Dịch giả: Trường Vĩnh Hoa
Chương 12

Tháng Tám dương lịch, thời cuộc ngấm ngầm biến đổi như phong ba bão táp. Nhật Bản liên tiếp thối bại trên chiến trường, hiển tựa mũi tên bắn ra đã hết đà. Chính quyền Nhật Bản nơi Mãn Châu quốc cố gắng đè nén nỗi bất an, khắt khe kiểm soát những tin đồn thất thiệt như tiếng hạc kêu trong gió.
Ngày 15 tháng 8, Nhật bản đầu hàng vô điều kiện. Vào lúc viên chức cao cấp Nhật bản bên này Đông Bắc từ trong chương trình phát thanh vô tuyến nhận được huấn thị của Thiên Hoàng, chẳng ai không nước mắt đầy mặt khóc nức nở nghẹn ngào. Lập tức đem thông tin dấu nhẹm chặt chẽ, rồi từng mỗi nhóm thu dọn đồ tư trang đáng giá, ngay giữa đêm tối rút lui. Nhưng giấy dẫu sao cũng không che được lửa, tin tức này ban đầu lác đác tại thành nội lén lút truyền đi, bỗng nhiên chỉ như lửa rừng cháy lan ra đồng cỏ bùng cháy mãnh liệt.
Người người xúc động tinh thần, oán hờn căm giận bao năm chất chứa như hỏa sơn bùng nổ. Họ mở rộng cuộc tàn sát người Nhật Bản, lá cờ Nhật bị kéo xuống chà đạp để trút lòng căm phẫn; đầu đường cuối hẻm khắp nơi đều ầm ỹ lừng vang tiếng vui mừng khôn xiết, từ sáng ngày đến tối đêm, đón mừng sự kết thúc chuỗi ngày đen tối biến thành ngày sáng trời xanh.
Lý gia tại đường phố bày tiệc khoản đãi trong ba ngày, Long Tường mở một phần kho lương, phân phát lương thực chúc mừng khôi phục, hành động này rất được lòng người, kết quả là chẳng ai truy xét chuyện họ và người Nhật Bản cấu kết trong thời kỳ Ngụy Nhật. Người đi đường tới lui qua lại bất kể có quen biết hay không, đều trút bỏ gánh nặng trên vai cùng nhau chúc mừng.
Phượng Tường đưa mắt nhìn cảnh tượng mới của đất trời mênh mông tươi sáng, buồn vui lẫn lộn, ngỗn ngang trăm mối bên lòng. Canh Dương sống chết bặt vô âm tín, chẳng biết phải tìm đâu, thật đúng là hoa rụng phương nào người ta mù mịt, cả hai đều chẳng biết tin nhau.
Tháng chín cuối thu, lá phong hồng đỏ như mầu máu buông phủ khắp phố thành vắng lặng, sắc trời cũng ảm đạm dần lên, đến lúc kiểm kê sổ kế toán vào cuối tháng rồi. Ngày hôm ấy Phượng Tường tính sổ suốt cả buổi chiều, đến chập tối mà vẫn chưa hoàn tất. Long Tường bèn về nhà trước, để một mình Phượng Tường ở cửa hàng làm kế toán cho xong.
Cơn giá lạnh tăng dần. Trong lò lửa, tiếng củi nổ vang lốp bốp, ngọn lửa bốc lên có phần ma quái; ngọn đèn mờ tối, ánh lửa chiếu lên mặt chàng, bập bùng bất định, chàng bất giác có hơi mỏi mệt, buồn chán.
Phía trước có một bóng người trùng trùng ép xuống, Phượng Tường ngửng đầu nhìn thấy lờ mờ không được rõ lắm, bởi vì khuất bóng, bèn dụi mắt nhìn thật kỹ, thì ra là Canh Dương.
Canh Dương đầu đội nón lính, phong sương bám phủ đầy gương mặt, trên người mặc bộ quân phục màu nâu nhạt cũ kỹ cùng đôi giày ống cao, lâu rồi chưa cạo cắt cho gọn những râu ria đầy trên mặt, trông vô cùng thống khổ tiều tụy, nhưng anh vẫn điềm đạm mỉm cười, để lộ hai chiếc răng cọp trắng ngần.
Phượng Tường đứng lên như vào mộng, tựa huyền mơ, lảo đảo loạng choạng vượt qua chiếc bàn lớn rồi phóng vào trong lòng anh. Canh Dương vòng tay ôm nơi eo chàng, rồi nhẹ nhàng vuốt lên đôi gò má. Nước mắt Phượng Tường từng giọt tuôn rơi:
- Em tưởng là em không bao giờ gặp lại anh nữa. - Chàng kích động, chàng cảm nhận được mùi vị nơi cổ và cổ áo Canh Dương, tựa như bụi đất hòa lẫn vệt máu héo khô lâu cũ, tựa như mùi thơm nồng đậm từ đống lúa mạch vào những ngày thu.
- Anh làm sao còn dám đến đây? Anh không sợ bị người trên đường đánh chết hả? – Phượng Tường đau lòng sốt ruột hỏi.
- Anh trở lại hồi nào? Tối nay anh muốn ở lại nơi đâu? Anh… - Thật là nghìn đầu vạn mối chẳng biết từ đâu mà trỗi dậy.
- Tường… - Canh Dương nhè nhẹ đôi tay nâng mặt chàng - Anh đến đây để từ biệt em, sau này chúng ta cũng không thể gặp nhau nữa.
- Canh Dương, anh đi về đâu? Trở lại Nhật Bản ư? Em cùng đi với anh! – Phượng Tường nắm lấy vạt áo Canh Dương và thiết tha nhìn vào mắt anh. Canh Dương gượng cười thê thảm:
- Đây là chuyện không thể được, Tường, em không thể đi theo anh.
Phượng Tường quay đầu lại ngắm nhìn, trên bàn quyển sổ kế toán còn trăm thứ bày ra phải hoàn tất mà vẫn chưa thu xếp xong. Phải rồi… trong nhà còn có vợ, mẹ và anh trai trông chàng, đợi chàng về nhà ăn cơm, chàng đâu thể bất cứ lúc nào cũng như chim trời mà cao bay xa chạy; hôm nay, ngày mai, ngày mốt, rồi biết bao này sau đó nữa, trách nhiệm nặng nề đang chồng chất trên vai.
Ngày hạ qua đi, những ngày vui đẹp rồi cũng đã hết, khúc đoạn này của chàng và Canh Dương, cũng chỉ là một thời ngắn ngủi sớm nở tối tàn.
Phượng Tường quá đau thương, ôm lấy vai Canh Dương mà khóc nức nở. Ngón tay gầy guộc của Canh Dương chậm rãi vuốt lên tóc chàng, anh hôn lên tóc mai, rồi khẽ cúi mà nói vào bên tai chàng:
- Anh lúc nào cũng nhớ đến em… lúc nào cũng nhớ đến em… - Anh vô cùng quyến luyến mà nhìn Phượng Tường một lần cuối, sau cùng buông tay xoay người bỏ đi.
Phượng Tường vội vã kéo anh lại, nhưng toàn thân như mất sức chẳng thể dời đi được một bước, chàng bất giác kêu thét lên:
- Canh Dương! Canh Dương…!
Người làm công ngoài cửa nghe tiếng vội chạy nhanh vào, hoảng hốt hỏi:
- Nhị thiếu gia, xảy ra chuyện gì đấy?
Phượng Tường chợt tỉnh, tiếng củi vẫn nổ lốp bốp như trước đó, ánh lửa tối sáng lập lòe, chàng tức tốc nắm chặt người làm công mà hỏi:
- Vừa rồi có ai vào đây không?
- Không có mà! Tôi mãi chờ ở bên ngoài. - Người làm công kinh ngạc trả lời, nghi thần nghi quỷ nhìn quanh bốn phía một lúc rồi nói:
- Nhị thiếu gia, tôi xem cậu chắc đã mệt rồi, trời cũng đã tối, đại thiếu gia và phu nhân đang ở nhà chờ cậu dùng cơm đấy! Phải chăng chúng ta cũng nên đi về thôi?
Phượng Tường khẽ gật đầu, cúi mặt nhìn vào vệt nước mắt loang lổ trên sổ kế toán, trong không khí âm ỷ mùi vị thân thể Canh Dương vẫn còn lãng đãng chập chờn, lẽ nào là ảo giác của chàng sao?
- Nhị thiếu gia, chúng ta đi thôi! Bên ngoài xe ngựa đều đã chuẩn bị xong rồi.
Phượng Tường đóng cửa xong, bấm khóa lại. Trên đường trở về, giữa lòng đường đã hiện lên từng lớp sương mù lành lạnh, tiếng vó ngựa lọc cọc lạch cạch khua vang đều đặn nhàm chán trên con đường lót đá phiến xanh, vang vọng giữa không trung. Xa xa nơi giữa lòng đường, một điểm sáng xanh yếu ớt bồng bềnh phơ phất, lẻ loi một mình tựa như ma trơi trôi dờ dật, sau khi chiếc xe đã đến gần mới thấy rõ đó chỉ là ánh đom đóm không đúng thời tiết. Phượng Tường hỏi:
- Anh có nghe thấy tiếng động gì không?
Người làm công nghiêng đầu lắng nghe cả một lúc, rồi nghi ngại nói:
- Chẳng có tiếng động gì khác lạ đâu!
Phượng Tường lặng lẽ gật đầu, không nói thêm gì nữa. Anh người làm trẻ tuổi trong lòng nổi cơn bực bội, cánh tay lực lưỡng vung roi quất ngựa càng mạnh thêm, chiếc xe ngựa trong suốt lộ trình vội vã tiến về phía trước tối đen dày đặc, lại càng khiến cho Phượng Tường có ảo giác chuyến đi này là thẳng suốt đến hoàng tuyền.
Về đến nhà, lẳng lặng cùng người trong gia đình dùng qua bữa cơm tối, Phượng Tường bèn quay vào thư phòng của phụ thân, lục lọi tìm ra những lá thư đã lâu thật lâu trước đó, ở tại thôn quê chàng viết cho Canh Dương từ trang này đến trang khác mà chẳng hề gởi đi. Chàng dời lò sưởi lại, bóc thư ra cứ từng tờ một nhẹ nhàng thả vào trong ánh lửa; ngắm nhìn ngọn lửa hừng hực ôm ấp vết mực viết lên nỗi tương tư cùng tận của chàng, đáy lòng Phượng Tường cảm thấy ấm êm khôn xiết.
Người vợ bưng chiếc cốc có nắp đựng trà ướp hương hoa lài bước đến, hơi nóng bốc lên mờ mịt. Phượng Tường bèn hỏi:
- Nàng có nghe thấy tiếng động gì không?
Trên mặt cô ta đầy những dấu hỏi, một lúc sau mới nghi hoặc lên tiếng:
- Là tiếng gió đấy thôi?
Phượng Tường đẩy cửa bước đến dưới hiên, người vợ dịu dàng nối gót theo sau. Phượng Tường ngửng đầu nhìn lên bầu trời, chăm chú nghiêng tai nghe ngóng. E rằng là lời thở than của những chiếc lá phong rơi rụng, lại tựa hồ như tiếng thì thầm líu ríu của những đóa hoa cúc cùng với sương đêm, chàng tỉ mỉ phân biệt rõ ràng. Nơi xa không biết từ phương hướng nào, có tiếng nói cười của trẻ thơ truyền lại, hi hỉ ha hả như tiếng chuông bạc tranh đua đuổi bắt; trong làn gió thu, chúng mở một cánh cửa, bước ra ngoài rồi vui vẻ cười đùa rượt chạy, chạy đến một nơi rất xa, xa vời, xa lắm…

_HẾT_

Xem Tiếp: ----