Dịch giả: THÁI THU LAN
- 12 -

Trong cuộc hành trình, chúng tôi chẳng trao đổi với nhau một lời. Về phía tôi, đó không phải là thái độ dự tính trước, nhưng tôi nghĩ là sau việc xảy ra với nàng, cô gái này không còn muốn chuyện trò gì với người không quen, mới gặp nữa.
Nàng ngả đầu ra đàng sau, tựa tên thành đệm ghế ngồi, và mỗi lần nhìn sang phía nàng, tôi lại thấy đôi mắt nàng mở to, đăm đăm nhìn trước mắt.
Tôi chưa bao giờ ở trong tình trạng hai người cùng ngồi trên một chiếc xe gần nhau đấn thế. Cánh tay trái của nàng chỉ cách cánh tay tôi vài xăng ti mét mỗi lần tôi gạt cần số xe. Nàng giữ đùi khép lại, và chiếc váy để lộ ở phần trên đầu gối của nàng một vùng da rám nắng.
Tôi không hề có chút xíu ý muốn chạm vào cánh tay hoặc đầu gối nàng, nhưng tôi cảm thấy mình đang ở trong vùng tỏa sáng của sự hiện diện của nàng, và lòng tôi thấm đẫm một thứ từ trường của những cảm xúc và mùi hương người, nhờ đó mà tôi có thể cảm nhận được trạng thái căng thẳng thần kinh của nàng, chia xẻ được sự tê cứng của chân tay nàng, và ngay cả không cần nhìn nàng cũng đoán biết được cái nhìn đăm đăm của nàng.
Một lát sau, nàng có một cử động để thay đổi tư thế. Quay về phía cửa xe, nàng duỗi người trên ghế. Dường như thân mình và lưng của nàng bắt đầu thư giãn và sự căng thẳng khốc liệt của hệ thống thần kinh bắt đầu nhường chỗ cho sự mệt mỏi.
Vừa lái xe, tôi ghi nhớ những đổi thay của phong cảnh dọc đường, từ lâu đã là thân thiết với tôi, nhưng nay như kế tiếp nhau nhanh hơn thường ngày: cái phong cảnh những cây bạch dương nước Ý trên thượng lưu sông Loire; và chính sông Loire được thu lại thành những giòng nước li ti uốn lượn trên một bãi cát lầy nhạt màu rồi đến địa phận vùng Beauce, bằng phẳng hiền hòa, trống trơn sau mùa gặt; nếu không kể đến những luống trồng ngô thẳng hàng vô tận.
Lúc này xe chúng tôi lăn bánh giữa các cây trồng đều đặn ở hai bên đường, như xưa kia, trước khi người ta bắt đầu công việc mở mang đường sá và chặt các cây ngô đồng. Tôi đã biết nơi này. Chúng tôi đi gần đến Vendôme.
Tôi không thể ổn định tinh thần trong cái hoàn cảnh lạ lùng này, nó nhảy từ chấm hỏi này đến chấm hỏi khác mà không tìm được lời giải đáp. Cô gái trẻ này đã đánh nhau với ai? Tại sao cô đòi tôi dẫn cô về nhà? Để trốn tránh ư? Để chờ đợi ư? Cho đến bao giờ? Và sáng mai bà Berthier sẽ nghĩ gì khi phát hiện ra có nàng ở trong nhà? Tôi sẽ giảng giải thế nào cho bà ấy đây? Thực tế quả là vô lý và bà ta sẽ kết tội tôi là đạo đức giả hoặc là khờ dại.
Những ý nghĩ này rối ren lộn xộn, lùng nhùng chẳng đưa đến kết luận gì.
Điều duy nhất tôi tin chắc được, đó là cảm giác về hạnh phúc được ngồi bên cạnh người con gái xa lạ đã trở thành gần như quen thuộc này, bởi tôi chở nàng về nhà tôi, và cảm giác về sự tương phản giữa tính vật chất của mọi thứ quanh tôi – chiếc xe, bàn tay tôi đặt trên vòng lái, con đường mà tôi đã chạy qua hàng trăm lần – và tính bấp bênh tuyệt đối, hoàn toàn của cái hoàn cảnh mà tôi đang bị đặt vào trong đó.
Tiếng cô gái cắt ngang cơn mộng mơ này. Với giọng mệt mỏi, nàng hỏi:
– Chúng ta sắp đến nơi chưa?
– Sắp rồi, – tôi đáp, – bây giờ chúng ta đang ở rất gần nhà tôi. Trước khi đần nơi, chúng ta phải qua Vendôme. Tôi sẽ để cô dừng lại trước một tiệm thuốc, vì không chắc ở nhà có đủ các thứ cần dùng để chữa cho cơ.
– Tùy anh, – nàng trả lời.
Khi chúng tôi vào làng, tôi tìm một chỗ đỗ xe gần nhà thờ Ba Ngôi. Chữ thập màu xanh lá cây ở một tiệm thuốc nhấp nháy ngay đàng trước mặt. Cô gái mở cửa, ra khỏi xe, và đi về phía tiệm thuốc.
Tôi nhìn nàng bước đi. Trông nàng thon thả hơn lần đầu tôi trông thấy, tuy nàng vẫn giữ được vẻ hài hòa của sức mạnh và nét uyển chuyển trong dáng đi. “Tôi yêu cách nàng bước đi,” – tôi tự nói với mình. Đó là lần đầu tiên, tôi phát biểu bằng từ ngữ một nhận xét về nàng.
Khi trở lại xe hơi, nàng cầm ở tay cái túi bằng giấy trắng đóng nhãn hiệu y tế của tiệm. Tôi cúi mình xuống cầm vào nắm cửa để mở cửa xe và nhình nàng ngồi vào.
Khuôn mặt nàng đã được lau chùi sạch sẽ, vệt máu biến mất, nhưng các vết thâm ở môi và vết rách trên má vẫn còn. Da nàng trở thành hồng hào, do đã được chùi xát mạnh.
– Vết thương ấy đã làm cô đau, – tôi nói với nàng.
– Không đau lắm đâu, – nàng trả lời tôi. – Tôi đã mua cả thuốc để ngủ. Chúng ta đi chứ?
Thế là chúng tôi đi tiếp, lần này đến Saint Thuret. Khi chúng tôi đi vào trong làng, tôi giảm tốc độ, và nàng bắt đầu nhìn ngó chung quanh.
– Ở đây ư? – Nàng hỏi tôi. – Thế nhà anh đâu?
Từ xa đã thấy ngôi nhà. Đó là một nhà ở kiểu thị dân có lầu, một mặt tiếp giáp đường phố.
Khi đến gần, tôi sửng sốt vì cái kiến trúc kỳ khôi của nó, mà đến lúc này tôi mới chú ý. Mái nhà không cân đối. Các cửa sổ được bao bằng những khung chạm trổ theo kiểu phục hưng rất quen thuộc ở vùng này. Nhìn toàn bộ là giữ gìn kém. Các cửa chớp cần được sơn lại. các vân gỗ bắt đầu phô lớp gỗ mục trắng và nắm cửa chính không còn nằm ngang mà bị vẹo nghiêng.
Tôi xuống xe để mở cổng sắt, rồi dừng xe lại bên trong khu vườn, cách xa lối vào vài thước.
Thao tác theo tốc độ ốc sên của tôi nhằm làm chậm lộ trình để tránh mọi cuộc gặp gỡ, đã thành công, vì không còn ai ở trong văn phòng nữa. Các cửa chớp đã đóng. Tôi đi vòng quanh xe, sau khi mở cửa xe, tôi đề nghị cô gái:
– Nhà đây rồi, xin mời cô vào.
Lẽ ra tôi phải nói “lên” thay vì “vào”, do phải lên bảy tám bậc mới đến tầng trệt, vắt vẻo một cách kỳ quái.
Tôi lục túi để tìm chìa khóa. May quá nó đây rồi. Tôi mở cửa, bật điện lên để soi sáng lối đi vào tối tăm, nhất là khi các cửa chớp đều đóng.
Bậc thang thứ nhất ở ngay lối vào. Tôi toan đề nghị với cô gái để tôi xách dùm vali cho cô, thì sực nhớ ra là nàng không đem theo gì cả.
Trong chặng đường cuối, giữa Vendôme và Saint Thuret, tôi đã suy tính về nơi có thể để nàng ở trong nhà. Chỉ có một cách giải quyết duy nhất: căn phòng ở lầu hai.
Đó là một gian phòng lớn mà Florence đã sắp đặt làm phòng bạn bè, trong khi chờ đợi giả định con cái ra đời. Nó ở trên phòng ăn, nơi lầu một, và có hai cửa sổ, một trông ra mặt tiền, còn cửa sổ kia thì trông xuống vườn.
Florence đã cho đặt trong phòng một giường lớn và một tủ để xếp quần áo bằng gỗ bồ đào mua của một người buôn đồ cổ ở Tours. Phòng tắm ở liền một bên.
Vì trật tự do Floren ce thiết lập vẫn có hiệu lực tạm thời, nên giường luôn luôn được làm sẵn trước và bà Berthier chăm sóc phòng tắm một cách cẩn thận.
Tôi đi vào trước tiên để chỉ đường cho cô gái. Đến cầu thang lầu một, tôi giảng giải cho nàng:
– Chỗ tôi ở là ngay lầu này. Cửa này là cửa phòng ăn. Trước mặt là phòng sinh họat nơi mọi người ở đấy buổi tối. Tôi ở phòng bên. Nếu không phiền phải lên cao, thì phòng cô ở lầu trên.
Nàng gật đầu ưng thuận, và chúng tôi lại lên cầu thang.
Tôi vào trong phòng và sờ soạng đi về phía các cửa sổ để mở cửa chớp. Ánh chiều hôm le lói. Tôi bật đèn lên. Căn phòng được trang trí bằng thứ vải có những chùm hoa lịch sự, dịu dàng. Tôi đã đánh giá thấp khả năng trang trí của Florence.
– Ở đây thật đẹp, – cô gái nhận xét. – Chắc phải là yên tĩnh.
– Về khoản yên tĩnh thì cũng khá, – vừa cười tôi vừa nói với nàng. (Tôi nghĩ tới vẻ rầu rĩ của văn phòng luật sư và cảnh tượng uể oải của đường phố, vào ngày chủ nhật). – Nếu muốn nghỉ ngơi một lát, cô có thể ở lại đây. Chúng ta sẽ ăn tối vào lúc tám giờ, nếu cô đồng ý.
Nàng đến gần cửa sổ trong xuống vườn. Nàng nhìn bãi cỏ, những chiếc ghế bành muôn thuở bằng nhựa màu trắng và vài ngọn cây, những cây đẹp đẽ, cây phong và cây dẻ.
Tôi đến bên nàng và đến lượt mình, nhìn xuống. Cho đến lúc này, chưa bao giờ tôi lại thấy khu vườn lại bé đến thế.
Việc đột ngột có mặt của cô gái mang đến cho tôi một ý thức bất ngờ về các chiều cân xứng. Một khu vườn nhỏ bé trong một vùng đồng quê, nơi tuy nhiên lại có nhiều khoảng rộng. Phía cuối bãi cỏ, vàng úa và thưa thớt vì hạn hán trưa hè, khu vườn chạm vào bức tường. Chúng tôi đứng cách đó hơn ba mươi mét. Sau bức tường là những cánh đồng, bắt đầu trải dài cho đến vô tận.
Cô gái quay lại:
– Tám giờ, là rất hợp với bữa ăn tối, – nàng nói. – Nhưng anh đến tìm tôi nhé. Tôi sẽ bị lạc trong ngôi nhà đấy.