ghét.  Nếu được sinh vào loài người thì hơi miệng hôi thối, nói không ai tin, còn trong bà con quyến thuộc thường xảy bất hòa, đánh lộn cãi lẫy.  Nghiệp của miệng đã có những ác quả như thế, nên ngày nay chúng con chí thành quy y Tam Bảo, cầu xin sám hối.
Chúng con... từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp ác khẩu nên phải ở trong bốn nẻo sáu loài, tạo nhiều tội lỗi nói năng thô tháo lời lẽ hung bạo ngang tàng, không biết tôn ty, đối với kẻ thân người sơ, kẻ sang người hèn, hơi trái ý mình, đã nổi giận hờn la mắng.  Mắng nhiếc hủy nhục, nhiều điều hèn hạ xấu xa, ác độc, không chừa điều chi, khiến cho người khác ôm hận suốt đời không quên, gây họa kết thù chẳng bao giờ dứt, lại còn oán thán trời đât, trách móc quỉ thần, chê bai các bậc hiền thánh, vu oan điếm nhục người lương thiện.  Những tội nghiệp do ác khẩu gây ra như thế thật vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói dối, tạo ra bao nhiêu tội lỗi.  Trong ý mong cầu danh dự, lợi dưỡng dấu diếm tình thực, dối trá đủ điều, trong tâm mê muội, ngoài mặt dạn dày, chuyện có nói không, chuyện không nói có, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, nghe nói không nghe, không nghe nói nghe, biết nói không biết, không biết nói biết, làm nói không làm, không làm nói làm, khi miệt thánh hiền lường đảo dối hoặc người đời, đến như cha con, vua tôi, họ hàng, bè bạn mà nói năng gì cũng không khi nào thành thực, khiến người khác lầm nghe mình đến nỗi phải tan nhà mất nước.  Lại còn giả trò yêu thuật, thường tự khen mình, khoe mình đã chứng tới bực tứ thiền, tứ vô sắc định, an na bát na, mười sáu quán hạnh, chứng bậc tu đà hoàn, đến bực a la hán, bích chi Phật, bậc bất thoái Bồ Tát, và Thiên long quỷ thần, thần gió, thần đất đều đến bên mình, lại bày trò lạ mê hoặc lòng người để mong cung kính cúng dâng bốn món cần dùng.  Những tội nghiẹp do vọng ngữ gây ra như thế, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói thêu dệt (ỷ ngữ) tạo ra bao nhiêu tội lỗi: dùng âm từ hoa mỹ, văn chương bóng bẩy, xuyên tạc sự sai lầm, trang sức điều trái quấy, khéo đặt những bản ca hát hình dung vẻ yêu kiều, mô tả thói dâm ô, khiến cho hạng trung lưu, hạ lưu động dâm đãng tính, say đắm tửu sắc không thể tự giác.  Hoặc phóng túng tư thù, không kể lời nghị bàn công chính, dẫu người kia là bậc trung thần, hiếu tử hay là chí sĩ, hiền nhân, vẫn cứ làm văn thêu dệt nên tội, để người đời sau in cho là thật, khiến người ta phải ôm hận dưới cửu tuyền không biết đâu biện bạch.
Những tội nghiệp do ỷ ngữ gây ra như thế, vô lượng vô biên, ngày nay chúng con đều xin chí thành sám hối.
Lại từ vô thỉ đến nay, vì nghiệp nói hai lưỡi gây ra bao nhiêu tội lỗi: khen trước mặt chê sau lưng, xảo trá trăm chiều, tới người kia nói chuyện người này, tới người này nói chuyện người kia, chỉ biết lợi mình, khơng nhìn hại đến kẻ khác, dèm xiểm để ly gián vua tôi, vu oan hủy nhục người lương thiện, để cho vua tôi nghi kỵ nhau, cha con bất hòa nhau, vợ chồng để bỏ nhau, họ hàng thân thích xa nhau, làm mất ơn thầy trò, dứt đường lui tới bạn bè, cả đến làm cho hai nước đang giao hảo nhau phải hủy bỏ minh ước, mất hòa khí, gây sự oán thù đem binh đánh nhau giết hại trăm họ.  Nghiệp nói hai lưỡi, gây ra tội lỗi vô lượng vô biên như thế, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật tôn Pháp, Thánh chúng, đều xin giải bày cầu xin sám hối.
Nguyện nhờ công đức sám hối bốn nghiệp ác khẩu, đời đời kiếp kiếp được đầy đủ tám thứ âm thanh, bốn món biện tài, thường nói những lời hòa hợp lợi ích, giọng nói thanh nhã ai cũng muốn nghe, lại được hiểu rõ ngôn ngữ chúng sinh.  Nếu có nói chi đều được thích hợp căn cơ, khiến cho ai nghe cũng được tỏ ngộ nhập thánh siêu phàm, mở phát tuệ nhãn.
Sám hối và phát nguyện rồi, xin đem hết thân mệnh kính lễ Tam Bảo.
Trước đã sám hối ba nghiệp ác của thân, bốn nghiệp ác của miệng, nay xin theo thứ lớp sám hối những tội chướng do sáu căn gây ra.
Chúng con... từ vô thỉ đến nay, mắt vi hình sắc ở ngoài làm mê hoặc, ham thích những màu đen, vàng, đỏ, trắng, tía, xanh, cùng những đồ chơi trang sức quí giá; hoặc thấy tớng mạo đàn ông, đàn bà, cao thấp, trắng, đen, cử chỉ yêu kiều diễm lệ, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc tai ham nghe tiếng hay như cung, thương, đàn, sáo, ca hát, trò vè, hoặc nghe những giọng thanh tao, lời ăn nói, tiếng khóc cười của đàn ông, đàn bà, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc mũi thích ngửi mùi thơm của gỗ trầm, gỗ chiên đàn, long não, xạ hương, hay mùi thơm của cây uất kim, cây tô hợp mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc lưỡi ham nếm những vị ngon lành tươi tốt, ngọt béo, nên phải lấy máu thịt chúng sinh để nuôi thân tứ đại, vun quén thêm cội khổ, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc thân mình ham muốn sự loè loẹt, gấm, vóc, lụa là, tất cả những thứ mượt dịu, y phục đẹp đẽ bằng thất trân, mà khởi ra những tư tưởng phi pháp; hoặc ý hay loạn tưởng nên gặp đâu cũng trái pháp.  Bởi sáu căn tạo ra tội nghiệp vô lượng vô biên như thế, ngày nay chúng con chí thành hướng về mười phương chư Phật, tôn Pháp, Thánh chúng, đều xin sám hối.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do nhãn căn gây ra, chúng con nguyện mắt này thấy suốt pháp thân thanh tịnh của mười phương chư Phật Bồ Tát, không bằng sự sai biệt.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do nhĩ căn gây ra, chúng con nguyện tai này thường được nghe chính pháp của mười phương chư Phật, Hiền Thánh đã nói, và thực hành theo đúng giáo pháp ấy.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do tỷ căn gây ra, chúng con nguyện mũi nầy thường ngửi hương thơm nhập pháp tính ở cõi Hương Tích, xa lìa mùi hôi thối bất tịnh của sinh tử.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do thiệt căn gây ga, chúng con nguyện lưỡi này thường ăn món ăn thiền duyệt pháp thực, không tham mùi máu thịt của chúng sanh.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do thân căn gây ra, chúng con nguyện thân này mặc được "áo Như Lai", khoác giáp nhẫn nhục, nằm giường vô úy, toà pháp không.
Nhờ công đức sám hối tội lỗi do ý căn gây ra, chúng con nguyện ý này thành tựu được mười lực, thông suốt được năm minh, xét rõ lý chân không bình đẳng của hai đế, theo trí huệ phương tiện vào được giòng nước pháp tính, niệm niệm sáng suốt, phát hiển pháp vô sinh nhẫn của Như Lai.
Phát nguyện rồi, đem cả thân mệnh kính lễ thường trụ Tam Bảo.