Dịch giả: THÁI THU LAN
- 15 -

Tôi dùng điểm tâm vào lúc tám giờ rưỡi, vừa mới đọc tờ nhật báo địa phương, Nền Cộng Hòa Mới, mà bà Berthier đem đến buổi sáng.
Đây là bữa ăn mà tôi ưa thích, giản dị với các sản phẩm ngon lành – bánh mì làng quê, một trái cam vắt và cà phê sữa mà bà Berthier pha cho tôi rất nóng. Tôi chờ thời điểm thuận lợi để nói về việc có Natalie trong nhà. Bà Berthier trở vào trong phòng, đem trứng lập là mà tôi đã gọi bà làm.
– Bà Berthier, tối hôm qua tôi đã đem một cô gái về nhà.
– Vâng, thưa ông, – bà chỉ nói thế.
Với bà, điều đó dường như không phải là một tin mới. Tôi đã không nghĩ đến đám bát đĩa bữa tối. Chắc hẳn bà ta đã đếm các đĩa.
– Cô gái này đã gặp nạn. – Tôi muốn tránh nói “gặp một tai nạn”, để không đi quá xa sự thật.
– Chắc cô ấy sẽ cần ở đây vài hôm. Tôi đã để cô ấy ở trong phòng lầu hai. Cô ấy sẽ dùng bữa tối với tôi. Bà hỏi xem cô ấy thích gì.
– Vâng thưa ông. Thế cô ấy dùng bữa trưa nay chứ ạ?
– Tội nghĩ thế. Tôi không hỏi cô ấy.
Tôi yêu mến bà Berthier. Tôi có thể nói trước được mọi phản ứng của bà trước khi chúng được biểu lộ, nhưng bà còn hiểu các phản ứng của tôi hơn. Bà coi tôi là “bất trị”. Tôi cho rằng bà có ý qua đó diễn tả một kết hợp về sự vô tâm và vô trách nhiệm. Bà có thể thêm vào đó cả sự lười biếng. Bà cũng nghi ngờ tôi về tính kỳ quặc do vài sở thích ăn mặc của tôi, nhưng về điểm này bà có phần cường điệu, bởi lẽ những tập quán sinh hoạt ở Saint Thuret đủ sức giữ tôi đi theo con đường ngay ngắn.
Bà Berthier hồn nhiên và có sức an ủi như những kỷ niệm ấu thơ. Song bà cũng làm cho bực mình vì sự hiểu biết tỉ mỉ về những quyền lợi của bà ở Sở An ninh xã hội và những mẩu giấy tờ mà bà thường xuyên buộc tôi phải điền vào đầy đủ để lo cho việc hưu trí của bà.
Lời thông báo của tôi không gây nên sự chê trách gì. Bà hẳn đã xếp việc tiếp khách kỳ dị này trong mục về thói vô trách nhiệm của tôi. Thế nhưng cuộc gặp mặc của bà và Natalie sẽ bùng nổ chuyện gì đây, và sự khám phá ra không phải “nạn nhân gặp nạn”, như cách diễn đạt khôn ngoan của tôi mà lại là người đàn bà trẻ đẹp nhất bà được trông thấy trong đời. Phải chi Natalie bị một cánh tay buộc vải hoặc mắt sưng húp. Để chứng minh việc giới thiệu của tôi, thay vì vài dấu vết mà nàng đã tìm cách xóa đi trên mặt. Tôi cứ nghĩ lan man…
Tôi đi xuống náu mình trong văn phòng luật sư. Ở đây, chẳng cần đưa ra những giải thích gì. Việc phát hiện một sự hiện diện lạ mặt trong nhà sẽ chỉ có hiệu quả duy nhất là gây ra những xì xào to nhỏ sau lưng tôi thôi.
Tôi ngồi trong ghế bành làm việc theo kiểu Louis Philippe. Tôi ghê sợ kiểu này, nó long trọng và trưởng giả, nhưng nó là một di sản của người ở trước tôi.
Tôi nhìn thấy các tờ giấy đặt trên bàn làm việc. Chúng liên quan đến việc mua bán một bất động sản đồng sở hữu ở Vendôme. Tôi xem lướt qua bản thảo chứng chỉ sở hữu, hoặc đúng hơn là bản do cô Odile chép tay. Bản này đã có từ thời Đế chế (…), vì việc lưu chuyển bất động sản này được thực hiện qua nhiều đợt thừa kế. Lời văn quanh co gợi cho tôi cảm tưởng lịch sử thì chậm rãi và uy nghiêm, còn các cuộc chiến tranh và cách mạng chỉ tạo nên những thời đoạn sôi động ngắn ngủi.
Tôi nghe sàn nhà răng rắc ở phía trên. Chắc là Natalie đang đi trở xuống.
Tôi gặp lại nàng vào bữa ăn trưa. Tôi gọi nàng bằng tên:
– Chào Natalie. – tôi nói.
– Xin chào, – nàng đáp lại.
Bà Berthier lặng lẽ đặt các món ăn lên bàn. Song, trực giác không đánh lừa tôi. Với kiểu nhún vai khi quay vào bếp, hiểu là bà chuyển từ sự hoài nghi thói vô trách nhiệm sang sự chê trách quả quyết nhất. Quả thật Natalie tuyệt mỹ. Tôi không biết nàng đã làm thế nào mà tiêu biến các dấu vết trên chiếc bludông của nàng. Khuôn mặt nàng tươi tỉnh, cởi mở, như sau một giấc ngủ ngon.
Chúng tôi dùng cà phê ở trong phòng khách, nơi Florence đã đã đặt tên lại thành phòng sinh hoạt chung.
Một tràng kỷ thấp được kê trước cửa sổ, ở chính ngay trên cửa vào ngôi nhà. Bao guanh tràng kỷ là hai ghế bành tay dựa đầy đặn, cũng bọc cùng một thứ vải.
Natalie ngồi trên tràng kỷ. Tôi ngồi trong một chiếc ghế bành. Natalie giành lấy bình pha cà phê, đặt trên bàn trước mặt nàng, giữa các tạp chí và hộp thuốc lá được tặng trong các lễ sinh nhật. Nàng đề nghị tôi:
– Anh dùng cà phê nhé?
– Xin vui lòng.
Chúng tôi uống cà phê nóng đến nỗi phải dừng lại sau mỗi ngụm.
Natalie nhìn tôi, đầu ngả về phía trước. Khi nàng ngồi, tôi trông thấy hai đùi nàng vắt chéo dưới làn váy xám.
– Tôi có điều muốn nhờ anh, – nàng nói. – Tôi cần đi lấy đồ về. Anh có thể cho tôi mượn xe hơi của anh được không?
– Đương nhiên. Không có vấn đề gì.
Khi trả lời nàng, tôi chợt nhớ ra là nàng đến chẳng có gì, không vali, không ví xách.
Thế rồi tôi hỏi nàng:
– Cô có giấy phép lái xe đấy chứ?
– Tại sao anh hỏi tôi như thế? – Nàng trả lời với tiếng nói sắc bén, gần như chanh chói. – Anh là cảnh sát à?
– Tội không có ấn tượng là văn phòng công chứng của tôi giống Sở cảnh sát, – tôi tức giận nói. – Tôi quá lười biếng để là cảnh sát, và tôi chẳng thích những chuyện lôi thôi. Nhưng tôi nghĩ nếu bị cảnh sát giữ, cô có thể gặp chuyện rắc rối.
– Tôi sẽ không bị cảnh sát giữ, – nàng cãi lại tôi cũng cùng một giọng như thế. Nhưng hạ giọng hơn. – Mà nếu tôi bị giữ, tôi sẽ lo liệu.
Trong tách chúng tôi đang còn cà phê để uống ngụm nữa. Việc này cho tôi có thì giờ chuẩn bị câu trả lời.
– Tôi đi lấy chìa khóa xe đây. Đó là chiếc Peugeot 504. Nó dẽ lái thôi. Bao giờ cô muốn đi?
– Ngay tức thì, nếu có thể được.
Chiếc xe để trong khu vườn. Nhà xe là một mái che ở phía bên trái, đúng sau ngôi nhà. Có chỗ chứa hai chiếc xe.
Chúng tôi cùng đi xuống bậc thềm, và đi qua dưới cửa sổ văn phòng. Tôi tự hỏi chẳng hay cô Odile có ngẩng đầu lên quan sát chúng tôi không.
– Tôi sẽ về muộn tối nay, – Natalie nói.
– Trong trường hợp ấy, cô cần chìa khóa.
May mắn là tôi bỏ các chìa khóa cổng sắt và cửa ra vào trong túi áo khoác. Tôi giảng cho nàng cách thức sử dụng.
Và tôi đưa nàng ra tận xe hơi, mở cửa xe cho nàng. Nàng ngồi vào xe. Bất giác nhìn sắc đẹp, mái tóc dày rậm vàng óng, khuôn mặt cân đối và khá linh hoạt, thông minh và chăm chú của nàng, cùng cánh tay đặt trên cửa xe mà tôi trông thấy trên làn da mịn màng những sợi lông tơ vàng rung rinh – vì nàng đã kéo áo tay bludông lên – làm tim tôi thắt lại ghê gớm. Tôi linh cảm thấy trước mặt tôi là sự hiện diện của một nỗi bất hạnh nặng nề, đau đớn, mà tôi sẽ không bao giờ thoát ra được.
Nàng mở khóa khởi động. Đi đến chỗ rào chắn, tôi mở cổng cho nàng. Nàng làm cử chỉ giơ tay khi đi ngang qua tôi. Tôi có ý nghĩ kỳ quặc là yêu cầu nàng dừng xe lại cho tôi lên: một thoáng ngốc nghếch. Chiếc xe đi xa. Tôi bước đi trên lề đường nhìn bóng nàng xa dần.
Hẳn là Natalie đã làm một động tác sai và bật đèn pha, vì một đốm sáng đỏ nhấp nháy đàng sau xe. Tôi dõi theo cái đốm sáng này đang dọc theo đường phố ra xa, đang từ từ xuống dốc, rồi đến chỗ rẽ, biến mất.
Thế rồi tôi nhận ra là Natalie đã không nói với tôi nàng đi đâu, và nàng cũng không hỏi tôi chỉ hướng đi cho nàng. Chắc là nàng đến Gué de Chambord.
Lẽ ra câu hỏi này đánh thức ở tôi sự tò mò, vậy mà tôi vẫn thản nhiên. Điều này quan trọng đối với tôi trong khi tôi đóng cổng sắt lại, là hình ảnh cái chấm nhỏ bé màu đỏ, ở đàng sau xe, đang chạy trốn tôi.
Natalie trở về muộn, sau mười một giờ. Tôi nghe tiếng bước chân nàng nghẽn lại ở cầu thang và trên đầu thang vì có tấm thảm. Nàng phải xách gì đí, một vali, hay những gói đồ, cứ chạm nhiều lần vào lan can thang gác.
Tôi chờ một lúc sau, sau khi tất cả trở lại im lặng, để đi tắt ngọn đèn ở đầu cầu thang mà nàng để sáng, và nó đang kẻ một vạch màu vàng dưới cửa phòng tôi, như dấu hiệu một thoáng qua đường của nàng.