- 19 -
Trận Ðánh Biển San Hô

Sau những chiến thắng liên tục của hải quân Nhật tại Thái Bình Dương, đô đốc Yamamoto quyết định phải chiếm đảo Midway, mặc dù đảo này khá xa Nhật Bản. Yamamoto tin rằng khi chiếm được Midway, ông có thể thiết lập được một căn cứ tiền phong cho các cuộc tuần thám không lực và tiềm thủy đỉnh tại đó. Hơn nữa Yamamoto chủ trương phải dụ các mẫu hạm của Mỹ cho một trận đánh quyết định. Yamamoto cho rằng chiến dịch Midway sẽ hoàn tất những gì mà trận đánh Trân Châu Cảng không thực hiện được. Ông hy vọng rằng với một chiến thắng quyết định tại Midway sẽ bắt buộc người Mỹ phải thương thuyết hòa bình với những điều kiện có lợi cho Nhật Bản.
Khi Yamamoto đưa trình kế hoạch đánh chiếm đảo Midway lên bộ Tham mưu Hải quân Nhật thì kế hoạch này bị đa số bác bỏ, với lý do chiến dịch quá liều lĩnh và đảo Midway ở quá xa. Dù có chiếm được Midway thì việc tiếp tế cho Midway cũng rất khó khăn. Bộ Tham mưu Hải quân Nhật chỉ muốn đánh chiếm các đảo New Caledonia, Fiji và Samoa với mục đích tách rời Úc Ðại Lợi khỏi Hoa Kỳ. Nhưng Yamamoto cương quyết đòi hỏi phải thi hành kế hoạch tiến chiếm đảo Midway của ông. Cuối cùng bộ Tham mưu Hải quân Nhật đồng ý, nhưng muốn Yamamoto phải mở chiến dịch Biển San Hô trước, để cô lập Úc Ðại Lợi, không cho Úc Ðại Lợi trở thành một căn cứ tấn công của đồng minh vào Nhật Bản.
Vì thế, ngay trong lúc chiến dịch Midway đang được tích cực chuẩn bị thì có những phát triển mới, ảnh hưởng đến chiến dịch Midway tại một vùng ba ngàn dặm tại khu vực đông bắc Úc Ðại Lợi. Tại đó đệ tứ hạm đội Nhật của phó đô đốc Inouye tung ra cuộc tấn chiếm Tulagi thuộc quần đảo Solomons và hải cảng Morseby tại vùng đông nam đảo New Guinea ngày 7-5, mở đầu trận đánh Biển San Hô.
Các chiến lược gia Nhật Bản coi việc cô lập Úc Ðại Lợi rất cần thiết, vì họ sợ rằng đồng minh sẽ dùng Úc Ðại Lợi làm bàn đạp để phản công. Chiến dịch tại Biển San Hô có mục tiêu tách rời Úc Ðại Lợi ra khỏi đồng minh, vì khi chiếm được quần đảo Solomons, Nhật Bản sẽ kiểm soát được hải lộ giữa Úc Ðại Lợi và Hoa Kỳ. Có một sự bất đồng ý giữa hải quân và lục quân Nhật. Hải quân chủ trương chiếm Úc Ðại Lợi, nhưng lục quân phản đối vì nếu chiếm Úc Ðại Lợi thì lục quân phải trải lực lượng quá mỏng cho một chiến trường quá rộng lớn, nhất là chiến cuộc tại Trung Hoa đang lan rộng và đã thu hút phần lớn tài nguyên của lục quân. Trong lúc hải quân và lục quân Nhật còn mải tranh luận chiếm hay không chiếm Úc Ðại Lợi thì ngày 11-3, thủ tướng Ðông Ðiều gửi một điện văn hăm dọa Úc Ðại Lợi như sau:
"Úc Ðại Lợi phải hiểu rằng chống lại lực lượng bất bại của Nhật Bản là một điều không tưởng, xét về dân số thưa thớt, lãnh thổ quá rộng và vị trí của Úc quá xa Hoa Kỳ và Anh Quốc."
Thủ tướng Úc vội kêu gọi sự trợ giúp của Hoa Kỳ để chống lại Nhật Bản. Tuy nhiên sau đó quan điểm của lục quân Nhật thắng thế, nên Nhật không còn muốn chiếm Úc nữa, và chỉ mở trận đánh Biển San Hô để cô lập Úc Ðại Lợi.
Như đã hoạch định từ tháng giêng, cuộc xâm chiếm Tulagi và hải cảng Morseby phải thực hiện ngay sau khi hải quân Nhật chiếm xong Lae và Salamaua vào đầu tháng ba. Tuy nhiên khi tin tình báo cho biết lực lượng hải quân Mỹ tại vùng đông nam có tới hai hàng không mẫu hạm, bốn thiết giáp hạm, bốn chiến hạm nhẹ và hơn mười khu trục hạm, thì bộ tham mưu Nhật phải hoãn cuộc tấn công cho đến lúc đệ tứ hạm đội Nhật được tăng cường bằng những chiến hạm nặng, mượn từ lực lượng tấn công đảo Midway của đô đốc Nagumo.
Vì các chiến hạm cho đệ tứ hạm đội mượn sẽ được xử dụng trong trận tấn công tại quần đảo Midway, nên phó đô đốc Inouye lập tức mở cuộc tấn công Biển San Hô ngay. Theo kế hoạch của Inouye thì Nhật sẽ đánh chiếm Tulagi ngày 3-5 và toàn lực sẽ tung vào trận đánh chiếm hải cảng Morseby một tuần sau đó. Inouye chia lực lượng tấn công làm hai cánh tiến quân. Một lực lượng do đề đốc Goto chỉ huy gồm có hàng không mẫu hạm nhỏ Shoho, bốn thiết giáp hạm và một khu trục hạm. Lực lượng thứ hai do phó đô đốc Takagi chỉ huy có hai hàng không mẫu hạm lớn là Zuikaku và Shokaku, và sáu khu trục hạm.
Nhờ tin tức tình báo, đô đốc Nimitz, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, biết trước được kế hoạch tấn công khu vực Biển San Hô của Nhật. Nimitz lập tức ra lệnh cho đô đốc Fletcher và hàng không mẫu hạm Yorktown đang hoạt động tại nam Thái Bình Dương phải rút lui về Tongabatu để lấy thêm tiếp tế và sẽ gặp lực lượng của phó đô đốc Fitch và mẫu hạm Lexington tại Biển San Hô để ngăn chặn bước tiến của Nhật. Ngày 4-5 đô đốc Grace của Anh Quốc cùng ba chiến hạm cũng tiến vào vùng Biển San Hô để trợ giúp lực lượng Mỹ. Ðô đốc Grace được xung vào lực lượng xung kích 44, dưới quyền của đô đốc Fletcher. Chính trong trận đánh Biển San Hô, đô đốc Grace của hải quân hoàng gia Anh quốc đã trổ tài điều khiển chiến hạm tránh thủy lôi của hải quân Nhật Bản một cách tài tình xuất chúng, vô hiệu hóa rất nhiều đợt tấn công của phi cơ phóng thủy lôi Nhật.
Fletcher đưa mẫu hạm Yorktown hờm sẵn tại hành lang Jomard, chờ đợi hải quân Nhật đi qua để tấn công, vì ông biết rằng muốn tấn công hải cảng Morseby, hải quân Nhật phải đi qua hành lang này. Tuy đọc được mật mã của Nhật, nhưng đô đốc Nimitz cũng lo ngại không biết lực lượng nhỏ bé của Mỹ có thể đánh bại được lực lượng tấn công hùng hậu của Nhật hay không.
Về phía Nhật Bản, Inouye thành lập bốn lực lượng xung kích khác nhau. Phó đô đốc Shima chỉ huy lực lượng tấn công Tulagi; phó đô đốc Marushige hành quân tại quần đảo Louisiade; phó đô đốc Kajoka chỉ huy lực lượng tấn công Morseby, và phó đô đốc Goto chỉ huy không lực trên các mẫu hạm. Các tư lệnh Nhật Bản rất lạc quan vì tưởng rằng hải quân Mỹ chỉ có một mẫu hạm trong vùng.
Cuộc đổ bộ vào Tulagi của phó đô đốc Shima ngày 3-5 là một chiến thắng ngoạn mục, đúng theo kế hoạch. Ngày hôm sau lực lượng tấn công hải cảng Morseby bắt đầu di chuyển, có một chiến hạm nhẹ và sáu khu trục hạm yểm trợ. Tuy nhiên ngay khi cuộc tiến quân của Nhật vừa bắt đầu thì các hàng không mẫu hạm của Mỹ mở một cuộc tấn công ác liệt vào các địa điểm đổ bộ tại Tulagi, và phá hủy được một số tầu chiến của Nhật. Ðiều này cảnh cáo cho lực lượng Nhật biết lực lượng hải quân xung kích của Mỹ đang hiện diện trong vùng. Lực lượng của phó đô đốc Takagi đang ở phía bắc quần đảo Solomons, được lệnh phải tiến gấp rút tới nghênh địch. Lực lượng Nhật có nhiệm vụ tiến chiếm hải cảng Morseby vẫn tiếp tục cuộc hành quân và được lực lượng của phó đô đốc Goto bảo vệ.
Vào sáng ngày 6-5, các chiến hạm của Takagi đã tới phía đông nam của quần đảo Solomons, và tiến vào Biển San Hô, nhưng mãi ngày hôm sau Takagi mới đụng độ với hải quân Mỹ. Vào lúc hừng sáng ngày 7-5, những phi cơ tuần thám của Nhật bốc lên từ hàng không mẫu hạm tỏa ra tìm địch. Chỉ một lát sau, một phi cơ do thám cấp báo về đã tìm thấy lực lượng xung kích hải quân Mỹ, gồm có cả một hàng không mẫu hạm, tại một địa điểm khoảng 160 dặm về phía nam của vị trí Nhật. Toàn thể lực lượng tấn công của Nhật trên hai chiếc Zuikaku và Shokaku, gồm có 78 oanh tạc cơ, phi cơ phóng thủy lôi và chiến đấu cơ lập tức cất cánh tiến về phía vị trí hải quân Mỹ. Nhưng khi tới vị trí địch quân đã được báo cáo, các phi công Nhật chỉ thấy một tầu chở dầu có một khu trục hạm bảo vệ. Hai chiếc tầu này lập tức trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công ác liệt. Cả hai chiếc tầu, chiếc Neosho chở dầu và chiếc khu trục hạm Sims đều bốc cháy và chìm.
Ngay khi lực lượng tấn công Nhật bay đi để đánh vào một mục tiêu sai lầm thì đề đốc Hara, tư lệnh không lực tại các mẫu hạm Nhật, nhận được báo cáo mới, cải chính địa điểm của hải quân Mỹ đã báo cáo là một nhầm lẫn. Ðúng ra lực lượng xung kích của hải quân Mỹ hiện đang ở về phía đông nam trong quần đảo Louisiade. Tuy nhiên lúc đó đã quá trễ để ra lệnh cho phi đội tấn công của Nhật đổi hướng và Nhật đã bỏ lỡ một cơ hội vô cùng quý giá đánh địch quân một cú bất ngờ.
Sự nhầm lẫn này là một thất bại đắt giá cho hải quân Nhật. Trong khi lực lượng Nhật tung ra đánh hai chiếc Neosho và Sims, hai mục tiêu tương đối không có giá trị bao nhiêu, thì lực lượng không quân Mỹ đã tấn công vào những mục tiêu Nhật đáng kể hơn nhiều. Phó đô đốc Inouye đã ra lệnh cho lực lượng tiến chiếm hải cảng Morseby tạm rút lui về hướng bắc cho đến khi hiểm họa bị hàng không mẫu hạm địch tấn công không còn nữa. Trong lúc lệnh của Inouye được thi hành thì đúng 11 giờ sáng ngày 7-5, các phi cơ oanh tạc và phóng thủy lôi của Mỹ khám phá ra lực lượng Nhật yểm trợ quân tấn công hải cảng Morseby. Các phi công Mỹ tung ra một cuộc tấn công vô cùng ác liệt, tập trung tất cả hỏa lực vào chiếc mẫu hạm Shoho. Chỉ sau năm phút tấn công, mẫu hạm Shoho của Nhật bốc cháy và chìm vào lúc 11:35. Ðây là một tổn thất khá lớn cho hải quân Nhật.
Vào lúc các phi cơ của Nhật trên hai chiếc Zuikaku và Shokaku bắt đầu bốc lên để giao chiến với phi cơ Mỹ thì lúc đó đã muộn quá, và trời gần tối rồi. Ðề đốc Hara cảm thấy rằng nếu tung hết lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm Mỹ lúc đó thì quá nguy hiểm, vì phi công Nhật sẽ phải tìm đường về mẫu hạm và hạ cánh trong đêm tối. Tuy nhiên đề đốc Hara vẫn ước muốn phải tấn công địch càng sớm càng tốt, và ông quyết định tung ra một phần lực lượng không quân của ông vào cuộc tấn công vào lúc chập tối. Hara chỉ chọn những phi công đã được huấn luyện đánh đêm vào cuộc tấn công này.
Ðúng vào lúc 4:30, một lực lượng 27 oanh tạc cơ và phi cơ phóng thủy lôi Nhật cất cánh, nhắm hướng vị trí của lực lượng hải quân xung kích Mỹ. Ðoàn phi cơ Nhật này tiếc thay không tìm thấy hàng không mẫu hạm Mỹ, mà chỉ gặp một toán phi cơ Mỹ đang bay tuần tiễu. Thế là một cuộc không chiến xảy ra. Bên Nhật có một vài phi cơ bị hạ, nhưng phần lớn các phi cơ còn lại đã dùng hết hỏa lực vào cuộc không chiến. Số phi cơ còn lại của Nhật trên đưởng về bắt gặp hàng không mẫu hạm Yorktown của Mỹ, nhưng các phi cơ này đã xử dụng hết hỏa lực trong cuộc không chiến, nên không thể mở được cuộc tấn công mẫu hạm Mỹ. Một số phi công Nhật tưởng mẫu hạm Yorktown là mẫu hạm nhà nên đáp xuống, rồi lại vội vàng thụt lui bay lên khi nhận ra sự lầm lẫn. Trong số 27 phi cơ Nhật được lệnh đánh đêm, chỉ có sáu phi cơ bay về mẫu hạm còn nguyên vẹn. Những chiếc còn lại hoặc bị mất tích vì lạc trong đêm tối, hoặc bị tổn thất phải sửa chữa.
Trước lúc bình minh sáng ngày hôm sau, lực lượng của phó đô đốc Takagi lại tung phi cơ do thám để tìm mẫu hạm Mỹ. Vào lúc 8 giờ 24, các phi cơ do thám Nhật báo hiệu về trông thấy một hàng không mẫu hạm Mỹ tại tọa độ 205, cách xa lực lượng Nhật 235 hải lý. Các phi cơ do thám mô tả địch quân có hai hàng không mẫu hạm và một chiến hạm lớn. Hai hàng không mẫu hạm Zuikaku và Shokaku tung ngay ra một đợt tấn công mãnh liệt nhất, gồm tất cả 70 phi cơ oanh tạc và phóng thủy lôi. Vào lúc 11 giờ 20 thì đoàn phi cơ tấn công Nhật bay tới mục tiêu và bắt đầu cuộc tấn công, trong lúc đó hỏa lực phòng không trên các mẫu hạm và chiến hạm Mỹ bắn lên dữ dội.
Cuộc tấn công của các phi cơ Nhật tỏ ra rất hữu hiệu. Những báo cáo của các phi công Nhật tốt đẹp đến nỗi phó đô đốc Takagi và đề đốc Hara cũng phải nghi ngờ. Theo báo cáo của các phi công Nhật thì hai chiếc mẫu hạm Lexington và Yorktown bị đánh chìm, còn chiếc chiến hạm Mỹ bị tổn thất nặng nề. Nhưng về sau người ta được biết chiếc mẫu hạm Lexington không bị phi cơ Nhật đánh chìm, chỉ bị tổn thất nặng đến nỗi hải quân Mỹ phải bỏ và dùng thủy lôi đánh chìm. Còn chiếc Yorktown thì trong suốt cuộc tấn công của phi cơ Nhật chỉ bị trúng một vài trái bom. Tuy những trái bom của Nhật đã gây những tổn thất nặng nề, nhưng mẫu hạm Yorktown vẫn còn dùng được.
Trong lúc đó thì lực lượng xung kích của Takagi cũng bị phi cơ Mỹ tấn công. Các phi cơ Mỹ tiến tới tấn công lực lượng của Takagi đúng lúc các phi cơ Nhật vừa cất cánh đi tấn công hai chiếc Lexington và Yorktown. Ðúng 10 giờ 50, các phi cơ Mỹ tiến tới các mẫu hạm của Takagi, và tung hoành tấn công cho mãi tới 12 giờ 20. Mẫu hạm Zuikaku may mắn trốn thoát được cuộc tấn công bằng cách chạy vào ẩn nấp trong một vùng mưa rào và phi cơ Mỹ không tìm thấy. Chiếc Shokaku nằm lại, lãnh đủ trận thịnh nộ của các phi cơ Mỹ. Trong suốt 1 giờ 30 phút tấn công, các phi cơ Mỹ đã loại chiếc Shokaku ra khỏi vòng chiến. Chiếc Zuikaku còn lại phải chứa tất cả phi cơ của hai mẫu hạm.
Làn sóng của chiến trận dường như nghiêng thắng lợi về phía Nhật Bản, vì mặc dầu bị mất mẫu hạm Shoho và mẫu hạm Shokaku bị tổn thất nặng nề, nhưng mẫu hạm Zuikaku vẫn còn nguyên vẹn trong khi đó cả hai mẫu hạm của Mỹ được coi như đã bị loại. Những sự kiện này tạo ra một cơ hội tốt đẹp nhất cho lực lượng xung kích của Takagi, tiếp tục cuộc tấn công và hoàn tất việc tiêu diệt hải quân Mỹ trong trận đánh. Nhưng vào lúc 5 giờ chiều ngày 8-5, phó đô đốc Inouye bất thần ra lệnh lực lượng xung kích phải ngưng cuộc tấn công, và rút lui khỏi vùng chiến trường. Tiếp theo đó là lệnh đình hoãn kế hoạch tiến chiếm hải cảng Morseby và các toán hải quân hỗ trợ việc tiến chiếm hải cảng Morseby phải quay trở về căn cứ tại Rabaul.
Phó đô đốc Inouye phải ra lệnh tạm hoãn cuộc tấn công là vì ông ước tính rằng mặc dù Nhật đã đè bẹp lực lượng mẫu hạm của Mỹ, nhưng sức mạnh của Nhật còn lại không đủ để bảo vệ lực lượng đổ bộ vào hải cảng Morseby.
Khi báo cáo lệnh lui quân của phó đô đốc Inouye về tới bộ tư lệnh hải quân tối cao thì đô đốc Yamamoto vô cùng bất mãn trước sự thất bại của Inouye, không khai thác được lợi điểm trong trận đánh hạ được mẫu hạm địch buổi sáng hôm đó. Yamamoto gửi ngay cho Inouye, tư lệnh đệ tứ hạm đội, một điện tín bằng những lời lẽ rất cứng rắn, yêu cầu Inouye phải dùng mọi nỗ lực để tiêu diệt hoàn toàn hải lực còn lại của địch quân. Phó đô đốc Takagi cũng được lệnh phải tiến về hướng nam và phải tìm cho ra lực lượng hải quân của Mỹ để tiêu diệt. Nhưng lực lượng của Takagi cố gắng tìm kiếm thêm hai ngày nữa, nhưng vô hiệu quả, và đành phải rút lui khỏi vùng Biển San Hô vào đêm 10-5.
Các tổn thất của Nhật trong trận đánh Biển San Hô gồm có mẫu hạm hạng nhẹ Shoho, một khu trục hạm Kikuzuki, ba tầu nhỏ, mẫu hạm Shokaku, và 77 phi cơ bị bắn hạ, và khoảng 1,074 binh sĩ tử trận hoặc bị thương. Phần thiệt hại của hải quân Mỹ gồm có mẫu hạm Lexington, chiếc tầu chở dầu Neosho, chiếc khu trục hạm Sims, mẫu hạm Yorktown bị hư hại, 66 phi cơ bị rơi, và 543 binh sĩ tử trận hoặc bị thương. Như vậy trận đánh Biển San Hô không phải là một chiến thắng của Nhật Bản. Chính phủ Nhật rầm rộ công bố chiến thắng Biển San Hô để gây phấn khởi cho binh sĩ và quần chúng. Ðúng ra Nhật Bản tưởng lầm đã đánh chìm được cả mẫu hạm Yorktown.
Bộ tư lệnh tối cao Nhật Bản đành phải hoãn vô hạn định kế hoạch tiến chiếm hải cảng Morseby, và ra lệnh cho lực lượng hải quân trong trận đánh Biển San Hô phải quay về căn cứ, để sửa soạn cho một trận tấn công quan trọng hơn tại quần đảo Midway sắp tới. Ngày 17-5 chiếc mẫu hạm Shokaku về tới căn cứ Kure và được coi là một mẫu hạm bị tổn thất nặng nề nhất kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Các chuyên gia về hải chiến kinh ngạc nhận ra nhược điểm của các mẫu hạm, khi thấy một mẫu hạm lớn như chiếc Shokaku chỉ bị trúng có ba trái bom mà đã bị loại ra khỏi vòng chiến. Ngoài ra các tổn thất trên chiếc Shokaku nặng nề đến nỗi phải mất ít nhất một tháng mới sửa chữa xong. Chính vì thế, mẫu hạm Shokaku không được tham dự vào trận thủy chiến Midway.
Vài ngày sau đó, mẫu hạm Zuikaku cũng trở về đến căn cứ. Tuy chiếc Zuikaku không bị tổn thất, nhưng số phi cơ và phi công trực thuộc chiếc Zuikaku bị loại quá nhiều trong trận đánh Biển San Hô, nên mẫu hạm Zuikaku cũng không đủ sức mạnh để tham dự cuộc hành quân tại Midway. Sức mạnh của một hàng không mẫu hạm là số phi cơ và phi công quen thuộc xử dụng mẫu hạm ấy. Dù người ta tăng cường nhân viên phi hành và phi cơ mới cho chiếc mẫu hạm Zuikaku thì người ta cũng không đủ thời giờ huấn luyện thuần thục cho kịp với thời điểm đô đốc Nagumo xuất quân tiến đánh đảo Midway. Như vậy "chiến thắng" tại Biển San Hô của Nhật đã có những hậu quả rất tai hại cho chiến dịch Midway, một chiến dịch then chốt quyết định sự thắng bại của Nhật Bản trong đệ nhị thế chiến. Thiếu hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku thì lực lượng tấn công của đô đốc Nagumo mất đi một phần ba của sức mạnh không lực, một tỷ lệ rất cần thiết để chiến thắng.
Tuy nhiên sự thiếu hụt hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku không làm giảm sự lạc quan của bộ tư lệnh hải quân Nhật. Ðô đốc Nagumo vẫn tin tưởng rằng hai mẫu hạm Lexington và Yorktown của Mỹ đã bị đánh chìm rồi thì sự thiếu hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku không quan trọng lắm, và tin tưởng rằng xét về tương quan lực lượng thì chiến thắng vẫn nghiêng về phía Nhật Bản. Nagumo vẫn có trong tay bốn mẫu hạm Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu, và hết sức tin tưởng sức mạnh của hải quân Nhật sẽ đè bẹp địch quân. Ngay cả bộ tham mưu hải quân Nhật trước kia chống lại sự liều lĩnh tấn công đảo Midway, nay cũng tỏ ra rất lạc quan.
Dĩ nhiên các toan tính này của hải quân Nhật đã tỏ ra sai lầm. Chiếc Yorktown không bị chìm tại Biển San Hô, và cũng không bị thương nặng đến nỗi không tham dự trận đánh Midway được. Sau trận đánh Biển San Hô, chiếc Yorktown đã vội vã chạy về căn cứ Hawaii, tại đây các toán chuyên viên hải quân Mỹ thay phiên nhau sửa chữa chiếc Yorktown 24 giờ một ngày. Trong hai ngày, chiếc Yorktown đã sẵn sàng ra khơi, và gia nhập lực lượng hải quân Mỹ tiến về vùng Midway để ngăn chặn hải quân Nhật.
°

*

Mỹ hay Nhật đã thắng tại Biển San Hô? Nhật đã tạo được một chiến thắng chiến thuật, nhưng bị một thất bại chiến lược. Mẫu hạm Lexington bị đánh chìm đáng giá hơn mẫu hạm nhỏ Shoho của Nhật. Nhưng về mặt khác, sự hư hại nhẹ của chiếc Yorktown không đáng kể so với những tổn thất của hai mẫu hạm Zuikaku và Shokaku, và hai mẫu hạm này không dùng được trong chiến dịch Midway quan trọng. Hơn nữa hải quân Mỹ đã ngăn chặn được mục tiêu chính yếu của Nhật Bản là chiếm hải cảng Morseby. Như vậy khi đã cân nhắc tất cả sự kiện thì trận đánh Biển San Hô là một chiến thắng của hải quân Mỹ.
Người Mỹ đã học được nhiều bài học quý giá trong trận đánh Biển San Hô để áp dụng vào những trận hải chiến sau này. Ngoài ra trận đánh Biển San Hô cũng là một biến cố mới trong lịch sử hải quân. Lần đầu tiên, hai lực lượng hải quân thù địch không nhìn thấy nhau và không khai hỏa trực tiếp bắn hạ nhau. Trái lại đó chỉ là việc xử dụng không lực, thay thế cho những cỗ súng lớn có tầm hoạt động xa đặt trên các chiến hạm. Trận đánh này cũng là trận đầu tiên hải quân Mỹ chặn đứng được một loạt những chiến thắng liên tục của hải quân Nhật. Ðây cũng là trận hải chiến đầu tiên trong đó hàng không mẫu hạm đóng một vai trò chính yếu.
Nhưng tại sao hải quân hùng mạnh của Nhật Bản chịu lép vế trong trận đánh Biển San Hô? Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, người ta mới được biết rằng người Mỹ đã đọc được những mật hiệu của hải quân Nhật Bản, và do đó biết trước được mọi di chuyển, toan tính và hoạt động của hải quân Nhật. Trong một lá thư gửi cho thống đốc Dewey của New York, tướng Marshall, tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã viết:
"Trận đánh Biển San Hô đã được đặt căn bản trên sự giải thích mật mã của hải quân Nhật, do đó số chiến hạm ít ỏi của chúng ta đã được bố trí vào đúng chỗ và đúng lúc. Hơn nữa, chúng ta đã có thể tập trung lực lượng ít ỏi của chúng ta để chặn sự tiến quân của địch tại đảo Midway."
"Các chiến dịch tại Thái Bình Dương phần lớn được hướng dẫn bởi tin tức mà chúng ta thâu thập được về các sự phối trí của hải quân Nhật. Chúng ta biết rõ được sức mạnh của họ tại mỗi căn cứ...chúng ta kiểm soát được được sự di chuyển hạm đội của họ...và chúng ta chỉ việc ra lệnh cho tiềm thủy đỉnh chờ sẵn tại địa điểm thuận lợi nhất để tấn công."
Nhờ đọc được mật mã của hải quân Nhật mà đô đốc Nimitz đã chỉ định vị trí thuận lợi nhất cho mẫu hạm của đô đốc Fletcher trong trận đánh Biển San Hô. Các kế hoạch hành quân tuyệt luân của đô đốc Yamamoto đã trở thành vô hiệu chỉ vì không bảo mật được. Chính nhờ sự khám phá được mật mã của hải quân Nhật mà sau này người Mỹ biết được chuyến bay của đô đốc Yamamoto, giăng bẫy và ám sát được Yamamoto, chiến lược gia hải quân lừng danh nhất của Nhật Bản.