Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 11

Tháng Năm. Nơi giàn hoa, dây leo quấn xoay đủ mọi chiều, muôn sắc hoa tươi cười chào đón ánh bình minh. Hoa hòe như đám mây dầy đặc nở khắp đầu cành, một cơn gió thổi qua liền rực lên những hình ảnh bay lượn như mưa rơi. Buổi sáng trời trong, phong cảnh xinh đẹp, gió lành ngày tốt, họ Lý lại lần nữa treo lên hai ngọn đèn hồng Song Hỷ. Tiếng pháo trúc như tiếng sấm mùa xuân vang nổ không ngừng, người người lui tới nét mặt tươi cười chẳng dứt.
Đấy là cuối xuân đầu hạ năm 1945, những năm u ám loạn lạc. Quan hệ thông gia Lý-Lương được coi như là việc quan trọng mà người nơi thành nội bàn tán xôn xao, việc hôn lễ xa hoa phung phí phô trương hết mức, láng giềng khách khứa đều tạm thời quên đi chuyện ngày một căng thẳng do sự oanh tạc trên không, suốt ngày hôm ấy vui vẻ ồn ào.
Buổi hôn lễ, bận rộn nhất chính là Long Tường. Hôm ấy, anh khoác chiếc trường bào thêu hoa lộ vẻ sang giầu oai vệ, vào trong ra ngoài nghênh tân đón khách, chỉ huy nô bộc. Trên gương mặt tròn trịa đã quá tuổi, tràn đầy hớn hở mừng vui của Lý phu nhân được điểm tô một lớp phấn chì hồng hồng dày cộm, cũng chẳng thể che lấp những đường nhăn nếp gấp đã khắc ghi, bà thay người chồng đã mất hoàn thành chung thân đại sự của Phượng Tường, chỉ xem như là nhiệm vụ hoàn tất xong xuôi.
Cũng chưa từng một ai lưu ý, Tân lang trong hôn lễ lúc nào cũng nhắm nghiền đôi mắt, gương mặt tái xanh từ đầu đến cuối không một chút biểu tình. Phượng Tường trong giữa đám đông người luôn luôn đóng vai phụ lầm lì ít nói, ngay cả hôm nay dường như cũng không ngoại lệ, và chàng đối với những hình thức nghi lễ quan trọng đánh dấu sự đổi thay to tát trong cuộc đời mình, vốn dĩ không chút động lòng: nghênh thân bái thiên, nghênh tân kính tửu, chàng chỉ là một bù nhìn người gỗ chẳng chút cảm giác.
Những chuyện xảy ra sau lúc cùng Canh Dương chia tay trong đêm mưa ấy, chàng đã hoàn toàn không còn nhớ nữa. Chàng làm sao mà cáo biệt Canh Dương? Chàng quay về nhà như thế nào? Sau khi về đến nhà còn xảy ra những việc gì?...
Những việc này đã hoàn toàn tan biến trong ký ức. Thật ra, ngay cả những chuyện trước đây, cũng theo đó mà mơ hồ không rõ; chàng cảm thấy mình giống như là một vị thần tiên trong lúc vô ý bị trích giáng khỏi chốn thiên đường, trong khoảnh khắc sau khi rơi xuống bèn già đi mấy mươi tuổi. Chính xác là lúc tinh thần tỉnh táo lại, thấy mình đang nằm trên giường bệnh tại y viện, chàng sửng sốt nhìn quanh tứ phía - một mầu trắng toát sạch sẽ. Nắng xuân tháng Tư lại chói mắt như thế, nghiêng nghiêng từ ngoài song cửa sổ chiếu vào, chiếu đến bên chàng khiến chàng không cách nào lánh mình được.
Long Tường và Thứ mẫu chàng đối với chuyện sau đêm hôm ấy, kín miệng không đề cập đến, chỉ đặc biệt chú ý đằm thắm thương yêu. Họ không cho chàng biết là chàng đã hôn mê gục ngã nơi bậc thềm lầy lội tối tăm, sốt cao và bất tỉnh chẳng còn biết gì trong nhiều ngày. Họ cũng không nói cho chàng biết Long Tường đã tự trách mình khóc khan cả tiếng, tại bên giường bệnh chăm sóc suốt ba ngày ba đêm, tiều tụy đến nỗi gần như kiệt sức.
Phượng Tường trong cơn hôn mê ho dữ dội không dứt, ho đến nôn mửa, họ mời y sĩ đến nhà chẩn bệnh. Phượng Tường trong lúc chẳng còn ý thức, vẫn cứ như điên cuồng nắm bám chặt tay y sĩ mà lẩm bẩm mê man nói những lời chẳng ai hiểu được. Sau khi đưa đến y viện, kiểm tra là bị viêm phổi, tình thế nguy ngập đến nỗi ngay cả bác sĩ cũng không dám tin chắc. Chờ đến lúc bệnh tình ổn định lại, Phượng Tường khôi phục trí nhớ, đã là chuyện cũ hơn hai mươi ngày rồi.
Nằm dài trên giường bệnh, Phượng Tường vẫn vơ suy nghĩ: Canh Dương đã ở nơi chốn xa xôi nào chẳng biết, hay là đang ở xó góc nào đó trên chiến trường khói lửa đã nhiều ngày, cũng có lẽ, vốn là không còn tồn tại nữa. Chàng không thể tưởng tượng được trên thế gian không có Canh Dương thì cảnh tượng sẽ như thế nào, chàng dùng hết sức để mà nghiền nghẫm. Chàng cũng rất nỗ lực nhớ lại từng li từng chút chuyện giữa hai người, giống như lật lại từng chương trong lịch sử, từ lúc bắt đầu quen nhau mãi cho đến lần cuối cùng gặp mặt. Nhớ rõ ràng nhất là dáng vẻ tươi cười của Canh Dương, gặp nhau là chọc cười để lộ ra hai chiếc răng cọp nho nhỏ trắng ngần, tiếp đó là giọng nói trầm trầm đục đục của Canh Dương, còn thêm mùi vị nhạt mờ giữa ngực giữa cổ anh, thế nhưng, tình tiết câu chuyện rất nhiều; dường như trong khoảng thời gian hôn mê ấy, kể cả tri giác bi thương sầu não, tất cả đều bị cơn bệnh như tằm ăn rỗi mất gần hết.
Ký ức trong thời gian rất ngắn mất đi dữ kiện đau thương, liền giống như là một bi kịch chẳng liên quan, chẳng qua Phượng Tường chỉ thích xem những khúc đoạn hai người từ khi ban đầu gặp gỡ đến lúc kết thúc cuộc tình, chỉ giống như đọc Hồng Lâu Mộng, sự phồn hoa mất sạch nơi bốn mươi hồi sau cùng thì không buồn xem nữa.
Trong khoảng thời gian Phượng Tường lúc nào cũng trong cơn bệnh hôn mê sầu muộn, Canh Dương rốt cuộc có đến tìm chàng hay chăng? Giữa cơn say tỉnh mơ hồ dường như cảm thấy Canh Dương từng đã nắm lấy tay chàng, khóc lệ thấm ướt như cơn lụt hồng thủy tràn lan, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cảm thấy làm sao có thể được, Canh Dương mà có đến Đại ca đâu thể nào lại như người vô sự đến thế? Đoán chừng như vậy, Canh Dương thật không đến. Phượng Tường nghĩ tiếp: sau lúc từ biệt, hai người đều như đã chết rồi, trước Quỷ môn quan chàng bị lôi kéo quay về, vậy chứ, người kia thì sao?
Sau khi bình phục chàng vẫn suy nhược như trước, nhưng đã lần hồi khỏe mạnh hẳn. Long Tường nhắc lại việc cưới hỏi, nhưng lần này là Thứ mẫu thúc giục, bà hy vọng thay thế bằng xung hỷ của Phượng Tường, cầu mong từ nay về sau chàng suốt đời phúc thể khang an. Long Tường có hỏi ý kiến Phượng Tường; Phượng Tường đã từng nghĩ cao bay xa chạy đến chân trời góc bể, nhưng không có Canh Dương, tất cả đều trở thành cành khô tro nguội chẳng còn ý nghĩa gì nữa; chàng chỉ tùy tiện nói sao cũng được, việc hôn lễ bèn chiếu theo ý ban đầu mà chuẩn bị. Trong lòng Long Tường còn ray rứt nên hết lòng để tâm lo việc chung thân đại sự cho đứa em út vô cùng tưng bừng náo nhiệt, dường như đấy là một sự đền bù.
Sau hôn lễ, tháng ngày của Phượng Tường cũng không có quá nhiều thay đổi. Chàng vẫn như cũ trầm mặc ít lời, ban ngày theo Long Tường ra cửa hiệu lương thực thu xếp việc buôn bán lặt vặt, buổi tối về nhà phần lớn là ở nơi thư phòng phụ thân đọc sách. Người vợ của Phượng Tường lớn hơn chàng một tuổi, nhã nhặn lịch sự và quan tâm đến chàng; cô nàng thường cảm thấy chồng mình là một thế giới không thể sờ mó động chạm được. Tuy nhiên chàng đối với cô ta không tệ, lúc nào cũng hòa nhã điềm đạm, lễ độ khách khí. Nhưng chàng thường dặn rằng nàng không được kề cận, không thể làm vậy được. Cô ta chỉ mong rằng tháng ngày dài lâu sau đó, tình huống kỳ lạ này sẽ tự nhiên tan biến.
Còn như tự chính Phượng Tường, nơi cõi lòng thật ra đã bạc trắng mái đầu, chàng nghĩ đã đi đến bước này, cũng không cần phải truy cầu gì về định mệnh chính mình nữa. Nhưng người vợ, suy cho cùng là một cô gái tốt lành, là người vô tội; trước gương mặt tươi đẹp tràn đầy phúc hậu của cô ấy, chàng không nên bày ra cảnh buồn khổ. Vì vậy, chàng phải hết sức tự mình đối xử cô ta thân thiện một chút.