Dịch giả: THÁI THU LAN
Lời người dịch
MỘT THOÁNG QUA ĐƯỜNG
Một thông điệp tình yêu

VGD.jpg
Valéry Giscard d’Estaing là Tổng thống nước Cộng hòa Pháp từ 1974 đến 1981. Ông là tác giả các tập sách:
– Nền Cộng hòa Pháp (1976)
– Hai người Pháp trên ba (1981)
– Quyền lực và đời sống (1984)
 
Khác hẳn các trước tác chính trị xã hội nói trên, Một thoáng qua đường (Le passage) xuất bản năm 1994, tạo được dư luận đầy thiện cảm đối với tác giả. Bởi lẽ, hiếm thấy một chính khách của một cường quốc lại là tác giả một truyện tình hấp dẫn như thế. Đó là câu chuyện về một đam mê bất ngờ và da diết, một mối tình khó cắt nghĩa, tế nhị và đau đớn được thể hiện bằng ngòi bút của một tài năng tiểu thuyết với giọng văn đằm thắm và trẻ trung, đáng ngạc nhiên ở một vị cựu Tổng thống.
Một thoáng qua đường là một tiểu thuyết về tình yêu, có thể nói là không giống với một tác phẩm khác viết về cái đề tài muôn thuở này.
Câu chuyện thật là giản dị, bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trong một chuyến đi săn của luật sư Charles, với Natalie – một cô gái đợi, đón xe bên đường.
Cú sét tình yêu giống như một định mệnh, làm cho vị luật sư trẻ choáng váng ngay từ lần đầu trông thấy cô gái có “mái tóc vàng óng, dáng dấp thanh tú, cử động mềm mại và nhanh nhẹn. Đôi mắt xanh biếc mênh mông trên khuôn mặt hai mươi tuổi sáng tươi rực rỡ…”
Rồi sau lần sơ kiến ấy, anh gặp Natalie trong một hoàn cảnh kỳ dị: cô bị thương ở mặt và đang ở trong một tình thế gần như tuyệt vọng, cần được giúp đỡ. Anh đưa cô về nhà mình; và từ đấy bắt đầu cuộc sống bên nhau của hai con người không quen biết, thậm chí hoàn toàn không biết gì về nhau. Bên cạnh Charles, Natalie vẫn giữ một đời sống riêng xa lạ và có phần bí hiểm đối với anh. Có đôi lần cô đến với anh: – Với anh, đó là Hạnh phúc và Tình yêu; nhưng Natalie nói là cô không yêu anh và đang chờ tin của người yêu ở xa. Đàng sau cô là một cuộc đời khép kin mà anh không muốn tìm hiểu, vì biết là không thể nào với tới được. Chỉ một lần sau chuyến cùng dạo chơi ngoài trời, hai người cùng nhắc tới buổi ban đầu gặp gỡ: Charles nói:
– Cái buổi ban đầu rất quan trọng. Mọi sự từ đó mà ra.
– Buổi ban đầu có thể đánh lừa – Natalie cãi – Ai đó gợi cho ta một cảm tưởng tốt đẹp. ta bị lôi cuốn và rất nhanh sẽ khám phá ra là bị lạm dụng hoàn toàn.
– Cô nói về các cuộc gặp thường tình. Còn tôi nói về những cuộc gặp gỡ đặc biệt, như của chúng ta chẳng hạn. Mọi việc diễn ra rồi tiếp nối do được ảnh hưởng từ khoảnh khắc ấy. Cuộc đời có những giây phút đặc biệt dữ dội mà hậu quả còn in hằn lâu dài. Với tôi, hạnh phúc hay bất hạnh là do cái phút ban đầu ấy quyết định…
Natalie tỏ ra xúc động và trở nên suy tưởng, như đã hiểu được một khía cạnh sâu kín trong tâm hồn đa cảm của anh. Nhưng tất cả chỉ có thế.
Rồi một ngày kia, Natalie cho Charles biết là nàng sẽ ra đi mãi mãi. Cô nói là cô cũng yêu anh, hứa sẽ gọi điện cho anh. Nhưng anh trả lời gay gắt là không thể tin được. Quả nhiên, từ đó nàng bặt tăm.
Cú sốc làm Charles đau đớn, phiền muộn. Anh trở lại sống đơn chiếc trong căn nhà vắng vẻ, mang trong lòng kỳ niệm da diết về người con gái đã gặp và phấp phỏng chờ đợi một điều gì đó, như chờ đợi bóng dáng một con hươu tuyệt đẹp hiện ra bên lối đi về của nẻo đường rừng…
Qua các trang tiểu thuyết, người đọc gặp rất ít sự việc và hành động. Không có gì được trần thuật rõ ràng trong cách miêu tả các nhân vật do họ gần như không có lai lịch rõ ràng. Tuy nhiên tính cách nhân vật hiện lên khá rõ, nhưng không phải là nhờ vào các tình tiết và khả năng thể hiện của người viết, mà chủ yếu là nhờ vào ngôn ngữ và văn phong của tác phẩm. Những tính cách và số phận được miêu tả ở đây như một tâm trạng, một thực thể tâm linh lôi cuốn người đọc, vì cái màu sắc hư ảo vừa lãng mạn vừa huyền bí của nó. Thế giới của tác phẩm không phải là một hiện thực được miêu tả trên bề nổi mà ở cái bề sâu của tâm thức con người. Người đọc bị lôi cuốn không phải vì những gì có thể hình dung bằng trí tưởng tượng mà vì những khắc khoải có thể cảm nhận bằng chính tâm hồn mình.
Điều đọng lại cuối cùng trong người đọc không phải chỉ là một câu chuyện Tình yêu theo nghĩa thông thường mà là một Thông điệp Tình yêu, Tình thương người tha thiết với sự tôn sùng cái Đẹp và cái Thiện.
Đó là điều mà mỗi chúng ta đều luôn luôn khao khát trong cuộc đời.

Dịch giả THÁI THU LAN

Mùa thu năm 1998
Chú thích:
[1] Tiều thuyết điển nhã: Thuộc nền văn học trang nhã, xuất hiện ở các vương triều miền Nam nước Pháp trong thế kỷ XI, XII: có nội dung ca ngợi Tình yêu và các chiến công nghĩa hiệp (lời người dịch).