BÀI THỨ NHẤT (B)

GIỚI LUẬT LÀ GÌ?
Bây giờ tôi dùng những khái niệm luật của Tây phương để thử tìm hiểu khái niệm về giới luật của Phật giáo. Tôi bắt đầu với hai tiểu tiết trước khi đi vào vấn đề chính này.
1 - Tiểu tiết thứ nhất, cốt để so sánh, liên quan đến khái niệm équité mà tôi đã tạm dịch là công bằng. Trong giới luật Phật giáo, khái niệm này được áp dụng rất rõ. Một ví dụ: cùng phạm tội Tăng tàn, tội được xử khác nhau tùy theo đức hạnh của người phạm tội. Có sáu hạng người được xử châm chước: người thông hiểu kinh tạng, người thông hiểu luật tạng, người thông hiểu luận tạng, người có tính biết hổ thẹn, hạng thượng tọa trưởng lão, người đại phước đức. Ðây là ý nghĩa của phẩm Hạt Muối mà Hòa thượng Thiện Siêu, Thượng tọa Chơn Thiện đã giải thích rõ trong sách của các vị: Bỏ một nắm muối vào chén nước, nước mặn uống không được. Bỏ một nắm muối vào chum nước, nước vẫn uống được như thường. Nước trong chén ít như đức thiện của một người; nếu người đó làm thêm một việc bất thiện nữa nào có khác gì bỏ muối vào chén, uống sao được! Trái lại, nếu đức thiện nhiều như chum nước, lỡ làm một việc ác, nước vẫn chưa mặn. (Xem Cương yếu giới luật, H.T Thích Thiện Siêu, tr. 87-88).
2 - Tiểu tiết thứ hai, liên quan đến các xã hội không có luật. Ngành nhân chủng pháp lý cho ta biết rằng các xã hội sơ khai, sống trong các tộc (ethnies), có thể không biết luật. Ý muốn chung sống được thể hiện bằng những phản ứng rất loãng, thiếu tổ chức của quần chúng. Phong tục có thể nảy sinh nhưng không rõ rệt. Từ đó, một vài nguyên tắc, ít nhiều mơ hồ, có thể manh nha. Cũng từ đó, tôn giáo phát triển, rồi thói quen, nếp sống, rồi có thể luật. Nói như thế này chắc là mơ hồ quá. Nhưng ấy là muốn nói rằng, quan hệ với thần linh, những cử chỉ hằng ngày, y phục, trang sức, trang trí, rồi có thể cưới hỏi, trách nhiệm, hợp đồng v.v... tất cả những chuyện đối với người sơ khai, nằm chung trong một bòng bong những húy kỵ, ngăn cấm.
Ðừng nói đâu xa, trong Cựu ướcTalmud, bên cạnh những nguyên tắc có tính luật, còn bao nhiêu những nguyên tắc khác chẳng ăn nhập gì đến luật: thức ăn, cách để tang... Luật Hồi giáo đầy những nguyên tắc phi luật như vậy. Luật Trung Hoa ở thế kỷ 17 phạt 60 trượng và đày một năm biệt xứ người con nào quên để tang khi cha mẹ chết. Luật Gia Long của ta cũng quy định chi tiết cách để tang của con cái, cách chào, cách lạy giữa vợ chồng, giữa vợ thứ và vợ chánh. Ðừng có đùa: vi phạm là bị phạt về hình đấy!
Lại nói đâu xa: luật nhà binh buộc cắt tóc ngắn khi nhập ngũ, buộc đánh bóng giày, buộc chào đúng phép.
Vậy thì, tiến trình lịch sử cho biết giữa tính luật và tính xã hội, biên giới không cứng nhắc, không bất di bất dịch.
Tôi đâu có ý so sánh xã hội thời Phật với xã hội sơ khai! Chỉ muốn nói rằng, tôi không ngạc nhiên tí nào khi biết rằng trong 12 năm đầu của đời sống tập thể, Phật không chế luật. Tập thể Tỷ kheo quây quần quanh Phật suốt 12 năm đầu giáo hóa là một xã hội không có luật! Luật không cần thiết vì đó là một xã hội toàn hảo. Vì Phật sống như thế nào thì tập thể sống như thế ấy. Vì như thế là đủ. Sống như Phật trước mắt. Cách sống đó với luật là một. Tất cả cách sống, nghĩa là tất cả luật nằm gọn trong một bài kệ:
"Thiện hộ ư khẩu ngôn,
Tự tịnh kỳ chí ý,
Thân mạc tác chư ác,
Thử tam nghiệp đạo tịnh
Năng đắc như thị hành
Thị đại tiên nhân đạo".
Hòa thượng Thiện Siêu tóm tắt ý nghĩa như sau: khéo giữ gìn thân miệng ý, đừng nghĩ bậy, đừng nói bậy, đừng làm bậy. Ðó là Giới kinh của Đức Thích Tôn.
Tất cả luật chỉ có ngần ấy. Luật mà không phải luật. Ðó là cách sống. Giữa cách sống và luật không có biên giới, không có phân biệt. Phật sống như thế thì đệ tử sống theo như thế. Và thế là đủ.
Chỉ về sau, 12 năm sau đó, đoàn thể Tăng già phát triển rộng ra, xã hội toàn hảo lúc đầu chuyển biến, luật mới thành ra cần thiết để quy định đời sống cộng đồng và đời sống đạo hạnh. Phật chế ra luật từ đó, chế ra mỗi luật nhân mỗi việc xảy ra trong Tăng chúng.
3 - Bây giờ, tôi đi vào vấn đề chính: tìm hiểu khái niệm giới luật của Phật giáo bằng cách đối chiếu với khái niệm luật mà tôi đã trình bày ở trên.
Ðây chỉ là một cố gắng tìm hiểu, một đề nghị có thể là quá bạo gan. Nhưng đây là dịp tốt để tôi học hỏi, để nhận những lời chỉ trích, dạy bảo. Tôi có thể nói ở đây điều mà tôi hiểu, có thể là tôi hiểu sai, nhờ dạy bảo.
Thú thật, tôi đọc năm lần bảy lượt quyển Cương Yếu Giới Luật của Hòa thượng Thiện Siêu, mà chẳng phân biệt được thế nào là luật, thế nào là giới. Ở trang 32, Hòa thượng giải thích rất rõ và tôi tưởng tôi đã hiểu: có giới chưa hẳn có luật mà luật thì phải có giới: "Giới là điều răn, luật là quy luật thi hành giới. Không có luật thì giới không có cách thi hành". Rõ! Thế nhưng sau đó, người đọc lại lẫn lộn giới với luật, luật với giới.
Ðể hiểu, tôi chỉ còn có cách áp dụng kiến thức của tôi về luật.
Ở trên, tôi đã nói: không ai định nghĩa được luật là gì. Thế nhưng ai cũng hiểu thế nào là một điều luật, một đạo luật. Cấm không được đốt pháo: đó là một điều luật. Cấm không được đa thê: đó là một điều luật. Thế nhưng khi nào cũng có câu hỏi đặt ra: tại sao có điều luật đó? Về đốt pháo, dễ. Về đa thê, đã khó rồi. Bởi vì, ở một nước Hồi giáo chẳng hạn, sao lại cấm kỵ đa thê? Ai dám cấm kỵ đa thê? Cấm đa thê, điều luật đó chỉ có thể giải thích và được chấp nhận dưới ánh sáng của một quan niệm nào đó về giá trị. Nghĩa là điều luật đó được đặt ra vì một giá trị nào đó, tổng quát hơn.
Bây giờ tôi nhắc lại một chuyện khôi hài ở miền Nam trước đây: luật bà Nhu cấm ly dị...
Cấm ly dị: ai cũng thấy ảnh hưởng của một tôn giáo, đạo Ki Tô. Về hình thức, đó là một điều luật; về nội dung, nó khác tôn giáo ở chỗ nào?
Tôi phân biệt hình thức với nội dung như vậy để cố hiểu một cách đơn giản giới và luật. Giới là nội dung, luật là hình thức.
Trong quyển Tỷ-kheo Giới của Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng dùng danh từ giới điều. Tôi thiển nghĩ rằng danh từ này làm dễ hiểu hơn, bởi vì giới điều đồng nghĩa với luật, với điều luật mà tôi vừa nói.
Bởi vậy, thay vì 250 giới, Hòa thượng nói 250 giới điều. Nói rõ hơn là 250 điều luật.
Trên 250 giới điều đó, Hòa thượng căn cứ vào nội dung mà quy nạp, nghĩa là phân loại. Phân loại như sau (tóm tắt):
– Liên hệ đến sát (sát sinh): 4 giới điều.
– Liên hệ đến đạo (trộm cắp): 2 giới điều.
– Liên hệ đến dâm: 8 giới điều.
– Liên hệ đến vọng... rồi đến y, bát, tọa cụ, ăn, học, tín đồ, thuyết pháp, cư xử trong tăng chúng v.v...
Như vậy là gì? Là có nhiều giới điều (điều luật) liên hệ đến một giới. Giới dâm có 8 giới điều, giới đạo có 2 giới điều, giới sát có 4 giới điều v.v...
Thế là sự phân biệt đã rõ giữa giớigiới điều (giữa giớiđiều luật). Giới là nội dung, tổng quát hơn; giới điều là mỗi điều luật cụ thể để thực hiện cái tổng quát.
Quy nạp như vậy, Hòa thượng vẫn thấy chưa đủ tổng quát, cho nên Hòa thượng quy nạp một lần nữa, và chia 250 giới điều ra thành hai loại mà thôi, là:
 1. Những giới điều cấm tội lỗi thực sự,
2. Những giới điều cấm cử động bất xứng. (Ðây là những giới điều liên quan đến oai nghi)[2].
Như vậy, đi từ nội dung đến hình thức, đi từ tổng quát đến cụ thể, tôi vẽ cho tôi cái biểu đồ sau đây để dễ thấy:
image1.jpg
Cũng vậy, trong Bồ-tát giới: giới là Bồ-đề tâm. Ðể gìn giữ và phát triển Bồ-đề tâm đó, chế ra những giới điều (điều luật)
image2.jpg
(Thiện Siêu, trang 210)
Bắt nguồn là giới. Tận cùng là những giới điều (= điều luật). Tất cả giới điều hợp lại thành một bộ luật, tức là Luật tạng (chứ không phải Giới tạng, Hòa thượng Thiện Siêu nói rõ ở tr. 32). Mỗi giới tổng quát hơn, nhắm vào một giới tổng quát hơn nữa. Ðể rồi kết cục quy vào một chữ Giới mà thôi là thân, miệng, ý, hay là nói theo Hòa thượng Trí Quang là nhắm vào cuộc sống viễn ly ác pháp (không ác ở thân, không ác ở miệng, không ác ở ý, tr. 24)
Bây giờ, tôi xin nêu lên ở đây một vấn nạn, vấn Như vậy, mỗi giới điều (= điều luật) đều có mang tính chất giới. Nhưng giới thì không cứ chấp chặt vào con số 250, 350. Tùy thời gian, tùy hoàn cảnh, giới điều có thể thêm bớt, sửa đổi, nhưng giới thì muôn đời và ở đâu chỉ có một. Bởi vậy, ai giữ được giới đó thì không cần luật nữa. Cho nên, trong 12 năm đầu, Phật không cần chế luật (chứ không phải không cần chế giới).
Bây giờ, tôi trở lại với chuyện tôi nói lúc đầu về chữ luật trong thế tục. Nói điều luật ai cũng hiểu. Nhưng nói luật một cách tổng quát, không ai định nghĩa được. Luật nhằm thực hiện giá trị tổng quát gì? Công bằng? bác ái? trật tự? hòa hợp? tự do? bình đẳng? Mà thế nào là công bằng? là trật tự? là tự do? v.v... Người Trung Hoa nghĩ khác. Người Mỹ nghĩ khác. Người Hồi giáo nghĩ khác. Người Ki tô giáo nghĩ khác... không có một giá trị tổng quát ( phổ quát) nào được chấp nhận bởi toàn thể, làm sao định nghĩa được luật?
Ðó là điểm khác biệt giữa quan niệm luật của thế tục và quan niệm luật trong Phật giáo. Trong Phật giáo, vấn đề rất rõ: luật là để thực hiện giới. Cho nên ta nói: Giới luật. Giới là giá trị tột bực; luật là những quy tắc cụ thể để thực hiện giới... nạn của một Phật tử bị méo mó bởi nghề nghiệp của một luật gia. Vấn nạn này, tôi mang trong đầu từ lâu, nay nhân có cơ hội nói về luật và giới luật mới dám thổ lộ.
Ðây là một "vụ án", có lẽ là "vụ án" quan trọng nhất trong lịch sử Phật giáo, nhưng quả là một vụ án tiêu biểu của tinh thần Phật giáo. Vụ án này, ai cũng biết, tạm gọi là "vụ án Ngài A-nan".
Khi Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị A-la-hán để nhớ lại, đọc lại, tụng lại những lời Phật dạy. Là thị giả của Phật trong suốt 25 năm, lại thông minh xuất chúng, đa văn tột bực, ngài A-nan không thể vắng mặt trong dịp này. Khổ nỗi ngài chưa chứng được A-la-hán, bởi vậy không đủ tư cách để tham dự kiết tập. A-nan chỉ còn một đêm chuyên tâm để đạt đến quả vị tột đỉnh đó; gần sáng ngài mệt quá, ngã mình xuống gối, đầu chưa đến gối thì ngài chứng.
Thành A-la-hán, A nan đi đến đại hội kiết tập. Nhưng trước khi được nhận vào đại hội, A-nan bị ngài Ca Diếp buộc phải sám hối về 6 "tội" như sau. Tôi trích nguyên văn Cương lĩnh giới luật của Hòa thượng Thiện Siêu:
Thứ nhất: Tôn giả là người đầu tiên xin Phật độ cho hàng nữ nhân xuất gia, thế là phạm tội Ðột-kiết-la, Tôn giả có nhận không?
A-nan đáp: – Tôi xét việc đó, thấy tôi không có lỗi gì, bởi lẽ, tôi thấy Di mẫu rất có công lao đối với Thế Tôn, cho nên tôi thưa với Thế Tôn, nhắc Thế Tôn nhớ công lao ấy của Di mẫu và xin cho bà xuất gia là có nguyên do như vậy, chớ không vô cớ. Nhưng tôn giả Ðại Ca-diếp bảo tôi như vậy, tôi tuân theo lời Ðại Ca-diếp xin sám hối.
Thứ hai: Có một lần, Tôn giả mang y Tăng-già-lê cho Thế Tôn và Tôn giả đã giẫm chân lên trên y, thế là Tôn giả bất kính, phạm tội Ðột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, tôi không phải bất kính đối với Thế Tôn mà giẫm lên y đang may cho Thế Tôn, nhưng vì lúc đó gió to quá mà không có ai đỡ giúp, cho nên tôi buộc lòng phải giẫm lên mé y để giữ cho gió khỏi tung vải lên. Nhưng mà Tôn giả đã nói thế thì tôi xin sám hối.
Thứ ba: Có một lần đức Thế Tôn sai Tôn giả đi lấy nước để Ngài uống. Tôn giả mang bát ra đi nhưng lại mang bát không trở về. Tôn giả nói rằng, khúc sông đó vừa có 500 cỗ xe đi ngang qua, nước đục quá không thể dùng được. Tôn giả không biết rằng nếu yêu cầu chư thiên họ sẽ dùng phép lực thì có thể làm cho nước trong để đem về cho Thế Tôn dùng hay sao? Tại sao Tôn giả không làm? Phạm tội Ðột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, khi ấy chư thiên thì chưa hiện đến, nhưng Thế Tôn thì Ngài đang cần nước, cho nên tôi quên khẩn cầu chư thiên, nên đã quay về trình với Thế Tôn sự kiện nước đục vì bị 500 cỗ xe vừa đi ngang qua, không thể dùng được. Nhưng Tôn giả đã bảo vậy thì tôi xin sám hối.
Thứ tư: Khi đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng nữa là Như Lai nhập Niết-bàn, lẽ đáng Tôn giả hầu Thế Tôn, Tôn giả phải năn nỉ Thế Tôn cửu trú thế gian để lợi lạc hữu tình, nhưng tại sao Tôn giả không xin. Như vậy là phạm Ðột-kiết-la.
– Tôn giả nói là tôi không muốn xin đức Thế Tôn cửu trú chứ gì? Thú thật, tâm tôi lúc đó như bị ma ám nên tôi không nhận ra. Khi nhận ra thì sự đã rồi. Tôi rất ân hận. Tôn giả nói tôi phạm Ðột-kiết-la, tôi xin sám hối.
Thứ năm: Khi đức Phật nhập Niết-bàn, có một bà già nghe tin đến hầu Phật, bà thương mến Phật quá và đã để rơi nước mắt trên chân Phật, in dấu trên chân Ngài. Sao Tôn giả không can ngăn bà, lại để giọt nước mắt ấy làm ô nhiễm chân Phật. Như vậy là phạm Ðột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, là người thị giả, khi ấy tôi thấy bà cụ có một lòng cung kính Thế Tôn quá nên tôi không dám can ngăn bà. Nhưng Tôn giả đã bảo có lỗi thì tôi xin sám hối.
Thứ sáu: Trước khi đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài có dạy rằng: Thế Tôn đã dạy giới luật cho hàng xuất gia và tại gia. Riêng hàng Tỷ kheo thì Ngài có dạy tùy nơi, tùy lúc, có thể xả bớt tiểu tiểu giới, nghĩa là có thể bỏ đi những giới điều vụn vặt. Tại sao Tôn giả không thưa Phật, xả tiểu tiểu giới là những tiểu tiểu giới nào? Thế là phạm Ðột-kiết-la.
– Thưa Tôn giả, lúc đó tôi cũng quên thưa Phật về chuyện ấy. Bây giờ Tôn giả nói tôi mới nhớ, nay Tôn giả bảo tôi sám hối, tôi cũng xin sám hối.
Tôi chỉ đứng trên một điểm nhỏ "méo mó nghề nghiệp" để đọc bản án của Ngài Ca-diếp và các câu trả lời của Ngài A-nan, và từ đó thấy có hai vấn đề:
1. Ý của Ngài A-nan trong suốt và Ngài A-nan không thấy mình phạm tội. Ở mỗi câu kết luận, Ngài nói: "Nhưng mà Tôn giả đã nói thế thì tôi xin sám hối".
2. Chỉ có ở lời buộc tội thứ sáu (về vấn đề Phật nhập Niết-bàn), Ngài A-nan mới thấy mình có "lỗi". Và Ngài nói: "Tôi rất ân hận. Tôn giả nói tôi phạm Ðột-kiết-la, tôi xin sám hối". Lời buộc tội thứ sáu của Ngài Ca-diếp (về những giới điều tiểu tiết) thật khó trả lời cho Ngài A-nan vốn là người quá thông minh để hiểu thế nào là tiểu tiết. Cách trả lời của Ngài A-nan cũng gần như cách trả lời chung: "Nay tôn giả bảo tôi sám hối, tôi cũng sám hối".
Từ hai ý nghĩ đó, tôi lại đem luật để chất vấn Ngài A-nan.
Nơi trang 139, quyển Cương yếu giới luật của Hòa thượng Thiện Siêu, tôi đọc thấy có hai trường hợp "phi pháp phi luật" như thế này:
– Một Tỷ kheo có tội mà nói không có.
– Một Tỷ kheo không thấy có tội, mà các Tỷ kheo nói có, thầy cũng sám hối xin bỏ. Ðó cũng là phi pháp phi luật.
Tôi thấy điều này quan trọng lắm, bởi vì đó là ý nghĩa của sám hối. Không thấy có tội mà sám hối thì trật hai lần: trật với khái niệm "tội" và trật với khái niệm "sám hối". Thế thì Ngài A-nan đã chẳng trật hai lần hay sao? Ðó là vấn nạn của tôi.
Tôi chỉ có cách trả lời như thế này thôi, và chính vì vậy mà tôi nêu "vụ án Ngài A-nan" ở đây:
Ngài Ca-diếp nêu luật ra để buộc tội, Ngài đứng trên lĩnh vực luật.
Ngài A-nan trả lời trên lĩnh vực giới. Giới của Ngài trong suốt như gương, vì thân, miệng, ý trong suốt như gương. Giới của Ngài đã trong suốt như vậy thì tôi cũng không nên lấy luật này luật nọ để chất vấn Ngài làm chi. Tôi làm như vậy là cốt để thử phân biệt giới và luật mà thôi.
Tôi kết thúc buổi nói chuyện hôm nay với lòng mong mỏi được nhận sự chỉ bảo của Hòa thượng Thiện Siêu về điểm này.
CAO HUY THUẦN
Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta,
Trung tâm văn hóa Khuông Việt xuất bản, 1999 (tr. 8-31).
Nhà xuất bản TP Hồ Chi Minh, 2000 (tr. 1-37).
-------
[2] Tôi trích 2 ví dụ liên quan đến giới uy nghi:
1. «Nếu tỷ-kheo lấy ngón tay ngón chân thọc lét lẫn nhau thì phạm ba dật đề» (nghĩa là một lỗi nhẹ).
2. Ví dụ thứ hai là một bài tụng:
«Ví như loài ong,
hút lấy mật hoa
thì không thương tổn
sắc hương của hoa,
mà chỉ hút lấy
cái vị mật ngọt.
Tỷ-kheo cũng vậy,
đi vào làng xóm
thì không can dự
công việc người khác,
không nhìn đáng làm
hay không đáng làm,
mà chỉ tự nhìn
bản thân mà đi,
coi có ngay thẳng
hay không ngay thẳng».