Chương 9

Lớp trưởng Xuyến Chi không hề nghi ngờ chút nào về lý do vắng mặt bất ngờ của Quý ròm và Tiểu Long. Gì chứ nhức đầu, đau bụng ai mà chả bị. Thỉnh thoảng nó vẫn gặp trường hợp bất khả kháng này. Hơn nữa, Quý ròm và Tiểu Long xưa nay vẫn là học sinh gương mẫu. Lớp phó học tập Hạnh, “nhân chứng” của vụ này, càng gương mẫu hơn.
Xuyến Chi tin như sấm. Chỉ có lớp phó kỷ luật Minh Trung là ngờ ngợ. Giờ ra chơi, nó lại gần nhỏ Hạnh:
- Bạn Quý và bạn Long bị sao thế?
- Đau bụng.
- Ờ, đau lắm.
- Hồi sáng mình thấy Quý và Long tươi tỉnh lắm kia mà. – Nhỏ Minh Trung tiếp tục truy vấn, trông nó giống như người say mê đánh lưới, chưa bắt được mẻ cá nào chưa thôi.
Nhỏ Hạnh nhìn bạn, dè dặt:
- Minh Trung nhìn thấy hai bạn đó ở đâu?
- Chẳng phải Quý, Long và Hạnh ngồi đùa giỡn chỗ băng ghế đằng góc sân sao? Tới khi chuông reo vào lớp, mình vẫn thấy ba bạn ngồi ở chỗ đó mà.
- Ờ.
- “Ờ” là sao? Như vậy thì Quý và Long đâu có đau? – Cặp mắt Minh Trung phát ra thứ ánh sáng không thể nhầm của người đang ngờ vực cả thế giới.
- Lúc đó thì không đau. Nhưng ngay sau đó thì đau. Đau đến ngất xỉu luôn! – Nhỏ Hạnh bình tĩnh đáp, hết sức ngạc nhiên về sự nói dối trơn tru của mình.
Nhỏ Hạnh nói kiểu đó, Minh Trung hết đường bắt bẻ. Vì cái thời điểm “ngay sau đó” mà nhỏ Hạnh nói, Minh Trung đã ngồi trong lớp rồi. Nó không nhìn thấy cái cảnh “đau đến ngất xỉu” của Tiểu Long và Quý ròm nếu quả thực cái cảnh đó có xảy ra.
Minh Trung đi, thằng Mười đến.
Mười mở đầu đúng cái câu Minh Trung vừa mở đầu, như thể hai đứa nó học chung một kiểu nhập đề:
- Bạn Quý và bạn Long bị sao thế?
- Đau bụng.
- Đau dữ lắm hả?
Nhỏ Hạnh gật đầu:
- Ờ, đau dữ lắm.
Sợ thằng Mười không tin, nó lật đật nói thêm, nố nén cười khi bắt gặp cảm giác nó đang nói bằng cái miệng dóc tổ của Quý ròm:
- Khi nãy Long và Quý mặt mày tái mét, mồ hôi túa ra khắp người.
Mặt thằng Mười ngẩn ra:
- Lúc nói chuyện với tôi, hai đứa nó còn tươi hơn hớn mà.
- Ờ. Nhưng Mười vừa vô lớp là Quý và Long liền ngã vật xuống ghế.
Thằng Mười không phải là lớp phó kỷ luật. Ngạc nhiên thì nó hỏi thế thôi, chứ không nhiễm thói quen “điều tra” như nhỏ Minh Trung. Thậm chí nó không buồn tự hỏi tại sao những người “mặt mày tái mét”, “mồ hôi túa ra khắp người” rồi sau đó “ngã vật xuống ghế” lại có đủ sức đạp xe về nhà trong khi phòng y tế nhà trường gần xịt lại không chịu lết vô. Mười chỉ chép miệng:
- Ngộ quá há.
Lúc thằng Mười nói “ngộ quá há” thì cách chỗ nó đứng chừng một trăm mét Tiểu Long cũng đang nói “ngộ quá há”.
Tiểu Long đang cùng Quý ròm ngồi trong quán giải khát cách cổng trường chừng ba mươi mét, tay múc từng muỗng xi rô dâu cho vào miệng và khi Quý ròm cằn nhằn “Tao không hiểu nhỏ Hạnh nghĩ ngợi thế nào mà kêu tao và mày ra đây ngồi” thì Tiểu Long dừng cái muỗng trên không để cái miệng có thì giờ phát biểu cảm tưởng bằng ba tiếng “ngộ quá há”.
- “Ngộ” cái đầu mày! – Quý ròm xẳng giọng, nó đang bực mình vì dòm đến mờ cả mắt suốt hai tiếng đồng hồ vẫn chẳng thấy kẻ khả nghi nào mò tới chỗ phòng bảo vệ.
Tiểu Long đưa tay gãi đầu, giọng tỉnh khô:
- Cái đầu tao có gì đâu mà ngộ!
- Dạo này mày đối đáp giỏi quá ha. – Quý ròm lườm bạn – Đối đáp giỏi như thế sao lúc nãy mày không phản đối ý kiến của Hạnh mà lót tót theo tao ra ngồi trơ thổ địa ngoài này?
Tiểu Long rụt cổ:
- Thông thái như mày còn nghe lời Hạnh răm rắp, nói gì tao!
Chẳng thèm dùng ống hút hay dùng muỗng, Quý ròm bưng ly xi rô húp một cái rột, như thể mượn thứ nước dâu ngọt lịm kia nhấn chìm nỗi chán chường trong lòng. Nó đặt ly xuống, khua chân đá Tiểu Long một cái dưới gầm bàn:
- Theo mày, sáng nay ba thằng Mười có sẽ xuất hiện không?
Tiểu Long bối rối đưa tay quẹt mũi:
- Làm sao tao biết được?
- Làm sao để biết được, đó là chuyện của mày. Tao chỉ cần mày trả lời câu hỏi của tao thôi.
Tiểu Long gãi cằm, ngạc nhiên thấy lúc nó chưa gãi cằm thì cằm nó không ngứa nhưng khi nó cào móng tay lên thì cằm lại ngứa quá chừng.
Nó gãi và nghĩ, nghĩ và gãi, cảm thấy mình thích hợp với chuyện gãi hơn là chuyện nghĩ. Nhưng nó biết thế nào nó cũng phải trả lời Quý ròm. Làm thinh là không xong với thằng này.
- Theo tao thì... thì... – Cuối cùng thì Tiểu Long ép mình phải mở miệng, mặc dù ngay cả nó cũng không biết “theo ý nó” thì ba thằng Mười có sẽ đến trường Đức Trí sáng nay không..
- Thì sao? – Tiểu Long quắc mắt.
Tiểu Long nuốt nước bọt:
- Thì... thì...
Tiểu Long tìm cách kéo dài thời gian và trong khi nó thấp thỏm chờ ở miệng Quý ròm một câu nói kháy thì thằng này cả người lẫn ghế đột ngột lạng qua một bên, miệng la hoảng:
- Coi chừng thằng Mười nhìn thấy tụi mình!
Cũng như Quý ròm, Tiểu Long hấp tấp thụt người ra đằng sau chiếc tủ trái cây và lật đật lia mắt về phía cổng trường. Quả nhiên, thằng Mười lúc này đang lượn lờ trước phòng bảo vệ. Nó đang lúi cúi tìm tìm dưới đất, bộ tịch giống như kẻ vừa làm rớt thứ gì đó.
- Nó làm rớt tiền hả mày? – Tiểu Long thắc mắc.
Quý ròm nhún vai:
- Theo tao, nó chẳng làm rớt thứ gì hết.
- Thế nó đang kiếm gì vậy?
Giọng Quý ròm vẫn ráo hoảnh:
- Nó cũng chẳng kiếm cái gì sất.
Câu trả lời của Quý ròm làm Tiểu Long giương mắt ếch:
- Thế...
- Nó chỉ làm bộ thế thôi. – Quý ròm vịn tay lên vai bạn, gật gù giải thích – Nó muốn dò xem ba nó đã gửi tiền ở phòng bảo vệ cho nó chưa đó mà.
- A, tao hiểu rồi. – Tiểu Long reo lên, trông nó sung sướng như thể chính nó phát hiện được nguyên nhân – Nếu ba nó đã gửi tiền, thế nào khi trông thấy nó lảng vảng ở gần đó bác bảo vệ cũng gọi nó lại để đưa tiền.
- Thì vậy. – Quý ròm vuốt tóc.
- Điều đó chứng tỏ nhỏ Hạnh đã suy đoán chính xác. Rõ ràng xưa nay ba nó đều gửi tiền vào buổi sáng.
Thằng Mười vẫn loanh quanh vô vọng trước phòng bảo vệ cho đế khi tiếng chuông vào học vang lên cho biết ba nó vẫn chưa đến trường. Và nếu ba nó chỉ đến vào buổi sáng như nhỏ Hạnh nói thì lát nữa đây chắn chắn ba nó sẽ xuất hiện. Quý ròm nghĩ vậy nên nó chăm chú dán mắt về phía phòng bảo vệ, mặt mày trông còn căng thẳng hơn lúc nãy.
Lần này Quý ròm và Tiểu Long không phải đợi lâu.
Học trò kéo nhau vào lớp chừng hai mươi phút, tụi nó đã thấy một người đàn ông mặc áo phông xanh, cỡi chiếc max đỏ, rề rề chạy tới gọc đường và dừng xe ngay trước cổng.
Quý ròm bấm tay bạn:
- Tới rồi.
Tiểu Long căng mắt nhìn qua bên kia đường, liếm môi hỏi:
- Ba thằng Mười hả?
- Ba nó chứ ai?
Ba thằng Mười không dẫn xe vào trong sân trường. Ông tắt máy, dựng xe bên lề đưởng, bật khóa cổ, rồi vội vã đẩy cổng bước về phía phòng bảo vệ.
Có vẻ như ba thằng Mười và bác bảo vệ đã quen nhau từ trước. Ba thằng Mười tới bên cừa sổ, đưa thứ gì đó cho bác bảo vệ, nói vài câu, gật đầu chào rồi quay trở ra. Hết sức nhanh chóng.
Ở khoảng cách quá xa, Quý ròm và Tiểu Long không trông rõ cái mà ba thằng Mười đưa cho bác bảo vệ là vật gì nhưng tụi nó cũng đoán được đó là tiền.
Tiều Long nhìn Quý ròm:
- Đuổi theo chứ?
- Ờ.
Quý ròm đáp, nó rút tờ hai chục đặt lên bàn, quay về phía chủ quán, kêu lớn:
- Tiền đây nha!
- Nhưng đuổi theo làm gì hở mày? – Tiểu Long chùi tay lên trán, nó đứng dậy theo Quý ròm bước ra cửa vừa thắc mắc – Bây giờ chắc ba thằng Mười sẽ về nhà hoặc tới chỗ làm...
- Tao cũng chẳng hiểu... – Quý ròm tặc lưỡi. Nhưng vừa cầm lấy ghi-đông xe, nhác thấy ba thằng Mười chạy ngang trước mặt, nó đã tái mặt kêu – Đuổi theo mau!
- Gì thế?
Tiểu Long phóc lên yên, ngạc nhiên nhìn bạn.
- Người đàn ông đó không phải là ba thằng Mười!
Buông thõng một câu, Quý ròm nhấn bàn đạp phóng vụt đi. Phát hiện bất ngở của thằng ròm làm Tiểu Long cuống quýt. Nó luýnh quýnh đến suýt làm ngã xe.
Cũng may, người đàn ông trước mặt chạy không nhanh lắm.
Lúc bình thường, Quý ròm yếu như sên, đi đâu cũng nhờ Tiểu Long chở. Mỗi đứa một chiếc, bao giờ cũng thấy nó chạy tuốt phía sau. Vậy mà lúc này nó phóng như tên bắn khiến Tiểu Long phải la oai oái:
- Đợi tao với!
Quý ròm vẫn không giảm tốc độ:
- Lẹ lên! Coi chừng mất dấu!
Tiểu Long cắm cúi nhấn bàn đạp. Nó hổn hển nói, khi đuổi kịp thằng ròm:
- Chạy gần quá coi chừng ông biết à.
- Chắc ổng không để ý. Ổng có biết tụi mình là ai đâu!
Người đàn ông áo xanh không để ý hai thằng nhóc phía sau thật. Ông không ngoái đầu lại lấy một lần, chiếc Max đỏ vẫn chạy với tốc độ đều đều không đổi.
Chạy một lát, Tiểu Long đâm ngứa ngáy:
- Ông đó là ai vậy hả mày?
Quý ròm nguýt bạn:
- Mày hỏi tao, tao biết hỏi ai?
Rồi nó tặc lưỡi:
- Chắc ổng là bạn của ba thằng Mười.
- Ba thằng Mười không đến trường được nên nhờ ổng đi giùm hả?
- Ờ, tao đoán vậy. Chắc sáng nay ba thằng Mười kẹt chuyện gì.
Buột miệng xong, Quý ròm biết ngay là mình đoán sai. Trông thái độ của bác bảo vệ hồi nãy thì rõ ràng người đàn ông áo xanh không phải là kẻ xa lạ. Chắc chắn ông ta đã đến đây không chỉ một lần! Quý ròm nhíu mày, tự giải thích. Có lẽ xưa nay ba thằng Mười toàn nhờ người bạn này đi gửi tiền. Ông không dám đặt chân đến trường vì sợ người vợ sau bắt gặp. Chắc vậy!
Người đàn ông trước mặt bất thần rẽ phải rồi rẽ trái, rồi lại rẽ phải khiến Quý ròm vội ngưng ngay suy nghĩ. Nó và Tiểu Long cố mở to mắt, bụng nơm nớp lo sợ bị cắt đuôi.
Loanh quanh khoảng nửa tiếng đồng hồ, người đàn ông dừng lại trước cổng chợ An Tây, dẫn xe vào gửi.
Tiểu Long chống chân xuống đất, liếc bạn:
- Giờ sao mày? Đứng ngoài này hay vào theo?
Quý ròm hất đầu:
- Tụi mình gửi xe rồi bám theo!
- Bám theo làm gì? – Tiểu Long trố mắt – Tụi mình đứng đây đợi cũng được vậy.
Tiểu Long hừ mũi:
- Mày cứ nghe tao đi!
Tiểu Long phân vân quá, nhưng nó không quen cãi lời bạn. Nó leo xuống xe, lẽo đẽo  theo Quý ròm vào bãi gửi.
Lúc tụi nó dắt xe vào thì người đàn ông áo xanh đi ra, tay đang nhét chiếc vé vào túi áo. Ông bước vội vã, lướt mắt qua hai đứa nhóc nhưng không biểu lộ thái độ gì. Tiểu Long thở phào: Thằng ròm nói đúng! Ông này không biết mình và thằng ròm là ai!
Khi hai đứa nó quay ra, chạy lên bậc thềm thì người đàn ông áo xanh vừa ngoặt quanh dãy ki-ốt bên trái.
- May qua! Ông ta kia kìa.
Quý ròm kêu khẽ và co giò chạy theo.
Nhưng vừa rẽ khỏi dãy ki-ốt, nó thình lình khựng lại khiến thằng Tiểu Long bám sát phía sau đập mặt vào ót nó một cái “cộp” khiến cả hai cái miệng đều bật kêu lớn “ui da”.
Tiểu Long bụm mặt, cự nự:
- Mày làm trò gì thế hả ròm?
Quý ròm hấp tấp quát:
- Lùi lại mau! Coi chừng mẹ thằng Mười trông thấy tụi mình.
Quý ròm nói nhanh, nhưng đôi chân của tụi nó không nhanh bằng ánh mắt của mẹ thằng Mười.
Mẹ thằng Mười đang ngồi trong sạp vải, chưa kịp gật đầu với người đàn ông áo xanh đang tiến lại, đã vội quét mắt về phía phát ra hai tiếng “ui da”.
Bắt gặp hai gương mặt trông quen quen, bà thoáng ngạc nhiên nhưng rồi bà nhớ ngay ra là hai đứa bạn học của thằng Mười tối hôm qua vừa đến chơi với con trai bà.
Bà mỉm cười với Tiểu Long và Quý ròm lúc này đang ngượng ngịu ngó nhau, mặt đứa nào đứa nấy đỏ đến mang tai:
- Tụi cháu đi đâu đây?
Người đàn ông không quan tâm đến hai đứa nhóc, giọng vui vẻ:
- Tôi làm xong việc chị giao rồi đó, chị Sáu.
Mẹ thằng Mười quay nhìn người đàn ông:
- Cảm ơn cậu Tám nhiều nghe.
Ánh mắt của hai đứa nhóc đi qua đi lại giữa mẹ thằng Mười và người đàn ông một cách sửng sốt, đầu óc vón cục lại, cảm thấy trí tưởng tượng của tụi nó không thấm tháp gì với những gì tụi nó đang nhìn thấy.